Chương 06 phần 1

Đại chiến hacker

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Bạn tin hay không thì tùy, nhưng ngày hôm sau, bố mẹ tôi bắt tôi đi học. Tôi chỉ vừa mới chợp mắt lúc ba giờ sáng, nhưng bảy giờ sáng, bố đã đứng ở cuối giường tôi, dọa sẽ nắm cổ chân tôi lôi ra khỏi giường. Tôi xoay xở để ngồi dậy – có cái gì đó đã chết trong miệng tôi sau khi dính chặt mí mắt tôi lại – rồi bước vào nhà tắm.

Tôi để mẹ ấn một miếng bánh mì và một quả chuối vào miệng, lòng khao khát rằng bố mẹ sẽ cho tôi uống cà phê ở nhà. Tôi có thể kiếm một cốc trên đường tới trường, nhưng thật khủng khiếp khi nhìn họ nhấm nháp từng chút chất lỏng vàng đen trong khi tôi thì lết mông quanh nhà, mặc quần áo và cho sách vở vào túi.

Tôi đã đi bộ tới trường hàng nghìn lần, nhưng hôm nay thật khác. Tôi đi qua các ngọn đồi để tới khu Mission, đâu đâu cũng có xe tải. Tôi thấy camera kiểm duyệt và camera giao thông mới được lắp đặt ở rất nhiều biển báo dừng. Ai đó đã trữ rất nhiều thiết bị giám sát, chỉ chờ có cơ hội là lắp đặt ngay. Vụ tấn công ở Cầu Vịnh chính là điều họ cần.

Thành phố dường như khẽ khàng hơn, như thể đang ở trong thang máy, ngượng ngùng bởi sự xét nét của hàng xóm láng giềng và mấy chiếc camera nhan nhản khắp nơi.

Quán cà phê Thổ Nhĩ Kỳ trên phố 24 luôn dành cho tôi một tách cà phê Thổ Nhĩ Kỳ tuyệt vời để mang đi. Về cơ bản, cà phê Thổ Nhĩ Kỳ là bùn giả cà phê. Nó đủ dày để cắm một chiếc thìa vào và có nhiều caffeine hơn những đồ uống trẻ con như Red Bull. Hãy xem Wikipedia viết gì: đây chính là cách Đế quốc Ottoman đã giành chiến thắng: những kỵ sĩ điên cuồng được nạp đầy thứ bùn cà phê đen huyền chết người.

Tôi rút thẻ ghi nợ ra để thanh toán và anh chàng nhăn mặt nói. “Không nhận thẻ ghi nợ nữa.”

“Hử? Tại sao không?” Tôi đã trả tiền cho thói quen uống cà phê của mình bằng thẻ ở quán Thổ Nhĩ Kỳ này hàng mấy năm nay. Anh ta lúc nào cũng xua tôi đi, nói rằng tôi còn quá trẻ để uống thứ này, và anh ta vẫn từ chối bán hàng cho tôi trong giờ học, khăng khăng rằng tôi đang trốn học. Nhưng sau nhiều năm, anh chàng người Thổ và tôi đã hình thành một mối cảm thông nhất định.

Anh ta lắc đầu buồn bã. “Cậu không hiểu được đâu. Đi học đi, nhóc.”

Không có cách nào khiến tôi muốn hiểu hơn là bảo tôi sẽ không hiểu được. Tôi nài nỉ anh ta nói cho tôi. Trông có vẻ như anh ta sẽ tống cổ tôi đi, nhưng khi tôi hỏi chẳng lẽ tôi không đủ tốt để mua hàng ở đây sao, anh ta cởi mở hơn.

“Vấn đề an ninh,” anh nói, nhìn xung quanh cửa hàng nhỏ với những bình đựng hạt cà phê khô và giá để đồ tạp phẩm Thổ Nhĩ Kỳ. “Chính phủ. Báo chí nói giờ họ giám sát tất cả mọi thứ. Đạo luật YÊU NƯỚC số II, Quốc hội đã thông qua hôm qua. Giờ họ có thể giám sát mỗi khi cậu dùng thẻ của mình. Tôi không đồng ý. Tôi không để cửa hàng của tôi giúp họ theo dõi khách hàng của mình.”

Tôi há hốc miệng.

“Có lẽ cậu cho rằng chuyện này chả có nghĩa lý gì? Có vấn đề gì đâu khi chính phủ biết cậu mua cà phê lúc nào? Bởi vì đó là một cách để họ biết cậu đang ở đâu, cậu đã ở đâu. Cậu nghĩ vì sao mà tôi rời bỏ Thổ Nhĩ Kỳ nào? Nơi nào chính phủ luôn theo dõi người dân, nơi đó không hề tốt đẹp. Tôi đã chuyển đến đây hai mươi năm trước để được tự do – tôi sẽ không giúp họ lấy mất tự do đâu.”

“Thế thì doanh thu của anh sẽ bị giảm đi nhiều đấy,” tôi thốt lên. Tôi muốn nói rằng anh là một người hùng và bắt tay anh, nhưng rốt cuộc tôi lại nói như vậy. “Mọi người đều dùng thẻ ghi nợ.”

“Có lẽ không còn nhiều nữa. Có lẽ khách hàng của tôi tới đây vì họ biết tôi cũng yêu tự do. Tôi đang làm biển thông báo treo lên cửa sổ. Có lẽ các cửa hàng khác cũng làm như vậy. Tôi nghe nói ACLU(19) sẽ kiện họ vì điều này.”

“Từ giờ trở đi em sẽ luôn mua đồ của anh,” tôi nói. Thực sự tôi muốn vậy. Tôi cho tay vào túi. “Ừm, nhưng em không có đồng nào cả.”

Anh mím môi và gật đầu. “Nhiều người cũng nói như vậy. Không sao. Cậu hãy dành tiền hôm nay cho ACLU.”

(19) Hiệp hội Quyền tự do Dân sự Hoa Kỳ.

Trong hai phút, số từ mà anh chàng người Thổ Nhĩ Kỳ và tôi trao đổi với nhau nhiều hơn từ trước đến nay gộp lại. Tôi đã đến cửa hàng của anh cả nghìn lần. Tôi không hề biết anh lại có nhiệt huyết nhường ấy. Vốn dĩ tôi chỉ nghĩ về anh như một chủ quán cà phê gần nhà thân thiện. Tôi bắt tay anh và khi rời cửa hàng, tôi có cảm giác như anh và tôi đã gia nhập một đội quân. Một đội quân bí mật.

Mặc dù đã nghỉ học hai ngày nhưng dường như tôi không bỏ lỡ quá nhiều tiết học. Họ đã đóng cửa trường học một ngày khi thành phố đang cố gắng hồi phục. Có vẻ như ngày kế tiếp đã được dành để thương tiếc những người mất tích và bị cho là thiệt mạng. Báo chí công bố lý lịch của những vật tưởng niệm cá nhân và bị thất lạc. Các trang web tràn ngập cáo phó, có tới hàng nghìn cáo phó.

Trớ trêu thay, tôi cũng là một trong số những người nói trên. Tôi bước vào sân trường mà không hề biết điều đó, ai đó hét lên, rồi một lát sau có hàng trăm người vây lấy tôi, vỗ vai tôi, bắt tay tôi. Vài cô gái mà tôi thậm chí không biết còn hôn tôi nữa, và chúng còn hơn là những nụ hôn bạn bè. Tôi cảm thấy mình như một siêu sao nhạc rock.

Các thầy cô của tôi cũng phấn khởi không kém. Cô Galvez đã khóc nhiều như mẹ tôi và ôm tôi ba lần trước khi để tôi về chỗ ngồi. Có gì đó mới trước lớp học. Một máy quay. Cô Galvez bắt gặp tôi đang nhìn nó chằm chằm và đưa cho tôi một giấy phép có in tên trường bị vấy bẩn.

Ban quản lý Học khu thống nhất San Francisco đã mở phiên họp khẩn cấp vào cuối tuần và nhất trí bỏ phiếu thông qua việc đề nghị phụ huynh của từng đứa trẻ trong thành phố đồng ý đặt camera vô tuyến truyền trực tiếp trong mọi lớp học và hành lang. Luật pháp quy định rằng họ không thể bắt chúng tôi tới trường khi có camera ở khắp nơi, nhưng nó không nói gì về việc chúng tôi tình nguyện từ bỏ quyền hiến pháp của mình. Lá thư nói rằng Ban quản lý đảm bảo có được sự ưng thuận tuyệt đối của tất cả phụ huynh trong thành phố, nhưng họ sẽ sắp xếp để dạy những đứa trẻ mà cha mẹ chúng phản đối việc này tại một trong những lớp học “không được bảo vệ” riêng biệt.

Tại sao giờ chúng ta lại có camera trong phòng học? Bọn khủng bố. Tất nhiên. Bởi vì với việc cho nổ tung cây cầu, chúng đã ám chỉ trường học sẽ là mục tiêu kế tiếp. Dù sao thì bằng cách nào đó, Ban quản lý đã đưa ra kết luận như vậy.

Tôi đọc lá thư này ba lần rồi giơ tay lên.

“Gì vậy, Marcus?”

“Thưa cô Galvez, về lá thư này?”

“Sao vậy, Marcus?”

“Có phải mục đích của việc khủng bố là khiến chúng ta sợ hãi không ạ? Vậy nên người ta mới gọi nó là sự-gây-kinh-hoàng(20), đúng không ạ?

“Cô đoán là vậy.” Cả lớp nhìn tôi chằm chằm. Tôi không phải là học sinh giỏi nhất trường, nhưng tôi tranh luận khá tốt trong phạm vi lớp học. Họ đang đợi xem tôi sẽ nói cái gì tiếp theo.

“Vậy chẳng phải chúng ta đang làm điều mà bọn khủng bố muốn ở chúng ta sao? Có phải chúng đang chiến thắng không khi mà tất cả chúng ta đều hành động trong sợ hãi rồi đặt camera trong lớp học và tất cả những việc tương tự?”

(20) Trong tiếng Anh, “sự khủng bố” là “terrorism”, trong đó, “terror” nghĩa là “sự kinh hoàng”.

Có những tiếng xôn xao bồn chồn. Một người giơ tay lên. Đó là Charles. Cô Galves gọi tên nó.

“Đặt camera sẽ giúp chúng ta an toàn, và khiến chúng ta bớt sợ hãi.”

“An toàn trước điều gì?” tôi nói, không đợi được gọi tên.

“Khủng bố,” Charles đáp. Những đứa khác cũng gật đầu.

“Làm sao mấy cái máy đó làm được hay vậy? Nếu một kẻ đánh bom tự sát lao vào đây và cho nổ tung tất cả chúng ta…”

“Thưa cô Galvez, Marcus đang vi phạm quy chế của trường. Chúng ta không được phép nói đùa về việc bọn khủng bố tấn công…”

“Ai đang đùa cơ?”

“Cảm ơn, cả hai em,” cô Galvez nói. Cô trông có vẻ rất không vui. Tôi cảm thấy tệ vì đã gây rối trong buổi học của cô. “Cô nghĩ rằng đây là một cuộc tranh luận rất thú vị, nhưng cô muốn dành nó lại cho một buổi học trong tương lai. Cô nghĩ hôm nay mà bàn luận về vấn đề này thì sẽ rất dễ gây kích động. Giờ, chúng ta sẽ cùng quay lại việc tán thành mở rộng quyền bầu cử, được chứ?”

Vậy là chúng tôi dành thời gian còn lại để nói về những người tán thành mở rộng quyền bầu cử và những chiến lược vận động hành lang mà họ đã nghĩ ra để đưa vào văn phòng của mỗi nghị sĩ bốn phụ nữ, gây sức ép và cho ông ta thấy tương lai chính trị của ông ta sẽ ra sao nếu như ông ta cứ tiếp tục từ chối quyền bầu cử của phụ nữ. Thường thì đây là đề tài mà tôi rất thích – những người thấp cổ bé họng khiến những người to lớn và đầy quyền lực phải sống trung thực hơn. Nhưng hôm nay tôi không thể nào tập trung nổi. Chắc hẳn do sự vắng mặt của Darryl. Cả hai đứa đều thích môn Nghiên cứu Xã hội và đáng ra lúc này, sau khi yên vị được vài giây, chúng tôi đang mở SchoolBook và bật chương trình chat, một kênh khác để bàn luận về bài học.

Đêm trước đó, tôi đã in ra hai mươi đĩa ParanoidXbox và để trong túi. Tôi đã đưa cho những người mà tôi biết là vô cùng đam mê chơi game. Họ đều có một hoặc hai Xbox Universal từ năm ngoái, nhưng phần lớn không dùng nữa. Các trò chơi rất đắt và không vui lắm. Tôi kéo họ ra giữa các tiết học, giờ ăn trưa, giờ tự học và ca ngợi các trò chơi của ParanoidXbox lên tận trời xanh. Miễn phí và vui – những trò chơi xã hội có khả năng gây nghiện mà những người hay ho, thú vị trên thế giới đều ưa thích.

Cho không một thứ để bán một thứ khác được gọi là “kinh doanh kiểu lưỡi lam” – những công ty giống như Gillette tặng cán dao cạo râu miễn phí cho bạn rồi lừa bạn phải trả một số tiền nhỏ để mua lưỡi lam. Tệ nhất là những hộp mực in – loại sâm banh đắt nhất thế giới còn rẻ hơn khi đem so với mực in, thứ chỉ đáng một xu mỗi galông nếu bán buôn.

Kinh doanh kiểu lưỡi lam phụ thuộc vào việc bạn không thể kiếm được “lưỡi lam” từ ai khác nữa. Nói cho cùng, nếu Gillette có thể kiếm được chín đô la từ mỗi lưỡi lam thay thế giá mười đô la thì chả có lý do gì một đối thủ cạnh tranh của họ lại không kiếm bốn đô la từ việc bán một lưỡi dao y hệt: lợi nhuận biên tám mươi phần trăm là con số khiến một người kinh doanh trung bình phải nhỏ dãi.

Vậy là những công ty kinh doanh lưỡi lam như Gillette đổ rất nhiều công sức để làm cho việc cạnh tranh với họ về sản phẩm lưỡi lam trở nên khó khăn và/hoặc bất hợp pháp. Trong trường hợp của Microsoft, mỗi Xbox đều có biện pháp đối phó để ngăn không cho bạn chạy các phần mềm được phát hành bởi những người không trả tiền mua quyền bán chương trình của Xbox.

Những người tôi đã gặp không nghĩ nhiều về việc này. Họ phấn khởi hơn hẳn khi nghe tôi nói rằng những trò chơi này không bị giám sát. Ngày nay, bất cứ trò chơi trực tuyến nào bạn chơi cũng toàn những thứ khó chịu. Đầu tiên, có những thằng khốn cố gắng dụ bạn tới những vị trí hẻo lánh, rồi chúng trở nên kỳ cục và giở trò bệnh hoạn với bạn. Rồi cảnh sát đóng giả những đứa nhóc khờ khạo để có thể bắt giữ bọn hư hỏng đó. Nhưng dù sao thì tệ nhất vẫn là những kẻ giám sát, họ dành toàn bộ thời gian để do thám những cuộc tranh luận và chỉ điểm chúng ta vì tội chống lại Các điều khoản dịch vụ, ấy là không tán tỉnh, không chửi rủa, và không “sử dụng ngôn ngữ rõ ràng hoặc mập mờ để đề cập một cách xúc phạm tới bất kỳ khía cạnh nào của tình dục hay thiên hướng tình dục.”

Không phải lúc nào tôi cũng nghĩ đến tình dục, nhưng tôi là một thằng con trai mười bảy tuổi. Tình dục đôi lúc cũng xuất hiện trong những cuộc nói chuyện. Nhưng cầu Chúa phù hộ bạn nếu nó xuất hiện khi bạn chat lúc chơi game. Nó thực sự là quả bom nổ chậm. Không ai giám sát các trò chơi của ParanoidXbox vì chúng không do công ty nào điều hành: chúng chỉ là những trò chơi mà các hacker viết cho vui thế thôi.

Các tín đồ game thích câu chuyện của tôi. Chúng vồ vập lấy những chiếc đĩa và hứa sẽ chép ra nhiều bản cho tất cả bạn bè – dù sao, game vui nhất khi bạn chơi cùng chiến hữu.

Về đến nhà, tôi đọc thấy một nhóm phụ huynh đã kiện hội đồng nhà trường vì những chiếc camera giám sát trong lớp học, nhưng họ đã mất ưu thế khi lệnh sơ bộ của tòa chống lại họ.

Tôi không biết ai đã nghĩ ra cái tên Xnet, nhưng nó gây lúng túng. Bạn có thể nghe thấy mọi người nói về nó trên các phương tiện di chuyển công cộng. Van gọi tôi để hỏi xem tôi có nghe được gì về nó không và tôi suýt nghẹt thở khi hiểu ra cô đang nói về điều gì: những chiếc đĩa mà tôi phát tán tuần trước đã được truyền đi khắp nơi trên mạng và sao chép lại rồi lan tới tận Oakland chỉ trong hai tuần. Điều này khiến tôi chột dạ – như thể tôi đã phá luật và giờ thì DHS sẽ đến mang tôi đi mãi mãi.

Những tuần sau vụ khủng bố thật khó khăn. Giờ đây, BART đã hoàn toàn từ chối việc thanh toán bằng tiền mặt, đổi sang thẻ RFID “không tiếp xúc” mà bạn sẽ vẫy trước cửa xoay để đi qua. Đúng là chúng tốt và tiện lợi thật, nhưng mỗi lần sử dụng chúng, tôi lại nghĩ đến việc mình đang bị theo dõi như thế nào. Ai đó trên Xnet đã đăng một đường dẫn tới sách trắng của Quỹ Biên Giới Điện Tử nơi cho ta biết các cách mà những thứ này có thể được dùng để theo dõi mọi người. Sách trắng này cũng có các mẩu chuyện về những nhóm đã phản kháng ở BART.