Chương 1: Một đóa hoa đào trốn nhà theo trai

Tam Sinh Tam Thế - Thập Lý Đào Hoa

Đăng vào: 2 năm trước

.

Con gái lớn của Nhược Thủy Thần Quân gả đi Đông Hải chưa đầy ba năm đã sinh cho Đông Hải Thủy Quân thêm một đứa con trai, hai nhà Nhược Thủy, Đông Hải đều hỉ hả vui mừng.

Đông Hải Thủy Quân lại càng đắc ý vô cùng, thiếp mời dự tiệc mừng đầy tháng con trai đã phát đi khắp thiên hạ, đến động Hồ Ly mà cha, mẹ ta ở cũng có thiếp đưa tới.

Cha, mẹ đã ngao du thiên hạ mấy trăm năm. Đại ca, nhị ca, tam ca kế tiếp nhau lập gia thất rồi chia đất phong, tứ ca thì đến Tây Sơn tìm Tất Phương điểu – vật cưỡi đã đi lạc từ lâu. Vì thế, động Hồ Ly này hiện giờ chỉ có một mình ta.

Ta cầm tấm thiếp trên tay, giơ ra ánh sáng của rèm nước bên ngoài động hắt chiếu vào suốt hồi lâu, nhớ lại khi mẹ sinh ta bị khó sinh, hình như đã mời bà đỡ nhà cụ cố của Đông Hải Thủy Quân đến giúp, nhờ thế mẹ bớt cực khổ đi rất nhiều, cho nên liền chọn một viên dạ minh châu bằng trái bí ngô non, chuẩn bị đi Đông Hải một chuyến.

Khả năng nhớ đường của ta vốn không được tốt lắm.

Trước khi đi bèn đến chỗ lão Mê Cốc ngay sát vách xin lấy một cành nhỏ trên cây Mê Cốc.

Cây Mê Cốc vốn có gỗ màu đen, hoa Mê Cốc ngũ sắc thơm lừng. Nhưng hoa này ngoài công dụng dùng để chiếu sáng vào ban đêm ra thì không có công dụng nào khác.

Hiểu thấu lòng ta vẫn là nhành Mê Cốc, chỉ cần đeo một nhành bên người thì sẽ không bị lạc đường.

Bản thể của lão Mê Cốc vốn là một cây Mê Cốc già, từ thuở hồng hoang đã mọc trên núi Chiêu Diêu ở Nam Hoang.

Khi mẹ mang thai tứ ca đã cãi nhau với cha, phật ý nên bỏ nhà ra đi, lạc đường đi tới núi Chiêu Diêu, lúc cha đến tìm mẹ, sợ rằng lần sau mẹ một mình bỏ nhà đi sẽ lại bị lạc đường, cho nên dứt khoát đánh cây Mê Cốc duy nhất trên núi Chiêu Diêu về Thanh Khâu, trồng ở trước cửa nhà.

Thanh Khâu là chốn tiên cảnh non bồng, cây Mê Cốc này được tắm táp trong tinh hoa của trời đất, hấp thu thời tiết bốn mùa, sau ba năm đã tu thành hình người. Lại qua ba ngàn năm nữa, đã vừa vặn tọa hóa thành một địa tiên.

Cha lại đưa cho lão ta mấy bó trúc gọi là quà chúc mừng, lão bèn dùng mấy bó trúc đó và ít cỏ gianh, xây ba gian nhà bên cạnh động Hồ Ly, làm hàng xóm của chúng ta.

Vì là thần tiên của nước Thanh Khâu, cũng theo các tiểu tiên khác, lão ta gọi cha ta một tiếng “quân thượng”.

Lão Mê Cốc thực ra không già, hai nghìn năm sau khi ta chào đời lão mới tu thành hình người, môi đỏ răng trắng, hai mắt như hoa đào cứ long lanh chớp chớp.

Tiên nữ của Thanh Khâu hầu hết đều nhờ mẹ mai mối cho lão ta, nhưng chẳng được mối nào.

Lão Mê Cốc nhìn bề ngoài thì phong lưu, nhưng thực chất lại vô cùng lễ độ. Mỗi lần gặp ta, lão đều chắp hai tay, cung kính gọi một tiếng “cô cô”, khiến ta thấy thật dễ chịu.

Lần này, lúc lão Mê Cốc đưa nhành cây nhỏ cho ta, thần sắc có chút u uất, có lẽ là trong sinh hoạt có điều gì đó không được hài hòa lắm, nhưng ta xưa nay chưa bao giờ tính toán với lão ta.

Sau khi lấy được đồ, ta bèn bắt quyết, gọi mây lành tới, đi thẳng đến Đông Hải.

Phía đông của Đông Hải có một rừng đào rộng mười dặm.

Tam ca nghe nói ta đến Đông Hải dự tiệc, từng gửi thư đến, bảo ta khi quay trở về nhớ qua phủ của Chiết Nhan xin lão ta hai bình rượu Đào Hoa Túy.

Chiết Nhan chính là chủ nhân của rừng đào mười dặm đó, lão là một con phượng hoàng già đến mức không nhớ nổi mình đã bao nhiêu tuổi nữa.

Mẹ nói, Chiết Nhan chính là con phượng hoàng đầu tiên được sinh ra từ buổi khai thiên lập địa. Phụ thần đích thân nuôi dưỡng lão ta, địa vị còn cao quý hơn Thiên Quân ngày nay đến vài phần.

Lúc ta chào đời, thế gian này đã chẳng còn dấu tích của Phụ Thần.

Cha mẹ đưa ta đến gặp Chiết Nhan, lão ta nhíu mày, cười với cha: “Đây chính là cô nương mà nương tử ngươi mới sinh thêm phải không? Trông nhỏ quá”.

Mối quan hệ giữa Chiết Nhan và nước Thanh Khâu chủ yếu bắt đầu từ mẹ ta.

Nghe nói vạn vạn năm về trước, Chiết Nhan từng cầu thân mẹ ta, sính lễ cũng đã đưa đến trước cửa.

Nhưng người mà mẹ ta ưng lại là kẻ đầu gỗ – cha ta, cho nên bướng bỉnh một mực không chịu nhận lời.

Vì thế Chiết Nhan mới đánh nhau một trận thỏa thích với cha ta, đánh xong, hai người liền kết nghĩa huynh đệ.

Năm sau, cha cử kiệu tám người khiêng tới đón mẹ về Thanh Khâu, còn mời Chiết Nhan làm chủ hôn.

Luận về thứ bậc, ta và mấy vị ca ca đều phải gọi Chiết Nhan là bá phụ.

Nhưng lão ta xưa nay không chịu nhận già, kiên quyết cho là mình vẫn còn trẻ lắm, ai dám cả gan gọi lão là “ông”, lão liền hận người đó tới cả ngàn vạn năm.

Cho nên, chúng ta chỉ còn cách run sợ mà theo cha mẹ gọi tên lão mà thôi.

Tuy Chiết Nhan là một tay ủ rượu có nghề, nhưng lại không thích chè chén say sưa chốn yến tiệc.

“Bậc thượng thần thần bí rút khỏi tam giới, chẳng màng hồng trần, thú vui tao nhã, phẩm vị còn trang nhã hơn cả thú vui” chính là cách lão miêu tả bản thân.

Vì thế đối với những thiếp mời lão dự tiệc uống rượu chung vui của các thần tiên gửi tới, xưa nay lão chỉ cười để đấy mà thôi.

Chúng tiên mời lão chung vui, vốn cũng là bày tỏ ý làm thân với một vị thượng thần tuy không nhậm chức gì nhưng địa vị lại cao sang. Bên này lão ở hơi lâu thì bên kia các thần tiên cũng đặt điều, nói rằng vị thượng thần nhàn tản này chỉ có thể tôn kính chứ không thể gần gũi, cho nên, ý muốn mời lão tiếp cũng tan dần.

Chiết Nhan vui với sự thanh tịnh, một lòng vui thú điền viên giữa rừng hoa đào thắm sắc.

Đến bên bờ Đông Hải, ta bấm ngón tay tính giờ, bây giờ cách lúc khai tiệc đúng một ngày rưỡi.

Nhớ tới lời dặn dò của tam ca, ta bèn chuyển hướng đi về phía phủ đệ của Chiết Nhan, xin lão ta một vò Đào Hoa Túy. San hai bình gửi về cho tam ca, lại rót một bình, kèm theo viên dạ minh châu làm quà mừng gửi tới Đông Hải Thủy Quân, chỗ còn lại thì chôn dưới động Hồ Ly để từ từ thưởng thức.

Đây chính là lúc hoa đào nở rộ, rừng đào mười dặm nở đầy hoa, sắc hoa tươi thắm bao phủ núi rừng, hương thơm ngào ngạt.

Ta men theo con đường quen thuộc đi về phía rừng đào sâu hun hút, vừa nhìn đã thấy Chiết Nhan khoanh chân xếp bằng ngồi gặm đào, quả đào rất to, chỉ nháy mắt đã chỉ còn trơ cái hạt.

Chiết Nhan cười hì hì vẫy tay gọi ta: “Chẳng phải tiểu nha đầu nhà họ Bạch đây sao, đúng là càng lớn càng xinh đẹp. Qua đây!”. Lão vỗ vỗ vào khoảng đất trống bên cạnh mình, “Ngồi xuống đây nào, để cho ta ngắm kỹ xem sao”.

Thần tiên trong khắp cõi trời đất này, cũng chẳng có mấy người thân phận cao tới mức có thể gọi ta là tiểu nha đầu.

Ba tiếng “tiểu nha đầu” tự nhiên khiến ta có một ảo giác rằng mình hãy còn trẻ lắm, làm ta thích thú vô cùng.

Ta ngoan ngoãn nghe lời ngồi xuống, Chiết Nhan liền lau lau tay vào vạt áo của ta.

Ta đang suy nghĩ xem phải mở lời như thế nào mới có thể thuận lợi lấy được vò rượu đó thì đã nghe Chiết Nhan cười hì hì: “Ngươi ở Thanh Khâu mấy vạn năm, chuyến này đi quả thực rất hay”.

Ta ngẩn người ra một lúc, không rõ câu này của lão là ý gì, chỉ cười đáp lại: “Hoa đào ở đây nở đẹp quá, đẹp tuyệt”.

Lão càng cười khoái chí hơn: “Mấy hôm trước, Bắc Hải Thủy Quân có dẫn vợ đến đây ngắm hoa mấy ngày liền. Lần đầu tiên ta nhìn thấy tiểu nương tử của hắn, đúng là rất ngây thơ, đáng yêu”.

Lần này thì ta cười không nổi.

Tiểu nương tử của Bắc Hải Thủy Quân ấy còn gọi là Thiếu Tân, cái tên này là do ta đặt cho.

Cũng không nhớ rõ bao nhiêu năm về trước, ta và tứ ca đi chơi ở hồ Động Đình, trong đám cỏ lau cao bằng nửa người bỗng phát hiện ra một con mãng xà còn nhỏ bị hành hạ đến mức chỉ còn thở thoi thóp.

Ta nhìn thấy đáng thương, bèn xin tứ ca cho mang nó về Thanh Khâu.

Con mãng xà nhỏ khi ấy đã tu thành tinh, tuy rằng vẫn còn non nớt nhưng cũng đã tạm có thể thành hình người, đó chính là Thiếu Tân. Thiếu Tân dưỡng thương mất hai năm ở Thanh Khâu, sau khi thương thế đã khỏi, nói muốn báo đáp ơn của ta nên ở lại đó.

Khi đó cha, mẹ ta đã không còn ở Thanh Khâu, động Hồ Ly do tứ ca ta làm chủ, tứ ca sắp xếp cho nàng ta làm tỳ nữ chuyên quét dọn. Trước đó, động Hồ Ly không có một tỳ nữ nào, công việc quét dọn đều do ta làm.

Ta vui mừng vì được nhàn nhã, cả ngày rong chơi chẳng thèm về nhà, cứ qua qua lại lại nhà của đại ca, nhị ca, tam ca và Chiết Nhan suốt.

Ngày tháng trôi qua bình yên như thế cũng được hai năm, một ngày kia cha mẹ trở về Thanh Khâu, nói rằng đã đính ước hôn sự cho ta. Vị hôn phu tương lai chính là Bắc Hải Thủy Quân – Tang Tịch.

Khi đó, Tang Tịch vẫn là con trai thứ được sủng ái nhất của Thiên Quân, sống trên Cửu Trùng Thiên, còn chưa bị biếm phong đến Bắc Hải ngày nay.

Thiên Quân công bố chuyện đính ước của ta và Tang Tịch khắp bốn bể tám cõi, thần tiên các lộ không ai là không biết.

Những người biết tin, ai ai cũng đến nhà trò chuyện thăm hỏi, nhân thể chúc mừng đôi câu.

Tứ ca và ta không chịu nổi phiền phức, thế là dứt khoát thu dọn tay nải cùng trốn đến rừng đào của Chiết Nhan.

Chuyến trốn chạy này đã sinh chuyện.

Khi ta ăn đào no nê quay trở lại Thanh Khâu thì đã chẳng thấy Thiếu Tân đâu cả, trong động Hồ Ly đầy bụi chỉ còn lại một phong thư từ hôn của Tang Tịch. Trong thư nói rằng hắn với Thiếu Tân lâu ngày nảy sinh tình cảm, không thể không lấy Thiếu Tân, chỉ biết xin lỗi ta mà thôi, vân vân và vân vân.

Ta cho rằng đây chẳng phải là việc gì ghê gớm lắm. Một là, ta còn chưa bao giờ gặp mặt Tang Tịch, nói gì đến chuyện có tình cảm gì gì đó; hai là, thời gian Thiếu Tân sống cùng ta không dài, cho dù có tình cảm cũng khó có thể nói là sâu sắc; ba là, đến súc vật sống trong rừng còn được lựa chọn đối tượng tương xứng, chúng sinh bình đẳng, đâu có lý Tang Tịch bị tước đoạt mất quyền này.

Nhưng việc này lại om xòm tới tận Thiên Quân.

Nhưng lại không phải là ta làm um lên.

Nghe nói Tang Tịch đích thân dắt tay Thiếu Tân quỳ trước sân rồng của Thiên Quân, nói rằng muốn cho Thiếu Tân một danh phận.

Không lâu sau, chuyện này đã loan đi khắp nơi.

Người người đều nói: “Con gái nhà họ Bạch ở Thanh Khâu thật đáng thương, trước đây cứ tưởng rằng là mối lương duyên, không ngờ mới đính ước chưa được ba năm đã bị hôn phu vứt bỏ, sau này còn lấy được ai nữa đây?”.

Cũng có kẻ nói nhăng cuội: “Không biết ả mãng xà đó đẹp nghiêng nước nghiêng thành thế nào, mà còn có thể hơn được cả hồ ly trắng chín đuôi chim sa cá lặn?”.

Lúc ấy, cha, mẹ, đại ca, nhị ca, tam ca và Chiết Nhan mới biết rằng ta bị từ hôn.

Chiết Nhan lập tức lôi phụ mẫu ta lên Cửu Trùng Thiên để hỏi tội Thiên Quân.

Quá trình cụ thể ta cũng không được rõ. Chỉ biết rằng sau đó Tang Tịch bị thất sủng, Thiên Quân vội vã phong cho hắn ta chức Bắc Hải Thủy Quân, cũng có nghĩa là đày hắn đi Bắc Hải. Còn về hôn sự của hắn và Thiếu Tân, thì trước sau vẫn không công nhận.

Về chuyện này, chỉ có một lần duy nhất mẹ ta phát biểu cảm tưởng: “Thằng nhãi chết tiệt, thế là đã dễ dàng cho nó lắm rồi”.

Chiết Nhan ngược lại lại rất tốt bụng, nửa góp vui nửa oán trách, chỉ than một câu: “Vì một người con gái mà hủy hoại tiền đồ của mình, sao phải khổ thế?”.

Khi đó, ta còn nhỏ chưa hiểu chuyện, luôn cảm thấy nhân vật chính chính là Tang Tịch và Thiếu Tân không có quan hệ gì với ta, ta không hề bị thiệt thòi.

Sau này, Thiên Quân đích thân ban chỉ trước sân rồng. Thiên chỉ ấy đại ý nói, tuy ngôi thái tử vẫn chưa định, nhưng con gái của họ Bạch ở Thanh Khâu – Bạch Thiển đã được Thiên tộc lựa chọn làm con dâu, tương lai sau này sẽ là Thiên Hậu nương nương.

Nói một cách khác, nghĩa là, các con trai của ông ta, ai muốn kế ngôi Thiên Quân, thì không thể không cưới Bạch Thiển ở Thanh Khâu.

Rõ ràng là long ân, nhưng long ân này quả thực quá lớn. Mấy người con trai của Thiên Quân vì tránh bị hiềm nghi là tranh giành ngôi báu, nên cơ bản không qua lại với ta. Đương nhiên, ta cũng không bao giờ đi thăm bọn họ. Mà các thần tiên khác cũng nể mặt Thiên tộc, không dám mạo phạm Thiên tộc, mạo hiểm đến đặt sính lễ ở chỗ cha ta. Từ đó, ta hoàn toàn không có ai để mắt tới.

Ba trăm năm trước, Thiên Quân phong cho trưởng tôn là Dạ Hoa Quân làm thái tử, chuẩn bị kế ngôi hoàng đế.

Ta hoàn toàn không biết chút gì về tên Dạ Hoa này. Chỉ nghe nói sau khi Tang Tịch bị lưu đày, vì tư chất của mấy người con của Thiên Quân đều hết sức tầm thường, Thiên Quân sớm tối u sầu lo lắng. May mà ba năm sau đó, con trai lớn là Ương Thố sinh thêm một đứa cháu hết sức thông minh mẫn tuệ, khiến cho Thiên Quân vui mừng khôn xiết.

Đứa cháu này chính là Dạ Hoa.

Theo như thiên chỉ mà Thiên Quân ban bố năm nào, ta phải thành thân với tên Dạ Hoa Quân này. Về phía Dạ Hoa, nghe nói đã từng lấy một người tên là Tố Cẩm làm thứ phi, vô cùng sủng ái, còn sinh ra một tiểu thiên tôn, nên tự nhiên chẳng màng tới hôn sự với ta. Còn về phía ta, tuy không có ý trung nhân như hắn, nhưng hễ cứ nghĩ tới hắn ta sinh sau ta tới gần mười vạn năm, luận về thứ bậc còn phải gọi ta một tiếng cô cô, luận về tuổi tác phải gọi ta một tiếng lão tổ tông, thì chẳng thể cam tâm tình nguyện chủ động nhắc đến hôn sự này. Cứ dùng dằng mãi như thế cho đến tận bây giờ, đã trở thành trò cười cho khắp bốn bể tám cõi này.

Làm ra cơ sự này đều do Bắc Hải Thủy Quân, ta sao lại không thấy thiệt thòi, mà là quá thiệt thòi, thế nên cũng tự nhiên bắt đầu tránh mặt cái kẻ gây họa là hắn.

Ta cứ trăn trở mãi chuyện Chiết Nhan đặc biệt nhắc đến Bắc Hải Thủy Quân, tuyệt đối không phải muốn ta phải phiền muộn, mà là ném hòn gạch đi, kéo viên ngọc về, để dẫn ra những lời sau, cho nên ta phải vội vàng làm ra vẻ hứng thú, rửa tai cung kính lắng nghe.

Khóe miệng lão ta nhếch càng cao hơn: “Tiểu nương tử đó nghén dữ dội lắm, chưa đến mấy vạn năm mà đã sinh cho Bắc Hải Thủy Quân ba đứa con, đứa trong bụng bây giờ nghe nói là đứa thứ tư, có thể thấy mãng xà thực sự là mắn đẻ. Tiểu nương tử kia bị nghén cả ngày chỉ đòi ăn đào, vào lúc này, hoa đào nở khắp nơi nơi, nhưng nói đến đào, thì khắp gầm trời cuối đất, ngoài chỗ của ta ra thì không thể kiếm được ở đâu. Vì thế Bắc Hải Thủy Quân phải mặt dày đến gõ cửa nhà ta, hắn ta đã khẩn cầu như thế, ta cũng chẳng hẹp hòi gì mà không cho”.

Ta chẳng biết làm gì hơn, đành cúi đầu vân vê mấy nếp gấp trên váy. Đối với hành vi yêu hận không rõ ràng này của lão, ta có chút tức giận.

Lão ta lại cười hì hì, nói: “Xem ngươi kìa, mặt xanh lét cả rồi. Chỉ là mấy trái đào tránh sinh con thôi mà”.

Ta ngẩng phắt đầu lên, có lẽ động tác này hơi đột ngột, nên không cẩn thận va phải cằm lão đang hạ thấp xuống.

Lão không hề để bụng, lại chọc ta: “Nhìn xem, nghe nói cho đôi phu thê nhà người ta mấy trái đào tránh sinh con, chốc lát mà đã mềm lòng rồi sao? Nghe ta nói này, mấy trái đào tránh sinh con đó chẳng qua chỉ là giúp nhà Bắc Hải Thủy Quân tạm thời trong mấy vạn năm không thể sinh thêm đứa thứ năm mà thôi, chứ chẳng ảnh hưởng gì tới phúc đức nhà hắn ta, cũng chẳng tổn hại gì đến âm đức của ta”.

Thực ra, Bắc Hải Thủy Quân có thêm ngũ hoàng tử lúc nào cũng chẳng can hệ gì đến ta, mấy trái đào tránh sinh con đó ăn vào cũng chẳng thể làm chết người được. Năm đó, nếu không phải là hắn ta từ hôn, thì đâu gây ra một đống rắc rối này. Lần này Chiết Nhan đã dạy dỗ hắn một trận, thật ra ta cũng có chút tán thưởng lão. Nhưng Chiết Nhan cho rằng ta hay mềm lòng thì ta chẳng biết nói gì hơn, chỉ đành im lặng thừa nhận mà thôi. Lão lại vỗ về ta một chặp, đại ý nói rằng cả nhà Thiên Quân là bọn khốn kiếp, đến đời đời con cháu cũng chỉ là lũ khốn kiếp không hơn không kém.

Mắng xong, lão lại bắt đầu trêu chọc ta.

Mấy vạn năm nay chúng ta chưa gặp nhau, có lẽ lão cũng nhàn nhã đến phát điên, bao nhiêu chuyện vụn vặt, từ ống tre cho đến hạt đậu, đều đem ra kể với ta tuốt tuồn tuột.

Lúc đầu ta vẫn còn nhớ đến chuyện vò Đào Hoa Túy, nhưng chẳng mấy chốc mà ù hết cả đầu, quên béng mất việc phải xin vò rượu.

Đợi đến khi màn đêm gần buông xuống, vẫn là Chiết Nhan nhắc ta: “Tiểu tam có nhờ ta cất cho hắn hai bình rượu, đã chôn dưới cây tế tân trụi lá bên cạnh Bích Dao Trì ở phía sau núi, đêm nay ngươi nghỉ ở đó, nhân tiện đào rượu lên mang về cho tiểu tam, hai bình rượu này đừng có phung phí, cũng đừng uống trộm”.

Ta nhếch miệng: “Người cũng thật nhỏ mọn đấy”.

Lão xoa xoa mái tóc ta: “Thứ rượu ấy quả thực ngươi không uống được, nếu như muốn uống, ngày mai hãy đến hầm rượu của ta, mang được bao nhiêu thì ngươi cứ mang thỏa thích”.

Ta làm ra vẻ hết sức cảm tạ, nhưng trong lòng lại thầm quyết định, hai bình Đào Hoa Túy đó ta sẽ uống trộm, mà rượu trong hầm của lão ta cũng sẽ mang đi bằng hết.