Một cái cũng không được thi

Tắt Đèn Kể Chuyện Ma (Tập 2)

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Trong Dã điều hoang khang thuyết minh bạ (Quyển hạ), tôi từng giới thiệu qua, nhân gian gặp phải tai nạn lớn hoặc khi sắp có một số lượng lớn người chết, thì việc tạo sổ sách dưới âm phủ quả thật trở thành cả một “công trình”, sổ tay không đủ, lại phải lên nhân gian mượn tạm, những quyển sổ ghi chép người chết này đương nhiên phải chia thành nhiều cuốn. Xem ra làm cái gì cũng không dễ, Diêm Vương lúc này chắc chắn là bận tới “thắp đèn đến canh ba, canh năm gà gáy”, không chỉ từ giã với vũ hội tiệc tùng, thậm chí đến ăn đêm cũng không có thời gian mà ăn. Đương nhiên, cần cù thì có thu hoạch lớn, thu hoạch đó là từ việc sắp có vô số những sinh hồn tươi sống, bởi đây chỉ là giai đoạn đầu tiên của công trình lớn mà thôi, ngay sau đó dưới âm phủ sẽ căn cứ vào sổ sách để đi bắt người. Nhưng những sinh linh đến kỳ phải chết lên tới hàng nghìn, hàng vạn, lại phân bổ đều ở khắp các tỉnh, các phủ, các huyện,… phải sai đi bao nhiêu bổ khoái, nha dịch mới có thể bắt từng người, từng người về Thâm La điện đây? Vì vậy tôi vẫn luôn nghĩ, cái mà nhân gian gọi là “đại họa” thực ra chính là một hạng mục công trình do Diêm Vương thiết kế để nhanh chóng bắt được hết số người cần bắt, hoàn thành nhiệm vụ của mình. Tôi nói như vậy, nghe như là tuyên truyền cho địa phủ. Mọi người chẳng phải vẫn nói, bởi vì sắp xảy ra đại hạn, sắp có hàng nghìn, hàng vạn người chết, nên mới vội vàng tạo tử bạ hay sao, sao anh lại đảo ngược nhân quả như thế, tất cả nghe cứ như là “nhân vi” vậy? Nhưng với những lời giải thích kiểu này tôi hoàn toàn không tin, bởi vì tôi vẫn còn nhớ năm sinh năm mất của mọi người, đều được ghi chép trong sổ sách nơi âm phủ, điều đi bao nhiêu đặc vụ, thu thập bao nhiêu tin tình báo, cuối cùng mới quyết định được. Sau khi quyết định rồi, ngày chết của một người đến, thì có uống nước lọc cũng nghẹn chết, nếu như số vẫn chưa chết, thì có cầm dao kề vào cổ anh ta cũng chẳng mệnh hệ gì. Vì vậy, quan trọng là ở chỗ, những người này liệu đã đến “số chết” hay chưa, chứ không phải sẽ gặp phải những “tai họa” gì.

Thế nào gọi là tai họa? Lớn thì như động đất, lũ lụt, núi lở, vỡ đê, thậm chí hai hành tinh va vào nhau, vũ trụ nổ tung,… chỉ cần nó không gây tổn hại tới sinh mạng và tài sản của người sống thì không gọi là “tai họa”. Vì vậy, nếu muốn để một sự cố trở thành tai họa, nhất định phải làm cho nó được đánh dấu trong cuốn sổ sinh tử của Diêm Vương.

Để đánh dấu có hai cách:

Một là điều kiện hình thành tai nạn ở một nơi nào đó, ví dụ như nơi nào đó mà sắp động đất, đê sắp vỡ, cây cầu ở nơi nào đó sắp gẫy, dây điện ở nơi nào đó thường xuyên bị hở,… Diêm Vương sẽ bố trí để đưa người đến “số chết” tới nơi ấy, bạn có thể gọi là “đưa người vào chỗ chết”, nhưng cũng có thể gọi là “nhân thế lợi đảo”, “tiết kiệm năng lượng”. Trong quyển chín của Di kiến chi mậu do Hồng Mại đời Nam Tống viết có một câu chuyện tên là Tiền Đường triều, đại khái có thể coi là một khuôn mẫu cho cách thức đánh dấu tai nạn này.

Ngày Mười tám tháng Tám hằng năm là thời kỳ nước sông Tiền Đường dâng cao nhất, thậm chí có thể được gọi là kỳ quan trong thiên hạ. Theo phong tục của thành Lâm An, thời Nam Tống, đến ngày hôm ấy phải có tới hơn nửa số người trong thành đi ra bờ sông xem thủy triều. Mùa thu năm Cao Tông Thiệu Hưng thứ mười, hai ngày trước khi xem triều lên, vào ban đêm, bên bờ sông có người nghe thấy tiếng thì thầm trong không trung, một người nói: “Năm nay số người chết trên cầu lên đến hàng trăm, toàn những kẻ hung ác, bạo dâm, bất hiếu. Danh sách người chết đây, các người hãy phái người đi bắt trước. Những kẻ không có tên trong danh sách, các ngươi hãy mau mau đuổi họ quay về.”, sau đó nghe thấy tiếng một đám người vâng dạ. Người này nghe thấy vậy, sợ tới mức không dám nói lại với ai. Đến đêm hôm sau, trong đám dân đen chen chúc nhau trên cầu, lại có người mộng thấy có người tới cảnh cáo, nói: “Ngày mai nhất định không được lên cầu, cây cầu này sắp sập rồi.” Sáng sớm, anh ta kể lại giấc mơ cho người hàng xóm nghe, không ngờ người hàng xóm cũng có giấc mơ như thế. Đến ngày Mười tám, đại triều dâng lên, trên cây cầu bắc ngang dòng sông chật người, những người được báo mộng chỉ đứng ở bên xem, gặp người quen có mặt trên cầu liền lặng lẽ khuyên họ mau xuống, nhưng những người này đều không tin, nên không nghe. Đột nhiên triều dâng cao ngất, hung hãn khác thường, ào ào chồm lên bờ, cây cầu sụp đổ, những người chết vì cầu sập lên tới hàng trăm người.

Một kiểu nữa là dùng sức mạnh của âm giới tập trung những người đến số chết lại một chỗ, sau đó tạo ra một vụ tai nạn, chìm thuyền ngã xe, hỏa hoạn, lũ lụt, binh đao, bệnh dịch,… đều là những phương án nằm trong dự tính. Trong số đó, đơn giản nhất là làm chìm thuyền, gom hết những người tới số chết lên trên một con thuyền, đưa ra giữa sông, sau đó tạo gió to sóng lớn, khiến con thuyền bị lật, không gì nhanh hơn! Nhưng cách này cũng chỉ có thể dùng cho những “công trình nhỏ” thôi, nếu như số người lên tới hơn nghìn, hơn vạn thì có lẽ khó áp dụng. Trong trường hợp này, tốt nhất là dùng “binh đao” hoặc “bệnh dịch”. Trong Ngọc Đường Nhàn thoại của Vương Nhân Dụ người đời Ngũ Đại có kể lại lần những nhân sự cao cấp dưới âm phủ thảo luận phương án bắt người:

Đây là chuyện xảy ra ở nhà Hậu Lương[1] thời Ngũ Đại. Có một nhân sĩ đang trên đường đi Ung Châu đến Bân Châu, buổi tối trời thanh trăng sáng, anh ta liền đi cả đêm cho kịp thời gian, đột nhiên nghe thấy phía sau có tiếng xe ngựa, nghĩ có lẽ là vị quan hay quý nhân nào đó, liền tự giác tránh sang vệ cỏ ven đường. Chỉ thấy có ba người cưỡi trên mình ngựa “mũ mão như vương gia”, đám tùy tùng đi bộ theo sau. Ba người đó vừa đi vừa nói chuyện, nghe thấy một người nói: “Lần này phụng mệnh đến Bân Châu, bắt hơn ba nghìn người, đang không biết nên bắt theo cách nào đây, hai vị có kế sách gì không?” Một người đáp: “Nên dùng binh để bắt”, người kia lại nói: “Dùng binh bắt thì thoải mái, nhưng quân tử tiểu nhân dễ ngọc nát đá tan, dùng dịch bệnh thì hơn.” Cuối cùng cả ba người đều đồng ý dùng dịch bệnh để bắt hơn ba nghìn người kia. Khi xe đi xa dần, tiếng nói cũng nhỏ dần cho tới khi không nghe thấy gì nữa. Nhân sĩ đến Bân Châu, quả nhiên ở đó xảy ra dịch bệnh lớn, người chết nhiều vô kể.

[1] Nhà Hậu Lương (907-923): một trong Ngũ đại của thời kỳ Ngũ đại Thập quốc của Trung Quốc. Triều đại này do Chu Ôn (còn gọi là Chu Toàn Trung) thành lập, đóng đô ở Biện Lương (Khai Phong).

Dùng binh bắt dễ xảy ra sai sót, người không đáng chết thì trúng một đao, cho dù có trả linh hồn anh ta về lại với thể xác, nhưng thiếu đầu thì cũng không có cách nào sống lại được. Đương nhiên cũng không phải là không có cách, như trong Định mệnh lục của Lữ Đạo Sinh người đời Đường có viết về năm, sáu trăm chiến sĩ bị rơi vào vòng vây, tất cả đều chết trận, đã tập trung thi thể lại kể “kinh quan” rồi, nhưng sứ giả do âm phủ phái đến để điểm danh, lại phát hiện ra trong số đó có người chưa tới số chết, đành lật tìm trong đống xác người, rồi gắn lại đầu vào với thi thể, sau khi sống lại cũng có vết sẹo, nhưng vẫn ăn uống được như bình thường. Thậm chí trong truyện Liêu dương quân trong Liêu trai thì sau khi gắn lại đầu còn không để lại sẹo. Những tình huống như vậy, thỉnh thoảng gặp vài người thì còn được, nhưng nếu số người bị giết nhầm lên tới hàng trăm, hàng nghìn người thì riêng việc tìm đầu để gắn lại cho từng thi thể cũng đã tốn rất nhiều thời gian rồi. Tương tự, chúng ta so sánh một chút, dùng dịch bệnh có cơ hội xoay chuyển dễ hơn, đại não có chết nhưng cũng không làm đầu bị dập nát. Nếu có thể lựa chọn giữa việc dùng binh và dùng bệnh dịch, vậy thì chìm thuyền, lật xe cũng có lúc được cân nhắc đến, tiện cách nào thì dùng cách ấy thôi.

Nhưng bình thường, chuyện bắt người giống như ở Bân Châu, đến sát giờ lâm trận rồi mới quyết định phương thức là không đúng quy luật, quy luật là khi lập sổ sách dười âm phủ đã quyết định cách mà người bị ghi trong sổ phải chết rồi. Sổ bắt hồn không phải là một danh sách đơn giản, trong đó ít nhất cũng phải ghi rõ chết ở đâu, lúc nào và chết bằng cách gì? Trừng phạt người lính bằng nước và lửa, độc trùng băng áp, thêm cả những phương pháp hiện đại như bây giờ là thanh quang điện khí, số lượng mặc dù nhiều, nhưng không thể tùy tiện lựa chọn. Các kiểu tai nạn cũng thế, tai nạn do trời, do người gây ra đều được ghi rõ trong sổ sách dưới âm phủ, theo quy luật là ai phải theo số của người ấy.

Cho dù là dụ người vào chỗ chết hay rời nơi chết đến trước đám người, bản chất của hai cách này là như nhau, đó chính là gom tất cả những linh hồn phải chết thành số lượng lớn rồi đưa về âm phủ một thể, và kế hoạch này đều xuất phát từ Diêm Vương hoặc những người còn cao cấp hơn ông ta, ví dụ như Ngọc Hoàng đại đế. Tạo ra mấy trò như đắm thuyền, lật xe,… có lẽ nằm trong phạm vi quyền lực của Diêm Vương, nhưng nếu gây ra lũ lụt, động đất… những kiểu tai họa lớn như thế, e là chỉ có thể do Thiên Đế bố trí, ít nhất cũng phải được Thiên Đế phê chuẩn. Từ đó có thể thấy, thiên tai cũng là nhân họa, chỉ có điều “nhân” ở đây đã được “thần hóa” đến cấp “Thiên Đế” rồi. Không nghe Đức Jehovah ở phương Tây từng nói rằng: “Những người, thú, côn trùng và đám chim muôn bay trên trời do ta tạo ra, ta sẽ tiêu diệt hết chúng trên trái đất này, bởi vì sau khi tạo ra chúng ta đã hối hận… Xem đi! Ta phải cho nước dâng vào đất liền, hủy diệt cả thế giới. Phàm những thứ có máu thịt, có hơi thở trên trái đất này, đều phải chết không trừ một ai.” Đương nhiên chỉ có phu nhân của Jehovah và những chúng sinh lên được thuyền lớn[2] là thoát nạn, mà bản vẽ của con thuyền lớn này lại do chính Jehovah đưa ra.

[2] Thuyền lớn hình cái tủ chữ nhật do nghĩa sĩ Noad đóng để tránh nạn hồng thủy, trong Kinh thánh.

Xem lại vụ án ở Bân Châu, người nhận lệnh chấp hành đi bắt người kia đã “mũ áo như vương giả” rồi, “vương giả” này chưa chắc đã là Diêm Vương, bởi vì có một vài “thiên tội” phải do đích thân Thiên Đế định đoạt và ủy thác cho cấp dưới xuống hạ giới để thực hiện. Như trong Sưu thần ký, Can Bảo có nói: “Thượng Đế lệnh cho ba tướng quân: Triệu Công Minh, Chùy Sỹ Quý, Các Đốc Sổ, mỗi người mang theo hàng vạn quỷ tốt xuống hạ giới bắt người”, trong Thần chú kinh cũng thuật lại các loại bệnh dịch có thể tiêu diệt được cả hàng triệu, hàng vạn người. Các vị ôn thần dịch quỷ này phối hợp hành động với binh hoạn và nạn đói, đều là do Thiên Đế sắp xếp. Nhìn lại thời cận đại, trong quyển tám cuốn Tục tử bất ngữ của Viên Mai có truyện Ôn tướng quân: “Hôm nay Ôn tướng quân phụng mệnh Thiên Đế đến Sạ Phổ làm hải kiếp nhất án, nên đích thân ra biển”, đó chính là vị Ôn Quỳnh nguyên soái dẫn đầu “Thập thái bảo”, trở thành khâm sai của Ngọc Đế, đích thân tới Sạ Phổ giáng tai họa, cái gọi là “hải kiếp nhất án” chính là muốn chỉ trận sóng thần ở Sạ Phổ, Chiết Giang năm Càn Long thứ ba mươi mốt, số người chết lên tới hàng nghìn người. Còn trong truyện Tạ Vân ở quyển tám Mộng Hán tạp trữ do Du Giao viết có ghi lại mùa xuân năm Càn Long thứ ba mươi sáu: “Thượng Đế lệnh cho Đặng Thiên Quân kiểm tra kiếp nạn ở đê biển”, đến tháng Bảy, Tiêu Sơn, Bạch Dương ở Chiết Giang sẽ bị nước triều cường hung mãnh tràn lên làm vỡ đê, “hơn mười vạn người và súc vật bị nhấn chìm”, đấy là thành quả mà Đặng Thiên Quân phải bận rộn suốt bốn tháng trời mới đạt được. Đặng Thiên Quân là thiên quân của Lôi Bộ, cũng với Ôn nguyên soái có thể coi là ở cấp bậc “vương giả”.

Đương nhiên, không cần biết sau vụ án này thu hoạch được vài trăm hay mười mấy vạn sinh linh, cũng đều là “ý trời”, mà ý trời thì không bao giờ sai, tức là trước khi làm việc gì đều phải mang sổ sách ra đối chiếu, sau đó cứ theo những gì mà sổ sách ghi chép đi thu hoạch thôi. Trong Liêu trai chí dị có chuyện Quỷ lệ[3], kể về hai nha dịch trong huyện Lịch Thành, phủ Tế Nam, Sơn Đông cuối đời Minh, ra ngoài phủ làm công cán, gặp hai người, ăn mặc cũng giống nha dịch, tự xưng là bổ khoái trong phủ Tế Nam. Hai người ở huyện Lịch Thành hỏi: “Những người trong phủ Tế Nam chúng tôi đều quen cả, sao chưa từng gặp hai vị bao giờ?” Hai người đó nói: “Thật không dám giấu, bọn ta là lính ở phủ Thành Hoàng, giờ đang đến núi Tần để đưa công văn.” Núi Tần là âm phủ, nơi Tần sơn phủ quân ở. Hai người ở Lịch Thành bèn hỏi công văn gì. Quỷ lệ đáp: “Tế Nam sắp có tai họa lớn, chúng tôi đến đưa danh sách những người phải chết trong kiếp nạn đó.” Hai người ở Lịch Thành kinh hãi hỏi có bao nhiêu người sẽ chết trong kiếp nạn, hai quỷ lệ đáp: “Không rõ lắm, nghe nói gần trăm vạn người, mà thời gian là vào tháng Một sang năm.” Hai người nghe thấy vậy hoảng hốt vô cùng, bởi vì sau khi làm xong công vụ, quay về Lịch Thành đúng dịp cuối năm, cũng chính là thời gian mà kiếp nạn đó xảy ra, nhưng nếu không về, lại sợ huyện thái trách phạt. Hai quỷ lệ nói: “Không về đúng hẹn là chuyện nhỏ, tránh kiếp nạn mới là chuyện lớn, hai vị nên ở bên ngoài tránh đi.” Tai họa lần này chính là vào năm Sùng Trinh thứ mười hai, quân Thanh xuống phía nam chinh phạt Tế Nam, chiếm thành và cả số dân đen bị chết. Trong Minh sử do người triều Thanh viết, đương nhiên không ghi chép lại, nhưng Bồ Tùng Linh lại viết rằng: “Sau khi quân Thanh rút, thi thể ngổn ngang ở thành Tế Nam.”

[3] Lệ ở đây có nghĩa là nô lệ, nha dịch.

Đám bách tính bị chết đó đều có trong “danh sách”, hai tên nha dịch kia sở dĩ có thể tránh được kiếp nạn đó là vì vốn không có tên trong danh sách. Vì vậy bọn họ mới được sai ra ngoài thành đi làm công cán trước khi kiếp nạn đó xảy ra, vì vậy mới có thể gặp được quỷ lệ của phủ Thành Hoàng, đại khái là do số mệnh sắp đặt cả rồi. Theo như quyển sáu Động linh tục chí do Quách Tắc Vân viết thì: Quang Tự năm Đinh Hợi (1887) Trịnh Châu vỡ đê. “Số người chết không đếm được”, cái gọi là “không đếm được”, một là đếm không rõ, hai là lười không đếm, nhưng trên dương gian những người làm quan có thể mắt nhắm mắt mở trước số lượng, còn dưới âm thế lại không thể lơ mơ, bởi vì một năm trước Diêm Vương đã bắt đầu điều nhân viên công vụ trong phủ quan ở Hà Nam, xuống âm phủ để “làm sổ sách”, mệt tới mức người nào người nấy ủ rũ, sau khi được trả về dương gian không lâu thì cũng lần lượt tạ thế. Trong quyển ba Nam cao bút ký do Dương Phượng Huy người cuối đời Thanh, đầu thời dân quốc viết, có chuyện Tùng Thành Hoàng ký, kể ở Tùng Phan, Tứ Xuyên đã xảy ra một biến cố lớn trong những năm dân quốc đầu tiên, vì kiếp nạn này, Thành Hoàng Tùng Phan phải bận rộn ba năm mới xong, kẻ nào chưa đi làm nhiệm vụ thì cử đi, kẻ nào chưa đến thì cử đến, kẻ nào phải chết, kẻ nào bị thương, kẻ nào bị phá hủy tài sản, nặng nhẹ thế nào đều được định sẵn hết. Không giết nhầm, không bỏ sót.”

Càng chặt chẽ thì lại càng chứng minh rằng tất cả những kiếp nạn này đều do đại thần lên kế hoạch hết, chính là câu chuyện Diêm Vương điểm thị kiếp quỷ. Tôi đã từng giới thiệu qua về những câu chuyện thần quỷ xử lý chiến trường hoặc hiện trường kiếp nạn trong Đàm Minh Bạc, đấy chính là điểm danh sau khi người ta chết, điều khiến người ta không ngờ là, trước khi kiếp nạn xảy ra, linh hồn của người này đã được Diêm Vương gia đối chiếu với sổ sách một lần rồi. Nhưng không thể nói không có “ngoại lệ”, đấy chỉ là sự hốt hoảng ban đầu của người đi thi hành công vụ, sau đó vẫn phải bổ sung vào.