MƯỜI TÁM

Ba sai lầm của đời tôi

Đăng vào: 2 năm trước

.

“Tàu có khi nào đúng giờ chưa?” giọng oang oang của Mama cắt ngang khi chúng tôi đang làm việc. Ish lôi trong kho ra một cái hòm nặng đựng đầy cọc gôn.

“Mama, cậu đến sớm thế?” Omi nói.

Mama để hai hộp giấy hồng lên thùng cọc gôn. Trên trán ông đã bôi vết son lúc cầu nguyện buổi sáng.

“Ta đã mua bánh kachori cho con trai và những người tình nguyện khác. Chuyến tàu của họ lẽ ra phải đến lúc 5 giờ sáng. Nhưng đã trễ năm tiếng rồi. Giờ phải làm sao đây? Nên cậu nghĩ sẽ đưa cho các cháu ăn,” Mama nói và lấy ra một chiếc bánh.

“Vậy đồ ăn sáng thừa mang cho bọn cháu à?” Omi nói và cười.

“Bánh còn mới đấy. Cậu sẽ mua thêm khi họ về. Ăn đi khi còn nóng, nào Ish, Govind,” Mama nói.

“Cậu không biết các cháu cũng đến sớm vậy,” Mama nói. Đồng hồ cửa hàng chỉ tám giờ.

“Có việc trong kho,” tôi nói và cắn một miếng bánh kachori. Mùi vị thật tuyệt vời.

Chúng tôi gọi trà, rồi ngồi trên ghế bên ngoài cửa hàng. Mama nói với Omi chuyện họ hàng nhà họ. Ish và tôi thì bàn về kế hoạch giao hàng trong ngày. Cửa hàng đến chín giờ mới mở. Chúng tôi có thể thanh thản mà ăn.

“Lượt trà thứ ba nhé? OK? Tốt lắm,” Mama nói và gọi thằng bé bán trà. Tôi đã ăn hai cái bánh kachori và thấy no rồi.

Mama đứng dậy ra về lúc 9 rưỡi. Tôi gói hộp bánh lại cho ông.

“Cháu giữ đi,” Mama nói. “Dù gì cậu cũng mua thêm.”

“Không, Mama, bọn cháu ăn đủ…”

Điện thoại Mama đổ chuông, ngắt lời tôi. Mama mở máy. Khuôn mặt ông trở nên nghiêm trọng. Miệng ông há ra và mắt ông nháo nhác.

“Tôi không biết số toa, sao anh lại hỏi tôi?” Mama nói.

“Gì thế Mama?” Omi nói.

Mama đặt tay lên điện thoại và quay sang Omi.

“Một đảng viên trẻ ở Ayodhya. Anh ta tiễn đội tình nguyện của chúng ta lên tàu ngày hôm trước. Giờ anh ta muốn hỏi số toa tàu. Và anh ta không nói lý do,” Mama nói.

“Chờ đã,” Omi nói rồi đi vào trong cửa hàng. Nó đi ra, mang theo sổ.

“Đây, cháu đã ghi mã số thông tin hành khách và các chi tiết trong khi mua vé,” Omi nói.

Mama cầm cuốn sổ và nói chuyện vào điện thoại.

“Được rồi, nghe này, S6… vâng, S6, S6 một trăm phần trăm, a lô, nghe này… sao đang nói chuyện với tôi anh lại cầu nguyện? Này, a lô…”

Người bên kia ngắt máy. Mama cố gọi lại số ấy nhưng không ai trả lời.

“Có chuyện gì thế?” tôi nói.

“Cậu không biết. Cậu phải đi… Cậu sẽ đến nhà ga,” Mama nói.

“Cháu đi với cậu nhé?” Omi nói.

“Không, không sao. Dù sao ta cũng phải đi. Ta sẽ tìm cho ra,” Mama nói rồi ra về.

Hai tiếng sau, cả nước đã biết.

***

“Thôi đừng chuyển kênh nữa,” tôi gào lên với Omi, “chúng chỉ chiếu cùng một thứ thôi.”

Chúng tôi dừng lại ở kênh NDTY. Phát thanh viên nhắc lại tin này lần thứ mười.

“Ít nhất năm mươi người chết và hơn một chục người bị thương khi những kẻ xấu phóng hỏa đốt một toa của chuyến tàu tốc hành Sabarmati gần nhà ga Godhra ở Gujarat vào sáng thứ Tư.” Kênh truyền hình đã gọi điện cho một nhân viên nhà ga ở Godhra.

“Thưa ông, ông có thể cho biết chính xác chuyện gì đang diễn ra?” phóng viên nói.

“Chúng tôi vẫn đang chờ báo cáo. Nhưng khoảng 8 giờ 30 sáng nay, tàu tốc hành Sabarmati đến ga Godhra,” nhân viên kia nói giọng yếu ớt.

“A lô, ông có nghe tôi nói không?” phóng viên nhắc lại vài lần.

“Vâng, giờ tôi nghe được rồi,” nhân viên kia tiếp tục câu chuyện.

Như các kênh truyền hình lúc ấy cho biết, một đám đông đã ném đá vào một toa của tàu tốc hành Sabarmati. Trên toa này có những người tình nguyện từ Ayodhya quay về. Hành khách đóng cửa sổ kim loại để tự vệ. Đám đông hất xăng lên toa tàu và châm lửa.

“Đám đông này là ai? Họ có chủ định trước không?” phóng viên hỏi.

Vị nhân viên nhà ga tránh chỉ trả lời chung chung.

“Cảnh sát đã đến và đang điều tra vụ việc. Chỉ có họ mới đưa ra bình luận về vụ này.”

Ish, Omi và tôi xem ti vi không ngớt. Chúng tôi hủy việc giao hàng ngày hôm đó.

“Mama không nghe máy, tao đã cố chục lần rồi,” Omi nói và vứt điện thoại sang một bên.

Các kênh truyền hình đã đến nhà ga Godhra. Chúng tôi nhìn thấy toa tàu bị cháy. Phần còn lại của con tàu đã đi Ahmedabad. Một người bán trà cho biết thêm nhiều chi tiết so với trả lời của nhân viên nhà ga.

“Đám đông đó là người Hồi giáo. Họ tranh cãi với những người tình nguyện Hindu, rồi họ đốt hết – phụ nữ, trẻ em,” người bán trà nói.

“Có năm mươi tám người chết, hơn hai mươi người bị thương, theo các báo cáo tại bệnh viện Godhra,” phóng viên nói, “và chúng tôi vừa nhận được tin rằng toa tàu bị đốt là S6.”

“Cô ta bảo S6 à?” Omi nói, quay sang tôi.

Tôi im lặng. Tôi không muốn xác nhận tin xấu.

“Cô ta nói thế à? Em tao ở trong toa đó.” Omi nói và chạy ra.

Chúng tôi ra khỏi cửa hàng. Những người bán hàng đều mặt mày căng thẳng.

“Chúng thiêu cả những đứa trẻ, chúng là cái cộng đồng gì vậy,” người bán hoa nói với chủ hàng bánh bên cạnh.

“Vào lúc sáng sớm ngay tại nhà ga. Chúng thật cả gan,” người bán hàng khác nói.

“Chúng tấn công nước Mỹ ngay giữa ban ngày ban mặt. Giờ bọn khốn kiếp kia đã đến Gujarat. Thế mà người ta vẫn bợ đít chúng,” người bán hoa nói. Hiếm khi người ta nghe tiếng nói tục trong đền, nhưng hôm nay thì khác. Trong suốt cả đời tôi, hôm nay là một ngày khác.

Omi ra khỏi đền cùng bố, mẹ và vợ của Mama. Mọi người bán hàng, Ish và tôi vây quanh họ.

“Trả Dhiraj cho tôi. Trả Dhiraj cho tôi,” tiếng kêu khóc của vợ Mama vọng lên các bức tường trong đền.

“Cháu sẽ đến nhà ga để tìm hiểu thêm,” Omi nói. Nó đang cố gọi điện cho Mama, nhưng không nối máy được.

“Đừng đi, thành phố này không an toàn,” người bán hoa nói. Mẹ Omi giật níu tay nó.

“Sẽ sớm có lệnh giới nghiêm. Đóng cửa hàng và về nhà thôi,” người bán hoa nói.

Những người bán hàng tản ra. Mẹ Dhiraj nước mắt rơi lã chã.

“Đừng lo, Mama sẽ gọi lại. Tin tức còn mơ hồ lắm. Chúng ta không biết chuyện gì đã xảy ra,” tôi nói.

“Con về nhà đi,” bố Omi nói.

“Con giúp họ đóng cửa hàng,” Omi nói.

Chúng tôi quay lại cửa hàng. Chúng tôi không có khách hàng sáng hôm ấy, và không mong có thêm khách.

“Anh có găng tay không anh Ish? Găng của em mòn rồi,” giọng Ali làm chúng tôi giật mình. Chúng tôi dọn hàng lúc một giờ.

Ali sững sờ. Nó mặc chiếc áo phông màu vàng và quần jean cũ. Thật may, nó không đội cái mũ kiểu Hồi giáo của nó.

“Em sẵn sàng tập rồi. Chúng ta có buổi tập lúc 4 giờ 30, không phải à?”

“Em không xem tin tức à?”

“Nhà em không có ti vi,” nó nói.

“Còn bố em?”

“Bố đứa mẹ sang ông bà ngoại ở Surat. Sáu giờ bố mới về.”

“Còn em không đi sao?” Ish nói.

“Em đi sao được? Chúng ta phải tập mà. Em không muốn vì bỏ tập mà phải chống đẩy một trăm cái đâu,” Ali nói và cười, “này sao các anh đóng cửa hàng? Găng tay của em…

“Chẳng có gì đâu. Đi với bọn anh. Em đừng ở nhà,” Ish nói và kéo cửa xuống.

“Bọn anh à?” Omi nói, giọng kiên quyết.

“Mày đi đi, Omi, bố mẹ và mợ mày cần mày,” Ish nói.

“Còn bọn mày?” Omi nói.

“Tao sẽ đưa Ali về nhà. Tao sẽ cho nó về khi bố mẹ nó quay về.”

Omi nhìn tôi định nói gì đó. Tôi nhún vai.

“Mày muốn đến chỗ tao không?” Ish nói với tôi. Chúng tôi bước ra khỏi khuôn viên đền.

Tôi muốn gặp Vidya. Nhưng đây không phải lúc phù hợp, và Vidya cũng không có tâm trạng tốt. Tôi băn khoăn có nên nhắn tin cho em không.

“Không, mẹ tao sẽ lo lắm,” tôi nói. Bà hẳn lúc này đang trong bếp, đang nhào bột làm bánh dhokla cho bữa tối.

Tôi về đến nhà. Trong bữa ăn, tôi kể cho mẹ chuyện xảy ra ở Godhra. Mẹ tôi bắt tôi thề không bao giờ được yêu mấy cô gái Hồi giáo. Tôi cảm thấy mệt mỏi sau hai đêm mất ngủ và sau các sự kiện trên truyền hình, nên buổi chiều tôi đánh một giấc. Cú điện thoại của Omi làm tôi tỉnh ngủ.

“Này có chuyện gì thế Omi? Đã liên lạc được với Mama chưa?” tôi vừa nói vừa dụi mắt. Đồng hồ trên điện thoại chỉ 5 giờ 30 chiều.

“Em tao mất rồi, Govind. Nó chết ngay tại chỗ,” Omi nói giọng nghẹn ngào. Nó bắt đầu khóc. Tôi ngồi bật ra khỏi giường và đứng lên.

“Mama gọi. Cậu tao đã quỵ đi,” Omi nói.

“Cậu ấy có ở nhà không?” tôi nói.

“Không, cậu ấy đến văn phòng đảng. Các đảng viên bên cạnh để an ủi cậu. Cậu bảo tao đừng kể cho mợ hay bất kỳ ai biết. Cứ như thể họ không đoán ra ấy.”

“Thật kinh khủng quá, Omi, kinh khủng quá,” tôi nói. Tôi rùng mình khi nghĩ suýt nữa chúng tôi đã đi cùng chuyến đó.

“Ở nhà tao không thể không nói gì về chuyện đó được. Tao phải ra ngoài,” Omi nói.

“Vậy đến nhà tao đi,” tôi nói.

“Ish đâu rồi?” Omi nói.

“Tao không biết, mày giữ máy nhé?” tôi nói. Tôi để cuộc gọi của Omi ở chế độ chờ, rồi gọi cho Ish. Nó nhấc máy sau mười lần đổ chuông.

“Ish à, mày đang ở đâu? Sao mày trả lời chậm thế?”

“Tao đang ở ngân hàng. Tao đến tập với Ali.”

“Lúc này mà còn tập nữa à?”

“Gì cơ? Tao chán ngấy phải ở nhà suốt ngày. Bố tao thì nhìn tao cau có vì Ali ở cùng tao. Nên tao nghĩ, cứ mặc kệ, đi đánh bóng đã.”

“Ish, có tin khủng khiếp lắm. Dhiraj đã…” tôi nói và ngừng lại giữa chừng.

“Ôi không,” nó nói, “thật ư?”

“Ừ, Omi cho tao biết. Mama bảo nó đừng kể cho ai trong nhà. Nó muốn ra ngoài.”

“Vậy đến đây đi,” Ish nói.

“OK,” tôi nói. Tôi ngắt máy, rồi chuyển sang cuộc gọi kia.

“Đến ngân hàng nhé. Đi luôn đi, vì trời tối rồi,” tôi bảo Omi.

“Mẹ ơi, con không ăn tối đâu. Chúng con sẽ ăn gì đó ở ngân hàng,” tôi nói khi ra khỏi nhà.

***

“Rắc rối đã bắt đầu ở thành phố rồi. Tao nghe nói một đám đông đốt hai xe buýt ở Jamalpur,” Omi nói.

Chúng tôi đến chỗ dạy học ở sân sau để ăn tối. Omi đã nấu cà ri khoai tây và cơm.

“Tin đồn hay thật đấy?” tôi nói.

“Thật, một kênh truyền hình địa phương đưa tin khi tao ra khỏi nhà,” Omi nói. “Ở nhà thật kỳ lạ. Mợ tao vẫn cầu nguyện cho Dhiraj được an toàn.”

Cơ thể Omi run rẩy. Nó bật khóc. Tôi nắm tay nó khi nó ôm tôi.

Ali nhìn chúng tôi. Tôi mỉm cười với nó. Tôi vào phòng nơi chúng tôi cất sách vở, và quay lại mang theo ba tập truyện tranh Phantom. Tôi đưa cho Ali, để nó vừa ăn vừa thoải mái đọc.

Chúng tôi ngồi cách xa Ali để thằng bé khỏi nghe chúng tôi nói chuyện.

“Đám đông đốt xe buýt ở Jamalpur, họ là người Hồi giáo hay Hindu?” tôi hỏi.

“Tao không biết, tao sợ lắm,” Omi nói.

Chúng tôi ăn xong và dọn dẹp lúc tám giờ. Chúng tôi định ra về thì điện thoại Ish đổ chuông. Là bố của Ish. Ish dè dặt cầm máy, nửa phút sau mới trả lời.

“Con ăn tối rồi. Nửa tiếng nữa con về…” Ish nói, “sao cơ ạ?”

Chúng tôi quay sang nhìn Ish. Tôi chỉ nghe được phía bên này cuộc trò chuyện.

“OK… OK… bố ạ, con đang ở ngân hàng. Bọn con ở đây an toàn. Vâng, con hứa sẽ không ra ngoài đường… Vâng, ở đây chúng con có chỗ ngủ. Bố đừng lo.”

Tôi bối rối nhìn Ish.

“Một tòa nhà trong khu phố nhà tao bị đốt,” Ish nói.

“Ối, tòa nào thế?” tôi hỏi.

“Tòa nhà của người Hồi giáo, ở góc phố,” Ish nói.

“Bốc lửa? Tự cháy à?” tôi hỏi.

“Bố tao đang hy vọng thế. Nhưng có thể là do một đám người Hindu. Bố tao bảo ở nguyên tại chỗ.”

“Mẹ tao sẽ lo lắm. Cả mẹ Govind nữa,” Omi nói.

“Gọi cho họ đi,” Ish nói. “Tao không thể đưa Ali về nhà được. Bố mẹ nó còn không có cả điện thoại,” Ish nói.

Tôi gọi cho mẹ và bảo bà ở ngân hàng tôi sẽ được an toàn. Trước đây, chúng tôi đã vài lần ngủ ở ngân hàng. Nhiều bữa tiệc say sưa kết thúc bằng việc chúng tôi nằm trên nệm trong phòng giám đốc chi nhánh, ở ngay tầng một.

Chúng tôi ngồi trên ghế phòng chờ, và chơi bài sau khi ăn tối. Ali đi ngủ sớm. Ish lấy cái chăn trong phòng giám đốc chi nhánh, rồi đắp chăn, nằm trên một chiếc xô pha riêng.

Omi thả ba quân bài xuống. “Ba Át,” Omi nói, mặt tỏ ra điềm tĩnh hơn mức cần thiết. Nó không biết cách lừa người khác.

Tôi chạm vào những quân bài. Tôi băn khoăn có nên lật bài không. Những tiếng cầu nguyện ầm ỹ làm tôi phân tâm.

“Cái gì thế?” tôi nói. Tôi nhìn đồng hồ – 10 giờ đêm.

“Tiếng cầu nguyện của người Hindu,” Omi nói.

“Tiếng cầu nguyện của những người Hindu giận dữ,” Ish nói.

Những tiếng gọi thần Shiva và thần Rama xen kẽ cùng nhịp trống thình thịch. Chúng tôi đi cầu thang lên tầng hai để lên sân thượng ngân hàng. Thành phố rực màu cam trong đêm đông lạnh. Một, hai, ba – tôi thấy ba quả cầu lửa bốc lên giữa các khu dân cư. Ngọn lửa gần nhất là từ một tòa nhà cách chúng tôi gần năm chục mét. Một đám đông đứng bên ngoài. Họ ném đá vào tòa nhà đang cháy. Tôi không thể thấy rõ, nhưng có thể nghe tiếng la hét của những người trong khu dân cư. Tiếng la hét hòa lẫn với tiếng reo hò ăn mừng. Bạn hẳn đã vài lần nghe nói đến quân nổi loạn hoặc là thấy trên ti vi. Nhưng chứng kiến họ ngay trước mắt mình cũng khiến các giác quan bạn kinh hoàng. Khu phố nhà tôi giống như cảnh trong phim thảm họa. Một người bị cháy đang chạy qua đường. Đám đông Hindu đuổi theo ông ta. Ông ta vấp phải viên đá và ngã xuống, cách chúng tôi chừng hai mươi thước. Đám đông quây ông ta lại. Hai phút sau, đám đông bỏ đi, người đàn ông nằm bất động. Tôi đã chứng kiến cái chết của một người, lần đầu tiên trong đời. Tay tôi, mặt tôi, chân tôi, mọi thứ trở nên lạnh ngắt. Tim tôi đập bất thường giống như vào ngày xảy ra động đất. Tự nhiên gây ra thảm họa đó, con người gây ra thảm họa này. Tôi không biết thảm họa nào nguy hiểm hơn.

“Vào trong đi,” Ish giật mạnh tay áo tôi.

Chúng tôi xuống nhà. Cơ thể tôi vẫn run rẩy.

“Không sao. Đi ngủ thôi. Cảnh sát sẽ đến. Sáng mai mọi thứ sẽ ổn,” Ish nói và quàng tay qua vai tôi.

“Ngủ cùng nhé?” tôi nói. “Vâng”, tôi thừa nhận, tôi rất rất sợ.

Ish gật đầu. Nó bế Ali ra khỏi ghế. Chúng tôi vào phòng giám đốc chi nhánh ở tầng một rồi đóng cửa. Tôi xem điện thoại trước khi đi ngủ. Vidya gọi nhỡ một cuộc. Tôi không tâm trí nào gọi điện hay nhắn tin lại. Mà Ish lại đang nằm cạnh tôi. Tôi bỏ điện thoại vào túi.

Tôi lấy ba tấm chăn và nằm vào giữa, cạnh Ali. Còn Omi và Ish nằm ngoài. Chúng tôi tắt đèn lúc 10 giờ 30.

Lúc 11 giờ 30. Tôi thức dậy. Chúng tôi nghe tiếng ầm ĩ. Ai đó lay cửa chính của ngân hàng.

“Ai đấy nhỉ,” tôi nói. Ish đứng dậy mặc áo.

“Thử ra xem,” Ish nói và lay chân Omi, “Omi.”

Chúng tôi xuống cầu thang. Tôi bật đèn hành lang. Ish nhìn qua lỗ khóa.

“Đám đông đấy,” Ish nói, một mắt vẫn nhìn qua lỗ khóa, “Mama dẫn đầu đám đông.”

Chúng tôi nhìn nhau. Ish xoay tay cầm tay và mở cửa.