Chương 26 : Cái chết

Cẩm Tú Kì Bào

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Chính là chiếc xường xám mà tôi đã lấy ở linh đường của Tần Tịnh mang về. Giờ đây nó bao bọc lấy cơ thể người thân duy nhất còn lại của tôi. Tôi nhìn cánh tay đã bắt đầu phân hủy để lộ ra bên ngoài tay áo, chậm rãi nhìn tiếp lên trên, khuôn mặt bà đã đầy những vết bầm đặc trưng của xác chết. Chiếc xường xám đó hơi nhỏ, bà mặc không vừa chút nào, tôi thầm nghĩ, không muốn rơi nước mắt. Cuối cùng bà đã được giải thoát rồi. Cứ nhìn mãi, nhìn mãi, trong đầu vang lên những tiếng ùng oàng mỗi lúc một nhanh, cảm giác choáng váng dần dần xâm chiếm, cuối cùng nổ bùng một tiếng, dường như sợi dây vẫn giữ cho mình tỉnh táo đột nhiên bị đứt rời, trong chớp mắt cả thế gian đã mất đi ánh sáng.

Khi chúng tôi từ Thanh Phủ quay về, đã đến buổi chiều. Trời quang mây tạnh, vầng mặt trời sắp lặn chỉ còn những tia sáng yếu ớt hắt lên phía chân trời, trong không gian ngập tràn mùi bê tông đặc trưng của các công trình kiến trúc trong thành phố. Chúng tôi nói với nhau mỗi lúc một ít hơn, suốt dọc đường gần như chìm trong yên lặng.

Đến cổng khu chung cư, Đường Triêu dừng lại, tôi nhìn thấy rõ sự mệt mỏi trong mắt anh: “Tiểu Ảnh, anh không vào nữa nhé!”.

Tôi không trả lời mà quay mặt sang chỗ khác. Giữa chúng tôi đã trở nên lúng túng như vậy.

“Tiểu Ảnh, cháu về rồi đấy à?”. Tôi quay đầu lại, thấy bà Lưu đứng ngay dưới khu nhà, bèn mỉm cười gật đầu chào.

“Ơ, thế bà cháu đâu, không về cùng à?”.

“Bà nội cháu á?”. Bà nội không ở nhà sao?

“Ồ, chẳng phải bà ấy bảo đi chơi cùng cháu cho vui hay sao? Ở nhà buồn quá, cái hôm mà cháu nhờ bà gọi bà ấy xuống chơi đấy, bà ấy còn nói rất nhiều, đến trưa hôm sau thì gọi điện bảo với bà là đi du lịch với cháu, mấy ngày mới về mà”.

Bà nội? Trước mắt tôi chợt hiện lên cảnh tượng hôm mình đi Thanh Phủ, bà đã đứng tựa cửa nhìn theo, cứ nhìn xoáy mãi vào tôi không muốn rời, thậm chí ánh mắt còn đong đầy tuyệt vọng. Tôi giật mình, nhìn Đường Triêu một cái, bất giác run lên bần bật, không dám nghĩ tiếp nữa. Nếu như…

Tôi chạy lên nhà với tốc độ nhanh nhất, Đường Triêu bám theo sau liên tục gọi tên tôi. Trong đầu tôi lúc bấy giờ chỉ có một âm thanh duy nhất, tôi không ngừng kêu gào một cách yếu ớt trong đầu: “Đừng, đừng mà!”.

Chạy lên tới nơi, hai chân tôi đã mềm nhũn như không còn đủ sức để chống đỡ toàn bộ cơ thể nữa. Tôi mò mẫm tìm chìa khóa trong túi, song gần như tìm hết một lượt trên người vẫn không thấy chìa khóa ở đâu. Tôi căng thẳng tới mức sắp bật khóc, gõ vào cửa điên loạn: “Bà ơi, bà ơi, bà mở cửa ra, mở cửa ra đi!”.

Trong hành lang trống trải vọng lại tiếng thét của tôi, một sự tĩnh lặng đến rợn người. Cánh cửa vẫn đóng im lìm, tôi dựa lưng vào tường rồi trượt dần người xuống, trong đầu là một vùng mù mịt. Nỗi sợ túa ra từ tận trong xương, một nỗi sợ hãi từ trước đến nay tôi chưa từng trải qua mà không thể dùng ngôn từ nào để biểu đạt được.

“Tiểu Ảnh!”. Đường Triêu gấp gáp chạy theo tôi lên lầu, nhìn cánh cửa đóng im lìm bằng ánh mắt nặng nề, sau đó chậm rãi đi đến trước mặt tôi.

“Đường Triêu, Đường Triêu!”, nhìn thấy anh, tôi mới lấy lại được tinh thần, vội vàng túm lấy tay anh:

“Bà em sẽ không sao phải không? Đường Triêu, anh nói với em đi, chắc chắn bà sẽ không sao phải không?”.

Nói đến câu đó, tôi đã khóc không thành tiếng.

“Tiểu Ảnh, không có chuyện gì đâu, chắc chắn là sẽ không có chuyện gì. Chìa khóa của em đâu? Chúng ta mở cửa ra trước đã”. Đường Triêu cầm lấy chiếc túi từ tay tôi, tìm được chìa khóa rồi mở cửa ra. Anh đỡ tôi đứng dậy, một mùi nước xịt phòng “Thanh tân sảng hoa lụy” đậm đặc xộc vào trong mũi. Tôi chau mày, không khí trong phòng rất loãng, cửa sổ cũng đều đóng kín, còn trên ghế salon để tới bốn năm hộp “Thanh tân sảng hoa lụy” đó. Sao lại có nhiều nước hoa xịt phòng ở đây thế này?

“Tiểu Ảnh, em xem cái này là cái gì?”. Đường Triêu cầm một bức thư và một chiếc máy ghi âm ở trên bàn lên. Một dự cảm không lành dội lên từ đáy lòng, tôi cầm lấy phong thư đó, trên bì thư là nét chữ không được trôi chảy của bà: “Gửi Tiểu Ảnh!”.

Tôi không thể chờ đợi thêm, lập túc rút lá thư ra, nội dung trong thư cực kỳ đơn giản: “Tiểu Ảnh, hãy tha thứ cho bà!”.

Tôi đứng đờ ra tại chỗ, trong lòng vô cùng mờ mịt, bà nội đã đi đâu rồi chứ?

Cạch một tiếng, Đường Triêu đã ấn vào nút phát của chiếc radio. Trong cuộn băng vang lên giọng nói mệt mỏi của bà. Tôi như bị trúng phải lời nguyền, đúng sững ra đó, lặng nghe những lời tâm sự khàn khàn của bà…

“Tôi nhìn chiếc áo xường xám trong tay mình, nó thật là đẹp! Năm đó khi được bố kể cho nghe bao nhiêu chuyện về tấm áo này, tôi luôn nghĩ sẽ có một ngày mình được trông thấy nó. Tôi chẳng sợ gì những chuyện ly kỳ mà người ta kể lại. Giờ đây, nó đã nằm ngay trong lòng tôi, song khi cầm nó lên, tôi lại không thể nào bình thản được. Để mua được nó từ tay người khác, tôi đã phải tiêu hết tất cả số tiền tích cóp của mình. Trong cửa hàng vang lên tiếng chân đạp máy khâu của anh ta, anh ta ngồi xoay lưng lại với tôi, đang còng lưng xuống chăm chú vào may xường xám.

Tôi gảy gảy viên ngọc trai nơi cổ áo, đã quyết thực hiện âm mưu đó. Song trong lòng vẫn hơi sợ hãi, thế nên khi đóng gói chiếc áo, tay tôi cứ run lên bần bật. Cực kỳ mâu thuẫn, tôi vừa hy vọng những câu chuyện truyền miệng đó là thật, lại vừa mong nó chỉ là bịa đặt. Khuôn mặt người đàn bà đó lúc nào cũng đung đưa ngay trước mắt tôi, cô ta đắc ý nhìn tôi cười. Tôi hận cô ta.

Một bàn tay nhỏ xíu non tơ kéo vạt áo tôi, miệng bập bẹ: “Mẹ, mẹ!”. Đó là đứa con của tôi và anh ta, trông nó giống hệt bố, nhất là đôi mắt đào hoa đó, không biết sau này sẽ khiến cho con gái nhà nào khốn khổ nữa đây. Tôi vuốt ve khuôn mặt thằng bé, sau đó cầm chiếc hộp lên. Khi tôi ra đến cửa, anh ta cuối cùng cũng ngẩng đầu lên hỏi: “Mình đi đâu?”.

“À…”, tôi đưa chiếc hộp ra sau người: “Đi dạo phố thôi, lát nữa tôi sẽ về!”.

“Ừm”. Anh ta lại cúi đầu xuống làm tiếp. Bắt đầu từ năm ngoái, anh ta không còn nhìn thẳng vào tôi nữa, có chuyện gì cần hỏi thì cũng như đang làm theo công lệ vậy. Tôi cắn môi, người đàn ông vong ân phụ nghĩa, anh ta sẽ phải trả giá về tất cả những chuyện anh ta đã làm.

Tôi đến cổng khu nhà sang trọng đó, cho thằng bé bên đường một đồng tiền, bảo nó giao chiếc hộp cho người đàn bà kia, còn dặn nó phải nói là do một người đàn ông mang đến. Tôi nấp sau bụi cây cạnh đó nhìn ra, không bao lâu sau cô ta đã xuất hiện, ôm theo cái bụng nặng nề. Dù bụng đã to nhưng không hề ảnh hưởng tới vẻ xinh đẹp của cô ta. Đứa trẻ đó rất đáng tin cậy, khi đi cũng không nhìn lấy một lần về phía tôi đang ẩn mình.

Cô ta cầm lấy chiếc hộp, mở ngay trước cổng, cười sung sướng rồi quay vào.

Mấy đêm liền sau đó, tôi lặng lẽ trèo qua bức tường hậu viện, đến bên cửa sổ phòng cô ta, nhận ra vẫn không có chuyện gì khác thường. Lòng tôi như có lửa đốt, lẽ nào chiếc xường xám đó không linh nghiệm? Khi đó thù hận đã khiến cho tôi mờ mắt, tôi âm thầm may một chiếc xường xám khác gần giống chiếc đó, sau đó còn bỏ tiền ra mua chuộc người giúp việc trong nhà cô ta để kể những câu chuyện liên quan đến chiếc “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào” cho cô ta nghe. Cùng lúc ấy, tôi được biết sức khỏe của cô ta rất kém, không chịu được sự chấn động tinh thần.

Hàng ngày, cứ gần đến mười hai giờ đêm, tôi lại mặc chiếc xường xám mà mình may đứng bên cửa sổ phòng cô ta khóc thút thít. Tôi quấn vải vào đế giày cao gót nên khi đi lại không hề gây ra tiếng động. Mỗi lúc cô ta đến gần cửa sổ, tôi lại lặng lẽ bỏ đi.

Cứ liên tục như vậy mấy ngày, khi cảm giác thấy đã dọa cho cô ta sợ lắm rồi, ngày cuối cùng tôi vẽ cho mình một bộ mặt cực kỳ khủng khiếp, đến ngay chính bản thân cũng thấy sợ hết hồn. Lần này tôi đứng yên trước cửa sổ không bỏ đi nữa, chờ khi cô ta đến gần liền quay đầu lại. Cô ta thét lên một tiếng rồi ngã xuống ngất đi…

Đêm hôm đó tôi rất vui, khi về nhà thấy anh ta vẫn còn đang ngồi dưới ánh đèn, rõ ràng là có ý đợi tôi. Tôi hơi hoảng hốt, sợ rằng anh ta đã phát hiện ra dấu hiệu bất thường gì đó. Anh ta chau mày nhìn tôi nói:

“Mấy ngày hôm nay mình đang làm gì thế? Hôm nào cũng về muộn, đêm nào con cũng khóc gọi đấy!”.

“Anh không biết dỗ nó chắc? Anh hỏi tôi đi đâu, tôi đi dạo đấy, sao anh không đi với người tình của anh ấy? Quan tâm đến tôi làm gì?”.

“Cô ấy sắp sinh rồi!”. Anh ta cúi đầu nói.

Nhìn bộ dạng đó của anh ta, lòng tôi lại căm hận muốn chết. Tôi nghiến răng cười nhạt: “Vậy thì phải chúc mừng anh!”.