Hồi 30: Địa ngục nhốt chồng

Nữ Tướng Miền Sơn Cước

Đăng vào: 2 năm trước

.

Đuổi đến chỗ vừa thấy mất quái vật, Đại Sơn Vương dừng phắt lại đảo lia đèn bấm.

Chỉ thấy một khu triền cực kỳ thiên hiểm, lọt vào giữa những trái núi khác vây lượn quanh hết những cánh tay ôm, mấy lề thác nước đổ ầm ầm tựa tiếng thiên binh vạn mã, vành trăng khuyết bệch hình lưỡi liềm treo xế trước mặt, chảy ánh mờ xuống mấy dãy núi lườn ôm mịt mù khí đá, tạo nên một cảnh tượng huyền ảo khác thường, tranh tối tranh sáng khiến viên tướng lạc thảo giang hồ vụt có cảm tưởng như vừa bước vào một thế giới xa xôi nào bên kia cuộc sống vậy.

Cái gì hình như cũng vụt đổi khác từ cây ngàn, núi đá, ánh trăng, nhất là tiếng gió thổi, nước đổ. Gió rít từng cơn vi vu tựa tiếng tù và đêm đông, có lúc nghe sạo gợn như tiếng dao nạo mặt cưa, có khi hệt tiếng đàn bà cười the thé…

Nước ầm ầm như có trăm ngàn giòng thác cùng đổ xuống một chỗ, trong tiếng nước lại có vọng âm huyền bí ngân truyền mấy rặng núi đều từ phía trước thổi tới.

Tướng lạc thảo chiếu đèn thẳng trước mặt, chỉ thấy sương bốc mịt mùng, lắng tai nghe ngóng giây khắc, lẩm bẩm:

– Gió vi vu gợn sắc, trong kia thế núi thắt cổ chày, sâu lắm, chắc nhiều nhũ đá tai mèo, hẻm hóc, gió chạy trên đá sắc, hóc lõm, phát âm lạ thế. Nước đổ có vọng âm tun hút, tất trong có nhiều giòng đổ xuống vực sâu muôn trùng. À! Không ngờ miền núi Quạ biên thùy này lại có chỗ hiểm hóc lạ đời đến vậy. Nhất định Người rừng vừa chạy vào đó. Đèn vẫn đội trán, tướng núi tiến luôn mấy thước. Bỗng dừng bước hít một hơi dài, vừa có gió luồng từ hẻm thải hồi ra, thoảng trong gió có mùi khen khét:

– À… trong kia lại có mỏ chi đây. Mùi khét hệt mùi diêm tiêu. Có lẽ trong đó có mỏ diêm sinh. Mỏ diêm sinh tất có “ôn toàn” và nhiều thứ độc nữa. Biết đâu cửa hẻm này không là vùng cỏ “tử thần phong” thổ dân thường truyền tụng? Đại Sơn Vương cau mày, suy tính. Nguyên tại biên giới Việt – Hoa vẫn có những nơi độc dữ lạ lùng, nhưng con suối nóng thường gọi “ôn toàn”, lội qua lập tức rụng hết lông chân, chân chỉ có một vết vắt cắn nhỏ cũng toét thành sâu quảng như bỡn. Cũng như có các loài ong kiến đốt cái chết tươi, nhưng cũng chưa đáng sợ bằng chỗ nào có hang “tử thần phong”. “Gió chết” từ trong hang thổi ra, ai chạm phải, chết liền. Như tại vùng Tây Bắc, có một khu sơn lâm có cái hang đêm ngày thốc ra luồng tử phong, từ miệng hang chạy xa hàng dặm, trong vòng ảnh hưởng tử phong không một vật nào sống nổi, thậm chí không cả từ gốc cây ngọn cỏ, đứng xa đã thấy một vệt dài rộng loe như loa kèn trống trơn hoang địa, xám xịt, giữa vùng cây cỏ xanh um. Phàm giống sinh vật nào không may bước nhằm vào “vệt đất chết” này, lập tức hộc máu mồm, máu mũi ngã vật ra chết liền vì chạm phải “tử thần phong”. Thổ dân đồn là luồng tử phong này thổi tận bên Lào sang qua những vùng hàng địa kết tụ độc khí chi đó.

Ngang dọc mấy miệt biên thùy, tướng lạc thảo Vân Nam từng nghe nói miền Đông Bắc Việt Nam cũng có một khu có “tử thần phong”, nay chợt thấy hẻm núi khác thường, gió có mùi khét, không khỏi sinh nghi.

– Biết đâu cửa hẻm này không dẫn tới miệng hang tử phong? Nguy hiểm!

Nhưng quái vật chạy vào được, quái vật tạng phủ giống người, ta lẽ đâu không đáo nhập được.

Nghĩ làm liền, tướng núi lập tức moi trong túi ra mấy viên linh đơn trừ độc khí, bỏ miệng nuốt, lại nhét hai viên vào hai lỗ mũi, hai viên vào lỗ tai, cẩn thận phòng giữ cả thất khiếu, bèn vận hơi điều hòa cho thuốc tan ngấm che thất khiếu, đoạn bế luôn cả cả yếu huyệt trong mình, tướng núi tiến vào hẻm. Khói sương mù mịt càng dầy càng dầy đặc có chỗ không thấy cả triền đá, dưới chân đi bộ trăm thước, bỗng trên núi mất hẳn, cảnh trời tối sầm. Ngạc nhiên chiếu đèn coi, mới hay trái núi bên đã ăn liền vào triền dưới chân, và phía trước mở ra một miệng hang đen, dưới ghềnh chìa như mái hiên che, thoắt coi hệt miệng cá ngão há hốc chực đớp người. Mấy vách đá vẫn bốc khói mù, nhìn lại phía sau, cảnh triền trăng đã lùi xa hút mơ hồ, ngó dưới chân, không một ngọn cỏ, bụi cây, nền đá tai mèo sắc như dao, ướt át lại không có rêu bám. Đang rê đèn quan sát, chợt tướng núi ngó lên mép hang đen, thấy giữa khói sương có một cái tẩm biển gỗ khắc ba chữ “Cửa tử thần” nét ẩn ẩn hiện hiện chập chờn như phết lân tinh.

– À! Có biển đề! Của quái bà hay của kẻ nào đây? Vùng này thuộc Ô Đầu Sơn, chắc của quái bà! Cửa tử thần! Hừ! Cạm bẫy, độc khí, địa lôi phục, súng đạn… cản nổi hay sao? Bất chấp, đã tới đây, lẽ nào không nhập? Đại Sơn Vương nhún vai, xòe tay đánh vào một nhát phản phong cực mạnh.

Gió đi hun hút, nghe tít xa có tiếng “bùng bùng”, hang chuyển động rồi im. Biết hang sâu, tướng núi tiến luôn vào. Gió quét sương mù, đèn lia hình cung, vừa vào chừng vài mươi bộ, bỗng nghe tiếng nước ầm ầm dữ dội, vọng âm càng quái gở, gập ghềnh, vách đá càng nở rộng, quanh co, xông khói sương dày đặc.

Chợt đường hầm như bị cắt ngang, Đại Sơn Vương dừng lại quét đèn bấm, không nén được tiếng kêu sửng sốt.

Vì trước mặt hiện ra một cảnh cực kỳ lạ mắt, ngay đầu đường hang là một cái vực rất rộng, thoai thoải, còn to hơn cả hang núi Hương Tích, Hà Đông. Lờ mờ ẩn hiện rất nhiều hình thù quái dị, tít dưới đáy xa sâu tiếng nước đổ ầm ầm vọng lên nghe như trăm ngàn thác nước trút đêm mưa bão.

Mùi khét càng nồng nặc. Đại Sơn Vương lấy ra một trái hỏa pháo, thả “bốp” xuống hang vực. Vòi lửa sáng chói, rót vòng cầu vi vút, cả khu hang bị hiện rõ, lối đá gập ghềnh nhấp nhô ăn suốt xuống hình dị như hình thạch nhũ trên trần chảy xuống. Hỏa pháo rớt tít cuối hang vực, vẫn chưa thấy thác nào.

Nhờ ánh hỏa pháo, Đại Sơn Vương trông thấy ngay một tấm biển nữa lập lòe hàng chữ “Cấm địa! Thơm chết khét sống! Đường xuống Địa Ngục, còn có thể “về trần” khi chưa thấy Cửu Tuyền!” Đại Sơn Vương lẩm bẩm đọc mấy hàng chữ quái gở, mãi đến lúc hỏa pháo tắt hẳn, tướng lạc thảo Vân Nam mới xốc lại “sắc” sau lưng, vùng cười lớn:

– Cấm địa! Đường xuống Địa Ngục! Hà hà! Dẫu đưa tận diêm đài ta cũng không lui! Thử xem hang núi Ô Đầu ghê gớm đến đâu!

Như mũi tên rớt dây cung, Đại Sơn Vương nhảy vèo xuống cửa hang vực, xăm xăm theo ánh đèn chiếu, đi sâu vào vùng sương khói. Trăm thước, hang rộng lùi lại sau lưng, gió thổi vù vù, đi đến chỗ hỏa pháo rớt, đã gần hết lòng vực sâu, dòm mấy phía chỉ thấy bóng tối, sương mờ, tiếng nước đổ nghe càng mạnh tưởng chừng sắp cuốn cả vực đi.

Chợt vực sâu bị cắt ngang bởi một bức vách đá dựng cao vút, dọc theo chân vách, tả hữu có hai lối đi hẹp độ hai thước, sát vách hông.

– Bên kia vách, chắc là khu thác nước hai lối đi… Nên thử theo lối bên phải đã!

Nghĩ đoạn, Đại Sơn Vương xăm xăm rẽ luôn sang nẻo vách hữu. Đến gần, gió thổi càng dữ, nhưng rất lạ là cứ thổi từng cơn lại im, lúc thổi, nghe đủ mọi âm kỳ, khi im mênh mang như rơi vào khoảng không vô tận.

Tia đèn quét khói sương, soi cả bụi đá bay cuồn cuộn, Đại Sơn Vương phất tay đánh gió quét đường và đường hoàng bước sấn vào lối hẻm sát vách. Vừa đặt chân vào, bỗng Đại Sơn Vương ngửi thoảng có mùi thơm thơm hăng hắc phả vào mũi. Giật mình sực nhớ:

– Thơm chết khét sống! À… mùi chi thơm hắc…

Vừa nghĩ vừa ngẩng cao rê đèn sáng, bụi đá bay giữa vệt xanh lè, mắt chưa nhận rõ phía trước, bất thần nghe vù vù bên tai từ trong một trận gió cuồng thổi lốc ra, tạt vào mũi mùi thơm hắc nồng nặc, thoáng một khắc bàng hoàng, đầu óc choáng váng, quay cuồng. Tướng lạc thảo Vân Nam lảo đảo ngã gục xuống đến “huỵch” một cái, ngất đi…

Gió vẫn thổi vù vù từ trong đưa ra tiếng nước đổ ầm ầm, vực hang lạnh lẽo… mênh mông… huyền bí… Bên kia bóng tối là bóng tối âm u…

Trong khi đó, bên ngoài “cửa tử thần” trăng khuyết hạ tuần thu trông đã treo bềnh bồng trên ngọn Ô Đầu Sơn, khảm khắc kêu thương rã rời sắp gặp nhau giữa thung hoang. Vùng lâm tuyền biên giới đang chuyển mình dưới tấm áo dạ thần mỏng dần trong mây gió rạng đông.

Cảnh vật vẫn ảo huyền đìu hiu, dưới cửa khẩu ăn sâu vào ruột núi, đường hang ngầm dẫn đến mật thất vẫn lập lòe im lặng, không tiếng động, ngoài tiếng gió vi vu.

Trong mật thất, Điểu Nhi vẫn ngủ gục bên thoi nến hao mòn gần hết.

Bỗng một ngọn gió cuốn rèm, chạy trên đồ vật, ngọn nến rạp xuống kêu xèo xèo, kéo dài ngoằn, xanh mét, từ ngoài, một hình thù quái dị vọt vào theo hơi gió, đứng sừng sững cạnh bàn. Đó là một bóng người choàng áo rộng trắng toát, gần mặt cũng trùm vải trắng, để hở hai con mắt có tia đỏ như mắt con thú ăn đèn săn. Giữa luồng gió lạnh, bóng trắng toát coi càng lạnh lẽo âm u, thoạt coi như bóng thầy thuốc mặc “blouse” nhìn kỹ bắt gặp hai con mắt, người nhát gan phải dựng tóc gáy, ngỡ hồn ma vừa từ mộ địa chui lên còn mặc nguyên quần áo liệm. Nhất là cái khăn trắng đội đầu lại nhọn nhọn giống cái “mấn” đàn bà đi đưa đám vẫn đội. Kỳ nữa là cái bóng lại thắt dây rơm, tay chống một cái gậy cuốn rơm đại tang.

Như đã thuộc nhẵn hết đường lối trong vùng Miếu Âm Hồn, bóng trắng đứng dòm quanh, lừ lừ, chừng mấy khắc, chợt lẩm bẩm:

– Lạ! Lục hết mọi nơi, vẫn không thấy. Ta biết vùng miếu Ô Đầu Sơn này như biết rõ túi áo, còn hang hốc nào bỏ sót?

Bóng trắng tiến đến vén rèm, vào phòng trong, lục tung mọi thứ, búng tay đánh đàn chai ngâm, ngăn kéo thò ra, bóng trắng nhìn ngăn kéo không lại ngó hai cái xác rắn độc dưới nền, “hừ” một tiếng có vẻ khinh bỉ.

– Bảo vật! Của báu! Suốt đời đi tìm vàng! Giết người như ngóe! Giờ… còn ngăn kéo không! Chắc lại có đứa mới đoạt lại rồi! Vàng! Bản đồ Bát Quái! Điên!

Cái bóng hất mạnh ngăn kéo, ra vỗ mạnh vào vai Điểu Nhi.

– Dậy! Dậy tao hỏi!

Tiếng thanh thanh, sắc bén, rõ giọng đàn bà Kinh. Cô bé chim giật mình choàng thức, mắt nhắm mắt mở sực thấy bóng trắng toát đội mũ mấn chống gậy rơm, hết vía, chồm lên, kêu ú ớ.

Nhưng bóng trắng đã giơ tay ấn ngồi xuống, hất hàm truyền:

– Im! Tỉnh ngủ tao hỏi: vùng này có chỗ nào chôn người không? Mày biết năm ngoái sư mẫu mày đem về một ông già, đâu rồi? Điểu Nhi ngó hai con mắt dữ, phát sợ, lắc đầu lia lịa. Bóng trắng túm vai quát hỏi:

– Nói! Không tao bóp chết! Đâu rồi! Mày thấy đem về mà! Điểu Nhi gật đầu lắp bắp:

– Có..có… nhưng mấy hôm sau… không thấy gì nữa… Cũng chẳng thấy chôn…

Cũng không biết mặt… À, à có nghe cãi nhau…

Bóng trắng buông vai cô bé:

– Hừ! Lúc nào chả cãi nhau! Oan gia! Oan gia! Hay ném xuống hang vực mật trong kia? Đứa nhỏ vẫn chưa hết sợ, tưởng hỏi chuyện ban nãy, gật đầu lia:

– Đúng rồi! À, ném xuống hang này… Mắt Nhi thấy mà!

– Thấy? Mày thấy ném ông già?

– Chẳng biết già hay trẻ… như nó trùm kín mặt… như…

– Hừ! Ngớ ngẩn! Ngủ đi!

Bóng trắng phẩy tay áo, Điểu Nhi gục luôn xuống bàn. Bóng trắng vừa lẩm bẩm nói một mình vừa bước vào trong, dáng tự nhiên như chủ nhà, đưa tay giật cái chốt kín ẩn trên vách.

Xịch! Nắp hầm chuyển động, “vèo vèo” gươm đao chém lia, rồi lại rút về vách nắp hầm nâng lên gắn vào vách.

Bóng trắng lấy ra một cuộn dây tơ nhỏ, móc thả xuống, nhanh như con thạch sùng, đu mình theo, mất dạng.

Trong khi đó, dưới đáy sâu hun hút, có một người nằm im như xác chết. Chợt có luồng gió thốc hang sâu, người này sực tỉnh đứng phắt dậy.

Không ai khác người bịt mặt bắt Viên Nhi, tình cờ lấy được mảnh họa đồ, và vì sơ xẩy chút đã sa bẫy Thần Sầu Bà lúc nãy.

Ngay lúc rớt xuống, bị gió đẩy, nắp ập, người bịt mặt đã đạp trúng vách, toan lấy đà vọt lên, nhưng nắp đậy kín đánh dập nên đành để rơi xuống. Vốn tay có bản lãnh người lạ đã kịp đề thân, giang tay, đạp không khí hãm bớt tốc lực, chừng vực sâu thăm thẳm, lúc rớt xuống, tuy nhờ đạp vách đề thân, không bị nát thây nhưng cũng bị sức dồn quá mạnh làm ngất đi.

Chợt tỉnh, người lạ vươn vai, thấy thân thể còn ê ẩm, sực nhớ trong mình có mang theo linh đơn, bèn lấy ra nuốt, xong điều hòa kinh mạch, rọi đèn dòm ngược lên vách mới hay vách dựng thành, không có đá bíu vượt lên.
Thất vọng bực bội, người lạ lẩm bẩm:

– Chẳng biết ngất lâu không? May không dập xương. Hừ! Quái bà quỷ quyệt, chắc miệng hầm đậy kín! Mất cuốn di ngôn, lại vớ được mảnh họa đồ. Giờ hãy tính cách thoát hiểm đã!

Người lạ soi đèn, thấy đáy vực loe rộng. Tít trong lại có một đường hẻm nữa, bèn tiến vào, lần bước sâu mãi. Ngực thở không nặng, người lạ lẩm bẩm:

– Hay lắm! Chắc có chỗ thông hơi! Không ngờ ngọn núi Quạ này lại có lắm vực hầm đến thế! Hiểm còn hơn Phản Tây Phàn! Đường hầm hẹp, có chặng chỉ vừa người lách, lên xuống gập ghềnh quanh co, được hơn trăm bộ, bỗng hết đường.

Thất vọng, người lạ chiếu lia đèn ngó quanh. Cuối đường rộng khoảng hai thước, vách cắt ngang lồi lõm kín bưng.

Chợt thấy trên vách có tấm biển lập lòe hàng chữ:

Cửa Tử Thần! Đi đâu nữa?

Bên kia là Địa Ngục Cửu Tuyền!

Người lạ nghĩ đảo óc, không hiểu ý chi, bèn tiến đến vách, bỗng nổi chìm có tiếng chi ầm ĩ tựa sấm nguồn đâu đây. Áp tai nghe càng rõ.

– Có tiếng động bên kia vách! Không hiểu tiếng chi? Gió lùa? Sấm chuyển? À! Đúng rồi! Nghe như tiếng thác đổ xa xa! Ngày nọ, qua miền thác Lũng Phầy, đứng xa, nghe cũng ầm ĩ như thế này! Cửu tuyền! Địa ngục ư? À… biết đâu không chỉ ngầm bên kia có nhiều suối thác? Óc lóe sáng, người lại đi quanh, thử gõ vào mấy phía vách không thấy chi khác, vẫn chưa nản, bèn xòe bàn tay đánh gió thật mạnh vào bức vách trước mặt.

Bùng! Bụi bay mù mịt, hang rung chuyển vừa hết tiếng vọng bên tai đã nghe tiếng ầm ầm rất lớn. Soi đèn, thấy vách nứt đôi, nghiêng hẳn đi, để hở một khoảng rộng đến mấy phân.

Cả mừng, phấn khởi đánh luôn cái nữa, vách vỡ hẳn, bắn cả tảng lớn vào trong mới hay không phải vách thiên nhiên, đó chỉ là một tảng thạch chắn lấp đường hầm.

Người lạ lách qua, trước mặt hiện ra một con đường hun hút, quanh co, đi quãng vài chục bộ chợt thấy một vực khá sâu, rộng ngay cửa, có tấm biển đề.

“Cấm địa! Đen chết trắng sống! Đường xuống Địa ngục, còn có thể về trần khi chưa thấy Cửu tuyền!”

Người lạ lưỡng lự giây khắc, đoạn tặc lưỡi, nhảy luôn xuống vực. Vực gập ghềnh lồi lõm, đá sắc như đao, lớn bằng Nam Thiên Đệ Nhất Động Hương Tích Sơn. Đi hết vực đã khá sâu, chợt gặp vách chắn ngang, có hai cửa trống cách nhau độ hai mươi bộ, thạch nhũ rủ muôn hình muôn vẻ, gió thổi vi vu xoáy lùa hang hốc, hòa với tiếng thác đổ ầm ầm, tạo nên một thứ âm nghe muốn nổi da gà.

Dừng lại chút quan sát, người lạ quả quyết tiến đến cửa hốc trái. Đến gần, nghe gió rít từng cơn, sương chăng mù mịt như mê hồn trận, người lạ lựa luồn đi men sát cửa, soi đèn, đứng bên vách ngó vào. Vừa ló, bỗng giật phắt đầu ra, vì tít trong cửa, chỉ thấy đen ngòm, gió luồng vi vu, chợt thấy nhói dưới chân, dòm xuống mới hay đá mỏm đen xì, li ti hàng trăm ngàn dấu kim đen nhỏ gợn. Và mấy mũi kim sắc đã xiên qua giầy vải chạm vào gan bàn chân. Rất nhanh, người lạ cúi hít thử, không khỏi giật mình, kêu khẽ:

– Bách độc tinh! Đá, đinh đều tẩm độc! Gió luồng đầy độc khí! Không ngờ Thần Sầu Bà hiểm độc đến thế!

Vừa kêu, chợt thấy ngứa, liền đưa tay xoa gót giầy…

Nguyên bách độc tinh là thứ tổng hợp hàng trăm chất độc, chạm sơ phải chết ngay.

Nhưng người lạ không tỏ vẻ lo sợ, bỗng phát tiếng cười khô, lẩm bẩm:

– Ngứa như muỗi đốt! Hừ! Độc chất tìm lầm nơi gửi. Gửi độc vào đúng cây thuốc độc sống!

Thân hình vọt luôn sang cửa kia, người lạ tiến phăng vào, rê đèn, reo khẽ:

– Đen chết trắng sống! À, trắng kia rồi! Đoán không sai!

Vì giữa vệt đèn vừa hiện ra một vùng đầy thác nước trắng xóa đổ từ trên cao xuống, đi chừng vài chục bước nữa toàn cảnh hiện rõ, kỳ ảo lạ thường. Một vùng thác bát ngát hàng chục ngọn đổ xuống một mỏm đá lớn nước tóe bốn bề có bắn cả lên ngọn.

Vật vờ le lói có ánh lửa vàng vọt đâu đây, khi ẩn khi hiện như các ngọn đèn ma.

Rê đèn bấm thảo hình bán nguyệt, người lạ không nén nổi ngạc nhiên, bật nói một mình.

– À, quái dị! Không ngờ ruột núi Ô Đầu lại có khu hang vực lạ lùng thế này! Địa Ngục Cửu Tuyền! Cảnh trí đúng Âm ty! Trong cơ thể ta không tích luyện độc công, bữa nay chắc đã chết tươi vì chất độc hang ma còn gì! Mà sao lại có ánh sáng dị kỳ đâu đây?

Tò mò, nghi hoặc, người lạ vừa toan tắt đèn, thình lình nghe rõ tiếng chân chạy thình thịch xế trước rồi giữa khu hang tối vụt hiện ra hai con mắt đỏ khé lớn gấp đôi mắt cọp mộng. Chạm ánh đèn, tiếng thình thịch chợt im bặt, hai con mắt quái đảo lia, giật lùi, giật lùi, dòm trừng trừng. Cách khoảng gần năm mươi bộ, thình thịch, rõ từng bước chân dẫm nền hang, xa dần.

Một cơn gió từ đâu thổi lùa ruột gan, phả vào mũi một mùi tanh khẳm đến lộn mửa. Người lạ dột lòng, nghĩ nhanh:

– Con quái hang sâu! Giống chi đây lại cao đến thế? Làm gì trên đời có con cọp mắt to thế kia?

Soạt! Người lạ rút phắt gươm, chém xả một nhát về phía hai con mắt đỏ.

“Véo”! Hang đen nhoáng sáng vụt tựa ánh cầu vồng. “Phập” tay gươm trầm hẳn, tiếp liền có tiếng rú kinh hồn. Hai con mắt chớp lia tắt phụt. Đàng xa phát tiếng chân chạy thịch, người lạ bắt gươm vụt đuổi theo, thoáng giữa vệt đèn hiện nhanh một hình thù quái đản cao đội trần, bước chân dài mấy thước lao về phía thác đổ mất dạng.

– Chà! Con quái hình người cao ba thước Tây! Lạ dữ! Ma quái hay một con quái tiền sử còn sót lại? Thoáng biến mất hay loài ma? Nhưng không rõ ta chém trúng một nhát nặng!

Người lạ dừng chỗ con quái hiện, chiếu đèn khắp khu thác rộng phình, chẳng thấy đâu, chợt ngó dưới chân có máu, cả mừng, bật kêu khẽ:

– À, đây rồi! Thế chứ! Nếu vậy nó là sinh vật trần gian!

Bèn dò theo dấu máu, thỉnh thoảng lại thấy một vài giọt chạy chếch về phía vụng nước, mất hút. Càng lạ, lại đứng bên vụng, soi quanh lúc đó mới thấy rõ địa hình, vách dựng cao vút có đến chín, mười con thác từ trên đổ xuống vụng, tạo thành những cái mành nước trắng xóa kỳ ảo. Tiếng thác đổ ầm ầm chuyển động hang sâu, người lạ tiến vòng đến cạnh một chân thác, chiếu thử xuống vụng, ngó muốn chóng mặt. Vì vụng sâu hun hút, lồi lõm không đều, nước từ trên đổ xuống có chỗ hàng trăm thước sâu mới chạm đá tảng, vọng lên một thứ rất lạ tai. Và đặc biệt là phía dưới nước sôi sùng sục, không khác nước đổ vào vòi, xông lên mùi khét lẹt.

– Ôn toàn vụng! Dưới đó chắc có mỏ diêm sinh! À! Diêm sinh còn là một thứ linh dược trừ bệnh sốt rét lam sơn chướng khí, con quái hình người khổng lồ chắc ẩn náu hang này để uống nước diêm sinh đây!

Người lạ đảo bước quanh, chiếu đèn tìm quái, không khỏi khen thầm giống tinh khôn không thua người. Nguyên tại miền thượng du, càng vào sâu vùng thâm sơn cùng cốc, phong cảnh đẹp càng khổ về nạn lam sơn chướng khí, sốt rét rừng.

Thiếu thuốc “ký ninh”, thổ dân bèn tìm chặt cây ký ninh, đem về sắc uống. Dân Thổ Mán Mèo Mường Nùng Kha Thái v.v… còn đỡ khổ hơn dân Kinh, nhất dân từ miền đồng bằng thành thị lên thượng du, phòng cách nào vẫn bị bệnh sốt rét rừng, có người bị nước vật ngã chết như không. Sau người ta phải dùng đến diêm sinh mỗi bữa ăn, lại cho vào cơm canh một chút, diêm sinh tuy là chất độc nhưng dùng ít chẳng sao lại trừ được bệnh sốt rét rừng.

Có người lại tìm ôn toàn múc nước. Thấy chất diêm sinh chống nước độc hiệu nghiệm, lắm kẻ tham, quên mất nó chính là độc dược, ăn diêm sinh quá độ, chưa chết về nước độc đã chết vì diêm sinh.

Các giống thú rừng, lắm con cũng biết cái hay của diêm sinh rất khoái uống nước ôn toàn, nhất là các con vật thời tiền sử.

– Con quái hình người này mạnh tợn vì diêm sinh, hang vụng này có nước ôn toàn, nhất định hang ổ nó quanh quẩn đâu đây!

Vừa nghĩ vừa xục quanh, nhưng một khu hang rộng chỉ có vài hốc nhỏ không hơn hai, ba thước lại thấp. Càng tò mò, cứ đảo quanh, lộn qua phía cù, bỗng lại thấy phảng phất có ánh sáng đâu đây, khi ẩn khi hiện rất quái dị. Thử bước đi lạ không thấy nữa. Người lạ tắt phụt đèn bấm, định thần tìm kiếm. Nghiêng ngó mãi mới khám phá thấy. Thì ra ánh đèn ma phát từ phía chân thác, ngay ngọn chính giữa, sau bức mành nước. Nước đổ ào ào thường che mất đèn ma, đèn hiện giữa chỗ mỏng nước, nên chỉ xê dịch một vài gang, là không thấy nữa.

Dòm kỹ, hình như nhiều ánh chứ không phải một, từ chỗ mép vực ngoài đến mành nước ít nhất cũng cách sáu bảy mươi thước Tây đường kính. Người lạ liền bật đèn chiếu ngược từ chân thác giữa lên ngọn, lòng càng ngạc nhiên khi nhận ra vách đá nhô phía dưới, nước đổ sát vách không hở một gang!

Gió vẫn thổi vù vù, nước thác đổ ầm ầm, vọng âm sùng sục, thoảng trong gió khét chợt sực mùi tanh khẳm, rõ mùi phân, mùi nhựa răng của giống thú ăn thịt sống.

Người lạ quan sát giây lát, chợt để ý đến phiến đá nhô giữa vụng. Đá có chỗ nhọn hoắt như đao thương dựng ngược, vụng dài, rộng không đều, có chỗ mép phiến đá đến ba bốn chục, chỗ gần nhất cũng hơn ba mươi. Đảo vòng cung xem xét, thấy từ phiến đá vào chân thác giữa chỉ độ con sào dài.

Người lạ búng thử mấy nhứt chỉ phong, khắp phiến đá, chỗ nào cũng thấy đao thương khói độc bắn lên, trừ khoảng trong cùng. Y nhảy vọt qua vụng, hạ chân xuống, nhìn vào mành thác, và lại bắn mình qua phần vụng nữa, đậu sát bên mành thác. Vừa ghé mắt dòm vào, bỗng ánh đèn nhảy múa quay cuồng phía trước như sao sa, giữa tiếng thác đổ ào vọng âm sâu hút, chợt mơ hồ bên tai y, có tiếng ai nói cười quái gở như ma kêu:

– Thầy ơi, em đến giờ khảo… công kêu.

Tiếng thật khó nghe, không phải giọng người. Quả nhiên bỗng nghe văng vẳng có tiếng cồng đồng âm u bí hiểm chờn vờn đâu đây. Bỗng lại nghe tiếng mơ hồ xa xăm như từ đáy vụng nổi lên:

– Thần tùng tới đây ư? Ta chờ Khảo!

Giọng kia chợt rống lên giữa những đốm đèn ma nhảy múa.

– Thầy ơi! Rừng xuống vực… Không làm thần tùng.

Tiếng ngọng, lớ, còn không sõi bằng giống yểng, sáo nói tiếng người, nhưng trong tiếng kêu rống như ẩn chứa một niềm thảm thiết kinh hoàng khó tả!

Tiếng cồng đá đổ nhịp, dư âm ngân truyền hang đá đen mà chao đi chao lại phát tiếng “phù phù” phì hơi, có tiếng cười bi thống nổi lên:

– Cứ làm việc đi! Con không hành ta con cũng bị ngải nó hành! Bao ngày tháng trong Địa ngục Cửu tuyền này, ta còn hay đã mất nào có hay…

Mỗi tiếng là người lạ lại run bắn thân thể, tay phải bíu lấy thạch nhũ lắp bắp như nói mê:

– Đúng rồi! Đúng tiếng người rồi! Trời ơi! Tiếng yếu ớt phều phào bao đêm ngày xa cách người nói với ai?

Tiếng cồng vừa ngân, người lạ lách vụt qua hàng thạch nhũ đảo mắt nhìn vào trong và giật thót mình đứng sững trước cảnh tượng quái gở.

Vì ngay xế trước mắt có một hình thù phủ phục, một hình người khổng lồ lông lá xồm xoàm đầu bù tóc rối không quần áo xoay lưng lại. Người quái khổng lồ vai tay bị mấy vết chém đắp trong mớ lá dâu ngồi y hệt một con nhà võ đang diện bích luyện công điều hòa kinh mạch, chi.

Bỗng người quái thở phì một hơi nghe vo vo tựa sáo diều.

Mùi tanh khẳm nồng nặc, người quái từ từ đứng lên, cao lớn muốn đội hang.

– Người rừng! Trách nào ai vừa gọi là hang rừng! Nhưng nó còn làm gì? Còn người kia đâu?

Người lạ ẩn vụt vào xó tối, quét ngang nhỡn quang. Thì ra đã đứng kế một cái vực rất sâu và rộng đến hơn bốn mươi bộ, hai bên vực có lối đá chạy dọc vào độ hai mươi bộ, rồi cả ba phía đều bị vực cắt ngang. Bên kia vực là một khu nền đá có chấn song sắt chắn bên trong có rất nhiều dây ngang cột dọc. Thiên la địa võng chăng dầy.

Thiên la lưỡi sắt tua tủa móc câu, địa võng giáo cắm ngược nhọn hoắt. Lửa cháy bừng bừng giữa thiên la địa võng là một cái bánh xe lớn lần theo hình Bát Quái quay không ngừng, chung quanh có đúng chín mươi chín ngọn đèn xanh mét cháy trên những ống sắt dài. Các ngọn đèn này cũng chao đi chao lại nhịp nhàng lên xuống theo đà quay của bánh xe được bố trí điều khiển do một bộ máy nhân tạo ẩn tàng đâu đấy. Ánh đèn xanh lè hắt lên các bộ phận. Thiên la địa võng coi càng nhiều vẻ quái gở chẳng khác một cảnh dưới âm ty địa ngục.

Nhác cảnh trí, người lạ không khỏi phục thầm cơ trí tuyệt xảo của chủ nhân Địa Ngục Cửu Tuyền đã tận dụng các nhiên liệu trong hang, không thua một nhà kỹ sư hiện đại giỏi về vật lý và máy móc.

Nhìn qua chín mươi chín ngọn đèn xanh, biết ngay đó là loại đèn đất “lamp- acetylene”, phía dưới ắt có mỏ đất “acé”. Xưa nay các tay pháp sư Ả Rập, Phi Châu được dân chúng sùng kính như thần nhờ đã bí mật vận dụng được các nhiên liệu dưới đất vào việc thờ cúng thần linh. Biết khu rừng kia dưới có chất “acé” pháp sư truyền lập đền thiêng và trước mặt dân chúng pháp sư bắt quyết hô âm binh thắp “bừng” trước bàn thờ một ngọn đèn thần xanh mét cứ thế cháy hàng bạc thế kỷ.

Hoặc biết dưới đất có mạch nước ôn tuyền, nước lành, pháp sư bổ thần cắm ống đồng xuống nước phọt lên như vòi rồng trước những cặp mắt thần phục của dân chúng. Vòi nước này có thể cứ thế chảy ngày đời tại đền thiêng, pháp sư kể chuyện cứ thế dùng để chữa bệnh cho dân chúng.

Có nhiều chứng bệnh hiểm nghèo, một hồi hẳn nhờ có nước linh có chất trị bệnh như thần. Có khi các tay pháp sư còn lợi dụng các con thác ngầm tạo nên thanh âm thần ảo, hoặc dùng sức thác ngầm điều động một vài bộ phận mật nào đó.

Chẳng khác nhà kỹ sư hiện đại đã dùng sức nước chế biến thành “than trắng” trong các nhà máy thủy điện lực vậy.

Chín mươi chín ngọn đèn Địa Ngục kia cháy suốt tháng năm chính nhờ chất “acé” dưới đất.

Còn cục trường Thiên la Địa võng, bánh xe Bát quái cùng các bộ phận chung quanh các ngọn đèn xanh chao động quay cuồng chính nhờ một bộ máy yểm tàng đâu đây hoạt động do sức thác ngầm, tựa như lối thổ dân đặt guồng tát nước tại các suối thác, hoặc dùng sức nước chảy “loang” gào tự động vậy.

Cục trường Thiên la Địa võng vắng lặng không người, guồng bánh xe vẫn quay đều, đèn xanh chao động không ngừng, phát ra những tiếng “phù phù”.

Xuyên qua cục trường còn một khoảng hang hiểm hóc dài rộng độ hai mươi thước nham nhở ánh đèn. Âm thanh não nùng từ nẻo đó phát ra nghe mãi mới phân biệt được đó là tiếng “đàn nước”. Nước rơi trên nhạc khí phát âm như lối đánh đàn chai, đàn cồng vậy.

Người rừng đứng sững dòm vào cục trường. Tiếng cồng bí ẩn tắt đã mấy mươi giây. Người rừng vẫn bất động, lừ đừ có vẻ đắn đo, bỗng con quái rú lên thống thiết lảo đảo tiến sang phía tả, nơi có một lối đó ăn thẳng vô vách dựng. Nó dòm lên, giơ cao tay sờ lên vách.

Người lạ nhìn theo, thấy hai con mắt Người rừng lúc đó trợn trừng không có tia hung quang, mà lại đầy vẻ kinh hồn khó tả.

Chợt lại có tiếng phều phào âm u:

– Rừng ơi! Đừng buồn! Ta biết ruột gan con, con muốn nhảy qua vực vào với thầy… con còn phải tập nhiều! Nay cứ làm con quỷ canh ngục đi! Đến giờ rồi!

Ngải nó sắp hành con!

Lời bí mật vừa dứt, thình lình Người rừng rú lên từng tràng đau đớn, hai tay cào cấu nơi cổ, nó nhảy dựng lên như bị dùi xiên, ong đốt, tay vách giật mạnh một cái và ngoảnh đi, hai tay ôm lấy mặt, rống lên.

Bỗng nghe “ầm” một tiếng như mìn nổ. Cả cục trường chuyển động, từ trong bắn ra một vật đen đen bằng cái trứng gà.

Nhanh dị thường mặt vẫn ngoảnh vào vách tả, Người rừng vươn tay ra phía sau chộp “véo” vật kia, bỏ vào miệng nhai nghiến ngấu.

Người lạ như sực hiểu, ngó sững:

– Lạ thật! Tiếng bí mật từ đâu? Nếu không lầm, Người rừng có nhiệm vụ canh Địa ngục, bị ngải sai khiến làm việc chi ghê gớm! Người bí mật vừa nó chắc là tội nhân. Người rừng thương tội nhân, muốn vượt qua vực, không nổi, phải luyện tập võ công! Nhưng “đến giờ”, ngải lên cơn, không tuân, không có thuốc giải! Tội nhân truyền thuật… trời ơi! Nếu vậy còn ai…

Ngay lúc đó, bánh xe Bát Quái quay ba vòng đèn xanh bay lượn, rồi từ trần hang khuất có một lưỡi câu khổng lồ thò ra cạnh bánh xe, từ từ buông rủ dây câu xuống mép vực tối. Ánh đèn xanh xanh soi rõ đầu dây có một cái móc câu sáng quắc.

Người lạ còn đang ngạc nhiên sực nghe “véo” một tiếng, cần câu giật bắn lên và dưới đèn ma, nơi móc câu đã bén một bóng người trần trục chỉ có một vuông vải nhỏ che hạ bộ, đã rách bươm.

Cần câu từ từ rút bóng người từ dưới mép vực lên cục trường, bóng người bị lưỡi câu móc ngược vào đùi, đầu chúc xuống hệt một con ngóe mắc câu, vì chỉ còn xương bọc da thân thể rách nát như búi dẻ.

Tự nhiên người lạ rúng động toàn thân thò hẳn đầu ra, dòm cảnh quái ác, lắp bắp:

– Trời… Người… Người… có thể thế được ư? Địa ngục âm cung hay cõi dương trần?

Trong kia, đều đều cần câu rút bóng người lên cục trường, móc dính vào bánh xe.

Và bánh xe quay đều, tội nhân quay theo chín mươi chín ngọn đèn chao đi chao lại, thoắt đốt xèo xèo vào ngực, thoắt đốt xèo vào chân, phía dưới giáo nhọn, lửa cháy. Cứ ba vòng bánh xe lại sa xuống một nấc, giáo xiên thụi vào thịt, lửa liếm xèo da, xông mùi khét lẹt như chả nướng.