Chương 01 phần 2

Đại chiến hacker

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Harajuku Fun Madness là trò chơi hay nhất từng được tạo ra. Tôi biết tôi đã nói điều này rồi, nhưng nó xứng đáng được nhắc lại. Đó là một ARG, tức là Alternate Reality Game – trò chơi thực tế luân phiên, và câu chuyện bắt đầu khi một nhóm thiếu niên thời thượng của Nhật phát hiện ra một viên ngọc phi thường có khả năng chữa bệnh tại một ngôi đền ở Harajuku, khu phố nơi những thiếu niên Nhật sành điệu sáng tạo ra một tiểu văn hóa lớn chưa từng thấy trong suốt mười năm qua. Họ bị săn lùng bởi các thầy tu ác độc, bọn Yakuza (hay còn gọi là mafia Nhật), người đối lập, thanh tra thuế, các bậc phụ huynh và một trí thông minh nhân tạo. Họ gợi ý cho người chơi các tin nhắn được mã hóa, người chơi phải giải mã và sử dụng chúng để tìm ra những gợi ý sẽ dẫn tới nhiều tin nhắn được mã hóa và nhiều gợi ý khác.

Hãy tưởng tượng vào một buổi chiều đẹp chưa từng thấy, bạn đang đi dạo qua những con đường trong một thành phố, ngắm nhìn đám người kỳ quái, mấy tờ rơi ngồ ngộ, vài kẻ gàn dở trên đường và các cửa hiệu độc đáo. Giờ thì hãy thêm vào đó một cuộc săn lùng kho báu, nó đòi hỏi bạn phải nghiên cứu những bộ phim và những bài hát cũ điên rồ, nghiên cứu văn hóa của giới trẻ trên khắp thế giới ở mọi thời gian và không gian. Đó là một cuộc thi, giải nhất cho một đội bốn người là chuyến đi mười ngày đến Tokyo, lượn lờ trên cầu Harajuku, đắm chìm trong đám đồ công nghệ cao ở Akihabara, và mang về nhà tất cả những sản phẩm có hình Astro Boy mà bạn có thể ăn. Ngoại trừ việc ở Nhật, thằng nhóc ấy được gọi là “Atom boy”.

Đó chính là Harajuku Fun Madness, và một khi bạn đã giải được một hay hai câu đố, bạn sẽ không bao giờ dừng chơi được nữa.

– Ôi trời, không thể được. Cậu đừng hỏi nữa.

– Tớ cần cậu, D. Cậu là tay chơi cừ nhất tớ có. Tớ thề rằng tớ sẽ đưa chúng ta ra ngoài và quay trở lại mà không ai biết gì. Cậu biết tớ có thể làm thế mà, đúng không?

– Tớ biết cậu có thể làm được

– Vậy cậu đi chứ?

– Trời ơi, không!

– Thôi nào, Darryl. Không phải cậu định đến cuối đời lại ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn cho việc ngồi học ở trường đấy chứ?

– Mình không định đến cuối đời lại ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn cho việc chơi mấy trò ARG.

– Ừ nhưng cậu không nghĩ rằng rất có thể đến cuối đời, cậu sẽ ước rằng mình đã dành nhiều thời gian hơn với Vanessa Pak à?

Van cũng trong nhóm của tôi. Cô theo học một trường nữ sinh tư thục ở Vịnh Đông, nhưng tôi biết cô nàng sẽ cúp cua và cùng tham gia nhiệm vụ với tôi. Darryl si mê cô hàng mấy năm trời – thậm chí trước cả khi tuổi dậy thì mang tới cho cô những món quà hào phóng. Darryl đã phải lòng tâm hồn cô nàng. Buồn làm sao.

– Đồ tồi!

– Cậu đi chứ?

Cậu bạn nhìn tôi rồi lắc đầu. Sau đó lại gật đầu. Tôi nháy mắt với nó và bắt đầu liên lạc với những người còn lại trong nhóm.

Không phải lúc nào tôi cũng mê chơi ARG. Tôi có một bí mật đen tối: Tôi đã từng chơi LARP. LARP là viết tắt của Live Action Role Playing, trò chơi đóng vai nhân vật thật, và nó đúng y như tên gọi: chạy vòng quanh trong bộ trang phục, nói chuyện bằng giọng điệu buồn cười, đóng giả một siêu gián điệp, một con ma cà rồng hay một hiệp sĩ thời trung cổ. Nó giống như trò cướp cờ trong tay quái vật, pha thêm chút hơi hướm của một câu lạc bộ kịch, và những trận hay nhất là những trận chúng tôi chơi ở trại Hướng đạo sinh ngoài thành phố tại Sonoma hay dưới Peninsula. Chúng kéo dài ba ngày, có thể trở nên khá nguy hiểm và thú vị với những cuộc hành quân từ sáng đến tối, các cuộc chiến ác liệt bằng thanh kiếm làm từ bọt xốp và tre, đọc thần chú bằng cách ném gối xốp và hét lên “Cầu lửa!”, rồi nhiều trò khác nữa. Khá vui dù hơi ngớ ngẩn. Nhưng không ngớ ngẩn bằng ngồi quanh cái bàn đầy lon Diet Coke và những mô hình sơn màu lòe loẹt nói về những gì con yêu tinh của bạn định làm, và đòi hỏi hoạt động thể chất hơn nhiều so với ngồi chết gí ở nhà nhấp chuột đến đờ đẫn chơi mấy trò game online dành cho hàng đống người cùng lúc.

Thứ khiến tôi gặp rắc rối là những trò chơi mini trong khách sạn. Bất cứ dịp nào diễn ra hội nghị khoa học viễn tưởng trong thành phố, một người chơi LARP nào đó sẽ thuyết phục họ cho chúng tôi chơi một hay hai trò chơi mini kéo dài sáu tiếng tại hội nghị, dùng luôn địa điểm họ đã thuê. Có thêm một lũ trẻ hoạt náo chạy xung quanh trong những trang phục lạ mắt sẽ tạo thêm màu sắc cho sự kiện, và chúng tôi phải chơi vui vẻ giữa những người thậm chí còn lập dị hơn mình.

Vấn đề với các khách sạn đó là ngoài những người chơi LARP, còn có rất nhiều người khác – và không chỉ có những nhà khoa học viễn tưởng. Những người bình thường. Đến từ những bang có tên bắt đầu và kết thúc bằng nguyên âm. Đang đi nghỉ.

Và đôi lúc những người này hiểu nhầm bản chất của một trò chơi.

Mà thôi, chúng ta dừng ở đây, okay?

Mười phút nữa là tiết học kết thúc, tức là tôi không có nhiều thời gian để chuẩn bị. Việc đầu tiên cần làm là đối phó với những máy quay nhận dạng dáng đi đáng ghét kia. Như tôi đã nói, ban đầu trường dùng máy quay nhận dạng gương mặt, nhưng thứ đó bị quy là vi phạm hiến pháp. Và theo như tôi biết, chưa có tòa án nào phán quyết rằng máy quay nhận dạng dáng đi có gì hợp pháp hơn, nhưng cho tới khi có người đưa ra phán quyết ấy, bọn tôi vẫn mắc kẹt với chúng.

“Dáng đi” là một từ hoa mỹ để nói đến cách bạn đi lại. Con người khá giỏi trong việc nhận ra dáng đi – lần tới, khi đi cắm trại, bạn hãy thử nhìn chuyển động của đèn pin khi một người bạn ở xa tiến lại gần. Bạn có thể dễ dàng xác định được cậu ta ngay chỉ từ chuyển động của ánh sáng, cái cách chuyển động lên xuống đặc trưng ấy nói với bộ óc vượn của chúng ta rằng người đang tiến tới là ai.

Phần mềm nhận dạng dáng đi sẽ chụp ảnh chuyển động của bạn, cố gắng tách cái bóng của bạn trong ảnh và khớp nó với thông tin trong kho dữ liệu để xem có thể nhận ra bạn là ai hay không. Đó là một cái máy nhận dạng sinh học, giống như trò in dấu vân tay hay quét võng mạc, nhưng nó có nhiều “xung đột” hơn cả hai thứ đó. Một “xung đột” sinh trắc học là khi một số đo trùng với hơn một người. Dấu vân tay của bạn là duy nhất nhưng có hàng trăm người cùng dáng đi với bạn. Tất nhiên là không hẳn vậy. Bước đi của cá nhân bạn, phân tích tỉ mỉ ra thì chỉ mình bạn có mà thôi. Vấn đề là bước đi khi phân tích tỉ mỉ lại thay đổi tùy thuộc vào việc bạn mệt mỏi thế nào, sàn nhà được làm bằng gì, bạn có bị đau mắt cá chân khi chơi bóng rổ không, và gần đây bạn có đổi giày không. Vậy là cả hệ thống sẽ rà soát hồ sơ của bạn, tìm người có bước đi giống bạn.

Có rất nhiều người có kiểu đi bộ kiểu như bạn. Mặt khác, rất dễ để không đi giống như bạn – chỉ cần bỏ một cái giày ra. Tất nhiên, trong trường hợp đó, bạn sẽ luôn đi giống như cách bạn đi lúc-bỏ-một-cái-giày- ra, vậy là máy quay cuối cùng cũng phát hiện ra rằng đó vẫn là bạn. Đó là lý do tôi thích cho thêm một chút ngẫu nhiên vào những cuộc tấn công những cái máy này: Tôi cho một nắm sỏi vào mỗi giày. Rẻ và hiệu quả, và không có bước nào giống bước nào. Thêm vào đó, bạn còn được bấm huyệt mát xa chân tuyệt vời. (Tôi đùa thôi. Bấm huyệt đòi hỏi kỹ thuật có tính khoa học cao như kỹ thuật định dạng dáng đi vậy).

Những máy quay được dùng để báo động bất cứ khi nào có ai đó mà chúng không xác định được bước vào khuôn viên trường.

Nhưng chúng không hề hiệu quả.

Cứ sau mười phút chuông báo động lại kêu. Khi người đưa thư tới. Khi một phụ huynh ghé vào. Khi những người lao công sửa sân bóng rổ. Khi một học sinh mang đôi giày mới xuất hiện.

Nên giờ chúng chỉ cố kiểm soát được học sinh nào đang ở đâu và vào lúc nào. Nếu một ai đó ra khỏi cổng trường trong giờ học, dáng đi của người đó sẽ được kiểm tra xem có trùng với dáng đi của học sinh nào không và nếu có thì, húp-húp-húp, chuông báo động sẽ reo lên!

Trường Chavez có những lối đi đầy sỏi. Tôi thích trữ vài nắm đá trong cái túi trên vai để phòng khi cần đến. Tôi âm thầm chuyển cho Darryl mười hay mười lăm anh bạn bé nhỏ và chúng tôi cùng nhét chúng vào giày.

Buổi học sắp kết thúc – và tôi nhận ra mình vẫn chưa vào trang web của Harajuku Fun Madness xem gợi ý tiếp theo là gì! Tôi hơi quá tập trung vào việc tìm cách trốn ra và chưa buồn quan tâm tới việc chúng tôi sẽ trốn đi đâu.

Tôi quay sang Schoolbook và gõ phím. Trình duyệt web chúng tôi sử dụng được cung cấp kèm chiếc máy này. Nó là một phiên bản Internet Explorer bị cài chết cứng một lố spyware. Internet Explorer – một phần mềm dấm dớ của Microsoft mà không ai dưới bốn mươi tuổi lại tự nguyện sử dụng cả.

Tôi có một bản Firefox trong USB gắn trên đồng hồ, nhưng thế vẫn chưa đủ – SchoolBook sử dụng phiên bản Windows Vista4Schools, một hệ điều hành cổ lỗ được thiết kế để khiến cho các nhà quản lý trường học ảo tưởng rằng họ có thể kiểm soát được tất cả những chương trình mà học sinh của họ sử dụng.

Nhưng Vista4Schools là kẻ thù nguy hiểm nhất của chính nó. Có rất nhiều chương trình mà Vista4Schools không cho phép bạn tắt đi – như chương trình theo dõi thao tác bàn phím, phần mềm lọc web – và những chương trình này hoạt động theo một chế độ đặc biệt khiến chúng vô hình đối với hệ thống. Bạn không thể tắt chúng vì thậm chí bạn còn không thể thấy chúng đang ở đó.

Bất cứ chương trình nào có tên bắt đầu bằng $SYS$ đều vô hình đối với hệ điều hành. Vậy nên bản Firefox của tôi tên là $SYS$Firefox – và khi tôi khởi động nó, nó trở nên vô hình đối với Windows, và cũng vô hình luôn với phần mềm kiểm duyệt của mạng.

Giờ tôi đã có một trình duyệt web độc lập, tôi cần một kết nối mạng độc lập. Hệ thống mạng của trường ghi lại từng lần nhấp chuột ra vào hệ thống, thế nên thật là một tin xấu nếu bạn muốn vào trang web Harajuku Fun Madness để giải trí trong giờ học.

Giải pháp là một thứ rất thông minh gọi là TOR(3) – The Onion Router hay Bộ định tuyến củ hành. Mỗi TOR là một trang trên Internet, nó tiếp nhận các yêu cầu truy cập các trang web và chuyển chúng đến các TOR khác, rồi các TOR khác nữa, cho đến khi một trong số chúng cuối cùng quyết định truy cập vào trang web đó và chuyển lại qua các trạm chuyển tiếp tới chừng nào bạn nhận được thì thôi. Sự lưu chuyển thông tin qua các TOR này được mã hóa, đồng nghĩa với việc nhà trường không thể nhìn thấy bạn đang yêu cầu cái gì, và các trạm chuyển tiếp cũng không biết chúng đang làm việc cho ai. Có tới hàng triệu trạm – chương trình được cài đặt bởi Cơ quan nghiên cứu khoa học Hải quân Hoa Kỳ để giúp người của họ xâm nhập qua các phần mềm kiểm duyệt ở những nước như Syria và Trung Quốc, điều này có nghĩa là nó được thiết kế hoàn hảo để hoạt động trong phạm vi một trường cấp ba bình thường ở Mỹ.

(3) The Onion Router – Bộ định tuyến củ hành: là một mạng lưới giúp người sử dụng vượt tường lửa và trao đổi thông tin bảo mật. Sở dĩ được gọi là bộ định tuyến củ hành là vì các gói tin khi đi từ trạm TOR này qua trạm TOR khác sẽ được “bao bọc” lại bằng một lớp mã hóa, do đó gói tin có nhiều lớp vỏ như củ hành.

TOR hoạt động được vì nhà trường chỉ có một danh sách đen hữu hạn những địa chỉ xấu mà chúng tôi không được phép xem, trong khi địa chỉ của các trạm chuyển lại thay đổi liên tục – không thể nào kiểm soát được toàn bộ chúng. Sự kết hợp giữa Firefox và TOR đã biến tôi thành một người tàng hình, không bị Phòng Giáo dục của trường xía mũi vào, thoải mái lướt trên trang Harajuku Fun Madness mà xem xét tình hình.

Và nó đây rồi, đầu mối mới. Giống như mọi đầu mối của Harajuku Fun Madness, nó gồm ba phần: hiện thực, trực tuyến và tưởng tượng. Phần trực tuyến là các câu đố mà bạn phải giải, nó đòi hỏi bạn phải tìm câu trả lời cho một loạt những câu hỏi mơ hồ, khó hiểu. Trong số đó, có nhiều câu hỏi liên quan đến các tình tiết trong dōjinshi – thể loại truyện tranh được vẽ bởi các fan của manga, truyện tranh Nhật Bản. Quy mô của chúng có thể lớn bằng những bộ truyện chính thống đã truyền cảm hứng cho chúng, nhưng chúng kỳ dị hơn rất nhiều, với các cốt truyện chồng chéo nhau, đôi lúc có những bài hát và hành động thật sự ngớ ngẩn. Tất nhiên là rất nhiều chuyện tình ái. Ai cũng muốn cho các nhân vật mình thích yêu nhau.

Tôi sẽ giải những câu đố này sau, khi đã về nhà. Công việc sẽ dễ dàng nhất khi cả nhóm hợp sức tải về hàng đống truyện dōjinshi và rà soát chúng để tìm lời giải cho các câu hỏi.

Tôi vừa đánh dấu lại tất cả những manh mối thì chuông reo và chúng tôi bắt đầu cuộc đào tẩu. Tôi lén lút thả sỏi vào đôi giày thấp cổ của mình – một đôi Blundstone đến mắt cá chân của Úc, rất lý tưởng để chạy nhảy leo trèo, và kiểu thiết kế không dây dễ dàng cởi ra đi vào của chúng rất thuận tiện để đối phó với đám máy dò kim loại có mặt khắp nơi.

Tất nhiên chúng tôi cũng phải lẩn tránh sự giám sát trực tiếp, nhưng cứ mỗi lần trường gắn thêm một lớp rình mò mới thì việc này lại càng trở nên dễ dàng hơn – những tiếng chuông reo và còi hiệu ru các thầy cô yêu quý của chúng tôi chìm đắm vào một cảm giác an toàn giả tạo. Chúng tôi hòa vào đám đông xuống dưới sảnh, tiến tới cửa ra vào yêu thích của tôi. Đang đi được nửa đường thì Darryl kêu lên, “Chết rồi! Tớ quên mất, tớ có một cuốn sách mượn ở thư viện trong cặp.”

“Cậu đùa à,” tôi kêu lên và kéo nó vào nhà vệ sinh gần nhất. Sách thư viện thì đúng là quá tệ. Mỗi cuốn đều có một thẻ RFID(4) dính vào gáy để các thủ thư có thể xuất sách bằng việc lướt nó qua một đầu đọc, và để giá sách thư viện thông báo cho bạn nếu có quyển sách nào không còn trên giá.

(4) Hay còn gọi là “arphid”. Là tên viết tắt của Radio Frequency Identification – công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến dựa trên giao tiếp không tiếp xúc giữa đầu đọc và thẻ chíp. Công nghệ này được sử dụng nhiều tại các quầy tính tiền ở siêu thị, trên thẻ nhân viên, thẻ rút tiền…

Nhưng nó cũng giúp nhà trường theo dõi vị trí của bạn mọi lúc. Đây cũng là một trò mập mờ khác về mặt luật pháp: luật pháp không cho phép nhà trường theo dõi chúng tôi bằng thẻ RFID, nhưng họ có thể theo dõi sách của thư viện và sử dụng thông tin lưu trữ của trường để biết ai đang cầm cuốn sách nào.

Tôi có một cái ví Faraday trong cặp – đây là những chiếc ví quấn chằng chịt dây đồng, cực kỳ hiệu quả trong việc chặn năng lượng sóng, bịt miệng mấy cải thẻ RFID. Nhưng chúng chỉ dùng để đựng thẻ nhận dạng cá nhân trung tính và máy đọc thẻ sách chứ không dùng cho những quyển sách như…

“Nhập môn Vật lý?” tôi rên lên. Nó có kích cỡ của một cuốn từ điển.