Chương 4

Lời Nguyền Lâu Lan

Đăng vào: 11 tháng trước

.

1

Đây là lần đầu tiên kể từ khi Giang Hà mất, Bạch Bích đi thăm mẹ. Cô đi bằng xe bus, dựa vào cửa sổ ngắm nhìn phong cảnh mùa thu bên ngoài. Xe chạy đúng một tiếng đồng hồ mới đến bệnh viện Tâm thần.

Xung quanh bệnh viện Tâm thần vô cùng yên tĩnh, không có nhiều cửa hàng và các khu nhà. Mọi người hình như đều kỵ nơi này, người đi đường mỗi khi đi qua cổng đều muốn bước nhanh hơn, như sợ từ bên trong bất ngờ có một người điên lao ra. Nhưng Bạch Bích xưa nay không hề có cảm giác đó. Cô luôn bình tĩnh đến, bình tĩnh ra về giống như người đi tản bộ ở ngoại ô vậy. Cô thong thả bước qua cổng lớn, đi xuyên qua vườn hoa tiêu điều của ngày thu, sau khi vòng qua một tòa nhà nhỏ đẹp đẽ, cô nhìn thấy trong một vườn hoa có rất nhiều người mặc quần áo bệnh nhân đang tụm năm tụm ba nói chuyện, cũng có người đi bách bộ một mình hoặc đang suy tưởng. Thi thoảng có mấy bác sĩ hoặc hộ lý đi ngang qua.

Bạch Bích biết rằng mẹ mình nhất định ở trong đám người này. Cô bước đến vườn hoa nhỏ đó tìm mẹ. Bỗng có người gọi cô, hóa ra là người bạn cùng ở viện với mẹ cô. Sau khi bố cô qua đời, thần kinh của mẹ cô đã không bình thường, về sau tình hình ngày một xấu đi. Khi Bạch Bích tốt nghiệp cấp một, mẹ cô đã được đưa vào ở trong bệnh viện Tâm thần cho đến nay.

Đã nhiều năm nay, Bạch Bích hầu như cứ một, hai tuần lại đến thăm mẹ một lần. Trải qua thời gian dài nên dần dần cũng trở nên quen với bạn bè của mẹ ở đây. Có người thậm chí đã chứng kiến Bạch Bích trưởng thành từ một học sinh trung học đến khi là một thiếu nữ như bây giờ. Bạch Bích cười với người vừa gọi cô. Cô biết người phụ nữ trung niên vừa gọi cô thực ra là một nữ thi sĩ. Những năm 80 của thế kỷ trước, cô ấy đã sáng tác rất nhiều bài thơ nổi tiếng, sánh ngang với Thự Đình, Bắc Đảo. Về sau do dính líu đến một người đàn ông đã có vợ, hẹn nhau cùng tự sát. Kết quả người đàn ông kia đã bị chết còn cô ấy thì được cứu sống nhưng bị điên. Nữ thi sĩ cứ nhìn Bạch Bích cười suốt. Nụ cười ấy quả thật rất đẹp, nhưng nhìn lâu lại khiến cho Bạch Bích cảm thấy trong người khó chịu.

Nữ thi sĩ chỉ chỉ vào một hòn non bộ, nói với Bạch Bích:

– Mẹ cháu ở kia kìa, bà ấy mong cháu suốt. Bạch Bích, nghe mẹ cháu nói mấy hôm nữa cháu cưới à, bánh kẹo của cô đâu?

Mặc dù là một bệnh nhân tâm thần nhưng tinh thần và trí tuệ vẫn như bình thường. Nếu chỉ trò chuyện bình thường thì không thể biết được.

Bạch Bích sững người, không biết trả lời thế nào, đành đáp qua loa:

– Cháu xin lỗi, mọi việc có chút thay đổi, cháu không thể có quà cưới cho cô được!

Cô vội vàng rời khỏi chỗ đó, đi về phía hòn non bộ, cuối cùng cô cũng nhìn thấy mẹ cô.

Mẹ Bạch Bích đang ngồi một mình trên một chiếc ghế dài, nhìn đàn chim bồ câu bay lượn trên bầu trời. Từ lúc chưa nhìn thấy Bạch Bích, bà đã cất tiếng nói:

– Bạch Bích, cuối cùng con cũng đã tới!

Bạch Bích biết, nhiều năm nay, cuộc sống trong bệnh viện Tâm thần đã khiến cho mẹ cô nhạy cảm hơn người bình thường về thính giác và khứu giác, đến nỗi không cần nhìn bằng mắt cũng phân biệt được ra ai với ai.

– Mẹ, mẹ vẫn khỏe chứ?

– Thì vẫn thế. Ngồi xuống đây con!

Mẹ cô quay người lại, vẫy cô ngồi xuống. Mẹ cô nhìn chẳng thấy già đi tí nào. Cuộc sống trong bệnh viện Tâm thần thậm chí còn làm cho bà trẻ ra, trông bà như chỉ mới hơn 40 tuổi.

Bạch Bích nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh mẹ, xung quanh không một bóng người, không gian cực kỳ yên tĩnh, trong bóng cây, dưới hòn non bộ, Bạch Bích cảm thấy mẹ cô được sống hàng ngày trong bệnh viện Tâm thần như thế này hệt như một kiểu an dưỡng, lại còn giữ mãi được tuổi thanh xuân. Cô nắm tay mẹ, nhìn vào mắt mẹ. Đôi mắt mẹ cô rất hiền từ, không hề có ánh mắt của kẻ ngây dại, trông nó bình thường hơn cả của những người bình thường. Cô khẽ nói:

– Mẹ, con xin lỗi, đã lâu rồi con không đến thăm mẹ!

Ánh mắt của mẹ cô bỗng có gì đó sáng lên, bà hỏi:

– Có phải Giang Hà xảy ra chuyện rồi không?

– Mẹ, sao mẹ biết?

– Bởi vì lẽ ra con đã đến sớm hơn và phải đi cùng với Giang Hà. Bây giờ con đến có một mình và trông thái độ của con, mẹ biết ngay là có chuyện.

Bạch Bích không thể không khâm phục trí tuệ của một bệnh nhân tâm thần, cô gật đầu, cố gắng nói với giọng bình tĩnh:

– Giang Hà chết rồi!

– Con gái mẹ, con buồn không? – Mẹ cô đưa tay ra vuốt mái tóc cô.

– Có ạ!

Trong lòng mẹ, nước mắt Bạch Bích cuối cùng cũng trào ra khỏi khoang mắt. Thế rồi, cô kể cho mẹ nghe toàn bộ những việc đã xảy ra.

Mẹ cô bình tĩnh nghe hết những điều cô kể, sau đó bà lặng đi hồi lâu, bà nhìn Bạch Bích bằng ánh mắt rất lạ, đưa những ngón tay ra vuốt ve cô. Bà nói:

– Con gái, đây là số mệnh của Giang Hà, chẳng ai chạy trốn được số mệnh cả.

– Mẹ, con biết mẹ đã từng đi đến hồ La Bố. Lúc đó là lúc nào ạ? – Bạch Bích chợt hỏi sang vấn đề này.

Mẹ cô bỗng dưng yên lặng. Bà đưa mắt nhìn lên trời, có lẽ bà đang hồi tưởng lại, trong mắt bà như ẩn giấu một điều gì. Nhưng cuối cùng bà cũng cất tiếng nói:

– Ừ, mẹ đã từng đến đó, mẹ đi cùng bố con. Đó là câu chuyện hơn hai mươi năm về trước, lúc đó con mới sinh chưa được bao lâu. Bố mẹ tham gia vào một cuộc khảo cổ kết hợp giữa nền văn minh Lâu Lan và Đô Thiện. Chuyện này mẹ nhớ rất rõ, tháng 10 năm ấy, bố mẹ ngồi xe lửa ba ngày ba đêm mới đến được Khố Nhĩ Lặc[21] thuộc Tân Cương. Sau đó lại xuất phát từ đó, cùng với các đơn vị khác đến từ các nơi trong cả nước đi ô tô đến hồ La Bố.

Bạch Bích biết rằng mẹ cô tuy có bệnh tâm thần nhưng phần lớn thời gian thần kinh của bà bình thường, đặc biệt là trong hoàn cảnh đặc biệt hiện nay, những hồi ức của bà là hoàn toàn có thể tin cậy.

Mẹ cô tiếp tục nói:

– Vùng đó cho mãi đến những năm cuối của thập kỉ 70 thế kỉ trước vẫn chưa mở cửa với bên ngoài, cả đoàn phải cắm trại nằm chờ ở mảnh đất bên cạnh rất lâu mới được cấp phép vào hồ La Bố. Đường đến hồ La Bố khắp nơi là sa mạc mênh mông và vùng đất của những núi đá sa mạc. Đoàn bố mẹ đi qua là dãy núi đá ở Long Thành thuộc hạ lưu sông Khổng Tước, được tận mắt nhìn thấy kỳ quan núi đá, đâu đâu cũng chỉ nhìn thấy những dãy núi đá tập trung dày đặc phản xạ ánh nắng mặt trời. Những gò đất bị gió cát bào mòn không thương tiếc, hiện lên dưới muôn vàn tư thế khác nhau, có cái giống như núi đất, có cái giống như lô cốt cũ, có cái giống như đài phong hoả. Tất cả đều khiến người ta phải kinh ngạc, đây quả thật là sự khéo léo vô cùng của thiên nhiên. Tiếp đó, đoàn đi qua Thổ Căn, đặt chân vào phạm vi của hồ La Bố. Đây là một cái hồ lớn hình chậu đã khô cạn. Mẹ quả thực khó có thể dùng ngôn từ để tả lại quang cảnh hoang vu ở nơi đây. Đoàn dừng chân ở bờ phía tây của hồ La Bố, phải đào đất làm hang ngủ qua đêm. Sáng sớm hôm sau, đoàn thận trọng vượt qua con đường khô cạn của sông Khổng Tước, men theo bờ sông đi đến Thành cổ Lâu Lan. Trên đường đi, chỉ toàn nhìn thấy những mảng muối bong tróc trải dài vô tận, màu sắc xám xịt khiến người ta sợ đến mức tim đập thình thịch, bên dưới khoảng mấy tấc là những tầng đất màu xanh, bên dưới tầng đất là những cục muối màu trắng. Ngẩng đầu nhìn trời, không thấy một bóng chim, cúi xuống nhìn đất, không thấy một ngọn cỏ, đó chính là hồ La Bố. Đây là một vùng đất chết, khiến mẹ thấy rùng mình. Trong tâm trạng sợ sệt đó, mẹ nhìn thấy những toà Phật tháp cao cao, cuối cùng đoàn cũng đến được Thành cổ Lâu Lan. Thành cổ bị núi đá vây quanh, ở đây hàng năm đều có gió Đông Bắc thổi, khiến cho cổ thành bị những làn gió hung dữ vun thành từng đống, từng đống. Bây giờ nghĩ lại, tuy hoàn cảnh khiến mẹ sợ hãi, nhưng Thành cổ Lâu Lan vẫn mang đến cho mọi người một cảm giác tuyệt đẹp. Đó là một vẻ đẹp khiếm khuyết, chỉ có vẻ đẹp khiếm khuyết mới vĩnh cửu. Thành cổ Lâu Lan là một nơi đẹp khiếm khuyết nên Thành cổ Lâu Lan vĩnh cửu.

– Thành cổ Lâu Lan là vĩnh cửu?

Bạch Bích đang chìm đắm trong lời kể của mẹ, bỗng nghe thấy tiếng nói này, nó khiến cho cô hiểu ra một điều gì đó.

Mẹ cô gật đầu:

– Đó là câu mà bố con đã nói, mẹ và bố con đều là những nhà khảo cổ, đối tượng của khảo cổ đại đa số đều khiếm khuyết, cũng chính vì lẽ đó, mới mang đến cho người ta cảm giác đẹp thần bí. Song lúc đó, chúng ta chẳng còn lòng dạ nào để thưởng thức vẻ đẹp khiếm khuyết vĩnh cửu ấy của Thành cổ Lâu Lan. Đoàn còn phải bận rộn đào bới, thăm dò khắp mọi nơi ở cổ thành này, những hiện vật đoàn tìm được không nhiều, vì trước đó không lâu có một đoàn khảo cổ đã đến đây, lại còn từ năm 1901, Sven Ahders Hedin cũng đã khai quật nơi đây tìm hiện vật. Nhiệm vụ chủ yếu của đoàn lần này là nghiên cứu hình thức kiến trúc của Thành cổ Lâu Lan và bố cục thành thị lúc bấy giờ. Đoàn chỉ làm việc ở Thành cổ Lâu Lan có mấy tiếng đồng hồ rồi rút đi, trở về doanh trại lúc xuất phát.

Bỗng nhiên bà dừng lại hồi lâu.

– Về sau đã xảy ra chuyện gì ạ? – Bạch Bích hỏi mẹ.

– Về sau, về sau…

Ánh mắt của mẹ cô bỗng có chút lay động, giọng nói cũng có phần yếu đi. Bạch Bích hơi lo, đây có thể là biểu hiện của thần kinh không ổn định, cô vừa định ngắt lời mẹ, không truy hỏi nữa, nhưng miệng bà đang lẩm bẩm, không hiểu bà đang nói gì.

Mặt Bạch Bích lập tức tái xanh, cô nhìn cặp mắt của mẹ đang trợn lên quá mức bình thường, lại còn những âm tiết phát ra từ miệng bà, Bạch Bích thấy sợ, cô nắm chặt vai mẹ, nói:

– Mẹ, đừng nói nữa, mẹ sao thế, có phải mẹ thấy khó chịu không ạ?

Mẹ cô không có phản ứng gì, toàn thân run lẩy bẩy.

Bạch Bích đứng lên, quay đầu nhìn xung quanh, tiếp đó cô gọi to:

– Có ai không?

Nữ thi sĩ nghe thấy tiếng gọi, bà ta đã nhìn thấy hai mẹ con Bạch Bích, vội kêu lên:

– Bạch Bích, mẹ con phát bệnh rồi, mau đưa bà ấy vào gặp bác sĩ đi!

Bạch Bích và nữ thi sĩ, hai người nắm tay nhấc mẹ cô dậy, dìu bà đi, họ đi qua vườn hoa, những bệnh nhân có mặt ở đó đều dừng lại nhìn họ. Hai người đưa mẹ Bạch Bích vào trong nhà. Một bác sĩ nhìn mẹ Bạch Bích, sau đó tiêm cho bà một mũi. Mẹ Bạch Bích không kêu nữa, ánh mắt nhìn bất động về phía trước. Bạch Bích và nữ thi sĩ đưa bà vào phòng bệnh nhân, đặt bà nằm lên giường, chẳng bao lâu bà đã ngủ yên.

Nhìn dáng mẹ nằm trên giường, trong lòng Bạch Bích thấy rất áy náy, có lẽ lúc nãy không nên giục bà kể hết câu chuyện. Đó là sự việc xảy ra từ nhiều năm nay, nó có liên quan gì đến những sự việc xảy ra hôm nay không? Nếu có liên quan thì đó cũng là chuyện riêng của bố mẹ cô, mẹ cô có quyền giấu nó mãi mãi trong lòng, cô không có quyền được biết. Bây giờ cô thấy rất hối hận, cô cúi đầu thở dài.

Nữ thi sĩ vẫn ngồi bên cạnh, bà an ủi Bạch Bích:

– Bạch Bích, người bị bệnh tâm thần không nên ép buộc, đừng nhìn thấy họ bình thường, chỉ cần một lời nói có câu gì đó động chạm đến nơi mẫn cảm là họ có thể phát bệnh ngay. Cháu nhìn cô đây này, bây giờ đang bình thường, có lúc còn cho là rất khoẻ mạnh, chẳng có bệnh tật gì, thế nhưng, nếu cứ nghĩ đến chuyện cũ, cũng có lúc lại phát bệnh ngay. Khi phát bệnh bản thân cô cũng không biết phải làm cái gì, đến khi được tiêm thuốc cho hồi phục lại mới hiểu rằng mình vẫn đang là một bệnh nhân thần kinh.

Bạch Bích suy nghĩ rất kỹ lời nói của nữ thi sĩ, có lẽ những lời cô vừa nói với mẹ, đã khiến cho mẹ cô nhớ đến những ký ức đau khổ nào đó, nhưng, mẹ cô có ký ức đau khổ gì? Cái chết của bố cô ư? Nhưng lúc nãy bà không hề nhắc đến cái chết của bố cô, chỉ kể là từ Thành cổ Lâu Lan trở về, họ lại đi đến một nơi khác, họ đi đến nơi nào? Có vẻ như mẹ cô không muốn nhắc lại cuộc hành trình đó.

Nữ thi sĩ nói tiếp:

– Mẹ cháu bình thường sức khoẻ rất tốt, hầu như không phát bệnh, nhưng bác sĩ chưa cho bà xuất viện, cô vẫn cho rằng bệnh viện muốn kiếm thêm tiền viện phí của nhà cháu, bây giờ mới hiểu chẩn đoán của bác sĩ là không sai.

Bạch Bích gật đầu. Cô cảm ơn nữ thi sĩ, rồi ngồi lại với mẹ một hai tiếng đồng hồ nữa, mãi đến khi màn đêm buông xuống cô mới lặng lẽ rời khỏi bệnh viện.

Bước ra khỏi cổng bệnh viện trời đã tối lắm rồi. Bạch Bích thong thả bước lên một chiếc xe bus đậu trước cửa bệnh viện, người lái xe nhìn cô bằng con mắt lạ lùng. Cô hiểu, mọi người tưởng cô là bệnh nhân tâm thần lợi dụng đêm khuya bỏ trốn. Nhưng cô không để ý, trong xe rất rộng, cô chọn một ghế, ngồi xuống, lặng lẽ ngắm cảnh đêm bên ngoài xe.

Cô mở cửa sổ xe, một cơn gió thu thổi tới, cô như nghe thấy trong gió có tiếng nói từ xa xôi vọng về.

2

La Chu nhìn ra ngoài cửa sổ, gió thu từ bên ngoài thổi vào trong nhà, tai anh như phảng phất có tiếng gì, nó giống như trong vở kịch anh đang viết. Những ngón tay của anh dừng lại hồi lâu trên bàn phím, nửa tiếng, cũng có thể là một tiếng, anh không gõ được một chữ nào trên màn hình.

Anh lặng lẽ nhìn vào đề mục của vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan”, bỗng anh cảm thấy ân hận, vì sao mở đầu lại viết về Thành cổ Lâu Lan? Chẳng lẽ chỉ vì yêu thích tiểu thuyết của Yasushi Inoue nên vở kịch đầu tay này tất cả đều dành cho cái thành cổ xa xôi đó, có lẽ bản thân suy nghĩ chưa được thấu đáo. Nếu như viết một kịch bản về đề tài yêu đương quen thuộc trên mạng có lẽ dễ viết hơn. Trong cái văn học mạng buồn chán ấy chỉ cần viết mấy đoạn đối thoại dài là xong, mà lại còn hấp dẫn lớp trẻ, thậm chí còn có thể lấy khái niệm mới “Kịch nói trên mạng” để sao chép lại cũng được. Nhưng bây giờ đã muộn, có lẽ chủ định của mình đã bị cát vàng của Thành cổ Lâu Lan vùi lấp mất rồi. Cái kết này, cái kết chết người này mãi mà vẫn không làm sao sinh ra dưới bàn phím của anh được.

La Chu cảm thấy sáng tác giống như phụ nữ sinh con, giai đoạn cuối cùng là giai đoạn đẻ. Một tác phẩm hoàn chỉnh sẽ giống như một đứa trẻ sơ sinh được sinh ra từ trong suy nghĩ tìm tòi. Vận khí tốt thì sẽ đẻ thuận, vận khí xấu sẽ khó đẻ. Trong tâm tưởng của La Chu, hiện anh đang ở giai đoạn khó đẻ. Không nghi ngờ gì, anh cũng đau khổ vạn phần như người phụ nữ khó đẻ, chỉ muốn cầu cứu một linh cảm thần bí để cứu lấy cái bào thai sắp chết. Nhưng từ sau khi chứng kiến sự việc xảy ra lần trước, anh không dám nửa đêm xuống ven sông Tô Châu dạo bộ tìm cảm hứng nữa.

Mặc dù chưa có được một cái kết, nhưng buổi sáng La Chu vẫn đem một phần tác phẩm đã đánh máy xong đến rạp cho các diễn viên đọc. Các diễn viên chỉ đọc lướt qua. Thậm chí Tiêu Sắt chẳng thèm ngó qua đã nói đoạn này viết hay như Shakespear. Kịch bản của La Chu phá vỡ thứ tự thời gian, sắp xếp như thế khiến các diễn viên xem không hiểu. Buổi sáng khi các diễn viên xem kịch bản, anh chăm chú quan sát phản ứng của họ. Duy nhất chỉ có một người khiến anh không thất vọng đó là Lam Nguyệt. Lam Nguyệt đọc kịch bản không sót một chữ, hình như cô có tâm sự, muốn nói với La Chu, nhưng cuối cùng lại chẳng nói gì cả.

Vào lúc La Chu vừa dừng những suy nghĩ về công việc của buổi sáng thì bỗng nhiên có tiếng chuông điện thoại, anh nhấc điện thoại lên, bên kia là giọng một phụ nữ…

– A lô, có phải anh La Chu đấy không?

– Tôi đây!

– Em là Lam Nguyệt, bây giờ em có thể đến chỗ anh được không?

Câu nói đó của Lam Nguyệt khiến tim La Chu như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực, anh không biết nên trả lời thế nào cho phải, vội nói:

– Hoá ra là Lam Nguyệt, nhưng bây giờ đã muộn rồi, đi đường sẽ không tiện.

– Em đang ở trước cửa nhà anh đây này!

Lam Nguyệt tắt máy.

Cô ấy đang ở trước cửa? Nhất định là mang theo điện thoại di động. La Chu vội đứng dậy, ra mở cửa. Quả nhiên là Lam Nguyệt, cô đang cầm điện thoại di động đứng ở cửa, miệng nở một nụ cười đầy ngụ ý. La Chu chú ý đến cái ngụ ý trong nụ cười của cô, chẳng biết dùng ngôn ngữ nào để miêu tả dáng điệu của Lam Nguyệt lúc đó. Thật vô cùng quyến rũ, trong đêm khuya tĩnh lặng, một người con gái đẹp đứng trước cửa nhà khiến người ta có cảm giác ấm áp khó tả. Đương nhiên là anh vội vàng đón cô vào nhà.

Lam Nguyệt lặng lẽ bước vào nhà, đi đến trước máy tính của La Chu, cô nhẹ nhàng nói:

– La đạo diễn, kịch bản của anh sao vẫn chưa viết xong?

La Chu cười đau khổ một lúc rồi nói:

– Viết không ra, bây giờ đang đau đầu đây. Lam Nguyệt, khuya thế này rồi em đến có việc gì?

– Em không đến được sao? – Cô quay đầu lại nhìn anh.

– Đương nhiên là được, anh chỉ muốn nói bây giờ muộn rồi. – La Chu cảm thấy hơi khó xử.

– Đêm chỉ mới bắt đầu thôi!

La Chu cúi đầu nhìn đồng hồ, đã 10giờ 30 rồi. Anh vội nói:

– Em uống gì?

– Em không muốn uống gì cả. – Lam Nguyệt lạnh lùng nói: – Thực ra em đến đây là vì kịch bản của anh.

– Kịch bản của anh? Em có ý kiến gì về kịch bản?

La Chu hơi thất vọng, anh vẫn cho rằng Lam Nguyệt đến là vì vị trí diễn viên chính của vở kịch, giống như Tiêu Sắt đeo bám anh.

– Hết sức xin lỗi anh, em nói thật, kịch bản của anh viết không được hay!

La Chu đứng ngây ra, anh như bị cô ta nhìn thấu tim, anh thật thà nói:

– Anh thừa nhận!

Lam Nguyệt mỉm cười:

– Nếu cứ viết theo kiểu của anh, thì đến ngày biểu diễn cũng không thể viết xong được!

La Chu bất đắc dĩ gật đầu. Anh cảm thấy cô gái đứng trước mặt mình có sự hiểu biết hơn người, những cô gái bình thường không thể bì được. Tiêu Sắt cũng phải lu mờ trước cô ấy.

Lam Nguyệt tiếp tục nói:

– Để em viết chung với anh nhé!

– Em nói gì? Em viết cùng với anh á?

– Anh không tin em à? – Mắt cô nhìn thẳng vào mắt La Chu.

La Chu dang hai tay:

– Được thôi, bây giờ em hãy nói cho anh nghe cấu tứ của em!

Lam Nguyệt gật đầu, cô nhẹ nhàng nói:

– Sai sót lớn nhất trong kịch bản của anh là nội dung hơi tầm thường, tuy kết cấu của nó đã phá vỡ thứ tự thời gian, nhưng điều đó không giúp gì cho kịch bản, ngược lại nó làm cho công chúng thất vọng, lãng phí một tài liệu tốt. Thực ra đề tài của vở kịch và tên của nó tương đối hay, “Đoạn hồn Lâu Lan”, một cái tên mang chủ nghĩa duy mỹ. Thành cổ Lâu Lan là một nơi thần bí biết bao, rất nhiều người đều hướng đến đó, nếu như có thể đưa được tính thần bí ấy vào trong kịch bản thì có thể lôi cuốn được nhiều khán giả, thậm chí còn khiến cho đoàn kịch của chúng ta thành công.

– Tính thần bí?

La Chu gật đầu, anh như vỡ ra một điều gì đó từ trong câu nói của Lam Nguyệt.

– Đúng. Thế giới tự nó đã rất thần bí, trong cuộc sống thường ngày cũng đã bao gồm nội dung huyền ảo của nó, Thành cổ Lâu Lan là một ví dụ. Kế hoạch của em là sẽ sửa đổi kịch bản thành thế này: Hơn một ngàn năm trước, quốc vương Thành cổ Lâu Lan trong một trận chiến đã thất bại cùng với quân đội của mình. Ông một mình nhảy xuống một ngôi mộ cổ, dưới mộ ông đã gặp một người đàn bà bí mật. Người đàn bà đó đã cứu ông, về sau, còn đính hôn với ông. Nhưng chẳng bao lâu sau, quốc vương chia tay cô trở về Thành cổ Lâu Lan, tiếp tục cuộc sống quân vương của mình. Một năm sau, quốc vương trở lại ngôi mộ cổ, đi tìm người đàn bà bí mật kia, nhưng ông phát hiện cô ta đã chết, để lại một đứa con gái. Quốc vương mang đứa bé về Thành cổ Lâu Lan, ông yêu nó như viên ngọc minh châu. Hai mươi năm sau, công chúa Thành cổ Lâu Lan trở thành người con gái đẹp nhất Tây Tạng. Hoàng tử nước Vu Điền, dũng sĩ nổi tiếng nhất Tây Tạng đến Thành cổ Lâu Lan định cầu hôn với Công chúa, nhưng do bị đại quân của Hãn quốc Nhu Nhiên, một dân tộc du mục ở phương bắc áp sát biên giới, quốc vương Thành cổ Lâu Lan bị ép phải gả Công chúa cho Khả hãn của Nhu Nhiên. Đêm đó, Công chúa bí mật yêu cầu được gặp Hoàng tử nước Vu Điền nhưng lại bị võ sĩ của quốc vương bắt về cung. Đúng lúc đó, Hoàng tử nước Vu Điền đến điểm hẹn, chàng gặp một cô gái thường dân, nhưng lại ngộ nhận đó là Công chúa Thành cổ Lâu Lan và bày tỏ tình cảm với cô. Do kịch bản quy định các cô gái Thành cổ Lâu Lan đều phải mang mạng che mặt, nên khi gặp, Hoàng tử Vu Điền không nhìn thấy mặt cô ta. Thực tế, cô gái thường dân kia mới là vai chính của vở kịch, tên của cô ta là Lan Na, một nữ nô tỳ. Về sau, đêm đêm, Hoàng tử đều đến chỗ hẹn gặp cô ta, còn Lan Na thì cũng cứ đến hẹn lại đến, mặc dù Hoàng tử không nhìn thấy mặt cô ấy. Hoàng tử ở lại Thành cổ Lâu Lan, nhà trọ mà chàng ở lại chính là nơi cô nữ tỳ Lan Na làm việc. Trong một lần rót nước cho Hoàng tử, tình cờ cô làm rơi mạng che mặt. Hoàng tử nhìn thấy mặt cô, chàng vô cùng ngạc nhiên trước vẻ đẹp của cô và dần dần bị cô mê hoặc. Về sau, Hoàng tử ban ngày nói chuyện với Lan Na, đêm đến lại đi gặp “Công chúa” tưởng tượng của mình. Kỳ thực cả hai người ấy đều chỉ là một, nhưng Hoàng tử không hiểu được điều ấy, cho nên chàng rơi vào tình trạng khó xử. Về sau, Hãn quốc Nhu Nhiên xé bỏ hiệp ước với Thành cổ Lâu Lan, không đợi đón công chúa, mở cuộc tấn công lớn vào Thành cổ Lâu Lan. Thế là Hoàng tử Vu Điền hăng hái nhận nhiệm vụ, lãnh đạo quân Thành cổ Lâu Lan xuất chinh đánh bại đại quân của Nhu Nhiên. Quốc vương Thành cổ Lâu Lan đã gả công chúa cho Hoàng tử để báo đáp công lao của chàng. Trong đêm tân hôn, Hoàng tử kéo mạng che mặt của Công chúa ra, rồi kể về những lần gặp nhau trước đây, Công chúa nói thật, người trước đây đến gặp Hoàng tử không phải là nàng, điều đó khiến Hoàng tử vô cùng ngạc nhiên, chàng đang đêm rời bỏ công chúa, để nàng một mình một bóng. Hoàng tử trở về nhà trọ, tìm Lan Na, làm rõ được chân tướng của sự việc, chàng tỏ tình với Lan Na, nhưng Lan Na không đồng ý cùng chàng cao chạy xa bay. Khi đó công chúa lòng tràn đầy phẫn nộ và ghen tị. Nàng cảm thấy bị lừa gạt nên quyết tâm báo thù. Hoàng tử Vu Điền lúc đó đã được sự ủng hộ của toàn thể người dân Thành cổ Lâu Lan, công chúa chỉ còn cách cầu cứu thần linh. Nàng cho người bắt Lan Na và tung tin Lan Na đã chết, xác chôn ở Phần mộ cốc. Hoàng tử Vu Điền tìm đến Phần mộ cốc và tự vẫn chết. Nhưng cái chết của Hoàng tử càng làm tăng thêm nỗi thù hận của công chúa với Lan Na. Nàng tiến hành một cuộc tế lễ thần linh đại qui mô, yêu cầu Lan Na phải thề trước thần linh là sẽ không yêu Hoàng tử nữa, nhưng Lan Na biểu hiện thái độ mãi mãi yêu Hoàng tử. Cuối cùng Công chúa giao đầu Hoàng tử cho Lan Na. Lan Na ôm đầu Hoàng tử khóc, rồi nàng tự vẫn trước mặt các thần linh. Trước khi tự vẫn, nàng gọi tên vị thần trông coi cái chết ở Thành cổ Lâu Lan, đưa ra một lời nguyền rủa vĩnh hằng với Thành cổ Lâu Lan. Nguyền rằng, vương quốc Thành cổ Lâu Lan sẽ biến mất khỏi thế giới trở thành một thành trì chết trong hoang mạc. Mấy năm sau, khi đi vào vùng lưu vực của hồ La Bố, nguồn nước càng ngày càng ít dần, người ta bắt đầu cảm thấy lời nguyền rủa của Lan Na trước khi chết đã có tác dụng. Cuối cùng, nguồn nước của hồ La Bố hoàn toàn cạn kiệt. Thành cổ Lâu Lan bị người đời bỏ quên vì thiếu nước. Người Thành cổ Lâu Lan rời bỏ xóm làng quê hương mà đi. Lúc đó Công chúa Thành cổ Lâu Lan rời hoàng cung đến sám hối trước mộ của Lan Na. Tại đó nàng mơ một giấc mơ, trong giấc mơ, mẹ nàng nói với nàng rằng nàng còn có một người em gái song sinh không giống nàng lắm, khi sinh ra đã bị một người chủ nhà trọ đi qua vùng này bắt đi. Về sau, đứa em song sinh này lớn lên có tên là Lan Na. Đến lúc này Công chúa mới hiểu ra tất cả, chính nàng đã hại chết đứa em ruột thịt của mình, cuối cùng công chúa đã chết trong đau khổ, còn Thành cổ Lâu Lan thì trở thành một tòa thành chết cho đến ngày nay.

La Chu thong thả nghe hết những lời Lam Nguyệt, cho đến cái kết cuối cùng, hầu như tất cả như chìm vào trong lời nói của cô, anh không còn biết nói thế nào cho phải. Có lẽ một cảm giác hổ thẹn khó nói lên lời, bản thân anh viết với thời gian dài như thế nhưng không chinh phục được ai, thế mà cô ta chỉ dùng vẻn vẹn một thời gian ngắn đã tóm tắt xong câu chuyện, và anh phải thừa nhận, câu chuyện này có thể lay động được lòng người, bởi vì chí ít nó cũng làm cho anh thấy cảm động. Anh định nói, nhưng không biết phải biểu đạt thế nào, đành chỉ đứng lặng người nhìn chằm chằm vào mắt Lam Nguyệt.

– Anh sao thế? – Lam Nguyệt khúc khích cười.

La Chu biết thái độ của mình hơi bất lịch sự:

– Không, không có gì, em nói hay quá! Vừa nãy nói nhiều thế, chắc giờ khát rồi!

Anh vội đứng dậy, lấy từ tủ lạnh ra một lon nước ngọt đưa cho Lam Nguyệt.

Lam Nguyệt uống mấy ngụm, sau đó thò đầu lưỡi nhấp nhấp môi. La Chu nhìn trong mắt, cảm thấy cái điệu liếm môi của cô rất có sức quyến rũ. Nhưng anh chẳng kịp nghĩ thêm, vội hỏi cô:

– Lam Nguyệt, sao mà em lại nghĩ được ra? Có được sự gợi mở gì vậy?

– Tính thần bí, tính thần bí là rất quan trọng, Thành cổ Lâu Lan biến mất như thế nào? Chính là biến mất như thế đấy, em rất thích câu chuyện xảy ra như thế! Đấy là một sự thần bí vĩnh hằng, mãi mãi khiến người ta ngưỡng vọng!

– Em cho là Thành cổ Lâu Lan biến mất bởi lời nguyền đó sao? Quả là có sức tưởng tượng! – La Chu gật đầu.

– Em tin vào lời nguyền! – Lam Nguyệt lạnh lùng nói.

La Chu rất mẫn cảm với hai chữ “Lời nguyền”, anh chuyển đề tài:

– Thế thì, tại sao công chúa và Lan Na bắt buộc phải là chị em ruột?

– Bởi vì con người có hai mặt, mỗi mặt đều khác nhau rõ ràng, thậm chí giữa chúng còn xung đột với nhau. Em cảm thấy hai bào thai có thể coi như một con người, chỉ có điều con người đó phân thành các mặt không giống nhau. Trong câu chuyện này, hai mặt của một con người cùng yêu một người đàn ông, chỉ vì lòng ghen tức mà mặt này đã bức chết mặt kia.

– Nghe như tượng trưng của cái gương trong tiểu thuyết của Jorge Luis Borges[22] – La Chu lẩm bẩm.

Lam Nguyệt lại uống thêm một ngụm nữa, nói:

– Cảm ơn nước ngọt của anh! – Rồi cô đứng dậy.

Đã 11giờ rưỡi rồi, La Chu thấy hơi lo, nói:

– Muộn quá rồi, em định về à?

– Anh định giữ em ở lại à? – Lam Nguyệt nói dứt khoát.

La Chu càng thấy ngượng không nói lên lời.

– Thôi được rồi, tạm biệt anh! – Cô đi về phía cửa.

– Có cần anh đưa em về nhà không? – La Chu tiễn đến cửa hỏi một câu.

Lam Nguyệt lắc đầu nói:

– Anh đưa em về, rồi ai sẽ đưa anh về đây?

La Chu ngẩn người ra, còn Lam Nguyệt thì cười chẳng kiêng dè, tiếng cười của cô vang lên không ngớt trong căn phòng trống vắng.

– Lam Nguyệt, anh sẽ sửa kịch bản theo ý em, em có thể đến đây bất cứ lúc nào để cùng anh viết kịch bản, ngày biểu diễn sắp đến rồi, chúng mình cùng cố gắng nhé!

Lam Nguyệt lại cười, cô nhẹ nhàng nói:

– Anh đúng là một người thú vị!

Nói rồi cô quay đầu bước đi, chẳng bao lâu đã khuất trong cầu thang máy. Cửa thang máy đóng lại, La Chu chỉ nhìn thấy nụ cười lạnh lùng lướt qua trên môi cô.

La Chu nhìn bảng chỉ dẫn trên thang máy từng tầng, từng tầng tụt xuống, cho đến tận tầng dưới cùng mới dừng lại. Sau đó anh trở vào phòng, bò trên cửa sổ nhìn xuống phía dưới, trong bóng đêm của sông Tô Châu, một màn đen kịt, chẳng nhìn rõ cái gì.

Anh quay trở lại trước màn hình vi tính, mười ngón tay múa như bay trên bàn phím.

3

Bạch Bích mặc cả bộ đồ đen, hoà với bóng đêm thành một khối. Cô không hiểu vì sao mình lại đến đây, chỉ là một linh cảm. Cô cảm thấy mình phải tìm ra cái gì đấy, hoặc nói cách khác, có điều gì đó đang đợi cô đến phát hiện. Cô không để cho taxi đưa vào con đường nhỏ mà dừng lại ở ngã tư rồi tự mình đi bộ vào. Một vài chiếc lá rụng xuống, rơi trên người cô, mới qua mấy tuần lễ, những cây ngô đồng ở đây đã trả về cho đất mẹ tất cả lá của nó. Con đường trong đêm tối rất lạnh, cô cúi thấp đầu, tay giữ lấy cổ áo, bước đi gấp gáp. Chẳng mấy chốc, cô đã đến trước cổng lớn của Viện Nghiên cứu Khảo cổ.

Cánh cửa lớn đóng im ỉm, trong đêm tối trông nghiêm ngặt đáng sợ. Bạch Bích thò tay vào trong ví, sau đó lôi ra một chùm chìa khoá. Thực ra là, sau khi nhìn thấy chùm chìa khoá này, cô mới quyết định đến đây. Chính là chùm chìa khoá này, chùm chìa khoá cô phát hiện thấy trong ngăn kéo của Giang Hà tuần trước. Thoáng chốc, cô cảm thấy đây là Giang Hà cố ý để vào ngăn kéo, chuẩn bị để lại cho cô. Dùng chùm chìa khoá này có lẽ có thể mở được cánh cửa lớn, cánh cửa dẫn đến cánh cửa của một thế giới khác. Thế là cô đến đây, mang theo chùm chìa khoá.

Bạch Bích chọn chiếc chìa khoá lớn nhất tra vào ổ khoá của cánh cửa lớn của Viện Nghiên cứu Khảo cổ. Quả nhiên đúng là chiếc chìa khoá này. Tuy phải dùng nhiều sức lực, nhưng ổ khoá lớn ấy vẫn từ từ mở ra, cổng lớn hé mở. Bạch Bích rút chìa khoá ra, đẩy cánh cửa, rón rén bước vào, sau đó lại khoá cổng lại từ bên trong. Cô bước vào con đường nhỏ dưới hàng cây, những cây này đều là loại cây xanh quanh năm, cho nên bóng cây vẫn đung đưa, lá cây xào xạc trong gió. Căn lầu nhỏ trước mắt cô tối đen trông giống như cái lô cốt cũ đang chìm trong giấc ngủ, không có lấy một tia sáng nhỏ, cô hít một hơi thật sâu, thận trọng bước vào bên trong.

Trong căn lầu tối om không có chút ánh sáng nào, cô lấy ra một chiếc đèn pin nhỏ đã chuẩn bị từ trước, luồng ánh sáng yếu ớt rọi về phía trước. Ánh sáng của đèn pin yếu ớt đến thảm hại, soi gần chỉ chiếu được phạm vi nhỏ như miệng bát, chiếu xa thì chỉ là một quầng sáng mơ hồ. Nhìn vào quầng ánh sáng trước mặt càng làm cho người ta thấy sợ. Hành lang vang lên tiếng bước chân nhẹ nhàng của Bạch Bích. Cô ngờ rằng trong những hoàn cảnh như thế này có thể có người sẽ sợ hãi mà chết vì chính tiếng bước chân của mình. Lần theo ánh sáng của đèn pin, cuối cùng cô cũng đến được căn phòng Giang Hà chết. Cô lấy những chiếc chìa khoá trong chùm chìa khoá của Giang Hà lần lượt tra thử vào ổ khoá, thử mãi đến chiếc cuối cùng mới mở được cửa phòng.

Vừa bước vào phòng cô bỗng cảm thấy như có vật gì đó đang nhìn mình, điều đó làm cho cánh tay cầm đèn pin của cô run lên. Giang Hà à? Cô hỏi nhỏ. Trong phòng im lặng như tờ, không có tiếng trả lời. Ánh sáng đèn pin lia qua một vòng, cuối cùng cô cũng nhìn thấy đôi mắt đang nhìn cô, thực ra đó chỉ là hai hố mắt trống rỗng, trên cái đầu lâu người chết bày trong tủ kính. Ánh sáng yếu ớt của chiếc đèn pin chiếu vào cái đầu lâu ấy, khiến cho Bạch Bích cảm thấy buồn nôn. Cô vội vàng chiếu đèn sang hướng khác, sau đó sờ tay trên tường, cuối cùng cô cũng sờ thấy công tắc đèn.

Đèn trong phòng đã được bật lên, chiếu sáng cả căn phòng. Đang từ trong bóng tối bỗng gặp ánh sáng, mắt Bạch Bích bị chói đến mức không mở ra được, phải một lúc sau mới quen. Bạch Bích tắt đèn pin và quan sát toàn bộ căn phòng một lần nữa. So với lần đến trước, hình như cũng có một chút thay đổi, vị trí của chiếc ghế, cách bày biện đồ vật trên bàn. Cô khẳng định từ sau lần trước cô đến, chắc chắn đã có người đến đây. Bạch Bích nhìn đồng hồ, đã 11 giờ đêm rồi, Giang Hà cũng bị chết ngay sau thời gian này không lâu. Cô nhìn thấy cái điện thoại, cú điện thoại đêm đó Giang Hà gọi cho cô chính là gọi đi từ chiếc máy này. Cô nhấc điện thoại lên, chỉ nghe thấy tiếng u u trong máy, cô rất muốn gọi cho Giang Hà một cuộc, nhưng lúc này cô không biết số điện thoại của Giang Hà ở thế giới bên kia.

Cuối cùng cô cũng đặt điện thoại xuống và ngồi vào trước máy vi tính của Giang Hà, cô bật máy tính lên. Rất nhanh cô đã nhập vào hệ điều hành WINDOW 98. Cũng giống như máy vi tính ở những văn phòng bình thường khác, màu sắc đơn điệu, trên màn hình lèo tèo mấy cái biểu tượng. Cô nhìn thấy bên trong có biểu tượng phần mềm ứng dụng, thế là cô bèn mở ngay hệ thống đó. Đó là một phần mềm đã được Hán hoá, tên là “KGD phần mềm ứng dụng phân tích tổng hợp khảo cổ”, phía sau là một chuỗi dài tên hãng chế tạo máy móc và phần mềm. Tiếp đến là các thư mục, bên trên toàn là những thuật ngữ khảo cổ, có cái cô xem hiểu, ví dụ như phương pháp đo lượng phóng xạ C14[23], nhưng có cái cô cảm thấy rất mơ hồ.

Bạch Bích không tìm hiểu những cái đó, cô mở vào phần lưu trữ tin nhắn ở bên trên. Lần ghi chép cuối cùng chính là ngày Giang Hà chết. Bạch Bích cẩn thận mở trang ghi chép cuối cùng này. Trên màn hình lập tức hiện lên một biểu đồ đường cong, bên cạnh biểu đồ đường cong đó không có bảng thuyết minh, cái này xem ra giống như biểu đồ cổ phiếu, e rằng chỉ có Giang Hà mới hiểu được, Bạch Bích xem chẳng hiểu gì, cô chỉ có thể ra khỏi hệ thống này.

Cô mở vào mục “My Documents” của Giang Hà, nhìn thấy bên trong còn giấu một cửa sổ tắt, tên gọi là “Bạch Bích vào đây”. Là Giang Hà đang gọi cô sao? Cô tự hỏi mình. Cô vội vàng mở cửa sổ ấy ra. Hình như lại là một hệ thống phần mềm. Vừa vào hệ thống đã thấy xuất hiện màu vàng của hoang mạc trên ảnh nền máy tính. Trong ảnh dần dần hiện lên hai hàng chữ màu xanh “Bầu trời chưa lưu vết tích, chim nhỏ đã bay qua”.

Tim Bạch Bích bỗng nhiên như bị bóp nghẹt, tiếp đó cô cảm thấy bàng hoàng, cô thấy hai câu thơ trên nghe rất quen, hình như mấy chữ này còn bao hàm một ý nghĩa sâu sắc nào đó. Cô đọc khẽ lại một lần: “Bầu trời chưa lưu vết tích, chim nhỏ đã bay qua.”

Ngay lập tức một cái tên vụt qua trong đầu cô: Dư Thuần Thuận.

Đúng rồi, đây là câu nói của Dư Thuần Thuận.

Bạch Bích nhớ lại hơn năm năm trước, khi cô mới 18 tuổi, đã từng vì mộ danh mà đến nghe Dư Thuần Thuận nói chuyện tại một cuộc hội đàm. Cô vẫn còn nhớ rõ trên bục, cách cô không xa, một người đàn ông Thượng Hải tóc tai bù xù, để râu dài, khuôn mặt bị gió Tây Bắc thổi đến mức thô ráp và đen đúa, được tôn xưng là nhà thám hiểm hàng đầu Trung Quốc đang thao thao bất tuyệt với khán giả về những chuyến đi thần kỳ của mình trên khắp đất nước Trung Hoa. Năm năm đã trôi qua, những câu chuyện thần kỳ mà cô được nghe từ chính Dư Thuần Thuận đã phần nào mai một, nhưng cô vẫn nhớ rõ hai câu của ông: Bầu trời chưa lưu vết tích, chim nhỏ đã bay qua.

Cũng chính trong buổi nói chuyện đó, Bạch Bích đã nghe thấy đích thân Dư Thuần Thuận nói với mọi người, ông chuẩn bị mấy tháng nữa sẽ đi xuyên qua hồ La Bố. Một ngày của tháng 6 năm đó, khi cô đang vác giá vẽ băng qua trước màn hình điện tử lớn trên Quảng trường Nhân dân, màn hình đang phát đi bản tin truyền hình, trong bản tin xuất hiện hiện trường lúc tìm được thi thể của Dư Thuần Thuận. Đó là những bức ảnh máy bay trực thăng chụp được khi đi tìm ông. Một chiếc lều bạt gần như đổ sập đứng đơn độc trên hoang mạc của hồ La Bố. Nhìn thấy tin ấy trên màn hình, cô bé Bạch Bích 18 tuổi bỗng không cầm nổi nước mắt, đứng che mặt khóc nức nở giữa dòng người nhộn nhịp. Đúng lúc đó cô nhận ra rằng: Người đàn ông đầu tiên mà cô yêu chính là Dư Thuần Thuận. Mặc dù Dư Thuần Thuận không biết cô, nhưng cô luôn luôn cho là như vậy. Rồi đến người đàn ông thứ hai cô yêu chính là Giang Hà. Đến bây giờ, cả hai người đàn ông cô yêu đều đã chết, một người chết trên sa mạc của hồ La Bố, một người thì chết sau khi từ hồ La Bố trở về không lâu.

Bạch Bích cuối cùng cũng điều chỉnh lại ý thức của mình từ trong giả tưởng và hồi ức, cô lại nhìn lên màn hình vi tính. Hai hàng chữ và bối cảnh hoang mạc không thấy xuất hiện nữa, trên màn hình trắng trơn bỗng tự động xuất hiện mấy hàng chữ:

“Bạch Bích thân yêu!

Nhìn thấy hàng chữ “Bầu trời chưa lưu vết tích, chim nhỏ đã bay qua” hiện trên màn hình, nhất định em sẽ nghĩ đến một cái gì. Đúng thế, anh bây giờ giống như Dư Thuần Thuận, đã sang một thế giới khác. Lúc này anh chỉ muốn nói với em: Anh xin lỗi!

Anh biết rằng, em nhất định sẽ đến, em sẽ cầm chùm chìa khoá anh để lại, để đến căn phòng này, mở máy vi tính ra, đến trước mặt anh. Em thân yêu, anh rất muốn được hôn em, nhưng không còn cơ hội nữa rồi, hãy tha thứ cho anh, anh không thể xuất hiện trước mặt em như ông chủ trong bộ phim “Bóng ma”, đó chỉ là chuyện trong phim ảnh mà thôi, không thể là chuyện thật được.

Hãy cho anh biết, bây giờ em muốn nói với anh điều gì?”

Bỗng nhiên, phía dưới màn hình nhảy ra một cái Micro dài dài, ánh sáng đang chớp chớp trong Micro, những ngón tay của Bạch Bích trên bàn phím run lên, cô không biết cái mình đang nhìn thấy là cái gì, lẽ nào đúng là Giang Hà đang muốn nói chuyện với cô qua máy vi tính? Cô nhìn chăm chú lên màn hình, nhìn vào Micro, có lẽ lúc này Giang Hà đang chờ cô trả lời. Không nên để anh ấy phải đợi lâu, cô không cần nghĩ ngợi gì gõ ngay ba chữ: ”Em yêu anh!”

Lập tức, trên màn hình vi tính lại hiện lên một hàng chữ:

Em yêu, anh cũng vậy.

Bạch Bích vội gõ lên bàn phím:

Giang Hà, em nói với anh, em tin vào bộ phim đó. Em muốn gặp anh!

Lại một hàng chữ:

Không, em thân yêu, em không thể gặp anh được, mãi mãi không thể, xin lỗi em!

Khoang mắt của Bạch Bích đầy nước:

Thế vì sao anh lại phải xa em?

Trả lời:

Đó là một sai lầm, một sai lầm ấp ủ từ lâu, kết cục của nó là cái chết! Anh bị cuốn vào sai lầm đó, cho nên, cái chết tìm đến anh. Không ai chạy thoát được, hãy tin anh!

Bạch Bích lắc đầu:

Vì sao lại là anh, như thế không công bằng!

Trả lời:

Không, như thế rất công bằng, số mệnh chính công vô tư, anh không phải là người đầu tiên, và cũng không phải là người cuối cùng!

Cô tiếp tục hỏi:

Thế nhưng tất cả những cái đó là gì vậy? Các anh cuối cùng đã làm những cái gì?

Trả lời:

Anh không thể nói cho em những việc đó, bởi vì, anh yêu em, anh hy vọng em sẽ tiếp tục sống, sống hạnh phúc và vui vẻ!

Bạch Bích không muốn dừng lại:

Giang Hà, hãy cho em biết nguyên nhân, vì sao?

Trên màn hình cuối cùng cũng hiện lên hai chữ to màu đen:

Lời nguyền.

Nhìn thấy hai chữ này, Bạch Bích thấy sợ, cô cảm thấy trong căn phòng này ở bất cứ chỗ nào hình như cũng có hơi hướng của Giang Hà, hay nói một cách khác Giang Hà đã cùng với căn phòng hoà làm một. Cô nghĩ một lúc lâu rồi mới mạnh dạn gõ mấy chữ:

Em không sợ!

Trả lời:

Mau về đi, một phút cũng không được ở lại, ra khỏi đây, ra đi!

Bạch Bích vừa định trả lời, bỗng màn hình vụt tối đen, cô cúi nhìn máy chủ, hoá ra nó cũng đã tự động tắt. Cô không thể ngờ rằng máy tính lại có thể tự tắt. Cô đặt tay lên công tắc máy, dừng lại một lúc, nhưng rồi cuối cùng không bật nó lên nữa. Cô nghĩ có thể đây là do máy tự tắt do đó cũng không nên động vào. Cô đứng dậy tắt điện nguồn. Mắt cô hơi nhức, đầu óc mơ mơ màng màng, cô ngả người, gối đầu lên bàn, nhắm mắt lại. Thế là cô cảm giác được ở cùng Giang Hà, cô thấy Giang Hà đứng cạnh cô, lặng lẽ nhìn cô, vuốt ve cô. Một cơn choáng váng, đầu cô tràn đầy những lời cảnh báo cuối cùng của Giang Hà. Giang Hà muốn cô ra khỏi đây, ra ngay lập tức, cô không muốn làm trái ý anh.

Bạch Bích cố gắng đứng lên, cô cảm thấy toàn thân ê ẩm, cô ngẩng đầu nhìn ra cửa sổ, lá cây bị gió thu thổi bay loạn xạ. Cô nhìn lại căn phòng lần cuối cùng, rồi giơ tay xem đồng hồ, đã 12 giờ rồi. Cô mở cửa phòng, sau đó tắt đèn, căn phòng lại chìm ngập trong bóng đêm. Cô bước ra khỏi phòng, đồng thời đóng cửa lại.

Tiếng bước chân của cô lại vang lên trong hành lang. Cô bật lại đèn pin, luồng ánh sáng yếu ớt rọi về phía trước. Bước đi trong bóng đêm, nghe tiếng bước chân của mình, khiến cô dần dần nhớ lại điều gì. Cô nhớ lại lúc mình còn là một đứa bé gái, có một đêm, bố mẹ cô đều phải đến cơ quan làm thêm giờ để xử lý một lô di vật, thế là họ mang cô theo. Đêm ấy, nhân lúc bố mẹ đều đang vùi đầu vào công việc. Cô bé 9 tuổi giấu bố mẹ nấp trong hành lang tối om, trong bóng tối cô chẳng nhìn thấy cái gì, bên cạnh lại không có ai. Cô chỉ biết đi mãi về phía trước, cho đến khi gặp một cánh cửa, bên trong cửa lộ ra một chút ánh sáng yếu ớt, cánh của khép hờ, thế là cô dùng sức đẩy nó ra, rồi bước vào bên trong. Câu chuyện xảy ra đã nhiều năm, cô chỉ nhớ bên trong căn phòng ấy ánh sáng rất mờ, lại còn có một luồng khí lạnh thổi tới, trong phòng kê rất nhiều tủ bảo hiểm, mỗi cái đều được khoá bằng một chiếc khoá to và nặng.

Phía trong cùng của căn phòng, cô nhìn thấy một chiếc cốc to bằng thủy tinh, một đứa bé nằm gọn trong đó. Đứa bé rất bé, thế nên có thể xếp gọn nó trong chiếc cốc thủy tinh. Xem ra nó mới sinh ra chưa được bao lâu, toàn thân đã trở thành màu đen, trên da đầy những nếp nhăn, trông giống như da ông già. Cô không nhìn rõ đứa trẻ đó là gái hay trai, chỉ nhớ đứa bé có một khuôn mặt dị thường. Khuôn mặt đứa bé hay nói khác đi là của xác ướp kia đang đối diện với Bạch Bích 9 tuổi, nó hiện lên một điệu cười kỳ quái. Bạch Bích rất sợ, sợ đến cực độ, vừa lúc đó bố cô chạy đến, kéo cô ra, sau đó đóng cửa và dùng một cái khoá khoá lại. Bố cô bật đèn lên, nhìn bộ dạng ông lúc đó thật đáng sợ, ông to tiếng với con gái:

– Con gái, có thật là con đã nhìn thấy cái xác ướp hài nhi đó không? Con sợ quá phải không, bố xin lỗi, bố quên không khoá căn phòng đó lại, con gái, con phải nhớ, cánh cửa này không phải nơi con muốn đến là đến được đâu!

Lúc này, Bạch Bích dựa vào trí nhớ đã đến được trước cửa cái kho đó.

Cô sờ lên cánh cửa sắt nặng nề, như sờ lên khuôn mặt nghiêm khắc của bố mình tối hôm đó. Cô lại lôi chùm chìa khoá của Giang Hà ra, thử từng chiếc vào ổ khoá của cửa kho. Thử rất lâu, cuối cùng một chiếc chìa khoá bằng gang đã mở được cánh cửa đó. Cánh cửa rất nặng, Bạch Bích cố sức đẩy nó ra, cũng giống như cái lần hồi còn nhỏ, cô lặng lẽ bước vào bên trong. Một mảng tối đen, hình như không có cả cửa sổ, không nhìn thấy một chút ánh sáng nào. Phải khó khăn lắm tay cô mới sờ thấy công tắc điện, bật đèn lên, lúc này mới nhìn rõ được căn phòng bí mật này.

Căn phòng kín hoàn toàn, không có bất cứ cánh cửa sổ nào, còn ánh sáng đèn thì vừa tối lại vừa yếu ớt, chắc là để ánh sáng không làm ảnh hưởng đến di vật. Căn phòng rất lớn, tủ quầy và vách ngăn ngăn nó thành mấy phòng nhỏ. Ngoài cửa là một cái chậu rửa tay, có treo mấy bộ quần áo màu trắng, có khả năng là để giữ vệ sinh cho người vào phòng. Bạch Bích bước lên phía trước mấy bước, nhìn thấy những chiếc tủ bảo hiểm, chúng vẫn nặng nề như lúc cô còn nhỏ, bây giờ hình như đều được thay bằng những khoá mã số hiện đại. Trong đầu cô bỗng xuất hiện một câu hỏi, mình có được vào căn phòng này không nhỉ? Cô cảm thấy hành vi của mình chẳng khác gì bọn trộm cắp.

Mặc dù trong lòng luôn tự hỏi như thế, nhưng chân cô vẫn tiến về phía trước.

Lúc này cô rất sợ lại phải nhìn thấy đứa bé trong chiếc cốc thủy tinh. Bố cô bảo đó là xác ướp hài nhi, khuôn mặt dị thường với điệu cười mỉm kỳ quái của đứa bé trong cốc thủy tinh khiến cô rất sợ hãi. Hồi 9 tuổi cô thường mơ đến nụ cười đó, nụ cười đó có lẽ đã đi theo đứa bé trong mộ cổ liên tục 2000 năm nay. Cô hình như nhìn thấy khuôn mặt đầy nếp nhăn của đứa bé nở phình ra trong cốc, làm nứt cả thủy tinh, rồi nó nhảy ra khỏi chiếc cốc, mỉm cười xông về phía cô, lúc đó cô vội hét toáng lên, làm bố mẹ cô đều tỉnh giấc. Còn bây giờ cô không nhìn thấy cái cốc thủy tinh đó nữa, có thể cái xác ướp hài nhi kia mười mấy năm trước đã trở thành di vật khảo cổ quan trọng và được giao cho phòng Di vật quốc gia rồi. Điều đó làm cho cô thở dài, cũng thấy hơi thất vọng, điều này khiến cô cảm mình có vấn đề về tâm lý.

Mình làm sao thế nhỉ? Cô không biết nên làm gì mới có thể biểu đạt trạng thái tâm lý lúc đó. Cô vẫn tiếp tục, cô nhìn thấy phía trước có một cánh cửa nữa, cũng bị khoá, cô muốn lùi lại, muốn quay đầu chạy khỏi nơi đây. Nhưng không hiểu vì sao, cô lại cầm chùm chìa khoá của Giang Hà, lần lượt thử các chiếc chìa khoá vào cánh cửa này. Cô không hiểu sao Giang Hà có thể có chiếc chìa khoá quan trọng này, bây giờ cô lại một lần nữa mở được cánh cửa. Đây là một căn phòng rất nhỏ. Cô bật đèn lên, ánh đèn yếu ớt, bốn phía bịt kín, nhiệt độ lại rất thấp, cô chú ý thấy căn phòng có lắp điều hoà. Ở giữa phòng đặt một chiếc lồng kính trong suốt, trong ánh sáng yếu ớt, Bạch Bích nhìn thấy trong chiếc lồng kính đó có một xác ướp con gái đang nằm.

Toàn thân Bạch Bích lạnh cóng, tim cô cũng lạnh theo, nó gần như ngừng đập. Trong không khí lạnh lẽo, cô đứng chết lặng nhìn người con gái trong chiếc lồng kính. Trên thực tế, đây là một xác ướp, một thi thể cứng đờ, không có mặt nạ vàng và gậy chống vàng giống như của các Pharaon Ai Cập cổ đại, chỉ có một chiếc váy dài bạc màu. Da cô ấy bây giờ đã trở thành màu đen, đương nhiên có thể khẳng định lúc còn sống nó không phải màu ấy, toàn thân cứng đơ, đầy nếp nhăn, giống như da của đứa bé trong lồng kính mà Bạch Bích đã nhìn thấy từ nhiều năm trước. Tóc còn rất ít, có lẽ đã bị phong hoá[24], được quấn quanh đầu, trên đầu cài một chiếc trâm màu vàng nổi bật. Tuy chỉ là một xác ướp, nói chính xác hơn là một cái xác khô, nhưng khuôn mặt về cơ bản vẫn nhận ra, sống mũi bảo quản rất tốt, rất cao, hốc mắt sâu, mắt nhắm lại, đầu hơi dài, môi vừa dày vừa dài, rõ ràng là người Caucasian cũng chính là người da trắng, nếu nói một cách chính xác hơn là người thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Âu, cũng là người Aryan.

Người con gái này khi còn sống sẽ có hình dáng như thế nào nhỉ? Bạch Bích lúc này không thấy sợ nữa, cô lặng lẽ ngắm nhìn cái xác ướp trước mặt. Đúng thế, trước mặt cô chỉ là một xác ướp, chẳng có gì đáng sợ. Cô ta cũng như Bạch Bích, đều là phụ nữ, như thế thì có gì đáng sợ. Cô nghe nói ở hồ La Bố đào được một xác phụ nữ cách đây 3800 năm, được bảo quản rất tốt, được gọi là “Mỹ nữ Thành cổ Lâu Lan”.

Về sau, khi Bạch Bích được nhìn thấy ảnh chụp cái xác ướp nữ ấy, đã khiến cô rất thất vọng. Điều đó cho thấy cái gọi là “Bảo tồn hoàn hảo” trên báo chí thật ra chỉ là tương đối, không có sự “hoàn hảo” thật sự. Cô tin rằng, những người nhìn thấy bức ảnh quý “Mỹ nữ Thành cổ Lâu Lan” sẽ không đồng ý với danh xưng “Mỹ nữ”. Xác chết là xác chết, thi thể chết đi sau mấy ngàn năm đều hiện lên gớm ghiếc đáng sợ. Giống như cái xác ướp đen đúa và khô đét mà cô đang nhìn thấy đây, mặc dù cô tin rằng người con gái này lúc còn sống nhất định có một làn da trắng trẻo. Đây chính là thế giới thực mà ngành Khảo cổ học đụng chạm tới, chứ tuyệt đối không phải câu chuyện lãng mạn như người ta tưởng tượng.

Nhìn cái xác ướp dưới ánh sáng yếu ớt, Bạch Bích không thể tưởng tượng ra hình dáng của người con gái này lúc còn sống. Có lẽ một người con gái vừa trẻ, vừa đẹp sau khi chết đi nhiều năm cũng có thể biến thành như thế này. Nghĩ đến đây, bỗng nhiên cô cảm thấy những người thợ thủ công chế tác xác cô gái thành cái xác ướp thực ra là đang phạm vào một tội ác, đặc biệt là đối với những người phụ nữ đẹp.

Cái đẹp của người phụ nữ rất mỏng manh, nó không phải là vĩnh cửu. Nó cũng giống như người con gái trong cái lồng kính mà Bạch Bích đang nhìn thấy đây. Nghĩ mãi, cô thấy trái tim mình bỗng nhiên có cảm giác yếu mềm, bất giác cô không tự chủ được đưa tay lên xoa mặt, khuôn mặt này của mình có thể giữ gìn được bao lâu, tuổi xuân trôi đi, cuộc đời cũng trôi đi. Dần dần cơ thể Bạch Bích càng ngày càng lạnh, cô sắp bị đóng thành băng rồi, cô nghĩ chẳng may mình bị đóng băng ở đây, ở một đêm với cái xác ướp này, e rằng mình cũng bị biến thành xác khô mất. Trái tim cô run rẩy, cô nhẹ nhàng nói với cô gái trong lồng thủy tinh: “Tạm biệt!” Rồi tắt đèn, quay người đi ra khỏi căn phòng nhỏ.

Bạch Bích đóng cửa, sau đó tắt đèn, bước ra khỏi nhà kho, cô còn cẩn thận đóng cửa lại. Bạch Bích không kịp nhìn đồng hồ, thậm chí ngay cả đèn pin cũng không kịp bật. Cô dựa vào cảm giác đi qua hành lang, rồi thong thả ra khỏi căn lầu nhỏ. Sau khi ra khỏi đó, cô quay đầu lại nhìn, điều khiến cô giật mình là bỗng nhiên phát hiện ở tầng 1 có một cánh cửa sổ phát ra ánh đèn.

Tim Bạch Bích đập nhanh, lẽ nào vừa nãy mình quên không tắt đèn, không thể nào, cô nhớ tất cả đều đã được tắt hết. Thế là cô cố gắng khống chế nỗi sợ hãi, rón rén đi về phía hàng cây, giống như hồi nhỏ chơi bắt dế ở hàng cây này. Cô chú ý không phát ra tiếng động, nhẹ nhàng áp sát vào cửa sổ tầng trệt. Bạch Bích ngẩng đầu lên nhìn vào trong căn phòng đang sáng ánh đèn. Một người đang ngồi, người này tay cầm một chiếc mặt nạ màu vàng.

Tiếp đó, người này hơi quay lại nên Bạch Bích nhìn rõ mặt anh ta, hoá ra là Lâm Tử Tố.

Bạch Bích giật mình, sao lại là anh ta? Nhưng cô không dám nghĩ nhiều, vội vàng rón rén rời khỏi cửa sổ, đi xuyên qua hàng cây, nhẹ nhàng đi qua cửa lớn, sau đó cẩn thận khoá lại. Cuối cùng, cô thở phào, dựa lưng vào gốc cây ngô đồng bên con đường nhỏ, ngắm nhìn những ngôi sao trên trời.

Trời sao đẹp vô cùng!

Chỉ có cái đẹp của trời sao mới là vĩnh cửu. Bạch Bích thầm nói với chính mình.

4

Mãi đến gần sáng Bạch Bích mới ngủ được, sau đó lại quanh quẩn mất mấy tiếng đồng hồ giữa cơn ác mộng rồi lại tỉnh giấc, phải đến hơn 10 giờ sáng cô mới thức dậy trong sự mệt mỏi rã rời. Cô không muốn làm một đứa con gái lười nhác như vậy, nhưng da thịt và xương cốt toàn thân cô đều rất mỏi, phải cố gắng lắm cô mới vào được phòng vệ sinh để đánh răng rửa mặt. Cô soi mình vào gương, chỉ một đêm mất ngủ đã khiến cho khuôn mặt trở nên khó coi, bỗng nhiên nhớ đến người con gái nằm trong lồng kính, cô thấy rùng mình.

Tuổi thanh xuân sẽ trôi qua rất nhanh phải không? Cô mới chỉ 23 tuổi, 23 tuổi chưa kết hôn, chưa thực sự tiếp xúc với một người đàn ông. Thế là cô cảm thấy sợ, cúi đầu xuống, khóc nức nở, lúc này bao nhiêu sự gan dạ tối hôm qua bỗng chốc biến đi đâu mất, lại thấy mình trở thành đứa con gái yếu đuối.

Sau khi ăn qua loa ít đồ ăn, cô chẳng còn lòng dạ đâu để vẽ tranh, chỉ ngồi bên cửa sổ ngắm những dãy nhà ở phía xa. Tiếng chuông cửa vang lên, lại là ai đây? Bạch Bích mở cửa, đối diện là một khuôn mặt cô không hề muốn gặp nhất – Diệp Tiêu.

– Cảnh sát Diệp, anh đến có việc gì đấy? Xảy ra việc quan trọng à? – Bạch Bích hỏi với giọng uể oải.

Diệp Tiêu vẫn mặc thường phục, lạnh lùng nhìn Bạch Bích, sắc mặt nghiêm nghị, ánh mắt sắc nhọn như muốn đâm xuyên qua người cô, nhưng không nói gì, làm cho cô thấy chột dạ. Một lúc sau, Diệp Tiêu mới thong thả mở miệng:

– Tối qua em ngủ không được ngon à?

– Anh hỏi thế để làm gì? – Bạch Bích thấp thỏm không yên hỏi.

– Nói thật xem, đêm qua mấy giờ em mới về đến nhà?

Toàn thân Bạch Bích mềm nhũn ra, cô cúi đầu, giống như một đứa trẻ mắc lỗi, cô nhẹ nhàng nói:

– Diệp Tiêu, xin lỗi anh, vào nhà đi!

Diệp Tiêu bước vào phòng, ngồi xuống thở một hơi dài, nói:

– Nói thực, tối qua anh cũng không ngủ được.

Bạch Bích lúc này mới chú ý thấy vành mắt của anh hơi đỏ, cũng có nghĩa là anh cũng đang mệt mỏi. Cô không biết làm sao, đành nói một câu vụng về:

– Anh có muốn một ly cà phê không?

Diệp Tiêu cười một tiếng đau khổ, rồi nói:

– Cà phê à? Không cần đâu! Là em đấy, hại anh đến mức không được ngủ ngon!

– Hoá ra anh…

– Đúng vậy, đêm qua anh nhìn thấy tất cả, anh đứng nấp ở con đường nhỏ đối diện với Viện Nghiên cứu Khảo cổ, thấy em cầm chùm chìa khoá mở cửa bước vào, lọ mọ ở trong đó đến hơn một tiếng đồng hồ mới bước ra, thần kinh cực kỳ căng thẳng. Nếu như lúc đó anh bất ngờ xông ra vỗ vào vai em, chắc chắn em sẽ sợ chết ngất đi.

Má Bạch Bích đỏ lên, cô cúi đầu xuống, nói nhỏ nhẹ:

– Em xin lỗi!

– Được rồi, tim anh vẫn luôn rất mềm yếu, chỉ cần em trả lời chính xác những câu hỏi của anh thì anh sẽ không làm khó dễ cho em nữa. Hãy cho anh biết, em lấy đâu ra chìa khoá để mở cửa vào Viện Nghiên cứu Khảo cổ?

– Em lấy trong ngăn kéo của Giang Hà, em tưởng đó là những di vật của anh ấy, em không biết là em không có quyền giữ chúng.

– Được rồi, đối với vấn đề em có quyền hay không có quyền giữ hoặc kiểm duyệt di vật của Giang Hà lần sau chúng ta sẽ bàn, sau khi vào trong đó em đã làm gì?

– Em vào căn phòng Giang Hà bị chết, ở trong đó mở máy vi tính của Giang Hà. Em dùng máy vi tính đó nói chuyện với Giang Hà.

– Em nói gì cơ? – Diệp Tiêu ngắt lời cô, nhìn cô bằng cặp mắt đầy nghi ngờ.

Bạch Bích không dám nhìn vào mắt anh, cô cố ý lảng tránh ánh mắt, nói:

– Em nói là em nói chuyện với Giang Hà trên máy vi tính.

– Em có nảy sinh ảo giác hay nghe nhầm không đấy?

– Em biết anh sẽ không tin em, thực ra, ngay bản thân em cũng không dám tin vào chính mình, nhưng tất cả đều là sự thật, đúng là em đã nói chuyện với anh ấy trên máy vi tính.

Bạch Bích cuối cùng cũng ngẩng đầu lên nhìn vào mắt Diệp Tiêu, lúc này cô đã hoàn toàn phân biệt được anh với Giang Hà. Cô tự nói với mình, người đàn ông đứng trước mặt cô, chỉ là một sĩ quan cảnh sát bình thường, chứ không thể là người chồng chưa cưới đã mất của cô, họ là hai người hoàn toàn khác nhau.

– Em chắc chắn người nói chuyện với em là Giang Hà chứ?

– Đương nhiên là chắn chắn!

– Không phải em trò chuyện với một nick name tên là Giang Hà trên mạng đấy chứ?

Diệp Tiêu lập tức sử dụng những kinh nghiệm tích lũy được khi điều tra những tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin để hỏi Bạch Bích.

– Không, em không lên mạng, em nói chuyện trong máy vi tính. Trong máy có một hệ thống, nó mời em vào, thế là em vào. Anh ấy nói với em, anh ấy biết em sẽ đến. Anh ấy đã sớm đợi em, lại còn nói đó là một sai lầm. Anh ấy không phải là người đầu tiên, cũng không phải là người cuối cùng.

– Anh ấy dùng chữ xuất hiện trên màn hình vi tính à?

Diệp Tiêu cảm thấy đây là một việc đặc biệt khác thường.

Bạch Bích gật đầu, rồi nói tiếp:

– Hãy còn, anh ấy còn nói đến lời nguyền.

– Lời nguyền?

– Đúng thế, bây giờ nghe thấy hai chữ đó em thấy rất khó chịu. Sau đó anh ấy bắt em đi ra, em đã nghe theo. Nhưng khi em đi qua cửa nhà kho, em lại lấy chìa khoá của Giang Hà ra thử, kết quả là đã mở được cửa kho, thế là em đi vào nhà kho.

Diệp Tiêu lắc đầu, nói với cô bằng một giọng không rõ là khâm phục hay trách móc:

– Gan em còn to hơn cả gan anh! Văn Hiếu Cổ nhắc nhở cái cửa đó không được mở, bên trong có rất nhiều di vật quan trọng, đều là tài sản quốc gia, không phải ai cũng tùy tiện ra vào được, trừ những điều tra viên của cơ quan Tư pháp. Hành vi của em đã vi phạm pháp luật rồi đấy!

– Anh muốn bắt em à?

Diệp Tiêu không trả lời. Bạch Bích tiếp tục nói:

– Bên trong có rất nhiều tủ bảo hiểm, nhưng em không mở, em chỉ mở cánh cửa trong cùng, em nhìn thấy trong ấy có một cái xác khô.

– Xác khô? – Diệp Tiêu giật mình, thói quen nghề nghiệp khiến anh nghĩ ngay đến một vụ án hình sự lớn.

– Cũng có thể là một xác ướp, đặt trong một cái lồng kính, có thể cho đó là một di thể người cổ khai quật được trong quá trình khảo cổ.

Diệp Tiêu thở phào một hơi, anh bắt đầu thấy chán cái Viện Nghiên cứu Khảo cổ:

– Em nói tiếp đi!

– Sau đó em đi ra khỏi nhà kho. Khi đi qua căn lầu nhỏ, em bỗng phát hiện có một cửa sổ vẫn có ánh điện, thế là em thận trọng áp sát lại nhìn, hoá ra là Lâm Tử Tố đang ở trong đó. Em nhìn thấy trong tay anh ta đang cầm một chiếc mặt nạ màu vàng. Em không dám nán lại, sợ bị anh ta phát hiện, nên lặng lẽ đi ra cổng lớn của Viện, em nói xong rồi.

Nói xong câu cuối cùng, Bạch Bích cảm thấy như trút được gánh nặng.

– Lâm Tử Tố vào Viện Nghiên cứu khảo cổ trước khi em ra khoảng mười phút, khi đó anh rất lo cho em, suýt nữa thì đã xông vào rồi, mười phút sau em đi ra, lúc đó anh mới thở phào.

– Xin lỗi, đã để anh phải lo lắng!

– Em nói Lâm Tử Tố trong tay cầm một chiếc mặt nạ màu vàng, cái đó trông thế nào nhỉ?

– Em không biết, nhìn giống như cái chụp bằng vàng trên xác ướp của các Pharaon Ai Cập cổ đại. Đương nhiên là chỉ giống thôi, em cũng không nhìn rõ lắm, chẳng biết nó có phải di vật đào được dưới đất không.

Diệp Tiêu gật đầu nói:

– Thằng cha này ở lại đó đến 3 giờ sáng mới về. Anh lại không thể tự nhiên xông vào được. Anh chỉ là một sĩ quan cảnh sát, không phải là quan toà, anh không có quyền tùy tiện trèo tường vượt rào. Nhưng từ lâu anh đã nghi ngờ trong Viện Nghiên cứu Khảo cổ có vấn đề, đặc biệt là tay Lâm Tử Tố này. Bây giờ anh có thể khẳng định hắn có liên quan đến vụ án mạng này. Còn nữa, Trương Khai, em có quen người này không?

– Không quen, nhưng Giang Hà có mấy lần nhắc đến cái tên này, hình như người này rất nhát gan!

Diệp Tiêu vẻ mặt nghiêm trọng nói:

– Nói cho em biết, Trương Khai chết rồi! Chết trên con đường cách Viện Nghiên cứu Khảo cổ không xa, thời gian chết vào khoảng hơn 12 giờ đêm.

– Người thứ ba rồi! – Bạch Bích lẩm bẩm, cô nghĩ đến lời Giang Hà nói với cô trên máy vi tính, anh ấy không phải là đầu tiên, cũng không phải là cuối cùng, lẽ nào vẫn còn có người phải chết?

– Có lẽ không chỉ có ba người!

– Ý anh là, ngoài Giang Hà, Hứa An Đa, Trương Khai, vẫn còn có người phải chết nữa à?

Diệp Tiêu gật đầu:

– Đây chỉ là suy đoán của anh.

– Thế anh cho rằng có thể là chuyện gì đây?

– Anh cảm thấy Viện Nghiên cứu Khảo cổ rất không bình thường, rất có khả năng còn giấu một sự việc gì đó rất đáng sợ, bao gồm cả Văn Hiếu Cổ.

– Viện trưởng Văn cũng… – Bạch Bích giật mình.

– Đúng vậy, anh chí ít cũng xác định ông ta có liên quan rất lớn đến cái chết của Trương Khai. Thôi, có một số việc anh không thể nói được, tạm dừng ở đây đã!

Ánh mắt Diệp Tiêu nhìn thẳng vào mắt cô, khiến cô buộc phải nhìn vào anh.

– Bạch Bích, em biết không, hành động của em đêm qua rất nguy hiểm, là đùa với tính mạng, lại còn vi phạm pháp luật nữa. Anh với tư cách là sĩ quan cảnh sát cảnh cáo em, không bao giờ được làm những việc như vậy nữa, nếu không sẽ hối không kịp đâu, rõ chưa?

Bạch Bích gật đầu, cô nói nhỏ:

– Em xin lỗi, đã làm anh không được nghỉ ngơi!

– Thôi được rồi, ai bảo anh làm cái nghề này, anh còn phục ở đó đến 6 giờ sáng cơ. – Diệp Tiêu chỉ muốn ngáp luôn một cái, nhưng không thể làm thế trước mặt Bạch Bích, nên đành gắng gượng.

Diệp Tiêu đứng dậy, đi ra cửa, Bạch Bích bỗng hỏi từ phía sau lưng:

– Xin lỗi, em có thể hỏi anh một vấn đề về đời tư được không?

– Cứ hỏi tự nhiên!

Bạch Bích hơi lưỡng lự, nhưng vẫn hỏi:

– Anh và Giang Hà có quan hệ họ hàng gì không?

Diệp Tiêu sững người, nhưng anh lập tức hiểu ra:

– Anh biết vì sao em hỏi vậy rồi, bởi vì anh và Giang Hà rất giống nhau, đúng không? Nói cho em biết, bố mẹ Giang Hà và cả họ hàng nhà anh ấy đều là nông dân ở vùng núi phía bắc, còn tổ tiên bố mẹ anh đều là người Giang Tô. Anh sinh ra ở Tân Cương, về sinh lý mà nói, anh và anh ấy chỉ có một điểm chung là bọn anh đều là người Hán, nhưng cũng chỉ có vậy thôi.

– Anh sinh ra ở Tân Cương à? – Vừa nghe thấy Tân Cương, Bạch Bích tự nhiên nghĩ ngay đến hồ La Bố.

– Bố mẹ anh đều là những thanh niên trí thức, năm ấy đến chi viện cho Binh đoàn xây dựng sản xuất Tân Cương. Anh sinh ra ở Thạch Hà Tử ở Bắc Cương, từ lúc còn rất nhỏ anh đã trở về Thượng Hải, cuộc sống ở Tân Cương chỉ bó hẹp trong Sư đoàn nông nghiệp sở tại. – Diệp Tiêu nói.

– Xin lỗi anh, em thất lễ rồi, em vẫn cho rằng anh và Giang Hà có quan hệ huyết thống họ hàng nào đó, nhưng sao mà hai người lại giống nhau như thế cơ chứ?

– Chắc em cho rằng anh và Giang Hà là anh em sinh đôi chứ gì? Thực ra, trong biển người mênh mông, những người có bề ngoài giống nhau nhiều vô kể. Cái khó có được là hai người hoặc không chỉ có hai người cùng gặp được một cơ hội. Còn có những người cho dù là sinh đôi, nhưng nếu như khác trứng thì bề ngoài khác nhau rất nhiều cũng không phải là hiếm. Cho nên, anh và Giang Hà rất giống nhau, cũng chẳng có gì là lạ!

Diệp Tiêu bình tĩnh nói, anh cố ý lờ đi cái cảm giác lần đầu tiên anh nhìn thấy thi thể Giang Hà.

– Em xin lỗi! – Bạch Bích một lần nữa tỏ ra khiêm tốn.

– Tạm biệt, chú ý nghỉ ngơi! – Diệp Tiêu nhanh chóng đi khỏi đó.

Sau khi Diệp Tiêu đi rồi, trong đầu Bạch Bích lại lập tức hiện lên khuôn mặt của Giang Hà. Khuôn mặt của anh và khuôn mặt của Diệp Tiêu dần dần nhập làm một, khó có thể phân biệt. Cô thấy hơi sợ, vội chạy vào nhà vệ sinh lấy nước lạnh vã lên mặt, trên da mặt từng đám lạnh cóng. Cô ngẩng đầu lên, trong đôi mắt thâm sì hằn lên đầy nỗi khiếp sợ.

5

Lúc này đây, màu sắc trên bảng màu là màu hoàng thổ đặc biệt, do sử dụng màu sắc thiên về gam trầm, khiến cho người xem càng tăng thêm cảm giác nặng nề. Giống như một hòn đá đứng lặng lẽ, đè nặng lên trái tim. Bạch Bích cầm bút vẽ lên, chấm một ít nước, sau đó nhẹ nhàng điểm một ít thuốc màu, cô bắt đầu quét trên bề mặt bức vẽ. Trên giấy vẽ cô đã dùng bút chì phác hoạ những đường nét cơ bản và tạo hình nhân vật, những việc này không mất bao nhiêu thời gian. Bức tranh hơi khô, bình thường cô thích dùng nhiều nước cho thuốc màu và bút vẽ, nhưng lúc này cô không cần nhiều nước. Thực tế, nội dung cô vẽ là sa mạc hoang lạnh, ở đó không có nước, chỉ có bia mộ và bóng đêm.

Nét đầu tiên là vẽ đôi mắt nghiêng về bên phải của nhân vật. Đó là đôi mắt của một cô gái. Bạch Bích không có người mẫu, cũng không có tranh ảnh để mô phỏng theo. Cô chỉ dựa vào sự tìm tòi tưởng tượng trong đầu. Cuối cùng cô đã khám phá ra đôi mắt, một đôi mắt thần bí, hầu như từng nét mi đều rõ ràng, ánh mắt mịt mù hư ảo, như đang nhìn về một thế giới khác. Đây là đôi mắt do cô tưởng tượng ra, hay nói cách khác, là đôi mắt luôn ẩn hiện trong giấc mơ của cô. Bạch Bích nói với mình: Có lẽ đây chính là sao chép lại giấc mơ.

Vẽ xong đôi mắt, tiếp theo cô tô đến lông mày, lông mày vừa cong lại vừa dài, nằm kề sát ở giữa. Sau đó đến mũi, sống mũi trong tranh rất cao, cho nên phải đặc cách vẽ thêm một cái bóng nghiêng. Nhân trung không dài, bên dưới là môi, Bạch Bích không thích những đôi môi cố ý tô cho đỏ mọng, nên màu môi trong tranh rất nhạt, hầu như không nhìn thấy màu đỏ, mà tương tự như màu đá trên sa mạc, nhưng nó không làm ảnh hưởng đến vẻ đẹp của nhân vật.

Tóc rối bời, buông xoã, Bạch Bích dùng hỗn hợp màu cà phê và màu đen, đồng thời lưu lại một cách thoả đáng sự phản quang của sợi tóc.

Khuôn mặt vừa phải, bên dưới trán và má thêm những vệt bóng mờ, đường nét của cằm chỉ vẽ nhẹ nhàng, quan trọng là nổi lên bóng đen của cái cổ, làm cho cái cổ trắng trẻo kia bị trùm trong bóng tối. Còn hai bờ vai thì lúc ẩn lúc hiện, tròn trịa và hấp dẫn, lộ ra thứ sức mạnh hoang dã. Trên người mặc một cái váy dài, Bạch Bích cố ý làm cho chiếc váy trông rách rưới và dính đầy bùn đất. Người con gái đang quỳ dưới đất, chiếc váy dài trùm kín đầu gối và mắt cá chân. Phần quan trọng sau đó là tay, cánh tay của cô gái để trần, dưới bút vẽ của Bạch Bích, trông nó vừa mịn màng trắng trẻo vừa mạnh mẽ.

Phần khó vẽ nhất của bức tranh chính là những ngón tay và khuỷu tay, đó là phần trung tâm nhất của bức vẽ. Bởi vì trong bức tranh, hai tay cô gái đang nâng một cái đầu người lên. Đây là một cái đầu đàn ông bị chặt đứt, ngang cổ còn lưu lại những vết máu đen, thậm chí còn làm cho tay cô gái và phần dưới của chiếc váy dài cũng ướt đẫm máu. Mặt của cái đầu hướng lên trời, do đó, trong tranh chỉ có thể nhìn thấy tóc và trán của anh ta, còn mặt thì bị che khuất.

Bạch Bích lùi lại một bước, ngắm nhìn bức tranh đã gần như hoàn thành của mình – Một thiếu nữ áo trắng đang quỳ trên sa mạc, tay nâng một cái đầu đàn ông. Cô cảm thấy đây chính là bố cục mà cô đã tưởng tượng rất lâu, cô luôn cảm thấy tưởng tượng và sự thật cách nhau không xa, bây giờ cuối cùng nó đã được thể hiện trên giấy vẽ. Cô tiếp tục vẽ. Cô vẽ đến bối cảnh, bối cảnh ngoài đồng hoang ra còn có những căn nhà tường xiêu, mái sập như những lô cốt cổ. Gò đất nổi lên xung quanh, thực tế đó là những nấm mồ, tất cả những cảnh này đều dùng gam màu rất đậm, tất cả đều bị trùm trong đêm đen. Phần bên trên của bức tranh là bầu trời màu xanh đậm, trên trời, cô vẽ phần cuối cùng – mặt trăng. Đó là một mảnh trăng cong cong, bị vây kín bởi màu xanh đậm, cho nên cũng phát ra ánh trăng gần như màu xanh.

Bạch Bích thở ra một hơi, sau đó lại thêm vào hoặc sửa chữa một số chi tiết, một số bóng đen cần phải tô đậm hơn. Cuối cùng cô dùng mực đen viết vào chỗ trống bên trái bức tranh từ trên xuống bốn chữ: Đoạn hồn Lâu Lan.

Bức tranh quảng cáo cuối cùng đã hoàn thành. Lần trước cô đã nói, cô phải vẽ bức tranh áp phích cho vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan” để thay thế tác phẩm dở tệ treo ở trước cửa rạp. Cô biết rằng, bây giờ rất nhiều những quảng cáo tương tự người ta đều chế tác bằng vi tính, nhưng cô vẫn thích cách vẽ thủ công, bởi vì cô tin vào cảm giác của bút vẽ, cảm giác này mãi mãi thắng những con chuột. Bạch Bích cầm bức tranh quảng cáo lên, đây có lẽ là bức tranh lớn nhất trong số các bức tranh cô đã từng vẽ, cô phải treo nó lên tường mới vẽ xong được, bởi vì toàn bộ bức tranh còn dài hơn cả chiều cao của cô và chiều rộng của nó cũng phải gần một mét. Bạch Bích mở cửa sổ, treo bức tranh xuống bên dưới, để cho gió thổi khô thuốc màu, sau đó cô lặng lẽ ngồi trước cửa sổ ngắm nhìn cô gái trong bức tranh. Nhìn cô gái đang bê đầu người yêu, cô bỗng nhớ đến Mathilde trong “Đỏ và đen”, cô mặc tang phục để kỉ niệm mấy trăm năm ngày người tình của hoàng hậu bị vua nước Pháp đưa lên đoạn đầu đài. Người đó cũng chính là vị tiền nhân của gia tộc cô, hoàng hậu là người bê đầu của ông ta đi mai táng.

Bỗng nhiên Bạch Bích nghĩ đến mình.

6

Hai giờ chiều, Bạch Bích mới ra khỏi nhà. Cô đeo cái ống tranh dài quá khổ, phải tới hơn một mét, ống tranh đựng bức quảng cáo cho vở kịch. Đeo ống tranh đi trên đường trông rất nổi bật, nhưng cô không để ý lắm hoặc là đã sớm quen rồi. Cô đi nhanh đến tàu điện ngầm, mắt liếc nhìn những bức bích hoạ trên đường, bây giờ không phải là giờ cao điểm, xe điện ngầm cũng không đông người lắm, cô mua một vé đường ngắn, rồi bước vào ga.

Khi đoàn tàu gào rít lao tới rồi từ từ dừng lại trên sân ga, Bạch Bích bỗng có một ảo giác, cô cảm thấy khi cánh cửa toa xe mở ra, Giang Hà từ trong bước ra cười với cô. Đương nhiên, Giang Hà không thể nào bước ra từ trong toa xe đó được nữa, nhưng khi bước vào, cô lại nhìn thấy một người khác. Đúng là đôi mắt kia, vừa bước vào trong toa, cô đã cảm thấy nó, Bạch Bích nhìn bốn xung quanh, cuối cùng ánh mắt cô gặp đôi mắt kia.

Cô ta tên là gì nhỉ? Trong đầu Bạch Bích bỗng bật ra một cái tên: Lam Nguyệt. Lam trong màu lam, nguyệt trong nhật nguyệt. Cái tên này cùng với đôi mắt và những vấn đề liên quan với nó đã để lại một ấn tượng sâu sắc trong lòng Bạch Bích. Lúc này đôi mắt ấy đang ở trước mắt cô.

– Chào chị, Lam Nguyệt!

Bạch Bích bước đến bên cạnh cô diễn viên sân khấu Lam Nguyệt.

Môi Lam Nguyệt hơi nhếch lên, mỉm cười một cách khó hiểu, cô gật đầu rồi nhẹ nhàng nói:

– Chào chị, chị tên là Bạch Bích, đúng không? Tôi vẫn nhớ chị, chị nói chị là bạn của Tiêu Sắt, lại còn là một họa sĩ nữa.

– Tôi đã bao giờ nhận mình là hoạ sĩ đâu. Chị đang đi tham gia diễn tập à?

Lam Nguyệt gật đầu.

Bạch Bích cười, nói:

– Thế thì hình như tôi đến sớm rồi, tôi đến để xem Tiêu Sắt và mọi người diễn tập.

– Hoá ra là chúng ta cùng đường, thế thì nhanh lên thôi!

Lam Nguyệt đưa tay lên vuốt lại mái tóc, Bạch Bích như ngửi thấy mùi hương từ tóc cô tỏa ra.

Cửa toa mở ra, tàu dừng lại ở một ga lớn, phút chốc đã có rất nhiều hành khách tràn vào, khiến cho trong toa ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Bạch Bích và Lam Nguyệt bị chen lấn đẩy vào giữa dòng người. Điều này làm cho Bạch Bích rất khó chịu, cô ghét cái cảnh chen chúc này, nó làm cho cô cảm thấy nghẹt thở. Nhưng Lam Nguyệt thì hình như không để tâm, thái độ vẫn như cũ, nụ cười nửa miệng vẫn thường trực trên môi. Cô nắm chặt lấy tay nắm cửa, người lắc lư đều đều theo nhịp chạy của đoàn tàu, giống như đang múa một điệu múa nào đó, Bạch Bích nhìn điệu bộ thư thái như thế của cô ta, cũng có chút ngưỡng mộ.

Lam Nguyệt chú ý đến cái ống vẽ dài dài Bạch Bích đeo trên lưng, cô liền hỏi:

– Chị đeo một bức tranh trên lưng à?

– Ừ, lần trước tôi đã nói, cái tờ quảng cáo treo trước cửa rạp không được đẹp lắm, tôi vẽ lại một cái khác cho các bạn, đến hôm nay mang đến để treo, tất nhiên là miễn phí!

– Chị vẽ thì nhất định đẹp rồi!

Bạch Bích lắc đầu nói:

– Tôi từ lâu ít vẽ loại tranh áp phích thế này, không biết sau khi treo hiệu quả sẽ thế nào.

Lam Nguyệt không nói gì, chỉ chớp chớp mắt nhìn Bạch Bích.

Cuối cùng tàu đã vào ga. Hai người ra khỏi toa xe, rời khỏi xe điện ngầm, ánh trời chiều chiếu lên mặt Bạch Bích. Cô vừa đi vừa chăm chú quan sát Lam Nguyệt. Bạch Bích vốn cho rằng mặt mình trắng nhợt, nhưng hôm nay trong mắt cô, mặt Lam Nguyệt còn trắng nhợt hơn. Lam Nguyệt hình như nhận thấy ánh mắt của Bạch Bích, cô nhẹ nhàng nói:

– Bạch Bích, đừng nhìn tôi như thế!

– Xin lỗi! – Bạch Bích hơi ngượng nói: – Tôi chỉ cảm thấy chị là một diễn viên có khả năng phi thường, chị có thể trở thành một diễn viên tài năng.

Lam Nguyệt quay đầu lại mỉm cười, nói:

– Cảm ơn chị, tôi cũng không biết tôi có phải là diễn viên không. Thực ra chúng ta, mỗi người đều chẳng phải là đang diễn kịch sao?

– Chúng ta mỗi người đều chẳng phải là đang diễn kịch sao?

Bạch Bích tự nhủ, cô gật đầu với chính mình.

– Đúng vậy, chị xem những người đang lặng lẽ đi trên đường, họ mỗi người đều sắm một vai diễn trong cuộc sống, có người thì diễn cho người khác xem, còn có người thì diễn cho chính mình xem. Tôi thì biểu diễn cho mình xem.

Lam Nguyệt vội nói tiếp:

– Cho nên, tôi không chú ý đến cảm giác của người khác.

– Nhưng khi chị biểu diễn trên sân khấu đã cho chúng tôi một cảm giác rất tốt.

– Thật thế sao? – Lam Nguyệt nói xong cất tiếng cười, làm cho Bạch Bích cảm thấy thật kỳ lạ. Tiếng cười ấy như tự chế giễu chính mình.

Vừa đi vừa nói, chẳng mấy chốc họ đã đi qua đoạn đường giống như mê cung, đến trước cửa rạp, tấm quảng cáo dở tệ vẫn treo đàng hoàng ở chỗ cũ.

Bạch Bích đứng trước cửa nói:

– Bây giờ có thể bỏ tờ quảng cáo này đi được không?

Lam Nguyệt gật đầu, cô gọi một cuộc điện thoại di động cho người phụ trách công tác tuyên truyền của đoàn, nửa phút sau, đạo cụ kiêm kế hoạch tuyên truyền từ trong rạp chạy ra. Anh ta lập tức hạ ngay bức quảng cáo cũ xuống, ngượng ngùng nói:

– Xấu hổ quá, tờ quảng cáo này là tôi vẽ đấy, vẽ quá hồ đồ, khiến các bạn cười.

Sau đó, Bạch Bích lấy ống tranh ở trên lưng xuống, mở nắp, lôi bức tranh đã được cuộn tròn ra. Cô cẩn thận, thong thả mở nó ra, cùng với sự giúp đỡ của người đạo cụ, họ treo bức tranh lên.

Sau khi treo xong, người đạo cụ nói đầu tiên:

– Vẽ rất đẹp, hoạ sĩ nào vẽ đấy?

– Chính là chị Bạch đây vẽ. – Lam Nguyệt nhẹ nhàng nói.

Người đạo cụ nhìn Bạch Bích từ đầu đến chân, miệng nói:

– Trẻ thế này mà đã là hoạ sĩ rồi!

Sau đó anh ta nói trong rạp đang dàn dựng sân khấu, thế rồi lại vội vàng chạy vào.

Lam Nguyệt lặng lẽ ngắm nhìn bức tranh quảng cáo mới, cô đứng yên như bị đóng đinh, trông giống như một bức điêu khắc bằng đá hoa cương, còn đôi mắt cô thì đối diện với đôi mắt trong bức tranh. Một lúc sau, cô mới chậm rãi nói:

– Đây là bức tranh quảng cáo đẹp nhất mà tôi từng xem!

– Chị quá khách sáo rồi!

Lam Nguyệt đột nhiên nhìn thẳng vào mắt Bạch Bích nói:

– Chị làm thế nào vẽ được đôi mắt trong bức tranh quảng cáo này?

– Nói thật, đôi mắt này tôi gặp trong mơ. Đúng vậy, trong giấc mơ!

– Mơ? Phải rồi, mơ, chúng ta chẳng phải đang sống trong mơ sao? Giống như Trang Châu mộng hồ điệp[25]. – Lam Nguyệt lạnh lùng nói.

Câu nói này chạm đến tâm sự của Bạch Bích:

– Nói rất hay, làm sao mà chị toàn nói những câu sâu sắc thế?

Bạch Bích thật sự cảm thấy khâm phục cô diễn viên đang đứng trước mặt.

– Tôi chẳng qua chỉ nói những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống mà thôi, có gì là sâu sắc đâu. Tại sao con người ta cứ coi những điều nông cạn thành sâu sắc, coi những điều sâu sắc thành nông cạn thế nhỉ? Thôi được, lại thế rồi, cứ coi như tôi chưa nói gì nhé!

Lam Nguyệt mỉm cười, ngừng một lúc, cô lại nói:

– Vì sao lại để cho tay cô gái bê một cái đầu đàn ông?

– Chẳng biết nữa, chỉ là cảm giác thôi!

Lam Nguyệt lại nhìn Bạch Bích bằng ánh mắt đặc biệt, nói:

– Chị biết không? Bức tranh này rất hợp với kịch bản, đây là đầu người yêu cô ấy. Nói thật, tôi rất hâm mộ cô ta!

– Hâm mộ ai? – Bạch Bích tỏ vẻ không hiểu.

– Hâm mộ cô gái trong bức tranh. Đối với tôi mà nói, có thể ôm được đầu người yêu là một hạnh phúc vĩnh cửu.

Ánh mắt của Lam Nguyệt vẫn nhìn thẳng vào mắt Bạch Bích, khiến cô cảm thấy lúng túng.

– Chị thật sự thích bức tranh này à?

– Đúng vậy, rất thích!

– Vì sao?

Lam Nguyệt trầm xuống một lúc:

– Bởi vì… bức tranh này làm tôi nhớ đến “Đồng hoang”.

Bạch Bích giật mình:

– Đồng hoang? Là “Đồng hoang” của Eliot?

– Thì ra chị cũng biết Eliot, “Đồng hoang” là bài thơ tôi yêu thích nhất.

Bạch Bích như người mất hồn, không nghĩ ra cái gì để trả lời, hai người cứ nhìn nhau như thế, không khí trầm hẳn xuống, bỗng Bạch Bích nói:

– Lam Nguyệt, chị có thể cho tôi số điện thoại của chị không, tôi muốn làm bạn với chị.

– Được chứ!

Nói xong, cô lấy giấy bút ra, đầu tiên cô viết một cái tên thật to: “Lam Nguyệt”, sau đó dưới cái tên là số điện thoại di động: 1365374 xxxxx.

Bạch Bích nhận tờ giấy, nhìn lướt qua rồi nói:

– Chữ của chị đẹp quá! Ồ, chúng ta vào đi, kẻo lỡ buổi tập của mọi người!

Họ đi qua cổng lớn, rồi xuyên qua hành lang tối om, bước vào rạp. Bạch Bích nhận thấy sân khấu cơ bản đã được dàn dựng xong. Ánh sáng và mỹ thuật sân khấu chuẩn bị khá tốt. Hôm nay có lẽ là ngày tổng diễn tập. Thảo nào, sáng nay trong điện thoại, Tiêu Sắt cứ nhất định bắt cô phải đến xem.

Bạch Bích nhìn thấy một thanh niên trẻ, khi thấy họ đi vào thì vội chạy ra, anh ta đến trước mặt Lam Nguyệt nói với giọng rất nhẹ nhàng:

– Hôm nay sao đến muộn thế? Mọi người đang đợi em kìa, nhanh lên, đi ra sau sân khấu hoá trang đi!

Sau đó anh ta lại đi lên phía trước. Bạch Bích hỏi:

– Anh ta là ai?

– Là đạo diễn. – Lam Nguyệt nhẹ nhàng trả lời. Sau đó, Lam Nguyệt chia tay Bạch Bích, đi ra phía sau sân khấu. Bạch Bích tìm một chỗ trống ở giữa, ngồi xuống.

Rất nhanh, buổi tổng diễn tập vở kịch “Đoạn hồn Lâu Lan” chính thức bắt đầu.

7

Màn sân khấu từ từ được mở ra. Khâu ánh sáng cũng khá hơn so với lần trước, luồng ánh sáng vừa phải chiếu xuống trung tâm sân khấu. Âm thanh cũng đã thể hiện được tiếng gió bão ở sa mạc. La Chu ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng cả người anh vẫn chìm trong bóng tối. Anh hơi căng thẳng, bởi vì bên trái, bên phải anh đều là các nhà đầu tư của đoàn kịch. Đây là lần tổng diễn tập đầu tiên của vở “Đoạn hồn Lâu Lan”, cũng là lần đầu tiên vở kịch này được diễn thử trước khi công diễn, nếu lần này thất bại thì e rằng những đầu tư lần sau coi như tan tành.

Màn thứ nhất là Phần mộ cốc. Bối cảnh toàn là núi non sa mạc và những nấm mộ. Bước ra sân khấu là Quốc vương Thành cổ Lâu Lan lúc còn trẻ. Ông ta từ Thành cổ Lâu Lan quay lại để tìm người con gái đã cùng ông đính ước suốt đời. Nguyên trong kế hoạch, đoạn này định để ở giữa vở, nhưng hiện nay La Chu đã thay đổi, đưa đoạn này lên trên đầu. Vị quốc vương trẻ trong quá trình đi tìm người yêu, thông qua hình thức độc thoại đã trình bày diễn cảnh một năm trước vì bại trận đã lưu lạc đến đây, được một người con gái thần bí cứu, từ đó đã đính ước với cô. Nhưng giờ đây Quốc vương biết được người yêu đã chết, chỉ để lại đứa con gái nhỏ, nên Quốc vương thề nhất định sẽ làm cho con gái hạnh phúc suốt đời.

La Chu không thoả mãn lắm với màn thứ nhất, có lẽ bởi vì diễn viên đóng vai Quốc vương diễn hơi non, nhưng thực tế tài lực và thời gian không cho phép thay đổi. Màn 2 là buổi tối Lan Na và Hoàng tử Vu Điền gặp mặt nhau. La Chu thấy hài lòng với màn diễn này, anh thích Lam Nguyệt lúc vừa xuất hiện đã mang đến cho sân khấu một cảm giác như vậy. Anh cần một cảm giác như thế. Xem Lam Nguyệt trên sân khấu thong thả nói ra câu thoại thứ nhất, anh bỗng nhớ lại những lời cô ấy nói ở nhà anh đêm ấy. Bên tai anh hình như tràn ngập những lời nói của cô, nó khiến cho anh lòng dạ rối bời, không còn tâm trí nào để xem tiếp phần kịch không có Lam Nguyệt diễn.

Anh nhớ đêm ấy, sau khi Lam Nguyệt ra về, anh đã thức suốt đêm để sửa lại kịch bản, đến nỗi gần như gục xuống. Hôm sau lại mất cả ngày để gọt giũa câu văn. Những lúc ấy, những ngón tay của anh múa như bay trên bàn phím, gõ rồi lại gõ, anh hiển nhiên cảm thấy rất khoan khoái. La Chu từ lâu chưa có được một niềm khoái cảm như vậy. Anh vốn dĩ cho rằng chỉ có khi viết tiểu thuyết mới có khoái cảm, còn viết kịch bản giống như bị đày đọa. Bây giờ thì anh thấy mình đã sai, chỉ vì anh chưa bước được vào cửa, chưa tìm thấy kỹ xảo và cảm giác của sân khấu mà thôi, vừa xâm nhập được vào cảm giác này, anh cũng đồng thời tìm thấy niềm vui trong kịch bản.

Khi anh sửa xong kịch bản mang đến cho diễn viên đọc, hầu như mọi diễn viên có mặt đều khen kịch bản rất hấp dẫn, có thể thành công. Nhưng họ đều cảm thấy trong kịch bản hình như ẩn chứa một không khí hãi hùng, điều này có thể làm cho khán giả sợ. La Chu nói giọng khinh miệt, cái mà anh cần là sự sợ hãi của khán giả. Anh lập tức quyết định dùng kịch bản đã sửa này, tất cả đều phải làm lại, cho nên hàng ngày đều phải tập thêm giờ cho đến tận hôm nay. Cái sợ nhất của anh là không đủ thời gian, chuẩn bị vội vàng, nếu cho anh đủ thời gian và kinh phí, anh tin rằng mình có thể làm được cả những vở kịch kinh điển.

Màn 3 và màn 4 cũng như nhau, vì diễn viên đóng vai Hoàng tử Vu Điền diễn hơi khoa trương, nhưng mỗi khi Lam Nguyệt xuất hiện, La Chu đều chú ý đến ánh mắt của các nhà đầu tư ngồi bên, họ đều bị cô lôi cuốn, ít nhiều cũng đủ bù đắp.

Màn 5 là cảnh Hoàng tử Vu Điền cầm quân xuất chinh đi chống lại sự xâm lược của Nhu Nhiên. Lan Na đứng ở phần trước sân khấu, một mình tưởng nhớ Hoàng tử, một đoạn độc thoại dài, giống như vở kịch một người. Và đồng thời, Hoàng tử đứng ở phía nửa phần sau sân khấu, dẫn mấy người lính tượng trưng cho đại quân đang chiến đấu. Trước và sau sân khấu biến thành hai bộ phận cùng đồng thời xuất hiện trước khán giả, một bên độc thoại nội tâm, bên kia là cuộc chiến đấu gian khổ.

Màn 6 là cảnh đêm động phòng của Hoàng tử Vu Điền và Công chúa Thành cổ Lâu Lan. La Chu buộc phải thừa nhận vai Công chúa Tiêu Sắt đóng đúng là một vai quan trọng. Sau khi Hoàng tử Vu Điền kéo mạng che mặt của cô, phát hiện Công chúa không phải người yêu của mình thì giật mình biến sắc, đã hỏi Công chúa một câu: “Nàng không phải Công chúa, nàng là ai?” làm cho Công chúa rất đau lòng, cô và Hoàng tử cả hai người đồng thời phải chịu đựng sự giày vò của tâm linh. La Chu để cho họ đứng bên cạnh sân khấu, độc lập độc thoại biểu thị sự đau khổ nội tâm. Cuối cùng, Hoàng tử giận dữ bỏ đi, để lại Công chúa phòng không, buồng trống. Sau đó là đoạn độc thoại dài của Tiêu Sắt. Cô đã biến tình yêu vô hạn đối với Hoàng tử thành nỗi căm hận khôn cùng đối với chàng. La Chu biết rằng trong kịch nói hiện đại, cá nhân độc thoại hơi nhiều là không tốt, đối với diễn xuất của diễn viên cũng cần nhiều kinh nghiệm, nhưng anh thích như vậy, để đến nỗi các diễn viên phải oán trách. Đương nhiên Lam Nguyệt là ngoại lệ.

Màn thứ 7 là cảnh Hoàng tử tìm ra được sự thật khi hỏi chuyện Lan Na và họ tự nguyện mãi mãi bên nhau. Màn thứ 8 là cảnh Công chúa lừa Hoàng tử nói là Lan Na đã bị xử chết, thi thể đưa đến Phần mộ cốc, thế là Hoàng tử chạy đến Phần mộ cốc rồi tự vẫn vì tình. Màn này, La Chu viết tương đối cảm động, diễn viên đóng vai Hoàng tử cũng đặc biệt khoa trương. La Chu thậm chí còn nghe thấy cả người ngồi bên cạnh cười, xem bi kịch mà lại cười, điều này làm cho La Chu thấy ngượng. Màn thứ 9 là màn mà La Chu sắp xếp hay nhất trong toàn bộ vở kịch, cũng là màn duy nhất Tiêu Sắt và Lam Nguyệt là đối thủ của nhau trong diễn xuất. Nhưng Lam Nguyệt đã hoàn toàn áp đảo Tiêu Sắt, cho dù trong kịch bản, Lam Nguyệt trong vai Lan Na cũng tự tử vì tình trong màn này.

Màn thứ 10 cũng là màn cuối cùng. Bối cảnh là Phần mộ cốc. Khi đó Thành cổ Lâu Lan đã ở trong tình trạng bị hủy diệt vì khô cạn, Công chúa dung nhan tiều tụy đến đây gặp gỡ người mẹ trong mộng, biết rõ toàn bộ sự thật, cuối cùng đã chết trong đau khổ. Sau khi màn hạ, cảm giác của những nhà đầu tư cho đoàn kịch rất tốt, họ muốn tiếp tục đầu tư. Điều đó đã làm cho tâm trạng căng thẳng của La Chu được lắng xuống.

8

Tâm trạng của La Chu rất phấn khởi, anh không chú ý gì đến mọi người đang tụ tập trước sân khấu, mà đi ra phía sau. Lam Nguyệt đã tẩy trang xong và đang ra khỏi phòng hoá trang. La Chu dịu dàng nói:

– Lam Nguyệt, em diễn rất tốt! Nếu như đến hôm công diễn em vẫn diễn được như thế này, theo anh nghĩ, chẳng mấy mà em sẽ thành công.

– Thật thế sao? Nhưng em không thích nổi tiếng. – Lam Nguyệt nói với giọng uể oải.

– Không, em nhất định sẽ trở thành một diễn viên rất nổi tiếng, em có thể đóng phim điện ảnh và truyền hình, có thể thành công rực rỡ, đến lúc đó đừng quên anh đấy nhé! – La Chu cười nói.

Lam Nguyệt lắc đầu:

– Anh không hiểu em rồi! Xin lỗi, em về trước đây!

La Chu nhìn theo hướng cô bước đi, bỗng nói với theo:

– Lam Nguyệt, hôm nay anh mời em ăn cơm tối.

– Xin lỗi anh, hôm nay em không rỗi! – Lam Nguyệt lạnh lùng trả lời, rồi nhanh chóng khuất dần.

Cô ta thật khó nắm bắt, La Chu bất đắc dĩ lắc đầu.

– Anh thích cô ta, đúng không? – Phía sau một giọng nữ vang lên.

– Ai? – La Chu quay đầu lại, hóa ra là Tiêu Sắt.

Bộ mặt Tiêu Sắt thật khó coi, cô là người mừng giận lộ ra mặt, cô cay nghiệt nói:

– Người ta không muốn đi với anh đâu, anh đừng cố sức nữa.

– Em nói thế là có ý gì?

– Đừng giả bộ nữa, lúc đầu hứa cho tôi đóng vai nữ chính, bây giờ sửa lại kịch bản, công chúa lại biến thành vai phụ, thật không công bằng. Tôi biết, cô ta đẹp hơn tôi, nên đi đâu anh cũng bênh vực cô ta, đúng không? Cô ta là đứa con gái không biết ngượng, anh đã ngủ với cô ta rồi chứ gì?

Tiêu Sắt không kìm được mình, đặc biệt là câu nói sau cùng. Cô hiểu rằng những cố gắng trước kia của cô là phí công vô ích. Cô vẫn luôn chiều chuộng và nghe lời La Chu, thậm chí còn có những mơ ước với anh ta. Còn bây giờ, lòng ghen ghét như một ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên, làm mất hết lý trí, giống như vai cô đóng trong vở kịch.

– Tiêu Sắt, lòng kiên nhẫn của tôi có hạn thôi!

La Chu cũng rất bực, anh lớn tiếng nói với Tiêu Sắt.

Môi Tiêu Sắt trề ra, cô lạnh lùng nói:

– Anh nhất định sẽ phải hối hận!

Thế rồi cô vội vàng đi vào trong rạp, khi đi đến cửa, cô nhìn thấy Bạch Bích – người bạn thân nhất của mình, cô vùi đầu vào vai bạn. Bạch Bích đưa tay ra vuốt tóc cô, nói nhẹ nhàng:

– Đây là số phận rồi, bạn tôi ạ!

Một cơn gió thu thổi tới, Tiêu Sắt toàn thân run lên, cô ngẩng đầu lên nói nhỏ với Bạch Bích:

– Vứt mẹ nó cái số phận đó đi!

…………..

[21] Khố Nhĩ Lặc hay còn có tên là Korla, một địa danh thuộc Tân Cương.

[22] Jorge Luis Borges (24/8/1899 – 14/6/1986) người Argentina, là một trong những nhà văn lớn nhất và có ảnh hưởng nhất thế giới của thế kỷ 20. Ông được coi là cha đẻ của chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latinh.

[23] Phương pháp carbon phóng xạ (tên tiếng Anh là Radiocarbon Dating method (RD)) là phương pháp phổ biến của các nhà khảo cổ trong việc định tuổi các cổ vật. Đây là phương pháp đo lượng phóng xạ C14 (carbon gồm 6 proton và 8 nơtron) còn lại của một cổ vật.

[24] Phong hóa là quá trình phá hủy đá, đất và các khoáng vật chứa trong đó khi tiếp xúc trực tiếp với môi trường không khí.

[25] Xưa Trang Châu chiêm bao thấy mình là bướm, vui phận làm bướm, tự thấy thích chí, không còn biết là Châu nữa. Chợt tỉnh giấc, lại thấy mình là Châu. Không biết Châu chiêm bao là bướm, hay bướm chiêm bao là Châu?