Chương 11: Song Đao Hợp Bích

Viên Nguyệt Loan Đao

Đăng vào: 2 năm trước

.

Năm nay Tạ Tiểu Ngọc mới mười bảy tuổi, chính là lúc tuổi niên hoa gấm vóc, đẹp như một đóa hoa tươi thắm.

Cô gái mười bảy tuổi, có ai muốn chết?

Tiểu Ngọc cũng không muốn chết, nhưng đến lúc cần phải chết, nàng cũng không sợ chết. Vì nàng là con gái Tạ Hiểu Phong.

Trong huyết quản nàng có giòng máu của Tạ Hiểu Phong. Thanh đoản kiếm nàng vừa rút ra là thần kiếm của Tạ gia.

Kiếm giết người, bất luận là giết người khác, hay giết tự mình cũng đều mau lẹ giống nhau. Nhưng kiếm không kịp đâm được vào tâm trạng của nàng, vì đao của Đinh Bằng còn lẹ hơn.

Đao quang chớp nháng, kiếm trong tay Tiểu Ngọc bị gạt bay lên cắm “Phập” vào cây xà ngang thủy các, chẳng khác cây đinh cắm vào miếng đậu hủ, kiếm không dài một thước ba tấc, ngập lút cán vào cây xà nhà bằng loại gỗ cứng như đá hoa cương, được đặc biệt chở từ Liễu Châu về để xây cất thủy các.

Tạ Tiểu Ngọc cũng bị oai lực một đao này chấn kinh, một lúc lâu nàng mới thốt nên lời :

– Tiểu nữ đã tự muốn chết, sao thiếu hiệp còn ngăn trở.

Đinh Bằng :

– Cô nương không đáng chết, cũng không thể chết!

Tạ Tiểu Ngọc nhìn Đinh Bằng trong cặp mắt mỹ lệ cảm tình rất phức tạp, không rõ là khâm phục hay cảm kích?

Một đao của Đinh Bằng, tuy đánh bay kiếm trong tay nàng, nhưng đã chinh phục được nàng. Con gái mười bảy tuổi, có ai không ngưỡng mộ anh hùng?

Thiết Yến phu nhân nhìn Tiểu Ngọc, rồi lại nhìn Đinh Bằng, đoạn cất tiếng cười lạnh :

– Ta đã rõ rồi!

Đinh Bằng hỏi :

– Lão phu nhân đã rõ gì?

Thiết Yến phu nhân :

– Muốn giết Tạ Tiểu Ngọc, phải giết ngươi trước.

Đinh Bằng đáp lão một cách rất ngắn gọn :

– Thế à!

Thiết Yến phu nhân lại nhíu mắt nhìn cây đao trên tay Đinh Bằng :

– Muốn giết ngươi, hình như không dễ.

Đinh Bằng :

– Đại khái không dễ lắm!

– Thanh đao cuả ngươi hình như cong cong.

– Hình như có hơi cong.

– Gần ba mươi năm nay, trong giang hồ hình như không có người dùng đao cong xuất hiện.

Đinh Bằng nói :

– Cần cổ tại hạ rất thẳng, thẳng như cần cổ mọi người khác, và cũng có thể chặt đứt được như thường.

Thiết Yến phu nhân :

– Gần ba mươi năm nay, trong giang hồ cũng chưa có ai được nhìn thấy Yến Tử song phi, song đao hợp bích của chúng ta.

Đinh Bằng :

– Phải chăng hôm nay tại hạ được nhìn thấy?

– Đúng.

– Người có thể nhìn thấy Yến Tử song phi, song đao hợp bích của hai vị mà còn sống, chẳng không có bao nhiêu.

– Hình như không có một ai!

Đinh Bằng cười cười :

– Nhưng hôm nay, không chừng tại hạ làm hai vị phải phá lệ một lần.

Thiết Yến phu nhân cũng cười cười :

– Ta cũng hy vọng như thế!

* * * * *

Thiết Yến phu nhân xoay mình một cái, chớp mắt đã đến cạnh trượng phu của bà, lúc xoay mình, eo lưng của bà ta vẫn mềm mại, nhu nhuyễn linh hoạt như eo lưng thiếu nữ.

Thiết Yến trưởng lão vẫn đứng yên, không chút biểu tình, nhưng đao đã đột nhiên nắm trên tay. Đao của lão ta cũng mỏng như cánh ve, nhìn phảng phất trong suốt, và có phần dài hơn đao của lão bà.

Mọi người ai nấy đều thụt lui, lui ra rất xa, và đều cảm thấy sát khí trên đao phát ra.

Thiết Yến phu nhân chợt nói nhỏ với chồng :

– Đao của hắn hình cong!

Thiết Yến trưởng lão :

– Trước đây chúng ta cũng đã giết qua người dùng đao cong!

– Vì những người dùng đao cong đó, khi xuất thủ cũng chém thẳng xuống…

– Chỉ có một người là ngoại lệ.

– May, hắn không phải là người đó.

– May, hắn không phải.

* * * * *

Lời đối đáp của vợ chồng Thiết Yến, người khác nghe hình như hoàn toàn vô nghĩa. Người khác nghe không hiểu, nhưng Đinh Bằng hiểu.

Đao cong đáng sợ, nhưng không tại bản thân của đao.

Đao cong xuất thủ, cũng cần chém thẳng xuống, bất luận là vật gì có độ cong tới đâu, khi rớt cũng thẳng xuống. Đó là định luật của vật thể, không ai có thể thay đổi.

Nhưng đao pháp của Đinh Bằng đã thay đổi định luật này, vì đao pháp của chàng không có ở nhân gian. Đao pháp của chàng là đao pháp của loài “Hồ”!

Tại sao vợ chồng Thiết Yến nói trên đời cũng có một người ngoại lệ?

Chẳng lẽ người đó cũng có thần thông giống “Hồ”, cũng có thể sử dụng một lực lượng xảo diệu để cải biến định luật vật thể.

Người này là ai?

Đinh Bằng đã không còn cơ hội để nghĩ thêm, vì trước mắt chàng đã có đao quang nháng lên, đao quang chói mắt như ánh điện chớp!

Yến Tử song phi, song đao hợp bích.

Vợ chồng Thiết Yến rõ ràng là hai người, hai thanh đao, nhưng trong một phút giây này, hai người hình như chợt hợp lại làm một, hai thanh đao cũng phảng phất đột nhiên biến thành một thanh.

Nếu lực lượng một đao của Thiết Yến phu nhân là năm trăm cân, thì lực lượng một đao của Thiết Yến trưởng lão cũng năm trăm cân. Như vậy, hai thanh đao hợp sức đánh ra, tất nhiên phải có lực lượng ngàn cân; đây cũng là định luật của vật thể. Nhưng trên đời cũng có những người có thể dùng phương pháp xảo diệu để cải biến định luật này. Song đao hợp bích cuả họ, lực lượng lại tăng gấp bội, vốn là lực lượng ngàn cân tăng thành hai ngàn cân. Lực lượng tăng gấp bội, đương nhiên tốc độ cũng tăng gấp bội. Đây cũng chưa phải là điểm rất đáng sợ của “Yến Tử song phi”.

Song đao hợp bích của họ, rõ ràng hai đao đã hợp thành một, nhưng lại phảng phất như từ hai hướng khác nhau chém tới. Rõ ràng đao họ chém nhằm bên phải, nhưng tránh sang phía trái không thoát, mà tránh sang phải cũng không xong. Đây muốn nói là chỉ cần Yến Tử song phi, song đao hợp bích, một khi ra tay, địch thủ sẽ không thể thoát chết! Song đao hợp bích, lực lượng tăng gấp bội, chẳng khác bốn vị cao thủ cùng hợp sức đánh tới. Đương nhiên địch thủ sẽ không cách nào đón đỡ. Song đao hợp bích, hợp thành một thể, không một sơ hở, xác thực một đao của họ chưa bao giờ thất thủ, nên họ tin tưởng lần này cũng không thể ngoại lệ.

Trong một thoáng, đao quang của họ nháng lên, đao của Đinh Bằng cũng đã xuất thủ.

* * * * *

Đao cong xuất thủ cũng cần chém thẳng xuống.

Đinh Bằng hình như cũng không ngoại lệ, một đao của chàng đánh ra, hình như cũng nhằm chém thẳng tới, nhưng một đao chém thẳng này, đột nhiên nháng lên một lằn đao quang cong cong.

Yến Tử song đao, đều thuộc loại bảo đao, thổi đứt sợi tóc, đao quang chói lọi như ánh điện chớp.

Đao của Đinh Bằng chỉ là loại đao phổ thông. Nhưng khi làn đao quang cong cong của chàng nháng lên, thì lằn đao quang chói lọi như điện chớp của Yến Tử song đao chợt kém hẳn nhan sắc.

Song đao hợp bích rõ ràng đã hợp thành một thể, không chút sơ hở.

Nhưng lằn đao quang cong cong chợt cong cong nhằm khoảng trung gian tiến tới, len vào vầng đao quang của Song yến. Chẳng ai nhìn rõ làn đao quang cong cong tiến tới như thế nào, chỉ nghe một tiến “keng” nhẹ. Kế đó, đao quang chói lọi như ánh điện chớp chợt tan biến vô hình, trong khi đao quang cong cong vẫn còn sáng chói vại lại cong cong xẹt đi một vòng.

Cuối cùng, tất cả đao quang đều tan biến; âm thanh sở hữu đều trầm lặng; động tác sở hữu đều ngưng hẳn.

Không khí chợt biến trầm lặng như cõi chết!

Đinh Bằng vẫn đứng đó lẳng lặng như trước, hình như không hề nhích động.

Nhưng đao trên tay chàng đã có nhuốm máu.

Vợ chồng Thiết Yến cũng đứng đó bất động, đao cũng vẫn trên tay, hình như chẳng có biến hóa gì. Nhưng trên mặt và trên cổ tay hai người đều có một vết đao chém, vết đao chém cong cong, giống hình vành trăng non.

Máu tươi từ từ thấm ra từ vết thương!…

Sắc mặt họ hình như cũng chẳng có gì thay đổi, chẳng qua chỉ lộ chút vẻ ngơ ngác, hình như một người chợt gặp chuyện không sao giải thích…

Thế rồi đột nhiên mọi sự biến hóa kinh người!

Vết đao chém cong cong mờ nhạt trên mặt hai vợ chồng Thiết Yến đột nhiên hé mở có thể nhìn thấu tận xương! Đao trên tay họ cũng đột nhiên rớt xuống, cả bàn tay cầm đao cũng rớt theo! Vây mà nét mặt họ vẫn không lộ vẻ đau đớn, vì nỗi sợ hãi đã khiến họ quên cả đau đớn. Không ai có thể hình dung được sự hãi sợ lộ trong ánh mắt họ.

* * * * *

Họ sợ, chẳng phải sợ người có thể một đao hủy họ, họ sợ là thanh đao trong tay người đó. Cây đao cong cong.

Đao không đáng sợ.

Một người nếu sợ một cây đao, thông thường vì họ sợ người dùng cây đao, sợ đao pháp của người đó, sợ người đó dùng đao giết họ.

Nhưng họ sợ đây lại là sợ cây đao ấy.

Bản thân cây đao hình như có kèm theo một sự khiếp hãi gì có thể vò xé linh hồn họ. Sự khiếp hãi này chẳng những khiến họ quên đau đớn, mà còn khích động một tiềm lực kỳ dị nào đó trong sinh mệnh họ. Cho nên huyết nhục trên mặt họ đã bị chém xả ra, một bàn tay tuy đã bị chặt đứt, mà họ vẫn không ngã xuống. Hình như họ không biết rằng mình đã bị thương, bàn tay đã bị chặt.

Sự khiếp hãi đó hình như một bàn tay vô hình, chận bóp cổ họng họ!

Không ai lên tiếng, thậm chí có người muốn ngộp thở.

Người lên tiếng thứ nhất lại là Thiết Yến trưởng lão, từ trước giờ không nói năng. Ông ta nhìn chằm chằm cây đao trên tay Đinh Bằng, chợt hỏi :

– Ngươi dùng cây đao cong?

Đinh Bằng :

– Phải, có hơi cong.

Thiết Yến trưởng lão :

– Chẳng phải chỉ hơi cong, mà ngươi dùng cây đao cong thực sự.

Đinh Bằng :

– “Hả?”

Thiết Yến trưởng lão :

– Trên trời dưới đất, xưa qua nay lại, chỉ có một người có thể dùng loại đao này.

Đinh Bằng :

– “Hả?”

– Ngươi chẳng phải người đó.

– Tại hạ vốn chẳng phải, tại hạ là tại hạ.

– Cây đao ngươi dùng cũng chẳng phải đao của người ấy.

– Đao này vốn là của tại hạ.

Thiết Yến trưởng lão :

– Trên đao của ngươi không có chữ. Ông ta đã nhìn cây đao rất lâu, rất kỹ, với ánh mắt như cú vọ.

Đinh Bằng :

– Trên cây đao này đáng lý phải có chữ hả?…

Thiết Yến trưởng lão :

– Có bảy chữ.

Đinh bằng :

– Bảy chữ gì?

Thiết Yến trưởng lão gằn từng tiếng một :

– “Đêm xuân lầu vắng nghe mưa rơi!”

* * * * *

Đêm xuân lầu vắng nghe mưa rơi.

Trên cây đao cong của Thanh Thanh, quả thực có bảy chữ này.

Bảy chữ này chẳng qua chỉ là một câu thơ, một câu thơ ý rất đẹp, gợi người nghe mối khinh sầu man mác bất tận. Nhưng Thiết Yến trưởng lão nói ra bảy chữ này, trong giọng nói lại chỉ có sự khiếp hãi, một sự khiếp hãi gần như kính uý. Một sự kính uý, chỉ khi nhân loại đối diện với quỷ thần mới có.

Trong câu thơ này chẳng có chút khiến người khiếp hãi.

Đinh Bằng nhớ lại lúc mới gặp Thanh Thanh, thấy một lão nhân râu dài mặt kim bào lúc nói ra câu thơ này cũng có tình cảm giống như Thiết Yến trưởng lão bây giờ.

Đối với một câu thơ rất phổ thông, tại sao họ đều có phản ứng rất đặc biệt như vậy?

Phải chăng giữa họ có một liên hệ thần bí gì?

Tại sao họ biết trên cây đao cong của Thanh Thanh có câu thơ này?

* * * * *

Thiết Yến trưởng lão lại hỏi :

– Trước đây ngươi có nghe qua bảy chữ này không?

Đinh Bằng :

– Tại hạ có nghe qua, đây là một câu danh thi đã truyền tụng từ lâu.

– Ngươi có biết ý nghĩa câu thơ bảy chữ đó không?

– Tại hạ biết.

Cặp mắt Thiết Yến trưởng lão chợt sáng lên, gặng hỏi :

– Quả thật ngươi biết?

Đinh Bằng đáp :

– Ý nghĩa câu thơ nói, trong một đêm xuân, có một người buồn tịch mịch ngồi một mình trên căn lầu nhỏ, lặng nghe tiếng mưa đêm.

Thiết Yến trưởng lão lắc đầu lia lịa, lẩm bẩm :

– Không đúng, không đúng, hoàn toàn không đúng.

Đinh Bằng hỏi :

– Chẳng lẽ trong câu thơ này còn có hàm ý khác?

Thiết Yến trưởng lão :

– Bảy chữ này nói về một người…

Đinh Bằng :

– Người nào?

Thiết Yến trưởng lão :

– Một thân nhân thiên hạ vô song; một thần đao thiên hạ vô song.

Ông ta lại lắc đầu tiếp :

– Không đúng, không đúng, ngươi tuyệt không nhận biết người này!

Đinh Bằng :

– Tại sao trưởng lão biết tại hạ không quen biết người này?

Thiết yến trưởng lão :

– Vì người ấy đã không còn sống trên đời này nữa, ông ấy đã không còn trên nhân thế, khi người chưa ra đời. Ông ta chợt lại lớn tiếng :

– Nhưng một đao ngươi sử dụng vừa rồi, lại chính là đao pháp của người ấy.

Đinh Bằng ngạc nhiên :

– “Hả”?

Thiết yến trưởng lão :

– Trên trời dưới đất, xưa qua nay lại, chỉ có người ấy mới có thể sử dụng một đao đó.

Đinh Bằng :

– Ngoài người ấy, còn một người nữa.

Thiết yến trưởng lão vội hỏi :

– Ai?

Đinh Bằng đáp :

– Tại hạ.

Thiết yến trưởng lão buông tiếng thở dài :

– Không sai, ngoài người ấy ra, còn có ngươi, rốt cuộc ngươi là người gì?

Tại sao có thể dụng được một đường đao đó?

Đinh Bằng :

– Tại sao tại hạ phả trả lời câu hỏi này?

– Nhất định ngươi phải nói, chỉ cần ngươi nói cho ta hay, ta tình nguyện chết ngay.

– Tại hạ không nói cũng có thể giết được các hạ.

– Ngươi không thể giết ta.

– Tại sao không thể?

– Chẳng những ngươi không thể giết ta, mà khắp thiên hạ cũng không ai có thể giết ta!

Ông ta còn một tay. Ông ta đột nhiên lấy từ trong mình ra một tấm thẻ bài sắt màu đen, giơ lên cao, lớn tiếng :

– Ngươi coi đây là cái gì?

* * * * *

Đây chẳng qua chỉ là tấm thẻ bài bằng sắt mà thôi, Đinh Bằng thực không nhìn ra điểm đặc biệt gì.

Nhưng Nam Cung Huê Thụ đã biến sắc, đứng dậy, cặp mắt lộ vẻ kính úy, kinh kỳ, như một người kính thần, đột nhiên nhìn thấy thần kỳ của mình.

Thiết yến trưởng lão quay nhìn Nam Cung Huê Thụ :

– Ngươi nhất định biết đây là cái gì?

Nam Cung Huê Thụ :

– Biết, đương nhiên tại hạ biết.

– Ngươi nói!

– Đây là tấm miễn tử thiết lệnh, được anh hùng thiên hạ công nhận năm xưa. Đó là Thần Kiếm sơn trang, cùng ba đại môn phái trong giang hồ, bốn đại kiếm phái và tứ đại thế gia liên danh yêu cầu thiên hạ thừa nhận, chỉ cần có tấm miễn tử lệnh này, bất luận người cầm nó làm ra chuyện gì, thiên hạ anh hùng đều miễn chết cho người đó.

Tôn Phục Hổ lớn tiếng :

– Đó là giả, nhất định là giả.

Nam Cung Huê Thụ đính chính :

– Nhất định không giả, tuyệt đối không giả!

Tôn Phục Hổ :

– Thần Kiếm sơn trang và bảy đại kiếm phái đều là tử địch của Ma giáo, tại sao miễn tử thiết lệnh lại ở trên mình của Ma giáo trưởng lão được?

Nam Cung Huê Thụ :

– Trong đó đương nhiên có nguyên nhân.

Tôn Phục Hổ :

– Nguyên nhân gì?

Nam Cung Huê Thụ :

– Ta không thể nói ra, nhưng ta biết rõ khối thiết lệnh này nhất định không phải giả.

Sắc mặt Nam Cung Huê Thụ trở nên nhợt nhạt, tiếp từng tiếng một :

– Hôm nay, nếu quả có ai dám giết ông ấy, lập tức sẽ trở thành tử địch cuả Thần Kiếm sơn trang, bảy đại kiếm phái và tứ đại thế gia; trong vòng bảy ngày, tất sẽ chết không sai!

Nam Cung Huê Thụ nói xong mấy lời này, liền tung mình vọt qua cửa sổ, đi thẳng không quay đầu nhìn lại. Vợ chồng Thiết Yến và Đinh Bằng không ngăn cản; người khác cũng chẳng ai có thể cản được… Thân mình ông ta lướt đi, lên xuống mấy lần rồi biệt dạng trong đêm tối. Ông ta phải chạy đi cho lẹ, sợ có người buột phải nói ra điều bí mật, điều bí mật này tuyệt đối không thể nói ra được.

Thiết yến trưởng lão :

– Bình sinh ta giết người vô kể, hiện tại tuy chỉ còn một tay để có thể giết người, hôm nay nếu ta chưa chết, những người có mặt ở đây, sớm muộn cũng từng người, từng người chết dưới đao của ta, các người sẽ ngày nào, đêm nào cũng nơm nớp lo sợ đề phòng bị ta đến giết, lúc các ngươi tỉnh dậy trong giấc ngủ, không chừng đã biến thành con quỷ không đầu!

Ông ta nói rất chậm từng tiếng, mỗi tiếng đều như một lời nguyền rủa tà ác.

Mọi người ai nấy đều nghe lọt từng lời, từng tiếng của Thiết Yến lão đầu vào tai, và đều rùng mình sởn gai óc. Ai cũng đều biết rõ, lão ta là người đã nói ra, tất có thể làm được.

Thiết Yến trưởng lão tiếp :

– Cho nên, đêm nay các ngươi tuyệt không thể để ta rời khỏi đây, nhưng rất tiếc, các ngươi lại chẳng thể giết ta.

Chẳng ai có thể phủ nhận điểm này, vì không ai muốn trở thành kẻ địch của Thần Kiếm sơn trang và bảy đại kiếm phái.

Thiết Yến trưởng lão tiếp :

– Nhưng tự ta có thể giết được ta.

Lão nhìn Đinh Bằng tiếp :

– Chỉ cần ngươi nói bằng cách nào ngươi sử dụng được một đao chiêu này, ta lập tức chết ngay tại đây. Lão ta dám không tiếc dùng tính mệnh của mình để đổi lấy điều bí mật này.

Đao pháp của Đinh Bằng luyện thành bằng cách nào? có quan hệ gì với lão ta? Tại sao lão nhất định phải biết?

Ai nấy đều hy vọng Đinh Bằng nói ra.

Mọi người đều có lòng hiếu kỳ, chính chuyện này đã tạo thành lòng hiếu kỳ của mọi người. Và mọi người cũng đều hy vọng Thiết Yến chết cho lẹ.

Thiết Yến trưởng lão lại hỏi :

– Ngươi có chịu nói không?

Đinh Bằng :

– Không nói! Chàng trả lời rất gọn gàng, đơn giản và chắc như đinh đóng cột!

Thiết Yến trưởng lão gằn giọng :

– Ngươi thực không chịu nói?

Đinh Bằng thản nhiên :

– Các hạ giết không được tại hạ, nhưng tại hạ có thể giết các hạ bất cứ lúc nào, hôm nay, tại hạ miễn chết cho các hạ, nhưng kể từ nay trở đi, nếu các hạ giết thêm một người nào khác, tại hạ sẽ lấy mạng các hạ lập tức.

Chàng từ từ nói tiếp :

– Một tấm miễn tử thiết lệnh, chỉ có thể cứu các hạ một lần, tại hạ bảo đảm, lần sau sẽ không ai cứu nổi các hạ, dù đích thân Thần Kiếm sơn trang Tạ trang chủ đến, tại hạ cũng giết các hạ trước rồi tính sau.

Những lời này Đinh Bằng nói rất chậm và rõ ràng từng tiếng một, mỗi tiếng đều có uy lực khiến người nghe phải tin mà không thể kháng cự.

Trong một thời gian thoáng mắt này, một gã tuổi trẻ ôn hòa, bỗng dưng như biến thành một người khổng lồ cao mươi trượng.

Trong ánh mắt Tạ Tiểu Ngọc lại lộ vẻ vô cùng phức tạp.

Sự biểu hiện trong cặp mắt Thiết Yến trưởng lão hoàn toàn khác Tạ Tiểu Ngọc. Trong cặp mắt lão ta hình như tóe ra một ngọn lửa, một lưỡi độc đao, một con độc xà, và một lời nguyền rủa độc của loài ma quỷ!

Đinh Bằng nói :

– Tại hạ khuyên các hạ nên đi ngay bây giờ tốt hơn.

Thiết Yến trưởng lão :

– Đương nhiên ta đi, nhưng còn một việc ta nhất định phải nói cho ngươi biết.

Đinh Bằng :

– Các hạ nói!

Thiết Yến trưởng lão :

– Không cần biết ngươi học được đao pháp đó từ đâu, ắt sau này sẽ đến cho ngươi tai hoạ vô cùng tận.

Ánh mắt lão ta lại lóe lên thâm độc hơn, nói tiếp :

– Cho dù ngươi có thể dùng đao pháp đó tung hoành thiên hạ, tai họa sẽ vĩnh viễn bám theo ngươi, từng ngày từng đêm, từng giờ từng khắc; dù ngươi có thể dùng đao pháp đó để đoạt được danh tiếng vô song thiên hạ, nhưng suốt đời ngươi sẽ sống trong sự bi thương thống khổ, và cuối cùng sẽ thương tâm mà chết.

Đoạn lão ta chợt ngửa mặt lên trời, lớn tiếng gào thét :

– Có thần ma ác quỷ trên trời dưới đất làm chứng, đây là mệnh vận suốt đời của ngươi.

Quả là lời nguyền rất ác độc của lão ta.

* * * * *

Gió lạnh căm căm thổi trên mặt băng trì; trong vùng đen tối, cũng không rõ có bao nhiêu yêu ma ác quỷ nghe lời nguyễn rủa độc ác của lão Thiết Yến.

Sau đó, vợ chồng lão cùng lao mình và màn đêm tối âm u như một màn độc huyết cùng với những bầy ma quỷ.

Đinh Bằng lẳng lặng đứng nghe, với thái độ rất bình tĩnh và an tường.

Tạ Tiểu Ngọc bỗng chạy tới, nắm lấy tay chàng, nói :

– Thiếu hiệp đừng nghe những lời dối trá của họ.

Bàn tay nàng lạnh giá, nhưng giọng nói nàng êm ấm như xuân thủy :

– Những lời nói ma quỷ đó, thiếu hiệp chớ nên để một tiếng nào lọt vào tai, và tin tưởng là thực.

Đinh Bằng trầm ngâm một lúc, mới chậm rãi :

– Lời nói của ma quỷ cũng đôi lúc rất linh nghiệm.

Nghe chàng nói, bàn tay Tạ Tiểu Ngọc càng lạnh giá, lạnh đến độ run rẩy.

Đinh Bằng nhìn nàng, chợt cười cười :

– Những lời nói của họ tại hạ đều chẳng tin một tiếng, vì lời họ nói không phải lời ma quỷ; họ là người không phải quỷ.

Tạ Tiểu Ngọc cũng cười. Giọng nói của nàng rất êm ái :

– Cho dù họ có là quỷ thật, tiểu nữ tin rằng thiếu hiệp cũng không sợ chúng; tiểu nữ cũng tin rằng dù trên trời hay dưới đất, chẳng có chuyện gì khiến thiếu hiệp phải sợ hãi.

* * * * *

Trong thiên hạ có gì sánh được bằng lời tán thưởng của một thiếu nữ mười bảy tuổi, đối với một nam nhân dưới mắt nàng coi là anh hùng.

Nam nhân đó lại chính là người được nàng tán thưởng là anh hùng.

Mà nàng lại chính là một thiếu nữ xinh đẹp tuyệt vời.

Nhưng Đinh Bằng không vì những điểm này mà say đắm sa ngã.

Chàng tuy là một nam nhân, nhưng khác với những nam nhân thường tục.

Chàng có một “Hồ thê” Thanh Thanh; Thanh Thanh so với Tiểu Ngọc cũng mỹ lệ như nhau, cũng ngây thơ trong trắng như nhau.

Sự tán thưởng của Thanh Thanh đượm trong ánh mắt bằng sự tín nhiệm và không lời, khác với Tạ Tiểu Ngọc dùng lời nói để biểu lộ. Đối với cái trò này, chàng đã nghe và thấy và còn ghê tởm nữa. Huống chi chàng còn có một sự đau đớn ngầm ẩn giấu tận đáy lòng. Đó là chuyện thê tử của Liễu Nhược Tùng, một nữ nhân hóa danh là Khả Tiếu, chẳng khác một con mẩu cẩu ty tiện. Cũng dùng một vẻ ngây thơ trong trắng của thiếu nữ, để lừa dối chàng và hủy hoại tiết tháo cao quý của chàng.

Vì vậy, nét cười của chàng đột nhiên ngưng đọng, giọng nói cũng ngưng đọng, chàng lạnh lùng rút khỏi tay nắm của Tạ Tiểu Ngọc, lạnh lùng nói :

– Cô nương có phải là con gái Tạ Hiểu Phong thực không?

Tạ Tiểu Ngọc giật mình nhìn Đinh Bằng, không rõ vì nguyên nhân gì, một nam nhân như chàng đột nhiên biến thành lạnh nhạt như vậy. Nàng chỉ biết run rẩy đáp :

– Phải… Phải…!

Vẻ mặt của Đinh Bằng càng lạnh lùng hơn :

– Nhưng người khác đều nói Tạ Hiểu Phong không có con cái?

Tạ Tiểu Ngọc cười nói :

– Gia phụ hành sự rất ít người biết, Thần Kiếm sơn trang lại càng ít người có người bước tới, người khác làm sao biết được?

Đinh Bằng cười lạnh :

– Tam thiếu gia Tạ gia, danh vang thiên hạ, tự nhiên không thường qua lại với bọn thường tục.

Tạ Tiểu Ngọc chợt như hiểu ra, bèn cười nói :

– Có phải thiếu hiệp bực bội vì gia phụ không đáp ứng lời mời của thiếu hiệp chăng?

– Không dám, tại hạ chỉ thuận tiện gởi người một tấm thiệp thôi, chớ không có ý người hạ cố thiệt.

Tạ Tiểu Ngọc :

– Điểm này xin thiếu hiệp thứ lỗi cho gia phụ; đã nhiều năm rồi, gia phụ từ chối những cuộc thù tạc, cả những bạn bè thân nhiều năm, gia phụ cũng tránh mặt.

Tới đây, nàng lại lộ nét tươi cười rất ngây thơ, nói tiếp :

– Nhưng tiểu nữ muốn đến đây, gia phụ cũng không ngăn cản mà còn nhờ Thương Chấn bảo chủ cùng Điền Nhất Phi đi theo để bảo vệ tiểu nữ, như vậy đủ thấy gia phụ rất tôn trọng thiếu hiệp.

Đinh Bằng cười lạnh :

– Ông ta nên tôn trọng là phải, vì ông ta phái người đi theo bảo vệ cô nương, chẳng những bảo vệ không nổi, còn gây thêm rắc rối, nếu không có một kẻ tầm thường như tại hạ, vô tình đắc tội với hai vị Ma giáo trưởng lão, mà ai thấy cũng sợ, để rồi cứu được con gái ông ta, từ trong tay Thiết Yến song phi.

Ánh mắt Tạ Tiểu Ngọc lại sáng ngời, nói :

– Thiếu hiệp chẳng những đã cứu được tiểu nữ, còn đánh bại Thiết Yến song phi, gia phụ biết chuyện này, nhất định sẽ cho là một hành động phi thường đáng kể.

Nàng lại mau lẹ thêm một câu :

– Đương nhiên gia phụ cũng sẽ rất cảm kích thiếu hiệp.

Đinh Bằng vẫn lạnh lùng :

– Nếu ông ta rất cảm kích tại hạ, thì ông ta thiếu tại hạ một tiếng cảm ơn; còn như ông ta cho rằng tại hạ chẳng đến nỗi nào, thì ông ta sẽ thiếu tại hạ một trận quyết đấu.

Tạ Tiểu Ngọc ngạc nhiên hỏi :

– Thiếu hiệp muốn tìm gia phụ quyết đấu?

Đinh Bằng vẫn cười lạnh :

– Từ khi Tam thiếu gia Tạ gia bắt đầu xuất đạo giang hồ, đã luôn tìm các kiếm thủ đã thành danh khắp thiên hạ để quyết đấu, đã đánh bại hầu hết các đối thủ, tạo thành uy danh hiển hách cho Thần Kiếm sơn trang.

Tạ Tiểu Ngọc vội bào chữa :

– Tên Thần Kiếm sơn trang không phải bắt đầu từ tay gia phụ.

Đinh Bằng :

– Nhưng các vị tổ tiên của cô nương, không nổi danh bằng lệnh tôn, ông ta đã đánh bại kẻ khác mới được nổi danh; bỡi vậy ông ta cũng không có quyền cự tuyệt người khác đến khiêu chiến.

– Gia phụ sẽ không quyết đấu với thiếu hiệp, vì thiếu hiệp chẳng phải là một tay kiếm thủ.

Tạ Tiểu Ngọc cảm thấy nói câu nói này không đẹp, nên vội nói thêm :

– Dù cho Thiếu hiệp có là một kiếm thủ rất cao minh, gia phụ cũng sẽ không quyết đấu với thiếu hiệp. Từ sau lần đấu kiếm cuối cùng với Yến Thập Tam, gia phụ đã nói sẽ không đấu kiếm với ai nữa.

* * * * *

Cuộc so kiếm cuối cùng giữa Tạ Hiểu Phong và Yến Thập Tam, chỉ có một vị Tạ chưởng quỹ có mặt tại chỗ, nhưng Tạ chưởng quỹ lại không phải người lắm chuyện, ông ta không hề nhắc tới chuyện được thua của trận chiến này.

Nhưng ai nấy đều rõ trận chiến đó, Tạ Hiểu Phong đã thua.

Tuy nhiên, điều đó không ảnh hưởng gì đến thịnh dư Vô Địch Kiếm Thần Tạ Hiểu Phong, cũng không ảnh hưởng gì đến oai danh của Thần Kiếm sơn trang.

Một kiếm thủ, dù sao cũng có vài lần thất bại; thất bại chẳng xấu gì, huống chi người thắng trong cuộc chiến đó là Yến Thập Tam lại tự sát. Nguyên nhân tự sát của Yến Thập Tam là vì muốn hủy diệt chiêu kiếm đã đánh bại Tạ Hiểu Phong. Chiêu kiếm đó là một chiêu kiếm rất ác sát, chẳng thể lưu lại nhân gian được.

Yến Thập Tam chết rồi, đem theo chiêu kiếm đó, cho nên Tạ Hiểu Phong vẫn là một kiếm thủ tối cao, độc nhất vô nhị của nhân gian.

Điều này chính Tạ Hiểu Phong sau này đã thuật lại với mấy người bạn thân.

Người được kể là bạn thân với Tạ Hiểu Phong, đương nhiên phải là người có danh tiếng vinh dự rất cao trong võ lâm. Cũng do đó mà những lời do họ thuật lại, chẳng có ai hoài nghi.

* * * * *

Nhưng đối với Đinh Bằng, lời giải thích này không vừa ý.

Nên chàng lạnh lùng cười :

– Dưới kiếm lệnh tôn, đã giết rất nhiều cao thủ, họ chẳng phải đều là kẻ dùng kiếm, vì vậy lệnh tôn cũng không có lý do nào để cự tuyệt tại hạ dùng cây đao cong này để khiêu chiến.

Tạ Tiểu Ngọc cũng không biết phải trả lời như thế nào. Đinh Bằng cũng không có ý muốn nàng phải trả lời, nên chỉ lạnh lùng tiếp :

– Cô nương cứ về cho lệnh tôn hay, tại hạ sẽ đợi ông ta mười ngày, trong mười ngày đó, nếu ông ta đích thân tới đây xin lỗi và cảm tạ tại hạ, có thể chúng ta sẽ trở thành bằng hữu….

Câu nói này khiến mọi người đều thất sắc, vì khẩu khí quá cuồng vọng.

Trong đời Tạ Hiểu Phong ít có bạn hữu, thậm chí có thể nói không có người bạn nào, đây chẳng những ông ta là người ít giao thiệp bạn bè, mà còn vì ông ta là một kiếm thủ vô địch thiên hạ đệ nhất.

Kiếm ông ta là Thần trung kiếm; người ông ta là Thần trung nhân.

Một người đứng trên đỉnh cao tuyệt, tất nhiên là cô độc.

Mọi người đều thấy một đao chiêu của Đinh Bằng chặt đứt bàn tay của Ma giáo trưởng lão Thiết Yến song phi, tuy họ không nhìn rõ đao chiêu đó, thậm chí có người còn không thấy gì, chỉ thấy Thiết Yến song phi bị rớt đao, rớt theo cả bàn tay cầm đao.

Chỉ một đao, một đao chiêu.

Mọi người tại đây cũng chưa ai đã nhìn thấy Tạ Hiểu Phong xuất kiếm, và họ cũng không dám khẳng định là thần kiếm của Tạ Hiểu Phong có thể làm được như vậy hay không?

Cho nên Đinh Bằng đã đủ tư cách nói ra câu vừa rồi; và sau này, Đinh Bằng nói ra điều gì, họ đều không kinh lạ.

Đinh Bằng nói :

– Sau mười ngày, ông ta không tới, tức là ông ta có ý muốn cùng tại hạ quyết đấu, tại hạ sẽ mang đao tìm đến Thần Kiếm sơn trang!

Tạ Tiểu Ngọc nuốt nước miếng ừng ực, e dè ngập ngừng :

– Đinh… Đinh công… Đinh đại hiệp, về việc này… tiểu nữ…

Đinh Bằng không chờ nàng dứt lời, ngắt ngang :

– Cô nương chỉ việc trở về nói lại với lệnh tôn được rồi, hiện giờ tại hạ tin rằng không ai dám làm hại cô nương nữa, cô nương có thể đi được rồi.

Dứt lời, chàng quay mình đi ra phía sau thủy các, bỏ lại tân khách đầy ngỡ ngàng; bỏ lại Tạ Tiểu Ngọc đứng ngây thơ ngơ ngác.

Bọn đầy tớ quần áo chỉnh tề, bắt đầu thu dọn bàn tiệc.

Tuy tiệc rượu mới tiến hành nửa vời, thức ăn cũng chỉ mới dọn được vài món, nhưng buổi yến tiệc tại Viên Nguyệt sơn trang đã kết thúc.

* * * * *

Liễu Nhược Tùng lấy thân phận là đệ tử, đứng trước cửa tiễn khách, ân cần chào đón.

Mọi người hầu hết đều khinh dễ, không ai để ý tới hắn. Liễu Nhược Tùng cũng đã từng là nhân vật phong vân nhất thời, nhưng lúc này, hầu như đã xóa nhòa hết trong ký ức mọi người.

Liễu Nhược Tùng hình như chẳng quan tâm đến sự lạnh nhạt của người khác, vẫn cười cười nói nói, chào người nọ, tiễn người kia, chẳng phân biệt quen hay không quen, hắn ra vẻ như rất mãn ý với địa vị mới của mình.

Làm đệ tử của Đinh Bằng hắn coi hình như có vẻ vinh quang hơn làm Đaị Hiệp trang chủ. Đương nhiên hắn chẳng phải là con người vĩ đại, nhưng có thể là một người rất hiếm có, rất hiếm có, trăm ngàn năm nay, mới chỉ có một người hắn làm được như vậy mà thôi.

* * * * *

May, cũng chỉ có một người như hắn.

Mọi người khi dời khỏi Viên Nguyệt sơn trang, trong lòng đối Liễu Nhược Tùng tuy khinh bỉ, nhưng cũng có đôi phần kính phục.

Đại trượng phu năng khuất năn thân, câu này mọi người từng nói; họ đã thấy lúc Liễu Nhược Tùng hiên ngang hiển hách, khí thế hơn đời. Nhưng họ cũng không ngờ Liễu Nhược Tùng lại có thể tự mình khuất nhục như vậy.

Một loại người như Liễu Nhược Tùng, quả thực muốn tự mai một, khuất nhục như vậy mãi mãi hay sao? Trăm lần không, ngàn lần không. Con người này thật đáng sợ, so với Thần Kiếm Tam thiếu gia Tạ Hiểu Phong, mà Ma đao Đinh Bằng mới quật khởi còn có phần hơn chớ không kém. Đây là điều mà bảy, tám mươi phần trăm số người hiện diện vừa qua đều nghĩ như vậy. Số hai mươi phần trăm người còn lại, sau khi dời khỏi Viên Nguyệt sơn trang, đều có cảm giác muốn nôn mửa. Có điều họ không nôn mửa, vì trong buổi tiệc họ chẳng được ăn uống bao nhiêu.

Tuy vậy, ai nấy đều rất thỏa mãn, rất vui vẻ với chuyến đi, vì thu hoạch của buổi tiệc chẳng phải là chuyện ăn uống, mặc dầu tiệc đãi khách của Đinh Bằng đều được các đầu bếp nổi tiếng nấu đủ các món trân hào hải vị hiếm có.

Không ai được thưởng thức đầy đủ các món ăn trân quý đó, vì trong bụng họ đã no đầy sự khẩn trương và kích thích.

Ai nấy đều thỏa mãn, cả người đã chết trong Viên Nguyệt sơn trang cũng vậy. Trong việc chôn cất các người bị chết, Đinh Bằng lại biểu hiện sự hào hoa phóng khoáng của chàng.