Chương 22: Kí sự lưu lạc (1)

Tơ Đồng Rỏ Máu

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Nhà phúc lợi nhi đồng thành phố Giang Kinh có tên cũ là Cô nhi viện Giang Kinh, thời xa xưa nó là Cô nhi viện Đức Bà do giáo hội tổ chức ra, nằm ở tô giới Pháp cũ, thuộc khu Văn Viên, cách Đại học Giang Kinh không xa, hơi chếch bên kia là nhà thờ lớn của Thiên chúa giáo. Vào ngày cuối tuần, nhà phúc lợi tấp nập khác thường, nhiều nam nữ thanh niên tình nguyện, có vẻ như sinh viên, nhân ngày nghỉ đến làm từ thiện thì phải.

Để ông Trần Ngọc Đống tạm đứng chờ, Na Lan bước đến cổng nhà phúc lợi. Một sinh viên đeo kính trắng tươi cười hỏi, “Em là tình nguyện viên của trường nào? Đánh dấu vào tờ danh sách này đi!”

Thì ra mình vẫn bị đàn em nhìn nhầm là sinh viên lớp dưới, cô hơi đắc ý. Nhưng chợt nhớ ra mấy năm nay sinh viên Đại học Giang Kinh toàn gọi các bạn gái như thế, dù hơn hay kém tuổi, cô bèn mỉm cười, “Anh có quen những người làm ở nhà phúc lợi không?”

Anh ta nói, “Tôi ở hội sinh viên Đại học Y Giang Kinh, đã tổ chức hoạt động tình nguyện ở đây ba năm, rất quen biết nhà phúc lợi.”

“Anh có biết ai là nhân viên lâu năm ở đó không?”

“Sao lại hỏi… cô làm công tác gì?”

Na Lan khẽ nói, “Tôi ở Sở Công an.”

Anh sinh viên lắp bắp, “Chà… tôi không… không nhận ra.”

“Tôi nghe đây.”

Anh ta nghĩ ngợi rồi nói, “Nhân viên thâm niên nhất ở đó có lẽ là chị Triệu.”

Na Lan cau mày, “Chị Triệu?”

“Đúng mọi người đều gọi bà ấy như thế… à tôi quên chưa nói, gọi là chị Triệu nhưng thật ra là một bà già đã ngoài 80.”

“Thì ra là vậy.” Na Lan hơi thất vọng. “Tức là đã nghỉ hưu, đi đâu tìm bà ấy đây?”

Anh ta cười, “Ở ngay nhà phúc lợi. Bà ấy là cựu giám đốc, về hưu vẫn ở lại. Nghe nói bà ấy vốn là trẻ mồ côi được các xơ ở Cô nhi viện Thiên chúa giáo nuôi dạy. Không có nhà riêng. Cô nhi viện là nhà của bà ấy.”

Vừa gặp ông Mễ Dũng Liên ngoài 80 tuổi, giờ lại đi gặp chị Triệu ngoài 80 tuổi, Na Lan cảm thấy hôm nay là ngày của các cụ già thì phải! Nghe sinh viên kia kể, sau khi nghỉ hưu bà Triệu vẫn ở lại nhà phúc lợi cũng vì bà không thể xa đám trẻ mồ côi. Nhà phúc lợi chăm sóc bà chu đáo, để bà tiếp tục sử dụng căn buồng xép đã ở mấy chục năm.

Căn buồng bé tẹo, kê cái giường và bộ bàn ghế, ngoài ra chỉ còn chỗ cho ba người vừa khéo chứa được thêm Na Lan va Trần Ngọc Đống. Khuôn mặt bà Triệu đầy nếp nhăn của một người già đã trải bao phong sương suốt tám mươi năm, nhưng bà vẫn tỉnh táo xởi lởi, nói năng rành mạch. Lưng hơi còng nhưng động tác cử chỉ vẫn gọn ngàng dứt khoát, xem chừng là người rất tháo vát. Miệng nói, tay thi thoảng mân mê cây thánh giá trước ngực. Bà dẫn cả hai ra sân, vừa đi vừa nói chuyện.

Trần Ngọc Đống nói ý định của mình.

Bà Triệu băn khoăn, “Ngày trước không biết quản lý hồ sơ một cách khoa học, nên tư liệu về bọn trẻ mồ côi hơi lộn xộn, lại trải qua mấy lần biến động… tư liệu cách đây năm mươi năm chắc chắn là không còn nữa.”

Na Lan đưa ra bức họa khuôn mặt Mễ Trị Văn của Sở Công an làm. “Bà còn nhớ người này không?” Cô đành thử vận may, dù biết rằng bà đã từng thu nhận nuôi dưỡng vô số trẻ mồ côi.

Bà Triệu mỉm cười, “Tôi vẫn nhớ những đứa trẻ đã từng ở cô nhi viện này.” Bà cầm bức họa, rồi sờ túi áo lấy cặp kính lão ra nhìn một lúc, nét cười trên mặt phai dần. Na Lan hỏi, “Bà nhận ra người này à?”

“Mễ Trị Văn.” Bà thở dài. “Mấy năm trước nghe nói nó phạm tội, hình như là cưỡng dâm giết người.”

“Nhưng chưa thành,” Na Lan bổ sung một chi tiết khách quan. “Xem ra, ảnh máy tính tái tạo khá chính xác. Trí nhớ của bà cũng rất tốt nữa.”

“Có những đứa trẻ có đặc điểm gì đó, nên càng dễ nhớ. Mễ Trị Văn… nó rất gầy, nhưng không phải vì ăn uống thiếu chất. Hình như hoàn cảnh gia đình nó không hay mấy. Không hiểu sao lại gầy như thế. Và, cậu bé này rất tài hoa, nó biết kéo đàn nhị.”

“Tài thật!” Na Lan khẽ nói. Xem ra thập bát ban nhạc cụ cổ truyền, Mễ Trị Văn đều tinh thông.

“Thật ra không chỉ đàn nhị, nó còn biết chơi cổ cầm, đàn tranh, thổi sáo. Nhưng hồi đó cô nhi viện chỉ có đàn phong cầm phương Tây và một cây đàn nhĩ cũ kĩ đứt dây. Nó không biết chơi phong cầm, bèn đem sửa cây đàn nhị, thỉnh thoảng đem ra chơi vào dịp Nguyên đán, Trung thu hoặc Tết thiếu nhi 1-6, hễ cô nhi viện tổ chức liên hoan văn nghệ thì Mễ Trị Văn đều lên sân khấu biểu diễn. Nó chơi bản nhạc Nhị tuyển ánh nguyệt rất hay… Về sau tự nó mày mò rồi cũng chơi được đàn phong cầm, cho nên mỗi khi các cháu tập hát hợp xướng đều không cần mời nhạc công bên ngoài vào đệm đàn nữa.”

Trần Ngọc Đống hỏi, “Có lẽ các thầy cô giáo đều rất mến Mễ Trị Văn?”

“Đương nhiên nó được coi trọng, nhưng tính tình nó rất kì quặc, không bao giờ nói chuyện hoặc chơi cùng các bạn. Thể dục buổi sáng hoặc các giờ rèn luyện thân thể, nó đều tách riêng một chỗ, ngồi nghệt ra. Mắng nó, phạt nó vô số lần cũng không ăn thua. Vì ở kí túc xá nó không bao giờ hé răng nên bị các bạn đặt cho biệt hiệu ‘thằng câm’, và không tránh khỏi đôi khi bị bắt nạt.”

Na Lan thầm cảm thán, lại một vết thương thời niên thiếu, và lại thêm một lý do để xả giận. Cô hỏi, “Mễ Trị Văn ở cô nhi viện bao lâu, sau đó được người ta nhận nuôi hay trưởng thành trong cô nhi viện rồi vào đời tự kiếm sống?”

“Nó mất tích.”

Na Lan kinh ngạc.

Bà Triệu dừng bước, hơi ngẩng đầu, nghĩ ngợi một lát rồi lại nói, “Khi vào cô nhi viện, nó khoảng 10, 11 hay 12 tuổi gì đó, ở chỗ chúng tôi bốn đến năm năm. Tức là vào năm 15 hoặc 16 tuổi, một hôm bỗng không thấy nó đâu nữa. Mấy món đồ dùng cá nhân lèo tèo của nó cũng biến mất.”

“Tức là bỏ đi, có kế hoạch hẳn hoi. Trước đó các bác không nhận ra dấu hiệu gì à?” Trần Ngọc Đống hỏi.

“Một đứa trẻ quanh năm không nói một câu như thế, ai biết nó nghĩ gì, hay định làm gì.”

Trần Ngọc Đống lại hỏi, “Mễ Trị Văn có thể đi đâu, các bác cho là thế nào? Đến nhà họ hàng chẳng hạn…”

Bà Triệu lắc đầu, “Chúng tôi đã đến thôn Mễ Lung tìm hiểu, không đả đụng tời vụ mất tích, chỉ đến xem sao. Không thấy nó đâu, cũng không bỏ công sức đi tìm thêm nữa. Những năm tháng ấy… là một thời kì rất đặc biệt. Chắc cô gái này không thể ngờ, bấy giờ cách mạng văn hóa mới bắt đầu chưa lâu, trẻ con mười mấy tuổi đầu đã ngồi tàu hỏa đi khắp đất nước, lên rừng xuống biển, liên kết móc nối nhau làm bừa. Sau khi giám đốc cô nhi viện bị đánh đổ thì nơi này như rắn mất đầu, bọn trẻ con đứng ra chỉ mặt đấu tố giáo viên chúng tôi, hỗn loạn hết mức! Cho nên chẳng ai bận tâm cũng chẳng ai đào sâu xem xét vụ mất tích của Mễ Trị Văn nữa.”

Na Lan hỏi, “Mấy năm trước nghe tin Mễ Trị Văn biến thành tội phạm cưỡng dâm, bà cảm thấy thế nào?”

Bà Triệu trầm ngâm. Rồi lặp lại câu nói lúc nãy, “Nó là thằng bé rất kì quặc.”

Na Lan và Trần Ngọc Đống ra khỏi nhà phúc lợi, cả hai đều thấy nặng nề vì chuyến đi gần như vô ích.

“Các vị chờ đã!” Bà Triệu bước ra cổng nhà phúc lợi gọi họ. “Tôi vừa nhớ ra một chuyện có lẽ sẽ hữu dụng với hai vị. Hồi mới vào cô nhi viện, Mễ Trị Văn mang theo chiếc radio của nhà, cứ cách một ngày nó lại mở ra nghe một lúc. Về sau tôi để ý thấy rằng nó nghe một vở kịch nói. Hồi ấy người ta thường xuyên phát đi phát lại vở kịch này, về sau không phát nữa thì nó cũng thôi.”

Kịch nói! Na Lan thầm nghĩ, Mễ Trị Văn nghe giọng nói của bà mẹ.

“Đó là vở kịch nói của Tào Ngu, tên là Nhà, chuyển thể từ tiểu thuyết của Ba Kim.” Sở Hoài Sơn nói qua điện thoại. Anh ta xem kho dữ liệu kĩ thuật số về báo chí – điện ảnh, tìm thấy bảng kê tiết mục của Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh những năm 1964-1965, thứ Bảy hàng tuần có chương trình “Cửa sổ văn nghệ” phát từ 7 đến 8 giờ tối. Thời đó họ đã nhiều lần phát băng ghi âm vở kịch nói Nhà. Nhà ra đời từ những năm 40 của thế kỉ trước, đã có vô số đoàn kịch đưa lên sân khấu. Băng ghi âm vở diễn phát trên Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh dạo ấy, là do đoàn kịch thành phố kết hợp với các hạt nhân văn nghệ cơ sở biểu diễn năm 1960.

Na Lan nói, “Chắc chắn Hoàng Tuệ Trân có tham gia biểu diễn.”

“Chỗ tôi có bảng diễn viên đây. Hoàng Tuệ Trân sắm vai Minh Phượng.”

Hồi trung học Na Lan từng đọc các tác phẩm Nhà, Xuân, Thu, còn nhớ Minh Phượng là một nhân vật bi kịch trong đó.

“Có thể lý giải được hành vi của Mễ Trị Văn. Mẹ bỏ nhà ra đi, cậu con trai lên mười chắc chắn rất nhớ mẹ. Minh Phượng trong vở kích nói có lẽ là kỉ niệm duy nhất Hoàng Tuệ Trân để lại, vì thế cậu ta mới nghe đi nghe lại qua radio.” Na Lan lẩm bẩm nói ra cảm nhận của mình. Rồi lại hỏi, “Có cách gì kiếm được bản ghi âm đó không?”

Sở Hoài Sơn nói, “Tôi đã thử gọi điện hỏi thư viện, phòng hồ sơ, đài phát thanh, nhà hát kịch, đều không được. Cô cần bản ghi âm làm gì?”

“Chỉ tò mò thôi. Tôi muốn nghe giọng bà ấy, nếu được gặp người thì càng hay.”

Di động bỗng “tinh tang”. Một tấm ảnh đã được gửi đến. Tấm ảnh đen trắng cũ, một cô gái xinh tươi trong sáng, trang điểm kiểu thời Dân quốc. Na Lan hỏi, “Bà ấy… là mẹ Mễ Trị Văn?” Đã biết còn hỏi. Cô chăm chú nhìn khóe miệng của Hoàng Tuệ Trân, rõ ràng là có nét cười nhưng mép không nhích lên mà lại hơi trễ xuống, chi tiết này thể hiện vẻ ai oán.

“Là áp phích quảng cáo cho vở Nhà, họa báo Giang Kinh năm 1962.”

Na Lan lộ vẻ tư lự, “Nếu Hoàng Tuệ Trân mất tích thật, chúng ta có thể đi tìm bà ấy, chưa biết chừng sẽ khiến Mễ Trị Văn phải nói thật.”

Sở Hoài Sơn im lặng rất lâu.

“Sao thế?”

“Ngây thơ!” Sở Hoài Sơn đáp.

Na Lan thở dài, “Cảm ơn anh nhận xét. À, cái chữ kia… có manh mối gì chưa?” Cô biết mình hỏi thừa, nếu Sở Hoài Sơn khám phá ra thì anh ta đã nói cho cô biết trước tiên.

Sở Hoài Sơn im lặng một lát, rồi nói, “Tôi lại muốn hỏi cô. Vì Mễ Trị Văn bảo chỉ cô mới giải mã được.”

Na Lan toan kháng nghị, thì anh cũng phải giúp tôi chứ! Nhưng chính cô không chịu động não thì Sở Hoài Sơn giúp thế nào được?

Tại sao lại là cô?

Con chữ đang đặt trên bàn, những nét cong cong như con sâu. Na Lan nhìn nó rất lâu, hình như con sâu sắp bò vào mắt cô. Cô hỏi, “Là chữ tượng hình phải không?”

“Trước khi rút khỏi vụ này, Ba Du Sinh đã thỉnh giáo một lô chuyên gia văn tự học, được một lô kết luận nhưng đều vô ích. Đa số các vị ấy cho là chữ tượng hình, ý kiến na ná nhau, phần trên giống chữ Thi hoặc giống chữ Trãi… đều là động vật.”

“Điều này ngay trẻ con cũng nhận ra. Thi là lợn, còn Trãi là con gì?”

“Nếu là Trãi thì hóc búa rồi. Thời cổ, chữ Trãi chỉ nhiều loài động vật, về sau thì những con vật không chân, di chuyển bằng cách trườn như sâu, giun…”

“Hơi thú vị đấy! Và gì nữa?” Na Lan nhớ đến những con vật bị mất xương ngón chân nằm dưới cái hố.

“Hết rồi. Còn lại nhờ cô.”

“Tôi? Tôi chưa bao giờ nuôi lợn, và cũng không thích sưu tầm giun.”

Mình đã làm gì? Để rồi Mễ Trị Văn cứ không buông tha mình? Na Lan cảm thấy một ý nghĩ đang dần hình thành…

Nhưng nó rất mờ mịt, mơ hồ, chập chờn, cô không sao nắm bắt được.

Mình từng làm những việc gì? Suýt bỏ mạng trong vụ án “năm xác chết” ở hồ Chiêu Dương, tình cảm tưởng như được rồi lại mất. Suýt chết trong núi tuyết Trường Bạch, người xưa trở về với mình rồi lại ra đi. Cách đây ba hôm trong cái hố sâu ở dốc Mễ Lung cũng suýt mất mạng bên đám xương động vật xác xơ và cuốn sách Không dũ tùy đàm.

Mễ Trị Văn đã đoán được rằng cô sẽ đến thôn Mễ Lung điều tra các chuyện thời niên thiếu của lão. Việc cô cứ loay hoay trong vụ án vô vọng này đến nay, có phải là một quá trình tất nhiên thậm chí là quá trình bắt buộc nếu muốn giải mã con chữ quái quỷ ấy không?

Rơi vào cái hố, thu hoạch lớn nhất của Na Lan là phát hiện ra mặt tối tăm của Mễ Trị Văn thời niên thiếu và cuốn sách Không dũ tùy đàm.

Cô nhớ lại cuốn sách lem nhem đã lật xem ấy, bên trong có nhiều chỗ đánh dấu và ghi chú. Cô gọi điện cho Kim Thạc.

Có thể coi cuốn Không dũ tùy đàm “khai quật” được ở cái hố là đồ cổ thực sự. Các kĩ thuật viên ở Sở Công an đã nhờ hai chuyên gia về sách cổ giám định, cho biết là bản in năm Quang Tự thứ 3 (tức năm 1878), có thể nói là cuốn truyện kí gần như duy nhất còn sót lại. Chứng tỏ thời đó số bản in chỉ lèo tèo.

Na Lan hỏi Kim Thạc đã đọc kĩ chưa, anh vừa ngạc nhiên vừa nghiêm túc nhìn cô, hình như ngờ rằng đầu óc cô có vấn đề, “Cô có muốn xem thời gian biểu công tác của tôi và các cán bộ khác ở Sở không? Ai có thì giờ mà đọc!” Anh chỉ món “đồ cổ” đặt trên bàn. “Chữ phồn thể, in dọc, quá cũ kĩ, nét tỏ nét mờ, lại là cổ văn, ai đọc thì đầu cũng chỉ chực vỡ tung!”

Na Lan mỉm cười, “Không đến nỗi thế! Chỉ là có thêm những ghi chép chú thích khi đọc. Rất có thể sẽ cho ta manh mối gì đó.”

“Tôi đã đọc những chỗ chú thích, chẳng có gì hay ho. Cô muốn xem cũng được nhưng phải đến đây mà đọc, hôm nay đọc chưa hết mai đọc tiếp.”

“Được!” Cô nghĩ ngợi, rồi nói với giọng nài nỉ, “Tôi muốn phiền anh một việc nữa, có thể tìm băng ghi âm trích đoạn vở kịch nói Nhà của Tào Ngu, ghi âm năm 1964 hay 1965 gì đó không?”

Kim Thạc ngạc nhiên, “Nhà, là của Ba Kim viết kia mà?”

Na Lan, “Tào Ngu đã đem chuyển thể kịch nói, nhà hát kịch Giang Kinh diễn, Đài Phát thanh Nhân dân Giang Kinh phát đi phát lại suốt hai năm.”

Kim Thạc hỏi, “Có liên quan đến vụ án không?”

“Rất liên quan! Bà mẹ Mễ Trị Văn sắm một vai trong đó, tôi muốn nghe giọng nói của bà ấy.”

“Giọng bà mẹ có liên quan đến vụ án hay sao?”

Na Lan khẽ thở dài. “Bà ấy bỏ đi từ khi Mễ Trị Văn còn rất nhỏ, có người nói bà đã bí mật lấy một nhân vật cỡ bự nào đó. Nếu chúng ta tìm thấy bà ấy, nhờ bà khuyên Mễ đại sư hợp tác với ta, thì sẽ đỡ tốn bao công sức.”

Kim Thạc bật cười. Na Lan cau mày, “Sao?”

“Tôi định bình luận cô bằng hai chữ.”

Na Lan lắc đầu, “Ngây thơ, chứ gì?”

Kim Thạc sửng sốt, “Sao cô biết?” Nhưng anh bỗng hiểu ra. “À, cô chuyên về Tâm lý học.” Anh tủm tỉm nhìn Na Lan hồi lâu, khiến cô mất tự nhiên. “Được, tôi sẽ thử hỏi. Băng ghi âm cổ lỗ sĩ, e rằng rất ít hy vọng.” Nói rồi anh bước ra khỏi phòng làm việc.

Lại thêm một lần mắc nợ, sắp phải đi thủ đô với anh ta cũng nên.

Na Lan nhớ đến Ba Du Sinh, không rõ hiện giờ anh đang bận rộn ở đâu, mấy lần đến sở đều không thấy anh.

Lẽ nào Ba Du Sinh buông tay khỏi vụ án này thật?