Chương 14 phần 1

Đại chiến hacker

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Xnet chẳng vui lắm vào giữa ngày học, khi mà tất cả những người sử dụng nó đều ở trường. Tôi nhét tờ giấy đã gấp lại vào túi sau quần bò, rồi ném nó lên bàn khi về đến nhà. Tôi ngồi trong phòng khách và bật ti vi lên. Tôi thì chẳng bao giờ xem ti vi, nhưng tôi biết bố mẹ có xem. Ti vi, radio và báo chí là nơi họ thu thập tất cả những ý niệm của mình về thế giới.

Các tin tức thật khủng khiếp. Có quá nhiều lý do để sợ hãi. Lính Mỹ đang hy sinh khắp nơi trên thế giới. Và không chỉ những người lính. Những người bảo vệ tổ quốc, từng nghĩ rằng mình đăng ký nhập ngũ là để giải cứu con người khỏi những cơn bão, giờ lại đóng quân ở nước ngoài ròng rã mấy năm trời trong một cuộc chiến dài không có hồi kết.

Tôi dò qua các kênh tin tức 24 giờ, hết kênh này đến kênh khác, một cuộc diễu hành của các quan chức đang cho chúng ta thấy tại sao chúng ta nên sợ hãi. Một cuộc diễu hành của những bức ảnh về bom rơi đạn nổ khắp nơi trên thế giới.

Tôi tiếp tục bật sang kênh khác và nhận ra mình đang nhìn một khuôn mặt quen thuộc. Đó là người đã lên xe tải và nói chuyện với người phụ nữ có mái-tóc-cắt-bằng khi tôi đang bị trói ở phía sau. Mặc quân phục. Dòng chú thích cho biết ông ta là Trung tướng Graeme Sutherland, Chỉ huy Khu vực, DHS.

“Tôi đã có trong tay tài liệu giấy trắng mực đen được đưa ra tại cái gọi là buổi hòa nhạc ở công viên Dolores cuối tuần trước.” Ông ta đưa lên một xấp các tờ gấp. Tôi nhớ là đã có rất nhiều người làm tờ gấp ở đó. Nơi đâu ở San Francisco có một nhóm người tụ tập thì nơi đó có các tờ gấp như thế này.

“Tôi muốn anh xem những thứ này một lúc. Để tôi đọc cho anh tiêu đề của chúng. KHI KHÔNG CÓ SỰ CHẤP THUẬN CỦA NGƯỜI BỊ TRỊ: HƯỚNG DẪN CÔNG DÂN LẬT ĐỔ CHÍNH QUYỀN. Cái này nữa, NHỮNG VỤ NỔ BOM 11/9 CÓ THỰC SỰ XẢY RA? Một cái khác, LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỐNG LẠI HỌ BẰNG CHÍNH AN NINH CỦA HỌ. Những tài liệu này cho chúng ta thấy mục đích thực sự của vụ tập trung trái phép vào đêm thứ Bảy. Đây không chỉ đơn thuần là sự tập trung không an toàn của hàng ngàn người mà không có sự thận trọng thích hợp, thậm chí không có cả nhà vệ sinh. Đó là cuộc mít tinh tuyển mộ của kẻ thù. Đó là một nỗ lực để làm hư trẻ em bằng việc khiến chúng mang trong đầu ý nghĩ rằng nước Mỹ không nên tự bảo vệ mình.

“Hãy xem câu khẩu hiệu này, ĐỪNG TIN AI TRÊN 25. Còn có cách nào để đảm bảo sao cho không một cuộc thảo luận người lớn, được xem xét chu đáo và cân nhắc mọi lẽ nào xâm nhập được vào thông điệp ủng hộ khủng bố tốt hơn là cách loại trừ người lớn, giới hạn nhóm của bạn để nó chỉ bao gồm những người trẻ tuổi dễ bị ảnh hưởng mà thôi?

“Khi cảnh sát đến hiện trường, họ thấy cuộc mít tinh tuyển mộ cho kẻ thù nước Mỹ đang được tiến hành. Việc tụ tập đã quấy rối buổi đêm của hàng trăm cư dân trong vùng, không ai trong số họ được hỏi ý kiến về việc lập kế hoạch cho bữa tiệc ồn ào kéo dài suốt đêm này.

“Họ ra lệnh những người này giải tán – đó là những gì thấy được trên cả đoạn phim – và khi những người tham gia bị những nhạc công trên sân khấu thúc giục quay ra tấn công cảnh sát, cảnh sát đã dẹp yên bằng những kỹ thuật kiểm soát đám đông không gây thương vong.

“Đối tượng bị bắt giữ là bọn đầu sỏ và những kẻ kích động đã dẫn đầu các thanh niên bị ảnh hưởng ở đó tấn công hàng rào cảnh sát. 827 người đã bị bắt giữ. Rất nhiều người trong số này có tiền án tiền sự. Trong đó có hơn 100 người chưa thi hành án. Chúng vẫn đang bị bắt giữ.

“Thưa quý vị, nước Mỹ đang chiến đấu trên nhiều mặt trận, nhưng không có nơi nào mà đất nước này phải đối mặt với nhiều nguy hiểm hơn là chính nhà mình. Chúng ta đang bị tấn công hoặc bởi những kẻ khủng bố hoặc bởi những kẻ ủng hộ chúng.”

Một phóng viên giơ tay lên hỏi, “Tướng Sutherland, chắc ông không cho rằng những đứa trẻ này là những người đi theo khủng bố chỉ bởi vì chúng tham gia một bữa tiệc trong công viên chứ?”

“Tất nhiên là không. Nhưng khi những người trẻ tuổi bị ảnh hưởng bởi kẻ thù của đất nước chúng ta, họ rất dễ bị đưa vào tròng. Bọn khủng bố muốn tuyển mộ gián điệp phản quốc để chiến đấu trên chính mặt trận bên kia cho chúng. Nếu những người này là con cái của tôi, tôi sẽ thực sự lo ngại.”

Một phóng viên khác chen vào. “Chắc chắn đây chỉ là một buổi hòa nhạc ngoài trời, thưa Trung tướng? Khó có khả năng họ đang luyện tập với súng trường.”

Vị Trung tướng đưa ra một tập ảnh và giơ lên. “Đây là những bức ảnh mà các sĩ quan đã chụp bằng máy ảnh hồng ngoại trước khi họ xông vào.” Ông giơ những bức ảnh bên cạnh mặt mình và lần lượt giở từng cái. Chúng cho thấy mọi người đang nhảy múa điên cuồng, vài người bị xô đẩy hoặc giẫm đạp. Sau đó chúng chuyển sang cảnh làm tình gần đám cây, một cô gái với ba tên con trai, hai gã đang âu yếm nhau. “Có cả những em bé mới chỉ mười tuổi trong buổi diễn này. Một ly cocktail chết người pha ma túy, tuyên truyền kích động và âm nhạc đã dẫn đến hàng tá thương vong. Cũng thật lạ khi không có ai thiệt mạng.”

Tôi tắt ti vi. Họ làm cho nó giống như một cuộc nổi loạn. Nếu bố mẹ tôi nghĩ tôi đã ở đó, chắc họ sẽ trói tôi vào giường trong một tháng và chỉ cho tôi ra ngoài sau khi bắt tôi đeo vòng cổ dò tìm.

Nhân tiện, chắc họ sẽ phát điên khi biết tôi bị đình chỉ.

Họ không chịu nổi tin này. Bố muốn phạt tôi, nhưng mẹ và tôi đã thuyết phục ông không làm thế.

“Anh biết là thầy hiệu phó đã có vấn đề với Marcus hàng năm nay,” mẹ nói. “Lần trước chúng ta gặp thầy, anh đã nguyền rủa ông ấy suốt một tiếng đồng hồ sau đó. Em nghĩ từ ‘tên khốn’ đã được anh lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần.”

Bố tôi lắc đầu. “Phá hỏng một giờ học để tranh cãi chống lại Cục An ninh Nội địa…”

“Đó là một giờ học Nghiên cứu Xã hội bố ạ,” tôi nói. Tôi không còn quan tâm đến điều gì nữa, nhưng tôi cảm thấy nếu mẹ cứ tiếp tục dính vào chuyện này vì tôi thì tôi nên giúp bà thoát ra. “Bọn con đang nói về DHS. Không phải tranh luận được cho là lành mạnh sao?”

“Nghe này, con trai,” bố tôi nói. Ông đã gọi tôi là “con trai” rất nhiều. Nó làm tôi cảm thấy như ông đã không còn coi tôi là một con người mà chuyển sang coi tôi là một con ấu trùng đang hình thành và cần được hướng dẫn để vượt qua giai đoạn lột xác. Tôi ghét như thế. “Con sẽ phải học cách sống với một sự thật rằng ngày nay chúng ta sống trong một thế giới khác. Tất nhiên con có mọi quyền để nói lên suy nghĩ của mình, nhưng con phải chuẩn bị đương đầu với hậu quả của việc này. Con phải đối mặt với một sự thật rằng có những người đang bị tổn thương, họ không muốn tranh cãi về những điểm tốt đẹp hơn của Hiến pháp khi mà cuộc sống của họ đang bị đe dọa. Giờ đây chúng ta đang ở trên con thuyền cuộc sống, và một khi con ở trên con thuyền này, không ai muốn nghe về việc thuyền trưởng kém cỏi thế nào.”

Tôi không thể ngăn mình đừng đảo mắt vòng vòng.

“Con đã được giao hai tuần tự học, viết một bài luận cho mỗi môn học, lấy thành phố làm bối cảnh – một bài luận lịch sử, một bài luận nghiên cứu xã hội, một bài luận tiếng Anh, một bài luận vật lý. Thật không thể chịu nổi nếu chỉ ngồi nhà xem ti vi.”

Bố nhìn tôi chằm chằm, như thể ông ấy nghi ngờ tôi sắp sửa làm gì, rồi gật đầu. Tôi chúc bố mẹ ngủ ngon rồi đi lên phòng. Tôi bật Xbox và mở một ứng dụng soạn thảo văn bản ra rồi bắt đầu suy nghĩ tìm ý tưởng cho bài luận. Tại sao không? Điều đó thực sự tốt hơn là chỉ ngồi không ở nhà. Tối hôm đó, tôi chỉ tán gẫu qua mạng với Ange một lúc. Cô thông cảm với tôi về tất cả và bảo sẽ giúp tôi viết bài luận nếu tôi muốn gặp cô tối hôm sau, sau giờ học ở trường. Tôi biết trường cô ở đâu – cô học cùng trường với Van – và nó ở tít Vịnh Đông, nơi tôi chưa bao giờ đến từ sau vụ nổ bom.

Tôi thật sự háo hức trước viễn cảnh sẽ gặp lại cô. Kể từ sau bữa tiệc, mỗi đêm tôi đều đi ngủ với hai ý nghĩ trong đầu: cảnh tượng đám đông tấn công hàng rào cảnh sát và cảm giác được chạm vào bầu ngực bên dưới áo cô khi chúng tôi dựa vào cột. Cô thật tuyệt vời. Trước đây tôi chưa bao giờ gặp một cô gái… mạnh bạo như cô. Tôi luôn là người chủ động và họ luôn là người từ chối. Tôi có cảm giác rằng Ange cũng đầy hứng tình như tôi. Thật là một ý nghĩ đầy khiêu khích.

Đêm đó, tôi ngủ rất ngon, với những giấc mơ thú vị về tôi và Ange và những gì chúng tôi có thể làm với nếu tìm thấy một chỗ kín đáo ở đâu đó.

Ngày hôm sau, tôi bắt đầu làm các bài luận. San Francisco là một chủ đề hay ho để viết. Lịch sử ư? Chắc chắn rồi, từ Cơn sốt Vàng cho đến những xưởng đóng tàu của Thế chiến thứ hai, trại giam giữ của Nhật, việc phát minh ra máy tính cá nhân. Vật lý à? Exploratorium là bảo tàng có những mẫu vật tuyệt nhất trong những bảo tàng mà tôi từng đến. Tôi đã không thể hài lòng hơn được nữa trong những buổi triển lãm về sự hóa lỏng của đất trong các trận động đất lớn. Về môn Ngữ văn ư? Jack London, các nhà thơ theo trào lưu Beat, những tác giả viết tiểu thuyết khoa học như Pat Murphy và Rudy Rucker. Còn Nghiên cứu Xã hội? Phong trào tự do phát biểu, Cesar Chavez, quyền cho người đồng tính nam, nữ quyền, phong trào phản chiến…

Tôi luôn thích học mọi thứ chỉ vì lợi ích của chính việc học. Chỉ để am hiểu hơn về thế giới xung quanh. Tôi có thể làm thế chỉ bằng việc đi dạo quanh thành phố. Tôi quyết định sẽ làm bài luận Ngữ văn về Beat đầu tiên. Hiệu sách Ánh Sáng Đô Thị có một thư viện tuyệt vời trong một phòng trên tầng, nơi Alan Ginsberg và các bạn của ông đã viết ra những bài thơ cấp tiến làm say lòng người. Bài thơ mà chúng tôi đã đọc trong giờ Ngữ văn là bài Howl(46) và tôi sẽ không bao giờ quên những dòng thơ mở đầu, chúng khiến tôi lạnh sống lưng:

Tôi thấy những trí tuệ tuyệt vời nhất

của thế hệ tôi bị hủy hoại bởi sự điên cuồng,

chết đói cuồng loạn trần truồng

kéo lê chúng qua những con phố của người da đen vào bình minh, tìm kiếm một phương thuốc giận dữ,

những gã hippie có đầu óc thiên thần đang cháy

vì sự kết nối cổ xưa siêu phàm với những động cơ đầy sao

trong cỗ máy màn đêm…

(46) Tạm dịch: Tiếng tru.

Tôi thích cái cách ông ấy sắp những từ đó gần nhau, “chết đói cuồng loạn trần truồng.” Tôi biết cái cảm giác đó. Và “những trí tuệ tuyệt vời nhất của thế hệ tôi” cũng khiến tôi suy nghĩ rất nhiều. Nó làm tôi nhớ đến công viên đó, cảnh sát và khí gas đang phun xuống. Họ hạ thấp Ginsberg bởi nhục dục toát lên trong bài Howl – tất cả chỉ do một dòng về tình dục đồng tính mà ngày nay khó có thể khiến chúng ta chớp mắt. Bằng cách này hay cách khác, nó khiến tôi vui, khi biết rằng chúng ta đã tiến bộ. Rằng trước đây mọi thứ thậm chí đã từng khắt khe hơn thế này.

Tôi đắm chìm trong thư viện, đọc những cuốn sách cũ tuyệt đẹp. Tôi say sưa với tác phẩm Trên đường của Jack Kerouac, cuốn tiểu thuyết mà tôi đã định đọc trong một thời gian dài, rồi một nhân viên đến kiểm tra đã đồng ý và tìm cho tôi một bản in giá rẻ, anh lấy sáu đô la.

Tôi đi bộ đến phố Tàu ăn bánh bao và mì với nước xốt cay mà trước đây tôi nghĩ là khá cay, nhưng có lẽ sau khi đã ăn món đặc biệt cay của Ange thì trên đời này không còn thứ gì quá cay được nữa.

Đến gần trưa, tôi lên tàu điện ngầm rồi chuyển sang một chiếc xe buýt ở cầu San Mateo để đi đến Vịnh Đông. Tôi đọc cuốn Trên đường của mình và ngắm nhìn cảnh vật đang lướt qua. Trên đường là một tiểu thuyết bán tự truyện về Jack Kerouac, một nhà văn nghiện ngập, nát rượu, người đã đi nhờ xe vòng quanh nước Mỹ, làm những công việc rẻ rúng, gào thét trên phố vào ban đêm, gặp gỡ và chia tay với mọi người. Dân hippie, những kẻ lang thang rầu rĩ, những kẻ lừa lọc, những kẻ ngu đần, những kẻ vô học và những thiên thần. Không có cốt truyện thực sự – Kerouac định viết nó trong ba tuần trên một cuộn giấy dài, rải ra từ tâm trí ông – chỉ là một đống những chuyện khiến người ta kinh ngạc, chuyện này nối tiếp chuyện kia. Ông kết bạn với những nguời tự hủy hoại bản thân như Dean Moriaty, người đã kéo ông vào những âm mưu quái đản không bao giờ thành công thực sự, nhưng chúng vẫn thành công, nếu bạn hiểu ý tôi là gì.

Ngôn từ có vần điệu, thật khơi gợi cảm xúc, tôi có thể nghe thấy nó được đọc to trong đầu. Nó khiến tôi muốn nằm xuống giường của một chiếc xe du lịch và thức dậy ở một thị trấn nhỏ bụi bặm, nằm đâu đó trong thung lũng trung tâm trên đường đến Los Angeles, một nơi có cây xăng và bữa tối, rồi bước ra cánh đồng, gặp gỡ mọi người, ngắm nhìn mọi thứ và tha thẩn.

Đó là một chặng đường dài và tôi chắc hẳn đã ngủ lơ mơ một lúc – thức khuya tán gẫu trên mạng với Ange thật không tốt cho giờ ngủ của tôi, vì mẹ tôi vẫn mong tôi xuống nhà ăn sáng. Tôi thức dậy chuyển xe buýt và không lâu sau, tôi đã đến trường của Ange.

Cô bước ra cổng trong bộ đồng phục – trước giờ tôi chưa từng thấy cô mặc đồng phục, trông thật dễ thương theo một cách kỳ quặc, và nó làm tôi nhớ đến Van trong bộ đồng phục của cô ấy. Ange ôm tôi thật lâu rồi hôn tôi thật mạnh vào má.

“Chào cậu!” cô nói. “Chào chào!”

“Cậu đang đọc gì thế?”

Tôi đang chờ câu hỏi này. Tôi đã đánh dấu đoạn văn bằng một ngón tay. “Nghe này: Họ ngật ngưỡng trên phố như mấy thằng điên và tôi cứ lằng nhẵng theo đuôi như tôi suốt đời vẫn luôn chạy theo những người mình ưa thích. Bởi vì với tôi chỉ những kẻ điên khùng mới tồn tại, sống điên khùng, nói chuyện điên khùng, điên khùng muốn được cứu rỗi, muốn hưởng thụ tất cả trong một khoảnh khắc duy nhất, những kẻ không bao giờ há miệng ngáp hay nói mấy thứ nhạt nhẽo, mà bùng cháy, bùng cháy, bùng cháy như những bông pháo vàng rực thần kỳ nở ra như những con nhện ngang qua các vì sao, và giữa bông pháo ấy bạn thấy một đốm sáng xanh bừng lên rồi mọi người đều thốt lên ‘Ồồồ!’ ngưỡng mộ. ”

Ange lấy quyển sách và tự mình đọc lại đoạn văn đó. “Wow! Những kẻ điên khùng! Tớ thích nó! Có phải cả quyển sách đều như thế này không?”

Tôi kể cho cô về những phần tôi đã đọc, chầm chậm rảo bước trên lề đường quay lại trạm xe buýt. Khi chúng tôi rẽ ở góc đường, cô quàng tay ôm lấy thắt lưng tôi còn tôi khoác vai cô. Đi bộ dọc con phố với một cô gái – bạn gái tôi chăng? Chắc chắn rồi, sao lại không chứ? – nói chuyện về một quyển sách thú vị. Thiên đường là đây. Nó giúp tôi quên đi những phiền muộn của mình trong chốc lát.

“Marcus?”

Tôi quay lại. Đó là Van. Trong tiềm thức của mình, tôi đã mong chờ điều này. Tôi biết vì phần ý thức trong tâm trí tôi không hề ngạc nhiên. Trường này không lớn, và học sinh tan học vào cùng một giờ. Tôi đã không nói chuyện với Van hàng tuần nay, và tôi cảm giác như đã hàng tháng trời vậy. Đã có thời gian chúng tôi nói chuyện với nhau mỗi ngày.

“Chào Van,” tôi nói. Tôi cố nén cảm giác bị thôi thúc phải bỏ tay ra khỏi vai Ange. Van có vẻ ngạc nhiên, nhưng không giận dữ, mà mặt cô tái đi, run run. Cô ấy nhìn kỹ hai chúng tôi.

“Angela phải không?”

“Chào Vanessa,” Ange nói.

“Cậu làm gì ở đây?”

“Tớ đến gặp Ange,” tôi nói, cố giữ giọng bình thường. Đột nhiên tôi thấy xấu hổ khi bị nhìn thấy đi với một cô gái khác.

“Ồ,” Van nói. “Ờ, rất vui được gặp cậu.”

“Tớ cũng thế, Vanessa.” Ange nói, xoay người tôi lại và kéo tôi về phía trạm xe buýt.

“Cậu biết cô ấy à?” Ange hỏi.

“Ừ, từ rất lâu rồi.”

“Trước đây cô ấy là bạn gái của cậu à?”

“Gì cơ? Không! Không đời nào! Bọn tớ từng là bạn bè thôi.”

“Bọn cậu từng là bạn bè ư?”