Chương 04 phần 1

Đại chiến hacker

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Họ lại trói và trùm đầu tôi rồi bỏ tôi ở đó. Một lúc lâu sau, chiếc xe tải bắt đầu chuyển động, lăn xuống dốc và tôi bị lôi mạnh. Lập tức tôi ngã lăn ra. Chân tôi tê dại tới mức tôi thấy cả hai chân như những tảng băng, ngoại trừ cái đầu gối sưng phồng và mềm nhũn sau hàng giờ phải quỳ.

Những bàn tay tóm lấy vai và chân tôi, tôi bị nhấc lên như một bao khoai tây. Quanh tôi là những giọng nói mơ hồ. Kẻ khóc lóc. Người chửi rủa.

Tôi bị khiêng đi một quãng đường ngắn rồi được đặt xuống, trói vào một rào chắn khác. Đầu gối không thể đỡ nổi tôi nữa, tôi chúi đầu về phía trước, kết cục là ngã xoắn xuống đất như một cái bánh quy, làm sợi dây trói quanh cổ tay căng ra.

Rồi chúng tôi lại chuyển động, lần này không giống như đi trên một chiếc xe tải. Sàn nhà dưới chân tôi rung lên nhè nhẹ và lắc lư vì những động cơ diesel nặng nề, tôi nhận ra mình đang ở trên một con tàu! Dạ dày tôi đông cứng. Tôi đang bị tống khỏi nước Mỹ để tới một nơi khác, và có Chúa mới biết đó là nơi nào? Trước đây tôi đã từng sợ hãi, nhưng ý nghĩ này khiến tôi kinh hoàng, đờ người ra, không nói lên lời vì sợ. Tôi chợt nhận ra có thể mình sẽ không bao giờ được gặp lại bố mẹ nữa và tôi thực sự cảm thấy buồn nôn. Cái túi bọc quanh đầu tôi thít chặt lại khiến tôi khó thở, thêm vào đó là cái tư thế kỳ cục mà tôi đang bị xoắn vào.

Nhưng ơn Chúa chúng tôi không phải ở trên nước lâu lắm. Cảm giác như một tiếng đồng hồ, nhưng đến nay thì tôi biết rằng chỉ có mười lăm phút, rồi tôi cảm thấy tàu cập bến, cảm thấy những bước chân trên boong, các tù nhân khác được cởi trói, khiêng đi hoặc dẫn đi quanh tôi. Khi họ tiến về phía tôi, tôi cố gắng đứng dậy một lần nữa nhưng không thể, thế là họ lại khiêng tôi đi, vô cảm và thô bạo.

Khi họ tháo bao trùm đầu ra, tôi đã ở trong xà lim.

Xà lim cũ và đổ nát, đượm mùi không khí biển. Có một cửa sổ ở trên cao với những song sắt gỉ sét. Bên ngoài trời vẫn tối. Có một tấm chăn trên sàn nhà và một bồn cầu bằng kim loại không có chỗ ngồi, gắn vào tường. Tên cai ngục vừa tháo bao trùm đầu cho tôi đang cười nhăn nhở và đóng cánh cửa bằng thép đặc lại.

Tôi nhẹ nhàng xoa bóp hai chân, rên rỉ khi máu lưu thông trở lại chân và bàn tay. Cuối cùng tôi cũng có thể đứng dậy và đi lại. Tôi nghe thấy những người khác đang nói, khóc, gào thét. Tôi cũng gào lên: “Jolu! Darryl! Vanessa!” Những giọng nói khác trong cả tòa nhà đang khóc lóc, hét gọi tên nhau, chửi bới tục tĩu. Những giọng nói gần nhất nghe như của mấy gã say xỉn mất trí trên đường. Có lẽ giọng tôi nghe cũng giống như vậy.

Đám cai ngục quát nạt bắt chúng tôi im lặng nhưng điều đó chỉ khiến mọi người la hét to hơn. Cuối cùng chúng tôi cứ tru tréo, gào lên đến nổ tung đầu, gào lên đến khô cả họng. Sao không chứ? Chúng tôi còn gì để mất nào?

Lần tiếp theo họ tới tra hỏi tôi, tôi đã bẩn thỉu mệt mỏi và đói khát. Người phụ nữ có mái tóc cắt bằng có mặt trong nhóm tra hỏi mới, cùng với ba gã đàn ông to con xoay tôi như một miếng thịt. Một gã da đen và hai gã da trắng, có vẻ một gã là người gốc Nam Mỹ. Họ đều mang súng. Cứ như thể quảng cáo quần áo của Benneton trộn với trò Counter-Strike.

Họ đưa tôi ra khỏi xà lim, xích cổ tay cổ chân tôi lại. Vừa đi tôi vừa để ý xung quanh. Tôi nghe thấy tiếng nước bên ngoài và nghĩ có lẽ chúng tôi đang ở Alcatraz – nó vẫn chỉ là một nhà ngục dù luôn được nói đến như một địa điểm du lịch hấp dẫn bao nhiêu thế hệ, nơi bạn đến để xem Al Capone và băng đảng của hắn đã làm gì trong thời đại của chúng. Tôi đã tới Alcatraz trong một chuyến dã ngoại ở trường. Nó cũ kỹ, mục nát và đậm chất trung cổ. Đứng ở đây, người ta có cảm giác như đang quay lại thời Thế chiến thứ II chứ không phải thời thuộc địa.

Trên mỗi cánh cửa phòng giam đều có miếng dán in mã vạch và số phòng, nhưng ngoài những thứ đó ra thì không có cách nào để biết ai hoặc cái gì ở đằng sau chúng.

Phòng tra hỏi khá hiện đại với đèn huỳnh quang, ghế công thái – nhưng tất nhiên là không dành cho tôi, tôi được ngồi trên một chiếc ghế nhựa gấp loại dùng trong các khu vườn – và một chiếc bàn gỗ lớn cho phòng họp. Trên tường là một tấm gương giống trong những chương trình về cảnh sát, và tôi đồ rằng hẳn có ai đó đang quan sát từ phía sau nó. Người phụ nữ với mái tóc cắt bằng và bạn của cô ta lấy cà phê từ bình hãm trên cái bàn nhỏ (lúc ấy, đáng ra tôi có thể dùng răng cắn toạc cổ họng cô ta và giằng lấy cà phê) rồi đặt tách nước đầy bọt xuống cạnh tôi – mà không mở còng tay sau lưng cho tôi nên tôi không thể với được. Ha ha ha.

“Chào Marcus,” người phụ nữ có mái tóc cắt bằng nói. “Thái độ của cậu hôm nay ra sao?”

Tôi không nói gì cả.

“Chuyện không đến nỗi quá tệ đâu, cậu biết đấy,” cô ta nói. “Từ giờ trở đi, nó sẽ không thể nào tốt hơn được nữa. Thậm chí một khi cậu nói cho chúng tôi những gì chúng tôi muốn biết, thậm chí nếu điều đó thuyết phục được chúng tôi rằng cậu chỉ ở đó không đúng lúc đúng chỗ, thì cậu cũng đã bị đánh dấu. Chúng tôi sẽ theo dõi mọi nơi cậu đến và mọi việc cậu làm. Cậu đã hành động như thể muốn giấu giếm điều gì đó, và chúng tôi không thích điều này.”

Thật thảm hại, nhưng tất cả những gì não tôi có thể nghĩ tới là cụm từ đó, “thuyết phục chúng tôi rằng cậu đã ở đó không đúng lúc đúng chỗ.” Đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra với tôi. Trước đây tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ hay sợ hãi thế này. Những chữ này, “không đúng lúc đúng chỗ”, năm chữ này, chúng như sợi dây cứu sinh đung đưa trước mắt tôi khi mà tôi đang quẫy đạp trên mặt nước.

“Này, Marcus?” cô ta bật ngón tay trước mặt tôi. “Nhìn đây, Marcus.” Cô ta khẽ cười và tôi ghét bản thân mình vì để cô ta thấy nỗi sợ của mình. “Marcus, mọi việc có thể xấu hơn thế này rất nhiều. Đây không phải là nơi tệ nhất chúng tôi có thể giữ cậu, hoàn toàn không.” Cô ta đưa tay xuống dưới cái bàn, kéo ra một chiếc va li rồi mở nó ra. Từ đó, cô ta rút ra điện thoại, máy bắn/làm nhái thẻ RFID, bộ dò WiFi và mấy cái USB của tôi. Cô ta đặt từng thứ một xuống bàn.

“Đây là những việc chúng tôi muốn cậu làm. Cậu phải mở khóa điện thoại cho chúng tôi hôm nay. Nếu cậu làm thế, cậu sẽ được hưởng đặc quyền ra ngoài trời và đi tắm. Cậu sẽ được tắm rửa và được phép đi lại trong sân thể dục. Ngày mai, chúng tôi sẽ đưa cậu quay lại và yêu cầu cậu giải mã những dữ liệu trong các thẻ nhớ này. Làm thế, cậu sẽ được ăn ở phòng chung. Ngày tiếp theo, chúng tôi muốn mật mã e-mail của cậu, và nó sẽ cho cậu đặc quyền được sử dụng thư viện.”

Từ “không” đã ở ngay trên môi tôi, giống như tiếng ợ muốn phụt ra ngoài, nhưng nó không chịu ra. Thay vào đó, tôi nói: “Tại sao?

“Chúng tôi muốn chắc chắn rằng cậu đúng như chúng tôi phán đoán. Đây là vì sự an toàn của chính cậu, Marcus. Cứ nói rằng cậu vô tội đi. Có thể cậu vô tội, tuy nhiên tại sao một người vô tội lại hành động như thể anh ta có quá nhiều điều để che giấu tôi. Nhưng cứ cho rằng cậu vô tội đi: cậu có thể đã ở trên cây cầu đó khi nó bị nổ tung. Bố mẹ cậu cũng có thể đã ở đó. Bạn bè cậu. Cậu không muốn chúng tôi bắt được những kẻ đã tấn công gia đình mình sao?”

Thật buồn cười, nhưng khi cô ta nói chuyện về việc tôi sẽ được nhận những “đặc quyền”, tôi cảm thấy sợ phát khiếp. Tôi cảm tưởng như mình đã làm điều gì đó để giờ phải chịu kết cục như thế này, như thể một phần sự việc là do lỗi của tôi, như thể tôi đã có thể làm gì đó để thay đổi nó vậy.

Nhưng ngay khi cô ta chuyển sang những thứ về “sự an toàn” và “an ninh”, dũng khí của tôi quay lại. “Thưa cô,” tôi nói, “cô đang nói về việc tấn công gia đình tôi, nhưng cho đến bây giờ tôi có thể nói rằng cô là người duy nhất đã tấn công tôi. Tôi cứ nghĩ rằng tôi sống ở một đất nước có hiến pháp. Tôi cứ nghĩ rằng tôi sống ở một đất nước nơi tôi có quyền. Cô đang nói về việc bảo vệ sự tự do của tôi bằng cách xé tan tành Bản tuyên ngôn nhân quyền.”

Một nét khó chịu thoáng qua mặt cô ta rồi biến mất. “Thật thống thiết, Marcus. Không ai tấn công cậu. Cậu chỉ bị giam giữ bởi chính phủ của đất nước cậu trong khi chúng tôi tìm kiếm những chi tiết về vụ khủng bố tệ hại nhất từng xảy ra trên lãnh thổ của chúng ta. Cậu có trong tay sức mạnh để giúp chúng tôi chiến đấu trong cuộc chiến chống lại kẻ thù quốc gia này. Cậu muốn giữ gìn Bản tuyên ngôn nhân quyền phải không? Hãy giúp chúng tôi ngăn chặn những kẻ xấu đã thổi bay thành phố của cậu. Giờ thì cậu có chính xác ba mươi giây để mở khóa cái điện thoại này trước khi tôi đưa cậu quay lại xà lim. Chúng tôi phải phỏng vấn rất nhiều người khác nữa trong hôm nay.”

Cô ta nhìn vào đồng hồ. Tôi khua cổ tay mình, khua đám dây xích đang ngăn tôi không thể với ra xung quanh và mở khóa điện thoại. Đúng thế, tôi định làm thế đấy. Cô ta đã chỉ cho tôi con đường tới tự do – tới thế giới, tới cha mẹ tôi – và điều này đã cho tôi hy vọng. Giờ cô ta lại dọa sẽ đưa tôi đi, bắt tôi ra khỏi con đường đó, hy vọng của tôi đã sụp đổ và tất cả những gì tôi có thể nghĩ là làm sao để giành lại cơ hội.

Thế nên tôi khua cổ tay, muốn lấy điện thoại để mở khóa cho cô ta, và cô ta chỉ lạnh lùng nhìn tôi, kiểm tra đồng hồ.

“Mật mã,” tôi nói, cuối cùng cũng hiểu cô ta muốn gì ở tôi. Cô ta muốn tôi nói to lên, ở đây, nơi cô ta có thể thu lại, nơi đồng sự của cô ta có thể nghe thấy. Cô ta không muốn tôi chỉ mở khóa điện thoại không thôi. Cô ta muốn tôi phải tuân lệnh cô ta. Để cô ta toàn quyền kiểm soát tôi. Đưa cho cô ta toàn bộ bí mật, toàn bộ sự riêng tư của tôi. “Mật mã,” tôi nhắc lại, và rồi nói cho cô ta biết. Xin Chúa giúp con, con đã phục tùng ý muốn của cô ta.

Cô ta nở một nụ cười ra vẻ nghiêm nghị, nụ cười chắc chắn phải tương đương như điệu nhảy chiến thắng của nữ hoàng băng giá, rồi mấy gã quản ngục dẫn tôi đi. Khi cửa đóng lại, tôi nhìn thấy cô ta cúi xuống cái điện thoại để nhập mật mã vào.

Ước gì tôi có thể nói rằng tôi đã dự tính trước khả năng này để tạo ra một mật mã giả chỉ có thể mở được phần hoàn toàn vô hại trong điện thoại của mình, nhưng tôi cũng chưa hoang tưởng/tinh ranh tới mức ấy.

Đến đây có thể bạn sẽ tự hỏi tôi giấu những bí mật đen tối gì trong điện thoại, thẻ nhớ và e-mail. Dù sao thì tôi vẫn chỉ là một đứa nhóc thôi mà.

Sự thật là tôi có tất cả mọi thứ để giấu, và không có gì cả. Xem điện thoại và thẻ nhớ của tôi, bạn có thể có khái niệm về chuyện bạn bè tôi là ai, tôi nghĩ gì về họ, tất cả những việc ngớ ngẩn chúng tôi đã làm. Bạn có thể đọc được phiên bản điện tử của những lần cãi vã giữa chúng tôi, và những cuộc dàn hòa chúng tôi đã đạt được.

Như bạn thấy đó, tôi không xóa mọi thứ đi. Tại sao phải xóa chứ? Việc lưu trữ thì rẻ, và bạn không bao giờ biết khi nào bạn muốn xem lại những thứ đó. Nhất là những thứ ngốc nghếch. Bạn biết cảm giác đôi khi bạn phải ngồi đợi ở bến tàu điện ngầm và không có ai để nói chuyện, rồi đột nhiên bạn nhớ ra một cuộc tranh cãi gay gắt nào đó mà mình đã dính vào hay một điều khủng khiếp nào đó mà mình đã nói? Chà, thường thì nó không tệ như bạn nhớ đâu. Việc có thể quay lại và xem lại là một cách tuyệt vời để tự nhắc nhở rằng bạn không tệ như bạn vẫn nghĩ về bản thân. Những cuộc tranh cãi như thế giữa Darryl và tôi nhiều đến mức tôi không thể đếm được.

Mà thậm chí đấy cũng không phải là vấn đề điện thoại của tôi là riêng tư. Tôi biết thẻ nhớ của tôi là riêng tư. Đó là nhờ thuật mã hóa – mã hóa tin nhắn. Thuật toán của quá trình mã hóa khá tốt và chắc chắn, mặt khác, bạn và tôi đều có thể tiếp cận tới cùng một hệ mã hóa mà các ngân hàng và Cơ quan An ninh Quốc gia sử dụng. Tất cả mọi người đều áp dụng một dạng mã hóa duy nhất: dạng mã hóa công cộng, mở và có thể được triển khai bởi bất kỳ ai. Đó là cách để bạn biết rằng nó hoạt động.

Có điều gì đó thật phóng khoáng trong việc có một góc nào đó trong cuộc sống của bạn chỉ thuộc về bạn, nơi không ai có thể thấy ngoài bạn. Nó hơi giống như việc khỏa thân hay đi vệ sinh. Ai cũng phải trần truồng một lúc nào đó. Ai cũng phải đi vệ sinh trong bồn cầu. Chẳng có gì đáng xấu hổ, khác thường hay kỳ cục về những việc này cả. Nhưng chuyện gì sẽ xảy ra nếu tôi ra sắc lệnh từ bây giờ, mỗi khi muốn bài tiết những chất thải rắn, bạn phải làm việc này ở trong một phòng kính đặt giữa Quảng trường Thời Đại, và bạn buộc phải trần như nhộng?

Dù cho cơ thể bạn không có gì khiếm khuyết hay dị thường – mà bao nhiêu người trong số chúng ta có thể như thế? – thì nhất định bạn phải khá kỳ quặc mới thích ý tưởng trên. Hầu hết chúng ta sẽ chạy trốn và gào thét. Hầu hết chúng ta sẽ nhịn cho đến khi bị nổ tung.

Vấn đề không phải là bạn làm điều gì đáng xấu hổ. Vấn đề là bạn đang làm một việc riêng tư. Vấn đề là cuộc sống của bạn thuộc về bạn.

Họ đang dần tước điều đó khỏi tôi, từng mảnh một. Khi đi lại xà lim, cảm giác về việc đang bị tống giam lại quay trở lại với tôi. Trong đời mình, tôi đã phá vỡ rất nhiều luật lệ và hầu như vụ nào cũng trót lọt. Có lẽ đây là sự công bằng. Có lẽ đây là quá khứ quay lại hỏi thăm tôi. Rốt cuộc, tôi đã có mặt ở cái nơi mà lẽ ra tôi phải có mặt vì tội trốn học.

Tôi được phép tắm. Tôi được phép đi lại trong sân. Tôi thấy một khoảng trời trên đầu, và ngửi thấy mùi giống như khu Vịnh, ngoài ra thì tôi không có manh mối nào về việc tôi bị giam giữ ở đâu. Tôi không thấy tù nhân nào khác trong suốt thời gian đi dạo, và tôi chán đi vòng quanh rồi. Tôi căng tai ra nghe ngóng bất kỳ tiếng động nào có thể giúp tôi biết được đây là đâu, nhưng tất cả những gì tôi nghe thấy chỉ là những âm thanh đứt quãng của xe cộ, một vài cuộc nói chuyện xa xăm, một máy bay đang hạ cánh ở nơi nào đó gần đây.

Họ mang tôi trở lại xà lim và cho tôi ăn, một nửa miếng bánh xúc xích bò heo rắc hạt tiêu từ cửa hàng Goat Hill Pizza, nơi mà tôi biết rất rõ, ở trên đồi Potrero. Cái hộp các tông với hình vẽ quen thuộc và số điện thoại 415 càng gợi tôi nhớ rằng chỉ một ngày trước đây, tôi còn là một con người tự do trong một một đất nước tự do, và giờ thì tôi đã là một tù nhân. Tôi không ngớt lo lắng cho Darryl và những người bạn khác. Có thể họ đã chịu khó hợp tác hơn và được thả ra rồi. Có thể họ đã nói với cha mẹ tôi và giờ mọi người đang điên cuồng tìm kiếm khắp nơi cũng nên.

Mà cũng có thể không.

Xà lim trống trải một cách khủng khiếp, rỗng không như tâm hồn tôi. Tôi tưởng tượng bức tường đối diện giường tôi là một màn hình để ngay lúc này tôi có thể đột nhập hệ thống và mở cửa xà lim. Tôi mơ màng về bàn làm việc của mình và những kế hoạch ở đó – những chiếc can cũ mà tôi đã biến thành thiết bị âm thanh nổi hạng bét, máy chụp ảnh trên không bằng diều mà tôi đang làm và cái laptop tôi tự ráp lấy.

Tôi muốn ra khỏi đây. Tôi muốn về nhà, gặp lại bạn bè, trường học, cha mẹ và sống cuộc sống của mình. Tôi muốn được đi bất kỳ nơi đâu tôi muốn chứ không phải là cứ đi đi lại lại ở đây mãi.

Kế tiếp, họ lấy mật khẩu USB của tôi. Trong đó chứa một số thông điệp thú vị mà tôi tải về được từ dăm ba nhóm thảo luận trực tuyến, vài đoạn chat, những chỗ mà tôi đã tìm ra kiến thức cần có để làm những việc tôi đã làm. Chẳng có gì trong đó mà mà bạn không thể tìm được bằng Google, tất nhiên, nhưng tôi không cho rằng điều này sẽ giúp được gì cho mình.

Tôi lại được ra tập thể dục vào chiều hôm ấy, và lần này có những người khác trong sân khi tôi tới, bốn anh chàng khác và hai người phụ nữ, ở mọi lứa tuổi và chủng tộc khác nhau. Tôi đồ rằng rất nhiều người đang làm nhiều việc để giành được “đặc quyền”.

Họ cho tôi nửa giờ đồng hồ, và tôi cố gắng bắt chuyện với người trông có vẻ bình thường nhất trong đám tù nhân, một anh chàng da đen trạc tuổi tôi, có mái tóc xoăn ngắn. Nhưng khi tôi tự giới thiệu và giơ tay ra, cậu ta liếc về hướng những máy quay được gắn một cách đáng ngại trên các góc sân và cứ tiếp tục đi, không hề thay đổi nét mặt dù chỉ một chút.

Nhưng rồi, ngay trước khi họ gọi tên tôi và mang tôi quay lại tòa nhà, cửa mở ra và một người bước ra – Vanessa! Chưa bao giờ tôi hạnh phúc hơn thế khi được nhìn thấy một khuôn mặt thân thiện. Trông cô có vẻ mệt mỏi và cau có nhưng không bị thương, và khi nhìn thấy tôi, cô gào tên tôi và chạy về phía tôi. Chúng tôi ôm chặt lấy nhau và tôi nhận ra mình đang run lẩy bẩy. Rồi tôi nhận ra Van cũng đang run không kém.

“Cậu ổn chứ?” cô hỏi, vẫn giữ tôi trong tầm tay.

“Mình ổn,” tôi trả lời. “Họ nói rằng họ sẽ thả mình nếu mình đưa cho họ các mật mã của mình.”

“Họ cứ liên tục hỏi mình những câu hỏi về cậu và Darryl.”

Một giọng nói phát ra từ loa phóng thanh, quát chúng tôi hãy ngừng nói chuyện và tiếp tục đi bộ, nhưng chúng tôi lờ nó đi.

“Trả lời họ đi,” tôi nói ngay. “Bất cứ điều gì họ hỏi, hãy trả lời họ. Nếu điều đó giúp cậu được tự do.”

“Còn Darryl và Jolu thì sao?”

“Mình không thấy bọn họ.”