Chương 36 : Vĩ thanh: Di chỉ

Tam Thể

Đăng vào: 2 năm trước

.

Không ai tin Diệp Văn Khiết có thể tự mình leo lên đỉnh núi Radar một lần nữa, nhưng cuối cùng bà ta vẫn làm được, dọc đường bà ta không để người khác dìu đỡ, chỉ nghỉ ngơi hai lần ở trạm gác bỏ hoang nơi lưng chừng núi. Bà ta đang tiêu hao sức sống đã không thể nào tái sinh trở lại của mình một cách không hề thương tiếc.

Sau khi biết được sự thực về nền văn minh Tam Thể, Diệp Văn Khiết trở nên lặng lẽ, rất ít nói, chỉ đưa ra một yêu cầu: bà ta muốn trở lại di chỉ Hồng Ngạn.

Khi đoàn người lên núi, đỉnh Radar vừa khéo chọc thủng tầng mây. Họ đã đi suốt cả ngày trời trong sương mù âm u, giờ bỗng chốc trông thấy vầng dương chiếu sáng rực rỡ phía trời Tây và bầu không xanh thẳm, cảm giác thật như bước lên một thế giới khác vậy.

Từ đỉnh núi dõi mắt nhìn ra, biển mây trắng muốt dưới ánh Mặt trời, hình dạng trập trùng ấy, phảng phát như một sự tái hiện trừu tượng siêu hình nào đó của dãy núi Đại Hưng An bên dưới tầng mây.

Đống đổ nát trong tưởng tượng của mọi người không hề tồn tại, khu căn cứ đã bị dỡ bỏ hoàn toàn, trên đỉnh núi chỉ còn lại một đám cỏ dại, nền móng và các lối đi đều bị che khuất, thoạt trông chỉ như một vùng hoang vu, tất cả mọi thứ ở Hồng Ngạn dường như chưa từng xảy ra.

Nhưng Diệp Văn Khiết đã nhanh chóng phát hiện ra một di tích, bà ta bước đến bên cạnh một khối đá cao lớn, gạt mớ dây leo mọc lan tràn bên trên đó đi, để lộ ra gỉ sắt lốm đốm, những người khác khi ấy mới nhận ra “khối đá” thì ra là một bệ kim loại khổng lồ.

“Đây là bệ ăng ten.” Diệp Văn Khiết nói. Tiếng gọi đầu tiên của văn minh Trái đất được văn minh ngoài hành tinh nghe thấy, chính là thông qua ăng ten gắn trên bệ này phát về phía Mặt trời, rồi được Mặt trời khuếch đại lên, truyền đi khắp vũ trụ.

Mọi người phát hiện ra bên cạnh bệ ăng ten có một bia đá nhỏ, nó gần như đã bị cỏ dại hoàn toàn vùi lấp. Trên tấm bia đề:

Di chỉ căn cứ Hồng Ngạn (1968-1987)
Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc 21 tháng 3 năm 1989

Tấm bia nhỏ xíu, giống như để lãng quên hơn là để làm kỷ niệm.

Diệp Văn Khiết đi tới bên bờ vực, bà ta từng tự tay kết liễu sinh mạng của hai người lính ở nơi này. Bà ta không dõi mắt nhìn biển mây như những người đồng hành của mình, mà tập trung ánh mắt về một hướng, bên dưới tầng mây đó, có một thôn nhỏ tên là Tề Gia…

Trái tim Diệp Văn Khiết đập một cách khó nhọc, như một sợi dây đàn sắp sửa đứt lìa, bóng tối bắt đầu xuất hiện trước mắt bà ta, Diệp Văn Khiết dồn hết chút năng lượng cuối cùng của sự sống lại để gắng gượng cầm cự, trước khi tất cả chìm vào đêm tối vĩnh hằng, bà ta muốn ngắm Mặt trời lặn ở căn cứ Hồng Ngạn một lần nữa.

Nơi chân trời phía Tây, vầng dương đang chìm xuống biển mây như bị tan chảy, máu của vầng dương chảy tràn ra
biển mây và cả bầu trời, phơi bày một mảng đỏ rực mênh mông tráng lệ.

“Đây là hoàng hôn của nhân loại…” Diệp Văn Khiết khe khẽ nói.