BA

Ba sai lầm của đời tôi

Đăng vào: 2 năm trước

.

Ngoài cricket, cầu lông cũng là một môn thể thao phổ biến ở Belrampur. Thực ra, bọn con gái chỉ chơi cầu lông. Đó là một mảng kinh doanh cho nguồn thu tuyệt vời. Những quả cầu phải thay, vợt cần căng lại, và vợt cầu lông thì không bền như gậy cricket.

Dụng cụ học tập trở thành một mảng hàng thu lợi cao ở những tuần sau đó. Chỉ có số ít bọn trẻ chơi thể thao, nhưng đứa trẻ nào cũng cần sách vở, bút máy và bút chì, và các bậc cha mẹ thì chẳng bao giờ từ chối những món này. Nhiều lần, đứa nào mua một quả bóng cũng sẽ mua một cuốn vở, hoặc ngược lại. Chúng tôi cung ứng một giải pháp toàn diện. Chẳng bao lâu, các nhà cung cấp tự đến với chúng tôi. Họ bán chịu và cho phép trả hàng – vở ô li, lọ keo dán, bản đồ Ấn Độ, nước đóng chai và cặp lồng. Chỉ sau khi bạn mở cửa hàng thì bạn mới nhận ra bề rộng chiều sâu của ngành công nghiệp phục vụ học sinh ở Ấn Độ.

Chúng tôi vẫn duy trì dạy cricket và gia sư ở nguyên mức giá – 250 rupi mỗi tháng. Khách hàng học toán thì dễ kiếm hơn, vì nhu cầu cao hơn và nhờ cả danh tiếng của tôi nữa. Tôi dạy ở sân tòa nhà SBI vào các buổi sáng. Ish dùng chỗ sân này để dạy hai đứa học sinh đã đăng ký học cricket.

Đây là hai cầu thủ giỏi nhất trường Đô thị Belrampur, và chúng đã phải đấu tranh với bố mẹ chúng để được học một khóa ba tháng.

Dĩ nhiên, chúng tôi vẫn dành hầu hết thời gian ở cửa hàng.

“Chúng ta có nên bán bưu thiếp không nhỉ?” tôi băn khoăn khi mở một gói hàng mẫu của một nhà cung cấp. Với giá bán lẻ là ba rupi, giá nhập vào là hai rupi, các loại thiệp sẽ cho lãi cao. Tuy nhiên, người Belrampur không tặng thiệp cho nhau.

“Như thế này là cầm bóng để phát kiểu inswing, thế này là outswing[7]. Mà này, đây là quả bóng thứ ba trong hai tuần đấy. Có chuyện gì thế Tapan?” Ish hỏi một khách hàng thường xuyên. Cậu bé Tapan mười ba tuổi, là một trong những tay ném bóng giỏi nhất ở độ tuổi cậu trong trường Đô thị Belrampur. Ish cầm chặt quả bóng cricket và chỉ cho nó cứ động cổ tay.

“Là tại thằng Ali ác mộng đấy. Cứ đến lượt nó đánh là lại mất bóng. Sao nó lại đến trường em chứ?” Tapan càu nhàu khi lau quả bóng vào quần soóc.

“Ali à? Học sinh mới à? Chưa thấy cậu ta đến đây,” Ish nói. Những đứa chơi giỏi đều đến cửa hàng này và Ish biết chúng.

“Đúng, là đứa đánh bóng. Vừa mới vào trường. Anh nên đến xem nó chơi. Nó sẽ không đến đây đâu, đúng không?” Tapan nói.

Ish gật đầu. Chúng tôi có vài khách hàng Hồi giáo. Hầu hết chúng nhờ những cậu bé Hindu mua giúp.

“Em muốn đăng ký học cricket không. Ish sẽ dạy em, anh ấy chơi ở cấp quận đấy,” tôi không cưỡng lại nổi việc chào mời dịch vụ.

“Mẹ em không cho đâu. Mẹ bảo em chỉ có thể học gia sư các môn học thôi. Không thể thao gì hết,” Tapan nói.

“Không sao, chúc em chơi vui vẻ,” Ish nói, xoa đầu thằng bé.

“Chúng mày thấy đấy. Đó là lý do Ấn Độ không thắng các trận đấu,” Ish nói sau khi Tapan đã ra về.

Đúng vậy, Ish có một lý thuyết lố bịch này, rằng Ấn Độ phải thắng mọi trận đấu. “À, chúng ta không phải thắng hết đâu. Nếu không thì trò chơi còn gì hay nữa,” tôi nói và đóng hộp thu ngân lại.

“Nước ta có một tỉ dân. Chúng ta phải thắng hết chứ,” Ish khăng khăng.

“Số liệu thống kê đã cho thấy không thể nào.”

“Tại sao? Nước Úc có hai mươi triệu người. Vậy mà họ thắng hầu hết các trận đấu. Dân số chúng ta gấp năm mươi lần họ, nên tài năng cũng gấp năm mươi lần. Hơn nữa, cricket là môn thể thao duy nhất của Ấn Độ, trong khi Úc có bóng bầu dục, bóng đá và nhiều thứ. Nên chẳng lý nào chúng ta lại bị họ đánh bại. Về số liệu mà nói, bạn tôi ạ, Úc chỉ nên là con số lẻ mà thôi.”

“Thế thì sao?” tôi nói.

“À, mày thấy thằng bé kia đấy. Bố mẹ nó chi hàng ngàn đồng để cho bọn trẻ học mấy môn vô bổ như lượng giác và giải tích, mà cả đời chúng không bao giờ dùng đến. Nhưng nếu là để học thể thao, thì lại bị xem là phung phí tiền bạc.”

“Đừng lo, chúng ta dạy cả mấy môn đó. Cửa hàng chúng ta cung cấp cả hai mà.”

“Tao không nói chuyện làm ăn, Govind. Thực sự mày chỉ nghĩ đến tiền thôi à?”

“Tiền cũng tốt…”

“Bọn trẻ này, Govind ạ. Cứ nhìn chúng mà xem, mười ba tuổi, cầm gậy với niềm tự hào. Hoặc cách chúng muốn học ném bóng tốt hơn. Trước mỗi trận đấu ở công viên Nana, trong mắt chúng ánh lên ngọn lửa. Khi Ấn Độ thắng, chúng nhảy múa. Chúng là những người duy nhất mà tao nhìn thấy niềm khát khao. Tao muốn được ở bên chúng.”

“Sao cũng được,” tôi nhún vai.

“Dĩ nhiên, hai năm nữa chúng sẽ lên lớp mười. Những cây gậy sẽ được thay bằng cuốn sách vật lý. Và tia sáng trong mắt chúng sẽ tắt đi. Chẳng bao lâu nữa, chúng sẽ trở thành những người lớn phiền muộn.”

“Không đúng như vậy, Ish ạ. Mọi người cần có đam mê. Tao cũng có.”

“Vậy tại sao hầu hết người trưởng thành đều gắt gỏng thế? Tại sao họ không mỉm cười thường xuyên hơn, và phấn khích như những đứa trẻ ở công viên Nana kia?”

“Mày có thôi gắt gỏng và giúp tao dọn cửa hàng đi không?”

***

“Được rồi, được rồi, chúng ta sẽ có một bữa tiệc say sưa,” tôi bật cười. Omi và Ish mỗi đứa một bên ôm tôi thật chặt, cho tới khi tôi mủi lòng.

“Con trai Omi của ta đâu?” Bittoo Mama đến cửa hàng vào giờ đóng cửa, và đến ôm cháu trai mình. Ông ta cầm một hộp bánh ngọt bọc trong vải nhung.

“Cậu đã ở đâu thế, Mama?” Omi nói. Kể từ khi cửa hàng khai trương, ông chưa bao giờ đến thăm chúng tôi.

“Cậu đã đi khắp Gujarat, với Parekh-ji. Thật là một trải nghiệm tuyệt vời! Này, ăn bánh besan ladoo đi. Bánh mới của hàng Baroda đấy,” Bittoo Mama nói.

Tôi đã gọi nước Frooti. Ish kéo ghế ra và chúng tôi ngồi bên ngoài. Tôi lấy một chiếc bánh.

“Cái gì thế này, Omi? Cháu đi giày à?” Mắt Bittoo Mama kẻ phấn kohl. Ông ta bôi một vết son đỏ giữa trán.

“Mama?” Omi ré lên.

Tôi nhìn xuống chân mình. Tôi đi đôi dép Reebok hàng nhái. Ish vẫn mang đôi giày cũ của nó.

“Cửa hàng của cháu ở trong một ngôi đền, vậy mà cháu lại đi giày sao? Con của một thầy tế Brahmin đây sao?”

“Thôi nào Mama, chỗ này ở ngoài đền mà. Không ai bán hàng lại…”

“Những người bán hàng khác chỉ là đám con buôn vô dụng thôi, cháu muốn giống như họ sao? Cháu có hành lễ puja mỗi sáng trước khi mở cửa hàng không?”

“Có, thưa Mama,” Omi nói dối không ngần ngại.

“Các cháu cũng thế chứ,” Mama nói, ám chỉ Ish và tôi. “Các cháu là người Hindu. Các cháu mở cửa hàng ở nơi thuần khiết như vậy. Ít nhất thì cũng tháo giày ra, và thắp đèn lên.”

“Chúng cháu đến đây làm việc chứ có phải đến hành lễ đâu,” tôi nói. Giờ đây, hằng tháng tôi trả tiền thuê đầy đủ để được vào cửa hàng này. Không ai được bảo tôi phải điều hành cửa hàng ra sao.

Mama trông ngạc nhiên. “Cháu tên gì?”

“Govind.”

“Govind gì?”

“Govind Patel.”

“Hindu hay không?”

“Cháu là người theo thuyết bất khả tri,” tôi nói, bực bội vì tôi muốn đóng cửa hàng và về nhà.

“Bất…?”

“Cậu ấy không dám chắc trên đời này có thánh thần gì không,” Ish giải thích.

“Không tin vào Thượng đế à? Cháu giao du với thể loại bạn bè gì thế hả Omi?” Mama thất kinh.

“Không, như vậy là người vô thần hẳn,” tôi nói rõ hơn. “Còn bất khả tri nghĩa là thánh thần có thể có, có thể không. Cháu không biết.”

“Bọn trẻ này,” Bittoo nói, “thật xấu hổ. Ta đến đây để mời các cháu, vậy mà nhìn các cháu xem.”

Omi nhìn tôi. Tôi quay mặt đi.

“Đừng lo cho Govind, Mama. Cậu ấy chỉ bối rối thôi.”

Tôi không thích mọi người coi quan điểm tôn giáo của tôi là sự bối rối. Tại sao tôi phải hay không phải tin vào điều gì đó?

Ish mời Bittoo Mama uống Frooti. Nó làm ông ta dịu đi đôi chút.

“Còn cháu?” Mama hỏi Ish.

“Hindu, thưa Mama. Cháu có cầu nguyện các thứ,” Ish nói. Đúng vậy, nó chỉ cầu nguyện khi trận đấu còn sáu lượt bóng.

Mama hớp một ngụm lớn rồi nhìn Omi và Ish. Trong tâm trí ông ta, tôi không hề tồn tại.

“Mama mời chúng cháu cái gì thế?” Omi nói.

Ông lật tấm vải nhung đỏ lên lấy ra chiếc đinh ba bằng đồng, dài chín mươi phân. Những lưỡi sắc nhọn sáng lên dưới ánh đèn tuýp cửa hàng.

“Đẹp quá. Mama lấy ở đâu thế?” Omi thắc mắc.

“Một món quà của Parekh-ji. Ông ấy bảo ở ta ông thấy tương lai của đảng. Ta đã làm việc miệt mài ngày đêm. Chúng ta đến thăm các quận trong Gujarat. Ông ấy nói, ‘Nếu chúng ta có nhiều người như Bittoo, người dân sẽ lại tự hào về đạo Hindu.’ Ông ấy giao cho ta trách nhiệm tuyển mộ thanh niên ở Ahmedabad.”

Ish và tôi nhìn Omi tìm lời giải thích.

“Parekh-ji là lãnh đạo cấp cao của đảng Hindu. Và ông ấy đứng đầu ban quản lý ngôi đền lớn nhất ở Baroda,” Omi nói. “Gì cơ, ông ấy quen cả Thủ hiến bang sao, Mama?”

“Parekh-ji không chỉ quen Thủ hiến bang, mà còn nói chuyện với ông ấy hai lần mỗi ngày,” Bittoo Mama nói. “Và ta đã kể với Parekh-ji về cháu, Omi ạ. Ta thấy ở cháu tiềm năng truyền đạt niềm tự hào Hindu cho thế hệ trẻ.”

“Nhưng Mama ơi, cháu làm việc toàn thời gian rồi.”

“Ta có bảo cháu từ bỏ tất cả đâu. Nhưng hãy gánh lấy những trách nhiệm cao cả hơn. Chúng ta không chỉ là những thầy tế nói những lời đã học thuộc lòng trong các buổi lễ. Chúng ta phải đảm bảo rằng thế hệ tương lai của Ấn Độ hiểu đúng về đạo Hindu. Ta muốn mời cháu dự đại tiệc ở nhà Parekh-ji. Cháu cũng đến đi, Ish. Thứ Hai tới, ở Gandhinagar.”

Dĩ nhiên, kẻ báng bổ như tôi không được mời.

“Cảm ơn Mama. Thật tuyệt quá, nhưng cháu không biết có thể đi được không,” Ish nói.

Sao người ta lại biết cách tỏ ra lịch sự đến thế được nhỉ.

“Tại sao? Đừng lo, bữa tiệc không chỉ dành riêng cho thầy tế thôi đâu. Có nhiều người trẻ, những người thuộc tầng lớp lao động cũng đến dự.”

“Cháu không thích chính trị,” Ish nói.

“Hả? Đây không phải chính trị, con trai ạ. Đây là một cách sống.”

“Cháu sẽ đến,” Omi nói.

“Cháu cũng đến đi, Ish. chúng ta cần sức trẻ.”

Ish vẫn dè dặt.

“Ô, cháu nghĩ Parekh-ji là người già cả, bảo thủ, sẽ buộc các cháu đọc kinh sách sao. Cháu có biết Parekh-ji học trường nào không? Cambridge đấy, và sau đó là Harvard. Ông ấy có doanh nghiệp kinh doanh khách sạn lớn ở Mỹ, ông ấy bán đi rồi quay về đây. Ông ấy nói tiếng của cháu. Ô, và ông ấy từng chơi cricket đấy, cho đội Đại học Cambridge.”

“Cháu sẽ đến nếu Govind đến,” thằng ngốc Ish nói.

Mama nhìn tôi. Trong mắt ông, tôi là lý do tại sao văn hóa Hindu gần đây bị xói mòn.

“À, lúc đầu ta định đến mời cả ba đứa. Nó vừa mới nói là không tin vào Thượng đế.”

“Cháu không nói thế,” tôi bảo. Ô, thôi quên đi, tôi nghĩ.

“Vậy thì cứ đến.” Mama đứng lên. “Cả ba đứa. Ta sẽ cho Omi địa chỉ. Đấy là tòa nhà lớn nhất ở Gandhinagar.”

***

Người ta cứ gọi tôi là Ngài Kế Toán; tham lam, bủn xỉn, đủ các tính xấu. Nhưng thực ra là, tôi đã tổ chức, trả hết các chi phí cho một bữa tiệc bù khú để khích lệ đối tác kinh doanh. Kiếm được rượu ở Ahmedabad thật chẳng dễ, nói gì đến những chai bia to cồng kềnh. Một trong các đầu mối của tôi – Romy Bhai – đã đồng ý cung cấp một két bia cực mạnh, với giá một ngàn đồng.

Lúc 7 giờ tối, vào ngày tiệc, Romi Bhai để bia – bọc trong vải rách – ở cổng sân SBI. Tôi đến cổng và đưa cho Romi Bhai tờ báo ngày hôm ấy. Ở trang ba của báo, tôi đã kẹp mười tờ một trăm rupi. Anh ta gật đầu và ra về.

Tôi kéo cái bọc vải vào trong, bỏ mấy chai bia vào ba xô đựng đá mà tôi đã cất sẵn trong bếp. Tôi lấy khui nắp từ tủ bếp, cái tủ này chúng tôi để đủ các thứ, từ mì Maggi đến các túi đựng bánh để đập nổ khi Ấn Độ thắng một trận đấu.

Người khác có thể xem chi nhánh SBI bỏ hoang là nơi kỳ quái để tổ chức tiệc tùng. Đây từng là nhà riêng của một ông già. Chủ nhà không thể trả tiền vay, nên ngân hàng đã tịch biên căn nhà. Sau đó, ngân hàng mở một chi nhánh ở trong tư gia này. Gia đình của ông chủ nhà đã nộp đơn kiện sau khi ông ta chết. Cuộc tranh cãi vẫn chưa ngã ngũ, gia đình kia cũng khiến tòa án ra phán quyết ngân hàng không thể sử dụng tài sản này để kiếm lời. Trong khi đó, SBI nhận ra rằng con ngõ nhỏ ở Belrampur này là nơi kinh khủng, không phù hợp để đặt chi nhánh. Họ bỏ trống nơi này và giao chìa khóa cho tòa án. Quan chức của tòa đưa chìa khóa cho bố Omi giữ, một người đáng tin ở trong vùng. Làm vậy để phòng khi các quan chức cần xem lại ngôi nhà mà tòa án lại đã hết giờ làm việc. Dĩ nhiên, chưa hề có ai đến, và Omi được phép lấy chìa khóa.

Ngôi nhà rộng năm trăm mét vuông, quá là khổng lồ theo tiêu chuẩn Belrampur. Cửa trước dẫn thẳng vào phòng khách, còn bây giờ là khu vực dịch vụ khách hàng của ngân hàng đã bị bỏ hoang. Ba phòng ngủ ở tầng một là văn phòng của giám đốc chi nhánh, phòng dữ liệu và phòng thay đồ. Văn phòng giám đốc chi nhánh có một kho an toàn khổng lồ, cao một mét tám. Chúng tôi bỏ đồ cricket trong cái kho bỏ không này.

Phần lớn thời gian chúng tôi chơi ở sân sau ngôi nhà. Ngày xưa, đây là bãi cỏ của một gia đình giàu có. Khi bị biến thành một phần của chi nhánh ngân hàng, đó là bãi đỗ xe dùng không hết công suất, và giờ đây là sân tập của chúng tôi.

Tôi đảo các chai bia trong thùng đá để chúng lạnh đều nhau.

Ish bước vào ngân hàng.

“Muộn thế,” tôi nói. “8 giờ 30 rồi.”

“Ừ, tao phải xem điểm tin cricket. Ô, bia mạnh à,” Ish nói khi nó cầm một chai lên.

Chúng tôi đã ngồi lên ghế xô pha trong phòng đợi của khách hàng dưới tầng một. Tôi ngồi dựa vào xô pha. Ish đi vào bếp tìm chút bánh bhujia.

“Omi có đây không?” Ish nói khi nó bóc gói bánh.

“Không, tao là thằng ngu duy nhất. Tao nhận hàng, dọn dẹp chỗ này và chờ các ông chủ đến.”

“Đối tác, đối tác chứ,” Ish sửa lời. “Chúng ta có nên mở một chai không?”

“Không, đợi đã.”

Omi đến mười phút sau. Nó xin lỗi vì bố nó giữ lại để dọn dẹp khu đền. Omi cầu xin tha thứ trước khi uống bia.

“Chúc mừng!” tất cả chúng tôi nói rồi hớp một ngụm lớn. Đây là loại bia đắng, chỉ ngon hơn phenyl một chút.

“Cái gì thế này? Có đúng là bia không?” Ish hỏi.

Chúng tôi dừng lại một lúc. Rượu giả đúng là vấn nạn thực sự ở Ahmedabad.

“Không, không ai làm bia giả cả. Nó chỉ mạnh hơn thôi,” tôi nói.

Nếu bạn ăn cùng với bhujia thì loại bia này cũng không tệ lắm. Quả thật, mùi vị khá hơn đáng kể sau khi uống một nửa chai. Và tâm trạng mọi người cũng khá lên.

“Tao muốn xem thằng bé Ali này. Ba khách hàng đã nhắc đến nó rồi,” Ish nói.

“Thằng bé Hồi giáo ấy à?” Omi nói.

“Thôi cái giọng của Mama đi không?” Ish cạu cọ. “Thế thì liên quan gì? Bọn chúng bảo nó căn thời điểm rất tuyệt.”

“Nó chơi ở đâu?” tôi thắc mắc, miệng đầy bánh bhujia.

“Trong trường chúng ta. Bọn trẻ nói nó đánh bóng thường ghi sáu điểm.”

“Thử đến xem. Có vẻ như trường đã có người xứng đáng kế nhiệm mày,” tôi nói.

Ish chuyển sang yên lặng. Đó là một chủ đề nhạy cảm và nếu không phải do bia thì hẳn tôi đã không nói như vậy.

“Kế nhiệm Ish không phải dễ đâu,” Omi nói. “Có nhớ một trăm điểm khi đấu với trường Đô thị Mahip, trong sáu mươi ba lượt bóng chứ? Không ai quên được lượt đánh bóng đó.” Omi đứng lên và vỗ lưng Ish, như thể trận đấu năm mười tuổi mới vừa kết thúc vài phút trước.

“Cũng không ai quên được hai con vịt trong trong kỳ thi tuyển cầu thủ của bang,” Ish nói và lại yên lặng.

“Thôi quên đi, lúc đó mày mất phong độ thôi,” Omi nói.

“Nhưng toàn những trận cãi vã quan trọng chứ không à? Thôi nói chuyện khác được chưa?”

Omi cũng thôi và tôi hớn hở thay đổi chủ để. “Tao nghĩ tối nay chúng ta nên cảm ơn nhà tài trợ – Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ. Trong bảy tháng hoạt động, lợi nhuận của chúng ta là 42.600 rupi. Trong đó, chúng ta đã chia 18.000 cho các đối tác và 22.000 để đặt tiền cho cửa hàng ở Navrangpura. Và phần còn lại 2.600 là cho hoạt động giải trí như đêm nay. Nên cảm ơn các cổ đông và đối tác thân mến, hãy ăn mừng sang chai thứ hai.”

Tôi lấy trong thùng đá ra cho mỗi đứa một chai thứ hai.

“Mọt sách,” Ish đứng lên, nói lí nhí. “Công việc và lợi nhuận này, tất cả là nhờ Mọt sách Govind Patel. Cảm ơn mày. Vì nhờ mày mà thằng sinh viên bỏ học này có một tương lai. Và cả thằng ngốc này nữa, nếu không nó đã phải rung chuông trong đền suốt đời. Cho tao ôm cái nào, Mọt sách.”

Nó bước đến ôm tôi. Chắc là do bia, nhưng cũng khá thật lòng.

“Mày giúp tao một việc được không?” Ish nói.

“Gì thế?”

“Có người cần gia sư môn toán,” Ish nói.

“Không, tao kín lịch rồi, Ish. Bảy học sinh đã…” tôi nói đến đó thì Ish cắt lời.

“Là Vidya.”

“Em gái mày à?”

“Nó đã học xong lớp mười hai. Nó đang dành một năm để ôn thi vào trường y.”

“Làm bác sĩ thì cần gì toán.”

“Không, nhưng kỳ thi đầu vào lại cần. Và con bé học kém môn này lắm. Mày là đứa giỏi nhất, tao còn tin ai được đây?”

“Nếu là em gái mày, thì tao…” tôi hít một hơi. “Ờ, Vidya vào trường y à? Con bé lớn vậy sao?”

“Gần mười tám rồi, thằng ếch.”

“Tao lại dạy đứa nhỏ hơn kia, từ lớp năm đến lớp tám. Khóa học của con bé cần kiến thức cao hơn. Lâu rồi tao không dùng đến.”

“Nhưng cả đời mày học môn đó rồi mà. Cứ thử xem, con bé cần đến bất cứ trợ giúp nào có được.”

Một lúc tôi chẳng nói gì, đang cố nhớ xem mình biết gì về Vidya, chả biết gì nhiều.

“Mày đang nghĩ gì thế. Ô, tao biết, Ngài Kế toán. Đừng lo, tao sẽ trả cho mày,” Ish nói và hớp một ngụm lớn.

“Im đi. Đấy là vì em gái mày. Được rồi, tao sẽ làm. Bao giờ thì bắt đầu?”

“Mày có thể bắt đầu từ thứ Hai… không, thứ Hai là bữa tiệc ở Parekh-ji. Khỉ thật, Omi, chúng ta đến đó làm cứt gì thế?”

“Làm những điều khiến Mama vui lòng.”

Tôi mong được chuyển cửa hàng đến Navrangpura quá.

“Người ta bảo Parekh-ji là người tuyệt vời,” Omi nói. “Và tao luôn theo bọn mày. Lần này hãy vì tao mà đến đi.”

“Thế thì thứ Ba nhé,” tôi nói với Ish. “Vậy con bé sẽ đến ngân hàng chứ?”

“Bố tao không cho nó ra khỏi nhà một mình đâu. Mày đến nhà tao đi.”

“Gì cơ?” tôi nói. Có lẽ tôi nên chấp nhận một khoản phí. “Được rồi. Tao sẽ đổi lịch vài lớp. Bảy giờ tối thì sao?”

“Hẳn rồi, giờ mày có thể trả lời một câu hỏi toán được không, Ngài Kế toán,” Ish nói.

“Gì đấy?”

“Mày đã gọi một két bia mười chai. Chúng ta mỗi đứa uống ba chai. Vậy chai thứ mười đâu?” Ish đứng dậy lắc lư.

Tôi cũng đứng lên. “Câu hỏi không phải chai thứ mười đâu, mà nó là của ai.” Tôi lao đến thùng đá. Ish cũng thọc tay vào. Nước lạnh vẩy lên sàn nhà khi chúng tôi giành lấy chai bia. Sau chừng mười giây tranh chấp, nó buông ra.

“Mày cứ lấy đi. Nếu không có mày thì tao biết làm gì đây?”

…………….

[7] Hai kỹ thuật phát bóng trong môn cricket. Với người phát bóng và cầm gậy đều thuận tay phải, phát bóng kiểu outswing sẽ khiến bóng bay theo cung đường chếch về bên phải, không hướng vào cơ thể cầu thủ đánh bóng. Ngược lại, inswing là kiểu phát sẽ làm khiến bóng bay theo cung đường chếch về bên trái và hướng vào cơ thể của cầu thủ đánh bóng. Các kỹ thuật này khác biệt chủ yếu nhờ cách cầm bóng.