Chương 10: Tìm kiếm

Cẩm Tú Kì Bào

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Đường Triêu đưa tay khẽ chạm vào cánh tay tôi rồi chỉ ra phía quả cầu thủy tinh. Tôi nhìn theo hướng tay anh ta, phát hiện ra chiếc kim bên trong đã bắt đầu chuyển động theo tiếng cười, sau khi xoay mấy vòng liền chỉ về hướng tây nam rồi sau đó dừng hẳn lại không xoay nữa, đứng nguyên đó khẽ rung lên.

Đúng, đó chính xác là chiếc “Tần Hoài đăng ảnh thanh kỳ bào”, nó nằm trải rộng ra dưới đất, như đang nhạo báng tôi. Tôi siết chặt lá bùa hộ mệnh trong tay, còn không dám chớp mắt, chỉ sợ nó đột nhiên bay đến, hoặc hóa thành thiếu phụ họ Lạc, Tiểu Cổ hay Úy Bân. Tôi và nó cứ nhìn nhau bằng phương thức kỳ dị kia, tôi hy vọng nó sẽ đột nhiên biến mất, lạ lùng như khi nó xuất hiện vậy, hy vọng rằng tất cả đều chỉ là mộng cảnh.

Nghĩ đến Úy Bân, tôi không khỏi thắc mắc xem bàn tay lạnh giá siết cổ tôi trong giấc mơ kia thuộc về ai. Tôi hoang mang không biết phải làm gì, áo ngủ ướt đầm dính chặt lấy người, gió thổi vào từ cánh cửa sổ chưa đóng kín, khiến cơ thể tôi lạnh ngắt, tôi rất muốn đi thay quần áo, hơi dịch chuyển người, nhưng nhận ra chân mềm nhũn như một sợi bún, tê dại như không phải là chân mình nữa vậy.

Khi ấy trong lòng tôi thấp thỏm không yên, sợ tất cả những thứ trong giấc mộng vừa rồi sẽ xuất hiện ngay trong thực tại.

Điện thoại lại vang lên ca khúc “Phá gió đông” của Châu Kiệt Luân, tôi hít sâu một hơi, cầm lên xem, hóa ra là cuộc gọi của Đường Triêu: “Alo, Đường Triêu à?”.

“Ừm, Tiểu Ảnh, cô không sao chứ?”

“Sao anh biết là tôi có chuyện?”. Lẽ nào đó là cảm ứng? Nếu quả thực như vậy, thế thì vì sao Vân Phong lại không nhận thấy điều gì? Trong lòng vừa cảm động vừa hơi hiu quạnh, xong lại thấy mình hơi có dấu hiệu thần kinh mà không rõ vì sao.

“Tôi nằm đến nửa đêm thì cảm thấy lo lắng sốt ruột đến phát hoảng, lật đi lật lại không ngủ được, đột nhiên cảm thấy đầu đau như kim châm, trước đây chưa từng có bệnh kiểu này. Cũng không nghĩ nhiều, chỉ cảm thấy có lẽ có chuyện, nên mới gọi điện đến. Gọi ba lần mà máy không có người nghe, nếu cô còn không nhận nữa thì chắc tôi sẽ báo cảnh sát đến nhà cô ngay mất”.

Nghe anh ta nói, tôi chợt ngẩn ngơ vì xúc động.

“Vì sao chỉ có mình anh là cảm nhận được?”, tôi thì thầm hỏi.

“Gì kia? Cô nói gì kia?”, Đường Triêu nói ở máy bên kia.

Có lẽ Đường Triêu sẽ giúp tôi tháo gỡ được tất cả bí ẩn trong giấc mộng kia: “Đường Triêu, tôi mơ thấy ông nội, cả thiếu phụ họ Lạc, Tiểu Cổ và Úy Bân. Nhưng đáng sợ là tấm xường xám đó đã quay lại rồi! Tôi mơ thấy có người bóp cổ tôi, khi tỉnh dậy cổ vẫn còn thấy hơi đau”.

“Sao? Quay lại rồi ư? Cô có chắc chắn thế không? Liệu có nhìn lầm không?” Đường Triêu hỏi.

“Không thể nhầm được, đúng là nó. Nó đang nằm ngay trên sàn đây. Khi ở Lệ Giang rõ ràng tôi đã vứt nó xuống sông, nhưng trước khi Úy Bân chết lại nhìn thấy nó ở nhà Úy Bân. Hôm ấy Úy Bân cũng thừa nhận đã treo nó lên mắc, nhưng khi chúng ta quay lại thì lại không thấy đâu nữa. Còn hiện giờ nó đã quay lại thật rồi!”.

Tôi nhìn tấm kỳ bào đó, quả thực rất muốn nói với Đường Triêu rằng mình nhìn nhầm, nhưng vì sao sau khi Úy Bân chết chúng tôi lại không nhìn thấy nó đâu nữa? Giờ đây dưới ánh đèn mờ ảo, trông nó rõ rệt đến thế kia, màu xanh sậm, tay lỡ, nhất là viên ngọc trai ở cổ áo, từ trước đến nay tôi chưa từng nhìn thấy viên ngọc trai nào có màu đó, rõ ràng một trăm phần trăm là nó.

“Tiểu Ảnh, cô đừng sợ, có tôi ở đây rồi. Vì sao cô lại nằm mơ? Tấm bùa hộ mệnh tôi cho cô đâu? Có cái đó, những thứ bẩn thỉu không dám đến gần cô kia mà”.

Tôi mở tay ra nhìn tấm bùa, mặt lụa màu đỏ nhạt đã bị mồ hôi thấm ướt thành đỏ đậm. Hình bát quái rõ ràng, hai đầu sợi dây bị đứt buông thõng. Tôi không khỏi hoài nghi, thứ đồ vật bé xíu này thực sự có thể giúp mình hay sao?

“Không biết thế nào mà sợi dây buộc lá bùa bị đứt, khi tỉnh dậy tôi đã thấy nó rơi ở đầu giường”.

“Thảo nào, bùa hộ mệnh khi rời khỏi thân thể sẽ không còn linh ứng nữa. Làm sao mà dây lại đứt được nhỉ, bình thường nó vẫn chắc lắm mà. Tiểu Ảnh, cô cứ nối tạm dây lại đã, đợi trời sáng hãy đến cửa hàng của tôi”.

Tôi làm theo lời Đường Triêu, nối sợi dây bị đứt lại rồi đeo vào cổ.

“Đường Triêu, tôi không sao rồi, anh hãy nghỉ sớm đi!”.

Tôi thậm chí còn thấy ngạc nhiên vì sự bình tĩnh của mình, thực ra khi đã bình tâm lại tôi thường không dám nghĩ sâu hơn về những chuyện đó, sợ rằng sẽ phá hủy mất sự kiên cường mà mình khó khăn lắm mới ngụy trang được trong lòng. Còn sự trấn tĩnh bây giờ có lẽ nhờ hệ miễn dịch được sản sinh sau quá nhiều lần hoảng sợ.

“Tiểu Ảnh, thật sự là không có vấn đề gì chứ? Cô cũng đừng nghĩ ngợi nhiều quá, cứ bật đèn sáng sẽ không sao cả. Cô cũng nghỉ một lát đi, sáng mai tôi sẽ nghĩ được cách!”. Giọng nói của Đường Triêu chứa đầy sự an ủi. Anh ta đúng là một người thực sự chu đáo và nhiệt tình, biết cách quan tâm đến người khác.

“Ừm, anh cũng nghỉ ngơi đi, ngày mai còn phải giúp tôi tìm cách giải quyết nữa”. Tôi cố làm ra vẻ thoải mái.

Tắt điện thoại xong, tôi dựa vào đầu giường, không sao ngủ tiếp được, nghĩ chắc chẳng có ai ngủ được trong tình trạng thế này, bèn dậy thu dọn lại chiếc xường xám trên sàn và để lên bàn.

Mỗi động tác của tôi đều rất khẽ, sợ sẽ làm nó tỉnh dậy. Khi chạm vào mặt sa tanh trơn bóng của nó, một cảm giác lạnh lẽo khiến da tay tôi tê dại.

Liên tưởng đến tất cả những chuyện trong giấc mộng, muốn ngủ nhưng không dám ngủ, cuối cùng tôi đành ngồi tựa vào đầu giường, nhìn nó cho tới khi trời hửng sáng. Tới khi trời sáng hẳn tôi không thể nào chống lại được cơn buồn ngủ, thế là mơ màng thiếp đi.

“Choang!”. Một tiếng động lớn làm tôi giật mình tỉnh dậy, ngồi bật thẳng trên giường, nghĩ bụng không biết có phải chiếc áo phiền nhiễu đó lại gây nên chuyện gì nữa không, bèn nhìn lên bàn, không thể không thở phào một tiếng, nó vẫn nằm nguyên tại đó. Khi ấy tôi chỉ mong nó vẫn còn ở đấy, vì đã có Đường Triêu, anh ta giống như một lá bùa hộ mệnh khiến người ta cảm thấy yên tâm, có lẽ anh ta sẽ đủ khả năng giúp tôi giải thoát được tất cả. Nó khiến tôi thấy sợ, nhưng dù sao thì vẫn còn tốt hơn nhiều so với những thứ xuất hiện đêm qua.

Định thần xong, tôi bèn quay sang tìm nguồn gốc của tiếng động vừa rồi. Chỉ thấy bà nội đứng đờ ra ở cửa, hai tay vẫn còn giữ nguyên bộ dạng như đang bưng bát. Nhìn theo hướng mắt bà tôi liền phát hiện bà đang nhìn chằm chằm vào chiếc xường xám đặt trên bàn đó.

“Bà nội!”.

Cháo nóng bị đổ dưới sàn vẫn còn đang bốc hơi nghi ngút, bắn cả lên phần chân trần bên ngoài chiếc dép lê đi trong nhà của bà. Tôi vội ngồi xuống lau sạch chỗ cháo dính trên đó, cháo vẫn còn nóng bỏng, nên tôi vừa thổi vừa lau. Đến khi lau sạch mới nhận ra mấy ngón chân bà đã bị bỏng rộp lên. Tôi đỡ bà ngồi trên salon ở phòng khách, vừa tìm thuốc vừa trách móc: “Bà, bà chẳng cẩn thận gì cả, cháo nóng như vậy, bà gọi cháu dậy ăn cũng được mà! Xem chân bị bỏng tới mức nào rồi đây”.

Bà nội không nói gì mà chỉ ngồi thẫn thờ ra đó. Tôi tìm được lọ dầu hoa hồng chữa vết bỏng bên trong tủ, liền dùng bông thấm dầu rồi cẩn thận từng tý một xoa lên những ngón chân bà, vừa xoa vừa thổi: “Bà có đau không? Đau lắm đấy”.

“Ảnh Ảnh, chẳng phải cháu từng nói đã vứt nó đi rồi hay sao?”. Cuối cùng bà cũng lên tiếng, vừa mở miệng đã hỏi ngay đến tấm kỳ bào đó.

“Bà, là cháu nhớ nhầm. Cái cháu vứt đi không phải cái này, là một chiếc xường xám trước đây cháu may theo mẫu đó, có thể lúc ấy vì căng thẳng quá nên không để ý. Tối hôm qua khi cháu giở túi của Úy Bân ra mới thấy nó vẫn nằm trong đó”. Bộ dạng đờ đẫn của bà làm cho tôi thấy đau lòng, không muốn bà lo lắng nữa, nên nói dối.

“Ảnh Ảnh, cháu đừng dối bà!”. Bà nội nhìn tôi, đôi mắt đục mờ ấy như muốn nhìn xuyên thấu tâm can tôi.

Tôi cúi đầu tiếp tục xoa thuốc cho bà: “Cháu lừa bà làm gì? Chẳng phải cháu vẫn ổn hay sao? Bà nội, nhà họ An đã chấp nhận việc cho Úy Bân đổi họ rồi. Hôm qua cháu đến đó, thấy bọn họ cũng rất đáng thương, hai lần người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh rồi”.

“Bà thì tiễn mấy lần?”.

“Bà ơi, chẳng phải bà vẫn còn cháu hay sao?”. Trông mặt bà có vẻ hơi giận, tôi thấy bà không còn truy hỏi về chếc xường xám kia nữa nên ngầm thở phào một tiếng.

“Bà ơi, hôm nay cháu sẽ đi ra ngoài một lát. Một người bạn của cháu biết về những chuyện tâm linh, có lẽ anh ấy có thể giúp được chúng ta! Bà, bà yên tâm, cháu sẽ không sao đâu”.

“Vân Phong có biết những chuyện này không?”. Bà hỏi, bà biết mối quan hệ của tôi và Vân Phong không hề có được dễ dàng, cũng biết đây chính là tử huyệt kỵ nhất của nhà họ Lý.

Tránh ánh mắt của bà, tôi nói nhỏ:

“Bà ơi, cháu cảm thấy cháu và Vân Phong mỗi lúc một cách xa. Có lẽ là vì gần đây tâm trạng không được tốt lắm! Hơn nữa, cháu cũng không muốn anh ấy bị cuốn vào những chuyện này. Càng ít người liên quan tới càng tốt”.

“Tiểu Ảnh, Vân Phong là một đứa trẻ tốt. Cháu cố chấp quá, lại hơi độc lập và mạnh mẽ.”

“Bà ơi, cháu hiểu hết mà, cháu rất yêu anh ấy! Có điều cháu vẫn luôn không biết cách làm thế nào để biểu đạt một cách rõ ràng, có lúc cũng không dám, sợ khi nói ra những chuyện bất hạnh ở xung quanh mình sẽ khiến cho người ta do dự…”.

“Ảnh Ảnh, tuổi bà cũng đã cao rồi, không biết đến ngày nào sẽ ra đi, điều duy nhất khiến cho bà không yên lòng chính là cháu. Bà luôn cảm thấy Vân Phong cũng không thực sự phù hợp với cháu, cháu cần một người đàn ông lớn tuổi hơn hẳn mình để yêu thương chăm sóc cho mình. Vân Phong cùng độ tuổi với cháu, gia đình lại giàu có nên từ nhỏ đã lớn lên trong sự nâng niu chiều chuộng của người khác, dù thường ngày cũng tạm coi là chu đáo, nhưng nếu như làm chồng, vẫn cứ khiến bà không yên lòng được”.

“Thôi mà, bà nội. Chúng ta không nói những chuyện này nữa được không?”. Tôi yêu Vân Phong, và tôi cũng yêu bà nội. Tôi không muốn hai người bọn họ có bất cứ điều gì phủ nhận về người kia.

“Được rồi, không nói thì không nói. Con gái còn là con người ta, huống chi là cháu gái. Cháu đi lấy một chút cháo ăn đi”. Bà tự mình thu dọn hộp thuốc, vừa đẩy tôi ra ngoài.

“Bà còn trêu cháu nữa à! Phạt bà hôm nay không được bước chân ra khỏi cửa, ngoan ngoãn nằm yên ở nhà cho cháu đấy”.

“Hứ! Bây giờ cháu gái lại còn quản lý bà nữa hử?”

“Ai bảo bà không cẩn thận chút nào”.