Chương 23 : Hồng Ngạn phần 5

Tam Thể

Đăng vào: 2 năm trước

.

Từ khi vào căn cứ Hồng Ngạn, Diệp Văn Khiết đã không nghĩ đến việc có thể ra khỏi đó, sau khi biết được mục đích thực sự của công trình Hồng Ngạn (rất nhiều cán bộ trung, cao cấp trong căn cứ đều không biết thông tin tuyệt mật này), cô cũng cắt đứt luôn cả liên hệ về mặt tinh thần với thế giới bên ngoài, chỉ vùi đầu vào công việc. Từ đó trở đi, cô lại càng tiến sâu vào nhóm nòng cốt kỹ thuật của hệ thống Hồng Ngạn, bắt đầu đảm nhiệm những đề tài nghiên cứu tương đối quan trọng. Lôi Chí Thành vẫn luôn canh cánh trong lòng đối với sự tín nhiệm mà Dương Vệ Ninh dành cho Diệp Văn

Khiết, nhưng anh ta vẫn rất sẵn lòng giao các đề tài nghiên cứu quan trọng cho cô. Bởi với thân phận của Diệp Văn Khiết, cô sẽ không có bất cứ quyền lợi nào đối với thành quả nghiên cứu của mình; mà trong căn cứ, chỉ có Lôi Chí Thành là xuất thân từ chuyên ngành vật lý thiên văn, lại còn là chính uỷ đi lên từ thành phần trí thức hiếm gặp thời bấy giờ; như vậy, thành quả và các luận văn của Diệp Văn Khiết cuối cùng đều bị anh ta chiếm đoạt, khiến anh ta trở thành điển hình vừa hồng vừa chuyên trong những cán bộ công tác chính trị của quân đội.
Nguyên nhân ban đầu để Diệp Văn Khiết vào căn cứ Hồng Ngạn, là bài báo khoa học muốn thử nghiệm xây dựng mô

hình toán học của Mặt trời mà cô đăng trên tạp chí Vật lý thiên văn hồi còn làm nghiên cứu sinh. Kỳ thực, Mặt trời là một hệ thống vật lý còn đơn giản hơn Trái đất, chỉ do hai loại nguyên tố rất đơn giản là hydro và heli tạo thành, quá trình vật lý của nó tuy rằng rất dữ dội, nhưng lại hết sức đơn giản, chỉ là phản ứng nhiệt hạch của hydro và heli, vì vậy, có khả năng xây dựng một mô hình toán học để miêu tả một cách tương đối chuẩn xác về Mặt trời. Bài báo khoa học đó vốn là một thứ rất lý thuyết, nhưng Dương Vệ Ninh và Lôi Chí Thành lại nhìn ra ở đó hy vọng giải quyết được một vấn đề khó về mặt kỹ thuật của hệ thống giám thính Hồng Ngạn.

Vấn đề nhiễu tín hiệu khi giao hội với Mặt trời luôn gây khó khăn cho công tác giám thính của Hồng Ngạn. Danh từ này mượn từ thuật ngữ của ngành thông tấn vệ tinh vừa mới xuất hiện, nghĩa là Trái đất, vệ tinh và Mặt trời nằm trên cùng một đường thẳng, Mặt trời nằm sau làm nền cho vệ tinh khi nhìn từ ăng ten trên mặt đất, mà Mặt trời lại là một nguồn phát xạ điện từ khổng lồ, lúc này vi sóng từ vệ tinh phát xuống mặt đất sẽ bị bức xạ điện từ của Mặt trời gây nhiễu nghiêm trọng, vấn đề này về sau mãi đến thế kỷ 21 cũng không thể giải quyết được. Vấn đề gây nhiễu tín hiệu mà hệ thống Hồng Ngạn gặp phải cũng tương tự, chỉ khác ở chỗ nguồn gây nhiễu (Mặt trời) nằm ở giữa

nguồn phát xạ (ngoài vũ trụ) và thiết bị tiếp nhận. So với thông tấn vệ tinh, thời gian bị gây nhiễu của Hồng Ngạn nhiều hơn, cũng nghiêm trọng hơn. Trên thực tế, hệ thống Hồng Ngạn lại còn thu nhỏ rất nhiều so với thiết kế, hệ thống giám thính và phát xạ dùng chung một ăng ten, điều này khiến cho thời gian giám thính tương đối quý báu, vấn đề nhiễu tín hiệu vì Mặt trời cũng trở thành một vấn đề nghiêm trọng.
Suy nghĩ của Dương Vệ Ninh và Lôi Chí Thành rất đơn giản: tìm ra được quy luật và đặc điểm phổ tần số của sóng điện từ do Mặt trời phát xạ thuộc dải sóng mà họ giám sát, rồi dùng bộ lọc kỹ thuật số lọc nó đi là có thể loại trừ nhiễu.

Hai người họ đều là chuyên gia kỹ thuật, ở cái thời người ngoài ngành lãnh đạo người trong ngành này, đây đã là điều cực kỳ hiếm có và đáng quý. Nhưng Dương Vệ Ninh không nghiên cứu vật lý thiên văn, Lôi Chí Thành thì lại đi theo con đường công tác chính trị, không thể nào am hiểu quá sâu về mặt chuyên môn. Kỳ thực, bức xạ điện từ Mặt trời chỉ ổn định trong dải sóng từ tử ngoại cho đến trung hồng ngoại, bao gồm cả ánh sáng nhìn thấy được, còn trên những dải sóng khác, bức xạ của nó luôn hỗn loạn bất định. Diệp Văn Khiết thoạt đầu đã sáng suốt chỉ rõ điểm này trong báo cáo nghiên cứu đầu tiên: trong thời kỳ Mặt trời hoạt động bùng phát dữ dội như khi

xuất hiện vết đen, tai lửa, phun trào nhật hoa thì không thể loại trừ tác nhân gây nhiễu. Vì vậy, đối tượng nghiên cứu chỉ giới hạn trong bức xạ điện từ thuộc dải sóng mà Hồng Ngạn giám sát khi Mặt trời hoạt động bình thường mà thôi.
Điều kiện nghiên cứu trong căn cứ cũng rất tốt, phòng Tài liệu có thể tuỳ theo nội dung đề tài nghiên cứu mà chuyển đến các tài liệu thiên văn tương đối đầy đủ, còn cả những tập san khoa học Âu Mỹ rất cập nhật nữa, trong thời đại đó, đây là việc không dễ dàng gì. Diệp Văn Khiết còn có thể thông qua mạng lưới của quân đội liên hệ với hai đơn vị nghiên cứu về Mặt trời ở Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, có được

số liệu quan trắc thời gian thực của họ qua fax.
Nghiên cứu của Diệp Văn Khiết kéo dài nửa năm, hầu như không thấy bất cứ hy vọng thành công nào. Cô nhanh chóng nhận ra, trong phạm vi tần số quan trắc của Hồng Ngạn, bức xạ Mặt trời biến ảo khôn lường. Thông qua phân tích một lượng lớn số liệu quan trắc, Diệp Văn Khiết phát hiện ra một điểm thần bí khiến cô hoang mang không hiểu nổi: có lúc, một dải tần bức xạ xảy ra đột biến nhưng hoạt động ở bề mặt Mặt trời lại yên ả như thường, số liệu của hơn 1000 lần quan trắc đều chứng thực điều này. Cô không sao giải thích được. Bức xạ dải tần sóng ngắn và vi sóng không thể nào

đến từ lõi Mặt trời, xuyên thấu qua lớp ngoài dày mấy trăm nghìn kiômét của nó, mà chỉ có thể sinh ra từ hoạt động bề mặt của Mặt trời, khi xảy ra đột biến, lẽ ra có thể quan trắc được những hoạt động đó. Nếu Mặt trời không có hoạt động tương ứng, vậy thì đột biến của bức xạ trong dải tần hẹp này do thứ gì gây ra? Chuyện này khiến cô càng nghĩ càng cảm thấy thần bí.
Nghiên cứu đã đi vào ngõ cụt, Diệp Văn Khiết quyết định bỏ cuộc. Trong bản báo cáo cuối cùng, cô thừa nhận mình không thể làm gì hơn. Chuyện này hẳn cũng dễ ăn dễ nói, những nghiên cứu tương tự của mấy đơn vị thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc và trường đại

học mà phía quân đội uỷ thác đều kết thúc bằng thất bại, Dương Vệ Ninh chẳng qua chỉ muốn tranh thủ tài hoa hơn người của Diệp Văn Khiết thử thêm một lần nữa mà thôi. Suy nghĩ thực sự của Lôi Chí Thành thì còn đơn giản hơn, anh ta chỉ muốn luận văn của Diệp Văn Khiết. Hạng mục nghiên cứu này có tính lý thuyết rất cao, càng có thể bộc lộ trình độ và vị thế của anh ta. Hiện nay, làn sóng điên cuồng trong xã hội đã dần dần lắng xuống, yêu cầu đối với cán bộ cũng có ít nhiều thay đổi, người vững vàng về mặt chính trị, lại có kiến thức học thuật như anh ta cực kỳ hiếm hoi, tất nhiên là tiền đồ thênh thang rồi. Còn về vấn đề tín hiệu bị nhiễu có giải quyết được hay

không, anh ta cũng chẳng quan tâm là mấy.
Nhưng Diệp Văn Khiết cuối cùng vẫn không nộp bản báo cáo đó lên, cô nghĩ rằng, nếu nghiên cứu kết thúc, việc thu thập tài liệu và đặt các tập san học thuật tiếng nước ngoài của phòng Tài liệu trong căn cứ sẽ bị đình chỉ, cô sẽ không thể nào tiếp xúc với các tài liệu vật lý thiên văn phong phú như trước nữa. Vì vậy, trên danh nghĩa, cô vẫn tiếp tục thực hiện hạng mục nghiên cứu này, thực tế là âm thầm xây dựng mô hình toán học cho Mặt trời của riêng mình.
Đêm đó, gian đọc sách lạnh lẽo của phòng Tài liệu như thường lệ chỉ có một

mình Diệp Văn Khiết, trên chiếc bàn dài trước mặt cô bày ra một đống tập san và tài liệu. Sau khi hoàn thành tính toán một ma trận phức tạp, cô xoa xoa bàn tay lạnh cứng, cầm tờ tạp chí Vật lý thiên văn số mới nhất lên, tuỳ tiện lật giở vài trang để cho đầu óc nghỉ ngơi, một bài báo khoa học về nghiên cứu Mộc tinh đã thu hút sự chú ý của cô, phần tóm tắt trọng điểm của bài báo như sau:
Trong tin ngắn “Nguồn phát xạ mạnh mới trong Hệ Mặt trời” ở số trước, tiến sĩ Harry Peterson ở Đài thiên văn Núi Wilson đã công bố một loạt số liệu, đó là do trong quá trình quan trắc độ lắc trong chuyển động tự quay của Mộc tinh do lực hấp dẫn của

hành tinh gây ra vào hai ngày 12 tháng 6 và 2 tháng 7, ông ta đã hai lần tình cờ kiểm tra và đo lường được bản thân Mộc tinh đang phát ra bức xạ điện từ mạnh mẽ, lần lượt kéo dài 81 giây và 76 giây, những số liệu này ghi lại phạm vi tần số và các tham số khác của bức xạ đó. Trong khoảng thời gian sóng vô tuyến bùng phát, quan sát được một số biến đổi của Vết Đỏ Lớn(*) trên bề mặt Mộc tinh, Peterson cũng đã miêu tả lại trong tin ngắn đó. Hiện tượng bùng phát sóng vô tuyến ở Mộc tinh đã gây rất nhiều hứng thú trong giới nghiên cứu hành tinh, bài viết của G. McKenzie số này cho rằng đây là dấu hiệu báo trước phản ứng nhiệt hạch

trong lõi Mộc tinh khởi động; số sau sẽ đăng bài viết của Inoue Kumoseki, quy kết hiện tượng bùng phát sóng vô tuyến ở Mộc tinh về một cơ chế phức tạp hơn: sự chuyển động của các khối hydro kim loại(**) bên trong, đồng thời còn đưa ra mô hình toán học hoàn chỉnh.
(*) Vết Đỏ Lớn là một xoáy khí quyển hình bầu dục rất lớn, được quan sát thấy từ thế kỷ 17 và được coi là một đặc trưng cố định trong khí quyển sao Mộc.
(**) Hydro lỏng nén thành hydro kim loại, có tính dẫn điện và là tác nhân tạo ra từ trường.

Diệp Văn Khiết nhớ rất rõ hai mốc thời gian này, lúc đó, hệ thống giám thính Hồng Ngạn đã bị nhiễu tín hiệu nghiêm trọng. Cô kiểm tra lại nhật ký vận hành, xác nhận trí nhớ của mình, chỉ là thời gian nhiễu tín hiệu do giao hội với Mặt trời chậm hơn thời gian bức xạ điện từ từ Mộc tinh đến Trái đất 16 phút 40 giây, mấu chốt là ở chỗ 16 phút 40 giây này! Diệp Văn Khiết cố kiềm chế nhịp tim đập dồn dập, nhờ nhân viên phụ trách trong phòng Tài liệu liên lạc với Đài thiên văn quốc gia, lấy được toạ độ vị trí của Mộc tinh và Trái đất vào hai thời điểm đó. Cô vẽ ra một hình tam giác lớn trên bảng đen, ba đỉnh lần lượt là Mặt trời, Trái đất và Mộc tinh. Cô lần lượt

ghi khoảng cách lên ba cạnh tam giác, ghi hai thời gian lên chỗ đỉnh tam giác biểu thị cho Trái đất. Từ khoảng cách từ Mộc tinh đến Trái đất, có thể tính ra thời gian để bức xạ điện từ trực tiếp phát từ Mộc tinh đến Trái đất, kế đó cô lại tính ra thời gian bức xạ điện từ từ Mộc tinh đến Mặt trời, rồi từ Mặt trời đến Trái đất, hai khoảng thời gian này chênh lệch nhau 16 phút 42 giây!
Diệp Văn Khiết giở lại mô hình toán học mô tả cấu trúc Mặt trời mà trước đó mình đã thực hiện, thử tìm kiếm chút manh mối trên lý thuyết. Ánh mắt cô nhanh chóng dán chặt vào một thứ gọi là “mặt gương năng lượng” bên trong tầng bức xạ Mặt trời. Năng lượng phát ra từ

các phản ứng ở lõi Mặt trời thoạt đầu bắn ra dưới dạng tia gamma cao năng lượng, tầng bức xạ hấp thu những hạt năng lượng này, rồi phát xạ tiếp để thực hiện việc truyền năng lượng; trải qua quá trình dài đằng đẵng vô số lần hấp thu rồi lại phát xạ (một photon muốn thoát ra khỏi Mặt trời có thể cần đến 1000 năm), tia gamma năng lượng cao lần lượt giảm thành tia X, tia cực tử ngoại, tia tử ngoại rồi dần dần biến thành ánh sáng nhìn thấy được và các loại bức xạ khác. Trong ngành nghiên cứu về Mặt trời, đây là những nội dung đã được chứng minh từ lâu. Mô hình toán học của Diệp Văn Khiết xuất hiện một kết quả mới, đó là: giữa sự chuyển đổi qua các bức xạ tần số

khác nhau, có rất nhiều mặt biên rõ rệt, từ trong ra ngoài tầng bức xạ, mỗi lần vượt qua một mặt biên, tần số bức xạ sẽ hạ xuống một cấp, điều này hơi khác với quan điểm truyền thống cho rằng tần số ở tầng bức xạ thay đổi dần dần. Tính toán cho thấy, mặt biên này sẽ phản xạ các tia đến ở bên có tần số thấp, vì vậy cô đã nghĩ ra cái tên “mặt gương năng lượng”.
Diệp Văn Khiết đã từng nghiên cứu một cách tỉ mỉ những lớp màng mỏng này trôi nổi bất định giữa biển plasma của Mặt trời, cô phát hiện, thứ này chỉ có thể xuất hiện trong lòng biển có mật độ năng lượng cao bên trong các ngôi sao, có rất nhiều tính chất kỳ diệu, khó tin nhất là nó có đặc tính “phản xạ tăng công suất”, mà

đặc tính này dường như lại có liên quan đến bí ẩn về bức xạ điện từ của Mặt trời. Nhưng đặc tính này quá đỗi ly kỳ, khó lòng chứng thực được, bản thân Diệp Văn Khiết cũng khó mà tin nổi, thậm chí còn có khả năng đây là do một số sai sót trong những tính toán vốn phức tạp đến đó khiến người ta phải xây xẩm mặt mày.
Lúc này, Diệp Văn Khiết đã sơ bộ chứng thực được những suy đoán của mình về phản xạ tăng công suất của mặt gương năng lượng bên trong Mặt trời: mặt gương năng lượng không chỉ phản xạ lại bức xạ điện từ ở bên có tần số thấp hơn, mà còn khuếch đại nó lên! Những đột biến thần bí ở dải tần hẹp quan trắc được trước đó, kỳ thực là do kết quả của

việc bức xạ từ vũ trụ bị khuếch đại lên, vì vậy trên bề mặt Mặt trời không quan sát thấy bất cứ hoạt động nào tương ứng.
Rất có khả năng, lần này, Mặt trời nhận được bức xạ điện từ của Mộc tinh rồi lại phản xạ nó ra, chỉ có điều, cường độ đã tăng lên gần một trăm triệu lần! Trái đất đã lần lượt nhận được hai đợt bức xạ này với độ trễ thời gian là 16 phút 42 giây.
Mặt trời là một cỗ máy khuếch đại sóng điện từ!
Ở đây lại xuất hiện một vấn đề: Mặt trời lúc nào cũng nhận bức xạ điện từ từ vũ trụ, kể cả sóng vô tuyến điện từ Trái đất, tại sao nó chỉ khuếch đại một phần

trong số đó mà thôi? Nguyên nhân rất rõ ràng: ngoài việc bản thân mặt gương năng lượng đã có tính chọn lọc đối với tần số được nó phản xạ, nguyên nhân chủ yếu là do tác dụng che chắn của tầng đối lưu Mặt trời. Tầng đối lưu không ngừng sôi sục nằm bên trên tầng bức xạ, là tầng chất lỏng ở ngoài cùng Mặt trời. Sóng điện từ từ vũ trụ trước tiên phải xuyên qua được tầng đối lưu mới có thể đến với mặt gương năng lượng ở tầng bức xạ, để được khuếch đại, phản xạ ra ngoài. Để đạt được điều đó, công suất của sóng điện từ bắn vào cần phải vượt qua một trị số tuyệt đối, đại đa số sóng vô tuyến điện trên Trái đất đều thấp hơn trị số tuyệt đối này rất nhiều, nhưng bức xạ

điện từ của Mộc tinh đã vượt qua nó…
Công suất phát xạ lớn nhất của Hồng Ngạn cũng vượt qua trị số tuyệt đối này!
Vấn đề nhiễu tín hiệu do giao hội với Mặt trời vẫn chưa được giải quyết, nhưng một khả năng khiến người ta phải kích động đã xuất hiện: loài người có thể coi Mặt trời như một ăng ten siêu cấp, thông qua nó để phát sóng điện từ vào vũ trụ, sóng này sẽ được phát đi với năng lượng cấp ngôi sao, công suất của nó còn cao gấp trăm triệu lần so với toàn bộ công suất phát xạ mà Trái đất có thể sử dụng.
Văn minh Trái đất có thể tiến hành phát xạ sóng điện từ với cấp độ tương

đương nền văn minh cấp II.
Bước tiếp theo, cần phải đối chiếu đồ thị sóng của hai lần Mộc tinh phát ra bức xạ điện từ và đồ thị sóng khi Hồng Ngạn bị nhiễu tín hiệu do giao hội với Mặt trời, nếu khớp nhau, suy đoán này của cô có thể chứng thực thêm một bước nữa.
Diệp Văn Khiết đề xuất yêu cầu với lãnh đạo, muốn liên lạc với Harry Peterson, lấy được bản ghi đồ thị sóng của hai lần Mộc tinh bùng phát bức xạ điện từ. Đây không phải việc dễ dàng, không có kênh nào để thông qua, lại còn vô số thủ tục phải làm ở các ban các ngành, sai sót một chút là bị nghi ngờ cấu kết tư thông với nước ngoài ngay, Diệp

Văn Khiết đành phải đợi.
Nhưng vẫn còn một phương pháp chứng thực trực tiếp hơn: sử dụng hệ thống Hồng Ngạn trực tiếp phát xạ sóng điện từ về phía Mặt trời với công suất cao hơn trị số tuyệt đối đó.
Diệp Văn Khiết đi tìm lãnh đạo, đề bạt yêu cầu này, nhưng không dám nói thẳng ra suy nghĩ của mình, cách nghĩ ấy quá mơ hồ, chắc chắn sẽ bị phủ quyết, cô chỉ nói đây là một thí nghiệm tiến hành để nghiên cứu Mặt trời, biến hệ thống phát xạ Hồng Ngạn thành radar thám trắc Mặt trời, sử dụng sóng phản xạ lại để phân tích một số thông tin phản ánh bức xạ điện từ của Mặt trời. Lôi Chí Thành

và Dương Vệ Ninh đều có nền tảng kỹ thuật rất sâu, muốn gạt bọn họ không phải việc dễ, nhưng thí nghiệm mà Diệp Văn Khiết nhắc đến quả thực đã có tiền lệ trong công tác nghiên cứu Mặt trời ở phương Tây. Thực tế, trên phương diện kỹ thuật, việc này so với việc thám trắc bằng radar đối với các hành tinh đất đá(*) mà họ đang tiến hành còn đơn giản hơn.
(*) Hành tinh đất đá là những hành tinh như Trái đất, sao Kim, sao Hoả… có bề mặt cứng, chắc, chứa nhiều kim loại nặng, phân biệt với hành tinh khí khổng lồ chứa chủ yếu hydro và heli như sao Mộc, sao Thổ, và hành tinh băng khổng lồ chứa chủ yếu ôxy,

cacbon, nitơ và lưu huỳnh, như sao Thiên vương và Hải vương.
“Diệp Văn Khiết à, càng lúc cô lại càng đi quá giới hạn rồi đó, đề tài của cô cứ nghiên cứu về mặt lý thuyết là được rồi, có cần thiết phải làm lớn như thế không?” Lôi Chí Thành lắc đầu nói.
“Thưa chính uỷ, có thể sẽ có phát hiện lớn. Thực nghiệm là điều cần thiết, chỉ một lần này thôi, được không?” Diệp Văn Khiết khổ sở nài xin.
Dương Vệ Ninh nói: “Chính uỷ Lôi, hay là làm một lần đi? Về mặt thao tác hình như cũng không có khó khăn gì nhiều, sau khi phát xạ, sóng dội cần…”

“Mười chín phút đúng không?” Lôi Chí Thành nói.
“Như vậy hệ thống Hồng Ngạn vừa khéo có đủ thời gian để chuyển sang trạng thái thu nhận tín hiệu.”
Lôi Chí Thành lại lắc đầu, “Tôi biết về mặt kỹ thuật và lượng công việc phải làm đều chẳng đáng là gì cả, nhưng… chậc, kỹ sư trưởng Dương, thứ mà anh thiếu chính là sự nhạy cảm này đấy… phát sóng điện từ siêu mạnh lên Mặt trời, anh đã nghĩ đến hàm nghĩa chính trị của thí nghiệm này chưa hả?”
Dương Vệ Ninh và Diệp Văn Khiết nhất thời đều trợn mắt há hốc miệng ra, không phải họ cảm thấy lý do này hoang

đường, mà ngược lại, lại cảm thấy sợ hãi vì mình đã không nghĩ đến nó. Những năm ấy, lý giải về chính trị đối với hết thảy mọi sự vật đều đã đạt đến mức độ cực kỳ hoang đường, sau khi Diệp Văn Khiết nộp lên báo cáo nghiên cứu, Lôi Chí Thành phải đọc duyệt thật cẩn thận, nhiều lần cân nhắc sửa chữa những thuật ngữ liên quan đến Mặt trời, những từ như “vết đen trên Mặt trời” hay tương tự đều không thể xuất hiện(*). Thí nghiệm phát xạ sóng điện từ siêu mạnh về phía Mặt trời tất nhiên có thể đưa ra một nghìn một vạn lời giải thích tích cực, nhưng chỉ cần có một lời giải thích tiêu cực thôi, là có thể sẽ có người bị đại hoạ ập xuống đầu ngay tức khắc. Lý do từ chối thực hiện

thí nghiệm này của Lôi Chí Thành quả thực không thể nào lay chuyển.
(*) Trong thời Cách mạng văn hoá, Mao Chủ tịch thường được ví như Mặt trời.
Song Diệp Văn Khiết không bỏ cuộc, thực ra chỉ cần mạo hiểm một chút là có thể dễ dàng thực hiện việc này. Thiết bị phát xạ của hệ thống Hồng Ngạn có công suất siêu lớn, toàn bộ đều sử dụng linh kiện sản xuất trong nước thời kỳ Cách mạng văn hoá, vì chất lượng không đạt tiêu chuẩn nên tỷ lệ xảy ra sự cố rất cao, không thể không cách mười lăm lần phát xạ lại phải kiểm tra đại tu toàn diện lại một lần, mỗi lần đại tu xong đều phải vận

hành thử, những người tham gia vào việc phát xạ này rất ít, mục tiêu và các tham số phát xạ khác cũng tương đối tuỳ tiện.
Trong một lần trực ban, Diệp Văn Khiết được phân cho việc vận hành thử thường lệ sau khi đại tu, vì phát xạ thử đã lược bớt đi rất nhiều thao tác nên ở hiện trường ngoài Diệp Văn Khiết ra chỉ có năm người khác, trong đó có ba người là nhân viên thao tác biết rất ít về nguyên lý của thiết bị, ngoài ra, một kỹ thuật viên và một kỹ sư còn lại đã mệt lử người vì liên tục kiểm tra, đại tu thiết bị suốt hai ngày, tâm trí đều để tận đâu đâu. Trước tiên, Diệp Văn Khiết cài đặt cho công suất phát xạ vừa khéo nằm trên trị số tuyệt đối trong lý thuyết về phản xạ

tăng công suất của Mặt trời (đây đã là công suất lớn nhất mà hệ thống phát xạ Hồng Ngạn có thể đạt được), tần số được cài đặt trên dải tần có nhiều khả năng được mặt gương năng lượng khuếch đại nhất, rồi lợi dụng danh nghĩa thử nghiệm tính năng cơ khí của ăng ten, nhắm nó vào vầng dương đã ngả về phía Tây, nội dung phát xạ vẫn giống như những lần phát xạ chính quy trước đây.
Đó là một buổi chiều mùa thu nắng ráo năm 1971, sau này, Diệp Văn Khiết nhiều lần nhớ lại thời khắc đó, cũng không có cảm giác gì đặc biệt, mà chỉ thấy nôn nao lo lắng, mong ngóng việc phát xạ nhanh chóng hoàn thành, một mặt là sợ bị những đồng nghiệp có mặt ở đó

phát hiện, tuy rằng cô đã nghĩ sẵn lý do để biện bạch, nhưng tiến hành phát xạ thử nghiệm với công suất lớn nhất, tiêu hao thiết bị nhất dẫu sao vẫn là việc không bình thường. Đồng thời, thiết bị định vị của hệ thống phát xạ Hồng Ngạn không thiết kế để nhắm vào Mặt trời, Diệp Văn Khiết dùng tay cũng cảm nhận được kính ngắm quang học đang nóng bừng lên, nếu bị hỏng thì phiền phức rất lớn. Mặt trời từ từ lặn xuống bên trời Tây, Diệp Văn Khiết không thể không dịch chuyển cần điều khiển bám theo, lúc này, cột ăng ten của Hồng Ngạn giống như một đài hoa hướng dương khổng lồ, chầm chậm chuyển động theo vầng dương đang lặn xuống. Khi đèn đỏ báo việc phát xạ đã

hoàn thành, toàn thân cô đã ướt sũng mồ hôi. Ngoảnh đầu nhìn lại, ba nhân viên thao tác đang ở trên bục điều khiển lần lượt tắt thiết bị đi theo đúng sách hướng dẫn, tay kỹ sư thì ngồi trong góc phòng điều khiển uống nước, kỹ thuật viên thì đã dựa vào chiếc ghế dài ngủ thiếp từ lúc nào. Dẫu cho sau này các nhà sử học và nhà văn miêu tả thế nào thì tình cảnh chân thực lúc đó đúng là chẳng có gì đặc biệt như vậy đấy.
Vừa hoàn thành phát xạ, Diệp Văn Khiết đã xông ra khỏi phòng điều khiển, chạy vào phòng làm việc của Dương Vệ Ninh, thở hồng hộc nói: “Nhanh lên, để cho điện đài vô tuyến của căn cứ tiếp sóng ở kênh 12.000 megaherzt!”

“Tiếp cái gì hả?” Kỹ sư trưởng Dương Vệ Ninh kinh ngạc nhìn Diệp Văn Khiết đang mồ hôi rũ rượi, tóc ướt dính bết cả lên mặt, so với hệ thống Hồng Ngạn có khả năng bắt sóng cực nhạy, điện đài quân dụng của căn cứ bình thường dùng để liên lạc với thế giới bên ngoài chỉ là một món đồ chơi mà thôi.
“Có lẽ sẽ nhận được thứ gì đó, hệ thống Hồng Ngạn không đủ thời gian chuyển sang trạng thái tiếp sóng rồi!” Diệp Văn Khiết nói. Trong tình trạng bình thường, hệ thống Hồng Ngạn chỉ cần hơn 10 phút để làm nóng và chuyển đổi, nhưng lúc này hệ thống tiếp nhận tín hiệu cũng đang kiểm tra tu sửa, rất nhiều

module bị tháo ra vẫn chưa lắp lại hoàn chỉnh, không thể vận hành trong thời gian ngắn được.
Dương Vệ Ninh nhìn Diệp Văn Khiết trong mấy giây, cầm điện thoại lên, dặn dò phòng thông tin cơ yếu làm theo lời cô. “Độ chính xác của điện đài ấy, đại khái chỉ nhận được tín hiệu của người ngoài hành tinh trên mặt trăng thôi.”
“Tín hiện đến từ Mặt trời.” Diệp Văn Khiết nói. Ngoài cửa sổ, phần rìa Mặt trời đã chạm đến đỉnh núi ở đường chân trời, đỏ rực như máu.
“Cô đã dùng hệ thống Hồng Ngạn phát tín hiệu về phía Mặt trời rồi hả?” Dương Vệ Ninh căng thẳng hỏi.

Diệp Văn Khiết gật đầu.
“Chuyện này đừng nói với người nào khác, không có lần sau, tuyệt đối không có lần sau đâu đấy!” Dương Vệ Ninh cảnh giác ngoảnh đầu ra cửa phòng, nói.
Diệp Văn Khiết lại gật đầu.
“Làm vậy có ý nghĩa gì đâu chứ, sóng dội lại nhất định là cực kỳ yếu ớt, ở rất xa khả năng tiếp sóng của điện đài loại bình thường này.”
“Không, nếu suy đoán của tôi là chính xác, chúng ta sẽ nhận được sóng dội cực mạnh, mạnh đến mức… khó lòng tưởng tượng nổi, chỉ cần công suất phát xạ vượt qua một trị số tuyệt đối, Mặt trời… sẽ có

thể khuếch đại sóng điện từ lên gấp trăm triệu lần!”
Dương Vệ Ninh lại kinh ngạc tròn mắt nhìn Diệp Văn Khiết, nhưng cô chỉ trầm mặc không nói gì. Hai người lặng lẽ chờ đợi, Dương Vệ Ninh có thể nghe thấy rõ mồn một tiếng thở và tiếng tim Diệp Văn Khiết đang đập, anh không để ý lắm những lời cô vừa nói, chỉ là tình cảm chôn giấu bao nhiêu năm nay bỗng lại trào dâng trong tâm trí. Nhưng anh chỉ có thể kiềm chế bản thân, cùng cô chờ đợi. Hai mươi phút sau, Dương Vệ Ninh cầm điện thoại lên, yêu cầu chuyển máy đến phòng thông tin, hỏi hai ba câu đơn giản.
“Không nhận được gì cả.” Dương Vệ

Ninh đặt điện thoại xuống.
Diệp Văn Khiết thở dài một hơi, hồi lâu sau mới khẽ gật đầu.
“Nhà thiên văn học người Mỹ kia hồi âm rồi.” Dương Vệ Ninh lấy ra một phong thư dày cộp đưa cho Diệp Văn Khiết, bên trên đóng đầy các loại dấu má của hải quan. Diệp Văn Khiết nôn nóng bóc thư, trước tiên đọc lướt một lượt thư của Harry Peterson, trong thư nói ông ta không ngờ ở Trung Quốc cũng có đồng nghiệp nghiên cứu môn điện từ học hành tinh này, hy vọng có thể liên hệ và hợp tác nhiều hơn. Ông ta gửi đến hai tập tài liệu, trong đó ghi lại hoàn chỉnh đồ thị sóng của hai đợt bức xạ điện từ đến từ

Mộc tinh. Đồ thị sóng rõ ràng là được sao chụp lại từ dải băng giấy ghi tín hiệu, phải ghép lại mới xem được, mà người Trung Quốc thời đó, hầu hết là chưa từng trông thấy máy photocopy bao giờ. Diệp Văn Khiết đem mấy chục tờ giấy in ghép thành hai hàng dài dưới sàn nhà, xếp được một nửa thì cô đã không còn bất cứ hy vọng nào nữa, cô đã quá quen thuộc với đồ thị sóng của hai lần nhiễu tín hiệu do giao hội với Mặt trời ấy, chắc chắn là không hề khớp với hai đồ thị sóng này.
Diệp Văn Khiết từ từ thu dọn hai xấp giấy in trên sàn lại. Dương Vệ Ninh ngồi xổm xuống giúp cô một tay, khi anh đưa xấp giấy trong tay cho cô gái mà anh đã thầm yêu sâu sắc, trông thấy cô lắc đầu

mỉm cười, nụ cười thê lương ấy khiến trái tim anh run lên.
“Sao vậy?” Dương Vệ Ninh khẽ hỏi, không hề ý thức được rằng mình chưa bao giờ dịu giọng như vậy khi nói chuyện với cô.
“Chẳng có gì đâu, chỉ là một giấc mơ, vừa tỉnh lại mà thôi.” Diệp Văn Khiết nói xong lại cười cười, ôm lấy chồng giấy và lá thư ra khỏi phòng làm việc. Cô về chỗ ở của mình, lấy hộp cơm đi lên nhà ăn, bấy giờ mới nhận ra chỉ còn lại bánh bao và dưa cải muối. Người ở nhà ăn còn bực dọc bảo cô rằng sắp đóng cửa rồi, cô đành đem hộp cơm đi ra, tới trước vách đá kia, ngồi trên thảm

cỏ mà gặm bánh bao lạnh ngắt.
Lúc này, Mặt trời đã xuống núi, cả dãy núi Đại Hưng An trông mù mịt hệt như cuộc sống của Diệp Văn Khiết, giữa sắc màu xám xịt ấy, giấc mơ lại trở nên rực rỡ sáng loà gấp bội. Nhưng giấc mơ rốt cuộc cũng sẽ mau chóng tỉnh lại, giống như vầng Mặt trời kia, dù rằng nó sẽ tiếp tục mọc lên, nhưng đã không còn mang theo niềm hy vọng mới nữa rồi. Lúc này, Diệp Văn Khiết chợt trông thấy nửa cuộc đời về sau của mình cũng chỉ có một màu xám xịt vô biên vô tận như thế. Cô nuốt nước mắt, lại mỉm cười, tiếp tục gặm cái bánh bao nguội ngắt.
Diệp Văn Khiết không hề biết, đúng

lúc này, tiếng kêu đầu tiên có thể nghe thấy được mà nền văn minh địa cầu phát ra, đã lấy Mặt trời làm trung tâm, bay đi khắp vũ trụ với vận tốc ánh sáng. Sóng điện từ cực mạnh phát đi với công suất cấp độ ngôi sao tựa như đợt sóng triều cuồn cuộn, lúc này đã vượt qua quỹ đạo của Mộc tinh.
Lúc này, ở dải tần 12.000 megaherzt, Mặt trời là ngôi sao sáng nhất trong hệ Ngân Hà.