Chương 05 phần 2

Đại chiến hacker

Đăng vào: 11 tháng trước

.

“Lũ người man rợ,” mẹ tôi nói. Bà đã sống ở Mỹ từ khi mới là thiếu nữ nhưng vẫn luôn thể hiện bản sắc Anh mỗi khi bà gặp cảnh sát, nhân viên chăm sóc sức khỏe, an ninh sân bay hay những người vô gia cư. Giờ thì bà dùng từ “lũ người man rợ”, ngữ âm Anh của bà lại rõ nét như xưa. Chúng tôi đã tới Luân Đôn hai lần để thăm gia đình bà và tôi không thể nói rằng ở đó văn minh hơn San Francisco được, nó chỉ tù túng hơn thôi.

“Nhưng họ đã thả bọn con ra, và chở bọn con về đây hôm nay.” Tôi ứng biến.

“Con có bị đau không?” mẹ hỏi. “Có đói không?” “

Có buồn ngủ không?”

“Dạ, mỗi thứ một ít. Và cũng Ngốc Nghếch, Thông Thái, Hắt Xì và Xấu Hổ nữa.” Chúng tôi có một trò đùa gia đình truyền thống về bảy chú lùn. Bố mẹ tôi đều khẽ cười, nhưng mắt họ vẫn ướt. Tôi cảm thấy rất tệ. Hẳn là họ đã lo lắng đến phát điên. Tôi mừng như bắt được vàng vì có cơ hội để đổi chủ đề. “Con rất muốn được ăn.”

“Bố sẽ gọi pizza ở Goat Hill,” bố nói.

“Không, không phải thứ đó,” tôi nói. Cả hai nhìn tôi như thể tôi bị đột biến vậy. Thường thì tôi rất thích pizza của Goat Hill – mọi khi tôi có thể ngấu nghiến món đó đến lúc nó hết sạch hoặc tôi nổ bùm mới thôi. Tôi gượng cười. “Chỉ là con thấy không thích pizza,” tôi nói một cách không thỏa đáng. “Chúng ta gọi ít cà ri được chứ ạ?” Ơn Chúa, San Francisco là trung tâm của đồ ăn mang về.

Mẹ tôi tới chỗ ngăn kéo để thực đơn các món ăn mang về (thêm một sự bình thường nữa, cảm giác như thể được uống một cốc nước khi họng đã khô rã rời) và lật nhanh. Chúng tôi tạm thời thư giãn vài phút để xem thực đơn của quán thịt Pakistan ở Valencia. Tôi chọn món chả trộn nướng kiểu Ấn Độ và rau cải trộn kem với pho mát nông trang, cùng món lassi xoài muối (ngon hơn nhiều so với tên gọi của nó) và một ít bánh nướng nhúng nước đường.

Sau khi đặt món xong xuôi, một tràng câu hỏi lại bắt đầu tuôn ra. Họ đều đã nghe tin từ gia đình Van, Jolu và Darryl (tất nhiên) và đã cố gắng để báo cáo về sự mất tích của chúng tôi. Cảnh sát đã lấy tên, nhưng có nhiều “người di tản” đến nỗi họ không lập hồ sơ tìm kiếm ai hết trừ phi sau bảy ngày người đó vẫn mất tích.

Cùng lúc đó, hàng triệu các trang web đăng tin tìm người thất lạc mọc lên như nấm sau mưa. Vài ba trang ăn theo MySpace cũ đang cạn tiền lại tìm thấy nguồn thu mới từ việc đăng thông báo về những vụ mất tích. Xét cho cùng, một số nhà đầu tư mạo hiểm cũng có gia đình bị thất lạc ở khu Vịnh. Nếu những người này được tìm thấy thì trang web sẽ thu hút thêm nhiều mối đầu tư mới. Tôi lấy laptop của bố và xem qua các trang mạng. Trên đó toàn là quảng cáo, tất nhiên, và ảnh của những người bị mất tích, hầu hết là những bức ảnh chụp ở lễ tốt nghiệp, đám cưới và những chỗ tương tự. Khá là kinh khủng.

Tôi tìm ra ảnh của mình và thấy nó được kết nối tới ảnh của Van, Jolu và Darryl. Có một mẫu đơn nhỏ để đánh dấu những người đã tìm thấy và một mẫu nữa để ghi chú về những người đang mất tích khác. Tôi điền vào ô của tôi, Jolu và Van, để trống ô của Darryl.

“Con quên Darryl rồi,” bố tôi nói. Ông không thích Darryl lắm – cứ khi nào ông phát hiện ra một chai trong tủ rượu của mình bị vơi đi vài phân, tôi lại đổ cho Darryl, mặc dù tôi vô cùng xấu hổ vì việc này. Tất nhiên, sự thật là cả hai đứa đều có lỗi, bọn tôi thường lượn lờ quanh quẩn, nếm thử vodka pha Coke sau mỗi lần chơi game thâu đêm.

“Nó không đi cùng chúng con,” tôi nói. Lời nói dối đắng ngắt trong miệng tôi.

“Lạy Chúa tôi,” mẹ tôi thốt lên. Bà siết chặt hai tay vào nhau. “Bố mẹ cứ tưởng khi về nhà các con sẽ đi cùng nhau.”

“Không,” tôi tiếp tục nói dối. “Không, đáng lẽ bọn con phải gặp nó nhưng rốt cuộc thì không thấy đâu. Có lẽ nó vẫn đang mắc kẹt ở Berkeley. Nó định đi tàu điện ngầm tới gặp bọn con.”

Mẹ tôi thút thít. Bố tôi lắc đầu và nhắm mắt lại. “Con không biết chuyện gì xảy ra với ga tàu điện ngầm sao?” ông nói.

Tôi lắc đầu. Tôi có thể thấy điều này sẽ dẫn tới đâu. Có cảm giác như mặt đất đang rung chuyển dưới chân tôi.

“Chúng đã cho nổ tung nó,” bố nói. “Lũ khốn ấy đã cho nổ tung ga tàu điện ngầm và cây cầu.”

Tin này vẫn chưa lên trang nhất của tờ Chronicle, tuy nhiên một ga tàu điện ngầm bị nổ tung dưới nước sẽ không sinh động bằng hình ảnh chiếc cầu treo bị xé toạc thành nhiều mảnh văng đi khắp Vịnh. Đường hầm tàu điện ngầm từ Embarcadero ở San Francisco tới ga West Oakland đã bị nhấn chìm.

Tôi quay lại với cái máy tính của bố để lướt qua các tít báo. Không ai chắc chắn, nhưng số thi thể được tìm thấy đã lên tới con số hàng nghìn. Giữa những chiếc ô tô lao thẳng từ độ cao 57 mét xuống biển và những người bị chìm trong tàu, số người chết vẫn đang tăng lên. Một phóng viên tuyên bố mình đã phỏng vấn một “tay chuyên làm giả giấy tờ tùy thân”, kẻ đã giúp “hàng tá” người rũ bỏ cuộc sống cũ của mình chỉ bằng cách biến mất sau vụ tấn công, có chứng minh thư mới, thoát khỏi cuộc hôn nhân không hạnh phúc, những khoản nợ nần chồng chất và cuộc sống tồi tệ.

Nước mắt chảy dài trên gương mặt bố tôi còn mẹ tôi khóc nức nở. Họ lại lần lượt ôm lấy tôi, vỗ về tôi như để tự trấn an mình rằng tôi đang ở đây. Họ liên tục nói với tôi rằng họ yêu tôi. Tôi nói tôi cũng rất yêu họ.

Chúng tôi có một bữa tối đầy nước mắt, rồi bố và mẹ mỗi người đều uống vài ly rượu, bình thường như vậy là quá nhiều đối với họ. Tôi nói mình buồn ngủ, lần này thì tôi nói thật, và lẻn lên phòng. Tuy nhiên tôi không đi ngủ ngay. Tôi cần lên mạng và tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra. Tôi cần nói chuyện với Jolu và Vanessa. Tôi cần bắt tay vào việc tìm kiếm Darryl.

Tôi lén đi lên phòng và mở cửa. Tôi tưởng như đã không nhìn cái giường cũ của mình cả nghìn năm nay rồi. Tôi nằm xuống đó và với tay về phía cái tủ đầu giường để lấy laptop. Hẳn là tôi đã cắm lỏng phích điện – nó cần được chỉnh lại cho đúng – vậy nên cái laptop dần dần hết pin khi tôi đi vắng. Tôi cắm lại và đợi vài phút để sạc pin trước khi thử khởi động lại máy. Trong lúc đó, tôi cởi quần áo và ném vào sọt rác – tôi không bao giờ muốn nhìn lại chúng nữa – rồi mặc quần lót sạch và áo phông mới. Những bộ quần áo thẳng thớm, thơm tho nằm ngăn nắp trong các ngăn kéo khiến tôi thấy thật thân quen và dễ chịu, như vòng tay của bố mẹ vậy.

Tôi bật nguồn laptop, xếp một đống gối ở đầu giường rồi tựa lưng vào đó, dịch người lại, mở máy tính và đặt nó lên đùi. Nó vẫn đang khởi động, trời ơi, những biểu tượng vụt qua trên màn hình trông thật tuyệt. Nó hoạt động, nhưng rồi bắt đầu cảnh báo pin yếu. Tôi kiểm tra lại dây điện, lắc lắc nó và laptop tắt phụt. Phích điện đã chính thức bị hỏng.

Thật sự là tình hình tệ đến mức tôi không thể làm gì được. Mỗi lần tôi bỏ tay ra khỏi dây điện là điện lại không vào máy và thông báo pin yếu lại hiện lên. Tôi xem xét laptop kỹ hơn.

Toàn bộ vỏ laptop của tôi hơi bị lệch tâm, đường nối chia rẽ ở một góc rộng rồi thu hẹp và mở rộng ở phía sau.

Đôi khi bạn nhìn thiết bị nào đó và phát hiện ra một chi tiết tương tự như vậy, rồi bạn tự hỏi, “Có phải nó luôn như thế này không?” Có lẽ do bạn không để ý thôi.

Nhưng với laptop của tôi, điều này là không thể. Bạn thấy đấy, tôi đã tự lắp nó. Sau khi bộ giáo dục phát SchoolBook cho tất cả bọn tôi, không đời nào bố mẹ tôi lại đi mua cho tôi một cái máy tính riêng, mặc dù về mặt lý thuyết thì SchoolBook không thuộc về tôi, tôi không được phép cài đặt phần mềm hay điều khiển nó.

Tôi có chút tiền tiết kiệm – từ những công việc vặt, Giáng sinh và sinh nhật, một chút tiền nhờ buôn bán trên eBay. Gom tất cả lại cũng chỉ đủ để mua một cái máy xập xệ có tuổi thọ năm năm.

Vậy là Darryl và tôi đã tự lắp một cái. Bạn có thể mua vỏ laptop giống như mua vỏ PC, dù chúng hơi đặc biệt hơn một chút so với một chiếc PC cũ đơn thuần. Trước đó tôi và Darryl đã lắp hai cái PC, gom các bộ phận từ trang Craigslist, những buổi bán đồ cũ tại gia và đặt từ mấy người bán hàng Đài Loan giá rẻ mà chúng tôi tìm thấy trên mạng. Tôi phát hiện ra rằng tự lắp ráp một cái laptop sẽ là cách tốt nhất để có được sức mạnh mà tôi muốn ở mức giá tôi kham được.

Để lắp ráp một cái laptop, ta bắt đầu bằng việc đặt mua một “barebook”, tức một cỗ máy chỉ có một ít phần cứng và những khe cắm cần thiết. Tin mừng là, một khi tôi hoàn thiện nó thì tôi sẽ có một cỗ máy nhẹ hơn nửa ký so với con Dell mà tôi vẫn mê mẩn, chạy nhanh hơn mà giá chỉ bằng một phần ba số tiền đáng ra tôi phải trả nếu mua Dell. Tin xấu là, lắp ráp một cái laptop cũng giống như làm một con tàu nhỏ trong chai vậy. Đó là một công việc rất tỉ mỉ, với nhíp và kính lúp, cố gắng lắp cho vừa mọi thứ vào cái vỏ nhỏ xíu. Không giống như một cái PC nguyên cỡ – bên trong chủ yếu là không khí – bạn cần tận dụng từng milimét khối không gian trong laptop. Cứ lần nào tôi nghĩ mình đã hoàn thành là lại xuất hiện cái gì đó khiến cái máy không thể đóng khít hoàn toàn, và nó lại quay về bàn làm việc.

Vì thế, tôi biết chính xác khớp nối laptop của tôi trông như thế nào khi nó đóng lại, và nó không giống thế này.

Tôi cứ lắc lắc phích cắm nhưng hoàn toàn vô vọng. Không có cách nào để khởi động máy mà không tháo nó ra. Tôi rên rỉ và đặt nó cạnh giường. Tôi sẽ giải quyết nó vào sáng mai.

Tuy nhiên, tôi chỉ nói thế thôi. Hai giờ sau, tôi vẫn đang chòng chọc ngó lên trần nhà, trong đầu chiếu lại những thước phim về những gì họ đã làm với tôi, đáng ra tôi nên làm gì, về tất cả sự hối tiếc và esprit d’escalier.

Tôi bò ra khỏi giường. Đã là nửa đêm và tôi nghe thấy bố mẹ đã đi ngủ từ 11 giờ. Tôi dọn vài khoảng trống trên bàn, gài mấy bóng đèn LED nhỏ lên tấm đỡ kính lúp và kéo ra một bộ tua vít nhỏ có độ chính xác cao. Một phút sau, tôi đã mở vỏ máy và tháo bàn phím ra, nhìn chằm chằm vào ruột máy. Tôi lấy một bình khí nén và thổi đám bụi mà quạt làm mát hút vào rồi xem xét mọi thứ.

Có gì đó không ổn. Tôi không thể nói đó là gì, nhưng cũng phải vài tháng nay tôi không tháo tung cái laptop ra thế này. Thật may là đến lần thứ ba phải tháo máy ra và tìm cách đóng lại, tôi đã thông minh hơn: tôi chụp ảnh ruột máy và mọi thứ bên trong. Nhưng vẫn chưa thông minh tuyệt đối: ban đầu, tôi lưu bức ảnh đó trên ổ cứng, và đương nhiên, tôi không thể xem nó khi laptop đã bị tháo tung. Nhưng sau đó tôi đã in ảnh ra mà đính lên ngăn kéo lộn xộn giấy tờ của tôi, cái nghĩa địa nơi tôi lưu giữ tất cả thẻ bảo hiểm và các sơ đồ chân chip điện. Tôi lục tung lên – chúng có vẻ bừa bộn hơn tôi nhớ – và mang bức ảnh ra. Tôi đặt nó cạnh máy tính và nhìn bao quát, cố gắng tìm ra chi tiết nằm không đúng vị trí.

Rồi tôi phát hiện ra nó. Băng cáp nối bàn phím với mainboard không chuẩn lắm. Nó thật kỳ cục. Không có mômen quay trên đó, không có gì để đẩy nó ra trong quá trình hoạt động bình thường. Tôi thử ấn nó lại và phát hiện ra dây cắm không chỉ bị đặt sai – còn cái gì đó nữa giữa nó và bảng mạch. Tôi gắp thứ đó ra và chiếu đèn lên.

Trong bàn phím của tôi có gì đó mới. Nó là một mẩu kim loại cứng, chỉ dày chừng một li, không có nhãn mác gì. Bàn phím được gắn vào nó, và nó được gắn vào bảng mạch. Nói cách khác, nó đã được đặt một cách hoàn hảo để chụp lại tất cả những phím bấm mà tôi gõ.

Nó là một con bọ.

Tim tôi nện thình thịch. Ngôi nhà đang chìm trong bóng tối và tĩnh lặng, nhưng đó không phải một thứ bóng tối dễ chịu. Ngoài kia có những đôi mắt, mắt và tai, chúng đang theo dõi tôi. Giám sát tôi. Sự giám sát mà tôi đã phải đối mặt ở trường giờ đang theo tôi về nhà, nhưng lần này, không chỉ có Phòng Giáo dục theo dõi tôi: Cục An ninh Nội địa (DHS) cũng góp mặt vào trò này.

Suýt nữa thì tôi lấy con bọ ra. Rồi tôi hiểu ra rằng ai đặt nó ở đây sẽ biết ngay nếu nó biến mất. Tôi để nó nằm yên đấy. Tôi phát ốm khi phải làm như thế.

Tôi tìm xem họ còn bỏ thêm gì nữa không. Tôi không tìm thấy gì, nhưng liệu điều đó có đồng nghĩa với việc không còn gì khác? Ai đó đã đột nhập vào phòng tôi và gài thứ này – đã tháo rời laptop của tôi rồi ráp lại. Có rất nhiều cách để nghe trộm một cái máy tính. Tôi không đời nào tìm ra hết được.

Tôi dùng hai ngón trỏ ráp mọi thứ lại. Lần này, khung máy không chỉ đóng khít vào ngay mà cáp điện cũng đâu vào đó. Tôi khởi động lại máy tính và đặt ngón tay lên bàn phím, định cho chạy vài công cụ chẩn đoán để xem nó là thứ gì.

Nhưng tôi không thể làm vậy.

Khốn khiếp, có lẽ phòng tôi cũng bị nghe trộm. Có lẽ lúc này có một cái camera đang theo dõi tôi cũng nên.

Khi về nhà, tôi cảm thấy mình bị hoang tưởng. Nhưng giờ thì tôi sởn hết cả gai ốc rồi. Tôi cảm giác như đang quay trở lại nhà tù, quay trở lại phòng xét hỏi, bị theo dõi bởi các thực thể, những kẻ dùng quyền lực của họ để điều khiển tôi như con rối. Ý nghĩ này thật khiến tôi muốn khóc.

Chỉ một thứ dành cho nó.

Tôi vào phòng tắm, lấy cuộn giấy vệ sinh ra và thay bằng một cuộn mới. May thay nó đã gần hết. Tôi

mở phần còn lại của cuộn giấy và bới trong hộp phụ tùng cho tới khi tìm thấy một phong bì plastic nhỏ đựng đầy đèn LED trắng siêu sáng tôi đã lượm lặt được từ một chiếc đèn xe máy hỏng. Tôi cẩn thận xuyên dây dẫn qua ống bìa, dùng một cái đinh ghim để đục lỗ rồi lấy dây điện xâu chúng thành chuỗi bằng những chiếc kẹp kim loại nhỏ. Tôi xoắn các dây điện vào các dây dẫn cho pin chín vôn và vào pin. Giờ tôi đã có một ống đèn LED định hướng siêu sáng, tôi có thể đưa nó lên mắt và nhìn xuyên qua.

Năm ngoái, tôi làm một cái như thế này để đem đến hội chợ khoa học và đã bị tống khỏi hội chợ khi tôi chỉ ra một nửa số phòng học ở trường Chavez có giấu camera. Ngày nay, những chiếc camera nhỏ xíu còn rẻ hơn một bữa tối ở một nhà hàng loại ngon nên chúng xuất hiện khắp nơi. Nhân viên của các cửa hàng lén lút đặt chúng trong phòng thử đồ hay các salon tắm nắng và bán những cảnh phim mà họ quay trộm khách hàng cho những gã bệnh hoạn – cũng có khi họ chỉ tung nó lên mạng. Biết cách biến một cuộn giấy vệ sinh và những thứ trị giá ba đô thành một thiết bị phát hiện camera quả là một điều cực kỳ hữu dụng.

Đây là cách đơn giản nhất để tóm một camera theo dõi. Chúng có ống kính nhỏ, nhưng chúng phản chiếu ánh sáng như quỷ. Cách này hiệu quả nhất trong phòng tối lờ mờ: bạn cứ nhìn chằm chằm qua cái ống, nhẹ nhàng quét ống qua các bức tường và những nơi mà người ta có thể đã đặt một máy camera đến khi nào bạn thấy một tia sáng phản chiếu lóe lên. Nếu ánh sáng phản chiếu vẫn giữ nguyên khi bạn di chuyển, đó là một ống kính.

Không có camera trong phòng tôi – dù sao thì tôi không thể dò ra cái nào. Tất nhiên bọn họ có thể gài những con bọ ghi âm. Hoặc loại camera hiện đại hơn. Hoặc không gì cả. Theo bạn thì tôi có bị hoang tưởng không?

Tôi yêu cái laptop này. Tôi gọi nó là Salmagundi, từ dùng để chỉ bất cứ cái gì được làm từ đồ thay thế.

Một khi bạn đặt tên cho laptop của mình, bạn biết rằng giữa mình và nó có một mối liên hệ sâu sắc. Nhưng giờ thì tôi có cảm giác không bao giờ muốn chạm vào nó nữa. Tôi muốn ném nó khỏi cửa số. Ai mà biết họ đã làm gì với nó. Ai mà biết nó đã bị chỉnh sửa như thế nào để theo dõi tôi?

Tôi cất cái laptop đã đóng vào ngăn kéo và nhìn lên trần nhà. Đã muộn rồi và tôi nên đi ngủ. Mà dù sao thì lúc này tôi cũng chẳng thể nào ngủ được. Tôi bị nghe lén. Tất cả mọi người có thể cũng bị nghe lén. Thế giới đã thay đổi vĩnh viễn.

“Mình sẽ tìm cách trả thù họ,” tôi nói. Đó là một lời thề, tôi biết được vì nghe người ta nói thế, dù tôi chưa bao giờ thề nguyện gì

Tôi không thể ngủ được nữa. Vả lại, tôi đã có một ý tưởng.

Đâu đó trong tủ tôi có một chiếc hộp được bọc kín, bên trong là cái Xbox Universal vẫn còn nguyên đai nguyên kiện. Mỗi Xbox đều được bán dưới giá trung bình – Microsoft kiếm tiền phần lớn từ việc bắt các công ty trò chơi trả tiền để mua quyền sản xuất các trò chơi Xbox – nhưng Universal là Xbox đầu tiên mà Microsoft quyết định cho miễn phí hoàn toàn.

Mùa Giáng sinh năm ngoái, trên khắp các góc phố xuất hiện những kẻ thua cuộc thảm hại, ăn mặc như chiến binh trong series trò chơi Halo, ráng hết sức để trao những túi máy trò chơi này cho mọi người thật nhanh. Tôi đồ rằng cách này cũng khá hiệu quả – người ta nói rằng họ đã bán được một số lượng lớn các trò chơi. Lẽ tự nhiên, cũng có những biện pháp đối phó để đảm bảo rằng bạn chỉ chơi trò chơi của những công ty đã mua giấy phép sản xuất từ Microsoft.

Các hacker đã bỏ qua những biện pháp đối phó này. Xbox đã bị bẻ khóa bởi một thằng nhóc ở học viện MIT, người đã viết một cuốn sách bán rất chạy về Xbox, sau đó Xbox 360 hết thời rồi đến Xbox xách tay (nhưng tất cả chúng tôi đều gọi là “Xbox phải vác theo” – nó nặng những hơn một kilôgam!) cũng không tồn tại được bao lâu. Hãng Universal được xem là bất khả xâm phạm. Những đứa nhóc cấp ba phá vỡ nó chính là những hacker dùng hệ điều hành Linux người Brazil. Chúng sống trong một favela – một dạng khu ổ chuột.

Đừng bao giờ coi thường quyết tâm của một đứa trẻ giàu thời gian và nghèo tiền bạc.

Sau khi những đứa trẻ Brazil công bố bản đã bẻ khóa, tất cả bọn tôi đều phát điên vì nó. Chẳng bao lâu sau, có đến hàng tá hệ điều hành thay thế cho Xbox Universal. Chương trình yêu thích của tôi là ParanoidXbox, nhang nhác ParanoidLinux. ParanoidLinux giả định người điều hành nó đang bị tấn công bởi chính phủ (chương trình này dùng cho những người chống đối ở Trung Quốc và Syria), và nó làm mọi việc có thể để giữ bí mật cho các thông tin và tài liệu của bạn. Thậm chí nó còn thêm vào một đống kết nối “giả” để ngụy trang cho bất cứ việc vụng trộm nào mà bạn làm. Vậy nên, mỗi khi bạn nhận được một chữ trong thông điệp mang tính chính trị, ParanoidLinux sẽ vờ như bạn đang lướt web, điền các bảng khảo sát và tán tỉnh trong các phòng chat. Lúc đó, chỉ có một trong số năm trăm chữ mà bạn nhận được mới là thông điệp thực sự, một cái kim chôn trong một đống cỏ khô khổng lồ.

Tôi đã in ra một DVD ParanoidXbox ngay khi chúng mới xuất hiện, nhưng tôi chưa bao giờ mở cái Xbox trong tủ, tìm một ti vi để nối vào và làm những việc khác. Không cần đến crashware của Microsoft ngốn thêm một milimét diện tích làm việc quý giá nào thì phòng tôi cũng đủ chật chội rồi.

Đêm nay, tôi sẽ hy sinh. Mất khoảng hai mươi phút để ra khỏi giường và chạy đi chạy lại. Phần khó nhất là không có ti vi, nhưng cuối cùng thì tôi nhớ rằng mình có một máy chiếu LCD nhỏ, nó có đầu nối ti vi RCA(18) chuẩn ở phía sau. Tôi nối nó với Xbox và chiếu lên mặt sau cửa ra vào rồi cài đặt ParanoidLinux.

Giờ tôi đã dậy và vận động, còn ParanoidLinux đang tìm các Xbox Universal khác để nói chuyện. Mỗi Xbox Universal đều có thiết bị điều khiển không dây cho nhiều người chơi cùng lúc. Bạn có thể kết nối với hàng xóm của bạn bằng đường dẫn không dây và vào mạng Internet, nếu bạn có liên kết Internet không dây. Tôi tìm thấy ba tín hiệu khác nhau của hàng xóm trong khu vực. Hai trong số đó có Xbox Universal cũng kết nối với Internet. ParanoidXbox chuộng loại cấu hình này: nó có thể đi qua các liên kết Internet của hàng xóm và sử dụng chúng để lên mạng qua mạng game này. Hàng xóm cũng chẳng thiệt thòi gì: họ đã trả tiền thuê bao trọn gói, và vào lúc hai giờ sáng thì họ chẳng làm gì nhiều trên mạng.

(18) Tên thông dụng ở Việt Nam là giắc cắm bông sen.

Phần hay nhất trong toàn bộ chuyện này là cảm giác mà nó đem lại: mọi thứ nằm trong tầm kiểm soát. Công nghệ của tôi đang làm việc cho tôi, phục vụ tôi, bảo vệ tôi. Nó không theo dõi tôi. Đây là lý do tại sao tôi yêu công nghệ: nếu bạn sử dụng nó đúng cách, nó có thể cho bạn sức mạnh và sự riêng tư.

Lúc này, não tôi đã thực sự vào guồng. Có rất nhiều lý do để chạy ParanoidXbox – lý do hay nhất là ai cũng có thể viết chương trình game cho nó. Đã có sẵn một cổng của MAME dành cho các ứng dụng giả lập game thùng, vậy nên thực tế là bạn có thể chơi bất kỳ trò chơi nào đã từng được viết ra, từ trò Pong cổ lỗ đến các trò viết cho Apple ][+, Colecovision, NES và Dreamcast, vân vân.

Thậm chí còn tuyệt hơn khi mà tất cả những trò chơi hay ho dành cho nhiều người được thiết kế riêng ParanoidXbox – những trò chơi theo sở thích miễn phí mà ai cũng có thể chơi. Khi kết hợp tất cả những điều này lại, bạn sẽ có một giả lập miễn phí với đầy đủ các trò chơi miễn phí và có thể giúp bạn truy cập Internet miễn phí.

Và phần thú vị nhất – theo như tôi nghĩ – là ParanoidXbox bị hoang tưởng. Mỗi bit xuất hiện trong không gian mạng đều được đảo tung lên. Bạn có thể nghe trộm nó nếu muốn, nhưng bạn không đời nào phát hiện ra ai đang nói, nói cái gì hay nói với ai. Những trang web, e-mail và tin nhắn trực tuyến ẩn danh. Chính là những thứ tôi cần.

Tất cả những gì tôi phải làm bây giờ là thuyết phục những người tôi biết cùng sử dụng nó.