Chương 27 : Không người sám hối

Tam Thể

Đăng vào: 2 năm trước

.

Sau khi Lôi Chí Thành và Dương Vệ Ninh gặp nạn, cấp trên nhanh chóng xử lý vụ việc này như một tai nạn nghề nghiệp bình thường, trong mắt của tất cả mọi người ở căn cứ, tình cảm của Diệp Văn Khiết và Dương Vệ Ninh rất tốt, không ai nghi ngờ cô cả.
Chính ủy mới của căn cứ mau chóng đến nhậm chức, cuộc sống lại khôi phục sự bình lặng trước đây, sinh mạng nhỏ trong bụng Diệp Văn Khiết ngày một lớn dần, đồng thời, cô cũng cảm nhận được sự thay đổi của thế giới bên ngoài.

Hôm ấy, đội trưởng đội cảnh vệ gọi Diệp Văn Khiết ra trạm gác ngoài cổng. Vừa ra đến nơi, cô liền giật mình kinh ngạc: ở đó có ba đứa trẻ, hai nam một nữ, chừng khoảng mười lăm mười sáu tuổi, đều mặc áo bông cũ, đầu đội mũ da chó, nhìn biết ngay là người địa phương. Lính gác nói với cô, bọn chúng là người ở thôn Tề Gia, nghe nói trên núi Radar này toàn là người có học vấn nên muốn đến hỏi vài vấn đề trong học tập. Diệp Văn Khiết thầm nhủ, sao bọn chúng lại dám lên núi Radar? Nơi này là khu vực cấm tuyệt đối của quân đội, các trạm gác chỉ cần cảnh cáo kẻ tự tiện tiếp cận một lần là có thể nổ súng. Tay lính gác nhìn ra sự nghi hoặc của Diệp Văn Khiết, liền

cho cô biết, vừa nhận được lệnh, cấp độ bảo mật của căn cứ Hồng Ngạn đã bị hạ thấp, người bản địa chỉ cần không vào trong căn cứ thì có thể lên núi Radar, từ hôm qua đã có mấy nông dân địa phương đến để đưa rau rồi.
Một đứa trẻ lấy ra một cuốn sách giáo khoa vật lý cấp II đã rách bươm, tay nó đen sì, nứt nẻ như vỏ cây, hỏi cô một vấn đề vật lý cấp II bằng chất giọng Đông Bắc rất nặng: trong sách nói vật thể rơi tự do thoạt đầu sẽ không ngừng tăng tốc, nhưng cuối cùng sẽ rơi xuống với vận tốc như nhau, bọn chúng đã nghĩ mấy buổi tối mà cũng không hiểu được.
“Các cháu chạy cả quãng đường xa

như vậy, là để hỏi chuyện này hả?” Diệp Văn Khiết hỏi.
“Cô giáo Diệp, cô không biết ạ? Bên ngoài kia sắp thi đại học rồi!” Cô bé gái phấn khích nói.
“Thi đại học?”
“Thì là vào đại học đó! Ai học tốt, ai được điểm cao thì sẽ được vào đại học! Từ năm ngoái đã thế rồi, cô vẫn không biết ạ?!”
“Không giới thiệu nữa à?”
“Không, ai cũng được thi, cả con cái thành phần ‘năm loại đen”(*) trong thôn cũng được nữa đó!”

(*) Cách gọi chung của năm thành phần: phú nông, địa chủ, phần tử xấu, cánh hữu và phản cách mạng.
Diệp Văn Khiết ngẩn người ra một lúc, thầm cảm khái trước sự thay đổi này. Mãi lâu sau, cô mới nhận ra bọn trẻ trước mặt vẫn đang cầm sách đợi mình, vội vàng trả lời câu hỏi của chúng, bảo chúng rằng đó là do lực cản không khí và trọng lực đã cân bằng nhau. Cô còn hứa, nếu sau này học hành có gì khó khăn, chúng có thể đến tìm cô bất cứ lúc nào.
Ba ngày sau, lại có bảy đứa trẻ đến tìm Diệp Văn Khiết, ngoài ba đứa lần trước, bốn đứa còn lại đều từ thôn trấn khác xa hơn. Lần thứ ba, có mười lăm

đứa trẻ đến tìm cô, cùng đi còn có cả một thầy giáo ở trường trung học của thị trấn, vì thiếu người, ông ta phải dạy cả mấy môn toán, lý, hóa, ông ta đến để hỏi Diệp Văn Khiết một số vần đề trong dạy học. Người này đã quá ngũ tuần, mặt mũi đượm vẻ phong sương vất vả, đứng trước mặt Diệp Văn Khiết cứ luống ca luống cuống, sách vở rơi bừa bãi dưới đất. Lúc ra khỏi trạm gác, Diệp Văn Khiết nghe ông ta nói với các học sinh: “Các em, nhà khoa học, đây là nhà khoa học thực sự đó!” Từ sau đận ấy, cứ dăm ba ngày lại có lũ trẻ đến hỏi bài, có lúc đến đông quá, trong trạm canh không đủ chỗ đứng, được sự đồng ý của lãnh đạo phụ trách công tác bảo vệ trong căn cứ,

lính gác dẫn họ vào cả nhà ăn, Diệp Văn Khiết kê một tấm bảng đen nhỏ ở đó giảng bài cho lũ trẻ.
Đêm giao thừa năm 1978, Diệp Văn Khiết tan ca thì trời đã tối mịt, hầu hết người trong căn cứ đều đã xuống núi trong kỳ nghỉ kéo dài ba ngày, khắp nơi đều chìm trong tĩnh lặng. Diệp Văn Khiết về phòng mình, nơi đây từng là nhà của cô và Dương Vệ Ninh, giờ thì đã trống huếch, chỉ còn lại đứa trẻ trong bụng bầu bạn cùng cô. Đêm lạnh, gió của dãy Đại Hưng An ngoài kia rít gào, trong gió loáng thoáng vẳng lại tiếng pháo nổ ở thôn Tề Gia phía xa xa. Nỗi cô đơn tựa như một bàn tay khổng lồ đè lên Diệp Văn Khiết, cô cảm thấy mình càng lúc

càng bị đè cho nhỏ hơn, cuối cùng co rút vào một góc nhỏ xíu không ai nhìn thấy của thế giới này… Đúng lúc ấy có tiếng gõ cửa, sau khi mở cửa, người đầu tiên cô trông thấy là lính gác trực, sau lưng anh ta có mấy cây đuốc cành thông đang cháy leo lét trong gió lạnh, cầm đuốc là một lũ trẻ con, mặt đứa nào đứa nấy đều đỏ bừng vì lạnh, trên mũ da chó có cả mạt băng vụn, bước vào nhà mang theo một luồng khí lạnh. Trong bọn có hai thằng bé bị lạnh nhất, chúng nó áo xống mỏng manh, nhưng lại dùng hai chiếc áo bông dày bọc thứ gì đó ôm trong lòng, lúc mở áo bông, hóa ra là cái chậu men sứ lớn, bên trong là dưa chua với bánh chẻo nhân thịt lợn vẫn đang bốc khói

trắng nghi ngút.

Năm đó, tám tháng sau khi phát tín hiệu về phía Mặt trời, Diệp Văn Khiết sinh nở, vì cái thai không thuận, sức khỏe cô lại rất yếu, phòng y tế của căn cứ không đủ điều kiện đỡ đẻ nên phải chuyển cô đến bệnh viện thị trấn gần nhất.
Đây hóa ra lại là một cửa ải sinh tử đối với Diệp Văn Khiết, cô sinh khó, sau khi đau đớn quằn quại và mất máu quá nhiều thì rơi vào hôn mê, trong lúc mơ mơ màng màng chỉ trong thấy ba vầng Mặt trời nóng bỏng chói mắt đang từ từ chuyển động xung quanh, tàn khốc thiêu đốt mình. Cảnh tượng ấy kéo dài rất lâu,

trong cơn mộng mị, cô thầm nghĩ đây có lẽ chính là chốn về vĩnh hằng của mình rồi, đây chính là địa ngục của cô, lửa địa ngục tạo nên bởi ba Mặt trời sẽ vĩnh viễn thiêu đốt cô, đây chính là hình phạt cô phải nhận lấy cho tội phản bội. Cô rơi vào nỗi sợ khủng khiếp, không phải vì bản thân, mà là vì đứa nhỏ… đứa nhỏ vẫn ở trong bụng cô chứ? Nó vẫn theo cô đến chốn địa ngục này chịu đựng nỗi thống khổ vĩnh hằng hay sao? Không biết bao lâu đã trôi qua, ba Mặt trời dần dần lùi xa, đến một khoảng cách nhất định thì chúng đột nhiên thu nhỏ lại, biến thành ba ngôi sao bay sáng nhấp nháy, xung quanh trở nên mát lạnh, nỗi đau cũng bớt đi phần nào, rốt cuộc cô đã tỉnh lại.

Diệp Văn Khiết nghe thấy bên tai có tiếng khóc oe óe, cô gắng sức ngoảnh mặt lại, liền trông thấy gương mặt nhỏ xíu ẩm ướt, non nớt của em bé mới sinh.
Bác sĩ bảo Diệp Văn Khiết, cô chảy mất hơn hai lít máu, thôn Tề Gia có mấy chục nông dân đến đây hiến máu cho cô, trong số họ nhiều người có con được cô phụ đạo cho, nhưng nhiều hơn cả là những người không hề quen biết, chỉ nghe lũ trẻ con và bố mẹ chúng nhắc đến cô mà thôi, nếu không có bọn họ, cô đã chết chắc rồi.
Những ngày tháng sau này trở thành một vấn đề nan giải, Diệp Văn Khiết đẻ xong rất yếu ớt, nuôi con trong căn cứ là

điều không thể, cô lại không có người thân thích nào cả. Lúc này, một cặp vợ chồng già ở thôn Tề Gia đến tìm lãnh đạo khu căn cứ, nói họ có thể đưa Diệp Văn Khiết và đứa trẻ về nhà chăm sóc. Người chồng vốn là một thợ săn, cũng đi hái cả thuốc, về sau rừng ở xung quanh càng lúc càng ít thì chuyển sang làm nông, nhưng mọi người vẫn gọi ông là thợ săn Tề. Nhà họ được hai trai hai gái, hai cô con gái đều đã đi lấy chồng, một người con trai đi lính ở tỉnh ngoài, người còn lại sau khi lấy vợ thì ở chung với hai ông bà, con dâu cũng vừa mới sinh cháu. Lúc này Diệp Văn Khiết chưa được sửa sai, lãnh đạo căn cứ lấy làm khó xử, nhưng cũng chỉ còn mỗi cách này, bèn

cho họ dùng xe trượt tuyết đưa Diệp Văn Khiết từ bệnh viện thị trấn về nhà mình.
Diệp Văn Khiết ở nhà người nông dân trong dãy núi Đại Hưng An ấy hơn nửa năm, đẻ xong, sức khỏe cô yếu ớt, không có sữa, thời gian này, Dương Đông lớn lên nhờ sữa của trăm nhà. Người cho Dương Đông bú nhiều nhất là con dâu của thợ săn Tề, tên là Đại Phượng. Cô gái vùng Đông Bắc ấy ngày ngày đều ăn cao lương và ngô, cùng lúc cho hai đứa trẻ bú mà vẫn thừa sữa. Các bà mẹ trong thôn đang trong thời kỳ cho con bú cũng đều đến cho Đông Dương bú nhờ, họ rất thích cô bé, nói rằng nó có vẻ xinh xắn mong manh của mẹ. Dần dần, nhà thợ săn Tề thành chỗ tụ tập của phụ nữ trong

thôn, người già người trẻ, người đã có chồng hay chưa chồng, những lúc rảnh rỗi đều thích đến đây chơi, họ vừa ngưỡng mộ lại vừa tò mò đối với Diệp Văn Khiết, còn Diệp Văn Khiết cũng nhận ra giữa mình và họ có rất nhiều chuyện phụ nữ có thể nói với nhau. Cũng không nhớ có bao nhiêu ngày nắng đẹp, Diệp Văn Khiết ôm Dương Đông cùng các bà các cô trong thôn ngồi trong cái sân quây bằng cọc gỗ bạch hoa, bên cạnh có lũ trẻ con đang chơi đùa và con chó đen lười nhác, ánh dương ấm áp ôm trọn lấy tất cả vào lòng. Lần nào cô cũng đặc biệt để ý nhìn mấy bà cầm tẩu thuốc bằng đồng, làn khói lững lờ phả ra từ miệng họ lan vào ánh Mặt trời, phát ra thứ ánh

sáng dìu dịu bàng bạc giống như những sợi lông măng trên làn da căng mọng của họ. Có lần, một người trong số họ đưa chiếc tẩu dài bằng thép trắng cho cô, bảo cô “thử một tí”, cô rít vào hai ba hơi, liền bị sặc khói xây xẩm cả người, khiến bọn họ cười suốt mấy ngày.
Với đám đàn ông Diệp Văn Khiết lại chẳng có chuyện gì để nói, cô cũng không hiểu được những chuyện hằng ngày họ quan tâm, đại khái là muốn nhân lúc chính sách đang buông lỏng mà trồng ít nhân sâm, nhưng lại không dám mạnh dạn làm. Họ đều rất kính trọng Diệp Văn Khiết, lúc nào cũng lịch sự lễ độ trước mặt cô. Mới đầu cô cũng không để ý chuyện này cho lắm, nhưng lâu dần, khi

thấy những người đàn ông đó đánh đập vợ con thô lỗ thế nào, thấy lúc họ trêu đùa những bà quả phụ trong thôn, nói ra những lời thô tục chỉ nghe nửa câu cô đã đỏ bừng mặt lên ra sao, cô mới cảm nhận được sự tôn trọng đó quý báu đến nhường nào. Cứ dăm ba ngày, thế nào cũng có người trong bọn họ mang thỏ hoang, gà rừng bắt được đến nhà thợ săn Tề, lại còn tặng cho Dương Đông rất nhiều món đồ chơi đơn sơ mà đặc biệt do chính họ làm ra nữa.
Trong ký ức của Diệp Văn Khiết, khoảng thời gian này dường như không thuộc về cô, mà tựa một mảng trôi dạt nào đó từ cuộc đời người khác rơi vào cuộc đời cô, như thể một chiếc lông vũ

vậy. Đoạn ký ức ấy được cô đặt lại trong tâm tưởng thành những bức tranh sơn dầu mang phong cách cổ điển châu Âu, rất kỳ quặc, không phải tranh của Trung Quốc, mà là tranh sơn dầu. Trong tranh Trung Quốc có quá nhiều khoảng trống, mà cuộc sống ở thôn Tề Gia lại không có khoảng trống, tựa như tranh sơn dầu cổ điển vậy, tràn ngập những màu sắc nồng đậm không thể xóa nhòa. Tất cả đều nồng nhiệt và ấm áp: chiếc kháng(*) đất trải lớp cỏ u la thật dày, thuốc lá Mạc Hợp và Quan Đông trong chiếc tẩu bằng đồng, bát cơm cao lương đầy đặn, rượu cao lương nặng đến 65 độ… nhưng tất cả những thứ này đều trôi đi trong tĩnh lặng và bình yên, như con suối nhỏ trong thôn

làng ấy.
(*) Loại giường đắp bằng đất, mùa đông nằm sẽ rất ấm áp, phổ biến ở các vùng nông thôn phía Bắc Trung Quốc.
Diệp Văn Khiết nhớ nhất là những buổi đêm ở đó. Thợ săn Tề và con trai đã vào thành phố bán nấm nương, ông là người đầu tên trong thôn đi ra ngoài kiếm tiền, cô ở chung với Đại Phượng. Lúc bấy giờ, thôn Tề Gia chưa có điện, mỗi tối, hai người họ đều ngồi bên chiếc đèn dầu, Diệp Văn Khiết đọc sách còn Đại Phượng thì khâu vá. Diệp Văn Khiết lần nào cũng vô thức gí sát quyển sách và mắt vào gần đèn dầu, tóc mái thường bị cháy kêu lách cách, những lúc như thế cả

hai lại ngẩng đầu lên nhìn nhau mà cười. Đại Phượng chẳng bao giờ gặp phải chuyện như thế, mắt cô rất tốt, dưới ánh sáng lửa than cũng có thể làm những công việc tỉ mỉ. Hai đứa trẻ còn chưa đầy nửa năm tuổi ngủ trên chiếc kháng đất bên cạnh cô, dáng vẻ lúc ngủ của chúng khiến người ta nhìn mà ngây ngất, âm thanh duy nhất nghe được trong phòng chỉ có tiếng thở đều đặn của hai đứa chúng. Ban đầu, Diệp Văn Khiết không quen ngủ trên kháng đất, toàn bị nóng, về sau quen rồi, trong giấc mộng, cô thường cảm thấy mình biến thành trẻ sơ sinh nằm trong vòng tay ấm áp của một người nào đó, cảm giác ấy rất thật, mấy lần tỉnh giấc cô đều đầm đìa nước mắt… Nhưng

người đó không phải cha hay mẹ, cũng không phải người chồng đã chết của cô, cô không biết đó là ai.
Có một lần, cô buông sách xuống, thấy Đại Phượng đặt cái đế giày đang khâu xuống đùi, ngẩn người ra nhìn ngọn đèn. Nhận ra Diệp Văn Khiết đang nhìn mình, Đại Phượng đột nhiên hỏi:
“Chị à, chị nói xem ông sao trên trời kia chắc sẽ không rơi xuống đây chứ?”
Diệp Văn Khiết chăm chú nhìn Đại Phượng, ngọn đèn dầu là một họa sĩ tài ba, khắc họa nên một bức tranh sơn dầu cổ điển sắc điệu đậm đà mà lại có vẻ thanh thoát: Đại Phượng khoác áo bông, chiếc yếm đỏ và một cánh tay tròn lẳn lộ

ra ngoài, ngọn đèn làm hình ảnh cô nổi bật lên, phủ lên những phần đẹp nhất của cô thứ màu sắc nổi nhất, còn những phần khác thì khéo léo ẩn đi. Cảnh nền cũng bị ẩn đi, tất cả đều bị nhấn chìm trong một mảng tối dịu dàng, nhìn kỹ còn thấy cả một quầng sáng màu đỏ sậm, không phải của ngọn đèn dầu, mà là do than hồng dưới đất chiếu hắt ra, có thể thấy, cái lạnh bên ngoài đã bắt đầu dùng hơi ẩm ấm áp bên trong nhà điêu khắc nên những đường vân băng đẹp đẽ trên ô cửa sổ.
“Em sợ sao sẽ rơi xuống hả?” Diệp Văn Khiết khẽ hỏi.
Đại Phượng cười cười lắc đầu: “Sợ gì chứ ạ? Chúng nó nhỏ thế kia mà.”

Diệp Văn Khiết rốt cuộc vẫn không đưa ra câu trả lời của một nhà vật lý thiên văn mà chỉ nói: “Chúng đều ở rất xa, rất xa, không rơi xuống được đâu.”
Đại Phượng rất vừa lòng với câu trả lời này, lại tiếp tục cắm cúi vào công việc may vá của mình. Nhưng Diệp Văn Khiết lại dậy sóng trong lòng, cô buông sách xuống, nằm trên mặt kháng đất ấm áp, khép hờ hai mắt, mường tượng ẩn đi cả vũ trụ xung quanh gian phòng nhỏ này, giống như ngọn đèn dầu kia đã giấu hầu hết không gian bên trong gian phòng nhỏ vào bóng tối vậy. Sau đó, cô thay thế nó bằng vũ trụ trong lòng Đại Phượng. Lúc này, bầu trời đêm kia là một mặt cầu khổng lồ màu đen, kích cỡ vừa khéo bao

trọn cái thế giới này, trên mặt cầu ấy khảm vô số ngôi sao lấp lánh ánh bạc, mỗi ngôi sao không lớn hơn chiếc gương tròn trên cái bàn cũ bằng gỗ kê ở đầu giường. Thế giới là một mặt phẳng, vươn ra các hướng khác nhau, thật xa thật xa, nhưng vẫn có giới hạn. Trên mặt phẳng ấy toàn là những dãy núi giống như dãy Đại Hưng An này, cũng phủ kín rừng rậm, giữa những khu rừng điểm xuyết các thôn làng giống như thôn Tề Gia này… Vũ trụ giống như hộp đồ chơi ấy khiến cô cảm thấy dễ chịu vô cùng, dần dần, vũ trụ ấy đã từ tưởng tượng, biến thành giấc mộng của cô.
Ở thôn làng nhỏ trong dãy núi Đại Hưng An này, thứ gì đó trong trái tim

Diệp Văn Khiết đã từ từ tan chảy, đống băng trong tâm hồn cô dần dần tan thành một hồ nước nhỏ trong vắt.

Sau khi Dương Đông ra đời, ở căn cứ Hồng Ngạn, hơn hai năm thời gian lại trôi đi trong căng thẳng và cả bình lặng. Lúc này, Diệp Văn Khiết nhận được thông báo, vụ án của cha cô và cô đều đã được lật lại; không lâu sau, cô nhận được thư của trường đại học, nói cô có thể lập tức quay về làm việc. Cùng với thư còn có một khoản tiền lớn, đây là tiền lương phát bổ sung của cha cô sau khi thực hành chính sách mới. Trong cuộc họp ở căn cứ, lãnh đạo rốt cuộc đã gọi cô là đồng chí Diệp Văn Khiết trở

lại.
Diệp Văn Khiết đối diện với tất cả những điều này một cách rất bình tĩnh, không hề kích động và hưng phấn. Cô không hứng thú gì với thế giới bên ngoài, tình nguyện ở lại căn cứ Hồng Ngạn hẻo lánh này mãi mãi, nhưng vì việc học hành của con gái, cô vẫn quyết định rời khỏi căn cứ Hồng Ngạn mà cô vốn tưởng sẽ phải ở lại cả đời này, trở về trường đại học.
Ra khỏi vùng núi sâu, Diệp Văn Khiết chìm trong không khí mùa xuân, mùa đông lạnh giá của Cách mạng văn hóa đã thực sự kết thúc, tất cả đều đang hồi phục. Tuy rằng tai họa vừa mới kết thúc,

dõi mắt nhìn ra chỉ thấy từng đống đổ nát, vô số người vẫn đang lặng lẽ liếm láp vết thương của mình, nhưng trong ánh mắt mọi người, ánh ban mai của cuộc sống mới đã hiển hiện. Trong trường đại học xuất hiện những sinh viên mang theo trẻ con, các danh tác văn học trong hiệu sách được người ta tranh nhau mua hết sạch, trong nhà máy, đổi mới về kỹ thuật trở thành vấn đề được quan tâm nhất, nghiên cứu khoa học lại càng được bao phủ một vầng hào quang thần thánh. Khoa học và kỹ thuật thoắt chốc trở thành chiếc chìa khóa duy nhất mở ra cánh cửa tương lai, mọi người chân thành đến với khoa học như đám trẻ con cấp một, sự cố gắng của họ tuy rằng rất ngây thơ, nhưng cũng

rất thực chất. Trong Đại hội khoa học toàn quốc lần thứ nhất, Quách Mạt Nhược tuyên bố mùa xuân của khoa học đã đến rồi.
Sự điên cuồng đã kết thúc rồi sao? Khoa học và lý trí bắt đầu trở về rồi sao? Diệp Văn Khiết không chỉ một lần tự hỏi mình như thế.
Cho đến khi rời khỏi căn cứ Hồng Ngạn, Diệp Văn Khiết không nhận được tin tức gì từ thế giới Tam Thể nữa. Cô biết, muốn nhận được hồi âm của thế giới ấy cho tin nhắn của cô, ít nhất phải đợi tám năm, huống hồ, sau khi rời khỏi căn cứ, cô đã không còn điều kiện để nhận thông tin hồi đáp đó nữa rồi.

Sự việc ấy thực tình quá lớn lao, nhưng lại chỉ do một mình cô lặng lẽ hoàn thành, chính vì thế mà làm nảy sinh ra một thứ cảm giác không chân thực. Thời gian dần trôi, cảm giác hư ảo này càng lúc càng mạnh mẽ, sự kiện đó càng lúc càng giống như ảo giác, như một giấc mộng. Mặt trời thật sự có thể khuếch đại sóng điện từ hay sao? Cô thật sự đã lấy Mặt trời làm ăng ten, phát vào vũ trụ thông tin về nền văn minh của loài người hay sao? Cô thật sự đã nhận được thông tin của một nền văn minh ngoài Trái đất hay sao? Buổi sáng sớm đượm sắc máu mà cô đã phản bội cả loài người đó có thật sự tồn tại hay sao? Còn cả vụ mưu sát ấy nữa…

Diệp Văn Khiết thử mượn công việc làm tê liệt bản thân, để quên đi quá khứ… không ngờ cô đã gần như thành công, một thứ bản năng tự vệ kỳ lạ khiến cô không còn nhớ về chuyện xưa nữa, không còn nhớ rằng cô và một nền văn minh ngoài Trái đất từng có liên hệ, ngày tháng cứ thế dần dần trôi qua trong bình lặng.

Về trường đại học một thời gian, Diệp Văn Khiết dẫn theo Đông Đông đi thăm Thiệu Lâm, mẹ cô. Sau khi chồng chết thảm, Thiệu Lâm nhanh chóng hồi phục cơn rối loạn tinh thần, tiếp tục lăn lộn cầu sinh trong kẽ hở chính trị. Bà ta dựa theo thời thế mà hô cao khẩu hiệu, cuối

cùng cũng nhận được chút đền đáp, trong phong trào “nhập học lại là làm cách mạng” về sau, rốt cuộc đã trở lại được bục giảng. Nhưng lúc này, Thiệu Lâm lại làm một việc nằm ngoài sức tưởng tượng của mọi người, bà ta kết hôn với một cán bộ cấp cao của ngành giáo dục bị bức hại, khi đó vị cán bộ này vẫn còn đang ở chuồng bò cải tạo lao động trong trường dạy cán bộ. Đối với chuyện này, Thiệu Lâm đã có tính toán kỹ càng của riêng mình, bà ta hiểu rõ, sự hỗn loạn trong xã hội không thể kéo dài mãi, phái tạo phản trẻ tuổi đang đoạt quyền trước mắt căn bản không có kinh nghiệm quản lý nhà nước, những cán bộ cũ giờ đang bị gạt ra bên lề hoặc bị bức hại sớm muộn gì cũng

vẫn bước lên nắm chính quyền. Sự thực sau này đã chứng minh lần đánh cuộc ấy của bà ta là chính xác, Cách mạng văn hóa còn chưa kết thúc, chồng bà ta đã được hồi phục một phần chức vị, sau hội nghị toàn thể lần thứ 3 khóa 11 của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông ta nhanh chóng được thăng lên cấp thứ trưởng. Nhờ đó, khi các phần tử trí thức được trọng dụng trở lại, Thiệu Lâm nhanh chóng một bước lên mây. Sau khi trở thành ủy viên hội đồng học thuật thuộc Viện hàn lâm khoa học, bà ta đã thông minh xin chuyển khỏi ngôi trường ban đầu, nhanh chóng được thăng chức lên làm hiệu phó của một trường đại học danh tiếng khác.

Người mẹ mà Diệp Văn Khiết gặp lại, mang hình tượng của một nữ trí thức gìn giữ rất tốt, hoàn toàn không hề có dấu vết gì chứng tỏ từng bị giày vò khổ sở. Bà ta nhiệt tình tiếp đãi hai mẹ con Diệp Văn Khiết, thân thiết hỏi han những năm vừa qua cô sống thế nào, kinh ngạc khen ngợi Đông Đông thông minh đáng yêu, cẩn thận dặn dò cô bảo mẫu làm các món ăn mà Diệp Văn Khiết thích… tất cả mọi thứ đều rất khéo léo, rất thành thạo, rất chu đáo. Nhưng Diệp Văn Khiết lại cảm nhận được rõ rệt khoảng cách giữa họ, bọn họ cẩn trọng né tránh những chủ đề mẫn cảm, không hề nhắc đến cha của Diệp Văn Khiết.
Sau bữa tối, Thiệu Lâm và chồng tiễn

Diệp Văn Khiết và con gái đi rất xa, ông thứ trưởng bảo muốn nói với Diệp Văn Khiết mấy lời, Thiệu Lâm bèn quay về trước. Lúc này, sắc mặt ông thứ trưởng trog chớp mắt đã đổi từ nụ cười ấm áp thành lạnh như băng giá, tựa như đã hết kiên nhẫn, thẳng thừng giật phăng tấm mặt nạ đang đeo xuống, ông ta nói: “Sau này, hoan nghênh cháu dẫn con bé đến đây chơi, có điều, đừng truy cứu nợ cũ trong quá khứ. Về cái chết của cha cháu, mẹ cháu không hề có trách nhiệm gì, bà ấy cũng là người bị hại. Ngược lại, con người cha cháu ấy, sự cố chấp đối với những tín niệm của ông ấy có chút hơi biến thái, cứ đi một con đường đến tận cùng, vứt bỏ cả trách nhiệm đối với gia

đình, khiến cho mẹ con cháu chịu bao nhiêu khổ sở.”
“Ông không có tư cách nói về cha tôi.” Diệp Văn Khiết phẫn nộ nói, “Đây là chuyện giữa hai mẹ con tôi, không liên quan đến người khác.”
“Đúng là không liên quan đến bác.” Chồng của Thiệu Lâm lạnh lùng gật đầu, “Bác đang truyền đạt lại ý của mẹ cháu.”
Diệp Văn Khiết ngoảnh đầu nhìn, trên lầu căn nhà nhỏ có sân dành cho cán bộ cao cấp kia, Thiệu Lâm đang vén một góc rèm cửa sổ nhìn trộm về phía này. Diệp Văn Khiết lặng lẽ ôm Đông Đông bỏ đi, từ sau không bao giờ quay lại đó nữa.

Diệp Văn Khiết đã hỏi han nhiều nơi để tìm kiếm bốn Hồng vệ binh năm xưa đã đánh chết cha mình, cuối cùng tìm được ba trong bốn người bọn họ. Ba người này là thanh niên trí thức trở lại thành phố, giờ họ đều không có việc làm. Diệp Văn Khiết biết được địa chỉ của họ, liền lần lượt gửi cho mỗi người một bức thư đơn giản, hẹn họ đến sân động mà năm đó cha cô bị hại để nói chuyện.
Cô không hề có ý định trả thù. Vào buổi sớm khi Mặt trời lên ở căn cứ Hồng Ngạn đó, cô đã trả thù toàn nhân loại, bao gồm cả mấy người bọn họ, giờ cô chỉ muốn nghe lời sám hối của những hung thủ này, nhìn thấy dù chỉ là một chút

sự hồi phục của tính người.
Ngày hôm đó, hết giờ học buổi chiều, Diệp Văn Khiết đợi họ trên sân vận động. Cô không ôm nhiều hy vọng lắm, gần như khẳng định rằng họ sẽ không đến, nhưng đúng giờ hẹn, cả ba Hồng vệ binh năm xưa đều xuất hiện.
Từ xa, Diệp Văn Khiết đã nhận ra ba người đó, vì họ đều mặc quân phục màu xanh lục mà hiện nay đã rất hiếm gặp. Khi lại gần, cô phát hiện đây rất có thể chính là bộ đồ họ đã mặc trong buổi đại hội phê đấu năm đó, quần áo đều đã bạc trắng vì giặt giũ, có những vết vá khá rõ. Nhưng ngoài điều đó ra, ba người phụ nữ tầm trên dưới ba mươi này đã không còn

bất cứ điểm tương đồng nào với ba Hồng vệ binh hiên ngang oai hùng năm đó nữa, hiển nhiên, ngoài tuổi trẻ ra, còn có nhiều thứ khác đã bị phai nhòa khỏi họ.
Ấn tượng đầu tiên của Diệp Văn Khiết là, khác hẳn sự nhịp nhàng ăn ý năm đó, khác biệt giữa ba người họ đã lớn hơn. Một người trở nên rất gầy, bộ đồ năm xưa mặc trên người không ngờ còn hơi rộng, lưng cô ta hơi còng xuống, mái tóc ngả vàng, đã thấp thoáng vẻ già nua; một người khác lại trở nên to béo phốp pháp, bộ đồ khoác trên tấm thân to bè không cài nổi cúc, đầu tóc cô ta bù xù, mặt mày đen đúa, rõ ràng đã bị cuộc sống vất vả mài mòn hết vẻ thanh tú của phái nữ, chỉ còn lại sự thô lỗ và tê dại; người thứ ba

thì vẫn còn phảng phất bóng dáng của tuổi trẻ, nhưng một ống tay áo của cô ta đã trống hoác, lúc bước đi cứ nghiêng nghiêng ngả ngả.
Ba cựu Hồng vệ binh đi tới trước mặt Diệp Văn Khiết, đứng thành hàng ngang đối diện với cô – năm xưa, họ cũng đứng đối diện với Diệp Triết Thái như vậy – cố thử tái hiện lại sự tôn nghiêm từ lâu đã bị quên lãng ấy, nhưng sức mạnh tinh thần như ma quỷ năm xưa hiển nhiên đã hoàn toàn biến mất. Vẻ mặt người phụ nữ gầy gò trông hệt như con chuột, gương mặt người cao lớn thì chỉ còn sự đờ đẫn, người cụt tay ngước đôi mắt lên nhìn bầu không.

“Cô tưởng chúng tôi không dám đến?” Người cao lớn hỏi như thể muốn khiêu khích.
“Tôi cảm thấy chúng ta nên gặp mặt nhau, chuyện trong quá khứ rốt cuộc cũng nên có một cái kết.” Diệp Văn Khiết nói.
“Đã kết thúc rồi, chắc hẳn là cô đã nghe nói.” Người gầy gò lên tiếng, giọng cô ta the thé, như thể lúc nào cũng có một nỗi kinh sợ không biết từ đâu.
“Tôi nói là về mặt tinh thần.”
“Vậy tức là cô đang chuẩn bị nghe chúng tôi sám hối chứ gì?” Người cao lớn hỏi.
“Các người không nên sám hối hay

sao?”
“Vậy thì ai sám hối với chúng tôi chứ?” Người cụt tay từ nãy giờ im lặng nói.
Người cao lớn nói: “Trong bốn người chúng tôi, có ba người từng ký tên trên báo tường của trường trung học thuộc Đại học Thanh Hoa, từ Nối vòng tay lớn, Đại duyệt binh, cho đến Đấu tranh vũ trang, từ ‘Bộ tư lệnh thứ nhất’, ‘Bộ tư lệnh thứ hai’, ‘Bộ tư lệnh thứ ba’, cho đến ‘Ủy ban liên hợp hành động’, ‘Đội Hồng vệ binh duy trì trật tự khu Tây Thủ Đô’, ‘Đội Hồng vệ binh duy trì trật tự khu Đông Thủ đô’, rồi đến ‘Công xã Bắc Đại mới’, ‘Đội chiến đấu Cờ Đỏ’, và

‘Đông phương hồng’, chúng tôi đã trải qua toàn bộ quá trình từ sinh đến tử của Hồng vệ binh.”
Người cụt tay tiếp lời: “Trong trăm ngày Đấu tranh vũ trang ở sân trường Thanh Hoa, bốn người chúng tôi, hai người ở binh đoàn ‘Cảnh Cương Sơn’, hai người ở binh đoàn ‘414’. Tôi giơ lựu đạn xông về phía xe tăng tự chế của ‘Cảnh Cương Sơn’, cánh tay này bị bánh xe tăng nghiền nát, lúc đó máu thịt và xương cốt đều hòa thành bùn lầy dưới đất… năm đó tôi mới có mười lăm tuổi thôi.”
“Về sau, chúng tôi đều đi theo phong trào!” Người cao lớn giơ hai tay lên nói,

“Bốn người, hai đi Thiểm Tây, hai đi Hà Nam, toàn là những chỗ nghèo đói nhất hẻo lánh nhất. Lúc mới đi thì còn hăm hở lắm, nhưng ngày tháng lâu dần, làm xong công việc của một ngày trên đồng ruộng là mệt đến nỗi quần áo cũng chẳng giặt nổi; nằm trong căn lều cỏ dột dát, nghe tiếng sói tru phía xa xa, dần dần chúng tôi cũng từ trong mộng trở về với hiện thực. Chúng tôi ở chốn quê nghèo hẻo lánh ấy, thật sự là kêu trời không thấu, gọi đất chẳng xong.”
Người đàn bà cụt tay ngẩn người ra nhìn xuống đất: “Có lúc, trên con đường nhỏ giữa núi hoang, chạm mặt những chiến hữu Hồng vệ binh ngày trước, hoặc là kẻ địch trong Đấu tranh vũ trang, chỉ

thấy quần áo rách rưới như nhau, khắp người toàn bụi đất và cứt trâu như nhau, đành nhìn nhau không nói mà thôi.”
“Đường Hồng Tịnh,” người cao lớn nhìn chằm chằm vào Diệp Văn Khiết nói, “chính là con bé đã quất vào đầu bố cô nhát thắt lưng trí mạng đó, bị chết chìm ở sông Hoàng Hà. Nước lũ cuốn trôi mấy con dê trong đội sản xuất, bí thư chi bộ liền hét lên với đám thanh niên trí thức: các tiểu tướng cách mạng, thời điểm khảo nghiệm các cô cậu đến rồi! Thế là, Hồng Tịnh liền cùng ba thanh niên trí thức khác nhảy xuống sông đi vớt dê, lúc đi còn là lũ lớn do băng tan, trên mặt nước còn dập dềnh một lớp băng mỏng nữa! Bốn người đều chết hết, chẳng biết

là chết chìm hay chết rét nữa. Lúc trông thấy xác bọn họ… tôi… tôi… mẹ nó không nói được nên lời nữa…” Cô ta bưng mặt khóc òa lên.
Người gầy gò cũng thở dài trong nước mắt: “Sau này cũng về được thành phố, nhưng trở về thì thế nào đây? Vẫn là hai bàn tay trắng, các thanh niên trí thức trở về đều chẳng sống tốt, mà những người như chúng tôi thì đến công việc tệ nhất cũng còn chẳng kiếm nổi, không có việc làm không có tiền không có tương lai, chẳng có gì nữa cả.”
Diệp Văn Khiết hoàn toàn không nói được gì.
Người cụt tay lại nói: “Gần đây có

một bộ phim, tên là ‘Phong’, không biết cô có xem chưa? Đoạn kết, một người lớn và một đứa trẻ đứng trước mộ của những Hồng vệ binh chết trong Đấu tranh vũ trang, đứa trẻ đó hỏi người lớn: họ là liệt sĩ phải không ạ? Người lớn nói không phải. Đứa trẻ lại hỏi: thế họ là kẻ thù ạ? Người lớn nói cũng không phải. Đứa trẻ lại hỏi tiếp: thế họ là gì? Người lớn trả lời: là lịch sử.”
“Cô nghe thấy chưa? Là lịch sử! Đã là lịch sử rồi!” Người cao lớn hung hăng vung một bàn tay to bè lên, “Giờ đã là thời lỳ mới rồi, ai còn nhớ đến chúng tôi nữa, ai còn coi chúng tôi ra gì nữa? Mọi người sẽ nhanh chóng quên hết sạch mọi thứ thôi!”

Ba cựu Hồng vệ binh bỏ đi, để lại một mình Diệp Văn Khiết trên sân vận dộng, buổi chiều mưa lâm thâm của mười mấy năm về trước, cô cũng cô độc đứng một mình nơi đây, nhìn người cha đã chết của mình. Câu nói cuối cùng của người phụ nữ từng là Hồng vệ binh ấy cứ không ngừng dội đi dội lại trong óc cô…
Vầng tà dương rọi xuống thân hình gầy yếu của Diệp Văn Khiết, thành một chiếc bóng đổ dài trên đất. Trong tâm trí cô, một chút hy vọng đối với xã hội vừa xuất hiện đã tan biến như giọt sương bốc hơi dưới ánh Mặt trời nóng bỏng, một thoáng hoài nghi đối với hành vi phản bội loài người của mình cũng hoàn toàn biến mất

không còn tăm tích, dẫn đường cho một nền văn minh bậc cao hơn trong vũ trụ đến với thế giới loài người, rốt cuộc đã trở thành lý tưởng kiên định không gì lay chuyển nổi của Diệp Văn Khiết.