HAI

Ba sai lầm của đời tôi

Đăng vào: 2 năm trước

.

Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ khai trương bằng màn đập vỡ một quả dừa vào buổi sáng ngày 29 tháng Tư năm 2000. Tất cả người thân trong gia đình đều đến dự. Mẹ tôi và gia đình Omi vui mừng ra mặt, trong khi bố mẹ Ish thì chẳng nói gì. Họ vẫn hình dung Ish là một quân nhân, chứ không phải là gã bán hàng ở Belrampur.

“Mong thần Laxmi ban phước cho các con, những cậu bé chăm chỉ,” mẹ Omi nói trước khi ra về.

Không lâu sau, chỉ còn lại chúng tôi trong cửa hàng rộng ba mét, dài sáu mét.

“Chuyển cái bàn vào, cửa không sập xuống đâu,” Ish gào lên với Omi. Trán Omi vã mồ hôi khi nó nâng tiếp cái mặt bàn to uỳnh lên đẩy lùi được dăm centimét.

Tôi bước ra khỏi cửa hàng, và đi sang bên kia đường đến lần thứ mười để nhìn tấm bảng hiệu. Nó rộng mét tám, cao sáu chục phân. Chúng tôi cho sơn màu xanh lá – màu áo của đội Ấn Độ. Ở giữa bảng hiệu là dòng chữ “Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ” theo màu quốc kỳ Ấn Độ. Tay họa sĩ người Shahpur đã phấn khích vẽ miễn phí khuôn mặt Tendulkar và Ganguly. Mắt Ganguly nheo tít, còn môi Tendulkar thì sưng vều như bị ong đốt, nhưng như vậy chỉ thêm phần quyến rũ mà thôi.

“Đẹp thế chứ,” Omi nói khi nó cùng tôi nhìn tấm biển.

Khách hàng đầu tiên đến lúc mười hai giờ trưa. Một cậu bé chưa đầy mười tuổi lởn vởn đến trước cửa hàng, khi mẹ nó đang mua hoa cho lễ puja. Cả ba chúng tôi xoắn xuýt cả lên.

“Tao có nên hỏi nó muốn gì không nhỉ?” Omi thì thầm vào tai tôi.

Tôi lắc đầu. Thúc ép nghĩa là mình đang tuyệt vọng.

Thằng bé nhìn những quả bóng quần vợt, và tâng lên sàn mấy quả. Mặc dù ở Belrampur không ai chơi quần vợt, nhưng bọn trẻ con dùng loại bóng này để chơi cricket.

“Quả bóng bao nhiêu tiền?” Thằng bé quay sang loại bóng sản xuất trong nước. Rõ ràng đây là một khách hàng nhạy cảm với giá cả. Nó tâng năm quả bóng khác nhau trên nền nhà.

“Tám đồng. Em muốn mua không?” tôi nói.

Nó gật đầu.

“Em có tiền không?”

“Mẹ em có,” nó nói.

“Mẹ em đâu?”

“Kia kìa,” nó chỉ về hướng cửa hàng khác trong đền. Tôi cầm những quả bóng mà nó đã tâng, rồi đặt vào giỏ.

Mẹ nó chạy vào cửa hàng chúng tôi.

“Mày đây rồi Sonu, thằng ngốc này,” bà ta kéo tay, lôi nó ra ngoài.

“Mẹ ơi, bóng.” Nó chỉ nói được thế về vụ mua bán tiềm năng.

“Đừng lo, chúng ta sẽ bán được,” tôi bảo các đối tác của mình.

Chúng tôi cũng bán được món hàng đầu tiên không lâu sau. Có hai anh em mặc đồ hiệu đi vào cửa hàng.

“Quả bóng quần vợt giá bao nhiêu?” một đứa nói.

“Bóng Arrow tám đồng, còn bóng nội ở kia sáu đồng thôi,” Ish nói.

Chúng đến chỗ bóng nội. Chúng lại bắt đầu giở trò tâng bóng trong khi con tim tôi gào khóc.

“Các em chơi cricket ở đâu?” Ish hỏi chúng.

“Satellite,” thằng lớn nói.

Satellite là khu nhà giàu phía bên kia sông Sabarmati.

“Các em đang làm gì ở thành phố cũ này?” Ish hỏi.

“Chúng em vào đền. Hôm nay là sinh nhật anh Harsh,” thằng em nói.

Tôi nhận ra chúng tôi đánh vào đúng mỏ vàng. Nơi này là ngôi đền cổ, và nó thu hút nhiều người ở thành phố mới. Và hôm nay còn là ngày sinh nhật, ngày túi tiền được nhét đầy.

“Em muốn xem gậy không?” tôi đứng ở quầy hỏi lại.

Chúng lắc đầu.

Ish quay sang ra hiệu cho tôi yên lặng.

“Chúc mừng sinh nhật Harsh. Em chơi phòng ngự hay tấn công?” Ish hỏi.

Harsh ngước nhìn Ishaan. Một người lớn hỏi một thằng bé mười một tuổi xem nó chơi tấn công hay phòng ngự quả đúng là vinh dự lớn. Nghĩa là nó đã đủ tuổi để chơi chuyên biệt, dù nó còn chưa nghĩ đến điều đó.

“Ờ, em thích đánh bóng hơn,” Harsh nói.

“Phòng ngự hay tấn công?” Ish hỏi như thể nó đang phỏng vấn Tendulkar trên kênh ESPN.

“Gì cơ ạ?” Harsh nói.

“Em muốn đánh bóng chứ?” Ish hỏi.

Đứa trẻ nào không thích đánh bóng đây? Harsh gật đầu.

“Cho anh xem thế đứng của em nào,” Ish nói. Nó quay sang bảo tôi đưa gậy. Tôi bước đến đống gậy gỗ liễu. Tôi đã mua chúng trực tiếp từ một nhà cung cấp người Kashmir ở Law Garden. Tôi chọn cái gậy kích cỡ phù hợp cho thằng bé. Cỡ số sáu, giá hai trăm đồng. Không phải hạng đắt nhất, dĩ nhiên, nhưng là thứ mà chúng tôi hy vọng sẽ bán được ở đây.

Harsh vào tư thế ở một chỗ trống trước cửa hàng. Như mọi đứa trẻ, nó dồn hoàn toàn trọng lượng lên cây gậy trong khi đứng. Ish bước đến, nhẹ nhàng sửa lưng Harsh cho thằng. Nó nâng cổ tay thằng bé lên, và bảo thằng bé chia đều trọng lượng lên hai chân.

“Và bây giờ, mỗi khi tấn công, em phải dùng chân trước để bước lên, nhưng cũng đừng quên chân sau. Đây là chân trụ, là cái neo. Cứ để ý Tendulkar, anh ta giữ một chân đứng yên.”

Harsh, vẫn đang trong tâm trạng kinh sợ, vụt mấy gậy vào không khí.

“Dạy bí kíp cho cả em nữa với?” thằng em van nài.

“Anh trước, Chinu,” Harsh nói.

Ish quay sang Chinu. “Em chơi gì, Chinu?”

“Gì cũng chơi được,” Chinu nói ngay.

“Tuyệt lắm. Cho anh xem em cầm bóng nào.”

Cuối cùng bố mẹ chúng cũng tìm thấy cửa hàng chúng tôi. Đã đến lúc vào đền.

“Mẹ ơi, con muốn quả bóng,” Chinu nói.

“Giá bao nhiêu?” mẹ nó hỏi.

“Sáu rupi,” Ish nói.

Bà ta đưa tờ hai mươi rupi và bảo lấy hai quả.

“Con muốn cái gậy, mẹ ơi,” Harsh nói.

“Con đã có một cái rồi mà.”

“Nhưng cái này hợp với thế đứng của con hơn. Đi mà mẹ.” Harsh vào tư thế. Nó đã tiến bộ qua bài học, nhưng mẹ nó lờ đi.

“Cái này bao nhiêu?” bà ta hỏi.

“Hai trăm rupi,” tôi nói.

“Đắt quá. Không được đâu Harsh, chúng ta sẽ không mua gậy.”

“Quà sinh nhật của con, đi mà mẹ.” Harsh nài nỉ.

“Ừ, nhưng đây là đồ hạng hai, sao phải mua đồ ở một cửa hàng trong đền. Thành phố cũ này không có hàng chất lượng đâu. Chúng ta sẽ đến chợ Navrangpura.”

“Chất lượng tuyệt lắm, thưa cô. Chúng tôi nhập hàng từ các nhà cung cấp ở Kashmir. Cứ tin lời tôi đi,” Ish nói.

Bà cô nhìn chúng tôi đầy nghi hoặc.

“Tôi là đội trưởng đội bóng liên trường trong vùng này, thưa cô. Chính cá nhân tôi cũng đã chọn loại gậy này,” Ish nói đầy chân thành như bố của Omi lúc cầu nguyện.

“Đi mà mẹ,” Harsh nói, và kéo vạt áo sari của bà. Cú kéo đó chạm vào ví bà ta, bà mở ví và rút hai tờ một trăm rupi.

Xong. Chúng tôi đã chốt xong thương vụ trong ngày. Cây gậy chúng tôi nhập một trăm sáu mươi đồng, nên lợi nhuận là bốn mươi, tôi reo lên trong đầu.

“Tạm biệt nhà vô địch.” Ish vẫy tay chào Harsh.

“Hôm nào sinh nhật em em cũng sẽ đến cửa hàng anh,” Chinu nói.

“Mày tuyệt quá, Ish,” tôi nói và đập tay với mọi người.

“Thằng nhóc học nhanh lắm. Nếu nó tập luyện, nó sẽ là cầu thủ giỏi đấy. Dĩ nhiên, khi nào nó lên lớp mười mẹ nó sẽ nhồi cho nó học. Tư thế duy nhất của nó sẽ là ngồi vào bàn với những cuốn sách,” Ish nói.

“Đừng nản thế chứ,” tôi nói. “Chúng ta kiếm được bốn mươi đồng bán gậy, và bốn đồng bán hai quả bóng. Chúng ta lời bốn mươi bốn đồng, thưa các vị.”

Chúng tôi bán được mấy cái kẹo, và thêm hai quả bóng nữa trong hai giờ tiếp theo. Tổng lợi nhuận của ngày đó là năm mươi đồng. Chúng tôi chuyển những cái gậy và giỏ bóng vào trong, rồi đóng cửa hàng lúc 7 giờ tối, sau lễ puja. Để ăn mừng ngày khai trương, chúng tôi chọn quán chana-bhatura. Với mỗi đĩa bốn đồng, tôi có thể hạch toán số đó vào chi phí kinh doanh.

“Tao có được mang chút tiền về nhà không? Tao thực sự muốn đưa khoản thu nhập đầu tiên cho mẹ,” Omi vừa nói, vừa tống nửa quả ớt cùng miếng bánh bhatura nóng hổi vào miệng.

“Hượm đã nào, đây không phải lợi nhuận thực. Đây là phần chi phí. Chúng ta phải trả tiền thuê gian hàng trước, rồi chúng ta sẽ thấy.” Tôi đặt chiếc đĩa lên quầy, “Chúc mừng, chúng ta đang kinh doanh.”

BA THÁNG SAU

“Tám ngàn ba, bốn và năm trăm,” tôi nói khi lấy hết tiền trong hòm thu ngân. “Đây là lợi nhuận trong ba tháng đầu tiên, sau khi trả tiền thuê cửa hàng. Không tồi, không tồi chút nào cả.”

Nói tôi vui mừng vẫn còn là nhẹ. Cửa hàng chúng tôi đã mở vào một thời điểm phù hợp. Kỳ nghỉ hè đã bắt đầu, và Ấn Độ đã thắng Nam Phi trong giải đơn nhật. Bọn trẻ, đầy thời gian nhàn rỗi và lòng yêu nước, hôm nào có tiền tiêu vặt là chúng đều kéo đến Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ.

Một số dù không có tiền nhưng vẫn đến, chỉ để gặp Ish và nghe vài bí kíp chơi cricket. Tôi không thấy phiền, vì chúng giúp chúng tôi giết thì giờ. Điều chán ngắt khi mở cửa hàng là sự tẻ nhạt. Chúng tôi mở cửa hàng từ chín giờ sáng đến bảy giờ đêm, nên dù có hai chục khách hàng mỗi ngày, thì mỗi tiếng cũng chỉ có hai khách.

“Chúng ta chia phần được chưa?” Omi phấn khích nói.

Tôi chia số tiền ra làm tư. Ba phần đầu, mỗi phần một ngàn năm trăm rupi, là số tiền mỗi đứa có thể mang về nhà. Phần còn lại, bốn ngàn, được giữ để tiếp tục đầu tư vào kinh doanh.

“Giữ lại là sao? chúng ta giữ lại làm gì?” Ish hỏi, dù Omi vui vẻ đếm tiền.

“Ish, chúng ta cần tích lũy phòng khi muốn đổi mới cửa hàng. Mày không muốn có bàn kính tốt hơn sao? Hay có bóng đèn sáng hơn sao?”

Ish lắc đầu.

“Chắc chắn là có rồi. Và… Tao có kế hoạch mở rộng,” tôi nói.

“Gì cơ?”

“Có một khu mua sắm đang xây dựng ở Navrangpura. Nếu đặt chỗ sớm, chúng ta có thể được thuê một gian hàng với giá ưu đãi.”

“Thuê à? Nhưng chúng ta đã có một cửa hàng rồi,” Ish nói, vừa bối rối vừa tức giận.

Tôi biết tại sao Ish càu nhàu. Nó muốn mua một cái ti vi cho cửa hàng. Nghe trận đấu trên sóng phát thanh trong lúc ở cửa hàng thật chẳng thích thú gì cả.

“Không đâu Ish, một cửa hàng đúng nghĩa. Giới trẻ thích mua đồ trong một khu mua sắm sành điệu. Đó là tương lai. Cửa hàng của chúng ta đang kinh doanh tốt, nhưng chúng ta không thể phát triển trừ phi chúng ta chuyển sang thành phố mới.”

“Tao thích ở đây,” Omi nói. “Đây là khu vực của chúng ta. Cái chúng ta bán ra sẽ được bọn trẻ trong công viên Nana dùng đến.”

“Tao không muốn cái tâm lý thiển cận này. Tao sẽ mở một cửa hàng trong khu mua sắm, đến năm sau sẽ có một cửa hàng nữa. Nếu không phát triển kinh doanh, chúng ta sẽ đình trệ.”

“Một cửa hàng nữa sao? Gì cơ? Chúng ta sẽ không làm chung nữa à?” Omi nói.

“Govind nói vớ vẩn đấy. Chúng ta chỉ mới bắt đầu mà nó đã mơ thành Ambani rồi. chúng ta không thể mua ti vi sao?” Ish nói, “Shah Electronics sẽ cho chúng ta mua trả góp nếu chúng ta trả trước bốn ngàn.”

“Không đời nào. Chúng ta sẽ giữ bốn ngàn để kinh doanh.”

“Ồ, thế chiếc ti vi không là tài sản kinh doanh à?” Ish nói.

“Có, nhưng nó là tài sản chết. Nó không sinh lãi. Chúng ta còn phải làm nhiều việc. Ba ngàn đồng một tháng chả là gì hết. Và Ish không muốn tao bán sách vở và bút chì ở đây.”

“Tao đã bảo đây là cửa hàng thể thao. Tao không muốn bọn trẻ nghĩ về chuyện học hành khi chúng đến đây.”

Ish và tôi đã tranh cãi chuyện này từ trước. Tôi thấy cơ hội kiếm tiền dễ dàng, nhưng cứ mỗi lần như vậy là Ish phản đối.

“Được rồi, thỏa thuận thế này nhé,” Ish nói. “Tao đồng ý bán sách vở, nhưng không bán sách giáo khoa, chỉ có vở thôi. Nhưng chúng ta sẽ mua một cái ti vi. Tao phải xem các trận đấu. Tao không quan tâm, cứ lấy một ngàn rưỡi của tao đi.”

Nó ném phần tiền của nó vào tôi.

Omi cũng quăng phần của nó sang. Như mọi lần, tôi phải đầu hàng trước lũ rồ này.

“Được rồi, nhưng chúng ta cần tăng doanh thu. Mục tiêu trong quý tiếp theo là hai mươi ngàn đồng.”

Chúng lờ tôi đi vì còn mải bàn nên mua ti vi của hãng nào. Tôi lắc đầu và vạch ra chiến lược tăng doanh thu.

“Mày sẽ mở lớp dạy chơi bóng chứ?” tôi hỏi Ish.

“Sao?”

“Bọn trẻ thích các lời khuyên của mày. Tại sao không mở lớp dạy cricket và thu phí?”

“Tao à? Tao không giỏi đến thế. Mà dạy ở đâu cơ? Trong đền này à?”

“Không, chúng ta sẽ dạy ở trong cái sân bỏ hoang của SBI[6].”

“Tại sao? Chúng ta kiếm chưa đủ à?” Omi nói.

“Còn lâu mới kiếm đủ. Tao muốn thu về năm mươi ngàn mỗi quý. Omi, mày có thể dạy thể lực cho bọn trẻ.”

“Vậy là bọn tao làm thêm việc. Còn mày làm gì?” Ish nói.

“Tao sẽ đi gia sư môn toán.”

“Ở đây à?”

“Đúng, đôi khi ở đây, hoặc ở sân SBI trong khi mày dạy cricket.”

Omi và Ish nhìn tôi như thể tôi là con cá mập đói nhất trên đời này.

“Thôi nào. Tao đảm bảo chúng ta sẽ có một vụ làm ăn ổn thỏa.”

“Được thôi. Chỉ bán hàng không thì cũng buồn quá, Ish ạ,” Omi nói. Nó phấn khích được dạy bọn trẻ chống đẩy.

“Ừ, ít nhất thì tao cũng được đánh bóng ngoài sân,” Ish nói.

Tôi cũng ném vào một ngàn rưỡi của mình, và chúng tôi mua một chiếc ti vi ngay trong hôm đó. Chúng tôi mở thường trực các kênh thể thao. Omi mua thảm và gối đệm rồi trải chúng trước ti vi. Vào những ngày có trận đấu, chúng tôi sẽ ngồi đó cho tới khi có khách hàng. Tôi phải thừa nhận, cái ti vi làm ngày trôi qua nhanh hơn.

Tôi thay đổi bảng hiệu cửa hàng. Dưới dòng chữ “Cửa hàng Đội Cricket Ấn Độ”, còn có thêm dòng “Dụng cụ học tập, Dạy Cricket và Dạy toán”. Có thể tôi chưa đa dạng về mặt địa bàn, nhưng tôi đã đa dạng sản phẩm chào bán.

……………….

[6] State Bank of India: Ngân hàng nhà nước Ấn Độ.