Ba hồn và bảy phách (vía)

Tắt Đèn Kể Chuyện Ma (Tập 2)

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Tưởng tượng của con người về hồn phách rõ ràng có quan hệ mật thiết với hiện tượng nằm mơ của con người. “Tôi” trong giấc mơ rất dễ bị người ta tưởng tượng là linh hồn. Trong những câu chuyện ma của Trung Quốc miêu tả hoạt động tách khỏi thể xác của linh hồn, thường chỉ là bản sao của những giấc mơ, những câu chuyện kiểu này chúng ta sẽ đề cập đến ở phần cuối của cuốn sách. Như vậy, con người chắc chắn sẽ nảy sinh nghi ngờ, vì một trong những đặc trưng của cái chết chính là hồn lìa khỏi xác, vậy thì trong mơ, khi linh hồn đó phiêu du khắp nơi, con người tại sao vẫn còn sống được? Liệu có phải sau khi linh hồn kia lìa khỏi xác, vẫn còn một thứ gì đó tương tự linh hồn ở lại trong thể xác ấy, duy trì sự sống cho con người? Đây có lẽ là nguồn gốc của khái niệm “phách”. Phách bám vào thể xác, điều khiển tri giác của con người. Khi cơ thể con người chưa suy yếu, phách vẫn còn mạnh, lúc này cho dù hồn có lìa khỏi xác, con người chưa chắc đã chết, vì cái xác ấy vẫn được duy trì bởi phách.[1]

[1] Trong quyển mười lăm của tiểu thuyết ‘Hữu đài tiên quán bút ký’ của Du Việt (Thời nhà Thanh) có viết: năm hoàng đế Đạo Quang thống trị, ở làng Lâm Bình có một người phụ nữ, vào độ tuổi trung niên, đột nhiên mắc một căn bệnh lạ, miệng không thể nói, tứ chi không thể vận động, nhưng mũi vẫn thấy thở ra hít vào. Mời thầy thuốc đến bắt mạch, nhưng không luận ra bệnh gì. Con cái hằng ngày đúng giờ bón cháo, vẫn có thể nuốt, nhưng không thể nhai cơm. Sống như vậy năm, sáu năm. Một buổi sáng, không thể ăn được nữa, cơ thể lạnh ngắt, biểu hiện như người đã chết. Du Việt nhận định: “Người này hồn đã đi nhưng phách vẫn còn ở trong cơ thể”, về mặt kiến thức thì có thể khẳng định, người này là một người sống thực vật.

Vì vậy, thuyết hồn phách có thể lý giải được trạng thái tồn tại của con người trong giấc mơ hoặc trong lúc hôn mê vì bạo bệnh. Cát Hồng[2] thời Đông Tấn trong Bão Phác Tử, Chương Luận tiên có viết: “Con người không ngu dốt, đều biết bản thân mình có hồn phách, hồn phách chia lìa tức là người bị bệnh, hồn phách tách hẳn khỏi thể xác nghĩa là đã chết.”

[2] Cát Hồng (283-343): tự là Trĩ Xuyên, hiệu là Bão Phác Tử (người đời gọi là Tiểu Tiên Ông), là hào tộc ở Giang Nam. Ông quê ở huyện Đan Dương Câu Dung (nay thuộc Giang Tô), xuất thân sĩ gia thế tộc. Ông viết ‘Bão Phác Tử’. ‘Nội thiên’ trong thời kỳ tu luyện ở La Phù Sơn đến năm Kiến Vũ nguyên niên (317) đời Đông Tấn thì xong. ‘Bão Phác Tử’. ‘Chương Luận tiên’ là một trong những chương của ‘Bão Phác Tử’. ‘Nội thiên’.

Hồn và phách đối với con người đều không thể thiếu, nếu chỉ có một trong hai thứ đó thì người này sẽ bị ốm, nếu cả hai thứ đó đều bỏ đi, người này sẽ chết, đấy chính là cách lý giải của người cổ đại.

Nếu đã như vậy, tại sao còn sinh ra khái niệm ba hồn bảy phách? Lẽ nào sợ hồn phách lười biếng xin nghỉ phép nên phải nuôi thêm mấy cái tương tự để dự trữ?

Thực ra, thuyết ba hồn bảy phách không phải sản sinh từ tín ngưỡng hồn phách trong dân gian mà là kết quả sáng tạo của những đạo sĩ thời Nam Triều khi xây dựng lý luận tu luyện của mình.

Cụm từ “ba hồn bảy phách” xuất hiện sớm nhất trong Bão Phác Tử. Địa chân, trong đó có nhắc đến chuyện tu thành tiên, muốn trường sinh, thì phải uống đan dược, muốn thông thần, thì phải “kim thuỷ phân hình”, sau khi phân hình, “tức là bản thân có thể nhìn thấy ba hồn bảy phách trong chính cơ thể mình, có thể tiếp kiến được cả thần trời và thần đất, thần núi, và có thể sai khiến chúng.”

Nhưng định nghĩa “ba hồn bảy phách” trong Bão Phác Tử chỉ dừng lại ở đấy mà thôi. (Quyển ba trong Tam động Châu Nang[3] cũng đã trích dẫn những lời đại loại như: “Cấu ba hồn, chế bảy phách” trong cuốn thần thư Thái Bình kinh[4] đã bị thất truyền, chỉ là không biết cuốn thần thư đó có xuất hiện sớm hơn cuốn của Cát Hồng hay không.) Trong những tác phẩm xuất hiện muộn hơn như Lão Tử hoá hồ kinh[5] mặc dù có nhắc nhiều đến khái niệm “ba hồn bảy phách” nhưng hoặc là viết: “Ba hồn bay đi hết, bảy phách nhập tứ tinh”, hoặc viết: “Ba hồn về địa ngục, bảy phách bay về trời”, hoặc “Hồn về với trời, phách về với đất.” Những định nghĩa này được dùng khá và tuỳ tiện.

[3] ‘Tam động Châu Nang’: là một cuốn sách đạo giáo, có tất cả ba mươi quyển, do Vương Diên (tự là Tử Nguyên, đạo sĩ thời Bắc Chu) viết.

[4] ‘Thái Bình kinh’: là cuốn thần thư do Vu Cát (Vu Cát là một phương sĩ ở Lang Nha (nay ở phía bắc của Lâm Cân, tỉnh Sơn Đông)) sáng tác. Được xem là kinh điển tối yếu trong giai đoạn ban đầu hình thành Đạo giáo. Quyển Đạo kinh này bàn về phụng thờ trời đất, thuận theo âm dương ngũ hành, giáo trừ đại loạn, giúp thiên hạ thái bình, sách còn bàn sự hưng phế của quốc gia, phương pháp dưỡng sinh, cách tu luyện thành thần tiên, bùa chú, v.v…

[5] ‘Lão Tử hoá hồ kinh’: tác phẩm của đạo sĩ Vương Phù (tức Cơ Công Thứ) sống ở đời Tây Tấn (265-316) ở Trung Quốc.

Những tài liệu có viết về khái niệm “ba hồn bảy phách” ta có thể kể đến Vân Cấp Thất Thiêm[6] do Trương Quân Phòng đời Tống viết, trong đó ghi chép những cách nhìn nhận của con người từ Lục triều[7] về “ba hồn bảy phách”, nhưng lại rất khác với quan niệm của Nho giáo hay Tử Sản. Giống như trong Thái vi thăng huyền kinh (quyển một và ba trong Vân Cấp Thất Thiêm) có viết: “Khí tuyệt viết tử, khí bế viết tiên. Phách lưu thủ thân, hồn du thượng thiên. Chí bách tức hậu, hồn thần đương kiến. Kỳ phách duyên thị âm thần, thường bất dục nhân sinh.”[8] Muốn thành tiên, phải học bế khí, khi hồn lìa khỏi xác để về trời, chỉ để phách ở lại giữ thể xác. Điều này không sai, nhưng họ lại coi phách là mâu tặc[9] của thể xác con người. “Thường bất dục nhân sinh”, chỉ cần hồn không ở lại giữ nhà thì phách sẽ cấu kết với tà quỷ, nhẹ thì gây ác mộng, nặng thì khiến người ta tử vong. Điều này từ trước tới nay vẫn là niềm tin tuyệt đối của những người theo Đạo giáo, trong quyển thượng cuốn Thuyết Linh. Minh bảo lục của Lục Kỳ người đời Thanh, viết Ngô Chùy Ngu Tai vì làm việc quá sức mà lâm bệnh, khi bệnh tình nguy cấp, thậm chí còn có thể nhìn thấy hồn phách lìa khỏi thể xác. Hồn người này cao lớn, giỏi giang, dưới sự dìu dắt của hai người đã chết là mẹ và vợ cầu xin được sống. Còn phách thì có chiều cao như cơ thể, loã thể bay lượn khắp nơi, vui mừng nhảy nhót, sung sướng được chết, như vừa trút được gánh nặng.

[6] ‘Vân Cấp Thất Thiêm’: một loại sách về Đạo giáo ở thời Bắc Tống.

[7] Lục triều gồm: Đông Ngô, Đông Tấn, Lưu Tống, Nam Tề, Lương, Trần ở Giang Nam năm 229-589.

[8] Dịch nghĩa: Khí tuyệt là chết, khí bế là thành tiên. Phách ở lại giữ thể xác, hồn bay về trời. Hồn gặp Chúa trời, mà phách duyên của nó là âm thần, thường không muốn cuộc sống nhân gian.

[9] Mâu tặc có nghĩa là sâu mọt, kẻ phá hoại.

Vì vậy, việc tu hành của Đạo giáo chính là “luyện ba hồn”, dùng hồn để áp chế phách. Sau khi áp chết được mâu tặc của thể xác rồi, nó sẽ không cấu kết với ma quỷ bên ngoài đến quấy nhiễu, con người khi ấy có thể trường sinh bất tử. Điều này hoàn toàn tương đồng với dụng ý “giữ xác ba ngày” của Đạo giáo. Quan niệm về ma ác và ma thiện này cũng ảnh hưởng tới văn hoá u minh của những thế hệ sau, giống như Viên Trượng viết trong điều một, “Nam xương sĩ nhân”, quyển một của Tử bất ngữ[10] rằng: “Hồn của con người thiện nhưng phách ác, hồn lanh lợi còn phách ngốc nghếch”, giống như chuyện tà ác “sạ hộ”[11], đều là phách của thể xác đó làm, không liên quan gì tới hồn.

[10] ‘Tử bất ngữ’: những điều Khổng Tử không nói.

[11] Sạ hộ: giữ xác, bảo vệ xác.

Nhưng cùng là sách của Đạo giáo, nhận định về vai trò của hồn, phách lại không giống nhau. Phần Ngụy phu nhân quyển năm mươi tám trong Thái bình quảng ký trích dẫn những nội dung về luyện hình và giải phẫu cơ thể trong Tập Tiên lục và Nguỵ phu nhân truyện, vẫn kế thừa thuyết hồn phách truyền thống. Người tu tiên sau khi chết, xác thối rữa, nhưng vẫn có “bảy phách bảo vệ chăm nom, ba hồn giữ nhà”, trong đó ba hồn giữ xương cốt, bảy phách hầu hạ xác thịt, trải qua ba năm, mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm,… huyết nhục tự sinh, hồi phục nguyên hình. Phách được nhắc tới ở đây không còn là mâu tặc nữa, mà là trợ thủ cho hồn.

Nói một cách nghiêm túc thì thuyết “ba hồn bảy phách” của Đạo giáo xuất phát từ việc tu luyện, thông qua việc dùng âm hồn áp chế dương phách để mong được trường sinh, vốn không phải là phạm trù của “Văn hoá u minh”, nhưng quan niệm này cũng thâm nhập vào văn hoá u minh, cùng với thuyết con người có ba hồn trở thành tài liệu được sử dụng trong những câu chuyện về ma quỷ.

Ví dụ một chuyện trong Đường niên bổ lục do Mã Tống người đời Đường viết, khi đề cập đến thời khắc lâm chung, chuẩn bị bị Diêm Vương bắt đi, con người có ba hồn, Diêm Vương chỉ bắt đi hai, còn để lại một giữ xác nhằm duy trì sự bất tử của người đó. Trong phần Thôi Hoàn, quyển hai của Huyền quái lục do Ngưu Tăng Ngũ đời Đường có viết về trường hợp của Thôi Hoàn, vì đam mê tửu sắc, không hoàn thành nhiệm vụ của một người đã lập gia đình, nên khi bị Diêm Vương bắt đi, phải chịu phạt đòn, sau đó được thả về, cũng nói: “Con người có ba hồn, một hồn ở nhà, hai hồn đi chịu đòn phạt.”

Nhân vật chính trong hai câu chuyện trên đều là những người đã bị Diêm Vương bắt đi rồi được thả về. Theo những gì họ kể sau khi hoàn dương, khi họ bị bắt, Diêm Vương chỉ bắt hai trong ba hồn, còn để lại một hồn giữ xác, do đó, mặc dù bị bắt xuống địa ngục, nhưng người đó vẫn chưa chết. Nhưng trong chuyện này lại nảy sinh một vấn đề, con người có ba hồn, trong thuật tu luyện của Đạo giáo thì có thể không cần bàn tới hình dạng của những hồn phách này, mặc dù cũng có những sách của Đạo giáo nhắc tới vấn đề hình dạng của hồn, phách, nhưng hình dạng của những hồn, phách này hoàn toàn mô phỏng đúng như thể xác của những hồn phách đó, ví dụ trong Thái vi thăng huyền kinh có viết: “Phách thần có bảy người, mặc áo đen, đội mũ đen, đi giày đen. Hồn thần có ba người, mỗi người cao khoảng một thước năm tấc, mặc áo đỏ, đội mũ đỏ, đi giày đỏ.” Chúng dường như là những thần vật không liên quan đến phẩm chất của con người, Ngọc Hoàng đại đế sản sinh và bồi dưỡng chúng hàng loạt, sau đó Tam Thi Thần sẽ phái họ đi, nhập vào cơ thể của mỗi con người.

Nhưng một khi dùng thuyết ba hồn bảy phách vào các câu chuyện ma thì ý nghĩa này sẽ có thay đổi, ít nhất thì ba hồn kia sẽ được cá tính hoá, trở thành đại diện cho chủ nhân, lúc này không thể không suy nghĩ đến hình dạng của hồn nữa. Khi Thôi Hoàn bị Diêm Vương bắt xuống địa phủ, Thôi Hoàn khi ấy không phải là người, thể xác của anh ta lúc đó đang nằm trên giường ở nhân gian, nhưng cũng không phải là ma bởi anh ta vẫn chưa chết, hiện giờ người ở địa phủ chính là hồn của anh ta. Hình dạng của hồn này giống hệt hình dạng của Thôi Hoàn trên trần gian, không chỉ có thế, hồn này ngoài việc không phải là người sống ra, tất cả mọi thứ của anh ta (hồn của Thôi Hoàn) bao gồm suy nghĩ, tình cảm, quan hệ xã hội, lai lịch cá nhân v.v… đều giống hệt của Thôi Hoàn, chính là muốn nói, anh ta (hồn của Thôi Hoàn) có đủ tư cách để đại diện cho Thôi Hoàn, không chỉ chịu trách nhiệm mọi việc mà anh ta (hồn của Thôi Hoàn) làm, mà còn thay Thôi Hoàn chịu đòn của Diêm Vương. Điểm này không có gì phải nghi ngờ nhưng vấn đề ở chỗ, Thôi Hoàn ở địa phủ rõ ràng chỉ có một hình dạng, sao lại do hai hồn đứng ra đại diện? Nếu một hồn đang lưu lại trong thể xác kia có thể tồn tại độc lập thì tại sao hai hồn ở dưới địa phủ lại không thể tách rời? Nếu chúng tách ra, liệu dưới địa phủ có xuất hiện hai Thôi Hoàn không? Và khi chịu đòn, ai sẽ là người nằm xuống?

Trong các câu chuyện ma dẫn thuyết ba hồn, thực ra trong cả câu chuyện có thể che giấu một vài lỗ hổng, ví dụ như việc hồn lìa khỏi xác mà người đó vẫn sống, để hồn sau khi dạo một vòng quanh địa phủ còn có thể quay lại dương thế, đại diện cho đạo lý về luật nhân quả mà các vị hoà thượng vẫn tuyên truyền. Còn việc chỉ đưa hai hồn xuống địa phủ, để lại một hồn trong thể xác, đã thay thế hoặc trợ giúp cho chức năng của “phách”, cách bố trí này cũng rất có ý nghĩa. Tại sao không đổi ngược lại, để hai hồn ở lại nhân thế, để một hồn tới địa phủ đối chất? Bởi vì ba hồn tương tụ, lý trí của con người mới vẹn toàn, có một sinh mệnh hoàn chỉnh, nếu mất đi một hồn, chỉ còn hai hồn tương tụ, thì người đó vẫn có thể duy trì được lý trí, khi bị bắt xuống địa phủ đối chất trước công đường sẽ không đến nỗi ăn nói hồ đồ. Nhưng khi ba hồn chỉ còn lại một thì chỉ có thể khiến người đó hôn mê bất tỉnh nằm trên giường bệnh. Ở đây cũng để lộ một kẽ hở lớn không thể che giấu, khi Diêm Vương đi bắt người đã cáo chung, về lý là phải bắt cả ba hồn, “ba hồn bay ra thiên linh đóng”, người này chắc chắn sẽ chết, nhưng Diêm Vương lại hay bắt sai người, nếu lúc này mà trả ba hồn về dương thế, chẳng phải là trả ba hồn về với một xác chết hay sao? Lúc này, vì xác của ba hồn kia không có một hồn ở lại canh giữ, sớm đã thối rữa, án oan này khó lòng sửa được. Hơn nữa còn tồn tại một khả năng khác, đó là người bị Diêm Vương bắt đến địa phủ chỉ là người làm chứng tạm thời, vì vậy mới để một hồn ở lại giữ xác, nhưng trong quá trình thẩm vấn, đột nhiên phát hiện nhân chứng này chính là kẻ phạm tội, thế thì không thể thả hắn về dương thế được nữa. Nhưng hắn vẫn còn một hồn ở trên dương thế, lúc này đành phải sai quỷ sứ đi bắt hồn còn lại kia, đây cũng là một chuyện đáng cười.

Trong cách nhìn nhận truyền thống của người Trung Quốc, hồn phách của con người không thể tan, vì hễ nó tan, con người sẽ chết. Nếu ba hồn, cho rằng tách nhau ra cũng tốt, đòi độc lập, không chịu tụ lại một chỗ thì cho dù người này được Diêm Vương thả về cũng không thể sống lại. Thế là có người đã nảy sinh một suy nghĩ kỳ quái, đó là dùng keo dính những hồn phách đang tứ tán khắp nơi kia lại với nhau.

Ngưu Tăng Nhũ người đời Đường viết trong Huyền quái lục (dẫn chuyện Tề suy nữ[12] quyển 358 Thái bình quảng ký, cuốn Huyền quái lục, quyển ba có phần Tề nhiêu châu, văn bản hơi khác nhau), kể về chuyện vợ của Lý Mỗ (con gái Tề Suy) đã chết nhiều ngày, đã “hồn bay phách tán” quay lại dương thế phục sinh, nhờ “dùng phương pháp ghép hồn để trả lại cuộc sống cho vợ Lý Mỗ”. Vậy thế nào gọi là ghép hồn? Sứ giả địa phủ giải thích rằng: “Con người khi còn sống có ba hồn bảy phách, sau khi chết sẽ lìa khỏi xác, không nơi nương tựa. Nếu tập hợp được hồn phách và thể xác lại làm một, dùng keo dính chúng lại với nhau, sau đó đại vương sẽ cho phép chúng quay lại dương thế, đấy chính là một cơ thể sống hoàn chỉnh.” Thế là một sứ giả địa phủ khác đưa đến bảy, tám người phụ nữ có tướng mạo giống vợ của Lý Mỗ, đẩy họ lại với nhau và hợp thành một. Tiếp đến, một quan viên xuất hiện, tay cầm bình thuốc, như nước đường loãng, đổ lên người vợ Lý Mỗ. Tôi vốn cho rằng họ sẽ dùng keo tăng lực 501 để dính bảy, tám hồn phách lại với nhau như dính bảy, tám tấm gỗ, nhưng chẳng qua cũng chỉ là tăng thêm một lớp màng bảo vệ bên ngoài cơ thể của vợ Lý Mỗ, khiến cho những hồn phách bị nhốt bên trong cơ thể đó không thể tuỳ tiện thoát ra ngoài.

[12] Con gái của Tề Suy.

Câu chuyện này đã trả lời cho câu hỏi được đặt ra ở trên, ba hồn bảy phách đến âm gian, lại biến thành một đám “quỷ” có hình dạng giống hệt nhau! Mà theo như câu chuyện Đường Huyên trong Thông u ký do Trần Thiệu đời Đường viết: “Con người sau khi chết, hồn phách mỗi thứ một nơi, cho dù đều bị dẫn giải xuống địa phủ thì cũng không được giam gần nhau”, hồn và phách đến âm phủ, lại bị chia ra và giam ở những nơi khác nhau, giống như những chi tiết trong câu chuyện về người con gái của Tề Suy ở trên.

Người con gái này ngoài “bản hồn”[13], còn có bảy, tám hồn phách nữa, vậy thì bản hồn đó chính là do “hai hồn” chưa bị ly tán hợp thành, một hồn còn lại là quỷ của một phách kia liệu có phải giống bệnh nhân tâm thần mất đi “năng lực hành vi”, không còn phải chịu trách nhiệm về hành vi của bản hồn nữa? Sự tưởng tượng của tiểu thuyết có thể cũng thú vị, nhưng nếu xã hội chấp nhận thuyết này thì sẽ mang lại không ít phiền phức cho thế giới ma quỷ. Ví dụ một chuyện đơn giản nhất là móc túi ra cho mượn tiền rồi không biết đi đòi ai. Sự kết dính của loại keo này rất mạnh, dính chặt một đám quỷ lại với nhau là có thể được hồi sinh rồi. Nhưng người đưa ra chủ ý này chỉ nhìn thấy trước mắt chứ không nhìn thấy tương lai, ba hồn bảy phách bị dính cố định với nhau như thế không thể tách ra được, vậy thì sau này, vợ của Lý Mỗ sao còn có thể chết đây?

[13] Hồn của chính mình.

Ngoài ra, việc để hồn có thể quay về dương thế thuận lợi mà bố trí một hồn ở lại giữ xác, thuyết này cũng có một lỗ hổng rất lớn, bởi rốt cuộc việc hồn được trả về dương thế xảy ra không nhiều, đa số những người đã chết không gặp được cơ may đó. Vậy thì âm ti vì chuyện này mà để lại một hồn ở dương thế giữ xác chẳng phải tự chuốc thêm phiền phức hay sao? Mà những người đó đều là chết bất đắc kỳ tử, não cũng đã chết, còn để lại một hồn ở đấy làm gì?

Nhưng những câu chuyện của người xưa cũng có đáp án cho câu hỏi này, chỉ có điều thời đại đã chuyển đến đời Nam Tống, không còn quan tâm tới những quy tắc của đời Đường nữa, họ cho rằng để một hồn ở lại giữ xác, hồn đấy chính là đại diện cho “bản quỷ”, chuẩn bị hoá kiếp. Thuyết này có thể thấy ở quyển năm Quan Vương Trì trong Di kiên chi mậu do Hồng Mại viết, trong đó kể về một hồn ma bị mất đầu, hồn ma đó nói: “Đầu và thân của tôi mỗi thứ một nơi, không biết đã bao nhiêu năm rồi… còn ba hồn bảy phách đã tan từ lâu. Chỉ còn một hồn đang giữ xác, lại bị mất đầu, nay có một mong muốn…” từ từ nói tiếp: “Thân và đầu mỗi thứ mỗi nơi, nay muốn hợp thể, liệu có được chăng? Như thế mới được gọi là một linh hồn.”

Linh hồn này đại diện cho bản quỷ, nếu không nhanh chóng trở về đúng vị trí, sẽ trở thành quỷ tác oai tác quái, gây trở ngại cho trị an của loài người trên dương gian. Thế là, lại có một người khác nghĩ ra kế sách vẹn cả đôi đường, chính là giam một hồn ở lại giữ xác vào miếu Thành Hoàng, cũng chính là nha môn phủ huyện của âm gian, chứ không thể để mặc nó tuỳ tiện đi lại trên đường phố. Đương nhiên miếu Thành Hoàng này có linh hồn chuyên trách canh giữ.

Trong cảnh ba của vở tạp kịch[14] Lã Động Tân độ Thiết Quái Lý Nhạc do Nhạc Bá Xuyên[15] người đời Nguyên viết, Lý Nhạc mượn thi thể để hoàn hồn, nói: “Ta mặc dù đã hoàn hồn, nhưng ba hồn của ta không đủ, một hồn còn đang ở trong miếu Thành Hoàng, người nhà ta sẽ đi lấy về.”

[14] Tạp kịch: một loại kịch hát hài hước, xuất hiện từ đời Tống của Trung Quốc.

[15] Nhạc Bá Xuyên: tác giả tạp kịch đời Nguyên, người Tế Nam, nay thuộc tỉnh Sơn Đông.

Điều này có lẽ bắt nguồn từ trình tự thẩm lý tội phạm của thời đó. Phạm nhân bị bắt, đầu tiên là giam trong nha môn bản địa, tình tiết nếu nghiêm trọng, sẽ giải lên trên, cũng theo thứ tự từ đại lý tự[16] của huyện, châu, phủ cho đến trung ương, nhưng bản ác gốc vẫn được lưu ở nha phủ của bản địa, bản án gốc này chính là nhốt một hồn lại. Sau này chắc là do dân số càng ngày càng phát triển, miếu Thành Hoàng của châu huyện không thể quản lý hết được, những vong hồn ở làng xã bị nhốt trong miếu thổ địa của chính làng xã đấy. Một câu chuyện trong quyển năm thuộc Hữu đài tiên quán bút ký do Du Việt người đời Thanh viết: “Người ở trấn Đường Tây tên Trương Khánh Tôn, vì muốn tránh nạn quân Thái Bình, chạy đến đất Thịnh Trạch, Không may ốm chết nơi đất khách quê người, linh hồn của anh ta cũng được đưa đến miếu thổ địa của Thịnh Trạch. Nhưng thổ địa của Thịnh Trạch lại cho rằng anh ta không phải người ở đây nên phải bị giam giữ ở miếu thổ địa tại quê gốc, thế là lại đưa trả linh hồn anh ta về Đường Tây.” Không ngờ quy tắc ở thế giới âm ti mà cũng nghiêm ngặt như thế.

[16] Đại lý tự: giống như toà án thời nay.

Trong cuốn Phong tục tập quán trên khắp đất nước Trung Hoa do Hồ Phác An viết, có ghi lại tang lễ của Cao Bưu ở Giang Tô như sau: “Người khi mới chết, người nhà phải dùng chiếu được tết bằng cây sậy, bằng rơm khoanh tròn bên cạnh miếu thổ địa của làng, làm nơi nương náu cho linh hồn người chết. Nam bên trái, nữ bên phải, gọi là “trải chỗ”. Sau khi trải chỗ, người nhà hằng ngày phải chuẩn bị hai bữa cơm, hai món, mang đến đặt ở nơi cư ngụ của quỷ, gọi là đưa cơm. Đêm cho vào áo quan, mời nhà sư cho ma đói ăn, người nhà mang kiệu giấy, thuyền giấy, ngựa giấy đặt vào giữa miếu thổ địa, lên tiếng cầu xin thần thổ địa tạm thả người chết. Mời hồn của người chết theo họ về nhà, như thế gọi là “triệu hồn về xem kịch”.”

Vong hồn bị giam giữ ở miếu thổ địa với thân phận kẻ bị tình nghi, quan niệm người chết tức là tội phạm của âm phủ ở thời Minh – Thanh đã thâm căn cố đế như vậy rồi.

Những câu chuyện xung quanh vấn đề “ba hồn” không ít, cũng muôn hình muôn dạng, kỳ lạ đủ điều. Lấy vài ví dụ để minh chứng. Ví dụ thứ nhất, trong chuyện Lương thị tân phụ[17] trong quyển ba Thôi Trượng viết: “Một dân tộc ở Hàng Châu, khi cô dâu mới bước qua cửa, tay phải cầm bình ngọc, bên trong đựng năm loại ngũ cốc, sau khi đến nhà chồng, lập tức giao cho người nhà chồng, cho bình ngọc vào trong tủ thóc. Nhà họ Lương cưới dâu, khi người con dâu mới tay cầm bình ngọc đi qua cửa, người giữ cửa đòi bao lì xì, kết quà đã xảy ra tranh cãi với bên đến đón dâu. Cô dâu mới ngồi trên kiệu sợ hãi vô cùng, khi về đến nhà chồng, tâm tư hỗn loạn như người mất hồn. Thầy cúng được mời đến, cho cô ta uống nước bùa chú, lúc ấy tinh thần mới có chút ổn định, nói: “Tôi có ba hồn, một hồn bị thất lạc bên ngoài cửa thành, một hồn thất lạc trong bình ngọc, cần phải triệu hai hồn ở hai nơi đó về.” Sau khi làm theo lời cô ta, cô dâu mới nhà họ Lương mới trở lại trạng thái bình thường.” Người gác cửa có thể dọa cho ba hồn của người qua cửa sợ tới mức bỏ chạy tứ tán khắp nơi, khiến một hồn phải lẩn vào trong bình ngọc để trốn, điều đó cho thấy uy phong của người đó hùng mạnh không kém gì thời nay.

[17] Cô dâu mới nhà họ Lương.

Ví dụ tiếp theo lấy từ hồi thứ nhất trong Tục Kim Bình Mai của Đinh Diệu Cang, người đầu thời Thanh, trong đó viết: “Con người có ba hồn bảy phách, khi còn sống thì tam thi thất tình, đến khi phách tán thân vong, ba hồn kia chính là ba con ma, một con đến âm ti chịu phạt, một con ở lại dương thế chờ hoá kiếp, còn một con ở lại bên cạnh mộ giữ xác chết, chịu mưa gió, không được rời đi, thậm chí còn bị coi là quấn chân.[18]

[18] Đinh Diệu Cang nói ba hồn tức là tam thi, sống thì là tam thi, chết thì là ba hồn, có quan hệ mật thiết với nội dung của quyển tám mươi mốt ‘Tam Thi Trung kinh’ trong ‘Vân Cấp Thất Thiêm. Tam Thi Trung kinh’ viết rằng: hình dạng của tam thi như trẻ con hoặc là như hình con ngựa, đều có lông dài hai tấc, sống trong con người. Khi con người chết đi, trục xuất ra thành ma, hình dạng giống như con người đó, quần áo ngắn dài cũng giống hệt giống như truyền thuyết nhân gian lưu truyền chuyện sinh hồn hoá thành hồn ma. Vì vậy, thuyết tam thi có thể là do tưởng tượng từ thuyết sinh hồn mà ra, không phải không có căn cứ.

Người sau khi chết, ba hồn phân tán đi ba nơi, trở thành ba con ma, suy nghĩ kỳ quặc này nhìn tưởng là vớ vẩn, linh tinh, thực ra chứa đựng hàm ý sâu sắc. Thử nhìn những hiếu tử hiền tôn trên thế gian này xem, đốt hương thờ cúng, một là vì muốn tổ tiên đã khuất sớm được rửa sạch tội lỗi, như thế chẳng phải ở địa ngục có một con ma sao? Hai là cầu chúc cho tổ tông được đầu thai vào gia đình giàu có, như thế chẳng phải chỉ là một hồn ma thôi sao? Ngoài hai điều cầu khấn ở trên kia ra, năm hết Tết đến đều đốt tiền vàng mã dâng cúng, xem ra trong mộ cũng có một hồn ma ở đó để hưởng lộc thụ hương hoa.

Hồi thứ mười ba trong Hồ lô giấm của tác giả Phục Thư, Giáo chủ đời Thanh cũng có những suy nghĩ tương đồng với thuyết này:

Địa Táng Bồ Tát nói: “… Nhưng lão nạp lại có một suy nghĩ thế này: Ba Tư Sư toàn thân giáng phàm, rơi trong sợ hãi, chỉ ra một hồn trong ba hồn hoá kiếp thành người, hai hồn còn lại cầu xin đại vương phục hồi nguyên dạng, tạm thời lưu lại địa phủ, quanh quẩn bên lão nạp nhiều năm, giúp việc cứu tế, để quên đi nỗi nhớ trần gian. Đợi tới khi hồn ở dương thế chuyển đến, sau đó tập hợp ba hồn, đi về Tây phương, thế chẳng phải cả công tư đều vẹn hay sao? Vừa hoàn thành tục duyên ở trần thế, lại không vi phạm quy giới của nhà Phật, những đóng góp trong ngục, công lao không hề nhỏ, cũng nên có lời khen chứ?”

Theo như cách nói ở trên, khi đó, cả ba hồn của người này đều bị bắt về âm phủ, sau khi phán quyết, chỉ có hai hồn ở lại âm phủ, một hồn đầu thai thành người trên trần gian. Hai hồn ở lại địa phủ phải chịu sự giáo dục của Địa Táng Bồ Tát, nhưng xếp hàng thụt giáo chưa chắc đã có thể hiểu hết, lẽ nào khi viết báo cáo tư tưởng cũng mỗi hồn phải viết một bản? Còn một hồn đầu thai làm người trên trần gian, đã trở thành một người hoàn toàn mới, đứa bé trai hay bé gái còn đang nằm trong tã này có liên quan gì đến ông lão hay bà lão đang ở dưới địa phủ kia? Nếu sau vài năm, ba hồn đoàn tụ, diện mạo mỗi người mỗi khác, cũng là điều khiến gười ta phiền lòng.

Vì vậy, trong quyển hai của Động linh tục chi do Quách Tắc Vân viết có vẻ hợp lý hơn một chút, ba hồn trong đó được lý giải là “một về địa phủ, một giữ xác, một ở trong mộ”. Hồn về địa phủ sẽ tự động tham gia quá trình luân hồi dưới đó, còn lại hai hồn kia, một hồn nhập vào bài vị trên bàn thờ, một hồn ở lại trong hài cốt nằm trong mộ.

Thuyết này so với suy luận ba phải kia rõ ràng hơn, không chỉ khiến quan niệm về địa ngục của người phương Tây và người Trung Quốc không tương phạm, mà còn lý giải, tranh luận về việc hồn ma ở mộ hay ở miếu.

Nhưng trong Hồ lô giấm có một mâu thuẫn, vẫn chưa được giải quyết triệt để ở đây: “Nếu chỉ có một hồn đầu thai làm người ở trần gian, vậy thì rốt cuộc người mới được sinh ra kia có mấy hồn? Phải chăng hồn này cũng giống Lão tử nhất khí hoá Tam Thanh[19] phân chia thành ba người hay không?” Cứ như thế, đời đời tương tryền, một hoá thành ba, ba thành chín, liên tục không nghỉ, mà khả năng phân chia đó nam nữ cũng giống nhau, âm gian nhiều hơn dương gian bội phần, thế thì sao được!

[19] Tam Thanh ở đây chỉ: quá khứ, hiện tại, tương lai.

“Một nước ba vua, ta phải theo ai?” Một nhà ba vợ, như Trương Đại Thiên cảm thấy không thoả đáng, đành phải cưới thêm một người nữa để đủ bàn mạt chược, để họ tự chơi mạt chược với nhau. Một người đang yên lành như thế, sao lại phải biến thành một thể ba hồn chứ? Càng cố gắng thì sự việc lại càng tồi tệ, chỉ riêng việc bố trí thế nào cho ba hồn sau khi người chết đi cũng đã có rất nhiều phương án được đưa ra, việc tranh chấp, đấu đá lẫn nhau khi còn ở trên thân thể người là điều không cần nghĩ cũng biết.

Còn về khái niệm “bảy phách”, dân gian cũng có rất nhiều cách nhìn nhận, mặc dù không ly kỳ như những thuyết liên quan tới “ba hồn” ở trên, nhưng những việc tủn mủn lặt vặt liên quan đến nó cũng đủ khiến âm ti phải đau đầu. Chuyện Tác thất, quyển chín trong Quảng Đông tân ngữ của Khuất Đại Quân viết về phong tục ở Quảng Đông, trong đó, khi cử hành tang lễ cho người chết, bảy ngày cúng một lần, cho đến bốn mươi chín ngày thì thôi, phong tục cử hành tang lễ này không chỉ có ở Quảng Đông, những nơi khác cũng có. Có điều, ở Quảng Đông, sau khi trẻ con được sinh ra, cũng phải bảy ngày cúng một lần, hết bốn mươi chín ngày mới thôi, điều này thì chưa từng nghe nói ở các vùng khác. Tác giả giải thích về “tác thất” như sau:

Con người khi sinh ra phải bốn mươi chín ngày sau mới tập hợp đủ phách, sau khi chết bốn mươi chín ngày phách mới tan, bảy ngày đầu sau khi chết, vẫn hy vọng quay lại trần gian. Trong bảy ngày cúng tế đó, với sự thành tâm của người sống, tinh thần thoải mái của người chết, bảy bảy bốn mươi chín ngày mà không quay lại được, tức là không sống lại nữa, người chết được bốn mươi chín ngày, là tận số “Hà Đồ”[20]. Tận số và dừng cúng tế, người sống không thể giúp gì được nữa.

[20] Hà Đồ: là Đạo tự nhiên, là bản đồ trên lưng con long mã. Bởi Bát quát tiên thiên do đức Phục Hi sáng lập ra, nói rằng vua Phục Hi trị thuỷ trên sông Mạnh Hà mới thấy trên lưng của Long Mã có xuất hiện nhiều điểm, dưới dạng chữ thập. Tóm lại, Hà Đồ là một bảng vẽ mười số đếm từ một đến mười, được biểu diễn bằng các chấm đen và trắng, sắp xếp thành hai vòng trong (nội) và ngoài (ngoại) theo đúng bốn phương chính là nam (ở trên), bắc (ở dưới), đông (bên trái), tây (bên phải).

Trẻ con khi được sinh ra, bảy ngày sẽ có một phách, sau bốn mươi chín ngày bảy phách sẽ tập hợp đầy đủ, không biết bảy phách này trước khi nhập vào cơ thể người thì tồn tại ở đâu? Con người lúc sắp chết, cứ bảy ngày sẽ có một phách đi, bốn mươi chín ngày bảy phách đi hết thì người sẽ chết, thi thể đã được hoả táng, không biết những phách chưa tan hết sẽ gửi mình vào đâu? Vốn nghĩ rằng, chỉ những thầy cúng ở nông thôn mới tán thành lý luận này, không ngờ một vài phần tử trí thức cũng tát nước theo mưa, Khuất Ông Sơn là một người có trình độ học vấn không hề tầm thường trong đợt di dân đầu đời Thanh, chẳng phải chính ông cũng đã lôi kéo “Hà Đồ” vào đó hay sao.