Chương 10

Lời Nguyền Lâu Lan

Đăng vào: 12 tháng trước

.

1

Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Khảo cổ dẫn Diệp Tiêu, Phương Tân và Giáo sư Lý xuống nhà kho, đến trước cái xác ướp.

Phó viện trưởng chỉ cái hòm sắt, nói:

– Đây, đây là cái xác ướp ấy!

Giáo sư Lý cầm kính lúp lên, hỏi:

– Nó độ khoảng bao nhiêu năm rồi?

– Nó được đào từ một ngôi mộ cổ chôn từ đầu thế kỷ thứ 5, sau công nguyên, cách đây chừng 1500 năm. Văn Hiếu Cổ, Giang Hà và nữ thực tập sinh của Giáo sư Lý cử đến đã tiến hành giải phẫu và kiểm nghiệm. Căn cứ vào kết quả giải phẫu của ba người đã kết luận nguyên nhân chết của người con gái này là do tắc nghẽn động mạch chủ dẫn đến tim ngừng đập.

Phương Tân không tự chủ được kêu lên:

– Đúng như nguyên nhân chết của bọn Giang Hà!

Phó viện trưởng gật đầu nói:

– Thực ra chúng ta làm khảo cổ hay làm cảnh sát cũng có nhiều cái giống nhau, chúng ta đều phải tiếp xúc với nhiều người chết. Chỉ khác là cảnh sát thì tiếp xúc với những người mới chết không lâu, còn những cái xác chúng tôi tiếp xúc đã chết từ hàng trăm, hàng nghìn năm rồi. Nhà khảo cổ học và người cảnh sát đều phải thông qua người chết hoặc những hoàn cảnh của họ để tìm ra những đầu mối nhỏ bé từ đó tiến hành phân tích, tìm ra lịch sử hoặc sự thật của vụ án.

Nghe xong câu nói của Phó viện trưởng, Diệp Tiêu suy ngẫm, rồi gật gật đầu đồng tình.

Giáo sư Lý cuối cùng đã lên tiếng:

– Bây giờ chúng ta bắt đầu!

Tiếp sau đó, họ lấy ra các công cụ và thiết bị cần thiết và bắt đầu kiểm định cái xác ướp. Diệp Tiêu biết mình không giúp được gì nên anh chủ động lui ra.

Diệp Tiêu đi đi lại lại trong hành lang, sốt ruột không yên. Bỗng điện thoại di động của anh đổ chuông.

Trong điện thoại vang lên giọng nói của cô bạn đồng nghiệp:

– Diệp Tiêu, có báo cáo kết quả khám nghiệm thi thể của La Chu rồi, nguyên nhân chết của anh ta không phải do nhảy lầu, trên thực tế, anh ta đã chết trước khi rơi xuống lầu. Nguyên nhân chết là do tắc nghẽn động mạch chủ dẫn đến tim ngừng đập. Đội trưởng cho rằng, lúc đó La Chu đang đứng cạnh cửa sổ, lưng dựa vào bệ cửa, giữa lúc không đề phòng thì lên cơn đau tim chết, thế là cả người ngã ra phía sau, rơi thẳng xuống lầu.

Diệp Tiêu lặng đi một lúc:

– Cảm ơn em, tạm biệt!

Vẻ mặt anh càng tỏ ra nặng nề.

Bỗng cửa nhà kho bật ở, Phó viện trưởng, Giáo sư Lý và cả Phương Tân bê theo rất nhiều đồ đạc và thiết bị bước ra, sắc mặt ai nấy đều rất nghiêm trọng.

Họ đi sang một căn phòng khác, Diệp Tiêu lên tiếng hỏi ngay:

– Kết quả như thế nào?

Phương Tân định nói, xong lại lắc đầu:

– Thôi để Giáo sư Lý nói.

Giáo sư Lý chậm rãi nói:

– Tôi vừa nãy đã chứng thực, nguyên nhân chết của cái xác này chính là do tắc nghẽn động mạch chủ dẫn đến tim ngừng đập, nhưng nguyên nhân làm cho tim ngừng đập là do thần kinh bị nhiễm một loại vi rút, chúng tôi đã lấy mẫu loại vi rút cổ đại này trên cơ thể xác ướp.

– Thế còn hình thức truyền nhiễm và thời gian tồn tại của nó?

– Hình thức truyền nhiễm của nó đến nay vẫn chưa rõ, nhưng về cơ bản có thể loại trừ khả năng truyền nhiễm qua không khí.

Diệp Tiêu thở phào nhẹ nhõm.

Phương Tân tiếp tục nói:

– Mấy hôm nay, thông qua việc trực tiếp phân tích mô tế bào và mẫu máu của mấy người chết, tôi đã có thể xác định được thời gian tồn tại của loại vi rút này rất ngắn, ngắn nhất là một tuần, dài nhất cũng không quá một tháng. Bởi vì khi vi rút phát tác chủ yếu là thông qua hệ thống thần kinh của con người, cho nên trước khi phát bệnh thường xuất hiện hiện tượng hoang tưởng về thị giác, thính giác và rất nhiều ảo giác khác. Cuối cùng, vi rút tấn công trung khu thần kinh dẫn đến tắc nghẽn động mạch chủ mà chết, mặt khác loại vi rút này từ trước đến nay chúng ta chưa biết, nên phần lớn các xét nghiệm đều không tìm ra nguyên nhân chính xác.

– Thế thì vi rút trên xác ướp cổ làm sao có thể truyền sang người bọn Giang Hà được cơ chứ?

Lại đến lượt Giáo sư Lý trả lời:

– Rất đơn giản, đó là vì có sự tác động của con người. Vi rút không thể tồn tại một cách độc lập, bắt buộc nó phải kí sinh trên tế bào của một sinh vật sống khác mới có thể sinh trưởng và phát triển. Còn những mẫu vi rút chúng ta phát hiện trên xác ướp cổ, bản thân những kết cấu của nó đã bị phá vỡ rồi. Cho nên khả năng duy nhất chỉ có thể là có ai đó đã lấy RNA[28] hoặc DNA[29] của chủng loại vi rút này trên xác ướp, sau đó dùng kỹ thuật phục chế RNA hoặc DNA để nuôi dưỡng nó, làm cho nó sống lại và phát triển trong môi trường mới.

– Thế thì giống như sinh sản vô tính à?

– Không nhất thiết, cần phải biết rằng rất nhiều loại vi rút trong thế giới tự nhiên vì sự thay đổi của hoàn cảnh, môi trường mà sinh ra đột biến gen. Ví dụ như vi rút của bệnh HIV là loại vi rút đã tồn tại từ hàng trăm năm trước, do sự đột biến của môi trường mà phát triển lên, chỉ trong một thời gian ngắn đã lan rộng ra toàn thế giới. Trước đó, có thể nói vi rút này không thể lây nhiễm và vô hại đối với loài người, nhưng vì những biến cố đột biến nên vi rút bệnh HIV mới có thể có khả năng phá hoại hệ thống miễn dịch của con người. Cho nên bây giờ chúng ta cũng chưa thể xác định loại vi rút mới được nuôi cấy này có phải là đột biến gen của loại vi rút cổ kia không.

Phương Tân có vẻ phấn khởi, nói:

– Giáo sư Lý, nên đặt cho loại vi rút mới này một cái tên gì chứ nhỉ?

Giáo sư Lý nghĩ một lúc rồi nói:

– Thì gọi nó là vi rút mộ cổ nhé.

– Vi rút mộ cổ? Nghe ghê quá, thế ai là người đã phục hồi, nuôi dưỡng nó?

Giáo sư Lý có vẻ bất đắc dĩ lắc đầu nói:

– Ngoài Nhiếp Tiểu Thanh ra, còn ai có thể làm được nữa.

– Nhiếp Tiểu Thanh?

Nhắc đến cái tên này, Diệp Tiêu bỗng thấy sởn gai ốc.

Giáo sư Lý bỗng tỏ thái độ nghiêm khắc:

– Cô ta là học sinh của tôi, tôi hiểu khả năng của cô ấy. Nhiếp Tiểu Thanh tuy tuổi còn trẻ, nhưng chỉ số thông minh của cô ấy rất cao, có năng khiếu trong vấn đề Vi sinh vật cổ, tôi tin rằng cô ta có thể tự mình phục chế thành công RNA hoặc DNA của vi rút. Tôi chỉ không hiểu, cô ấy vì sao phải làm như vậy? Đây có thể sẽ tạo thành hậu quả mang tính tai họa.

Phương Tân nói tiếp:

– Rất hiển nhiên, Nhiếp Tiểu Thanh đã có thể tự mình phục chế và nuôi dưỡng được vi rút thì tất nhiên cô ta sẽ biết làm cách nào để truyền dẫn loại vi rút này và để bảo đảm cho sự an toàn của bản thân, nhất định cô ta sẽ biết cách làm thế nào để nó không lây nhiễm vào mình.

Giáo sư Lý cúi đầu nói:

– Tôi là giáo sư của Nhiếp Tiểu Thanh, bây giờ sự việc xảy ra thế này, tôi xin chịu trách nhiệm. Tôi thật không ngờ, học sinh của tôi đã lợi dụng những vấn đề khoa học tôi truyền đạt để phạm tội.

Diệp Tiêu an ủi ông:

– Không, thưa giáo sư, ông đã đến giúp chúng tôi điều tra, chúng tôi vô cùng cảm ơn. Nhiếp Tiểu Thanh làm như vậy không có liên quan gì đến giáo sư cả.

Lại đến Phương Tân nhắc nhở:

– Giáo sư Lý, chúng ta hãy bắt tay vào tìm vắc-xin cho loại vi rút này thôi.

Giáo sư Lý vội vàng nói:

– Đúng, nếu tìm được vắc-xin thì sẽ có khả năng khống chế được loại vi rút này. Chúng ta nhanh chân lên, đến Viện của tôi, ở đó có rất nhiều thiết bị hiện đại.

Ba người vội vã rời khỏi căn phòng.

2

Mẹ Bạch Bích đã chết.

Cô nhận được tin vào lúc sáng sớm, do bệnh viện Tâm Thần gọi điện đến báo. Bạch Bích nhận điện thoại khi vẫn còn đang uể oải nằm trên giường, ngoài cửa sổ, những giọt mưa cuối thu đang tí tách rơi, trong phòng mờ tối, không có chút sinh khí nào. Bạch Bích bình tĩnh nghe giải thích của bệnh viện trong điện thoại, thực ra cũng chẳng giải thích gì mà chỉ là thông báo để cô lo hậu sự. Trong khi nghe điện thoại, Bạch Bích không nói một lời, chỉ nghe tiếng kể loáng thoáng từ phía bên kia. Cuối cùng ngay cả nguyên nhân chết của mẹ cô cũng chẳng hỏi, chỉ nhẹ nhàng nói: “Lại phiền các anh rồi, xin cảm ơn!” sau đó gác máy. Cô buồn bã ngồi trên giường, nhìn nước mưa gõ nhịp trên cửa kính, từng giọt từng giọt lăn xuống, giống như thác nước nhỏ mùa cạn.

Cô không sợ hãi luống cuống như người khác, cũng không khóc lóc thứ nước mắt rẻ tiền, chỉ lặng lẽ nhìn ra cửa sổ. Sau đó cô trở dậy làm vệ sinh cá nhân, ăn sáng như thường lệ, không trang điểm, chỉ ngó vào gương nhìn qua khuôn mặt. Cô vẫn chọn mặc bộ quần áo màu đen, cô cảm thấy bộ quần áo này rất hợp với những trường hợp thế này. Thực ra, trong thời gian này bất kể trường hợp nào cô đều mặc bộ quần áo này, như phụ nữ ngày xưa mặc áo phục tang trong ba năm. Tiếp đó, cô cầm một cái ô cũng màu đen, mang theo mọi giấy tờ, thủ tục liên quan đến mẹ, đi ra khỏi nhà.

Mưa cuối thu lạnh thấu xương, tuy che ô nhưng vẫn có những giọt nước bắn vào mặt, sau đó thấm vào da. Cô nhẹ nhàng lau nước mưa trên mặt, ngồi lên một chiếc xe bus hướng ra ngoại ô. Xe bus ngày mưa vắng tanh, cô ngồi trên ghế, mặt không biểu lộ gì, chỉ lặng lẽ nhìn thành phố sắc màu rực rỡ đang dần nhạt nhòa giữa cơn mưa, giống như bức tranh bị nước mưa làm trôi dần thuốc vẽ.

3

Trong mưa, xe chạy rất chậm, mãi mới đến được cổng bệnh viện Tâm thần. Bạch Bích vẫn đi vào cổng viện như mọi hôm, chỉ khác là trong tay cầm chiếc ô đen. Cô không đi thẳng vào phía vườn hoa nhỏ như mọi khi, vì cô biết rằng mẹ không còn ở trong vườn hoa nữa, nói chính xác, bây giờ mẹ cô đang nằm trong nhà xác rồi.

Bạch Bích đi vào một căn nhà màu trắng, trong đó cô tìm thấy người bác sĩ chịu trách nhiệm điều trị cho mẹ cô. Bác sĩ dáng vẻ mệt mỏi nói:

– Xin lỗi, mẹ cô mất rồi!

Bạch Bích cúi đầu nói:

– Phiền các bác sĩ quá, cảm ơn tất cả mọi người đã chăm sóc cho mẹ cháu những năm tháng qua.

Cô gật đầu cảm ơn cả những hộ lý đang đứng xung quanh.

– Sáu giờ sáng chúng tôi đi kiểm tra phòng đã thấy mẹ cô chết rồi, qua kiểm nghiệm chúng tôi xác định mẹ cô chết do tự sát. Bà đã dùng thuốc ngủ quá liều. Về vấn đề thuốc ngủ, ở đây chúng tôi quản lý rất chặt chẽ. Trước đây mấy năm, mẹ cô thường kêu mất ngủ, cho nên chúng tôi có cho bà uống với liều lượng cao, nhưng mỗi lần chỉ cấp cho bà một viên, không bao giờ đưa nhiều hơn. Nhưng bây giờ chúng tôi phát hiện trong quần áo của bà còn rất nhiều thuốc ngủ, hình như bà đã không uống số thuốc ngủ chúng tôi cấp, mà giấu chúng tôi đem cất đi. Thật không thể ngờ được, mẹ cô là một người rất tốt, thật đáng tiếc. – Bác sĩ nói đầy ái ngại.

Bạch Bích bình tĩnh nghe hết, không biểu hiện gì, chỉ nhẹ nhàng nói:

– Thế thì việc tự sát của mẹ cháu có lẽ đã được chuẩn bị từ trước rồi.

– Điều này thì chưa dám khẳng định, nhưng cũng có khả năng bà đã chuẩn bị cho mình con đường tự sát, đó cũng là một cách lựa chọn. Từ số thuốc ngủ bà đã dùng để tự sát và số còn đang giấu cho thấy bà đã chuẩn bị ít nhất từ 5, 6 năm nay. Nhưng trong nhiều năm nay, bà vẫn chọn con đường sống, chỉ có đến bây giờ đột nhiên lại chọn con đường chết, khiến mọi người khó hiểu. Về vấn đề này, tôi đã không theo dõi diễn biến tâm lý của bà, tôi thấy mình cũng phải chịu trách nhiệm.

– Không, thưa bác sĩ, cháu rất cảm ơn công sức chăm sóc của bác sĩ với mẹ cháu. Bác sĩ không nên tự trách mình. Cháu tôn trọng sự lựa chọn của mẹ cháu về sự sống và cái chết. Cháu nghĩ, bà đã chọn như thế nhất định là có lý của bà, chỉ mong bà được vui vẻ, thì cháu cũng yên tâm.

Bạch Bích lại một lần nữa gật đầu với bác sĩ, thậm chí còn cúi đầu chào. Sau đó cô nói nhỏ:

– Cháu có thể nhìn mẹ cháu lần cuối được không?

– Đương nhiên là được!

Bác sĩ dẫn cô xuống nhà xác, sau đó bảo vệ kéo xác mẹ cô từ trong tủ lạnh ra. Vẻ mặt mẹ cô vẫn bình thản như thường, môi hơi hé, như có điều gì muốn nói, còn bộ mặt trắng trẻo thì đã bị khí lạnh bao bọc, trông giống như bị chôn vùi trong băng tuyết, thành một viên ngọc đẹp. Bây giờ da của mẹ cô đã gần như trong suốt, chẳng có biểu hiện đáng sợ của người chết, ngược lại càng khiến cho Bạch Bích thấy gần gũi hơn.

Bác sĩ nhẹ nhàng nói:

– Cô xem, dáng vẻ của mẹ cô sao mà bình thản, bà nhất định đã kết thúc cuộc đời trong một giấc mơ đẹp.

– Nếu mà như thế thì mẹ cháu chắc chắn là hạnh phúc rồi. – Bạch Bích thì thào, cô chỉ sợ mình sẽ làm kinh động đến mẹ trong tủ ướp lạnh, nên cô phải nói thật khẽ.

Bạch Bích ngắm nhìn khuôn mặt mẹ, hy vọng có thể tìm được câu trả lời từ khuôn mặt ấy. Cô nhớ lại hôm gặp Văn Hiếu Cổ ở cổng bệnh viện Tâm thần. Thực ra, cô đã sớm đoán biết, giữa mẹ cô và Văn Hiếu Cổ có quan hệ đặc biệt nào đó. Bạch Bích thậm chí có thể khoan dung độ lượng với quan hệ đó. Bởi vì cô hiểu và thông cảm với mẹ mình – một người đàn bà mất chồng, phải sống cuộc sống độc thân, phải chịu đựng nỗi đau khổ và dằn vặt cô đơn mười mấy năm trời. Lúc bố cô mất mẹ cô mới 39 tuổi, đó là những năm tháng nồng nàn nhất của một người đàn bà, chỉ có Văn Hiếu Cổ là có thể lấp được vào khoảng trống đó, nhưng hình như mẹ cô không phát triển theo hướng như người bình thường vẫn tưởng tượng. Có lẽ họ đều là những người làm nghề khảo cổ nên có phần bảo thủ. Bạch Bích từ trước đến nay chưa lúc nào nói chuyện với mẹ về vấn đề này, nhưng bây giờ, khi mẹ cô và Văn Hiếu Cổ đều đã xa rời thế giới này, cô lại rất muốn tìm hiểu quan hệ của họ, song đây có thể là một bí mật.

Nước mắt Bạch Bích cuối cùng cũng rịn ra trong khoé mắt, nhưng cái thứ dịch thể cổ đại này lại không chịu chảy ra, nó chuyển động một vòng rồi lại trở về khoang mắt. Cô nhẹ nhàng nói:

– Cảm ơn bác sĩ, chúng ta đi thôi!

Hai người đi ra khỏi nhà xác, Bạch Bích nói:

– Bác sĩ không cần lo cho cháu nữa, bác sĩ đã cố gắng hoàn thành trách nhiệm của mình rồi, cháu muốn tự mình xuống phòng bệnh của mẹ cháu để sắp xếp lại các di vật của bà.

4

Vị bác sĩ nói mấy câu xã giao rồi đi. Bạch Bích một mình đi xuống phòng bệnh nhân của mẹ. Khi cô bước vào phòng, những bệnh nhân trong phòng đều nhìn cô bằng con mắt lạ thường, cô hiểu ý nghĩa của những ánh mắt đó. Trong phòng kê bốn chiếc giường, duy nhất chỉ có giường của mẹ cô là để trống. Mấy tiếng đồng hồ trước mẹ cô vẫn nằm ngủ trên chiếc giường này. Bạch Bích đặt tay lên chiếc ga trải giường, cô như vẫn cảm thấy hơi ấm còn lưu lại, trong chốc lát, cô có sự cảm khái của người đi bỏ lại giường trống.

Ánh sáng trong phòng rất tốt, nhưng ngoài cửa sổ trời vẫn mưa, làm cho căn phòng bị bao trùm bởi bầu không khí u ám. Tiếng nước mưa tí tách lọt qua kính cửa sổ truyền đến, cơ hồ như đang chảy cuồn cuộn trong lòng cô.

– Bạch Bích, mẹ cháu mất rồi, cố gắng chịu đựng nhé.

Đó là tiếng nữ thi sĩ, bà đi đến bên cạnh Bạch Bích, kéo cô ngồi xuống giường, tỏ vẻ rất áy náy:

– Bạch Bích ạ, bất ngờ quá, cô đã không chăm sóc mẹ cháu đến nơi đến chốn, cô thành thật xin lỗi cháu!

– Không, cháu phải cảm ơn sự chăm sóc của cô đối với mẹ cháu trong những năm tháng qua. – Bạch Bích nhìn bà gật đầu, nhẹ nhàng nói.

– Thực ra, đối với mẹ cháu, đó chưa hẳn không phải là một sự giải thoát!

– Sự giải thoát?

Nữ thi sĩ gật đầu, nói:

– Đúng thế, bề ngoài mẹ cháu vẫn biểu hiện như người bình thường, phần lớn thời gian bà đều duy trì được sự trấn tĩnh tự nhiên, mà còn tỏ ra thoải mái, nhẹ nhàng, chí ít cũng hơn cô nhiều lắm. Có những lúc cô thấy bà ấy bình thường như những người bình thường, nhưng mấy năm gần đây, cô cảm thấy thế giới nội tâm của bà ấy đầy đau khổ. Cô đã từng là một nhà thơ, cho nên cô mẫn cảm hơn người bình thường nhiều, vì mẫn cảm nên cô mới có thể cảm nhận được nỗi đau khổ trong lòng bà ấy.

Bạch Bích hơi áy náy nói:

– Là con gái mà cháu không thể hiểu mẹ cháu được nhiều như cô, cháu thật không xứng đáng!

– Đừng nói thế, vì cháu là con gái nên có nhiều chuyện mẹ cháu đã giấu cháu, cháu hiểu không?

– Có thể như thế, cháu hiểu mẹ cháu phải chịu đựng nỗi đau khổ và cô đơn hơn người thường rất nhiều.

Bạch Bích thở dài nhè nhẹ, bỗng cô chạnh nghĩ đến mình, cô chẳng phải cũng đang như thế sao.

Nữ thi sĩ lặng đi một hồi lâu, sau đó tiến đến gần ghé vào tai cô nói khẽ:

– Cô nói cho cháu biết, mấy hôm trước có người đã đến thăm mẹ cháu đấy.

– Ai? – Bạch Bích bỗng thấy run rẩy trong người, có thể là ai nhỉ? Bình thường chỉ có cô và Văn Hiếu Cổ là có thể đến, trong nhà cũng chẳng còn ai thân thiết, Văn Hiếu Cổ thì đã chết rồi.

– Đó là một cô gái, một cô gái trẻ và đẹp, đúng rồi tuổi cô ta cũng chừng tuổi cháu, cũng đẹp như cháu, dáng người cao, tóc dài, da trắng. Đặc biệt là đôi mắt, chiều qua khi nhìn thấy ánh mắt chớp chớp của cô ta, cô lại có cảm hứng muốn làm thơ. Cô ta đến tìm mẹ cháu, chính cô là người đã dẫn cô ta đến chỗ mẹ cháu. Lúc đó rất lạ, mẹ cháu vừa nhìn thấy cô ta thì ngẩn người ra, nhìn cô ta chằm chằm một lúc, mắt mẹ cháu gần như không chớp, khiến cô cảm thấy sợ.

– Cô gái đó tên là gì ạ? – Bạch Bích ngắt lời nữ thi sĩ, tuy biết như vậy là mất lịch sự, nhưng cô rất muốn biết tên của người kia.

– Cô cũng không biết, cô ta không nói. Khi đó cô cũng cho rằng đó là một trong những người nhà của gia đình cháu, hoặc là chị em họ cháu, lẽ nào các cháu lại không biết nhau sao?

Bạch Bích không trả lời, ánh mắt mơ màng.

Nữ thi sĩ tiếp tục nói:

– Nhưng ánh mắt mẹ cháu nhìn cô ta rất lạ. Sau đó, cô gái kia ngồi xuống cạnh mẹ cháu nói chuyện.

– Họ nói với nhau những gì ạ?

Nữ thi sĩ lắc đầu nói:

– Bạch Bích, cháu biết rồi, khi cháu nói chuyện với mẹ cháu, cô có bao giờ ở bên cạnh nghe đâu. Cho nên, khi mẹ cháu và cô gái kia nói chuyện, cô đã bỏ đi chỗ khác. Sau độ nửa tiếng, cô nhìn thấy cô gái kia ra khỏi vườn hoa nhỏ, đi về phía cổng lớn. Về sau, cô lại đi tìm mẹ cháu thì thấy bà ấy đang ngồi ngẩn người, không nói một lời. Cô cảm thấy có điều khác thường, nhưng bà ấy không phát bệnh. Cô nghĩ, cô gái kia đã nói gì với mẹ cháu nên mẹ cháu cảm thấy không được thoải mái. Thế là cô đưa bà ấy vào phòng cho bà ấy ngủ. Nhưng không ngờ, mới có mấy ngày, sáng nay khi đi kiểm tra phòng đã phát hiện mẹ cháu chết rồi. Chắc chắn bà ấy lợi dụng đêm khuya, lúc mọi người ngủ say, đã uống thuốc ngủ.

– Chỉ có vậy thôi ạ? Mẹ cháu không nói chuyện gì khác nữa à?

– Không, cô chỉ biết có vậy thôi, Cô nghĩ rằng mẹ cháu đã chờ đợi cô gái kia từ lâu rồi. Bạch Bích, cháu thật sự không nhận ra cô gái kia sao?

Bạch Bích dừng lại một lúc, nhẹ nhàng nói:

– Cháu không biết. Cảm ơn cô đã nói cho cháu biết chuyện này!

Sau đó Bạch Bích mở chiếc tủ đầu giường của mẹ, thu dọn tất cả những vật dụng mẹ cô để lại. Mẹ cô chẳng để lại gì nhiều, chỉ có mấy bộ quần áo để thay đổi. Cô mang tất cả số quần áo ấy, cho vào một cái túi, để khi về nhà, cô sẽ cho chúng một mồi lửa, gửi về suối vàng cho mẹ cô dùng.

Sau đó nữ thi sĩ nói:

– Bạch Bích, cháu đợi một lát, cô còn cái này cần phải đưa cho cháu. – Nói rồi, bà lấy từ trong tủ ra một cái phong bì đưa tận tay Bạch Bích.

Phong bì chưa hề được bóc, có thể sờ thấy bên trong có mấy trang thư. Phong bì màu trắng, nhưng đã ngả sang màu vàng, còn ngửi thấy cả mùi hơi mốc, có lẽ đã qua nhiều năm tháng. Trên phong bì không dán tem, cũng không có địa chỉ, chỉ có mấy chữ viết bằng bút mực: Con gái Bạch Bích tự bóc.

Đó là chữ của bố cô, Bạch Bích vừa nhìn thấy đã nhận ra ngay. Đó là nét chữ của người bố đã qua đời từ mười mấy năm trước, tuyệt đối không thể sai được. Bố cô còn để lại rất nhiều bài viết, cô đọc đã quen. Bố cô thường viết bằng bút mực, chữ nào chữ ấy đều rất đặc biệt, khó ai có thể bắt chước được. Đây là bức thư ông viết cho con gái, nhưng trên phong bì không đề tên người gửi.

Nữ thi sĩ khẽ nói:

– Bạch Bích, mấy năm trước, mẹ cháu có đưa cho cô giữ bức thư này, bà nói sau này khi bà chết thì đưa bức thư này đến tận tay cháu. Trong những năm trước đây, bà không cho ai xem bức thư này, kể cả cháu. Bây giờ, cô giao nó nguyên xi cho cháu, cháu cầm lấy đi.

Bạch Bích đã hiểu, bố cô viết bức thư này từ nhiều năm trước giao cho mẹ cô giữ, cho đến bây giờ mới đến tay cô. Bạch Bích không cầm được nước mắt. Nước mắt cô giỏ từng giọt trên mu bàn tay như những giọt mưa đang rơi ngoài cửa sổ. Bạch Bích ngẩng đầu lên lau nước mắt, sau đó cố gắng nở một nụ cười, nói với nữ thi sĩ:

– Quấy rầy cô nhiều quá, lúc khác có thời gian cháu sẽ lại đến thăm cô. Tạm biệt cô! – Rồi cô cúi mình xuống chào bà.

Bạch Bích cất lá thư vào túi, xách túi quần áo của mẹ rời khỏi căn phòng, giương ô đi ra khỏi cổng bệnh viện Tâm thần. Cô ngoái đầu nhìn những tòa kiến trúc trong màn mưa lạnh lẽo, trong lòng bỗng thấy buồn da diết, có cảm giác thở không ra hơi nữa.

………..

[28] Axít ribonucleic (viết tắt ARN hay RNA) là một trong hai loại axít nucleic, là cơ sở di truyền ở cấp độ phân tử. Ở một số loài mà không có ADN (như một số loại virút), thì ARN đóng vai trò là vật chất di truyền. Nó khác với ADN ở chỗ có dạng mạch đơn hoặc mạch vòng, chứa đường ribose thay vì deoxyribose và uracil thay cho thymine.

[29] DNA hay deoxyribonucleic acid là nguyên liệu di truyền ở người và hầu hết tất cả cơ thể sống. Mỗi tế bào người chứa cùng một lượng DNA. Hầu hết DNA nằm trong nhân ( gọi là DNA nhân), một lượng nhỏ DNA có thể được tìm thấy ở ti thể ( gọi là DNA ti thể hay mtDNA ).