Hồi 12: Hai Con Quái Độc Miền Lê Gia Trang

Nữ Tướng Miền Sơn Cước

Đăng vào: 2 năm trước

.

Cao Bằng biên trấn.

Dân gian vẫn không hết kinh hoàng. Sau độ thảm sát Lê gia trang, cả nhà quan tuần phủ Lê Hoàn, kẻ chết, người mất tích bí mật, khắp vùng biên trấn, bỗng gái tơ thình lình bị “biến” mất hàng chục, hàng trăm. Dân trấn biên khắp miền náo động, nhà nào có con gái đều phải canh gác cẩn thận, trời mới hoàng hôn đã không dám cho ra đường, nơm nớp sợ quan ôn bắt đem đi.

Lạ nhất là toàn loại gái xinh đẹp, cả gái thành phố lẫn gái sơn cước Thổ, Kinh, Tàu, có đêm cả đến cô đầm con gái viên chánh mật thám bỗng nhiên mất tích, nhà nước Tây, Ta bủa lưới sục tìm vô ích, thiên hạ càng cho là bọn lục lâm thổ phỉ bắt cóc bán sang Tàu, tướng trấn thủ biên thuỳ muốn điên đầu, mở bao nhiêu cuộc hành binh tảo thanh vẫn không tìm ra vết tích.

Thỉnh thoảng lại một cái xác đàn bà trần truồng nổi lềnh bềnh trên sông Gầm, mình mẩy nát như vết vuốt cào răng cắn. Ai nấy càng kinh. Riêng dân chúng quanh sông ngót mấy tháng nay thì thào bàn tán không ngớt vì bóng ma bỗng hiện lên chập chờn trên rặng Gầm Sơn, nhưng đêm sao mờ trăng nhạt, dọc suốt trung tâm Pi-A-Uác xuống hạ lưu sông, tiếp liền từng tràng hú rợn người.

Nhất là miền gia trang họ Lê, canh khuya vắng lặng, dân Kinh Thổ quanh đó, mỗi khi ghé mắt nhòm về phía gia trang, thấy bóng ma chờn vờn, thế nào lát sau cũng nghe mơ hồ có tiếng rú thất thanh kinh dị như con heo bị chọc tiết. Cả vùng đều dựng tóc gáy, từ đó không ai dám bén mảng tới khu gia trang nữa, thậm chí cả những gia đình tá điền quanh đấy cũng không dám mò đến gần nhà chủ cũ, nên Lê gia trang càng trở nên hoang phế, cỏ mọc xanh um, ban ngày đi qua cũng phát sợ.

Một đêm cuối xuân sang hạ, trăng thượng tuần cánh cung treo trên núi Gầm. Từ nẻo trấn Cao Bằng, khoảng chín giờ khuya, một bóng nhân mã lao đi như gió, ngựa không nhạc, người câm nín vượt lối mòn xuyên rừng, tiến thẳng về phía Lê gia trang.

Khoảng hơn mười giờ, bóng nhân mã đã đến khu ngoại vi gia trang, đứng trên một ngọn đồi cao, dưới tàn cây rủ.

Người ngựa im lìm như tượng đá, hướng về phía trang, hình như xúc động khác thường.

Bốn bề vắng vẻ. Dân quanh vùng đã ngủ vùi, không một ánh đèn.

Trăng thượng tuần lúc đó treo lơ lửng trên nóc nhà, cháy ánh vàng úa xuống trang hoang còn in rõ cảnh tàn phế đêm thảm sát năm ngoái, coi lạnh lẽo như lưỡi hái tử thần.

Người cỡi ngựa nhìn xuống trại rất lâu, bỗng rung giọng, lẩm bẩm:

– Nhà xưa cảnh cũ… mới thời gian tưởng dài thế kỷ! Thảm họa bất ngờ, gia đình tan tác, thân ta sống sót lang thang như gà lạc ổ… biết bao giờ trả nổi cừu sâu?

Trăng mờ loang lổ, soi khuôn mặt tuấn tú buồn rầu giữa bóng lá. Không ai khác chàng trai thứ ba họ Lê: Thái Dũng Trại Phan An!

Mình mặc quần áo Chàm, tay cầm gậy song, cỡi ngựa Huyết Phong Câu, chàng trai về thăm chốn cũ, tìm cuốn gia phả bí mật theo di chúc phụ thân. Vừa toan giục ngựa xuống đồi, bỗng giật thót mình, thấy một bóng người từ phương Bắc vụt tới, qua ngang đồi. Thân pháp cái bóng nhanh lạ lùng, thoáng đã xẹt trước mặt chàng, hình thù cao lớn, dưới trăng đỏ chót như máu, nách cắp ngang một thân giống đàn bà, vạt áo vũ lộng bay theo sức dạ hành.

Thái Dũng đảo nhìn theo, thấy bóng lạ bay chếch qua thung, mất dạng, nháy mắt lại xuất hiện vút qua ngọn tường Đông xế tiền môn, êm tựa bóng ma, biến luôn.

Rồi lại quạnh quẽ thê lương.

– Lạ thật? Cái bóng quỷ quái kia vào trại hoang làm gì? Dân Cao Bằng dưới chợ đồn gia trang lây nay có ma hiện, phải chăng chính “nó”? Biết đâu? Tốt hết nên giấu mặt!

Thái Dũng rút trong túi ra chiếc mặt nạ dữ tợn đầy sẹo, giục ngựa ẩn xó tối và lập tức chống gậy, vút theo bóng lạ.

Nhưng chàng lại đảo vòng ra phía cổng sau. Cây cỏ um tùm che mất lối đi. Cổng gẫy cánh, tường đổ từng mảnh.

Vừa định vọt qua, bất thần nép vội vào bóng tối.

Từ phía Tây Bắc xế, vừa hiện ra một bóng thứ hai, đen thui, tầm thước từ nẻo sông Gầm lao đến phóng vút lên trên nóc cổng, ngồi chồm chồm.

Nguyên trại có một con lạch chảy ra sông cái, cách cổng sau khá xa, có một cái cống ngăn nước, xưa Năm Lực đã đưa Thái Dũng thoát lối đó.

Chàng càng sinh nghi, liền nương bóng tối tiến lại gần cống, định thần theo dõi bóng lạ.

Cái bóng dưới trăng đen thui, nách cũng cắp một cô gái, xoay nghiên ngồi nhòm xuống lạch, hai con mắt đỏ khé tựa mắt thú ăn đèn săn. Lá rủ che mặt không rõ, bóng đen bỗng phát cười âm thé:

– Con quái tham ăn, ngày hai “heo non” còn thèm! Khé khé! Con nhỏ này chưa đến bữa mi!

Ùm! Có tiếng chồm nước toé cầu vồng, bóng đen thui cắp cô gái vút qua lạch nước xuống vườn hậu mất dạng.

Thái Dũng lấy làm lạ, nhảy đến bên lạch, nhờ trăng soi, thấy một con thuồng luồng đang cuộn khúc táp một cái đầu người xoã tóc, hình thù chật cả con lạch. Ngay lúc đó, chợt lại một con dải xè xè vanh tới, lớn bằng cái nong há mõm đỏ lòm, ngoạm đầu lâu. Con thuồng luồng múa vuốt, đánh con dải, nước toé lên bờ, sóng chồm tới gốc cây, coi rất dữ.

Thái Dũng càng lạ, lập tức nương bóng lá, tiến vào trang.

Cỏ mọc tới đầu, mùi xác chết thối sực, lẫn mùi rêu, mốc…

Bốn bề im vắng, chỉ có tiếng côn trùng rền rỉ thê lương.

Vừa lần đến dãy nhà ngang, chợt nghe có tiếng ai cười âm rợn đâu đây.

– Ma thui về đó ư? Gần đến giờ rồi! Chậm thế! Vào thôi! Còn đứng chi đó? Ngoài chợ có gì hay không?

Dũng nín thở. Bỗng nghe có tiếng âm âm phát hồi ra:

– Huyết heo! Đêm nay ta bắt được con đầm! Nhà nó gác kỹ, đèn sáng vỡ, mãi mới vào được!

Tiếng cười bốc cao. Bỗng có tiếng đàn bà kêu rú phía trong.

Rồi im bặt. Chàng trai càng lạ, lập tức tung mình lên mái, kiếm chỗ ngói vỡ nhòm xuống thấy “ma thui” cắp một người con gái đẹp, nhìn kỹ, chàng thấy là Nhuỵ Kiều, vừa mừng vừa sợ. Thái Dũng nín hơi theo dõi.

– Xuống mau!

Tiếng thét như xé gió, giọng nghe quen. Thái Dũng kinh hoàng nhảy vọt ra xa, nhưng đã muộn, ngọn trốc đầu, Thái Dũng thần tình né khỏi. Cả bọn bên dưới xôn xao, rượt đuổi.

Đang cơn nguy cấp, thình lình từ xó tối giả sơn một “hình thù” mọc vụt lên, tiếp liền tiếng quát mắng léo xéo, dội trúng cánh ay lão Độc. Bị vật lạ hất quá bất ngờ, lão phải rụt tay lại. Thái Dũng nhờ đó phóng ra xa. Cả hai cùng ngó lại vật vừa nhô lên như núi mọc, lão Độc vùng trợn mắt hét:

– Lại vợ chồng con sam thối! Oan gia! Đâu cũng tới đây?

Thì ra hình thù kỳ dị đó chính là Song Ma Kỳ Hình, cặp “sam nhân” chồng mù, vợ què vừa mò đến gia trang, định ngủ qua đêm, thấy có đám đánh nhau, “tiểu thư què” bắt “công tử mù” nấp xem, thấy người chạy đến, nhỏm dậy, tình cờ húc đầu phải tay lão Độc. Mụ sam the thé mắng:

– Mắt mù! Làm đầu mụ dội phải tay chó đú, sưng đến nơi rồi! À, tưởng ai, hoá ra lại là lão chó già núi Phi Mã! Hí hí! Đến trại làm gì?

Thái Dũng đảo nhìn, vừa thấy một bóng trắng từ đâu bay ra chặn lưỡng quái, cứu Nhuỵ Kiều, cũng hơi yên dạ đỡ lo cho em gái, trong lại thấy người sam cõng nhau, chồng gầy vợ mập, coi rất kỳ, chưa hiểu bạn thù. Bỗng lão Độc lạnh lùng quát chìm:

– Sam thối! Tránh ra! Không toi mạng!

Miệng quát, thân hình vọt qua ngọn giả sơn, bốc khỏi đầu người sam, mụ đàn bà đang cười hi hí, bỗng trợn mắt hét đinh:

– À! À! Lão chó già sắp rụng răng này láo! Láo dám nhảy qua đầu tiểu thư, công tử. Ê! Gió tạt thối quá! Bịt mũi! Bịt mũi mau!

Lão sam mù lật đật bịt mũi, hếch mặt hỏi lớn:

– Gì đó? Gì đó? Mụ què!

Vừa lúc Thái Dũng tránh đòn nhảy lại. Mụ sam vừa thấy mặt chàng vùng cười the thé:

– Nhỏ đẹp trai! Nhỏ đẹp trai! Chó già! Chớ đuổi giết người đẹp! Sao không tìm đứa nào xấu xí như… lão mù nhà mụ mà giết cho vui!

Véo! Trảo xé mang tai, chụp Thái Dũng. Lão sam mù xẹt qua bên lắc đầu quầy quậy.

– Mụ què khen mỗ hé? Đẹp trai! Đẹp trai! Khỏi mắt còn đẹp nữa.

Thái Dũng lại né trảo độc, lão phó soái Phi Mã Ác bị người sam, giả sơn quẩn đường, vồ hụt mồi, cả giận hét:

– Sam thối! Cút mau!

Chưởng độc tung thốc vào người sam, Thái Dũng. Mụ què mắng đinh:

– À, chó điên cắn quàng! Đánh! Đánh! Chó Độc Phi Mã đấy! Chớ để chó cắn phải thằng nhỏ đẹp trai!

Cả bốn tay sam nhất tề tung chưởng đỡ. Thái Dũng thừa cơ vọt ra xa, thấy cả người sam lẫn Độc Tinh Quân bật lại cả thước, mụ què cười thé:

– Chó dại bị trúng “Hấp hồn ma chưởng” rồi! Lão mù hay dữ!

Bỗng lão mù hét:

– Không xong rồi! Nheo nhéo mãi! Nó thả nọc độc chó dại, liệu hồn không toi mạng!

Độc Tinh Quân lại múa tay, xẹt tới. Người sam lại giạt ngang, chặn lối. Thái Dũng thấy lão sam nhân mù tịt, đánh nhau như người sáng, cùng mụ què phối hợp rất tài tình, bất giác thích chí, quên cả nguy hiểm, bỗng nghe mụ què hét lớn:

– Đẹp trai ngốc! Không chạy còn đứng ăn vạ đó à?

Giật mình, đã thấy được lao tới như tên bắn, chàng trai bèn chống gậy song, vọt tháo khỏi hoa viên như cắt.

Nghe sau lưng tiếng chưởng phong quật ầm ầm, cànhcây gẫy răng rắc, lẫn tiếng quát rợn người, chàng cứ cắm cổ phóng khỏi gia trang, miệng hú một tràng mật hiệu.

Vừa tới thung, đã thấy Huyết Phong Câu phi lại như gió, đúng lúc bốn bề hồng đuốc sáng trưng, súng nổ chát chúa, thoáng phía tiền môn, có nhiều bóng kỵ binh lao tới, theo nhịp kèn Tây.

– À! Chắc quan binh tìm được nơi quái ẩn! Phải thoát hiểm rồi sẽ liệu!

Thót lên ngựa, Thái Dũng quất chạy như giông. Phút chốc đã ra khỏi khu rừng trại, nghe tiếng súng xa dần rồi chìm hẳn. Chàng cứ cho sải vó, rạp mình, ruổi rong, sức Huyết Phong Câu phi đại nhanh như xe hơi, bên tai nghe gió vù vù, giây lát đã đến một vùng sơn lâm hiểm hóc, cách trang ngoài mười dặm.

Đang mải miết chạy trong rừng tối, thình lình nghe tiếng thé bên mình:

– Chà chà! Nhỏ đẹp trai có con ngựa hay dữ! Không thua Xích Thố Quan Võ đời Tam Quốc!

Rõ giọng đàn bà, Thái Dũng giật mình, ngó quanh, bỗng nghe tiếng người bên tai, lần này rõ giọng đàn ông:

– Con mụ này có im không? Làm gì dập dình trên cổ thế? Bộ cỡi ngựa đua à?

Thái Dũng phát rợn, dáo dác, chẳng thấy gì, chợt nghe tiếng đàn bà cười thé:

– Hé hé! Chạy đua với Xích Thố! Hay lắm! Vượt lên! Công tử! Để mất tiếng “Ma Hành”, mụ bỏ mồ côi! Nhỏ đẹp trai! Chạy dữ vào! Dữ nữa!

Lần này chàng trai càng tưởng ma trêu quỷ nhát, vùng quát:

– Ai đó?

Có tiếng đàn ông kề bên:

– Ngồi im! Không ông bỏ xó rừng bây giờ! Lạ dữ! Sao chân lực phân tán thế này? Khéo bị nọc mất!

Vừa nói xong, bỗng có tiếng kêu thét, rồi một dị hình ngã vật xuống lăn quay. Thái Dũng dừng ngựa lại nhìn kỳ thì thấy một mụ đàn bà què đeo dính trên cổ một người đàn ông cổ quái. Người đàn ông này dường như bị kiếm quang của Độc Tinh Quân như chàng.

Cả hai rối rít kêu réo nhau, Thái Dũng biết chất độc sẽ phát tán và giết ngay người đàn ông tức khắc. Chàng lần trong túi lấy viên thuốc của Thánh Y đã cho búng ngay vào mồm quái nhân.

Phút chốc quái nhân vùng dậy:

– Mẹ kiếp! Đã chết kề bên vẫn còn đeo trên cổ, thuốc thánh ở đâu kỳ duyên chữa bệnh lạ… lạ quá.

Mụ đàn bà ngước mắt nhìn Thái Dũng:

– Nhỏ đẹp trai có thuốc tiên, dường như thuốc của Thánh Y, ta đã thọ ân.

Quái nhân kêu lên:

– Thuốc Thánh Y! Trời! Quả phúc cho vợ chồng ta, mau dập đầu kêu lạy tôn sư.

Thái Dũng nghe lời nói ngộ, cố nhịn cười, chừng ngó sắc diện, thấy nghiêm trọng khác thường. Lúc đó mới hay người sam tính nết lạ đời, tuy khùng dở, lại có lòng ngay hậu, ân oán phân minh. Bèn kiếm lời từ tạ, lại nghe nói giết người như ngoé, chàng hỏi qua, càng ngạc nhiên, không ngờ vừa cứu bệnh cho bực kỳ tài võ lâm. Thì ra cặp vợ chồng kỳ quặc này chính là hai tướng giặc khét tiếng đất Quảng Tây xưa. Người đàn ông có biệt hiệu Thần Hành vì tài chạy nhanh dai như ngựa, đu cây như khỉ vượn, còn người đàn bà hỗn danh Thần Trảo vì tài đánh phong trảo lợi hại, thêm lối tung lưới móc câu bắt sống địch, cũng là một nữ tặc chuyên bán người miệt Pắc Hổi.

Cả hai cũng mang mối thù sát tộc, cũng bế cửa luyện công, bị phản kình, bỏ núi đi tìm thầy trị bệnh, gặp nhau, lấy nhau, từ đó di khắp đất Tàu – Việt, giận thân oán đời, tạo sát nghiệp, giết người theo hứng khởi, ai nấy đều khiếp, kêu hỗn danh Song Ma Kỳ Ảnh, Sam Ma Kỳ Hình, vì trùm chăn, cõng nhau chạy như gió. Lần sang Nam, nghe đồn có Thánh Y, đi tìm tình cờ gặp Thái Dũng… quyết xin làm đồ đệ theo hầu.

Thái Dũng nhất định thoái thác, không xong, bèn xin kết đệ huynh, cũng không nổi, đi cũng không được, túng phải ừ ào cho qua.

Sam Ma Kỳ Hình cả mừng làm lễ tôn sư luôn, nhân hỏi thăm thân thế, Thái Dũng cứ thực tỏ bày, tình cờ nhắc đến Hắc Sát Tinh Quân miền biển Đông, ý muốn tới, Sam Ma Thần Trảo vùng kêu lớn:

– Tưởng ai hoá lão Hắc Sát Xà Tinh hung? Ba nhát mở đầu hội kiến bao kẻ đã mất chỗ đội nón, chưa thấy mặt ngang mũi dọc lão! Nhưng ân sư chớ ngán! Xin theo phò cụ trẻ!

Thái Dũng cả mừng, ngay sáng đó cùng Song Ma Kỳ Hình lên đường, tới Gầm Sơn, tiến về miền Đông Hải.