Chương 6 : Vũ trụ nhấp nháy phần 1

Tam Thể

Đăng vào: 2 năm trước

.

Uông Diểu lái xe dọc đường Kinh Mật đến huyện Mật Vân, rồi rẽ vào đầm Hắc Long, đi thêm một đoạn đường vòng quanh núi nữa là đến cơ sở quan trắc thiên văn vô tuyến của Trung tâm quan trắc thiên văn Quốc gia thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc. Anh thấy hai mươi tám chiếc ăng ten parabol đường kính mỗi chiếc khoảng 9 mét xếp thành hàng ngang dưới ánh chiều tà, trông như một thể một hàng cây kim loại lừng lững, hai ăng ten kính viễn vọng vô tuyến khổng lồ đường kính 50 mét hoàn thành năm 2006 đứng sừng sững ở hai đầu dãy ăng ten 9 mét, lúc lái xe đến gần chúng,

Uông Diểu không khỏi liên tưởng đến cảnh nền tấm ảnh hai mẹ con Dương Đông chụp chung kia.
Nhưng dự án mà học sinh của bà Diệp Văn Khiết đang thực hiện lại không liên can gì đến kính thiên văn vô tuyến này, phòng thí nghiệm của tiến sĩ Sa Thụy Sơn chủ yếu là thu thập dữ liệu quan trắc của ba vệ tinh: vệ tinh thăm dò bức xạ nển vi sóng vũ trụ COBE được phóng lên từ tháng 11 năm 1989 nay đã sắp sửa bị đào thải, tàu thăm dò dị hướng vi sóng Wilkinson hay WMAP phóng năm 2003 và tàu thăm dò bức xạ nền vi sóng vũ trụ độ nhạy cao Planck do Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA) phóng năm 2007.

Về tổng thể, phổ phân bố của bức xạ nền vi sóng vũ trụ đồng nhất chính xác với phổ phát xạ của một vật đen tuyệt đối có nhiệt độ 2,726 độ K và bức xạ đó có tính đẳng hướng với độ chính xác cao, nhưng xét về cục bộ, cũng tồn tại sai số trong khoảng cộng trừ 5 phần triệu. Công việc của Sa Thụy Sơn chính là dựa vào số liệu quan trắc được của vệ tinh, vẽ lại một bức bản đồ bức xạ nền vi sóng của vũ trụ một cách chi tiết hơn. Phòng thí nghiệm này không lớn lắm, trong phòng máy tính chất đầy các thiết bị thu nhập số liệu vệ tinh, có ba thiết bị đầu cuối lần lượt hiển thị số liệu từ ba vệ tinh khác nhau.
Sa Thụy Sơn thấy Uông Diểu, lập tức tỏ thái độ nhiệt tình của kẻ làm việc đơn độc suốt thời gian dài mới có khách đến thăm, hỏi han xem anh muốn tìm hiểu số liệu quan trắc về phương diện nào.
“Tôi muốn xem dao động tổng thể của bức xạ nền vũ trụ.”
“Anh… nói cụ thể hơn một chút được không?” Ánh mắt Sa Thụy Sơn bỗng trở nên kỳ lạ.
“Thì là, dao động tổng thể đẳng hướng của bức xạ nền vi sóng 3K, biên độ dao động từ 1% đến 5%.”
Sa Thụy Sơn cười cười, từ đầu thế kỷ này, đài thiên văn vô tuyến Mật Vân đã mở cửa cho du khách tham quan để kiếm thêm thu nhập, Sa Thụy Sơn thường hay làm hướng dẫn hoặc đảm nhiệm việc thuyết giảng, đây là nụ cười của anh ta khi trả lời các câu hỏi của du khách (anh ta đã thích ứng với sự mù khoa học đến phát sợ của họ rồi). “Anh Uông, anh… không nghiên cứu chuyên ngành này đúng không?”
“Tôi nghiên cứu về vật liệu nano.” “Ồ, vậy thì đúng rồi. Có điều, anh
cũng có tìm hiểu qua loa về bức xạ nền
vũ trụ 3K đúng không?”
“Những gì tôi biết không nhiều. Giả thiết về nguồn gốc vũ trụ hiện nay cho rằng, vũ trụ sinh ra trong một vụ nổ lớn vào khoảng 14 tỷ năm trước, vào thời kỳ đầu khi mới sinh ra, nhiệt độ của vũ trụ cực cao, sau này bắt đầu nguội dần, hình thành nên một thứ ‘than hồng’ được gọi là bức xạ nền vi sóng. Loại bức xạ này còn sót lại trong khắp vũ trụ, với đỉnh nằm trong dải bước sóng vi ba. Hình như là vào năm một chín sáu mấy thì phải, có hai người Mỹ khi điều chỉnh ăng ten thu nhận tín hiệu vệ tinh độ chính xác cao đã tình cờ phát hiện ra bức xạ nên vũ trụ này…”
“Đủ rồi.” Sa Thụy Sơn xua tay ngắt lời Uông Diểu, “Vậy chắc anh biết, khác với những biến thiên nhỏ mà ta thấy khi quan trắc những vị trí cục bộ khác nhau, dao động tổng thể của bức xạ nền vi sóng vũ trụ phụ thuộc vào sự dãn nở của vũ trụ, nó thay đổi chậm tới mức phải tính bằng tuổi vũ trụ, với độ chính xác của tàu thăm dò Plank, một triệu năm sau cũng chưa chắc có thể phát hiện ra sự thay đổi này, vậy mà tối này anh lại muốn phát hiện nó dao động tận 5%?! Có biết thế nghĩa là gì không? Thế tức là cả cái vũ trụ này sẽ nhấp nháy như cái đèn tuýp bị hỏng ấy!”
Chẳng những thế, lại còn là nhấp nháy vì tôi nữa. Uông Diểu thầm nhủ.
“Cô Diệp đang đùa trò gì vậy.” Sa Thụy Sơn lắc đầu.
“Chỉ mong đúng là trò đùa.” Uông Diểu nói, anh vốn định bảo với anh ta Diệp Văn Khiết không biết chuyện gì cả, nhưng lại sợ vì thế mà bị anh ta từ chối, có điều, những lời vừa nói ra cũng đúng là những điều trong lòng anh nghĩ.
“Nếu cô Diệp đã có lời, vậy thì anh cứ quan sát đi, đằng nào cũng không tốn công, độ chính xác 1% thì dùng món đồ cổ COBE là được rồi.” Sa Thụy Sơn vừa nói, vừa thao tác trên thiết bị đầu cuối, thoáng cái trên màn hình đã xuất hiện một đường màu xanh lục thẳng tắp, “anh nhìn xem, đây chính là đường sóng thể hiện dao động thời gian thực của tổng thể bức xạ nền vũ trụ trong từng thời điểm này, ừm, nên gọi là đường thẳng mới chính xác, trị số là 2,726 ± 0,01 K, sai số đó là hiệu ứng Doppler(*) sinh ra khi hệ Ngân Hà vận động, đã được lọc đi rồi. Nếu xảy ra dao động mà biên độ sóng vượt quá 1% như anh nói, đường thẳng này sẽ chuyển sang màu đỏ và thể hiện dao động sóng. Tôi dám đánh cược cho đến ngày tần cùng thế giới, nó vẫn là một đường thẳng màu xanh, muốn trông thấy nó thể hiện ra thay đổi mà mắt thường nhìn thấy được, có khi còn phải đợi lâu hơn cả đợi Mặt trời bị tắt lụi ấy chứ.”
(*) Hiệu ứng Doppler: là một hiệu ứng vật lý, đặt tên theo Christian Andreas Dopper, trong đó tần số và bước sóng của sóng âm, sóng điện tử hay các sóng nói chung bị thay đổi khi nguồn phát sóng có chuyển động tương dối với người quan sát.

“Chuyện này có ảnh hưởng đến công việc thường ngày của anh không?”
“Tất nhiên là không, độ chênh lệch lớn như vậy, dùng số liệu quan trắc đồng nát của COBE là đủ rồi. Được rồi, bắt đầu từ bây giờ, nếu có biến động lớn xuất hiện, số liệu sẽ tự động lưu lại vào đĩa.”
“Có thể phải đợi đến một giờ sáng.” “Ồ, chính xác vậy à? Không sao, đằng
nào tôi cũng trực đêm mà. Anh ăn cơm
chưa? Vậy được, tôi dẫn anh đi tham quan một chút nhé.”
Đêm nay không có trăng, họ chậm rãi bước dọc theo dãy ăng ten dài. Sa Thụy

Sơn chỉ vào cột ăng ten nói: “Hoành tráng không? Đáng tiếc đều là tai của người điếc cả.”
“Tại sao?”
“Từ lúc chúng xây dựng xong đến nay, dải tần quan trắc đã liên tục bị gây nhiễu, trước tiên là đài phát thanh liên lạc hồi cuối những năm 80 thế kỷ trước, đến nay thì là hệ thống thông tin di động đang phát triển điên cuồng. Những hạng mục mà các kính viễn vọng vô tuyến có khẩu độ tổng hợp sóng ngắn này có thể làm được như là: tuần tra bầu trời bằng sóng ngắn, phát hiện các nguồn sóng điện biến thiên, nghiên cứu di tích sao siêu mới… hầu hết đều không thể triển khai bình thường. Chúng tôi đã nhiều lần tìm đến Ủy ban quản lý vô tuyến điện quốc gia, nhưng không có tác dụng, chúng tôi có thắng được China Mobile, China Unicom, China Netcom không? Không có tiền, sự huyền ảo của vũ trụ là cái đinh gì! Cũng may, dự án của tôi dựa vào số liệu vệ tinh gửi về, không liên quan gì đến những ‘cảnh quan du lịch’ này.”
“Những năm gần đây, nhiều nghiên cứu cơ sở được vận hành thương mại hóa vẫn rất thành công, ví dụ như ngành Vật lý hạt. Xây cơ sở quan sát ở nơi xa thành thị một chút hẳn là đỡ hơn chứ?”
“Vẫn là vấn đề tiền thôi. Hiện tại, chỉ có thể ngăn chặn nhiễu loạn bằng biện pháp kỹ thuật. Chậc, cô Diệp mà ở đây thì tốt quá, về phương diện này, cô ấy rất uyên thâm.”
Sau đó, họ đến một quán bar mở thâu đêm dành cho du khách. Sa Thụy Sơn uống hết cốc bia này đến cốc bia khác, càng lúc càng nói nhiều. Chủ đề câu chuyện tập trung vào Diệp Văn Khiết. Qua lời người học sinh, Uông Diểu biết được nửa trước cuộc đời đã trải lắm gió sương của bà.