Hồi 64: Trừ Ác Chưa Xong

Đoạt Hồn Kỳ

Đăng vào: 2 năm trước

.

Mọi người thất kinh hoảng vía, há miệng không dám lên tiếng, Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác lòng yêu con tha thiết, bước lên một bước, quát mắng ngay:

– Độc Ma, ngươi quả là một tên tiểu nhơn đê tiện thật, dám ngang nhiên dùng đến thủ đoạn bỉ ổi này… – Dứt lời tay áo bào giơ lên!

Tiếng Độc Ma thình lình hét lên:

– Có ngừng ngay không? Bộ không muốn giữ mạng sống của con bé này sao?

Thôi Bác quả nhiên không dám ra tay, đành giương mắt nhìn sang phía Độc Ma.

Độc Ma tránh hẳn tia nhìn lợi hại của đối thủ, cao giọng như quát lệnh rằng:

– Mau mau lui ngay hết…

Lúc đó, Thượng Quan Linh, Liễu Mi, Thôi Bác, Đại Hắc đều đang vây quanh liễn xa của Độc Ma, còn Đoạn Trường Nhân thấy Độc Ma áp ngay chưởng lên thiên linh cái của A Hương, bất giác đành chịu trận và tự mình rút lui ngay trước tiên, Thượng Quan Linh, Liễu Mi, và Đại Hắc cũng đành theo gót luôn.

Độc chỉ Thôi Bác bèn hỏi ngay:

– Độc Ma! Nhà ngươi muốn sao?

Chủ nhân Ma Cung đưa đôi mắt long lanh nhìn hết tả hữu một lượt, rồi lên tiếng:

– Hãy thả ngay Đinh Hãm ra rồi nói sau!…

Lần này, trước tiền điện của Lãnh Hương Các, đám đệ tử của Ma Cung chết chóc đã quá bộn, trong số Tứ đại đệ tử, Đinh Tàn đã chạy, Đinh Hủy bị Thượng Quan Linh quăng xác xuống sườn núi, Đinh Phá bị Liễu Mi chém bay đầu, nay chỉ chừa lại mỗi tên Nhị Hung Đinh Hãm, tình thế đã nằm trong cảnh dầu cạn bấc hết, nay lại bị hai ông thần lực Hầu Hạo và Sở Canh đánh ráo riết, bên cạnh đó lại có ba mẹ con Châu Thị canh chừng, không làm sao trốn thoát nổi.

Đinh Hãm chỉ còn nước giở trò la hét rùng rợn nhà nghề của mình ra để hầu áp đảo tâm thần đối phương rối loạn, rồi sẽ liệu cơ ứng biến để tháo thân. Nhưng ác thay hắn lại gặp phải hai tay đánh bất kể lề lối chưởng pháp là gì, gặp là bửa đụng đâu chém đó, khiến cho Đinh Hãm càng lúc càng đuối sức dần, trước mắt Đinh Hãm chỉ còn thấy chữ Chết kếch sù đã hiện ra…

Độc chỉ Thôi Bác đành đưa tay ra dấu thả địch, Hầu Hạo, Sở Canh đành ngừng tay, Đinh Hãm như kẻ gặp hoàng ân đại xá tội, hắn vội bước nhanh ngay lại cạnh thầy Độc Ma của hắn, và đứng thở dốc không thôi.

Đôi bên lúc này đều đứng khựng cả lại tại vị trí của mình, chưa có phương pháp gì để giải quyết, phía Độc chỉ Thôi Bác, rõ ràng đang chiếm ưu thế tuyệt đối, nhưng vì A Hương nay nằm trong tay địch, thế cuộc biến đổi hẳn, nay không còn kế gì khả thi. Tiến thối lưỡng nan!

Trời bắt đầu tối, cuộc diện vẫn nằm lắng đọng lại cảnh sắc buồn tẻ bắt đầu len lỏi vào tâm mọi người, nhất là đối với cô bé yếu ớt như Đông Phương Đình, nàng đã không sao cầm lòng được, và cũng là kẻ thứ nhất đã lên tiếng đánh tan bầu không khí im lặng nặng nhọc bằng lối nhiếc mắng:

– Độc Ma! Ngươi quả là hèn nhát, sao không dám buông ngay nàng ra để thử sức cao thấp với chúng tôi? Ngươi quả là tên độc ác tàn nhẫn! Ta nguyền cho ngươi sẽ chết một cách thảm thiết mới hả dạ…

Đinh Hãm thấy vậy lên tiếng chế giễu ngay lại:

– Kìa tiểu cô nương, cô muốn chúng tôi thả nàng ra sao? Chuyện tuy không có gì khó, nhưng ít nhất bọn tôi cũng phải có một cái lợi tối thiểu gì chứ! Đời nào lại buông tha không mà không có điều kiện gì… Có hai điều kiện có thể trao đổi, một là bọn ngươi hãy tìm ngay Đại sư huynh của ta về, và cứu sống ngay Tam sư đệ và Tứ sư đệ của ta sống lại, bên này chúng ta lập tức tha ngay người, và ai lo đường nấy, không ai xâm phạm đến ai… Ha? Ha!… Đương nhiên ta cũng biết người chết không thể nào cứu sống được, nay bên bọn ngươi đại thắng như thế, còn bên ta gần như toàn quân bị tiêu diệt gần hết, như thế có thể nào nói là công bằng chăng? Hừ?… Nếu muốn công bình, ta có một cách kiến diệu vô cùng, ấy là trong bọn các ngươi đây, đàn ông con trai phải tự sát ráo hết, còn đàn bà con gái phải ngoan ngoãn theo chúng ta về Phi Các ma cung để hưởng thú vui trên đời, và con bé này, chúng ta sẽ bằng lòng giao ngay về cho lão bệnh hoạn họ Thôi kia đem đi, và cả luôn con nghiệt súc tai quái kia nữa, cút đi một nơi nào cho thật xa.

Mọi người không ai dằn nổi cơn tức, Linh điểu Đại Hắc vốn thông hiểu ngôn ngữ người, nó kêu lên một tiếng tức tối tính bay ra mở cuộc chiến lại, nhưng bị Đoạn trường nhân Thôi Bác ngăn ngay lại.

Những hành động kiêng kỵ ấy càng khiến cho Đinh Hãm thích trí tha hồ buông lời sỉ vả:

– Sao? Các nàng đã đồng lòng ưng thuận rồi chứ!… Ta bảo đảm lên sống trên Vô Ảnh Phong, các nàng sẽ không thiếu một thứ gì, và tin chắc các nàng sẽ thích thú sau khi quen nếp sống xa hoa tiên cung của thầy trò chúng ta!

Quay sang ngó ngay thấy Liễu Mi: bèn cố ý khiêu khích rằng:

– Này! Liễu cô nương! Cô còn vờ vẫn gì nữa, chị cô nổi tiếng là nữ ma dâm, chắc cô cũng lẳng không kém gì…

Thượng Quan Linh thình lình hét lên một tiếng:

– Ác tặc! Ngươi khi người vừa vừa chứ, ta sẽ liều mạng với ngươi ngay!

Dứt lời nhảy bổng quay lên, vung chưởng tính bửa sang. Đoạn Trường Nhân cũng quyết định ra tay, trên liễn xa thầy trò Độc Ma cất tiếng cười ha hả, rồi vội vàng cử ngay thân hình của A Hương lên, Độc Ma cầm hai tay, Đinh Hãm nắm hai chân, bày ngay một thế sẵn sàng xé xác A Hương ra làm hai mảnh, nếu mọi người dám liều lĩnh phát động thế đánh.

Thôi Bác thình lình ức hận lên tiếng:

– Không cần suy nghĩ nữa. Chúng ta tiến ngay lên! Đành vậy!…

Liễu Mi bỗng lớn tiếng:

– Không! Không! Mọi người hãy nghe tôi nói đã!

Tiếng chưa dứt, toàn thân Liễu Mi đã đứng ngay vào giữa trận và ngăn chặn ngay xô xát sắp tiến diễn.

Chỉ thấy thứ nữ của Thanh Thông Hội, toàn thân mặc áo trắng, gió thổi phất phơ, nghe nàng cất tiếng rằng:

– Độc Ma! Nếu nhà ngươi dám giết thiếu nữ, liệu ngươi có thể nào chạy thoát khỏi tay chúng ta không, các ngươi thử nghĩ: giết một thiếu nữ vô tội, để rồi phải đền lại hai mạng sống như thế, có đáng không đã?

Phàm là người, thử hỏi ai mà chả ngán chết, Độc Ma tuy hung hăng lợi hại, nhưng sau khi nghe lời nói của Liễu Mi, trong lòng cũng không khỏi động tình.

Liễu Mi chụp ngay cơ hội rằng:

– Chẳng thà đôi bên chúng ta bỏ qua vụ này cho rồi, chỉ cần ngươi nói rõ nơi cư ngụ của lão bà bịt mặt bí mật kia hiện ở đâu, đồng thời buông ngay A Hương ra, chúng ta bằng lòng buông tha cho hai ngươi tự do rút đi, tuyệt không hề truy cản, và món huyết thù này, sau này sẽ thanh toán lại.

Sau câu nói này của nàng Liễu Mi, Thượng Quan Linh cũng cảm thấy đúng lý và tuy chàng biết lão bà bí mật kia là kẻ đại thù của mình, nhưng nay cũng đồng ý ngầm với biện pháp của Liễu Mi đưa ra. Riêng phần của Độc chỉ Thôi Bác lẽ đương nhiên là chấp thuận ngay.

Liễu Mi thấy Độc chỉ Thôi Bác gật đầu, trong bụng yên lòng ngay, nàng lại lên tiếng thêm:

– Nay Thôi đại hiệp đã đồng ý, vậy ý của Chủ nhân Ma Cung tính sao, muốn can qua hay ngọc đới, xin cho biết ý ngay để còn lo liệu!

Độc Ma thấy gió xoay buồm, tươi cười đỡ ngay A Hương dậy, đưa mắt nhìn ngay vào mắt nàng, đưa tay nhẹ phất hai phất lên thân nàng, lập tức Đại Ma thần công trên người A Hương bị giải hẳn và khôi phục ngay lại sắc thái ngày thường của mình.

Đôi mắt vừa đen láy của A Hương như vừa tỉnh cơn mộng, thấy mình nằm trên tay người lạ, bên cạnh có Đinh Hãm nhe răng cười với mình, nàng không khỏi thót mình kinh ngạc.

A Hương lập tức lên tiếng gọi:

– Thôi bá bá! Thôi bá bá!…

Nàng vùng vẫy tính chạy sang Thôi Bác, nhưng bàn tay của Độc Ma vẫn giữ ngay trên cổ của nàng, vì Độc Ma lo đề phòng cẩn thận, chỉ sợ thiếu nữ rừng rú này khi tỉnh lại, rồi dùng đến cây Ngân hoa hỏa thụ trên cổ làm rối thì hỏng chuyện hết! A Hương vùng vẫy không sao thoát thân, nàng cuống lên kêu rối rít rằng:

– Buông tôi ra! Buông tôi ra!… Thôi bá bá ơi!… Chị Liễu Mi ơi!… Buông ra!…

Độc chỉ Thôi Bác bỗng biến sắc, Liễu Mi thấy vậy vội lên tiếng êm dịu nói ngay:

– Em Hương, chớ nên kêu gào ồn ào như thế… – Nói xong quay sang phía Độc Ma rằng: – Chủ nhân Ma Cung! Bộ còn không chịu buông người ra sao?

Độc Ma lớn tiếng cười rằng:

– Đã được Thôi đại hiệp hứa danh dự như thế, thầy trò chúng ta thả người và rời khỏi ngay!

Độc chỉ Thôi Bác lạnh lùng rằng:

– Độc Ma! Ngươi đã lợi dụng đến thủ đoạn đê tiện này… Thôi cũng được, nay ta tạm tha cho ngươi một lần, nhưng nay ta trân trọng căn dặn lại, nếu ngươi còn cố tình sinh sự tác quái sau này, gặp phải tay ta lần nữa, thế nào ta cũng đoạt mạng sống của hai thầy trò ngươi …

Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác quả không hổ danh của một vị đại hiệp đương thời, cái thế kỳ nhân, khí khái nghiêm nghị, sắc mặt không giận mà oai; Chủ nhân Ma Cung nghe xong, cười lên như điên rằng:

– Đã được sự đồng ý của Thôi đại hiệp, thầy trò chúng tôi đâu còn do dự gì nữa. Hãm con, hãy chuẩn bị liễn xa rồi cáo từ các vị để thầy trò mình lên đường cho rồi.

Đinh Hãm chuẩn bị dây cương, Độc Ma buông tay thả ngay A Hương ra, nàng thiếu nữ rừng rú này bèn chạy ập ngay vào lòng Độc chỉ Thôi Bác. Thôi Bác vội kiểm điểm, thấy con gái mình không hề bị thương tích gì mới yên dạ, vội ôm ngay con gái vào lòng, nước mắt mừng tủi:

– Con!… Con!…

Thôi Bác nghẹn ngào ôm con trong lòng; trời tối sầm lại, thầy trò Độc Ma ngồi liễn xa rời ngay Lãnh Hương Điện xuống núi, mọi người giữ đúng theo lời hứa tha cho hai thầy trò ra đi? Liễu Mi thấy thầy trò Độc Ma nói đi là đi ngay, nàng rối lên chạy theo sau kêu lên:

– Ơ kìa! Độc Ma! Ngươi muốn thất lời hứa sao? Sao không trả lời câu hỏi về lão bà bí mật ấy hiện nay ở đâu? Nếu không nói rõ, đừng hòng rời khỏi đây!

Lúc này A Hương đã về với Thôi Bác, không còn phải kiêng ngại gì nữa, nhất là con thần ưng Đại Hắc, quá một tiếng kêu lên, bay ngay lại phía liễn xa, chăm chú theo dõi và sẵn sàng ứng chiến, Đinh Hãm khẽ tiếng chửi thầm:

– Đồ nghiệt súc chết toi!… – Tuy tức, nhưng không dám ra tay chọc ghẹo tới Đại Hắc.

Còn Hầu Hạo thì nghĩ đây là chuyện hệ trọng của minh đệ Thượng Quan Linh, chàng nóng tính hơn ai, đưa tay kéo ngay Sở Canh chạy lại, ba mẹ con Châu Thị cũng vây tới luôn! Độc Ma tuy không coi đám nhân vật này ra gì, nhưng thấy bên đối phương, Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác cũng ngửng đầu lên nhìn về phía mình, không biết làm sao, đành phải trả lời rằng:

– Lão bà bịt mặt ấy vốn ở núi Ai Lao của tỉnh Vân Nam, nay đã về Ai Lao Sơn từ lâu rồi.

Liễu Mi không tin, Độc Ma lại rằng:

– Với danh dự Chủ nhân của Phi Các tiên cung, ta đâu thèm nói láo gì, nếu ranh con họ Liễu ngươi không tin thì thôi. Bọn ta không sức đâu mà cà kê ở đây mãi!

Thượng Quan Linh bước lên kéo ngay tay Liễu Mi, thầy trò Độc Ma cho xe lững thững đi xuống núi luôn.

Bên này, Đông Phương Đình, mẹ con họ Châu, vội hấp tấp vào ngay Lãnh Hương Các thắp đèn lên, Độc chỉ Thôi Bác huýt lên những tiếng sáo kỳ lạ, chẳng mấy lúc một đám khỉ khá đông kéo nhau thành đàn lại, và chúng nghe theo lệnh của Thôi Bác chung sức với mọi người lo thu dẹp các tử thi quăng hết xuống vực thẳm. Xong xuôi, mọi người kéo nhau vào Lãnh Hương Các, hai bức tượng đá của vợ chồng Miêu Gia Diệm Nữ được bày ngay cửa chánh của Lãnh Hương Các trông linh động không khác gì còn sống; mọi người ngồi quây quần trong các, Đông Phương Đình và mẹ con Châu Thị đã sửa soạn một bữa ăn tươm tất cho mọi người.

Độc chỉ Thôi Bác vốn là người chỉ ăn hoa, nhưng nay đã thay đổi hẳn, đã ngang nhiên cùng ăn uống thịt rượu như mọi người, trên mặt không còn lộ vẻ buồn rầu như xưa nữa. Hồng Điệp nói đùa hồn nhiên, đề nghị Độc chỉ Thôi Bác bỏ ngay biệt danh Đoạn Trường Nhân cho rồi. Độc chỉ Thôi Bác cũng gật đầu mỉm cười chấp nhận! Luôn tiện Thôi Bác cũng cho mọi người biết là mình còn hai điều tâm nguyện chưa xong, một trách nhiệm đối với Hầu Hạo và Đông Phương Đình, hai là trách nhiệm đối với A Hương.

Thôi Bác chuẩn bị đưa ngay anh em Hầu Hạo và A Hương cùng về miền Ngọc Thụ Thổ Ty, cây Ngân hoa hỏa thụ phải là vật trấn bang muôn đời của Ngọc Thụ. Đồng thời A Hương nay đã khôn lớn, phải được kế tiếp chức Thổ Ty, và hai bức tượng đá của vợ chồng Ngọc Thụ Thiếu Tù ấy phải để tại Ngọc Thụ, cho khắp dân trong vùng và hậu thế được chiêm ngưỡng dung nhan của một đôi trai tài gái sắc tuyệt trần này, còn các báu vật quan trọng trên Lãnh Hương Điện cũng sẽ tìm cách vận chuyển hết về Ngọc Thụ, và sau này số kho tàng này sẽ do anh em Hầu Hạo toàn quyền chi dụng, để gây sự nghiệp lừng lẫy trong tương lai.

Những lời nói ấy khiến cho anh em Hầu Hạo vừa kinh vừa mừng, cả hai đều mừng là vị Độc chỉ Thôi Bác đã hết lòng chăm lo cho hai anh em, nhưng mãi đến nay cả hai anh em vẫn chưa biết thân thế của mình ra sao, hai người nghe nói mình có toàn quyền sử dụng về khối kho tàng này; nếu vậy anh em mình chẳng là sở hữu chủ của số của cải kếch xù ấy sao? Nhưng không hiểu tại sao lại có chuyện này? Cả hai anh em suy nghĩ mà vẫn không sao tìm ra câu giải đáp được!

Thượng Quan Lỉnh và Liễu Mi lúc này sung sướng hơn ai hết, nhất là nàng Liễu Mi, nay người yêu đã khỏi bệnh mắt, công lực lại tinh tuyệt, và được Độc Ma cho biết tin về chỗ ở của kẻ thù, hai người sẽ chung nhau sát cánh đi phiêu bạt khắp trong giang hồ, và ngoại trừ trong lòng thương nhớ lão phụ Thanh Thông bang chủ ra, nàng Liễu Mi quả thật không còn phải lo lắng gì nữa!

Trong lúc này, bầu không khí trong Lãnh Hương Các vui nhộn vì những câu cười nói của mọi người. Liễu Mi cũng cho mọi người hay là nàng sẽ cùng với Thượng Quan Linh, sau khi rời khỏi Lãnh Hương Các, lập tức họ sẽ khởi trình đi Ai Lao Sơn của tỉnh Vân Nam để tìm cho ra kẻ thù là lão bà bịt mặt có Phủ Chưởng Hàn để tính món nợ thù. Và nay công lực của Thượng Quan Linh đã tiến vượt bực, lại có Sở Canh trợ giúp, chắc thế nào cũng thành công! Hồng điệp Châu Chu, vốn rất mến thích người chị Liễu Mi, nên nàng lên tiếng hỏi ngay:

– Sau khi chị hoàn thành các việc ở Ai Lao Sơn, rồi chị tính làm gì?

Liễu Mi chỉ cười mà không đáp, Châu Chu vẫn hỏi một cách ngây thơ, Thanh Điệp khẽ thích ngay vào em mình lên tiếng rằng:

– Em ranh mãnh vừa chứ! Chị Liễu Mi sau khi xong chuyện, đương nhiên là chị ấy sẽ thành thân ngay với Thượng Quan công tử, vợ chồng trẻ người ta sẽ lo đi phiêu bạt giang hồ chứ còn làm gì nữa mà hỏi vu vơ?

Mọi người nghe vậy cất tiếng cười ồ, dù Liễu Mi có bạo đến đâu, nay cũng không khỏi đỏ mặt nóng tai, Thượng Quan Linh lại càng khỏi nói, chàng như kẻ vừa bị quá chén, Hầu Hạo lên tiếng ngay rằng:

– Không được! Không được! Thượng Quan hiền đệ nếu cưới vợ, thế nào cũng phải chờ đợi chúng tôi đến đông đủ đã, như thế cánh này mới có dịp đại náo cô dâu chú rể chứ, nếu không chắc không ai công nhận cuộc kết hôn đó đâu…

Chị em Châu Sách và Châu Chu nhao nhao phụ họa theo, Hầu Hạo đứng lên nâng chén mời Thượng Quan Linh rằng:

– Nay xin kính mừng tân lang và tân nương một chén trước, sau này sẽ uống rượu mừng của hai người sau!…

Thượng Quan Linh mặt đỏ như gấc, đành nâng chén cạn với sư huynh mình, Hầu Hạo lại quay sang chúc Liễu Mi một chén. Trong thâm tân Liễu Mi yên dạ hẳn về vấn đề này, vì anh chàng Thượng Quan Linh khờ đã chịu uống chén rượu chúc như thế, cũng như đã chính thức nhìn nhận cuộc hôn nhân này, tự cảm thấy mình sung sướng hơn ai hết! Trong lúc chị em Châu Thị đang vui cười hớn hở, thì con thần ưng Đại Hắc cũng đòi cạn chén rượu mừng với Thượng Quan Linh lão đệ của nó. Đại Hắc vốn tửu lượng cừ mạnh, mỏ vừa chấm vào chén đã hút sạch rượu ngay. Thượng Quan Linh yếu rượu lượng, nhưng không nỡ làm buồn lòng ưng huynh của mình, đành cùng với Liễu Mi hai người cạn chung một chén với ưng huynh. Thần ưng Đại Hắc khự một tiếng tỏ vẻ vô cùng vui mừng phấn khởi, chỉ thấy Đại Hắc hết nghiêng đầu nhìn Liễu Mi lại quay sang nhìn A Hương đang đứng bên cạnh Thôi Bác, Liễu Mi lập tức hiểu ngay cái nhìn tinh quái của vị ưng huynh này, rõ ràng thần ưng Đại Hắc đang so sánh đây! Chắc Đại Hắc đang so bì để tuyển lựa một đệ tức (em dâu) lý tưởng đây.

Liễu Mi lúc này chẳng còn ngại ngùng gì, bèn đứng sát ngay vào Thượng Quan Linh, ráng tươi cười cho thật duyên dáng, vì nàng thầm nghĩ, thần ưng này phải có mắt thẩm mỹ của nó, lẽ đương nhiên A Hương ngoài sắc đẹp hơn Liễu Mi ra, bất cứ việc gì đều kém nàng cả. Sự cố tình gây duyên dáng của Liễu Mi với chim ưng, quả nhiên thâu hái được kết quả, vì sau khi Đại Hắc xem đi ngó lại một hồi, đôi mắt thần ưng nhìn ngay về phía Liễu Mi gật gù như tán thưởng.

Liễu Mi hiểu ngay mình đã thắng. Độc chỉ Thôi Bác, cũng đang cầm chén mỉm cười, chú ý nhìn Thượng Quan Linh, chắc Thôi Bác cũng đang suy nghĩ đắn đo như Đại Hắc, nhưng sau một hồi chăm chú đăm đăm, hình như vị đại hiệp này cũng bỏ ngay quan niệm của riêng mình. Và lúc Ngọc điệp Châu Phụng cùng Đông Phương Đình chúc rượu ấy, Thôi Bác cũng nâng chén mừng cho Thượng Quan Linh. Liễu Mi chỉ trông sao cho Thôi Bác chúc rượu, nếu được vị tiền bối này mừng chúc, danh phận của nàng càng uy tín hơn, quả nhiên nàng đã được mãn nguyện với ý nghĩ của mình, nàng yên chí và hấp tấp cùng với Thượng Quan Linh đứng ngay dậy cùng nâng chén uống cạn một hơi!

Thôi Bác cười rằng:

– Chúc cho hai cháu chóng thành lương duyên và bạch đầu giao lão với nhau!… – Lời chúc vô cùng thành khẩn.

Cả hai vội vàng cảm tạ rằng:

– Hai cháu kính đa tạ Thôi thúc thúc!

Cuộc chúc rượu vẫn đang diễn ra, chỉ thấy chị em Thanh điệp Châu Sách và Hồng điệp Châu Chu cầm chén đứng dậy, chàng Sở Canh cũng đang chuẩn bị sự chúc tụng của mình, và chàng ta không dùng đến chén, mà bưng ngay một bầu rượu khá lớn, cười thích trí đứng luôn dậy.

Liễu Mi cau mày, nàng thầm nghĩ nếu người yêu của mình mà uống hết bầu rượu này, thế nào cũng ngã mất. Nàng quả không hổ là người thông minh tuyệt đỉnh, thoáng cái đã nghĩ ra một kế vui cười nói với chị em Châu Sách và Châu Chu rằng:

– Chị và anh Thượng Quan vui lòng uống với hai em! Nhưng còn hai em chừng nào mới báo tin mừng cho thiên hạ biết về cuộc lương duyên đây.

Nhờ vậy mà từ thế khách đổi ngay lại thành thế chủ, Thượng Quan Linh mừng kéo ngay tay Hầu Hạo và bắt chàng ta phải tuyên bố ngày kết hôn. Hầu Hạo đỏ gay mặt không dám ngửng đầu nhìn ai. Liễu Mi càng được thế trả đũa, nàng cùng với Thượng Quan Linh, lo rót rượu chúc mừng mời tới tấp và cố ý cười nói:

– Đại ca! Anh đừng ngại bị say, vì đã có hai vị tiên cô sẵn sàng uống thay cho anh. Nào Nào! Nào! Xin đại ca hãy cạn cho chén này, gọi là mừng anh sớm báo tin mừng…

Quả nhiên chị em Châu Thị sợ ý trung nhân của mình bị say, nên cả hai nàng vội vàng thướt tha bước lại để tiếp nhận sự khiêu chiến của Liễu Mi và Thượng Quan Linh. Liễu Mi hối ngay Sở Canh qua chúc rượu, cả Đại Hắc và Đông Phương Đình cũng qua chúc rối rít vui nhộn, không khí trong Lãnh Hương Các vui nhộn tưng bừng!

Chỉ riêng nàng A Hương là không hiểu gì về những cách thức của cuộc chúc rượu này, và Thôi Bác cũng không cho nàng uống rượu, nàng chỉ thấy mọi người đùa cợt vui vẻ và nàng chỉ tham dự bằng lối nhìn và cười hồn nhiên. Về phần nữ hiệp Giang nam Ngọc điệp Châu Phụng, sau khi rõ sự ngộ nạn may rủi của ba đứa con gái, vừa mừng vừa buồn thảm. Đứa con gái lớn đã chết về tay lũ Độc Ma trên Vô ảnh Phong, tuy đã giết được Đinh Hủy và Đinh Phá, nhưng nguyên hung (hung thủ chính) Đinh Hãm lại chạy thoát, trong thâm tâm vẫn còn cảm thấy chưa được mãn nguyện.

Còn chuyện đáng mừng là hai cô con gái đã tìm được một nơi qui túc lý tưởng, sau khi gặp mẹ, hai nàng đã bộc lộ tâm tình cho mẹ hay. Hầu Hạo là nhân vật xuất chúng, tính tình chính trực lương thiện, Châu Phụng cảm thấy xứng với con mình lắm, nay lại thấy Thôi Bác đặc biệt đối đãi với anh em Hầu Hạo như vậy biết ngay chàng trai này thế nào cũng là nhân vật bất phàm gì đây, hai con mình lấy được hắn, còn gì khéo cho cuộc lương duyên này! Thấy mọi người xúm xít lại vây quanh Hầu Hạo để chúc rượu tưng bừng, Ngọc điệp Châu Phụng chỉ đứng mỉm cười sung sướng.

Độc chỉ Thôi Bác bước gần lại Ngọc Điệp cười nói:

– Châu nữ hiệp, song thân của Hầu Hạo đã quá cố, vậy nay tôi thay quyền đứng ra để làm chủ cho hắn và đồng thời xin hỏi luôn hai lệnh ái cho vị thế điệt của tôi đây, nhưng không biết ý nữ hiệp tính sao?…

– Lệnh điệt nhân vật bất phàm, chỉ e cho hai tiểu nữ tư dung bình phàm, không sánh nổi với đức phối của quân tử chăng, nhưng nay được sự hậu ý của Hầu công tử không chê bai phận hèn mọn, lại được Thôi đại hiệp ngài đứng ra làm chủ quả là một việc quá may mắn cho hai tiểu nữ, lẽ nào dám chối từ.

Thôi Bác cười ha hả cảm tạ, bên kia Liễu Mi nghe rõ, lại được thế chế riễu chị em Châu Sách và Châu Chu, khiến cho hai nàng cúi đầu vì thẹn. Thôi Bác đến ngay bức vách phía hữu lấy cả hai chuỗi chân châu, giao ngay cho Ngọc điệp Châu Phụng, làm lễ hỏi. Ngọc Điệp đeo ngay vào cổ cho hai con, rồi cởi ngay hai chiếc ngọc phối của hai con đang mang trên mình đưa cho Thôi Bác để chuyển giao cho Hầu Hạo. Lễ hỏi đã hoàn thành, Ngọc Điệp bèn cho biết ý nay cùng với hai con về Giang Nam trước, và không bao lâu sẽ thân hành đưa hai con đến Ngọc Thụ để thành hôn luôn. Sau cuộc vui tưng bừng, trời cũng đã khuya, mọi người sửa soạn nghỉ ngơi.

Sáng hôm sau, mọi người ai nấy lo sửa soạn cho cuộc chia tay lên đường, Thôi Bác, A Hương, anh em Hầu Hạo và thần ưng Đại Hắc cùng một đường về Ngọc Thụ. Thượng Quan Linh, Liễu Mi, Sở Canh cùng một đường về tỉnh Vân Nam để đến thẳng Ai Lao Sơn, còn Ngọc điệp Châu Phụng lo đưa hai con gái trở về Giang Nam. Trong cuộc tạm chia tay này, chỉ riêng mình Hầu Hạo là có vẻ buồn hơn ai hết, phần nhớ minh đệ Thượng Quan Linh, lại càng nhớ hai cô vợ chưa cưới của mình, mắt mình đăm chiêu về phía mẹ con Châu Thị, thấy hai nàng cũng đang khăn hồng lệ thắm, luyến tiếc nhớ nhau từ đây. Đông Phương Đình cũng đâm bịn rịn với Liễu Mi. Thượng Quan Linh và Liễu Mi đều quyến luyến mọi người, con linh điểu Đại Hắc cũng tỏ vẻ mến tiếc cuộc tạm chia tay này với Thượng Quan Linh.

Chỉ riêng có A Hương và Sở Canh là không hề bị lôi cuốn vào trong cảnh bịn rịn này, phần nàng A Hương, thực ra nàng đâu có hiểu gì về cảnh khổ biệt ly này là gì. Còn Sở Canh, vốn là anh chàng chất phác, và trong đầu óc đơn giản của chàng chỉ lo nhớ có Liễu Mi và Thượng Quan Linh, nay được theo cùng đi Ai Lao Sơn Vân Nam, lẽ tất nhiên trong tâm hồn chả cần phải lo nghĩ gì, chàng chỉ cảm thấy một điều là Hầu Hạo cũng thẳng tính ruột ngựa như mình, sức mạnh cũng giống nhau, đôi bên cảm thấy tương đắc, nay chia tay, chỉ hơi thấy nao trong lòng.

Ngày chia tay sắp kế gần, ai nấy tuy không nhắc đến, nhưng trong lòng đều đã buồn man mác. Thôi Bác được sự giúp sức của Châu Phụng, thu thập tất cả châu báu của kho tàng lại. Sau mấy ngày thu xếp, tất cả mọi việc đều đã xong xuôi. Hôm ấy, cũng là hôm đoàn tụ chót của mọi người tại Lãnh Hương Các. Mai đây ai nấy sẽ chia tay lên đường lo việc riêng; mẹ con Châu Thị, Liễu Mi, Thượng Quan Linh, sáng sớm ra đã lo dọn dẹp và xếp đặt một cuộc tiệc chia tay để mọi người thoải mái một bữa.

Đến trời vừa tối, đèn thắp sáng trưng, mọi người đến tề tựu hết tại Lãnh Hương Các, tất cả là bốn đàn ông và sáu đàn bà cùng thần ưng Đại Hắc, họ đều quây quần chung một bàn. Những người ngồi đây ai nấy đều chìm đắm và tạm say sưa trong mối cảm tình sắp chia tay, mai đây người vì tình bạn kẻ vì tình yêu, cũng có người lo cho tròn và kẻ lo nghĩa mẹ cho vuông. Khi gà gáy sáng đây, mỗi người sẽ đi một chân trời Nam Bắc, rồi ngày tái ngộ không biết đến chừng nào… Cảnh tiệc đầy không khí vui, nhưng họ đều mượn cảnh ấy để xua đuổi những tâm tư bịn rịn chia phôi sắp đến…

Sau này, kẻ chân trời người góc biển, mây bay gió cuốn, cuộc tương phùng sẽ ở đâu? Tuy trong huyết quản họ đều là những giọt máu chứa đầy chất phiêu bạt của kẻ giang hồ hiệp nghĩa, nhưng hễ sinh ra là người, ai cũng có những giờ phút phải bịn rịn về tình cảm! Cuộc tiệc càng kéo dài, càng hiện thêm nét buồn của nó, tiếng vui cười đã vắng, ai cũng cảm thấy nghẹn ngào. Liễu Mi thấy vậy bèn bước sang phía Độc chỉ Thôi Bác, thì thầm một hồi, Thôi Bác do dự một lúc, cuối cùng gật đầu.

Thượng Quan Linh không biết người vợ chưa cưới của mình lại đang tính trò chơi gì đây? Bèn lén hỏi nàng, Liễu Mi cúi xuống ghé sát vào tai người yêu cười nói thầm:

– Anh Thượng Quan cưng của em! Thôi Bác thúc thúc sắp sửa kể rõ về thân thế lai lịch của anh em Hầu Hạo cho mọi người hay đấy, vậy anh hãy ráng lắng tai mà nghe!

Thượng Quan Linh giật mình như tỉnh ngay cơn say ngà ngà của mình, trong lòng chàng lúc này mừng khôn tả. Vì vụ bí mật này, đến cả ngay chính bản thân của hai anh em Hầu Hạo cũng không biết, và tất cả những người hiện diện tại đây, có thể nói là không ai lại không muốn biết về vụ bí mật này, và họ càng sốt ruột bao nhiêu thì Thôi Bác lại càng muốn thưởng thức sự ngóng đợi của họ bấy nhiêu vậy!

Không ngờ trước giờ chia tay sắp đến này, nàng Liễu Mi lại khéo đề nghị một yêu cầu với Thôi Bác như vậy, đương nhiên, câu chuyện thú vị này sẽ thu hút trọn vẹn tâm thần của mọi người trong lúc khá buồn này, có thể vì đó mà họ xua đuổi được cảnh khổ não của cuộc chia tay.

Liễu Mi đưa mắt chăm chăm nhìn Thôi Bác, ông ta khẽ gật đầu, Liễu Mi bèn trịnh trọng tuyên bố:

– Nay Thôi đại hiệp sắp sửa công khai kể về lai lịch thân phận của anh em Hầu Hạo, xin quí vị hãy lắng nghe câu chuyện đã được giữ kín bấy lâu!…

Sau lời tuyên bố của Liễu Mi, ai nấy đều thất kinh, Hầu Hạo và Đông Phương Đình bất giác đứng hẳn người lên ngẩn người hấp tấp nói:

– Thưa Thôi thúc thúc, ngài nói thật đấy chứ?!

Thôi Bác mỉm cười hiền từ, đưa tay ra dấu cho mọi người yên tĩnh, rồi bắt đầu thuật lại câu chuyện.

Thôi Bác lên tiếng hiền hòa nói:

– Không phải tôi không muốn nói chuyện này ra, nhưng vì hễ mỗi lần tôi tính kể ra, trong lòng bỗng cảm thấy ân hận và đau khổ vô cùng, và làm như cuống họng bị bế tắc vì nghẹn ngào, vì thế không làm sao nói ra được, nay tôi cố gắng kể lại vậy.

Với một giọng trầm buồn Độc chỉ Thôi Bác bắt đầu thuật:

– “Thời đã xa xưa rồi… lúc đó người nhà Thanh ồ ạt tràn tiến xuống khắp miền Nam hưng quốc đổi chủ, những di thần (những tôi trung đã chết) của nhà Minh lúc bấy giờ ủng lập Phúc Vương tại Nam kinh, vị Các Tương Sử Khả Pháp lo trấn giữ miền Giang Hoài (con sông từ An Huy, Giang Tô đổ ra biển Đông) để cố chống nhà Thanh, nhưng vì Phúc Vương yếu đuối, việc trào chính đều bị thao túng hết vào trong tay bọn Mã Sĩ Anh và Nguyễn Đại Châm. Cuộc trung hưng đành vô vọng, đến khi vị Các Tương Sử Khả Pháp bị chết tại Dương Châu, quân nhà Thanh được thế tiến thẳng vào như nước vỡ bờ đê, rút cuộc một tiểu trào đình của nhà Minh này bị tan tành theo nước lũ của quân nhà Thanh!

Nhưng các chí sĩ Hán tộc của chúng ta, không cam tâm chịu mất nước, sau Phúc Vương lại có Lỗ vương, Đường Vương kế tiếp nổi lên chống đối, nhưng trước sau đều bị thất bại, sau cùng được vị Quế Vương duy trì tàn cuộc được khá lâu, về sau tuy bị phản hại và chết về tên Hán gian Ngô Tam Quế, nhưng đoạn lịch sử này đã để lại cho biết bao nhiêu là bi hùng ca đáng ghi nhớ muôn đời.

Nói về vị Quế Vương này, dòng dõi tôn thất có người họ Chu tên Thuần, là người anh hùng xuất chúng và văn võ toàn tài.

Tôn thất Chu Thuần, từ lâu đã gây căn cơ thế lực ngấm ngầm tại miền Bắc, nói đó là một hải đảo, vị trí nằm ngay cửa bể phía Đông của Xích dương hải khẩu tỉnh Hà Bắc. Cách mười dặm trên hải đảo ấy, có một nơi gọi là Hoàng Đảo, Chu Thuần đặt ngay đại bản doanh của mình nơi đây, và được hầu hết các đám giặc bể khắp vùng đó tôn lên làm quân chúa.

Trên Hoàng Đảo, quân giặc bể đã chôn giấu chân châu báu vật nhiều vô kể, nhân số lại đông đến cả mấy ngàn người, nhiều chiến thuyền đồ sộ, có cả hồng y đại pháo (những cỗ trọng pháo trên tàu bể được phủ khăn đỏ chói), để thêm tình đoàn kết của đám giặc bể, Chu Thuần đã kết duyên với em gái của vị thủ lãnh Hải đạo (thủ lãnh cướp bể), và cũng từ đó được suy tôn làm Chúa đảo, hồng đô đại triển, một cuộc kiến thiết được xúc tiến trên Hoàng Đảo. Những cung thất nguy nga được xây cất lên, chiêu nạp ngay những chí sĩ hiền nhân, chiêu binh mãi mã, tối ngày lo tập luyện binh mã và ngấm ngầm liên lạc với Quế Vương, chờ ngày đại khởi nghĩa, để hoàn thành sứ mạng yêu nước là phản Thanh phục Minh, và cũng chuẩn bị nghênh tiếp Quế Vương về ngay Hoàng Đảo để dùng làm hành cung.

Quế Vương sai sứ từ xa lại, phong ngay Chu Thuần làm Vương và chúa đảo Hoàng Đảo, phong cho vợ Chu Thuần là Đông Phương thị làm vương phi. Từ đó mọi việc trên Hoàng Đảo lên cao như diều gặp gió. Chẳng bao lâu, Đảo chúa đã sinh hạ được thế tử và cung chúa, trai đặt tên là Chu Hoàng và gái là Chu Văn. Chúa hoàng đảo lo tích cực mưu đồ đại cử, ý muốn nghênh đón Quế Vương, cử nghĩa binh tiến đánh thẳng về kinh đô, đuổi hết quân Mãn nô nhà Thanh để khôi phục lại giang san nhà Minh!

Vị chúa đảo Chu Thần, tuy là dòng dõi vua chúa, nhưng tính tình khiêm tốn nhân hậu, biết dùng người đúng chỗ, chứa đầy phong độ của kẻ quân vương tài đức. Lúc đó chí sĩ bốn phương đều đua nhau kéo lại phò tá, cả đến những bực giang hồ giang hồ ẩn sĩ cũng đến đầu hiệu vị tân quân phục Minh phản Thanh này.

Trong thời toàn thịnh của Hoàng Đảo ấy, cách nay đã trên mười năm trời, lúc ấy vị Độc chỉ Thôi Bác và Thiên Si đạo trưởng trong nhóm Càn Khôn Ngũ Tuyệt đều được chúa Hoàng Đảo thỉnh mời đến làm tả hữu tham sự, trong lúc công việc oanh liệt đang tiến hành rầm rộ ấy, không ngờ khí thế nhà Minh đã tận, quốc nạn khó tránh, xui cho bộ hạ của Quế Vương là Lý Định Quốc điều khiển đại quân bị thất bại, mặt trận thua to, đành phải hộ tống Quế Vương chạy tuốt vào miền Nam, và chính quân đội người Hán do tên Hán gian Ngô Tam Quế cầm đầu truy nã gắt gao khiến cho cánh quân đã tàn tạ của Quế Vương và Lý Định Quốc bị cắt làm hai đoạn. Quế Vương đành chạy dài sang Miến Điện, rồi bị người Miến Điện bắt giao luôn cho Ngô Tam Quế, sau chết tại Vân Nam. Lý Định Quốc nghe hung tin Quế Vương mất, nổi cơn tức giận, bèn cử luôn đám tàn quân của mình vào Miến Điện tàn sát dân Miến để trả thù cho Quế Vương bị chúng bán rẻ, cuối cùng vị tướng hết thời này bị thổ huyết chết, đám tàn binh tan lạc hết từ đó.

Một khi vì vua chót nhất của của nhà Nam Minh đã chết, hy vọng phục quốc của Đại Hán dân tộc biến thành một chiếc bánh vẽ mà thôi. Tin tức truyền đến Hoàng Đảo, các chí sĩ đều đau đớn về hung tin này, ai nấy nguyền rủa một lòng xả thân ra đền nợ nước. Độc chỉ Thôi Bác quả thất vọng với đại cuộc, bèn phụng mạnh của chúa đảo Chu Thuần, ngược Bắc để thám sát tình hình của triều đình nhà Thanh hư thực ra sao. Sau khi Thôi Bác đi chẳng lâu, trên Hoàng Đảo đã xảy ra cuộc tai biến lớn lao, những tay cao thủ tuyệt giỏi của triều đình nhà Thanh đã giả dạng đột nhập vào Hoàng Đảo, chúng cấu kết và mua chuộc với những phần tử bất lương, ngoài hợp trong ứng, gây ngay một cuộc phản loạn.

Trong lúc đó lại có một cánh quân lớn lao hùng hậu của Mãn tộc nhà Thanh kéo đến, vì trong Hoàng Đảo đã có những tên phản loạn làm nội ứng cho địch, nên những cỗ hồng y pháo (trọng pháo của giặc bể) đều bị tắc nghẹn không sao dùng được, sau cuộc xáp chiến kinh thiên động địa diễn ra trên toàn diện của Hoàng Đảo, vị thủ lãnh của Hải đảo là Đông Phương Lư bị đâm tử trận. Toàn đảo khói lửa đã ngợp trời, người la ngựa hí vang inh, một trận chiến kịch liệt, mà có thể nói là máu loang khắp Hoàng Đảo!

Trong tình thế cấp bách dầu sôi lửa cháy ấy, chúa đảo Chu Thuần thấy đại thế đã mất, không sao cứu vãn tình thế về được, bèn giao ngay hai đứa con một trai một gái cho Độc chỉ Thôi Bác, Thiên Si đạo trưởng và Đông Phương Tướng ba người. Đông Phương Tướng vốn là tộc huynh của đảo chúa phu nhân, nay tình thế quá cấp bách, Độc chỉ Thôi Bác lại chưa về kịp, nên công việc bảo vệ Chu Hoàng và Chu Văn đều do Đông Phương Tướng và Thiên Si đạo trưởng lo trách nhiệm hộ tống, hai người đã cố gắng đột vây để bảo toàn cuộc rút lui! Chạy chưa được bao xa, một đại đội quân Thanh đã tới tấp truy nã theo, trong đó có khá nhiều các tay giang hồ bịt mặt. Lúc này Thiên Si đạo trưởng và Đông Phương Tướng mỗi người lo bồng trên tay một đứa bé, bỗng một tiếng kêu tuyệt vọng thê thảm của Đông Phương phu nhân vang lên từ phía sau, khi quay đầu nhìn lại, chỉ thấy chúa đảo Chu Thuần đứng sững trong cung thất, trên cổ dính ngay theo một đoạn tỉ thủ khí lạnh âm u, chiếc đầu của Chu Thuần sắp rơi nhưng lại không rớt xuống hẳn, vẫn dính lủng lẳng trên cổ!

Thiên Si đạo trưởng giận điên người, vội giao ngay Chu Hoàng trên tay sang cho Đông Phương Tướng, xách ngay kiếm tung ngược ngay trở lại, để tìm kiếm kẻ giang hồ đã phóng tỉ thủ giết người ấy để trả thù cho Chúa đảo Chu Thuần. Không ngờ trong cảnh hỗn quân hỗn quan ấy, Thiên Si đạo trưởng, sau khi đánh thẳng đến trong, thì cây tỉ thủ đã biến đâu mất dạng. Chu Thuần đã chết, nhưng xác vẫn đứng trơ, trên cổ không thấy một giọt máu, chiếc đầu lúc này đã rớt ngay trên mặt bàn, và hình như đã có người nào để lại ngay ngắn, Đảo phi Đông Phương thị tóc tai rối bung, hai hàng lệ đầm đìa, đang ngửng đầu và hai tay dốc một bình rượu vào miệng. Thiên Si hét lên một tiếng như điên, nhảy bung ngay vào, để hy vọng cứu Đông Phương phi tử.

Nhưng mọi việc đều xảy ra quá chớp nhoáng cho nạn nhân, và cũng quá chậm cho kẻ tiếp cứu, Đông Phương phi tử đã uống độc dược để chết theo chồng. Thiên Si đạo trưởng bi phẫn muốn tìm ngay thủ phạm đã dùng tỉ thủ giết người ấy để trả thù, nhưng trong cảnh quan quân hỗn chiến khốc liệt ấy, tìm sao cho ra kẻ chánh hung, nhất là đám cao thủ giang hồ lại bịt mặt hết. Vô phương! Thiên Si đạo trưởng chỉ còn nước tung sức đánh giết quân địch cho bằng thích để hả giận tang thương trước mắt!

Khốn nỗi trong cảnh quân bại núi vỡ ấy, đại cuộc đã tan biến không còn cách nào cứu vãn tình thế, Thiên Si đạo trường sau hồi kịch chiến tắm máu đó dần dần tỉnh trí lại, biết mình hãy còn trách nhiệm trọng đại trong người, đâu có thể nào nấn ná mãi cuộc chiến này. Nghĩ xong dốc hết toàn lực, xông ra vòng vây tìm Đông Phương Tướng để cùng lo bảo vệ đôi trẻ mồ côi. Dưới ánh lửa ngộp trời và tiếng gào hét quỉ khóc thần sầu do cảnh chiến gây nên ấy, Thiên Si đạo trưởng không tìm thấy Đông Phương Tướng, Chu Hoàng và Chu Văn đâu cả. Trong cảnh đêm tối gió bấc ào ào từng cơn lạnh, Thiên Si đạo trưởng không thể nào phụ lòng ủy thác của Chu Thuần, ông ta tả xung hữu đột, tìm kiếm khắp nơi mãi cho đến sáng. Nhưng khi trời sáng chỉ thấy quân Thanh lo thu vét tất cả chiến lợi phẩm về vàng bạc châu báu của Hoàng Đảo, và bắt theo một mớ tù binh lên thuyền kéo buồm đi luôn, Thiên Si đạo trưởng cũng đã ngấm ngầm theo dõi trong đám tù binh nhưng không hề thấy Đông Phương Tướng và anh em Chu Hoàng và Chu Văn đâu cả.

Chờ cho quân Thanh rút đi hết, chỉ thấy trên Hoàng Đảo, một cảnh thê lương điêu tàn ghê rợn, tử thi đầy rẫy khắp nơi, khói lửa vẫn nghi ngút khắp vùng, Thiên Si đạo trưởng sau khi mai táng vợ chồng Chu Thuần, tự hổ thẹn với lòng mình đã không lo tròn trách nhiệm, khiến đến nỗi xảy ra cuộc thảm biến khốc hại này, ngay khi đó thì Độc chỉ Thôi Bác bỗng về đến trên đảo, đồng thời cứu kịp ngay Thiên Si đạo trưởng, sau khi nghe lời thuật lại với đầm đìa nước mắt của Thiên Si đạo trưởng, Thôi Bác cũng dậm chân đấm tay vì sự về chậm của mình, nay tuy có tuyệt thế công lực trong người, cũng không làm sao cứu nổi vợ chồng Chu Thuần được! Chỉ còn cách gạt nước mắt nuốt hận trong lòng!

Thôi Bác và Thiên Si bèn đi thuyền về ngay đất liền trên đại lục, hai người chia tay lo việc, nguyện thế nào cũng phải hoàn thành di chúc của vợ chồng Chu Thuần, cướp ngay kho tàng lớn lao về, đồng thời tìm ngay Đông Phương Tướng, anh em Chu Hoàng và Chu Văn, nuôi dạy cho thành tài để nối tiếp đại chí của cha, với kho tàng của Hoàng Đảo làm vốn, và sẽ tái kết hợp tất cả các hiệp nghĩa trong thiên hạ, quyết chí phản Thanh để phục Minh lại. Sau khi hai người chia tay, chẳng bao lâu, Thôi Bác đuổi kịp đám quân Thanh đang vận tải của cải kho tàng của Hoàng Đảo, trong sự hộ tống của cuộc di chuyển kho tàng lớn lao này, ngoài một số đại nội cao thủ trong cung đình nhà Thanh ra, còn cả đám bại loại trong giang hồ và sĩ tốt của quân Thanh tổng số có trên trăm người. Độc chỉ Thôi Bác bèn hiện ngay ra chận ngay đoàn quân vận báu này, một trận huyết chiến kịch liệt diễn ra, chỉ thấy ngọn kiếm oai lừng của Thôi Bác tung hoành kinh hồn, vì sự căm giận đám người này đã tàn phá Hoàng Đảo và gây nên bao tang tóc, nên trong lúc giao tranh, Độc chỉ Thôi Bác không hề nương tay tha thứ bất luận với một người nào của đoàn hộ tống này, thẳng tay tiêu diệt! Trận chiến kéo dài suốt từ sáng đến gần trưa, trên trăm người của đoàn hộ tống ấy, không chết cũng bị thương nặng, không một tên nào thoát nạn.

Thôi Bác tìm chưa ra anh em họ Chu, bèn đơn thân độc mã vận ngay hết số của cải kho tàng này về Mặc Phụ Sơn trên Lãnh Hương Các tạm cất giữ. Chuyện này đã xảy ra mười năm về trước, đang lúc Thôi Bác đang tính lên đường tìm kiếm Thiên Si đạo trưởng để thăm dò về tin tức của Đông Phương Tướng và anh em họ Chu, không ngờ cũng ngay trong lúc đó thì vợ chồng Ngọc Thụ Thiếu Tù và Miêu Gia Diệm Nữ tìm đến Mặc Phụ Sơn và một vụ thảm biến đã xảy ngay ra tại Tả Diện Phong trên Mặc Phụ Sơn. Vợ chồng Ngọc Thụ Ky Nhân và đứa bé A Hương đều bị té hết xuống vực thẳm, khiến cho Thôi Bác ân hận và sinh bệnh ho suýt chết, sau nhờ đôi chim ưng hết lòng hái ngậm những đóa boa tục giao hồng hoa mới cứu nổi mạng sống tàn thừa của một người luôn u sầu vì bị ám ảnh.

Cũng từ đó, Độc chỉ Thôi Bác trở thành với biệt hiệu: Đoạn Trường Nhân sống những chuỗi ngày buồn tẻ của cuộc đời, và với tấm thân bệnh hoạn ho hen ấy. Thôi Bác không còn chuyện gì có thể gây nổi hào hứng trong cuộc sống của Đoạn Trường Nhân u buồn ấy nữa.

Không ngờ hai đứa con mà vợ chồng chúa Hoàng Đảo đã để lại đó vẫn sống sót trong cơn tao loạn và chính giờ đây, trong trí hồi ức của anh em Hầu Hạo và Đông Phương Đình, vẫn có thể còn đoán quyết được là hai anh em ấy. Quả nhiên sau đã lọt vào tay những nhân vật giang hồ, do một người có vết sẹo trên mặt và một người đàn bà thúc lãnh, và đám người này đã ép Chu Hoàng uống một thứ thuốc độc, khiến cho chàng quên hết tất cả các chuyện đã xảy ra, tiếp đó lại ép luôn Chu Văn cũng uống, nhưng vì trước khi uống thuốc ấy, Chu Văn đã kêu lên một tiếng Anh ơi nên Chu Hoàng vẫn còn lơ mơ nhớ rõ là mình có một người em gái như thế.

Trong khi đó đám người lo áp giải hai anh em ra ngoài quan ải, nhưng không may cho chúng là giữa đường lại đụng độ gặp phải Thiên Si đạo trưởng, sau cuộc kịch chiến, chỉ cứu được có mình Chu Hoàng, vì địch thủ quá đông, phần lo cho tánh mạng của Chu Hoàng, Thiên Si đành buông bỏ lại Chu Văn cho chúng để lo riêng cho Chu Hoàng để tiện bề tháo lui.

Từ đó Thiên Si lo đưa ngay Chu Hoàng về Tô Huyện Dực Bắc ẩn cư tại Tam Đường Thôn, vì là con của khiêm phạm (trọng phạm của nhà vua), nên đành phải cải danh đổi họ là Hầu Hạo, và Hầu Hạo sau khi bị uống thuốc độc, đối với thân thế lai lịch của mình chẳng hay biết gì. Thiên Si thấy thời cơ chưa đến, nên cũng chưa dám tỏ rõ cho hay vội, suốt trong mười năm trời, chỉ lo việc dạy văn luyện võ cho Hầu Hạo, và xưng hô với danh nghĩa thầy trò, và hạn chế không cho chàng rời khỏi phạm vi nho nhỏ của Tam Đường Thôn, thậm chí cả đến tên của mình cũng không nói cho chàng hay. Về sau, Hầu Hạo thành danh, từ văn sự đến võ công, đều đã có căn cơ, Thiên Si hy vọng chàng có thể khôi phục lại trí nhớ, tìm đủ mọi thứ thuốc để chữa, quả nhiên đã thu được kết quả.

Trong lúc đó, Thiên Si biết rõ Độc chỉ Thôi Bác đang ẩn cư tại Mặc Phụ Sơn, bèn họa ngay một bức hình giao cho Hầu Hạo, và nói rõ với chàng là người trong bức họa sẽ có thể giúp đỡ chàng, bởi vì Chu Thuần ủy thác con mình cho đám cao thủ, chỉ có mỗi mình Độc chỉ Thôi Bác công lực cao nhất, lại nữa người ta đã đoạt được số kho tàng về, Hầu Hạo muốn trả thù cho cha mẹ và tái lập hưng đồ đại sự sau này, lẽ đương nhiên phải được sự hiệp trợ của Thôi Bác. Về sau, hành tung của Thiên Si bị sư huynh là Bắc kiếm Phổ Côn dò la tìm ra, và cho đồ đệ lại mời. Thiên Si biết ngay chuyến đi này điềm dữ nhiều hơn điềm lành, bèn nói rõ ngay địa điểm của bức họa, và hạ lệnh cho Hầu Hạo cấp tốc đi tìm ngay Độc chỉ Thôi Bác, đồng thời nói rõ vụ hung án mười năm về trước của cây Lãnh điện tỉ thủ. Vụ công án này phải kết thúc ngay với thời gian của nó, và mong rằng Thôi Bác có thể trượng nghĩa hiệp trợ cho mau hoàn tất. Ý chính của Thiên Si cho Hầu Hạo đi gặp Đoạn trường nhân Độc chỉ Thôi Bác, rõ ràng là muốn Thôi Bác hãy niệm tình xưa kia của vợ chồng Chu Thuần, trong số ba người được ủy thác trọng trách về anh em họ Chu, nay Thiên Si đã cảm thấy chính bản thân của mình cũng khó giữ, nên đành phải cho ngay Hầu Hạo ra đi tìm Độc chỉ Thôi Bác, mong rằng vị Đoạn Trường Nhân sẽ không phụ ước những lời nguyền xưa kia, và tận lực giúp cho kẻ hậu bối được thân hành trả mối thù Lãnh điện tỉ thủ đã giết cha, sau này nếu tìm ra được cô em Chu Văn, sẽ bàn tính cuộc đại cử phục Minh sau.

Hầu Hạo không rõ thân thế lai lịch của mình, nay thầy lại bận việc ra đi, chàng cũng đành lủi thủi cất bước đi giang hồ, và suốt dọc đường, dần dà chàng mới tìm ra tên thật của thầy mình mà suốt mười năm trời chàng không hề biết đến. Thì ra một nhân vật khét tiếng trong nhóm Càn Khôn Ngũ Tuyệt tức Tây đạo Thiên Si, nhưng đối với thân thế lai lịch của bản thân, chàng lại không sao tìm ra được, đành buồn nản lang thang suốt cuộc hành trình, hễ mỗi lần ra tay giao đấu với ai, chàng bị dồn trong tình trạng bất đắc dĩ cả, bởi vậy mới nổi thêm biệt danh là Lãn Hiệp (hiệp sĩ lười). Trong cuộc hành trình từ Bắc xuôi Nam ấy, gặp Thượng Quan Linh lại được biết Lãnh điện tỉ thủ tái xuất hiện giang hồ, và giết hết trên mười người thân của Thượng Quan Linh tại Nhạc Châu, và cho rằng rất có thể là kẻ thù đã từng giết cha mẹ mình, hai bên đồng chung cảnh ngộ, thế là hai bên kết bạn tri giao.

Nhưng đám Hải Không tăng của Cửu Thiên Tự không hiểu vì đâu mà biết số của lớn lao của Hoàng Đảo nay lại nằm trên Mặc Phụ Sơn, lại biết luôn cả tên thiếu niên họ Hầu này có liên can mật thiết đến Độc chỉ Thôi Bác, đám tăng lữ này muốn chiếm được số kho tàng vĩ đại ấy, nhưng lại ngán sợ vị Đệ nhất cao thủ trong thiên hạ này, nên đã nghĩ ra một cách là theo để bắt cho được Hầu Hạo. Vì thế suốt dọc đường, Hầu Hạo mấy lần bị điêu linh, may mà chúng lại cần phải giữ mạng sống của Hầu Hạo để hòng còn dùng làm vật trao đổi kho tàng với Thôi Bác…

Còn Đông Phương Đình, chính là con gái của Chúa Hoàng Đảo Chu Thuần, tên là Chu Văn, thì ra trong lúc bị đám người áp giải ra quan ải đó, giữa đường anh mình được Thiên Si Tây Đạo cứu thoát, và đám người ấy đã đưa Chu Văn ra quan ải, sau được Đông Phương Tướng tìm ra tung tích, và đã dùng kế đoạt lại và đưa về miền Bắc, mai danh ẩn tiếng đổi luôn tên họ thành Đông Phương Đình. Nhưng kẻ có vết thẹo ngay mặt ấy, chẳng bao lâu đã tìm ra tung tích của Đông Phương Tướng, khiến cho Đông Phương Tướng và con trai là Đông Phương Kiệt lo đưa ngay Chu Văn đi trốn.

Đến sau Đông Phương Tướng biết khó duy trì tình thế, bèn căn dặn con trai Đông Phương Kiệt đưa em gái Đông Phương Đình về Nam để gặp Độc chỉ Thôi Bác che chở. Đông Phương Tướng sau khi bị chết về vết thương nặng tại miền Bắc, người con Đông Phương Kiệt bèn thay cha lo trách nhiệm hộ tống đưa Chu Văn về Nam. Suốt cuộc hành trình, đều gặp các tay giang hồ truy nã, và sau cùng là gặp được chàng Thượng Quan Linh trong tình trạng dở sống dở chết vì ngọn Phủ Chưởng Hàn, và sau khi nhờ được Thượng Quan Linh giải thoát thì Đông Phương Kiệt chết vì vết thương quá nặng.

Sau được Liễu Mi gánh vác trách nhiệm thay cho Thượng Quan Linh, trong lúc chàng đi tự tử, đưa ngay Chu Văn đi tìm người anh ruột, giữa đường, gặp Nam bút Gia Cát Dật tiên sinh, nghe nói Nhữ Nam đang có chuyện quan hệ của giới giang hồ và kết quả là anh em Hầu Hạo gặp nhau đoàn tụ…”

Tất cả đây, đều là những chuyện đã xảy ra từ trước đến nay, dưới sự đối chiếu của tất cả mọi người như Độc chỉ Thôi Bác, Hầu Hạo, Đông Phương Đình, Thượng Quan Linh, Liễu Mi, ai nấy đều rõ ràng nội bộ của câu chuyện.

Hầu Hạo và Đông Phương Đình sau khi nghe hết câu chuyện khá dài này, mới hiểu rõ thân thế lai lịch của hai anh em mình, anh tên gọi Chu Hoàng, em gái gọi Chu Văn, nghĩ đến cha chết vì chiếc Lãnh điện tỉ thủ mẹ mất vì uống độc dược, cha con Đông Phương Tướng đều bị hy sinh tính mạng vì em mình, nay Si đạo trưởng là ân sư không biết chuyện hung kiết ra sao? Và hiện nay không biết ở đâu? Hai anh em càng nghĩ càng khóc sướt mướt cho thân thế đầy bi thương của mình.

Đám Liễu Mi hết lời khuyên nhủ, Độc chỉ Thôi Bác luôn luôn thở dài ân hận vì suốt mười năm mình đã bỏ bê mọi việc, và tuyệt ý với nhân thế để trốn trách nhiệm của mình rồi âm thầm đau khổ theo mối hận tình mà suốt đời không thể làm sao quên nổi, để đến nỗi ngày nay gây nên: Thiên Si Tây Đạo mất tích, cha con Đông Phương Tướng bị hy sinh, anh em Chu Hoàng bơ vơ mãi bấy lâu, càng nghĩ càng thấy hận lòng, càng thấy mình có lỗi với cố nhân!