Chương 18: Cảnh mộng

Cẩm Tú Kì Bào

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Tôi bưng lấy miệng, nước mắt bỗng nhiên trào ra, khiến tầm nhìn trở nên mơ hồ, tôi kéo tay Đường Triêu chầm chậm đi về phía đó. Gần hơn, gần hơn tôi nhìn thấy một xẻng đất bùn đang che phủ lên khuôn mặt già nua. Hình ảnh cuối cùng thoáng qua mắt tôi là mụn ruồi màu đen ngay giữa chân mày. Tôi nức nở thành tiếng, cái người vẫn đứng xoay lưng lại phía chúng tôi từ từ quay lại. Khoảng cách rất gần, gần tới mức chúng tôi có thể ngửi thấy mùi hương nhàn nhạt trên cơ thể bà, là mùi xạ hương, thân quen biết chừng nào…

Đêm hôm đó tôi ngủ rất ngon, có lẽ nguyên nhân là vì quá mệt, nhưng cũng có lẽ là bởi trái tim bị giam cầm nhiều ngày qua trong thù hận đã được phóng thích. Ngày hôm sau khi tỉnh dậy đã đến giờ trưa. Tôi lười nhác ngồi tựa trên ghế mây phơi nắng, nếu như không phải là nhận được điện thoại của Đường Triêu thì chắc tôi sẽ cứ ngồi vậy cho tới khi màn đêm buông xuống.

Khi tôi đến cửa hàng của Đường Triêu, hai thầy trò bọn họ đang uống trà. Mặt sư phụ Đường Triêu đỏ bừng bừng, còn anh thì tỏ vẻ không mấy tự nhiên. Nhìn thấy tôi, sư phụ của anh dằn mạnh ly trà xuống chiếc bàn gốc cây, chiếc chén nhỏ xinh bằng sứ màu trắng xoay mấy vòng trên mặt bàn nhưng rồi cũng không lăn xuống đất, chỉ có nước trà trong chén chưa uống hết là bắn tóe ra xung quanh. Dưới đáy chiếc ấm trong suốt là những lá trà màu trắng bạc, trà đã nhạt màu như nước, trong không gian thoang thoảng mùi hương nhẹ như có như không. Tôi làm bộ không để ý đến sự giận dữ của ông ấy, ngồi xuống rồi thản nhiên rót cho mình một ly trà, khẽ đưa lên nhấp một ngụm rồi khen: “Bạch trà thơm quá”.

Thấy ánh mắt Đường Triêu nhìn mình đầy vẻ day dứt, tôi mỉm cười với anh, tỏ ý rằng mình không quan tâm đến thái độ đó của sư phụ. Đường Triêu bèn kéo sư phụ ra bên ngoài, còn tôi vẫn ngồi yên bên trong vờ như nhàn nhã nhấm nháp ly trà. Tiếng cãi nhau của họ từ bên ngoài vọng vào.

“Sư phụ, sao sư phụ lại tỏ thái độ như vậy với Tiểu Ảnh? Cô ấy không làm gì sai cả”.

“Lần đầu tiên nhìn thấy cô ta sư phụ đã có cảm giác muộn phiền bực bội trong lòng rồi, sao con lại đi lo mấy chuyện này kia chứ?”.

“Sư phụ biết tính con rồi đấy, không làm thì thôi, nhưng nếu đã bắt đầu thì con sẽ làm đến cùng mới thôi. Nếu như sư phụ không muốn giúp con thì đành vậy, con nghĩ một mình con cũng sẽ làm rõ được”.

“Không phải là ta không muốn giúp. Đường Triêu, ta không thể tìm ra manh mối nào, có biết vì sao hôm đó ta chỉ có thể giúp các con nhìn thấy Tần Tịnh và người đàn ông của cô ta không? Bởi vì những mối hận thù cũ đều đã bị người niêm phong những tấm kỳ bào đó đóng khóa lại rồi, nếu muốn mở thì chúng ta phải đi tìm người đã yểm bùa niêm phong ấy. Chỉ có ông ta mới có thể giúp chúng ta giải được những bí ẩn này”.

“Cũng đã mấy chục năm rồi, chúng ta làm sao mà tìm được người ấy?”.

“Là lá bùa đó!”. Tôi đứng dậy đi ra cửa, nói tiếp lời Đường Triêu. Cuối cùng tôi đã biết sự thiếu kiên nhẫn của sư phụ Đường Triêu là vì cảm thấy mù mịt và bực bội, còn cả việc không đồng ý cho Đường Triêu dính dáng vào tôi nữa.

“Vậy thì chúng ta lại phải đến nhà họ Hà một lần nữa ư?”.

Sư phụ của Đường Triêu gật đầu, nói tiếp với vẻ trầm ngâm :

“Thực ra người đã đặt bùa niêm phong rất có thể là sư huynh của ta, bởi vì khi đó chỉ ta và huynh ấy có chút tiếng tăm trong giới này. Ta sẽ cho con địa chỉ nhà huynh ấy, con và Lý Ảnh đến nhà họ Hà lấy lá bùa mang đến đó hỏi trực tiếp huynh ấy là được. Hiện giờ anh ấy đã lui về ở ẩn, không thích lo mấy chuyện này nữa, nếu đi người không chắc chắn huynh ấy sẽ không thừa nhận. Song huynh ấy là người rất có trách nhiệm, nên khi trông thấy lá bùa biết là việc mình đã làm trước đó, chắc chắn sẽ lo liệu tiếp”.

Vì không muốn làm kinh động đến người nhà họ Hà, tôi và Đường Triêu lặng lẽ trèo tường vào sân sau. Đi qua vườn hoa, chúng tôi đến được linh đường của Tần Tịnh một cách thuận lợi.

Ánh nắng mặt trời sáng chói chiếu qua cửa sổ vào bên trong song không mang lại được một chút hơi ấm nào. Trong không gian thỉnh thoảng lại vang lên tiếng lách tách của những ngọn nến đang cháy không ngừng múa may, khiến người ta giật mình run cầm cập. Chúng tôi lần tìm được nắp chiếc hòm, trên đó chỉ còn sót lại một nửa mảnh bùa cũ kỹ đã không còn phân biệt nổi màu gì. Các mép giấy quăn cả lại, tôi đưa tay ra định dỡ xuống thì bị Đường Triêu ngăn lại:

“Không được, lá bùa này lâu năm quá rồi, gỡ kiểu đó chắc chắn sẽ rách ngay”.

Anh lấy từ trong túi ra một cuộn băng dính trong, cắt ra một mảnh lớn rồi dán lên trên tấm bùa, sau đó lại dùng con dao nhỏ cắt xung quanh, lá bùa bèn rời ra. Dù rằng cũng không thể không làm rách một chút nào, nhưng đại thể vẫn giữ được nguyên hình dáng cũ. Chúng tôi đẩy chiếc hòm trở về gầm bàn, sau đó lẳng lặng rời khỏi linh đường.

Khi chúng tôi lòng vòng tìm được tới nhà sư bá của Đường Triêu, bóng tối cũng đã buông xuống khắp nơi. Căn nhà của ông ta nằm trong một khu căn hộ kiểu cũ chưa bị dỡ bỏ đi, con đường chật hẹp, trước cửa treo lủng lẳng, phất phơ một cây rau, mảnh vỏ trái cây hay xác chuột chết. Một cơn gió thổi qua, khắp con ngõ nhỏ đậm đặc mùi xú uế. Tôi lấy tay bịt mũi, khó khăn lắm mới thở được bình thường. Ở đầu hẻm có vài ba đứa trẻ ở trần đang hò hét ồn ào, nói những từ phương ngữ mà chúng tôi nghe không hiểu. Thỉnh thoảng bọn chúng mới nói mấy câu tiếng phổ thông bằng thứ giọng quê không lẫn vào đâu được.

Số nhà đính trên các cánh cửa đã rơi mất cả nên chúng tôi rất khó tìm được địa chỉ mà sư phụ Đường Triêu ghi. Đường Triêu bèn gọi một đứa trẻ trong đám ra hỏi: “Anh bạn nhỏ, các cháu có biết ông họ Lâm ở nhà nào không?”.

Một đứa có vẻ lớn tuổi lắc đầu: “Không biết, bọn cháu không biết nhà nào có người họ Lâm cả”.

“Vậy số 78 là nhà nào?”.

“Không biết…”.

“Cháu biết đấy, chủ nhà cháu thuê ở trọ họ Lâm. Bọn cháu vẫn gọi là ông Lâm”, một đứa nhỏ hơn tiếp lời, chỉ tay về phía trước:

“Kia, ở đằng kia kìa!”.

Thằng bé nhảy chân sáo đưa chúng tôi đến đó, khi tới cửa, nó hét váng lên để gọi: “Ông Lâm ơi, có người đến tìm ông này. Ông Lâm ơi!”. Giọng thằng bé rất to, ngay lập tức có tiếng vọng vang lên cuối ngõ.

Không có ai trong nhà trả lời, thằng bé liền quay đầu lại nói với chúng tôi:

“Cô chú cứ vào trong đó là được. Ông Lâm bị nặng tai đấy, nhưng mà hễ ai nói xấu thì ông ấy nghe được không sót một lời nào đâu”.

Thằng bé vừa nói vừa thè lưỡi ra với chúng tôi, sau đó lặng lẽ đẩy cánh cửa, đặt một ngón tay lên môi: “Suỵt! Khe khẽ thôi, dì Lâm nghe thấy sẽ chửi cho đấy. Dì ấy ghê gớm lắm!”.

Thằng bé nhón chân nhẹ nhàng đi đến bên cánh cửa lớn sơn đen, sau đó không đi vào trong nữa mà chỉ vào cánh cửa rồi hạ giọng thì thào: “Cô chú tự đi vào đó đi! Đừng có nói là cháu dẫn cô chú đến đây nhé”.

Nói xong nó nhón chân chạy thẳng.

Chúng tôi gõ vào cánh cửa một lúc mới nghe thấy có tiếng bước chân. Cửa còn chưa mở ra đã nghe thấy một giọng nữ cao the thé cất lên: “Ai thế hả? Tối rồi còn có việc gì thế? Phiền chết đi được”.

Lời chưa dứt cánh cửa đã mở ra, một người phụ nữ chừng bốn mươi tuổi mặc áo ngủ đầu tóc bù xù, tay phải liên tục túm lấy da đầu, đôi mắt híp nửa nhắm nửa mở, đuôi mắt còn cả đống nhử xuất hiện. Nhìn thấy chúng tôi, chị ta ngáp dài một cái rồi hỏi: “Có việc gì?”.

“Chúng tôi đến tìm Lâm Minh Chí lão tiên sinh, xin hỏi ông ấy có nhà không?”.

“Tìm bố tôi làm gì?”, chị ta mở cửa ra, nghiêng người để tôi và Đường Triêu đi vào trong. Đường Triêu còn chưa trả lời, đã thấy một ông lão từ trong đi ra, tay cầm hai viên bi bạc xoay liên tục, nhìn tôi và Đường Triêu hỏi:

“Tìm ta có việc gì? Tiểu Châu, con đi rót trà đi”.

“Lão bá, cháu là Đường Triêu, đồ đệ của sư phụ Ngô Viễn”.

“Sao? Tìm ta có việc gì?”, ông lão chau mày hỏi.

Đường Triêu đưa nửa lá bùa đã rách nát ra trước mặt ông lão. Ông ấy nhướng nhướng mày, cầm lên xem xét hồi lâu: “Cái này lấy ở nhà họ Hà đúng không? Lại có chuyện gì hay sao?”.