HỒI 6: CHẠY THOÁT KHỎI TỬ THÀNH

Mê Tông Chi Quốc IV: U Minh Cửu tuyền

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Trong cơn ác mộng, Tư Mã Khôi nhìn thấy một con ma không có mặt, đang lúc lạnh người vì kinh hãi thì không biết ai đó đã đột ngột đẩy anh một cái thật mạnh. Tư Mã Khôi sợ vã mồ hôi và lập tức tỉnh mộng. Trước mắt anh, không gian tối đen như mực, vách tường đá bên cạnh tỏa hơi âm lanh, anh thấy miệng cháy khô, môi nứt nẻ, thân thể cứng đơ, tứ chi mềm nhũn, trong đầu như có hàng ngàn hàng vạn con kiến đang thi nhau bò chạy loạn xạ. Anh gắng sức lắc đầu thật mạnh, vươn tay bật đèn quặng gắn trên mũ Pith Helmet, thấy hội Hải ngọng đều đang ở cạnh, mới biết khi nãy chính Thắng Hương Lân đã lay mình tỉnh dậy.

Tư Mã Khôi vẫn hoảng loạn tinh thần, lòng tự hỏi không biết có phải vì sợ quá nên lại chìm vào một tầng ác mộng sâu hơn chăng? Nhưng sao mọi giác quan đều phục hồi rồi nhỉ?

Thì ra, Nhị Học Sinh mắc chứng Khắc Sơn, căn bệnh này thường bị chuột rút khi ngủ, lúc nãy do nằm cứng đơ trong một tư thế suốt thời gian dài, nên bắp chân của cậu ta bắt đầu bị chuột rút, đây là phản ứng tự phát của cơ thể không chịu sự chi phối của ý thức chủ quan, bởi vậy cậu ta đã lập tức tỉnh dậy, những thành viên khác nằm sát gần nhau nên va chạm phải nhau và cùng tỉnh dậy.

Từ tận đáy lòng, Hải ngọng cảm thấy vô cùng may mắn, anh quay sang bảo Nhị Học Sinh: “Trời mênh mang, đất mênh mang, thế giới rộng lớn thế này mà chẳng ai nói cho ta biết con đường sống ở đâu. Ngạn ngữ có câu: “Mọi con đường đều dẫn đến thành Rome”, nhưng đó là chân lý cổ xưa, chứ thực ra trên đường còn có vô số vách đá cheo leo, hố sâu cạm bẫy, chỉ cần đi sai một bước, sẽ lập tức ngã lộn cổ, rồi thịt nát xương tan. Sự việc vừa rồi chính là bài học nhớ đời. Anh ngẫm ra một điều, may mà dọc đường anh chưa quẳng chú đi, bắt đầu từ tháp canh ở Đại Thần Nông Giá, rồi đến rừng rậm tiền sử dưới lòng đất ở biển Âm Hải, động tế lễ Sở U Vương, lại xuyên qua thủy thể mênh mông và đảo núi Âm Sơn ở 30 vĩ Bắc, sau đó tiến thẳng tới vùng đất vùi xương của người Bái Xà trong cửu tuyền sâu thăm thẳm, suốt chặng đường dài dặc, chú chả phát huy được tí tác dụng nào, không ngờ đến lúc rơi vào cơn ác mộng quái ác, vì bắp chân đột nhiên bị chuột rút, chú lại cứu được cả hội thoát khỏi tuyệt cảnh. Nếu không nhờ món sở trường đặc biệt nhà chú, thì chắc chúng ta đã bỏ mạng oan uổng ở nơi chết tiệt này rồi, thật không ngờ “áo gấm” lại có lúc “đi ngày”. Chỉ cần riêng điểm này thôi, về sau đợi anh Hải ngọng của chú lên làm lãnh đạo, bất luận thế nào, anh cũng sẽ đề bạt chú vào làm một chân trong đội khảo cổ. Có điều, giỏi mỗi chiêu chuột rút là chưa ổn đâu, xem ra anh còn phải truyền nghề cho chú thêm vài món sở trường khác. Trên đời hàng trăm đường mưu sinh, ngoài mỗi cái sự học là vô bổ ra, còn lại biết nghề nào thì ấm thân nghề nấy, kém thì cũng lo đủ cho mấy khẩu no cơm ấm cật, giỏi giang thì an bang trị quốc. Nếu chú chẳng có sở trường gì, thì không kiếm nổi hạt cơm nhét vào dạ dày đâu, lúc đấy có than trời oán đất thì cũng chẳng tìm thấy lối thoát, nói trắng ra là dẫu chết đói cũng chả ma nào thèm thương…”

Nhị Học Sinh ngây người ngồi nghe, không hiểu Hải ngọng đang khen hay đang chửi mình, nhưng dù sao cậu ta cũng không khỏi bái phục Hải ngọng đúng là nhân vật phi phàm, mồm khát khô cháy, môi nứt rướm máu mà vẫn có thể thao thao bất tuyệt bài trường ca dài thế.

Cao Tư Dương và Thắng Hương Lân vẫn chưa hết sợ, bởi cơn ác mộng quái đản kia thực ngoài sức tưởng tượng của họ, suýt chút nữa cả hội vĩnh viễn không thể tỉnh dậy. Hai người họ giúp Nhị Học Sinh xoa bóp bắp chân bị chuột rút cho đỡ hẳn, rồi nhấc ba lô súng ống, sắp xếp gọn gàng, chuẩn bị khởi hành theo đường hầm đá macma, rời xa tòa Tử thành nặng mùi chết chóc.

Hải ngọng thấy thần sắc Tư Mã Khôi vẫn ngơ ngác, phản ứng chậm chạp, liền quay sang hỏi: “Cậu sao thế? Tớ nhớ lúc trước cậu đâu có vậy? Hồi xưa…”

Tư Mã Khôi biết Hải ngọng mà bắt đầu kể “hồi xưa” thì chẳng khác nào cái đài hỏng nút tắt, anh vội vàng chặn lại: “Đừng nhắc hồi xưa nữa, hồi xưa đã xưa như Trái đất rồi”, nói xong anh kể cho mọi người nghe chuyện mình vừa găp trong mơ khi nãy. Anh phát hiện thời điểm mình nhìn thấy con ma không có mặt xảy ra gần như cùng lúc với thời khắc mọi người tỉnh dậy khỏi cơn ác mộng, chẳng hiểu hai sự kiện đó có liên quan gì với nhau không, cũng chẳng thể tiên liệu được chuyện gì sẽ xảy ra, bởi vậy anh chỉ có thể nhắc nhở mọi người không được sơ ý, đề phòng ma quỷ trà trộn vào trong hàng ngũ.

Lúc này, mọi người không rõ mình đã ngủ bao lâu dưới lòng đất, nhưng cảm giác tê dại tay chân dần dần biến mất, thể lực cũng đã hồi phục ít nhiều, có điều tình trạng cơ thể mất nước càng lúc càng nghiêm trọng, mình mẩy khô nóng khó chịu, chỉ mong mau chóng tìm thấy nguồn nước. Thế là, cả hồi lần lượt chui ra khỏi khe tường theo ánh đèn quặng.

Mọi người lồm cồm bò ra khỏi khe tường và thấy quả cầu sắt lún xuống đất chừng một nửa, giơ tay ra là có thể chạm tới, trông nó đen sì sì khiến người ta cảm thấy ngộp thở, có lẽ nó rơi từ trên trời xuống. Quan sát xung quanh, họ thấy rất nhiều nhà cửa, tường thành bị vật thể khổng lồ này đập nát, chứng tỏ thành cổ có trước, khối sắt này có sau, nhưng sao nó lại bị rơi xuống hố động dưới lòng đất này? Và nó rơi xuống từ đâu?

Tư Mã Khôi nghĩ nát óc vẫn không tìm ra câu trả lời. Anh từng nhìn thấy người sắt đứng sừng sững trong biển cát dưới cực vực, nhưng dường như tọa độ chỉ đường mà người Bái Xà để lại dưới lòng đất cũng không thần bí bằng quả cầu sắt ánh màu đen trong tòa thành cổ này. Đứng gần quả cầu sắt cứ thấy đầu ngâm ngẩm đau, anh nghĩ, nhiều khả năng “món đồ chơi” này tương tự loại sắt huyền thiết ở Côn Lôn, nó có khả năng giam giữ dương hồn trong cơn ác mộng cho đến chết. Mà thôi, mặc kệ nguồn gốc của nó ra sao, tốt nhất là phải tránh nó càng xa càng tốt.

Tư Mã Khôi liên tiếp ra dấu tay, ý bảo Hải ngọng và mọi người đi vòng qua nó, mau chóng tiến lên phía trước. Đột nhiên, anh cảm thấy có một vật thể khổng lồ trên quả cầu sắt đang bò lại gần mọi người. Cả hội ngẩng đầu, soi đèn quặng lên nhìn và kinh hoàng khi phát hiện thấy một cái đầu cương thi thấp thoáng ẩn hiện trong bóng tối, cái đầu đội trang sức vàng, mặt khô quắt như vỏ cây khô, ngũ quan khó phân biệt rõ ràng, cái cổ dài như con rắn lớn đang thò ra ngoài, nom chẳng khác nào yêu tăng thò đầu ra từ miệng giếng máu trong cơn ác mộng của Tư Mã Khôi.

Tư Mã Khôi hơi sững người, trong khoảnh khắc, cái đầu cương thi đã vươn đến ngay trước mặt mọi người. Dưới chùm sáng của mấy chiếc đèn quặng, trông cái cổ đen bóng, trơn nhẫy, đeo từng khoang từng khoang vòng đỏ. Nó nuốt bộ xương khô vào trong bụng, nhưng mấy món trang, sức vàng đội trên đầu cương thi lại mắc trong miệng, giờ nuốt thì không trôi, mà nôn thì cũng không nôn ra được, nó đành phải ngậm cái đầu cổ thi trong miệng. Nếu nhìn thoáng qua lại tưởng nó là quái vật mình rắn đầu người. Nó nấp ở nơi sâu trong bóng tối, dài ngoằn ngoèo không biết mấy mét.

Năm xưa, Tư Mã Khôi và Hải ngọng cùng đám lính cũ đi khắp nơi bắt rắn ở Miến Điện, nghe nói dưới lòng đất có một loại rắn, gọi là mãng nhân xà. Loài rắn này trông giống rắn, nhưng thực ra không phải rắn, mà chỉ là một loại côn trùng rất dài, tương tự như con giun, nó không chỉ nuốt cả thịt lẫn xương của động vật sống, mà ngay cả cương thi cũng không chừa. Có điều, hôm nay con rắn này gặp vận rủi, chỉ nuốt được nửa người, còn một nửa vẫn phải ngậm trong miệng, nó đang tìm một hang động âm lạnh để nôn cương thi ra, rồi chui vào trong cỗ cương thi để đẻ trứng, từ đó sinh sôi nảy nở, duy trì giống nòi. Những người không rõ lai lịch của nó, thấy cảnh tượng ấy lại tưởng mình tìm thấy huyệt động mai táng cương thi vô chủ, bởi vậy nó mới có tên mãng nhân xà.

Tư Mã khôi thấy con quái xà ngậm cái đầu của cương thi bò xuống với tốc độ thần tốc, bộ dạng hung hãn, anh thầm nghĩ, chắc hội anh gặp phải mãng nhân xà, hài cốt ở dưới đáy tòa thành cổ có lẽ đều bị nó ăn sạch bách, anh vội vàng rút đuốc ra, định dùng ánh lửa xua đuổi con quái vật, nhưng ánh lửa vừa sáng lên thì các hình dáng các phê tích xung quanh đều chập chờn hiện lên từ bóng tối, quả cầu sắt lún trong thành cổ cũng hiện rõ mồn một, mọi người nhìn mà ngẩn người kinh ngạc.

Bên cạnh quả cầu là đầu một bức tượng thần đổ nghiêng, to như trái núi, hư hại chẳng còn hình hài gì, phần thân pho tượng không đầu còn lại đứng sừng sững bên cạnh như vốn vậy, mình phủ đầy đất cát và đá vụn, một bên mắt hõm xuống thành hố sâu. Thì ra, quả cầu sắt vốn để khảm thành con ngươi của một bên mắt, có lẽ hàng trăm ngàn năm trước, pho tượng trong tòa thành cổ cao sừng sững như một ngọn tháp khổng lồ này bị gãy đầu, rơi lăn lóc xuống đất và nứt vỡ, quả cầu sắt trong hốc mắt pho tượng cũng bị rụng ra, rơi xuống và lún sâu vào trong thông đạo. Tại sao trong tòa thành mà người Bái Xà vùi xương lại có loại tượng thần khổng lồ này nhỉ?

Mọi người bị chấn động bởi thần thái đáng sợ của pho tượng, cảm giác tựa bị ma nhập, chân bất giác đứng như trời trồng. Con mãng xà lúc trước đã bị cả hội bắn thủng bụng, máu chảy loang lổ, lúc này nó bò ngoằn ngoèo từ trong khe đá trên đỉnh động xuống, thấy ánh lửa nhưng nó không trốn chạy, mà dũng mãnh lao về phía trước, trong nháy mắt đã cách cả hội chỉ gang tấc.

Tư Mã Khôi đã từng nhìn thấy hình con Bạch Xà miêu tả trong sơn hải đồ trên đỉnh đồng Vũ Vương. Nghe nói, Bạch Xà bản tính rất tham ăn, nó có thể nuốt gọn cả một con voi rừng, ba năm sau mới nhả xương. Không rõ thời xưa có loài răn to như vậy thật không, chứ con mãng nhân xà ngay trước mặt đây tuy đã bị thương đến nỗi không khép nổi miệng nhưng vẫn hừng hực khí thế muốn lao tới ăn thịt người, vẻ hung hăng, tham ăn của nó có lẽ không hề thua kém Bạch Xà trong truyền thuyết. Tứ phía trong hang động đá macma vang lên những tiếng sột soạt, mùi máu tanh trên cơ thể con rắn tỏa ra đã lôi kéo càng nhiều đồng bọn của nó bò đến.

Tư Mã Khôi biết chắc một khi đã bị bọn chúng bao vây thì đừng nghĩ đến chuyện thoát thân, nên anh lập tức dúi ngọn đuốc về phía con rắn, nhân lúc con mãng nhân xà co mình thụt lùi về phía sau, anh vội vã gọi các thành viên còn lại quay người chạy thục mạng, men theo con đường bám đầy rêu giữa các hẻm nhỏ trong thành cổ xông thẳng về phía trước, nơi nào trong bóng tối vang lên tiếng động là cả hội liền giương súng bắn về phía đó để áp chế, may mà kết cấu của tòa thành hoang phế này khá rõ ràng và vẫn còn giữ nguyên hình khối cơ bản trước đây, nên cả hội mới không bị lạc đường trong đêm tối. Điểm tận cùng của con đường là một hang động lớn bị bịt bởi một phiến đá lớn, cao chừng chục mét, pho tượng thần bị đổ gục trong thành cổ lẽ ra nằm ở chính giữa cửa động. Mọi người phỏng đoán con đường hầm thông tới miếu thần chắc cũng nằm trong đó, nên tất cả ngẩng đầu lên soi đèn quặng thì thấy trên vách tường đá có mấy chỗ bị sụt lở sụp xuống, lộ ra một miệng khuyết, cả hội vội vàng dùng cả tay lẫn chân bò lên vách đá, đá vụn bị đạp xuống rơi rào rào như vụn bàng. Sau khi đi xuyên qua khe nứt chật hẹp, mọi người lại khuân đá để chặn miệng khe lại như cũ, đề phòng lũ mãng nhân xà trong thành cổ bám đuổi theo.

Mọi người hít phải mùi xác thối trong thành cổ, giữa đường lại chạy thục mạng đến kiệt sức, tưởng như chết nửa con người, cầm cự tháo chạy được đến đây đã là hết sức gắng gượng, giờ cả hội thở hổn hển muốn đứt hơi, mắt tóe lửa, mồm bốc khói, khắp người đau nhức như bị hoen rỉ từng đốt xương, các khớp tựa hồ bị đổ bê tông chặt cứng, khẽ cử động đã kêu lách cách, vậy mà họ vẫn chưa tìm ra nguồn nước, chỉ cần dừng bước thì đừng nghĩ đến chuyện có thể tiếp tục đứng dậy đi tiếp, thế là, không còn cách nào khác, hội Tư Mã Khôi đành lôi kéo, xốc nách nhau tiến về phía trước con đường hầm đá rộng rãi. Bề mặt vách đá nhẵn bóng, bằng phẳng, địa hình ở đây gần giống dạng phễu ngược, tầng nọ nối tiếp tầng kia xuyên thẳng vào bóng tối vô biên. Trong hang động đá macma hình vòm cao thấp nhấp nhô xuất hiện những bức rèm đá treo ngược nặng nề, địa nhiệt đã phết một lớp men sứ lên vách đá, bên trên phủ bột mica trắng, bởi vậy những nơi đèn quặng soi đến đều phản chiếu quầng sáng kỳ dị.

Bước thấp bước cao, đội khảo cổ cũng đi được hai dặm, địa hình càng lúc càng trở nên khoáng đạt, rộng rãi, đỉnh động cao đến mấy trăm mét, nom gống như một hố giếng sâu hình nón, sương mù bay là là từ cửa núi phía trên đáp xuống đáy động, hơi nước nghi ngút, lạnh buốt thấu xương, khiến vách đá đọng hàng ngàn vạn giọt nước, lấp lánh tựa châu sa. Hội Tư Mã Khôi nhìn thấy nước, mừng rỡ như bắt được vàng, ngửa cổ hứng từng giọt trong vắt thẩm thấu rỏ xuống từ huyệt động, nhờ vậy mấy khuôn mặt quắt queo như mặt người chết của cả hội mới dần dần phục hồi thần sắc. Mọi người tìm một phiến đá tương đối khô ráo ngồi nghỉ và giở lương khô, đồ hộp ra ăn cho ấm dạ. Sau khi mắt đã thích nghi được môi trường trong động đá, họ mới kinh ngạc phát hiện, ở nơi sâu trong đường hầm có một điểm sáng xanh u tối.