Hồi 22: Văn Vương thương con mửa thịt hóa thỏ

Phong Thần Diễn Nghĩa

Đăng vào: 2 năm trước

.

Lôi Khai và Ân phá Bại giục ngựa lướt tới thấy một người hình thù kỳ dị, thất kinh muốn quay ngựa lại, song sợ quân sĩ cười mình nhát gan, nên nhắm mắt hét lớn:

– Nhà ngươi là ai dám cản đuờng chúng ta?

– Ta là Lôi Chấn Tử, đứa con thứ một trăm của Văn Vương. Cha ta là kẻ nhân dức, thờ mẹ chí hiếu, thờ vua tận trung, lấy đạo dạy dân, lấy lễ trị thiên hạ. Trụ Vương ham mê tửu sắc, tàn ác phi thường, bắt cha ta cầm tù nơi Dũ Lý đã bảy năm, nay cho về nước sao còn theo bắt. Ta vâng lệnh thầy ta xuống núi đưa cha ta về Tây Kỳ, không thèm giết các ngươi làm chi, hãy đem quân trở về.

Lôi Khai và Ân Phá Bại đồng làm gan mắng lại:

– A, chúng ta tưởng ngươi là thiên lôi trời sai xuống, ai ngờ cũng chỉ là xác phàm, con của một đứa khi quân bội chúa. Tướng mạo ngươi hung dữ như vậy mặc lòng, song chúng ta có thiên binh ngàn tướng, không đủ trị ngươi sao?

Nói rồi hè nhau xốc tới múa siêu đao chém liền.

Lôi chấn Tử cầm gậy đồng đỡ ra thật mạnh, hét lên:

– Bây muốn thử sức ta à! Ta nghĩ vì có lời thầy dạy và có ý cha răn, nếu không ta giết cả binh tướng chúng bay như trở bàn tay.

Lôi Khai và Ân phá Bại nghe tiếng hét như sấm đã hoảng hồn, còn dám đâu đấu chiến.

Lôi chấn Tử nói:

– Chắc chúng bay chưa thấy tài lực của ta, thôi để ta triển thần uy cho chúng bay thấy.

Nói rồi liền vỗ cánh bay bổng lên cao, đáp xuống một tảng đá kêu Ân Phá Bại và Lôi Khai nói:

– Ta khẽ cục đá nầy cho chúng bay thấy sức mạnh ta đến bực nào, liệu cái đầu chúng bay có cứng bằng cục đá này chăng?

Lôi chấn Tử đưa gậy lên trời, đập mạnh xuống một cái. Hòn đá vỡ tung lên, lăn xuống đè ngã một vùng cây cối.

Ðập nát hòn đá lớn, Lôi Chấn Tử vỗ cánh bay xuống trước đầu ngựa, nói:

– Bây giờ chúng bay muốn giao tranh với ta thì cứ đánh đi.

Hai tướng thấy Lôi Chấn Tử sức mạnh như thần, nhìn nhau le lưỡi lắc đầu, kéo quân trở về.

Lôi chấn Tử cười lớn, bay đến trước mặt Văn Vương thưa:

– Con đã khuyên hai tướng Trụ trở lại Triều Ca rồi, vậy cha theo con đưa cha về Tây Kỳ cho sớm.

Văn Vương nói:

– Võ Thành Vương Hoàng Phi Hổ đã cho cha cờ lệnh tiễn, qua ải không ai dám ngăn trở, con không cần phải đưa đón làm gì?

Lối chấn Tử nói:

– Nếu trình lịnh tiễn qua ải thì lâu lắm, e vua cho tướng khác theo bắt đàng trước ngăn đón, đàng sau truy binh cha làm cách nào về Tây Kỳ được. Con sẵn có cặp cánh thần xin cõng cha bay qua năm ải.

Văn Vương nói:

– Ðược vậy thì hay lắm, song bỏ con ngựa lại lòng cha không đành.

Lôi Chấn Tử nói:

– Mất ngựa nầy tìm ngựa khác, cha hãy lo thân cha làm trọng đã.

Văn Vương nói:

– Con ngựa nay theo cha đã bảy năm, chịu không biết bao nhiêu khổ cực, nay về nước bỏ nó đi là bạc nghĩa.

Lôi Chấn Tử thưa:

– Người quân tử cốt giữ đại sự, còn tiểu sự thì không nên câu chấp.

VănVương lưỡng lự một hồi, rồi bước đến vưốt lưng con ngựa than:

– Không phải ta muốn bỏ ngươi, chỉ sợ binh triều đuổi theo mang khốn. Nay từ giã, ngươi tìm nơi khác nương thân.

Dứt lời, Văn Vương buồn bã, rơm rớm nước mắt ngâm bốn câu thơ:

Cùng nhau muôn dặm đến Triều Ca

Dũ Lý giam cầm chịu với ta

Mắc nạn ải Ðồng nay cách biệt

Ngươi tìm chũ khác chớ dần dà.

Thấy Văn Vương triều mến con ngựa mãi, Lôi Chấn Tử giục:

– Xin cha lên lưng con mau kẻo trễ.

Văn Vương nói:

– Con bay cho khéo kẻo cha sợ lắm.

Lôi Chấn Tử quỳ xuống đất đưa lưng cho Văn Vương leo lên, và nói:

– Xin cha an lòng nhắm mắt lại, chỉ chốc lát sẽ đến Tây Kỳ.

Văn Vương vừa nhắm mắt lại đã nghe gió thổi ù ù như giông bão.

Lôi Chấn Tử bay qua năm ải, chỉ trong một tiếng đồng hồ, rồi đáp xuống chân núi Kim Kê.

Văn Vương mở mắt ra, thấy phong cảnh Tây Kỳ ngỡ như trong mộng. Bảy năm bị cầm nơi Dũ Lý giờ đây mới thấy rõ cố hương, lòng như mừng như tủi.

Văn Vương khen:

– Cũng nhờ sức con cha mới về được xứ sở.

Lôi Chấn Tử thưa:

– Nay cha đã về được Tây Kỳ, con xin trở lại núi Chung Nam để hầu hạ thầy con.

Văn Vương ngơ ngác hỏi:

– Sao con lại không về với cha?

Lôi Chấn Tử thưa:

– Lúc ra đi thầy con có dặn, hễ đưa cha khỏi năm ải rồi phải trở về Chung Nam lập tức, đặng học thêm tài phép, ít lâu sẽ ra giúp nước.

Nói rồi lau nước mắt lạy vua cha. Văn Vương cũng khóc từ giã.

Sau khi Lôi Chấn Tử bay đi mất dạng, Văn Vương còn một mình lững thững dưới chân núi Kim Kê. Bởi tuổi già sức yếu nên đi suốt ngày hôm ấy mới tìm đến một thị trấn, vào quán cơm ăn uống rồi ngủ vùi cho đến sáng.

Hôm sau, Văn Vương từ giã dời chân, tên tửu điếm cản lại hỏi:

– Thưa ông, còn tiền rượu tiền phòng ông chưa tính.

Văn Vương nói:

– Ta đi lỡ đường tiền hết, ngươi cứ biên sổ cho nhớ, lúc ta về đến Tây Kỳ sẽ sai người đến trả gấp đôi.

Tên tửu điếm nói:

– Chỗ nầy không phải như xứ khác, dù cho quan quyền cũng không đặng làm ngang, chúa ta là Tây Bá Hầu lấy nhơn nghĩa trị dân cấm điều gian lận, bởi vậy đồ bỏ giữa đường không mất, ngưòi đi ngoài lộ phải nhường, ban đêm không dứt tiếng đờn, không nghe tiếng chó sủa. Ðây là trời Nghiêu đất Thuấn, vua thánh tôi hiền, chứ không phải xứ loạn đất hoang mà giở trò dối gạt.

Văn Vương nói:

– Ta là người phải không nói quấy đâu.

Người chủ quán từ bên trong bước ra hỏi:

– Chuyện gì cãi lẫy vậy.

Tên tửu điếm thuật lại đầu đuôi câu chuyện vừa rồi. Người chủ quán thấy Văn Vương tướng mạo khác thường, tuổi tác đã già, liền ôn tồn hỏi:

– Ông đi Tây Kỳ có việc gì mà gấp rút đến nỗi quên đem tiền lộ phí. Vả lại tôi với ông không quen mặt nhau, nếu để chịu biết đâu mà đòi.

Văn Vương túng thế phải nói thật:

– Ta là Tây Bá Hầu bị bảy năm giam cầm nơi Dũ Lý nay vua tha về nước, vì đường xa nên lộ phí bị thiếu hụt. Ngươi cứ ghi sổ ít ngày ta sẽ sai người đến trả.

Chủ quán nghe nói thất kinh, vội sụp lạy tâu:

– Tôi lạy mừng đại vương muôn tuổi. Chúng tôi xác phàm mắt tục, nên không thấy mặt rồng, lỗi với đại vương, xin đại vương dung mạng. Tiện đây, xin thỉnh đại vương vào trong đặng tôi dâng tiệc rồi sẽ sắm sửa đưa đại vương về đền.

Văn Vương hỏi.

– Ngươi tên họ là chi?

Chủ quán tâu:

– Tôi họ Thân tên Kiệt, đã năm đời ở tại thôn này.

Văn Vương mừng rỡ hỏi Thân Kiệt:

– Ngươi có ngựa cho ta mượn đỡ, về tới điện ta sẽ đền ơn.

Thân Kiệt tâu:

– Xóm này nghèo khó lắm, không ai nuôi ngựa. Nhà tôi chỉ có môt con lừa để tôi thắng yên rồi đi theo đại vương hầu hạ.

Văn Vương mừng rỡ, đợi thắng yên cho con lừa xong, mới ngồi lên lưng lừa, theo đường về Kinh đô. Thân Kiệt theo sau hộ giá.

Ngày kia, tại Tây Kỳ bà Thái Khương đang nhớ con là Tây Bá, ngồi thẫn thờ trước hiên, bỗng nghe ba trận gió thổi tới dường như tiếng thú kêu. Bà Thái Khương vội thắp hương, lấy tiền gieo quẻ biết Tây Bá đã về gần đến liền gọi các cháu và bá quan văn võ báo tin mừng, phút chốc tiếng đồn khắp dân gian, thiên hạ dắt dê gánh rượu chật đường đi đón.

Bấy giờ Văn Vương cỡi lừa đi lểnh mễnh hằng lâu mới tới Tây Kỳ. Bỗng nghe một tiếng súng lệnh, xa xa nhấp nhô hai cây cờ đỏ, đàng sau một đoàn người đông như kiến cỏ lũ lượt kéo đến.

Văn Vương nhìn thấy đi đầu là Táng Nghi Sanh và Nam Cung Hoát theo sau là triều thần văn võ, rồi đến dân chúng trong thành.

Khi đoàn người gần đến, Cơ Phát bước đến trước lừa, sụp lạy:

– Phụ vương bị cầm chơn nơi đất khách, bảy năm rồi con chẳng viếng thăm, xin phụ vương mở lượng hải hà tha tội bất hiếu. Nay nhờ trời phụ vương được về nước, các tôi con mừng dường nào.

Văn Vương mừng đến ứa lệ nói:

– Ta nay khác nào như không nhà mà có nhà, không nước mà có nước, không tướng mà có tướng, không con mà có con. Bị cầm tù bảy năm, ta ngỡ bỏ xương nơi đất khách rồi.

Táng Nghi Sanh tâu:

– Xưa vua Thành Thang bị vua Kiệt cầm ở thành Hạ Ðài đến sau về nước lấy được thiên hạ. Nay chúa công chẳng khác gì vua Thành Thang, chỉ cần giữ gìn nhơn đức, nuôi dưỡng tôi dân, đợi thời sẽ tính. Hễ lòng người mà thuận, thì máy tạo cũng theo.

Văn Vương nói:

– Quan Ðại Phu nói như vậy không là kẻ trí thương ta, cũng không là tôi ngay thờ chúa. Vả tội ta đáng giết, vua chỉ cầm tù là đã mang ơn rồi. Nay vua lại phong vương, ban cờ mao búa việt dạy ra lo việc chinh phạt, thì ơn ấy ví bằng trời đất, ta phải lo rán sức trả ơn, lẽ nào nghĩ điều bội chúa. Thôi, từ rày về sau quan Ðại Phu chớ nói như vậy nữa mà ta buồn ý.

Bá quan nghe nói đều làm thinh. Cơ Phát thưa:

– Xin phụ vương thay đổi áo xiêm, lên xe về điện.

Văn Vương đổi lấy áo mão, bước lên xe, truyền Thân Kiệt theo hầu, rồi vua tôi đồng về kinh.

Giữa lúc đó dân chúng đều hô lên một câu lớn:

– Bảy năm nay mới thấy mặt trời, nghe chúa trở về, muôn dân điều ngóng cổ ước ao được thấy mặt.

Văn Vương thấy dân chúng nói như vậy liền xuống xe lên ngựa, chân bước đi giữa rừng người, để dân chúng ai nấy đều trông thấy.

Dân chúng mừng rỡ nói lớn:

– Nay Tây Kỳ đã có chúa, dân sự may mắn biết chừng nào.

Văn Vương đi đến núi Tiểu Long ngó ngoái lại thấy chín mươi tám người con đều đủ mặc, duy thiếu một mình Bá Ấp Khảo thì buồn bã vô cùng. Hai dòng lệ nhỏ xuống má, ruột đau như cắt, lấy áo che mặt khóc lớn than:

Trọn đạo tôi nên dâng lệnh chầu Thương

Vì gián chúa cho vẹn đạo can thường

Mà mắc tội cầm nơi Dũ Lý

Biết thời suy không oán trách triều đường

Vì hiếu Bá Ấp Khảo thương cha chuộc tội

Ðắt Kỷ hiềm, banh xương lóc thịt

Làm thịt con, trao bánh cho cha

Ăn thịt trẻ động lòng từ ái

Nhờ ơn vua mới đặng chức Văn Vương

Trốn nữa đường may gặp Lôi Chấn Tử

Bay vài giờ thấy rõ chốn quê hương

Nay đã được sum vầy mẫu tử

Mất một con đau đớn can trường.

Văn Vương dứt lời than, ré lên một tiếng, và nói:

– Ðau đứt ruột đi thôi.

Liền té xuống ngựa mặt trắng bạch như tờ giấy. Các vị công tử xúm nhau đỡ dậy. Văn Vương mửa ra một miếng thịt, cục thịt ấy mọc ra hai tai bốn cẳng, hóa hình con thỏ, chạy về hướng Tây biến mất. Văn Vương mửa ra hai miếng nữa, thịt cũng hóa thỏ chạy như vậy.

Văn Vương lần lần tỉnh lại, các quan đỡ lên xe đưa về đền tìm ngự y thang thuốc hơn mấy ngày mới mạnh.

Vừa khỏi bệnh, Văn Vương đã vào lạy mẹ chúc mừng và ôm chân khóc kể:

– Con bảy năm lỗi đạo thần tôi, xin mẹ tha tội.

Bà Thái Khương cũng vừa khóc vừa khuyên lơn. Văn Vương lại vào nhà tông miếu làm lễ tông đường.

Rồi đó, Văn Vương thuật hết mọi khó nhọc trong bảy năm bị giam cầm cho văn võ bá quan nghe, tặng thưởng bạc vàng cho Thân Kiệt và cho về quê cũ.

Táng Nghi Sanh quỳ tâu:

– Chúa công đức rải thiên hạ, muôn dân kính vì. Nay cọp đã về rừng, rồng thênh thang bên biển cả, đã qua cơn bỉ cực, phải tìm hồi thái lai. Xét như vua Trụ giết vợ hại con, bày Bào Lạc hại trung thần, lập Sái Bồn giết cung nữ, hành động tàn ác ấy khiến nhiều đấng chư hầu làm phản ba phương thiên hạ trở lòng Triều Ca sẽ không thể trị lâu, cơ nghiệp sẽ không tồn tại.

Táng Nghi Sanh vừa nói dứt, bên võ tướng có một người hét lớn lên:

– Nay Ðại vương đã về đến đây, há chúng ta lại quên thù Công tử. Xin đem binh ròng bốn mươi vạn, tướng mạnh sáu mươi viên, kéo tới lấy một lần luôn năm ải, chém đầu Bí Trọng, mổ ruột Vưu Hồn, bằm Ðắt Kỷ thành tương, phế vua Trụ làm dân dã, tôn người hiền lên Thiên Tử, cứu hoạn nạn cho muôn dân. Ðược như vậy chư hầu thảy mang ơn, muôn dân sẽ mến đức.

Văn Vương thấy người vừa nói là Nam Cung Hoát thì buồn bã trách:

– Ta nghĩ hai khanh trung nghĩa, nên giao phó việc triêu đình, ngờ đâu nay hai khanh lại tỏ lời phản chúa xúi việc bất trung. Ví dầu chúa có lỗi thì tôi cũng chớ oán cừu, còn cha có lầm thì con cũng nên giấu giếm. Ðó là đạo trung thần. Con trách cha, tôi oán chúa sao phải. Nay ta nhờ Thiên Tử phong đến chức Văn Vương, cho về nước cầm quyền chinh phạt, đáng lẽ ngày đêm cầu khẩn cho chúa mạnh dân lành, lẽ đâu làm thói lăng loàn, sanh lòng phản nghịch. Từ rày các khanh chớ nên tỏ ý như vậy nữa mà mang tiếng xấu muôn đời.

Nam Cung Hoát tâu:

– Ngày trước Công tử đi cống sứ, dâng ba vật báu chuộc tội cho cha hành động hiếu đạo như vậy lại bị kẻ tàn ác phân thây! Nếu không báo oán thì làm sao cho nguôi giận?

Văn Vương nói:

– Bá Ấp Khảo bị giết là tại cãi lời cha, nếu không đến viếng thăm làm sao mắc họa. Nay ta phải giữ phép cho vẹn đạo chúa tôi, dầu vua độc ác thế nào cũng còn có chư hầu phán xét, lẽ nào ta đứng đầu gây loạn cho mang tiếng hay sao. Chi bằng lấy việc nuôi dân trị nước làm gốc, miễn tránh cho thiên hạ khỏi lao khổ, chúa tôi được hưởng thanh bình, tai không nghe tiếng giáo gươm, mắt không thấy cảnh giết chóc, lòng khỏi lo thắng bại, mình chẳng sợ đạn tên tướng chẳng giao tranh, dân không nguyền rủa, ấy là vui ấy là phước.

Táng Nghi Sanh và Nam Cung Hoát nghe Văn Vương nói điều nhơn đức, cả hai đều quỳ lạy lui về.

Văn Vương nói:

– Trẫm muốn cất một cái linh đài tại hướng Nam gần thành Tây, để coi sao và xem bói nhưng sợ bày ra thì nhọc sức dân.

Táng Nghi Sanh tâu:

– Chúa công muốn làm đài Thiên văn, coi điềm hung kiết, giữ cho dân được thái bình thịnh trị đó là việc làm có ích lợi. Nhưng muốn cho dân chúng được vui xin chúa công treo bảng mướn nhân công, mỗi người một ngày trả hai chỉ bạc, ai muốn ăn tiền thì làm, không cần bắt ép.

Văn Vương khen:

– Khanh nghĩ vậy rất hay. Vậy hãy treo bảng ngoài thành cho dân biết trước.