Tập 1: Xé lụa[1]

Phượng Ẩn Thiên Hạ

Đăng vào: 2 năm trước

.

[1] Tác giả lấy từ câu: “Cung đàn trọn khúc thanh tao / Tiếng buông xé lụa, lựa vào bốn dây” trong bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị (bản dịch của Phan Huy Vịnh).

Dưới ánh nắng dịu nhẹ của buổi ban chiều, uống một chén trà, nghe một khúc đàn, quả thực là chuyện vô cùng nhàn nhã và thư thái. Nhưng nếu đang ở trên chiến trường, đột nhiên nghe thấy tiếng đàn, tất sẽ khiến người ta thấy có phần quái dị.

Lúc này, ngoài Bắc cương, kị binh Bắc Triều đã vây chặt Nương Tử Quan của Nam Triều, binh sĩ Bắc Triều đang không ngừng gióng trống mở cờ, khí thế vô cùng ngông cuồng hống hách.

Bỗng một khúc đàn êm ái vang lên, trầm bổng tựa như được truyền đến từ phía chân trời.

Đây là một khúc cổ nhạc, hòa trong tiếng trống trận vang rền, càng trở nên cực kì mềm mại uyển chuyển, vấn vương quấn quýt, đặc biệt lay động lòng người.

Quân Bắc Triều đang hung hăng bỗng nhiên im phăng phắc, trống trận ngừng kêu, ngẩng đầu nhìn lên, chỉ thấy trên thành lầu Nương Tử Quan, không biết từ bao giờ, đã xuất hiện một bóng áo đỏ tươi. Trên chiến trường, màu đỏ mà quân Bắc Triều nhìn thấy nhiều nhất ngoài máu ra vẫn chỉ là máu, thật chưa từng thấy tà áo đỏ như thế bao giờ.

Người con gái áo đỏ đột ngột xuất hiện khiến quân Bắc Triều không khỏi chấn động, trong lòng ai nấy đều tức thì nhớ tới một người.

Gần đây Nam Triều có thể đại thắng quân đội Tây Lương ở Tây cương, đều nhờ viên quan trấn thủ là Bình Tây hầu Hoa Mục. Nghe nói dưới trướng Hoa Mục có một viên tướng nổi tiếng, tên gọi là Doanh Sơ Tà, võ nghệ cao cường, mưu kế vô địch. Nam Triều đánh bại Tây Lương, không thể không kể đến công lao của chàng.

Nghe đồn Doanh Sơ Tà là một đứa trẻ mồ côi, vốn không tên không họ, chàng tự lấy họ Doanh[2], để cho mỗi trận chiến đều có thể đánh thắng. Từ khi chàng tòng quân đến nay, chưa từng một lần thua trận. Chỉ trong vỏn vẹn hai năm, chàng từ một kẻ vô danh tiểu tốt, đã trở thành một Thiếu tướng Tây cương khiến người ta nghe danh mà phải khiếp sợ, quân địch tặng cho chàng ngoại hiệu Ngân Diện Tu La. Dưới trướng chàng có một cánh quân cô nhi, chiến đấu dũng mãnh, tên gọi là “Sát Phá Lang”.

[2] Chữ “doanh” có nghĩa là thắng.

Lại có lời đồn rằng, chàng quanh năm đeo mặt nạ, chưa ai từng thấy khuôn mặt thật của chàng, bởi thế nên có rất nhiều lời đồn đại xung quanh tướng mạo đó. Có người nói chàng trông còn đẹp hơn con gái, tướng quân Hoa Mục vì không muốn để cho tướng mạo mê hoặc lòng người đó làm rối loạn lòng quân, nên đã lệnh cho chàng dùng mặt nạ che đi. Người khác lại nói có lẽ do mặt mũi chàng quá xấu xí, thế nên không thể không đeo mặt nạ.

Nghe tiếng đàn, quân Bắc Triều sở dĩ liên tưởng đến chàng, chính là bởi, bên cạnh chàng luôn có một nữ tử áo đỏ theo hầu, mỗi lần ra trận, người con gái đó đều vì chàng mà tấu lên một khúc nhạc.

Lúc này, tiếng đàn và tà áo đỏ kia đột ngột xuất hiện ở Nương Tử Quan, phải chăng Doanh Sơ Tà đã từ Tây cương đến vùng biên phía Bắc?

Quân Bắc Triều ai nấy đều rơi vào trạng thái lo sợ, nhưng cũng có vài phần hiếu kỳ.

Tiếng đàn uyển chuyển, càng uyển chuyển, vấn vương, càng vấn vương, càng khiến người nghe chìm đắm trong đó.

Thủ lĩnh quân Bắc Triều Trương Tích nhìn chăm chăm vào bóng áo đỏ trên thành lầu, bên môi nở một nụ cười lạnh lẽo, hắn giơ tay lấy cung tiễn sau lưng, giương cung đặt tên, dây cung vang lên, tên bắn ra như chớp, mang theo sát khí lạnh lẽo bay thẳng về phía người con gái áo đỏ trên thành lầu.

Hơn ngàn binh lính Bắc Triều đều chờ đợi tiếng kêu thảm thiết vang lên, bởi tiễn thuật của thủ lĩnh bọn chúng xưa nay vô cùng chuẩn xác, chưa từng bắn trượt bao giờ. Hắn đã muốn bắn vào trán kẻ địch, thì nhất định sẽ không bắn chệch xuống cằm. Lần này, hắn bắn vào yết hầu, người con gái đánh đàn kia chết là cái chắc.

Nhưng tiếng kêu thảm thiết trong dự liệu không hề vang lên, chỉ thấy trên thành lầu một luồng bạch quang lóe sáng, mũi tên đó không biết bị thứ gì ném trúng, lệch mất phương hướng, cắm vào một lỗ châu mai.

Sau một khắc, một tên lính bỗng chỉ về phía cổng thành hô lớn: “Mọi người nhìn kìa!”

Lúc này cửa Nương Tử Quan đang từ từ mở rộng, một đội kỵ binh trọng giáp từ trong thành ồ ạt phi ra. Tên lính đi đầu giương một lá cờ, bên trên thêu một chữ “Doanh” rất lớn.

Phía sau một con ngựa trắng phi như bay từ trong thành ra, cưỡi trên mình ngựa là một viên tiểu tướng, toàn thân mặc giáp bạc, khoác thêm áo bào trắng, bên hông đeo một thanh Thiên Nhai Minh Nguyệt Đao, cạnh yên ngựa có treo một cây thương bằng bạc. Ánh hoàng hôn rực rỡ tỏa sáng trên người chàng, đầu mũi thương theo đó cũng phát sáng lấp lánh, cùng với từng luồng sáng bạc mà vó ngựa vạch ra trên mặt đất, trong nháy mắt chàng đã phi tới trước. Đến khi cách quân Bắc Triều ba mươi bước, chàng mới ghìm cương ngựa, con chiến mã hý dài một tiếng, đứng sừng sững trước trận tiền.

Tiểu tướng áo bào trắng nhìn thẳng vào quân Bắc Triều, chiếc mặt nạ màu bạc che nửa khuôn mặt, chỉ lộ ra đôi mắt trong sáng, đôi môi đẹp đẽ, và cả chiếc cằm tinh xảo đến tuyệt mỹ. Một nụ cười ung dung khẽ nở trên khóe môi chàng.

Thủ lĩnh quân Bắc Triều Trương Tích có phần sững sờ, trong lịch duyệt đời người hơn hai mươi năm nay của hắn, chưa từng thấy thiếu niên nào hào hoa phong nhã đến thế, mặc dù không trông thấy tướng mạo thật của chàng, nhưng phong thái thoát tục trời sinh, lại khiến người khác đã thấy thì khó lòng quên đi được.

Chàng điềm nhiên ngồi trên lưng ngựa, thân hình rắn rỏi tựa cây anh đào nở rộ trong mưa gió tháng ba, đôi mắt đen đằng sau mặt nạ sáng lấp lánh như bức tranh thủy mặc, tỏa ra những ánh nhìn khiến người ta phải xiêu hồn lạc phách.

Chàng nhìn mọi người một lượt, ôm quyền cười nói: “Trương tướng quân, Sơ Tà đến lĩnh giáo thương pháp của tướng quân đây.” Giọng nói lạnh lùng, xuyên qua làn gió phương Bắc rét buốt truyền tới, nhưng đặc biệt trong trẻo như dòng suối giữa chốn núi rừng nguyên sơ không vương chút bụi bẩn trần thế.

Cùng với nụ cười của tiểu tướng áo bào trắng, tiếng đàn trên thành lầu đột ngột chuyển sang cao vút, điệu nhạc đã chuyển, bình bạc vỡ, ngựa sắt giong[3], tiếng đàn mênh mông như biển lớn, hùng tráng như sóng dậy, khí thế tựa thiên binh vạn mã.

[3] Tác giả lấy từ câu: “Bình bạc vỡ tuôn đầy dòng nước/ Ngựa sắt giong, xô xát tiếng đao” trong bài “Tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị (bản dịch của Phan Huy Vịnh).

Trương Tích chợt hoàn hồn, sau khi dõng dạc hô hai tiếng “Đắc tội”, liền nắm chặt cây thương dài, giục ngựa tiến lên, giao đấu.

Đây hiển nhiên không phải là một trận quyết đấu ngang tài ngang sức, bởi lẽ thực lực hai bên đều khó mà đoán được. Nhưng rất nhanh sau đó, chỉ sau vài chiêu, Trương Tích không khỏi ngấm ngầm kinh hãi, hắn biết, không quá mười chiêu, mình tất sẽ bại. Thế nhưng, không hiểu sao, đối phương dường như không hề có ý vội vã thủ thắng, mỗi lần mũi thương suýt đâm trúng hắn, lại thản nhiên lệch sang chỗ khác. Người ngoài nhìn vào, tựa như thể là do hắn nhanh nhẹn mà tránh được. Thế nhưng, trong lòng hắn hiểu rõ, nếu Doanh Sơ Tà không nương tay, thì sẽ không tính chuẩn đến thế, mỗi lần đều chỉ chậm nửa nhịp, lệch một mảy may.

Trương Tích miễn cưỡng chống đỡ, cùng Doanh Sơ Tà đấu qua lại được hơn năm mươi chiêu, trên trán hắn lúc này dần toát mồ hôi. Trong ánh thương lấp loáng, hắn dường như trông thấy người thiếu niên giáp bạc áo bào trắng khẽ mỉm cười, nụ cười ấy, tựa như giễu cợt, tựa như cuồng ngạo, tựa như bất chấp… mang theo ma lực khó tả, như thể mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát của chàng.

Trong lòng Trương Tích khẽ run, Bắc Triều bọn chúng hiện giờ vẫn chưa đủ thực lực xâm lược Nam Triều, lần này khiêu chiến, vốn là định ép quan trấn thủ Nương Tử Quan giao nộp lương thảo tiền bạc sống qua mùa đông. Trước đây lần nào cũng thành công, bởi quan trấn thủ Nương Tử Quan là loại tham sống sợ chết, chưa cần đánh đã ngoan ngoãn đem lương thảo tiền bạc ra nộp. Lần này hắn vốn nghĩ đã vơ vét khá nhiều rồi, định chuyển sang một thành trì khác, không ngờ, lại chạm trán Doanh Sơ Tà.

Rõ ràng chàng vừa đại thắng Tây cương, giờ lẽ ra phải về kinh lĩnh thưởng, vì cớ gì mà lại xuất hiện ở chốn này? Hắn nghĩ không ra, nên chỉ có thể nói rằng vì bản thân mình quá đen đủi. Hiện giờ hắn chẳng khác nào một con chuột đang bị mèo đùa giỡn, trước sau gì cũng phải táng mạng. Hắn không cam tâm, liều hết sức, sau khi tránh được mũi thương của đối phương thêm một lần nữa, vào khoảnh khắc hai ngựa chạy qua nhau, đột ngột hắn rút bảo kiếm, đâm mạnh về phía trước.

Nhát kiếm ấy, thực ra hắn không hề có bất cứ hi vọng nào là có thể đâm trúng, nhưng không thể ngờ, lại đâm trúng Doanh Sơ Tà.

Tướng quân giáp bạc áo khoác trắng đỡ tay trước ngực, đôi mắt tuyệt đẹp ánh lên thần tình phức tạp khiến hắn không thể nào đoán được, tựa như đau đớn vô cùng, lại tựa như không phải. Máu tươi từ trên ngực ứa ra chảy theo những ngón tay thuôn dài của chàng, thấm đỏ cả tấm chiến bào trắng muốt.

Tiếng đàn trên thành lầu đột nhiên tựa như xé lụa, đi thẳng vào lòng người, thê thảm như một đêm mưa gió ở Ba Sơn[4], khiến người ta bỗng dưng nảy sinh cảm giác thê lương cô tịch. Bỗng một tiếng rít như xé tai vang lên, hình như dây đàn đứt, tiếng đàn đã im bặt tự lúc nào.

[4] Nguyên tác viết “巴山夜雨” – Ba Sơn dạ vũ, chỉ tình cảnh cô đơn của người xa quê ở nơi đất khách lại gặp mưa đêm rả rích.

Trong lòng Trương Tích vô cùng kinh ngạc, có phần không dám tin đây là thật, nhất thời quên cả đuổi theo, cứ đứng giương mắt nhìn quân Nam Triều cứu Doanh Sơ Tà về. Mặc dù đả thương được chủ soái, nhưng Trương Tích lại dẫn binh mã của mình vội vã rút lui. Phi ngựa hồi lâu, không thấy ai đuổi theo, hắn mới nới lỏng dây cương, quay đầu lại nhìn thì thấy quân Nam Triều đã rút vào trong quan nội từ lâu.

Chỉ có thành lầu Nương Tử Quan nguy nga sừng sững trong ánh tịch dương, đượm một vẻ hùng tráng thê lương mà hoang vắng. Trên thành lầu, bầu trời mênh mông tựa như bị vầng mặt trời sắp lặn thiêu đốt, liên tục biến đổi những sắc màu đỏ vàng đan lẫn vào nhau, khiến người nhìn không tránh khỏi tâm thần hỗn loạn.

“Tướng quân, rõ ràng người đã đâm bị thương tướng giữ thành của bọn chúng, vì sao lại phải lui binh? Sao chúng ta không nhân cơ hội bắt lấy Doanh Sơ Tà, đòi thêm tài vật?” một tên lính cẩn thận đưa lời hỏi.

“Ngươi thì biết cái gì?!” Trương Tích lạnh lùng nói.

Hắn không tin nhát kiếm đó đâm trúng Doanh Sơ Tà, bởi lẽ nhát kiếm đó chàng hoàn toàn có thể tránh được, lẽ ra phải tránh được, nhất định có khả năng tránh được.

Thế nhưng, ngày hôm sau, thám tử trong thành đưa tin, nói rằng Doanh Sơ Tà do thương thế quá nặng, đêm đó đã qua đời.

Mọi người còn đồn rằng, hoàng đế Nam Triều vốn định phong thưởng Doanh Sơ Tà làm Bình Tây tướng quân, lại còn định ban hôn, gả tam công chúa cho chàng. Lẽ ra có thể một bước lên mây, vinh hoa phú quý, ai ngờ, trước khi về kinh, chàng lại đi đường vòng, về qua Bắc cương, kết cục mất mạng tại chính nơi này.

Thực là ứng nghiệm với câu nói dân gian: “Có số chịu khổ mà không có mệnh hưởng phúc”.

***