Chương 6

Lời Nguyền Lâu Lan

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

Sau khi lửa soi hồng những khuôn mặt đẫm mồ hôi.
Sau khi sương lạnh bao trùm vườn hoa tĩnh mịch.
Sau khi mang đau thương qua những ngọn núi đá.
Lại là những tiếng gào thét, lại là những tiếng kêu la.
Cung điện tù ngục và tiếng sấm xuân
Vang vọng làm chấn động núi xa
Ngày ấy anh ta đang sống, còn bây giờ đã chết
Chúng ta đã từng sống và bây giờ đang sắp chết
Chỉ cần kiên nhẫn một chút thôi.

La Chu ngồi trên ghế, lặng lẽ nghe đoạn thơ trên trong bài thơ “Đất hoang”. Trong chớp mắt, anh cũng cảm thấy giống như lời trong bài thơ, bản thân anh đã từng sống, còn bây giờ thì đang sắp chết. Anh thong thả hít thở không khí, ngắm Lam Nguyệt đang ngồi trước mặt. Còn Lam Nguyệt thì đang nhìn thẳng vào mắt La Chu, đọc “Đất hoang” bằng chất giọng giàu sức cuốn hút của mình. Ánh sáng trong phòng đã được cô điều chỉnh xuống mức thấp nhất, vừa đủ để La Chu có thể nhìn rõ khuôn mặt và đôi mắt mơ màng của cô. Cô ngồi cách La Chu khoảng một mét, La Chu cảm thấy đây là khoảng cách có thể mộng tưởng hão huyền nhưng không thể với tay tới. La Chu không rõ bây giờ là mấy giờ đêm, chỉ nhớ những con sóng cả trên sông Tô Châu đã sớm bị bóng tối bao trùm. Anh giống như một ngư dân, bỗng nhiên đánh được một con cá tuyệt đẹp ở dưới sông. Miệng Lam Nguyệt tiếp tục mấp máy dưới ánh điện, những câu thơ trong “Đất hoang” giống như khe suối chầm chậm tuôn chảy:

Ở đây không có nước chỉ có núi đá,
Núi đá không có nước chỉ có con đường cát,
Con đường cát chạy vòng quanh núi
Núi là do đá chồng lên nên không có nước
Nếu có nước chúng ta đã dừng lại để uống
Giữa núi đá con người không thể dừng lại hoặc suy nghĩ
Bàn chân cạn mồ hôi chìm trong đất cát

Chỉ cần trong núi đá có nước
Núi đã chết miệng đầy răng sâu, không khạc ra được một giọt nước
Người ở đây không thể đứng, cũng không thể nằm, cũng không thể ngồi
Trên núi đến cả sự tĩnh lặng cũng không có.
Chỉ có tiếng sấm cạn, không có mưa
Trên núi đến cả sự cô đơn lạnh lẽo cũng không có
Chỉ có những bộ mặt trầm uất gầm thét trong nụ cười lạnh lẽo
Hiện ra trên cửa căn nhà bùn khô nứt nẻ.

La Chu rất thuộc đoạn thơ này, anh đã từng kinh hãi cái thế giới mà T.S Eliot miêu tả, nhưng nghĩ kỹ, kỳ thực bản chất của thế giới không phải mang dáng dấp như thế sao? Con người đã giấu giếm, che đậy, không phải bản chất thật của bộ mặt thế giới là thế này ư? Cho dù là như thế thì có gì đáng sợ đâu, chỉ có đôi môi hồng của người đọc thơ, dường như cùng lúc tuôn ra những vần thơ cũng hút luôn cả anh vào đó. Thực ra bài thơ mà anh thích nhất không phải “Đất hoang” mà là bài “Bốn khúc tứ tấu”[26], cũng là bài thơ được giải Nobel văn học. La Chu trước kia thậm chí còn viết một cuốn tiểu thuyết có liên quan đến Eliot, đại thể là mô phỏng theo Jorge Luis Borges, nội dung kể về Eliot đi trong mê cung, nhưng mãi không đi được đến đoạn cuối. Bắt đầu từ đất hoang, cuối cùng lại kết thúc ở đất hoang. Trong khi La Chu đang suy nghĩ lan man về Eliot thì Lam Nguyệt vẫn vẫn tiếp tục đọc “Đất hoang”.

Chỉ cần có nước
Mà không cần núi đá
Nếu có núi đá
Cũng có nước

Có nước
Có nguồn
Trong núi đá có đầm nước nhỏ
Nhưng chỉ có tiếng nước chảy

Không phải là thật
Cùng đồng ca với cỏ khô
Còn tiếng nước chảy trên núi đá
Ở đó chim họa mi thành đàn hót trên những cây tùng

Tí tách, tí tách, tách tách tách

Nhưng không có nước.

– Đủ rồi! – La Chu đột ngột cắt đứt giọng đọc của Lam Nguyệt. Anh lẩm bẩm câu “Nhưng không có nước”. Cho dù dưới căn hộ của anh là một con sông đầy nước, nhưng anh vẫn cảm thấy khát, anh cảm thấy trong cổ họng bỗng nhiên nóng ran lên như có ngọn lửa thiêu đốt ở bên trong.

– Nhưng vẫn chưa đọc xong. – Lam Nguyệt dịu dàng nói.

– Anh biết!

La Chu ngẩng đầu lên, ghé sát vào cô nói:

– Xin lỗi đã cắt lời em, nhưng đến đấy với anh là đủ lắm rồi, không cần phải đọc hết! Nếu không anh sẽ không chịu nổi. Vả lại, em đọc cũng đã lâu rồi, nhất định khát nước, phải uống một chút gì chứ!

Anh đứng dậy mang đến cho Lam Nguyệt mấy lon nước ngọt.

– Cảm ơn anh, em không khát, em sinh ra vốn đã không sợ khát rồi!

Nhưng cô vẫn uống một ngụm, có lẽ là vì lịch sự, cũng có thể cô khát thật.

– Em biết vì sao anh chịu không nổi không? Vì từ cái đoạn “Chỉ cần có nước” đến cái đoạn “Nhưng không có nước” đó là quá trình đi từ hy vọng đến tuyệt vọng hoàn toàn. Có nước và không có nước, đọc nên chỉ thiếu một chữ nhưng là ranh giới giữa sinh tồn và chết chóc. Anh bỗng nhiên nhớ đến “Đoạn hồn Lâu Lan” của chúng ta. Thành cổ Lâu Lan chẳng phải vì mất nguồn nước mà bị diệt vong sao?

– Trong kịch bản của chúng ta, Thành cổ Lâu Lan mất nguồn nước là do lời nguyền.

– Đúng, nhưng theo anh thì như nhau cả thôi, đều là một dạng tuyệt vọng! Anh nghĩ Amanda Eliot có lẽ biết Thành cổ Lâu Lan, thậm chí khả năng còn có cảm hứng với Thành cổ Lâu Lan. “Đất hoang” viết năm 1922, khi đó những báo cáo và thư tịch của Sven Ahders Hedin và Marc Aurel Stein đã lưu truyền trong dân gian mười mấy năm rồi! Rất nhiều người phương Tây có cảm tình với nền văn minh cổ đại của Tân Cương. Eliot có khả năng cũng là một trong số người đó. Ông cũng có khát vọng được đi du lịch Tân Cương, thậm chí còn nuôi hy vọng được đến thăm Thành cổ Lâu Lan? Do có khát vọng đó cho nên ông mới viết “Đất hoang”, có vẻ như trong “Đất hoang” đều là những hoàn cảnh ông ta đã sống hoặc là thấy nó trong ảo giác, nhưng anh cảm thấy những ý cảnh đó đều hướng về một nơi: Thành cổ Lâu Lan. Cảnh tượng hoang lạnh và chết chóc là Thành cổ Lâu Lan bây giờ, nhưng hoàn cảnh sống và nhân vật ông ta miêu tả là Thành cổ Lâu Lan của ngày xưa, chính là thời đại phồn vinh của con người Thành cổ Lâu Lan. Mà Thành cổ Lâu Lan đi từ tiêu vong đến biến thành đất hoang, cũng chính là hình tượng phù hợp đi từ cái chết đến sự hủy diệt.

Khóe môi Lam Nguyệt khẽ nhếch lên, khiến khuôn mặt trông tròn trịa hơn, cô nói:

– Anh thật là có đầu óc tưởng tượng, có lẽ anh nói đúng!

– Thôi mà, anh chỉ suy đoán lung tung thôi mà, có lẽ Eliot căn bản không biết đến sự tồn tại của Thành cổ Lâu Lan! – La Chu cười tự chế nhạo mình.

– Em vẫn cứ muốn tin rằng những ý cảnh trong “Đất hoang” là nói về Thành cổ Lâu Lan.

Lam Nguyệt đứng lên, cô đi về phía cửa sổ, nhìn về phía những toà nhà trùng điệp bên kia sông đang phát ra những ánh đèn lấp lánh, bỗng nhiên cô mở toang cửa sổ, một cơn gió thổi vào, làm tóc cô tung bay.

– Sao lại mở cửa sổ ra? – La Chu bị gió thổi làm cho ớn lạnh.

– Cảnh đêm đẹp lắm! – Lam Nguyệt khẽ nói, – Giống như Thành cổ Lâu Lan, cảnh đêm ở Thành cổ Lâu Lan 2000 năm trước nhất định cũng đẹp như thế này, còn Thành cổ Lâu Lan của 2000 năm sau lại hoang lạnh làm sao! Cảnh sắc đêm nay của thành phố này thật đẹp, 2000 năm nữa, nơi đây sẽ biến đổi như thế nào đây? Lịch sử nên công bằng!

La Chu cảm thấy trong giọng nói của cô có niềm tâm sự, nhưng anh vẫn lạnh lùng nói:

– 2000 năm sau chúng ta đều không tồn tại nữa, đối với sự việc lúc ấy chúng ta chẳng cần quan tâm làm gì!

– Nhưng có lẽ người Thành cổ Lâu Lan 2000 năm trước đã dự cảm thấy ngày hôm nay. Còn chúng ta hôm nay, vẫn có thể cảm nhận được sự tồn tại và ảnh hưởng của Thành cổ Lâu Lan.

– Ai mà biết được? Anh chỉ quan tâm đến vở kịch của anh thôi!

Lam Nguyệt rời khỏi cửa sổ, đi về phía cửa phòng, nói nhỏ:

– Em về đây!

Nhìn Lam Nguyệt bước ra từ phía sau, La Chu bỗng cảm thấy phấn khích, anh kéo tay Lam Nguyệt lại, nói:

– Hãy ở lại đây, Lam Nguyệt, đêm nay anh cần em!

Lam Nguyệt dừng bước, cô từ từ quay đầu lại, nhìn La Chu bằng ánh mắt lạ lẫm. Ánh mắt đó như ánh mắt của chủ nhân nhìn nô lệ, cửa sổ vẫn mở, gió vẫn thổi tung bay làn tóc, cô nói xa xôi: – La Chu, có thật anh muốn em ở lại đêm nay?

La Chu gật đầu thật mạnh:

– Ở lại đi, chỉ cần em tự nguyện!

– La Chu, anh có thể sẽ ân hận về phấn khích chốc lát của anh đêm nay đấy!

– Không, cho dù kết cục như thế nào, anh cũng không ân hận!

Anh càng nắm chặt bàn tay cô hơn.

Lam Nguyệt bất đắc dĩ cười, một nụ cười đau khổ, nói:

– Có lẽ đây là số mệnh!

– Đúng, đây là số mệnh!

Người Lam Nguyệt phút chốc mềm oặt, cô không phản ứng gì. La Chu nhẹ nhàng ôm cô vào lòng, giống như ôm lớp thịt của con trai tươi rói, đẹp đẽ và mịn màng bị bóc mất lớp vỏ cứng. Gió tiếp tục thổi qua cửa sổ, thổi bay tất cả những gì trên người họ. Dưới ánh đèn mờ mờ, trong phòng chỉ có hai linh hồn cô đơn đang thở hổn hển.

Trong cái đêm gió thu phóng đãng ấy, La Chu bắt đầu bước vào một vùng đất hoang mới mẻ.

2

Diệp Tiêu đỗ xe ở dưới chung cư, xe vừa dừng, một cơn gió thu buổi sớm ập đến, khiến anh cảm thấy lạnh. Anh khép chặt cổ áo, rụt cổ lại, quay đầu nhìn con đê bên sông Tô Châu, ở đó những người già tập thể dục buổi sáng ít hơn so với trước kia. Trên mặt sông, sương sớm tạo thành một lớp mỏng. Anh nhìn đồng hồ, 8 giờ sáng. Anh không biết lúc này đối với La Chu là sớm hay muộn. Nhưng anh vẫn rảo bước về phía chung cư, vào thang máy đi lên tầng trên cùng. Tay anh cầm một cuốn sách, đây là cuốn sách La Chu đã đặc cách mượn giúp anh ở thư viện, là sách về cuộc thám hiểm của Sven Ahders Hedin ở Trung Quốc. La Chu dặn anh sáng nay cần đến cuốn sách này.

Diệp Tiêu ấn chuông cửa.

Anh đợi rất lâu, phải đến hai phút, mới thấy cửa từ từ mở ra. La Chu mặc độc một chiếc quần đùi đứng trước mặt anh, dáng vẻ hơi luống cuống, đôi mắt ngái ngủ, chân đứng không vững, Diệp Tiêu thấy hơi lạ, hỏi:

– La Chu, cậu sao thế, hay là tớ tới sớm quá?

– Diệp Tiêu, cậu đến có việc gì thế?

– Thế cậu quên rồi à? – Diệp Tiêu cầm cuốn sách khua khua trước mặt La Chu.

La Chu không biết làm thế nào, anh khẽ tát vào mặt mình một cái, nói:

– Ồ, thành thật xin lỗi cậu, tớ quên khuấy cả chuyện mượn sách!

La Chu vẫn đứng ở cửa, không động đậy, không ra đón khách, cũng không ra tiễn khách, như không muốn cho Diệp Tiêu vào nhà, Diệp Tiêu thấy hơi lạ:

– Cậu làm sao vậy?

– Ôi,… xin lỗi, xin lỗi, tớ lú lẫn rồi, cậu mau vào nhà đi!

Diệp Tiêu và La Chu ngồi vào phòng khách:

– Diệp Tiêu, cảm ơn cậu đã mang sách đến trả tớ!

– Không phải khách khí thế, chúng ta là bạn tốt của nhau mà. Quyển sách này chỉ có tính phổ quát thôi, vì dưới góc độ người phương Tây, có một số quan điểm tương đối thiên lệch, tớ không thích. Nhưng những ghi chép về tư liệu văn hiến thì rất tỉ mỉ xác thực, đặc biệt trong cuốn sách này có rất nhiều bức ảnh quý, rất có giá trị, có thể giúp cậu trong việc tập kịch. Hôm nay cậu bị làm sao thế, ma bắt mất hồn rồi à?

– Không, không có gì, có lẽ do đêm qua mệt quá! – La Chu trả lời lúng ta lúng túng.

Diệp Tiêu nhìn mắt anh, lắc lắc đầu, nói:

– Cậu nhìn lại cậu xem, vành mắt thì đen sạm, máu trong người như bị hút cạn cả rồi, không bận gì thì đi tập tành một chút đi!

– Tớ làm sao mà bì với cảnh sát các cậu được!

Bỗng Diệp Tiêu nghe có tiếng chân người, sau đó là tiếng nước chảy từ vòi ra. Tiếng động ấy phát ra từ trong phòng vệ sinh cạnh phòng khách. Mặt La Chu lập tức biến sắc, anh ngượng ngùng nhìn Diệp Tiêu, không nói được gì.

Diệp Tiêu hiểu ngay vấn đề, anh biết vì sao La Chu lại có biểu hiện ngượng ngùng thế, nhưng anh không nói ra, chỉ nhìn La Chu mỉm cười. La Chu và Diệp Tiêu, hai người rất hiểu ý nhau, họ thậm chí có thể nói chuyện với nhau qua ánh mắt. Tiếng nước vẫn chảy trong phòng vệ sinh, như chẳng để ý gì đến hai người đàn ông đang ngồi trong phòng khách.

Diệp Tiêu cuối cùng cũng cất tiếng nói:

– Không nghĩ rằng cậu lại còn có khách, lạ thật, lạ thật. Thôi được, tớ về đây, không làm phiền các cậu nữa! – Anh nhanh nhẹn đứng dậy.

La Chu đi đến bên cạnh Diệp Tiêu, ghé tai anh nói nhẹ nhàng:

– Diệp Tiêu, cậu đúng là người bạn tốt, người anh em tốt của tớ.

– Thôi tạm biệt nhé! – Diệp Tiêu đi ra khỏi phòng.

La Chu đi theo sau, ra khỏi cửa anh mới nói nhỏ với Diệp Tiêu:

– Thật chẳng ra làm sao, Diệp Tiêu, để cậu chê cười rồi.

– Thôi mà, cứ thoải mái đi, nhưng chú ý đến sức khoẻ. Vở kịch của các cậu hôm nào công diễn, nhớ thông báo cho tớ nhé, tớ nhất định đến xem. Tạm biệt! – Diệp Tiêu mỉm cười chia tay La Chu, bước vào thang máy.

Thang máy từ từ đưa anh xuống. Anh cười thầm trong bụng khi nhớ đến tiếng động nghe được trong phòng khách và biểu hiện lúng túng của La Chu. Người con gái ấy là ai nhỉ? Diệp Tiêu nhớ đến cô diễn viên hay quấy rầy mà La Chu thường nhắc đến. Thang máy đã xuống đến tầng dưới cùng, Diệp Tiêu đi ra khỏi toà nhà, thong thả bước đến chỗ để ô tô. Nhưng anh không lên xe ngay, mà đứng ngây ra nhìn làn sương mỏng trên sông, anh có cảm giác trong đám sương mù đó đang ẩn chứa thứ gì đó, nó đang từ từ bay lên, mịt mù, quẩn quanh trên khắp bầu trời thành phố, giống như những âm hồn.

3

Diệp Tiêu nhìn rất lâu, có lẽ phải đến mười mấy phút, bỗng anh nhớ ra vẫn còn việc phải giải quyết, thế là anh quay lại chuẩn bị lên xe. Đúng lúc ấy, anh nhìn thấy một người con gái đi từ trong toà nhà ra.

Anh chú ý ngay đến đôi mắt của cô gái trẻ này, trong không khí mơ hồ buổi sớm, đôi mắt ấy phát ra những tia sáng đặc biệt, buộc người ta phải chú ý. Diệp Tiêu thấy đôi mắt này hơi quen quen, hình như đã gặp ở đâu rồi. Ánh mắt ấy từ từ hướng về phía anh, cuối cùng nhìn thẳng vào anh. Họ nhìn thẳng vào nhau, điều này làm Diệp Tiêu thấy không hay ho gì. Thế rồi anh nhớ ra cô diễn viên chỉ nói một câu thoại nhưng khiến anh có ấn tượng rất sâu sắc trong buổi nhóm La Chu tập kịch hôm ấy. Diệp Tiêu nhớ ra, La Chu hình như cũng đánh giá cô ta rất cao, cô ta tên là gì nhỉ? Đúng rồi, La Chu đã nói với anh, tên cô ta là Lam Nguyệt, một cái tên rất ấn tượng.

Lam Nguyệt đi thẳng đến trước mặt Diệp Tiêu. Một cô gái xinh đẹp không quen biết đang nhìn vào mắt anh, khiến anh bỗng cảm thấy hồi hộp. Lúc này, Lam Nguyệt không trang điểm, để mặt mộc, có lẽ là vì vừa ở trên lầu xuống không có thời gian, cô nhẹ nhàng nói:

– Hình như em đã gặp anh rồi?

– Gặp ở đâu nhỉ? – Diệp Tiêu cố ý hỏi.

– Ở rạp kịch, La Chu là bạn của anh à? – Lam Nguyệt hỏi giọng xa xôi.

Diệp Tiêu gật đầu.

– Em là Lam Nguyệt, là diễn viên trong đoàn kịch của anh La Chu, hình như anh đã đến xem bọn em biểu diễn.

– Ừ, phải rồi, em diễn hay lắm, anh vẫn còn nhớ vai diễn của em. Ồ, anh là Diệp Tiêu, đây là danh thiếp của anh! – Diệp Tiêu đưa danh thiếp cho Lam Nguyệt.

Lam Nguyệt nhận danh thiếp rồi nói:

– Hoá ra là một vị sĩ quan cảnh sát. Thất kính rồi!

– Không sao!

Lam Nguyệt bỗng cất tiếng cười, cô nhẹ nhàng nói:

– Lúc nãy ở phòng khách của La Chu, sao anh không ngồi chơi thêm một lúc nữa? Sao mà vừa nghe thấy tiếng em đã vội bỏ chạy thế.

Điều này làm Diệp Tiêu thấy ngượng ngùng, anh không ngờ cô gái trước mặt anh lại bạo dạn đến thế, anh còn cho rằng cô ấy chỉ nên ngầm hiểu thôi. Diệp Tiêu không biết trả lời thế nào, đành cười trừ nói:

– Anh xin lỗi đã làm phiền đến phút nghỉ ngơi của bọn em, làm sao còn dám ngồi thêm nữa.

– Thế ạ, em cũng thấy không sao cả, đêm qua chẳng qua là ngoài ý muốn thôi, anh đừng nghĩ rằng giữa em và La Chu có quan hệ gì đó lâu dài.

– Sao em lại phải nói với anh? Đấy là chuyện riêng của bọn em, anh không có hứng với chuyện này lắm. Xin lỗi, anh có việc cần phải đi trước đây!

– Tạm biệt cảnh sát Diệp! Nhớ đến xem bọn em biểu diễn đấy nhé!

Lam Nguyệt mỉm cười nói, trong đôi mắt chưa trang điểm của cô loé lên những tia sáng rực rỡ khác thường.

– Thế nhé, tạm biệt!

Diệp Tiêu chui nhanh vào trong xe như trốn chạy điều gì. Anh đóng chặt cửa, khởi động xe rồi phóng vút đi. Nhìn qua gương chiếu hậu, anh thấy bóng của Lam Nguyệt càng ngày càng nhỏ, rồi dần dần mất hút. Đến chỗ Hứa An Đa bị tai nạn, anh cho xe giảm tốc độ, từ từ rẽ vào đường cua. Trong đầu anh bỗng hiện lên khuôn mặt và thân thể bị dao mổ rạch của Hứa An Đa trên bàn phẫu thuật. Và nỗi sợ hãi khủng khiếp bóp chặt trái tim anh.

4

Đêm khuya, cổng chính của Viện Nghiên cứu Khảo cổ trong đang chìm trong màn đêm sâu thẳm của mùa thu. Bỗng cửa được mở ra, một bóng người lặng lẽ đi vào, trong tay cầm một chiếc cặp da màu đen, trông rất nặng nề. Ánh sáng yếu ớt hắt lên khuôn mặt của người ấy, hoá ra là Lâm Tử Tố.

Mặt anh ta trông u ám dễ sợ, anh ta mặc một bộ quần áo đen dáng chừng như chuẩn bị đi đâu xa. Anh ta chậm chạp bước đi trên đường, như đang tính toán điều gì, mặt lộ vẻ do dự. Trên đường tịnh không một bóng người, chỉ thỉnh thoảng có chiếc ô tô phóng vụt qua.

Một chiếc taxi chạy đến, Lâm Tử Tố vẫy lại, anh ta bước lên xe, vội vã nói:

– Đến sân bay!

Chiếc xe phóng đi như bay.

Mấy phút sau, trên đường lại xuất hiện một chiếc xe nữa, chiếc xe này lặng lẽ bám theo chiếc taxi. Lâm Tử Tố ngồi ở ghế sau, tinh thần có vẻ lo lắng. Anh ta ôm chặt chiếc cặp da vào lòng, hình như bên trong có vật gì đó rất quý. Bỗng nhiên anh ta có biểu hiện kỳ lạ, trán vã mồ hôi, tay xoa lên ngực.

Lái xe nhìn thấy biểu hiện khác thường của anh ta, vội hỏi:

– Anh sao thế?

– Tôi, tôi không sao. – Giọng Lâm Tử Tố cũng không được bình thường.

– Hay là anh bị bệnh cấp tính? Tôi nhìn bộ dạng của anh thấy khó mà đi máy bay được, tôi đưa anh đến bệnh viện nhé?

– Không, không, tối nay tôi phải đi khỏi đây, mau đến sân bay.

Lâm Tử Tố bỗng cảm thấy có gì đó không ổn. Anh ta quay đầu nhìn con đường phía sau và phát hiện thấy có một chiếc ô tô đang bám sát sau xe taxi.

– Có người đang theo dõi mình. – Lâm Tử Tố lẩm bẩm.

Anh ta bỗng như bị điên, không giấu nổi sự thay đổi bất thường của mình, nói với lái xe:

– Bác tài, mau chạy nhanh lên, càng nhanh càng tốt, cắt đuôi chiếc xe đằng sau đi!

Lái xe lắc đầu nói:

– Anh điên à? Chạy nhanh lắm rồi, nhanh nữa để mà chết à!

Đầu Lâm Tử Tố hình như rất đau, trông rất khổ sở. Anh ta lại quay đầu nhìn chiếc xe đang bám theo phía sau, thần sắc càng khiếp sợ. Anh ta thò cánh tay run rẩy lấy ra một tờ ngân phiếu đưa cho lái xe:

– Bác tài, xin bác đấy!

– Anh định làm cái gì đấy?

Bỗng phía sau không thấy có động tĩnh gì. Người lái xe cảm thấy hơi lạ, ông ta quay đầu lại nhìn, đã thấy Lâm Tử Tố ngã gục xuống ghế. Ông ta vội vàng cho xe dừng lại, nhảy ra ngoài, mở cửa sau. Lâm Tử Tố đã nằm yên bất động.

Lúc đó chiếc xe bám phía sau cũng dừng lại. Từ trên xe, một thanh niên bước xuống, chính là Diệp Tiêu.

Diệp Tiêu xông đến cạnh chiếc xe, hỏi lái xe:

– Sao rồi?

Người lái xe sợ hãi trả lời:

– Không liên quan gì đến tôi, anh ta hình như bị bệnh cấp tính.

Diệp Tiêu thò đầu vào trong xe, sờ vào động mạch của Lâm Tử Tố. Sau đó nói nhỏ:

– Anh ta chết rồi!

5

Hành lang vang lên tiếng bước chân của Diệp Tiêu và Văn Hiếu Cổ. Văn Hiếu Cổ rảo bước bám theo Diệp Tiêu. Diệp Tiêu đang đi đằng trước bỗng nhiên dừng lại, anh quay lại nhìn Văn Hiếu Cổ, sau khi lặng đi một lúc, anh mở cánh cửa bên cạnh, hạ giọng nói:

– Mời vào!

Văn Hiếu Cổ theo chân Diệp Tiêu bước vào phòng, vừa bước qua cửa, ông đã cảm thấy một cảm giác lành lạnh, đặc biệt là phía dưới chân, một cơn lạnh thấu xương. Theo bản năng ông nhìn sang hai bên, thì thấy trên bốn bức tường đều xếp những chiếc tủ kim loại, hay có thể gọi là những chiếc ngăn kéo, cái nào cũng rất to, có khoá, hình như còn có cả niêm phong.

Diệp Tiêu mở một trong những chiếc tủ hay còn gọi là ngăn kéo, đúng là giống một chiếc ngăn kéo to. Anh rút chiếc ngăn kéo đó ra, bên trong có một thi thể bị khí lạnh trùm kín.

Văn Hiếu Cổ đã chuẩn bị sẵn tư tưởng, ông trấn tĩnh lại một lần nữa, nhìn vào xác chết trong tủ lạnh, vừa nhìn vào ông đã biết, ông cảm thấy trong tim hình như có cái gì tan vỡ, ông gật đầu, chậm chạp nói với Diệp Tiêu:

– Đó là Lâm Tử Tố!

Văn Hiếu Cổ không dám nhìn lâu, ông ngoảnh mặt đi. Diệp Tiêu nhìn ông gật đầu, đẩy xác Lâm Tử Tố vào chỗ cũ, đóng cửa nhà xác lại.

– Chúng ta ra khỏi đây thôi! – Diệp Tiêu dẫn Văn Hiếu Cổ ra khỏi kho lạnh của nhà xác.

Ra đến hành lang, Văn Hiếu Cổ thở mạnh mấy cái liền, có cảm giác như đi vào mộ cổ. Ông quay đầu nói với Diệp Tiêu:

– Cảm ơn các anh đã phát hiện ra xác của hắn ta, cuối cùng hắn cũng bị trừng phạt thích đáng!

– Ông nói trừng phạt cái gì cơ?

– Sáng sớm nay, tôi phát hiện Lâm Tử Tố không đi làm, đã cảm thấy có thể có vấn đề xảy ra. Tôi lập tức cho kiểm tra lại các di vật trong kho, thấy bị mất một số hiện vật quý. Gia đình hắn cũng không biết hắn đi đâu. Giải thích duy nhất là, hắn đã cuỗm những di vật quốc gia bỏ trốn rồi. Tôi đang định báo cáo cơ quan công an các anh thì nhận được thông báo của anh.

– Viện trưởng Văn, thật ra tôi mời ông tới không phải để nhận mặt người chết mà mời đến để nhận lại những di vật quốc gia đó. – Diệp Tiêu lạnh lùng nói – Mời đi theo tôi!

Diệp Tiêu và Văn Hiếu Cổ đi đến cầu thang của một căn nhà khác, vừa đi, Văn Hiếu Cổ vừa hỏi: – Anh Diệp, làm sao các anh lại phát hiện ra hắn?

– Tối hôm qua, Lâm Tử Tố đi taxi mang theo những di vật, chuẩn bị ra sân bay.

Văn Hiếu Cổ phẫn nộ nói:

– Hắn định mang di vật chạy trốn ra nước ngoài à?

– Đúng thế, về sau chúng tôi tìm được trên người hắn hộ chiếu xuất cảnh và vé máy bay quốc tế.

– Có lẽ hắn đã kịp liên hệ với bọn mua bán đồ cổ quốc tế.

– Viện trưởng Văn, ý ông là Lâm Tử Tố mang đồ cổ xuất cảnh là phạm tội có tổ chức à?

– Đó là tôi phán đoán thế thôi. Nhưng mấy năm gần đây, những vụ tương tự thế này rất nhiều, nhiều hiện vật đào được đã bị đưa ra nước ngoài bằng thủ đoạn này. Lâm Tử Tố mang những đồ cổ quý hiếm này ra nước ngoài, một khi đã thoát được, e rằng hắn ta có thể trở thành triệu phú, cho nên hắn mới liều mạng thế. Diệp Tiêu, Lâm Tử Tố chết như thế nào?

– Hắn chết đột ngột trên taxi. – Diệp Tiêu vừa trả lời vừa quan sát sự thay đổi trên mặt Văn Hiếu Cổ.

Văn Hiếu Cổ đột nhiên thận trọng hỏi Diệp Tiêu:

– Thế đã tìm ra nguyên nhân cái chết của Lâm Tử Tố chưa?

– Xin lỗi ông, việc này không thể nói được!

Vừa đi vừa nói, họ đã đi đến một căn phòng khác.

Diệp Tiêu mở tủ bảo hiểm, lấy ra một cái cặp màu đen:

– Viện trưởng Văn, mời ông biên nhận và kiểm kê lại, đây có phải những hiện vật mà quý Viện bị mất không?

Sau đó Diệp Tiêu mở chiếc cặp ra, Văn Hiếu Cổ đeo găng tay vào, kiểm kê các hiện vật trong cặp, vừa kiểm, toàn thân ông vừa run lẩy bẩy.

– Viện trưởng Văn, ông thấy trong người không được khoẻ à? – Diệp Tiêu đứng bên hỏi.

Văn Hiếu Cổ ngẩng đầu lên trả lời:

– Không, tôi hơi kích động, tôi đã nghĩ những hiện vật này nếu Lâm Tử Tố mang đi sẽ chắc chắn không thể quay trở lại được nữa, không ngờ vừa mất đã tìm lại được ngay.

Bỗng Diệp Tiêu nhìn thấy Văn Hiếu Cổ lấy từ trong cặp ra một chiếc mặt nạ màu vàng. Anh nghĩ ngay đến cái gì đó, hỏi:

– Viện trưởng Văn, mặt nạ màu vàng này dùng để làm gì vậy?

– Mặt nạ bằng vàng này được tìm thấy trong một ngôi mộ cổ, khi phát hiện chiếc mặt nạ này đang úp trên mặt chủ nhân nó.

– Là úp trên mặt xác ướp? Giống như úp trên mặt các Pharaon Ai Cập cổ đại phải không?

Giọng Văn Hiếu Cổ có vẻ ngạc nhiên:

– Đúng thế, có lẽ cũng có cùng một tác dụng. Người chủ mộ hy vọng giữ được dung mạo sau khi chết, nên họ cho úp mặt nạ lên mặt mình. Diệp Tiêu, anh có vẻ cũng hứng thú với Ai Cập cổ đại nhỉ?

– Không, tiện thì hỏi thôi.

Văn Hiếu Cổ phải mất rất nhiều thời gian mới kiểm kê hết được số hiện vật, ông ta gật đầu nói:

– Những hiện vật bị mất đều ở đây cả rồi, rất cảm ơn Sở Công an các anh!”

Diệp Tiêu lãnh đạm nói:

– Được rồi, Viện trưởng Văn, ông đã kiểm kê xong phần hiện vật, mau đem nó về, bảo quản cẩn thận, đừng để mất lần nữa. Bây giờ tôi sẽ đưa ông đi lập biên bản trao trả tang vật, sau đó sẽ lái xe đưa ông và số hiện vật về.

6

Diệp Tiêu lái xe đưa Văn Hiếu Cổ và số hiện vật về Viện Nghiên cứu khảo cổ. Trên đường đi, không ai nói với ai câu gì. Văn Hiếu Cổ đeo chiếc cặp đựng hiện vật, ngắm nhìn phong cảnh trời thu ngoài cửa xe, đang mơ mơ màng màng, ông như nhìn thấy khuôn mặt của Lâm Tử Tố hiện ra trước cửa xe.

Văn Hiếu Cổ thấy hoang mang, ông hạ kính xe xuống, khuôn mặt vừa nãy đã biến mất, hoá ra đó chỉ là ảo giác.

Diệp Tiêu chú ý đến thái độ khác thường của Văn Hiếu Cổ:

– Viện trưởng Văn, ông sao vậy?

– Không, không có gì, chỉ là hơi xúc động về việc hiện vật mất nay lại tìm thấy.

Cơn gió thu ùa vào cửa xe đang mở toang, ông bất lực cúi đầu, mặc cho xe chở ông lao nhanh về phía trước.

7

Diệp Tiêu đến rồi.

Bạch Bích hôm nay trang điểm nhẹ, mặc dù nhạt đến độ khó nhận ra, nhưng cô cũng tốn không ít thời gian. Cô đứng hồi lâu trước gương, ngắm màu môi. Từ sau khi Giang Hà qua đời, cô không chú ý lắm đến trang điểm, nhiều khi chỉ bôi quệt qua loa, thậm chí còn không soi gương. Cô ngờ rằng nếu mình có biến thành bà già, e cũng không phát hiện ra. Nhưng lúc này, cô nhận thấy mình trong gương vẫn trẻ như xưa, vóc dáng cũng rất đẹp, cô mới 23 tuổi, vì sao cứ phải đắn đo, e ngại nhiều thế?

Tám giờ, Diệp Tiêu gọi điện thoại đến, anh nói 10 giờ sẽ đến để nói chuyện với cô về sự tiến triển của vụ án. Trong chớp mắt, tay cầm điện thoại của Bạch Bích bỗng run lên, tiếng Diệp Tiêu trong điện thoại cũng có vẻ khác, cô nhớ đến khuôn mặt quen thuộc.

Khi tiếng chuông cửa Diệp Tiêu ấn vang lên, Bạch Bích thong thả rời khỏi gương, ra mở cửa cho anh. Bạch Bích bỗng cảm thấy khí sắc của Diệp Tiêu trước mặt cô bỗng biến thành giống như khí sắc của Giang Hà hôm anh vừa từ hồ La Bố trở về, cô nhẹ nhàng nói:

– Xin lỗi, tính ngang bướng của em nhất định làm cho anh mệt rồi!

– Được rồi, không nói đến nó nữa! – Giọng Diệp Tiêu cũng có phần thoải mái.

Bạch Bích vội rót cho anh một cốc nước ngọt. Diệp Tiêu nhìn cốc nước ngọt cô bưng đến, đột nhiên bỗng cảm thấy khát ghê gớm, thế là chẳng khách khí gì, uống luôn một ngụm to, sau đó nói:

– Cảm ơn em! Trước hết cho em biết một việc, Lâm Tử Tố chết rồi!

– Lộ rõ chân tướng rồi à? – Bạch Bích lập tức nghĩ đến điều gì đó.

Diệp Tiêu vẻ mặt trang trọng nói:

– Hoàn toàn ngược lại, càng rối rắm hơn. Lâm Tử Tố cuỗm rất nhiều di vật quan trọng bỏ trốn, cuối cùng bị chết bất ngờ trên đường đến sân bay, giống như bọn Giang Hà. Trong số những di vật hắn lấy đi có một chiếc mặt nạ màu vàng.

– Chính là cái mặt nạ em nhìn thấy à?

– Đúng thế, đúng là cái mặt nạ bằng vàng đó. Lần trước em nói đang đêm nhìn thấy trong Viện Nghiên cứu khảo cổ có người đeo chiếc mặt nạ này, chắc chắn đó là Lâm Tử Tố, không sai. Sáng sớm hai ngày sau đó, trên mảnh đất phía sau cửa sổ căn phòng Giang Hà bị chết, anh đã phát hiện có dấu chân người, sau khi cho lấy mẫu thạch cao đem so sánh với giày của Lâm Tử Tố, xác nhận đó chính là dấu chân của Lâm Tử Tố.

Bạch Bích than một câu:

– Em cứ tưởng Lâm Tử Tố mới là thủ phạm chính!

– Lâm Tử Tố không thể là thủ phạm chính. Hắn chỉ là một kẻ tiểu nhân vô liêm sỉ lợi dụng chức vụ để ăn cắp và mang những di vật ấy đi mà thôi. Em chẳng nên quan tâm đến việc này làm gì nữa, mình anh đã đủ mệt lắm rồi, không muốn nhìn thấy một vật hy sinh nữa.

Bạch Bích nghe những lời nói đó của Diệp Tiêu, nhìn khuôn mặt giống như khuôn mặt người mình yêu thương của anh, tim cô bỗng trào dâng nỗi xúc động, cô nhẹ nhàng nói:

– Nhưng, nếu như không biết được kết quả cuối cùng, cả đời em có lẽ sẽ phải sống trong sợ hãi.

– Em sợ cái gì nhỉ? Sợ Giang Hà à? Vì em đã nói chuyện với Giang Hà đã chết trên máy vi tính à?

Diệp Tiêu bỗng mỉm cười, nụ cười của Diệp Tiêu khiến Bạch Bích thấy hơi lạ, có gì đó khó hiểu. Diệp Tiêu tiếp tục nói:

– Nói cho em biết, nói chuyện với em trên máy vi tính không phải là Giang Hà đâu, mà là chương trình được cài sẵn đấy.

Bạch Bích lắc đầu.

Diệp Tiêu hỏi cô:

– Anh hỏi em, Giang Hà có phải là người rất giỏi về vi tính và phần mềm không?

– Đúng thế, anh ấy là người đa tài đa nghệ, thích nghiên cứu về những vấn đề đó. Anh ấy còn có giấy chứng nhận chuyên gia phần mềm, có công ty phần mềm thậm chí định trả lương cao để mời anh ấy về, nhưng anh ấy thích nghề khảo cổ, tiếp tục phục vụ cho sự nghiệp thanh bần của mình.

– Thế thì đúng rồi! Anh đã mang máy vi tính của Giang Hà về Sở, đã tìm hiểu rất kỹ ổ cứng của máy và đã phát hiện ra một phần mềm đối thoại. Không còn nghi ngờ gì nữa, phần mềm này chính là do Giang Hà thiết kế, anh phải thừa nhận, chỉ số thông minh của Giang Hà rất cao. Phần mềm anh ấy thiết kế không chê vào đâu được, làm cho em lầm tưởng cho rằng người trong máy vi tính nói chuyện với em chính là Giang Hà thật. Kỳ thực, bất kể là ai, chỉ cần mở thư mục “Bạch Bích vào đi” đều được máy nhận là em, đều có thể được nghe đoạn nói chuyện thứ nhất của Giang Hà. Những ngày này, anh đã thử rất nhiều lần, mỗi lần vào đoạn thứ nhất đều là những câu ấy. Về sau anh đã gõ vào máy những câu đứng từ góc độ của em và mang khẩu khí của em, ví dụ “Giang Hà, em rất nhớ anh”, “Vì sao anh lại bỏ em”, “Anh chết như thế nào”, thế là, trong máy tự động trả lời theo góc độ và khẩu khí của Giang Hà, thông thường câu trả lời sẽ là: “Bạch Bích em hãy quên anh đi!”, “Đây là một sai lầm, một sai lầm không thể tránh khỏi, kết cục của sai lầm là cái chết.”

– Đừng nói nữa! – Bạch Bích bỗng thấy xúc động, cô ngắt lời Diệp Tiêu, cúi đầu, vai rung lên.

– Anh nói không sai chứ? – Diệp Tiêu cảm thấy những hành động của mình hôm nay đối với Bạch Bích hơi tàn nhẫn, nhưng anh buộc phải nói cho cô biết sự thật.

– Bạch Bích, anh biết rằng anh nói như thế sẽ làm em rất đau khổ, nhưng anh không thể để em cứ sống mãi trong những ảo tưởng và hy vọng hão huyền, anh muốn giải cứu em.

Bạch Bích lắc đầu không nói gì.

Diệp Tiêu tiếp tục nói:

– Giang Hà thiết kế phần mềm ấy thực ra rất hoàn hảo, đã có trí tuệ nhân tạo, có đủ khả năng phân tích những câu em gõ vào máy, sau đó nhập vào hệ thống mô phỏng tư duy mà Giang Hà đã thiết lập, rồi tiến hành “suy ngẫm”, giống như hoạt động của bộ não con người. Sau đó căn cứ vào kết quả “suy ngẫm”, theo phương án trả lời đã được thiết kế sẵn, lấy những từ, những câu trong kho dữ liệu nội bộ của anh ấy ra và phản ánh lên màn hình, khi xem sẽ thấy giống như hỏi và đáp. Đây thật sự là một cuộc nói chuyện hoàn hảo giữa người và máy. Đúng vậy, anh cũng không mảy may nghi ngờ việc em hoàn toàn tin tưởng vào cuộc nói chuyện với Giang Hà, bởi vì hệ thống này được thiết kế rất khéo. Giang Hà tuy đã chết, nhưng tâm huyết của anh ấy có lẽ đã kết tụ trong hệ thống này rồi. Từ góc độ này mà nói, thông qua hệ thống này có thể thực hiện giao lưu giả định với Giang Hà. Đương nhiên, đối với em chỉ vẻn vẹn có thế thôi, còn đối với Giang Hà thì đã chết rồi làm sao còn nhìn thấy gì. Người thông minh chỉ có thể sử dụng trí tuệ của mình lúc còn sống, mới có thể làm cho mình sống mãi trong lòng người khác và anh ta vẫn có thể làm cho người khác nhớ đến mình, thậm chí yêu mình ngay cả khi đã chết. Điều này là đúng, vì sao bao nhiêu người tuy đã chết hàng trăm, hàng ngàn năm mà nhân loại vẫn nhớ đến họ. Từ ý nghĩa này mà nói, linh hồn của họ tất phải sống trong lòng người khác. Giang Hà không phải là một danh nhân, nhưng chí ít anh ấy có thể dùng trí tuệ để làm cho em không thể quên được anh ấy, anh ấy mãi mãi sống trong lòng em.

Diệp Tiêu nói thao thao bất tuyệt, thấy Bạch Bích có vẻ không chịu đựng thêm được nữa, nhưng anh vẫn phải nói ra những lời này, anh lại uống thêm một ngụm nước ngọt, đồng thời lặng lẽ quan sát Bạch Bích.

Bạch Bích cuối cùng cũng lên tiếng:

– Nhưng vì sao Giang Hà phải làm thế cơ chứ?

Diệp Tiêu nói tiếp:

– Có lẽ, anh ấy đã sớm thiết kế hệ thống phần mềm này, đến khi dự cảm được mình có thể chết, anh ấy đã đem tất cả những lời sẽ nói với em nhập vào hệ thống. Anh ấy đã chuẩn bị nó một cách thanh thản, chỉ tiếc là, trong khi đang chuẩn bị cho cái chết của mình, anh ấy đã cảm thấy đau khổ.

Nói đến đây, trước mắt Diệp Tiêu vụt hiện lên hình ảnh Giang Hà trên bàn phẫu thuật, khi ấy, anh cứ ngỡ nhìn thấy mình đang bị mổ bụng moi gan, cuối cùng thì đâu là mình, đâu là người chết.

– Đã đành anh ấy có nhiều điều phải nói, nhưng sao không trực tiếp nói với em? – Bạch Bích hỏi nhỏ.

– Điều này em phải rõ hơn anh, bởi vì Giang Hà không muốn em bị cuốn vào những việc anh ấy đã bị cuốn vào, muốn em rời xa nơi đó, không gặp phải nguy hiểm. Nhưng sự việc lại ngược lại với điều mong muốn, anh ấy làm như vậy chỉ càng khiến em liều mạng xông vào Viện Nghiên cứu khảo cổ. Đấy có lẽ là điều trước khi chết Giang Hà đã không nghĩ đến, nhưng chí ít anh ấy cũng đã đoán đúng, em dứt khoát sẽ đến tìm hiểu máy vi tính.

Bạch Bích không biết nên nói gì, cô nhớ đến cái đêm trong Viện Nghiên cứu khảo cổ, “Giang Hà” trong máy vi tính đã thừa nhận có quan hệ với Tiêu Sắt, hoá ra anh ấy đã lường hết tất cả, anh ấy đã chuẩn bị hết những điều cần nói, chỉ đợi Bạch Bích phát hiện ra là sẽ nói chuyện với cô.

Diệp Tiêu nói tiếp:

– Bạch Bích, anh vẫn còn một vấn đề cần biết, em có biết Dư Thuần Thuận không?

Bạch Bích bỗng cảm thấy tim mình như có luồng điện chạy qua, cô gật đầu:

– Vì sao anh lại hỏi đến ông ấy?

– Vì hai câu thơ. – Giọng nói của Diệp Tiêu bỗng trở lên cung kính, nghiêm túc.

– Hai câu thơ nào?

“Trời cao chưa lưu dấu tích, chim nhỏ đã bay qua.” – Diệp Tiêu thong thả đọc hai câu thơ.

Hai vai Bạch Bích run lên, cô tránh cái nhìn của Diệp Tiêu. Trước mắt cô lại hiện lên hình ảnh cô bé 18 tuổi nhìn thấy người đàn ông để râu, còn cả việc cô che mặt đứng khóc giữa đường vào ngày hè oi ả.

Diệp Tiêu hỏi tiếp:

– Vừa mở đầu hệ thống phần mềm tự thiết kế của mình, Giang Hà đã sử dụng hai câu thơ này, đây là danh ngôn của nhà thám hiểm nổi tiếng Dư Thuần Thuận. Anh ấy dứt khoát biết Dư Thuần Thuận và rất thích hai câu thơ này, đúng không?

– Em không biết Giang Hà có biết Dư Thuần Thuận không, nhưng em đã từng gặp con người này.

– Thật à? – Diệp Tiêu cảm thấy bất ngờ.

Bạch Bích gật đầu, cô đã lấy lại được tinh thần, ngẩng đầu lên, ánh mặt trời lọt qua cửa kính rọi vào làn da gần như trong suốt của cô, làm chói cả mắt Diệp Tiêu. Trông giống như một bức ảnh nghệ thuật được chụp bằng phương pháp đặc biệt.

Cô bình tĩnh nói:

– Đó là vào năm 1996, một hôm, em đọc báo biết Dư Thuần Thuận trở về Thượng Hải và sẽ có cuộc nói chuyện với sinh viên một số trường đại học, thế là em lập tức đến nghe.

Trong lòng Diệp Tiêu bỗng cảm thấy xúc động, những ngày tháng cũ hiện lên trong đầu anh. Anh rất muốn kể cho Bạch Bích nghe về sự tôn sùng của anh đối với Dư Thuần Thuận và mơ ước trở thành nhà thám hiểm của mình, nhưng anh đã ghìm lại được, anh bình tĩnh trở lại nói với Bạch Bích:

– Em nói tiếp đi, anh đang nghe!

– Chẳng có gì đáng nói nữa, lúc ấy em mới 18 tuổi, chỉ suy nghĩ viển vông, đến bây giờ em vẫn không hiểu vì sao hồi đó em lại hăng hái đi nghe Dư Thuần Thuận nói chuyện đến thế, có lẽ bởi vì em cảm thấy cô đơn. Anh biết rồi đấy, bố em đã sớm ra đi, mẹ thì quanh năm suốt tháng ở bệnh viện Tâm thần, nên em mới nảy sinh hứng thú với những chuyến đi bộ dũng cảm khắp Trung quốc của Dư Thuần Thuận. Ông ta một mình đi bộ du lịch ở phía tây hoang lạnh, chắc là cô đơn lắm. Mà…

Bạch Bích hình như vẫn muốn nói gì nữa, nhưng lại thôi.

– Nói tiếp đi!

– Hết rồi, chỉ có thế thôi, chẳng qua là tiện thì nói!

– Không, em nói rất hay, có lúc anh cũng rất đồng cảm! – Diệp Tiêu nhìn Bạch Bích, biết cô đang có tâm sự, anh chỉ lãnh đạm nói:

– Em biết không, Giang Hà và Dư Thuần Thuận có một điểm chung, họ đều đi qua hồ La Bố.

Bạch Bích gật đầu.

Diệp Tiêu nói:

– Điều không giống nhau của họ là, Giang Hà chết sau khi từ hồ La Bố trở về Thượng Hải, còn Dư Thuần Thuận đến hồ La Bố thì không trở lại nữa, ông ta đã chết trong vùng đất hoang của hồ La Bố.

– Em biết!

– Dư Thuần Thuận quyết tâm đánh bại tư tưởng cho rằng tháng 6 không thể đến hồ la Bố được. Khí hậu khắc nghiệt nhất ở hồ La Bố là vào tháng 6. Ông tiến vào hồ La bố vào lúc nóng nực nhất, sau đó rẽ ngang qua lòng hồ khô cạn. Đáng tiếc là ông đã đi nhầm đường và bị lạc trong đất hoang hồ La Bố, giống như lạc vào mê cung. Ông trở thành kẻ xa lạ cùng đường, cuối cùng đã bị chết vì thiếu nước và suy kiệt cơ thể. Khi người ta tìm thấy thi thể của ông, ông đang nằm trong một cái lều bạt, thân thể loã lồ, toàn thân đều bị trương phềnh và mọc đầy những bong bong nước, vô cùng thê thảm.

– Đừng nói nữa! – Bạch Bích càng lúc càng xúc động. Cô không thể chịu đựng nổi những điều Diệp Tiêu tả về cái chết của Dư Thuần Thuận, bởi vì trước mặt cô như đang hiện lên bóng hình một khuôn mặt nam tử hán râu dài.

Diệp Tiêu không hiểu cô, tiếp tục nói:

– Nhưng có một điều anh không hiểu nổi, Dư Thuần Thuận đã đi khắp đất nước trong những điều kiện hoàn cảnh khắc nghiệt, nguy hiểm khác nhau. Ngay cả những nơi như cao nguyên Thanh Tạng ông cũng chỉ dựa vào đôi chân trần của mình mà đi hết, thậm chí có lúc phải ăn gió nằm sương, nhưng ông đều vượt qua được. Cho đến Tân Cương, ông cũng đi qua nhiều lần, băng qua bao nhiêu là sa mạc và đất hoang, tích luỹ được rất nhiều kinh nghiệm. Nhưng vì sao lại chịu thất bại trên mảnh đất hồ La Bố ấy?

– Đấy là số mệnh!

– Không, anh không tin vào số mệnh! – Diệp Tiêu nói to, anh vươn cổ ra thở một hơi dài, sau đó giọng nói lại trở lại hiền hoà như thường:

– Bạch Bích, anh xin lỗi, anh hơi kích động. Anh chỉ thích nhất hai câu thơ ấy của Dư Thuần Thuận.

– “Trời xanh chưa để lại dấu tích, chim nhỏ đã bay qua”. – Bạch Bích lẩm bẩm đọc.

Diệp Tiêu nhìn cô, gật đầu hiểu ý, họ mỗi người đều hiểu ý nghĩa của lời thơ theo ý riêng của mình, sau đó anh đứng dậy nói:

– Bạch Bích, thật ra chúng ta đều là những con chim nhỏ bay qua bầu trời. Thôi, anh về đây!

Nhưng khi mới bước ra đến cửa, anh bỗng nghe thấy Bạch Bích hỏi từ phía sau: – Tối mai anh có rảnh không?

– Tối mai à? Tối mai vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan” do bạn anh đạo diễn sẽ công diễn, anh phải đến xem.

Bạch Bích bỗng mỉm cười:

– Hoá ra anh cũng đi, thế thì tối mai trước lúc mở màn, mình gặp nhau ở cửa rạp nhé.

Diệp Tiêu gật đầu, ra khỏi phòng. Vừa đi xuống cầu thang, vừa nghĩ đến những câu nói cuối cùng của Bạch Bích, trong lòng thoắt nóng, thoắt lạnh, đó là ám hiệu hay là điềm báo gì đây? Anh không dám nghĩ nhiều, chỉ lặng lẽ đọc thầm hai câu thơ của Dư Thuần Thuận, để mặc cho nó dần dần tràn ngập trái tim.

………..

[26] Tên nguyên bản: Four Quartets: trường ca, sáng tác năm 1945.