Hồi 19: Bá Ấp Khảo dâng báu vật chuộc tội cha

Phong Thần Diễn Nghĩa

Đăng vào: 2 năm trước

.

Bá Ấp Khảo than:

– Vua cha bị cầm nơi Dũ Lý đã bảy năm, không người quen thuộc viếng thăm, đạo làm con chẳng lẽ cũng mãi nơi đây sao đành, phụ vương ta có chín mươi chín người con, nay đã khôn lớn, thế mà vô dụng không giúp ích gì được cho cha già. Thôi thì ta liều thác đem báu vật của ông bà để lại đến Triều Ca dâng cho Trụ Vương chuộc tội, may Trụ Vương ham báu vật thả phụ vương ta về nước chăng?

Táng Nghi Sanh can:

– Không nên đâu. Lúc ra đi Chúa công đã dặn dò mọi việc, nay Công tử vì thương cha làm trái ý, tình thương ấy đã không làm cho Chúa công vui, còn làm cho Chúa công giận nữa là khác.

Bá Ấp Khảo nói:

– Làm vua một nước chư hầu, triều thần đông đũ, con cái hơn trăm người, lúc bị hoạn nạn không một ai gần gũi, ta không đành để phụ vương ta như vậy. Thôi ngươi chớ can gián nữa, ta đã quyết hy sinh mình ta, may chuộc tội cho phụ vương ta.

Táng Nghi Sanh không làm sao cản được, phải im lặng lui ra.

Bá Ấp Khảo vào cung kể lại ý định mình với mẹ. Bà Thái Cơ hỏi:

– Nếu con đi thăm cha con thì việc nước giao lại cho ai?

Bá Ấp Khảo thưa:

– Em con là Cơ Phát tánh tình thuần hậu, khí tiết chói ngời, có thể thay con lo việc nước rất dễ. Vả lại trong triều việc văn đã có Táng Nghi Sanh, việc võ đã có Nam Cung Hoát, con chẳng còn phải bận tâm. Con đi chuyến nầy nếu may mắn con sẽ cứu phụ vương con khỏi vòng lao lý, còn rủi con có bề nào cũng chẳng hại gì cho giang sơn Tây Kỳ nầy cả.

Bà Thái Cơ thấy Bá Ấp Khảo đã quyết lòng, không dám can ngăn liền dặn dò:

– Con có đi thì mọi việc phải cẩn thận lắm mới được.

Bá Ấp Khảo lạy mẹ bước ra, đến dinh Cơ Phát tự tình:

– Em ơi! Nay anh định vào Triều Ca dâng báu vật chuộc tội cho phụ vương, em phải ở nhà thay mặt anh lo việc trị nước. Công việc trong nước anh đã xếp đặt xong, với tài trí của em, anh không còn lo lắng gì nữa.

Cơ phát hỏi:

– Anh định đi bao lâu thì trở về?

Bá ẤpKhảo nói:

– Lâu lắm là ba tháng. Nếu công việc không có gì trắc trở thì hai tháng rưỡi anh về đến.

Hai anh em tâm sự một hồi, Bá Ấp Khảo từ giã Cơ Phát trở về cung, chọn ngày tốt khởi hành.

Ba ngày sau, Bá Ấp Khảo lên đường, chín mươi tám người em và triều thần đều tựu đến đủ mặt, đưa đón, Bá Ấp Khảo tỏ lời cảm ơn. Nhìn quê cũ, rồi lên yên từ giã Tây Kỳ. Ðàng trước có cờ hiệu, đàng sau quân sĩ khiêng lễ vật hộ tống. Tuy là một cuộc ra đi không lấy gì quan trọng, nhưng lòng hiếu đạo của Bá Ấp Khảo làm cho dân chúng Tây Kỳ ai nấy đều cảm mến.

Ðoàn người trải gió dầm sương, đi một thời gian mới đến ải Tị Thủy. Quân giữ cửa vào thưa với quan trấn ải là Hàn Vinh, Hàn Vinh lập tức hối quân mở cửa ải đón tiếp.

Bá Ấp Khảo qua năm ải như vậy mới qua sông Huỳnh Hà, đến Mạnh Tân. Nơi đây Ấp Khảo ngồi thuyền vượt sóng sang sông, rồi đi một thời gian nữa mới đến Triều Ca.

Bây giờ gặp lúc trời tối, Bá Ấp Khảo phải vào ở đỡ nơi trại Hoàng Hoa, mai sáng mới đến dinh Thừa Tướng tìm gặp Tỉ Can.

Rủi thay, Tỉ Can đi vắng đã năm ngày, Bá Ấp Khảo lóng nhóng mãi, tuy vậy Bá Ấp Khảo vẫn không lấy thế làm buồn lòng.

Ngày kia, Bá Ấp Khảo đang đứng ngoài cửa dinh chờ đợi, bỗng nghe tin Tỉ Can về, Bá Ấp Khảo vội vã quỳ xuống nghênh đón.

Tỉ Can giục ngựa về đến thấy Bá Ấp Khảo liền hỏi:

– Tướng quân là ai?

Bá Ấp Khảo nói:

– Tôi là con trai của Cơ Xương, tên Bá Ấp Khảo, từ Tây Kỳ đến đây xin ra mắt Thừa Tướng.

Tỉ Can nghe nói vội xuống ngựa đỡ Bá Ấp Khảo dậy, hai người cùng đứng ngang nhau nói chuyện, Tỉ Can hỏi:

– Công tử từ Tây Kỳ sang đây có việc chi?

Bá Ấp Khảo nói:

– Cha tôi bi Thiên tử kết tội, cầm nơi Dũ Lý nay đã bảy năm, tuổi tác đã già, không được hưởng cảnh thanh nhàn, thật đau xót. Tôi thiết tưởng trời có khi nắng khi mưa, Thiên tử sao khỏi có lúc vui 1úc buồn. Ðạo làm con lấy hiếu làm trọng, nên tôi không nài khó nhọc, không sợ oai búa rìu, đem ba báu vật từ Tây Kỳ đến đây yết kiến Thừa Tướng, nhờ Thừa Tướng tìm cách tâu với vua tha cho cha tôi được đem nắm xương tàn về xứ thì ơn của Thừa Tướng, cha con tôi suốt đời không dám phụ.

Tỉ Can hỏi:

– Công tử đem vật gì đến cống sứ?

Bá ấp Khảo thưa:

– Tôi có ba vật báu tổ truyền là xe Thất Hương, nệm Tỉnh Tửu, và con vượn bạch, mặt tợ da người. Ngoài ra tôi còn chọn thêm năm cặp mỹ nữ dẫn đến đây nữa.

Tỉ Can hỏi:

– Gái đẹp thì ta đã biết ở Tây Kỳ không thiếu gì, nhưng ba món bửu bối kia có gì quí?

Bá Ấp Khảo nói:

– Ba vật báu di lưu từ đời ông thủy tổ chúng tôi tức là ông Ðăng Phù. Như Thất Hương xa là xe của vua Huỳnh Ðế dùng để vượt Bắc Hải đánh giặc Xi Vưu, kẻ nào dùng xe ấy thì chẳng cần người đẩy, hễ muốn đi đâu xe ấy tự động đi ngay. Còn Tỉnh Tửu chiên là nằm giã rượu. Lúc đang say mà nằm trên nệm ấy thì tức khắc tỉnh liền. Lại như con vượn bạch, mặc dù loài thú, nhưng thông minh đáo để, nó thuộc hơn tám trăm bản đàn, biết ba ngàn bài hát tiếng ca nó lảnh lót như tiếng chim, trong lúc yến tiệc nó vừa múa vừa hát trên bàn tay, dịu dàng như một cành liễu.

Tỉ Can nghe nói cau mày:

– Ba báu vật ấy trên đời này hiếm có thật, song Công tử đem đến đây cống sứ ta thấy chẳng vui.

Bá Ấp Khảo hỏi:

– Vì sao Thừa Tướng dạy như vậy?

Tỉ Can nói:

– Trụ Vương lâu nay ham tửu sắc, không kể đến xã tắc, suốt ngày đêm đờn ca múa hát, tìm thú vui để trốn mặt quần thần. Nước mất nhà tan cũng vì vậy. Nay Công tử lại đem đến những món phụ họa vào thú tiêu khiển của vua thì cơ nghiệp nhà Thương càng sớm tiêu tan hơn nữa.

Bá Ấp Khảo nghe nói thở dài:

– Nếu không có báu vật làm cho vua thích thì không bao giờ vua chịu tha tội cho cha tôi, xin Thừa Tướng rộng lòng, nghĩ lại…

Tỉ Can nói:

– Làm tôi phải thấy trước những tai hại mà can vua. Lẽ ra ta không chấp nhận những báu vật này, nhưng thấy Công tử là người chí hiếu, từ ngàn dặm đến đây chuộc tội cho cha, lẽ nào ta không giúp. Thôi, hãy theo ta vào đền, ta tâu giúp cho.

Bá Ấp Khảo lạy tạ, theo Tỉ Can đến trước đền Trích Tinh.

Huỳnh Môn quan trông thấy vào báo.

Trụ Vương kêu lên lầu phán hỏi:

– Ta không có lệnh đòi, sao Thừa Tướng tự ý vào đây?

Tỉ Can tâu:

– Nay có con trai Cơ Xương là Bá Ấp Khảo đem dâng ba vật báu chuộc tội cho cha, nên tôi phải dẫn vào ra mắt.

Trụ Vương hỏi:

– Bá Ấp Khảo dâng báu vật gì?

Tỉ Can liền trao tờ sớ của Bá Ấp Khảo cho Trụ vương xem. Trụ vương lập tức đòi Bá ấp Khảo lên lầu.

Bá Ấp Khảo quì mọp dưới sàng, tâu:

– Tôi là Bá Ấp Khảo, con kẻ phạm tội, xin chúc Bệ hạ sống lâu muôn tuổi.

Trụ Vương nói:

– Cơ Xương nghịch mạng nên bị trẫm làm tội, nay ngươi đem báu vật đến dâng quả là con chí hiếu đó.

Bá Ấp Kbảo tâu:

– Cha tôi phạm tội, Bệ hạ không giết lại đày nơi Dũ Lý, ơn ấy cha con tôi ghi nhớ muôn đời. Vậy tôi xin dâng chút vật mọn, nhờ bệ hạ mở lòng thương cho phép cha tôi được đem nắm xương tàn về cố quốc.

Nói đến đây, Bá Ấp Khảo khóc òa.

Trụ vương nghe tiếng khóc của người con chí hiếu cũng phải động lòng, liền truyền Bá Ấp Khảo đứng dậy.

Bá Ấp Khảo lạy tạ rồi cúi đầu đứng hầu dưới các.

Lúc ấy, Ðắt Kỷ núp trong rèm nhìn ra thấy Bá Ấp Khảo răng ngọc môi son, mày tằm mắt phụng, gương mặt sáng rở; giọng nói thanh tao, liền truyền thế nữ khoác rèm châu, bước ra xem cho rõ mặt.

Vua Trụ liền nói với Ðắt Kỷ:

– Ái khanh ơi! Nay có Bá Ấp Khảo, con trai của Tây Bá Hầu đến đây dâng báu vật chuộc tội cha. Người này rất hiếu hạnh.

Ðắt Kỷ tâu:

– Thần thiếp nghe tiếng Bá Ấp Khão ở Tây Kỳ đàn hay lắm, trên đời nầy có một không hai.

Vua Trụ gạn hỏi:

– Sao ái khanh biết?

Ðắt Kỷ tâu:

– Lúc thần thiếp còn ở Ký Châu, tuy phận gái không bước khỏi khuê môn, nhưng tiếng đồn dội vào cung cấm. Trên đời, hễ có mùi hương sao khỏi gặp gió thoảng. Nay muốn biết tiếng đồn ấy đúng hay không xin bệ hạ truyền Bá Ấp Khảo đờn thử thì biết.

Vua Trụ truyền Bá Ấp Khảo ra mắt Chánh cung. Ấp Khảo tuân lệnh quì lạy Ðắt Kỷ.

Ðắt Kỷ nói với Bá Ấp Khảo:

– Thiên hạ đồn khanh có nghề cầm ca tuyệt diệu, vậy thì đờn vài bản cho ta nghe được chăng?

Bá Ấp Khảo nói:

– Xin Chánh cung tha tội cho tôi. Tôi trộm nghe làm con gặp lúc cha mẹ có bệnh ăn chẳng biết mùi, nay cha tôi mắc tội, bị đày nơi Dũ Lý, tôi làm con nào vui sướng gì mà khảy đờn cầm, vì vậy lúc nầy lòng tôi đang bối rối như tơ vò, việc chọn cung lựa ngón khó đúng được. Tôi e đờn lỗi nhịp mang tội khi quân.

Trụ Vương nghe nói, mỉm cười phán:

– Bá Ấp Khảo, ngươi chớ lo. Trong lúc ngươi đang rối lòng rnà đờn được một bản cho thật hay thì trẫm sẽ tha tội cho cha ngươi về nước.

Bá Ấp Khảo mừng rỡ quá không còn e đè gì nữa, bao nhiêu hứng thú nổi lên trong lòng người trai trẻ. Vua Trụ truyền nội thị đem cây đàn cầm đến, Bá Ấp Khảo tiếp lấy, ngồi xếp bằng trên sàng để cây đàn trên đầu gối, so dây chọn tiếng.

Tiếng đàn lảnh lót, cất lên khúc nhạc vui tươi.

Cành dương dùi dụi gió rung rung

Ðào quế đơm bông ửng sắc hồng

Hoa cỏ bên đường như rải gấm

Ðiểm trang xe cộ khắp Tây, Ðông.

Bá Ấp Khảo đờn xong bản nhạc mà hơi đàn chưa dứt, âm thanh vang vang như tiếng trúc thiên thai, gieo vào lòng người tục.

Vua Trụ miên man, quay lại nói với Ðắt Kỷ:

– Thiên hạ đồn không sai. Bá Ấp Khảo với tài đờn cầm trên đời nầy chỉ có một.

Ðắt Kỷ mỉm cười tâu:

– Nếu không bảo va trổ tài làm sao thấy được tài năng?

Vua Trụ truyền nội thị dọn tiệc trên lầu thết đãi. Trong lúc đó Ðắt Kỷ lén xem trộm dung nhan, thấy Bá Ấp Khảo rõ ràng nước da như tuyết nhuộm, gương mặt tợ trăng rằm, thân mình tròn trịa, hình vóc trẻ măng, so với Trụ Vương ngày nay thì Trụ Vương hàm râu đã quăn riết, da thịt khô cằn, thân hình tóp vì khí lực không còn bao nhiêu nữa.

Trụ Vương là một vì vua, có nhiều quí tướng nhưng ham mê sắc dục gần gũi Ðắt Kỷ quá nhiều, nên ngày nay thân thể ra thế ấy.

Ðắt Kỷ là loài hồ mi, chê tre già, ham măng tươi, thầm nghĩ:

– Con người khỏe mạnh, tươi đẹp thế kia, nếu ta không tìm cách chung tình thì đời ta còn gì sung sướng. Ta mượn kế cầm Bá Ấp Khảo ở lại dạy đờn đem rơm để gần lửa, thế nào cũng toại nguyện.

Nghĩ như vậy, Ðắt Kỷ tâu với Trụ vương:

– Nay Bệ hạ tha cho cha con Tây Bá Hầu về nước thì ơn ấy có thể cảm hóa muôn người. Chỉ tiếc bản đàn cầm hay ho của Bá Ấp Khảo vừa rồi chúng ta không còn bao giờ được nghe nữa.

Trự Vương nói:

– Thật ra trẫm cũng tiếc lắm, nhưng không biết phải làm sao bây giờ.

Ðắt Kỷ nói:

– Thần thiếp có một cách làm vẹn cả đôi bên.

Trụ vương hỏi:

– Ái khanh có cách gì vậy?

Ðắt Kỷ nói:

– Xin bệ hạ lưu Bá Ấp Khảo lại ít ngày, chờ thần thiếp học xong bản đàn cầm ấy sẽ cho cha con Tây Bá Hầu về nước. Như vậy thần thiếp có thêm được một nghề nữa để hầu bệ hạ.

Trụ vương nghe nói vuốt lưng Ðắt Kỷ khen:

– Ái khanh thông minh lắm mới nghĩ ra cách ấy. Trước sau cha con Tây Bá cũng được về nước thì lưu lại ít ngày có hại gì.

Ðắt Kỷ nũng nịu:

– Thần thiếp học bản đàn này vì bệ hạ chứ không phải vì thần thiếp mong muốn đâu.

Trụ Vương cười âu yếm:

– Ái khanh vì trẫm cố gắng học cho thật rành, để sau nầy đàn hát cho trẫm thưởng thức. Ngón đờn ấy mà vào tay ái khanh, trẫm tin chắc còn hấp dẫn hơn nữa. Nhưng chẳng hay khúc đàn ấy gọi là gì vậy?

Ðắt Kỷ nói:

– Ðó là bản “phong nhập tòng” đồ.

Trụ Vương khoái chí:

– Bản nhạc gió thổi vào cụm tòng hèn chi nghe êm tai là phải.

Dứt lời Trụ Vương liền truyền chỉ, lưu Bá Ấp Khảo ở lại trong cung dạy đờn Ðắt Kỷ.

Ðắt Kỷ mừng thầm, tính dùng kế phục rượu Trụ vương cho say mèm để tiện bề làm chuyện mưa Sở mây Tần, nên khiến quân bày tiệc rượu, mời hôn quân vào trong dự yến.

Trụ vương ngỡ thật, có ngờ đâu lương tâm loài hồ ly quen thói nguyệt hoa. Vào tiệc, Ðắt Kỷ rót rượu ép mời Trụ Vương mãi, Trụ vương vị tình uống đến không còn biết gì trời nghiêng đất ngửa nữa.

Ðắt Kỷ truyền cung nhân bồng nhà vua để nằm nơi long sàng, rồi khiến quan Thái giám đem đến hai cây đờn cầm trao cho Bá Ấp Khảo một cây, và nói:

– Công tử đã có lệnh Thiên Tử, vậy thì mau mau truyền lại bản nhạc cho ta để được mau về nước.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh cầm đàn ngồi dưới sàn, và nói:

– Xin Hoàng hậu nghe cho rõ: đờn cầm có sáu luật, năm tiếng, lại có sáu điều kỵ, và bảy diều không nên đờn.

Ðắt Kỷ nói:

– Sáu luật năm tiếng thì ta đã có nghe, còn sáu điều kỵ thì ta chưa hiểu.

Bá Ấp Khảo nói:

– Sáu điều kỵ gồm có:

1) Nghe khóc kể

2) Mình rơi lụy

3) Mắc lo lắng

4) Ðang giận hờn

5) Ðang kinh hăi

6) Tưởng việc tà

Sáu điều này phải kiêng cữ.

Ðắt Kỷ lại hỏi:

– Còn bảy điều không dám đờn là bảy điều gì?

Bá Ấp Khảo nói:

1) Mưa vạy gió may

2) Có tang than khóc

3) Áo mão chẳng ngay

4) Say rượu rối trí

5) Nhơ uế không sạch

6) Chẳng xông huơng là khinh lờn

7) Không kẻ biết nghe là tục.

Bảy điều ấy chẳng nên đờn. Bởi đờn cầm là tiếng chánh, xưa cho ra là ngăn cấm lòng tà, chẳng phải như các món nhạc khác muốn đờn cách nào cũng được.

Ðắt Kỷ nghe Bá Ấp Khảo giảng giải ngồi mỉm cười không nói.

Bá Ấp Khảo so dây lấy giọng, rồi nói tiếp:

– Xin chánh hậu coi theo đây mà tập.

Tiếng đàn vừa khảy lên, nghe rẻo rắc, bổng trầm, khiến cảnh vật xung qnanh biến thành huyền ảo. Ai nghe thấy đàn cũng mê man tâm thần đường đang thoát tục, đuy có Ðắt Kỷ lòng chứa tà ma, không có ý nghe đờn, chỉ lo giỡn mặt, vì vậy Ðắt Kỷ làm bộ mắc cỡ, liếc mắt cười duyên, nhìn Bá Ấp Khảo chăm chăm như mưốn ăn tươi nuốt sống. Bá Ấp Khảo là đứa con chí hiếu, đường xa ngàn dậm, một thân lặn lội đến Triều Ca, cố tìm cách chuộc tội cha già, lòng như sắt đá, lo gì nghĩ bướm ong, do đó, Bá Ấp Khảo không hề ngẩng nhìn Ðắt Kỷ, chỉ lo dạy cho mau rồi.

Ðắt Kỷ làm đủ mánh khóe dâm tà, Bá Ấp Khảo vẫn không để ý.

Ðắt Kỷ thấy phương pháp ấy không thành, gọi Bá Ấp Khảo nói:

– Ông thầy này dạy khó lắm! Vả lại tiếng đàn vừa nghe đã muốn điên, nếu không mượn rượu mạnh để trấn tĩnh tinh thần thì không thể học cho thuộc được.

Nói rồi khiến cung nữ bày tiệc để cùng Bá Ấp Khảo vui vầy.

Bá Ấp Khảo nói:

– Xin Chánh hậu tha cho tôi khỏi hầu tiệc.

Ðắt Kỷ nhất thiết không nghe, gọi cung nữ nhắc ghế để bên mình, truyền Bá Ấp Khảo ngồi dự.

Bá Ấp Khảo thất kinh, thưa:

– Tôi là con kẻ có tội, được Chánh cung tha không giết là may còn Chánh cung là bậc mẫu nghi, mẹ chung thiên hạ, tôi đâu dám vô lễ.

Ðắt Kỷ nói:

– Ngươi nghĩ sai rồi. Cứ như đạo vua tôi thì ngươi chẳng thể cùng ta ngồi chung được, nhưng xét về nghĩa thầy trò, ta với ngươi ngồi chung một bàn có sao đâu?

Bá Ấp Khảo cúi đầu thầm nghĩ:

– Con nầy chứa tà dâm, muốn làm cho ta mất nhân đức. Ta dòng dõi ông Hậu Tắc xưa phò tá vua Nghiêu truyền lại mấy đời, rạng danh trung nghĩa, lẽ đâu chiều đứa lăng loàn lỗi nghĩa tôi chúa. Ta nói thiệt dù có chết cũng phải chết cho thơm danh, không để nhục dòng họ Cơ mấy đời trung liệt.

Nghĩ như vậy, Bá Ấp Khảo cứ cúi mặt nhìn xuống đất không chịu vào tiệc, Ðắt Kỷ thấy Bá Ấp Khảo chắc gan như vậy không làm gì được, liền nghĩ:

– Ta đã cố tình đeo đuổi, nhưng nó quá dại khờ, không biết thưởng thức những gì tinh hoa vũ trụ. Thôi, để ta tìm kế khác, dắt lửa gần rơm, thì dù tiên phật cũng không thể gìn lòng son sắt nổi.

– Bá Ấp Khảo hãy đứng dậy. Khanh không muốn dự tiệc thì phải dạy đờn.

Bá Ấp Khảo vâng lời, cầm đàn dạy như trước.

Giây lâu Ðắt Kỷ lại nói:

– Không xong rồi. Ta thấy khó học lắm. Khanh ngồi đưới đất ta ở trên cao, ngón đờn đã không thấy rõ, tiếng nhạc lời giảng đi. Khanh hãy đến ngồi gần ta thì ta mới học mau thuộc.

Bá Ấp Khảo nói:

– Xin Chánh hậu chớ nóng lòng, cứ tập lâu sẽ thuộc.

Ðắt Kỷ nói:

– Không! Khanh phải đến ngồi sau lưng choàng tay chỉ ngón, làm được như vậy chỉ trong khoảnh khắc ta thuộc ngay. Nếu cứ kéo dài tình trạng thế nầy, sáng mai Thiên tử hỏi lại ta không thuộc chút nào không khỏi bị quở trách.

Bá Ấp Khảo hồn vía lên mây, thầm nghĩ:

– Ta đã đem thân vào hang cọp rồi, bề nào cũng bị diệt vong. Thôi thà chết trong sạch còn hơn sống nhục.

Nghĩ rồi cất giọng phân trần:

– Nếu Chánh hậu dạy như vậy tôi thà chết chẳng đám vâng lời. Chánh hậu là bậc mẫu nghi, tiếng tăm rất trọng, lẽ nào vì chuyện học đờn tiểu tử mà để thiên hạ cười chê. Dầu Chánh hậu có trong sạch tận đâu mà hành động như vậy sử sách đời sau cũng không thể bỏ qua, ghi lại những vết nhơ trong cung điện. Xin Chánh hậu nghĩ lại sửa mình.

Ðắt Kỷ bị Bá Ấp Khảo dùng lời ngay nhục mạ, mặt sượng sùng ngồi chết điếng. Biết mình có lỗi Ðắt Kỷ không nói nữa, chỉ thở dài một hơi, rồi nói:

– Thôi ngươi hãy lui về nghỉ.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh, xuống lầu trở về quán dịch.

Ðắt Kỷ cau đôi mày liễu, nét hoa ủ rũ, nửa giận nửa hờn, ngồi trước đèn thầm nhủ:

– Hoa đã sẳn lòng chờ bướm, bướm không đoái tưởng đến hoa. Nếu chẳng vừa lòng thì thôi, nó lại lên mặt dạy đời nói nhiều câu vô lễ. Ta phải làm cho nó nát thịt tan xương, nó mới thấy cái khôn của nó.

Buồn bã một lúc, Ðắt Kỷ nghiến răng chui vào long sàng nằm ngủ với vua Trụ.

Sáng hôm sau, vừa mở mắt vua Trụ đã hỏi:

– Ðêm hôm ái khanh học đờn dã thuộc câu nào chưa.

Ðắt Kỷ sụt sùi bên gối tâu:

– Bá Ấp Khảo không cố ý dạy đờn, tỏ nhiều cử chỉ trêu hoa nghẹo nguyệt, thần thiếp thấy vậy không muốn học nữa.

Vua Trụ nghe nói nổi giận trợn mắt vểnh râu, mắng:

– Loài thất phu! Ta đã không giết, ban ân cho còn dám ý khi quân sao?

Lập tức ngồi dậy, truyền quan thị thần đến quán dịch đòi Bá Ấp Khảo.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh thẳng đến lầu Trích Tinh ra mắt vua Trụ.

Vua Trụ hỏi:

– Sao ngươi dạy đờn không hết lòng, cố dần dai cho mất thì giờ vậy?

Bá ấp Khảo tâu:

– Phép học đàn cầm chẳng có gì khó chỉ cần người học phải đứng đắn, chuyên cần.

Ðắt Kỷ sợ Bá Ấp Khảo nói toạc ra câu chuyện đêm vừa rồi, vội ngăn đón:

– Nếu ngươi cố tình chỉ dạy thì ta thông hiểu rồi. Bởi ngươi nói không rành rẽ, còn nghe đờn cầm ta chưa biết nên không hiểu nổi.

Vua Trụ nghĩ đến cử chỉ Bá Ấp Khảo trêu chọc Ðắt Kỷ đêm vừa rồi tức giận lắm, song không thể nào mở miệng nói thẳng được, liền truyền Bá Ấp Khảo đờn ca một bản, nếu lời ngay lẽ chánh thì thôi, bằng có ý tà bậy sẽ vịn vào đó để trị tội.

Bá Ấp Khảo tuân lời, ngồi dưới sàn so phím, vừa đàn vừa hát lên một bản, dụng ý thanh minh tiết liệt của mình.

Bản hát:

Một tấm lòng ngay chói thấu trời

Cầu cho Hoàng thượng sống muôn đời

Mưa hoà gió thuận muôn dân thạnh

Một mối giang san chẳng đổi dời.

Vưa Trụ nghe tiếng đàn trong vắc, chứa đựng lời ngay ý thẳng chẳng chút tà tâm. Lòng vua bắt đầu khuây khỏa, bao nhiêu hờn giận bỗng tan biến hết.

Ðắt Kỷ thấy Trụ Vuơng ngồi làm thinh hiểu ngay tiếng đờn Bá Ấp Khảo đã chấn chỉnh được lòng vua, liền tìm một kế khác, đến tâu với Trụ Vương:

– Bá Ấp Khảo có dâng một con vượn bạch biết múa hát rất hay sao bệ hạ không cho thần thiếp xem thử?

Vua Trụ nghe nói nhớ lại, bảo Bá Ấp Khảo:

– Hồi hôm trẫm mải nghe đờn, quên con vượn bạch. Bây giờ ngươi đem nó đến đây ca múa một bài xem hay dở.

Bá Ấp Khảo tuân lệnh trở về quán dịch xách lồng vượn bạch đem đến trước mặt Trụ Vương mở ra.

Con vượn bạch ra khỏi lồng ngồi bẹp dưới sàn.

Bá Ấp Khảo trao cặp sanh, khiến nó hát.

Con vượn Vừa nhịp vừa ca, tiếng như tiêu thiều, hơi nghe lảnh lót, giọng cao như phượng gáy giọng thấp như loan kêu, khiến ngươi tỉnh cũng phải mơ, trẻ khóc cũng phải nín. Người lo lắng nghe tiếng hát thì vui vẻ, kẻ buồn rầu nghe tiếng hát cũng mỉm cười. Trụ Vương nhìn mê man, Ðắt Kỷ say sưa đến gục đầu, bọn cung nữ mừng vui quá sức, cả chốn cung vi yên lặng như tờ, chỉ có tiếng hát và tiếng sanh của vượn bạch lúc ngân dài, lúc trầm bổng mà thôi.

Vì quá say sưa Ðắt Kỷ không giữ mình, tâm hồn như ngây như dại, khiến khí yêu xuất ra. Con vượn bạch là giống vật đã sống trên ngàn năm, hai con mắt như mạ vàng, hai tròng như hai than lửa đỏ coi thấu loài yêu ma. Lúc đang ca hát, vượn bạch thoáng thấy con hồ ly ngồi bên Trụ Vương, liền nhảy chồm đến chụp.

Ðát Kỷ giật mình nhảy trái sang một bên, trong lúc ấy Trụ vương lanh tay, giật lấy cây bửu kiếm bên vách đâm vượn bạch một nhát lòi ruột chết ngay.

Cung nga đỡ Ðắt Kỷ dậy. Ðắt Kỷ giận đỏ mặt tâu với Trụ vương:

– Bá Ấp Khảo đem con vượn nầy theo làm thích khách. May mà bệ hạ giết nó được, nếu không tánh mạng thần thiếp không còn.

Trụ Vương hơi giận chưa nguôi, truyền tả hữu lôi Bá Ấp Khảo xuống Sái Bồn cho rắn xé xác.

Bá Ấp Khảo la lớn:

– Hạ thần nào có tội gì. Bệ hạ giết rất oan ức.

Vua Trụ nạt:

– Ngươi đem con vượn bạch theo vào cung suýt hại mạng Chánh cung, tội ấy đã rõ ràng sao còn kêu oan?

Bá Ấp Khảo nói:

– Con vượn là loài thú, thích ăn trái cây, thấy trên bàn có nhiều quả ngon nên nhảy đến ăn, đâu phải cố ý làm hại Hoàng hậu. Xin bệ hạ xét lại. Vả chăng, tôi mong ơn Bệ hạ tha tội cho cha tôi, nay mai cha con tôi được về xứ, ơn ấy ngàn ngày chẳng quên lẽ nào tôi lại tính chuyện thí quân để mang hại vào thân.

Vua Trụ nghe Bá Ấp Khảo nói cũng có lý, liền đổi giận làm vui, quay lại nói với Ðắt Kỷ:

– Chánh cung. Lời Bá Ấp Khảo cỏ vẻ ngay thẳng lắm, ái khanh chớ nên nghĩ lầm.

Thấy Ðắt Kỷ làm thinh. Bá Ấp Khảo vội quỳ lạy tạ ơn Trụ Vương.

Ðắt Kỷ liếc nhìn Vua, tâu:

– Lòng người nham hiểm khó lường. Nếu muốn biết ngay gian xin Bệ hạ truyền Bá Ấp Khảo đờn ca một bài, xem tiếng nhạc có thực tình ngay thẳng hay không thì biết.

Trụ vương nói:

– Phải! Ái khanh định như vậy rất minh, vì tiếng đàn bao giờ cũng xuất phát từ tâm trạng con người. Nói rồi truyền Bá Ấp Khảo đờn ca một bản nữa.

Bá Ấp Khảo thở dài, nhủ thầm:

– Thân ta đã vào chốn hang hùm nọc rắn. Ðắt Kỷ đã cố tình hãm hại thì dù có giữ mình cách nào cũng không khỏi chết. Chi bằng lấy lời ngay can vua, để cái chết được rạng đanh còn hơn.

Nghĩ rồi liền bấm phiến vừa đờn vừa ca lên một bản:

Vua sáng thì đức rộng thênh thênh

Vua tối thì dùng nhiều cực hình…

Chế Bào Lạc đốt xương thịt cháy

Lập Sái Bồn nuôi rắn sát sinh…

Thâu thuế dân cho rừng thịt kia ngùn ngụt

Vét của tiền cho ao rượu nọ mênh mông.

Lập đài cao tốn máu xương bá tánh

Làm cầu lớn đau đớn dân tình…

Xin vua minh, việc chính sửa mình

Ðuổi tôi nịnh, xa bề tửu sắc.

Bá Ấp Khảo đờn xong mà vua Trụ ngẩn ngơ vì tiếng nhạc, nghe không kịp.

Ðắt Kỷ chỉ vào mặt Bá Ấp Khảo mắng:

– Ngươi là đứa lớn mật, dám mượn tiếng đàn tiếng hát mắng vua tội chết đã đành, đừng kêu oan ức.

Trụ Vương hỏi Ðắt Kỷ:

– Trong bản nhạc có gì khi quân, trẫm nghe không rõ.

Ðắt Kỷ giải nghĩa từng chữ. Trụ vương giận lắm, liền truyền bắt Bá Ấp Khảo ném xuống Sái Bồn.

Bá Ấp Khảo tâu:

– Tôi còn một bản nhạc rất hay, trước khi chết tôi muốn gảy hầu bệ hạ.

Nói rồi, đờn tiếp một bản nữa. Bản đàn ấy như sau:

Xin vua lánh sắc, giử đạo can thường

Xa chánh cung mới tránh được tai ương

Dứt khí chư hầu tùng phục

Hết dâm tà thì xã tắc quật cường

Ấp Khảo chết có cần gì thân xác

Giết hồ ly mới giữ đạo quân vương

Hát vừa dứt tiếng thì Bá ấp Khảo cầm đờn phang vào mặt Ðắt Kỷ.

Ðắt Kỷ đã để ý trước nên tràn qua một bên né khỏi, cây đờn rơi vào một chồng ly ngà chén ngọc vỡ tan tành.

Mấy tên cung nga vội chạy lại đỡ Ðắt Kỷ dậy.

Trụ vương giận quá hét lớn:

– Quân khốn kiếp! Lúc nãy con vượn thích khách người tìm lời chối quanh, bây giờ đến việc ngươi ám sát Chánh hậu, tội ấy ngươi còn chối đi đâu nữa?

Nói rồi truvền cung nhân bắt Bá Ấp Khảo xô xuống hầm rắn.

Ðắt Kỷ tâu:

– Bá Ấp Khảo hai lần muốn giết thần thiếp tội ấy xin giao cho thiếp gia hình.

Trụ vương y lời, giao Bá Ấp Khảo cho Ðắt Kỷ tùy ý trả thù.

Ðắt Kỷ truyền lấy bốn cây đinh lớn, đóng hai tay hai chân Bá Ấp Khảo lên một cây cột, lột hết áo quần, xẻo từng miếng thịt. Bá Ấp Khảo không hề nói một tiếng đành cắn răng cho đến hơi thở cuối cùng.

Trong lúc đó, Ðắt Kỷ rất hài lòng, vì đã trả thù được kẻ làm nhục mình.

Thương hại cho một kẻ tận trung tận hiếu chỉ trong nửa tiếng đồng hồ đã trở thành bộ xương trắng hếu.

Trụ Vương truyền đem thịt xương của Bá Ấp Khảo ném xuống Sái Bồn cho rắn độc ăn.

Ðắt Kỷ cản lại:

– Tôi nghe người ta đồn Tây Hầu Cơ Xương là ông Thánh biết rõ đường họa phước, thông hiểu mọi âm dương. Nay thần thiếp dùng thịt này làm bánh cho ngon, bệ hạ sai người đem tặng. Nếu Cơ Xương không biết, ăn thịt con thì Cơ Xương chỉ là kẻ phàm phu tục tử, không có gì đáng kể, bệ hạ tha tội cho về nước để được tiếng nghĩa nhân. Còn nếu Cơ Xương quả biết thịt con mà không ăn, thì Bệ hạ cũng nên giết phứt đi để trừ hậu họa.

Vua Trụ nói:

– Ái khanh là người cơ trí, nói rất hiệp ý trẫm.

Liền truyền đem thịt Bá Ấp Khảo làm bánh đưa sang tặng Tây Bá Hầu.