Chương 16: hồn ma trong chiếc gương đồng

Ma Câm - Ma khóc dưới hồ Tiên Đôn

Đăng vào: 11 tháng trước

.

Tôi thấy thi thể Na vương trong quan tài đã xảy ra thi biến, hình dạng đúng như ác mộng trong bức họa thì vô cùng sợ hãi, một nỗi kinh hoàng tràn ngập toàn thân từ đầu đến chân, sợ tới hồn bay phách lạc, không dám nhìn thêm một giây nào, tôi cùng hai người kia khiêng Điếu bát chạy vội vào đường hầm, cố gắng đóng kín cánh cửa đá rồi chạy thục mạng trong đường hầm ngoằn ngoèo gập ghềnh lúc cao lúc thấp, đánh rơi đèn pin cũng không dám dừng lại nhặt, cứ vậy vừa chạy vừa vấp ngã trong đường hầm tối đen. Một lúc lâu sau, khi thấy sau lưng không còn có động tĩnh gì mới dám dừng lại. Ba người ngồi bệt xuống đất thở không ra hơi, tim như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực.

Khi hơi thở đã hơi ổn định, tôi đưa mắt nhìn xung quanh, nhưng chẳng thấy được gì trong bóng đêm đen kịt, mò trong túi lấy được chiếc đèn pin dự phòng, ánh sáng vừa bật lên thì mặt Mặt dày hiện ra trước mắt tôi.

Lão ta nói: “Mẹ cha nó, kinh khủng thật, bọn mình… vẫn chưa chết sao?”

Tôi lắc đầu bất lực, quay sang thấy Điếu bát đã hôn mê bất tỉnh, mặt trắng như tờ giấy, tình hình có vẻ nguy kịch, không khỏi lo cho anh ta lỡ ba dài hai ngắn thì nguy tới tính mạng. Tại sao lại nói “ba dài hai ngắn”, khi người chết nhập quan, quan tài chưa đóng nắp thì ta thấy ba miếng ván dài hai miếng ván ngắn, nên dùng từ này để ám chỉ người sắp phải vào quan tài rồi. Tôi suy nghĩ: “Không biết người chết trong quan tài là yêu ma hay là quỷ quái, nhưng chắc chắn là không thể đối phó được với nó. Cố tìm đường mà chạy thoát, sống thêm được ngày nào hay ngày đó, không thể để Mặt dày và Điền Mộ Thanh bỏ mạng ở đây.”

Tôi dùng đèn pin soi sáng, thấy Điền Mộ Thanh đã lấy khăn tay băng bó vết thương, nhưng vì vết cứa quá sâu nên chảy khá nhiều máu. Tôi bỗng buột miệng hỏi: “Cô là ai?”

Điền Mộ Thanh nhìn tôi khó hiểu. “Anh hỏi gì lạ lùng thế?”

Tôi nói: “Không phải tôi hỏi lạ lùng, mà sự việc có gì đó không đúng. Rõ ràng bọn nhện đã cắn chết bọn Hoàng phật gia, nhưng khi tiến gần đến chúng ta thì đột nhiên bỏ đi. Lúc đó, tôi thấy tay cô bị chảy máu nhỏ xuống cả sàn nhà, bọn nhện ăn thịt người không nhả xương đó trông thấy là bỏ chạy tán loạn, có phải cô cố tình làm đứt tay không? Tại sao bọn nhện lại sợ máu của cô?”

Điền Mộ Thanh giải thích: “Anh đa nghi quá đấy, tôi chỉ không may cứa đứt tay thôi.”

Mặt dày lên tiếng: “Tôi thấy cậu sợ quá đâm ra lẩn thẩn, nếu nói là chảy máu thì Điếu bát chẳng phải chảy còn nhiều hơn sau?”

Tôi nói với Mặt dày: “Chuyện này không đơn giản như vậy đâu. Chỉ nghe thấy cuộc nói chuyện của tôi và Lư mặt rỗ ở trên tàu mà cô ấy thân gái một mình dám đi vào nơi rừng hoang núi thẳm này. Tôi thấy cô ấy gặp chuyện vẫn giữ được bình tĩnh, còn to gan hơn cả Điếu bát, lúc nào cũng mang vẻ mặt đầy tâm trạng, có điều cô ấy lại rất sợ hai cỗ quan tài trong địa cung, dường như cô ấy biết không ít bí mật về ngôi mộ cổ trong núi Hùng Nhĩ này. Nhưng dù sao đây cũng chỉ là cảm giác của tôi, cho tới lúc tôi nhìn thấy cô ấy bị đứt tay chảy máu khiến bọn nhện sợ hãi bỏ chạy thì tôi càng thấy…”

Điền Mộ Thanh nói: “Các anh cứu thoát tôi từ tay bọn Hoàng phật gia, tôi cảm tạ vô cùng. Còn chuyện tôi là ai thì tùy anh muốn nói gì thì nói.” Nói đến đó, mắt Điền Mộ Thanh đỏ hoe, cô gần như sắp khóc.

Mặt dày quay sang trách tôi: “Đang lúc gay go tới tính mạng mà cậu còn làm cho cô ấy khóc nữa”, rồi quay sang an tủi Điền Mộ Thanh: “Cô đừng chấp thằng đó, nó xem phim ‘Liêu trai’ nhiều quá nên bị ngộ rồi, đêm nào cũng nằm mơ thấy ma quỷ về bắt mình.”

Tôi nói: “Ma quỷ trong phim ‘Liêu trai’ ai nấy đều mặt hoa da phấn, có gì mà sợ, chẳng bằng một góc trong tiểu thuyết kinh dị.”

Mặt dày nói: “Phim ‘Liêu trai’ thành tiểu thuyết từ lúc nào đấy? Sao tôi lại không biết?”

Tôi không thèm đôi có với Mặt dày, quay sang nói với Điền Mộ Thanh: “Cô có khóc cũng không có tác dụng gì, tôi không nhìn nhầm đâu, những lời tôi nói hôm nay nếu sai nửa chữ thì tôi…”

Vừa nói tới đó, tôi chợt nhớ lại mấy hôm trước, lúc chúng tôi nghỉ chân tại quán trọ bỏ hoang ở Thảo Hài Lĩnh, may nhờ mấy chiếc mặt nạ của xác chết nên mới đuổi được con rắn mối khổng lồ, hóa ra trên mặt nạ vỏ cây có thạch hoàng, thứ đó đuổi được rắn. Chúng tôi sợ sau này dọc đường lại gặp phải rắn mối nên đã cạy mấy viên thạch hoàng, rồi mang theo bên mình. Vừa nãy trong địa cung gặp phải lũ nhện ăn thịt người, không chừng cũng chính nhờ có thạch hoàng nên đã đuổi được lũ nhện đó đi, nếu đúng vậy thì chẳng phải tôi đã trách oan Điền Mộ Thanh rồi sao?

Nên chưa nói hết câu tôi đã vội ngậm miệng lại, đổi giọng: “Nếu tôi có nói sai thì coi như tôi chưa nói gì, không phải tôi coi cô là người ngoài, giờ chúng ta không còn phân biệt người trong người ngoài nữa rồi, tôi thấy chỗ này không tiện ở lâu, chúng ta nghỉ cũng kha khá rồi, phải đi tiếp thôi.”

Điền Mộ Thanh chẳng hiểu tại sao tôi lại đổi giọng nhanh thế, nhưng cũng không có ý trách tôi. Chúng tôi vẫn sợ thây ma trong chính điện tiếp tục đuổi theo nên chỉ dám nghỉ ngơi một chút rồi lại cõng Điếu bát lên lưng tiếp tục tháo chạy theo lối đường hầm. Khi chạy tới cuối đường hầm, chúng tôi thấy một cánh cửa đá rất thấp, chui qua cánh cửa đó ra ngoài, chỉ thấy phía trước mờ mịt sương mù, cỏ dại mọc um tùm, phía sau chúng tôi là một đồi đất cao không nhìn thấy ngọn. Hóa ra chúng tôi đã ra khỏi địa cung nhưng không biết tự lúc nào, mặt hồ đã biến mất không nhìn thấy nữa, những mái nhà xung quanh bị vùi trong bùn đất nhấp nhô như những ngôi mộ.

Cả ba chúng tôi đều điếng người, cũng không dám đứng lâu trong ngôi làng ma quỷ này, vội vã len lỏi trong những dãy nhà để thoát ra khỏi thôn làng.

Ngôi mộ cổ trên núi Hùng Nhĩ chỉ có phần nấm mồ là nhô lên khỏi mặt nước, người dân trong vùng gọi đó là Tiên Đôn, chúng tôi vào đây rồi mới biết, thực ra đó chính là một ngọn núi, dưới chân núi là nhà dân, đó là số người dân ở lại nơi đây canh lăng tẩm, sau đó cả vùng này bị nhấn chìm xuống đáy hồ, chỉ còn ngọn núi là nhô lên khỏi mặt nước, phía bắc chính là động Ngư Khốc, Thảo Hài Lĩnh.

Giờ chúng tôi nên đi về hướng bắc, bỗng nghe thấy tiếng sấm dội bên tai, trời bỗng đổ mưa, mây mù có tan đi phần nào. Tầm nhìn tốt hơn, chúng tôi trông thấy phía trước là rừng, cây cối rậm rạp, phía trước là một màu tối đen vô tận.

2

Mưa mỗi lúc một to và dày hạt hơn, đang lúc giữa tiết mùa thu, thời tiết trong núi lạnh lẽo, tê buốt không thể chịu được, chúng tôi ướt nhẹp, dò dẫm từng bước đi về phía ven rừng. Chúng tôi nhìn thấy mấy gian nhà cổ dưới một gốc cây đã chết khô, trong nhà không đèn không đóm nhưng làm chỗ trú mưa cũng được, chúng tôi đành phải vào trong lánh tạm, đợi tới sáng mai rồi đi tiếp vậy. Lại gần mới thấy, căn nhà lớn này tận dụng nguyên liệu ngay tại vùng, được xây bằng những viên đá khối xẻ trong núi, trát bằng đất và vôi, cột gỗ cái nào cái nấy to lớn, chắc nịch, hết sức kiên cố. Chúng tôi bước vào gian nhà to đầu tiên, chỉ thấy bên trong trống tuềnh trống toàng, trên tường có vài cái hốc để đặt đèn, khắp nơi bám đấy bụi bặm, vì đã lâu không có người sinh sống, nên mùi ẩm mốc lẫn với mùi thối rữa của cây cối bốc lên vô cùng khó chịu.

Chúng tôi tháo ba lô ra, tìm chỗ đặt Điếu bát nằm xuống, vần mấy viên đá bịt kín cửa ra vào, trong ba lô Mặt dày còn một túi nến nữa, anh ta thắp một cây đặt ở góc nhà.

Tôi thấy Điếu bát vẫn đang hôn mê nhưng hơi thở vẫn đều đặn nên cũng yên tâm phần nào. Tôi lấy ra hai điếu thuốc lá, vứt cho Mặt dày một điếu, hai người ngồi dựa lưng vào tường rít mấy hơi liền. Nghĩ lại cảnh tượng vừa rồi trong địa cung, cánh tay cầm thuốc của tôi vẫn run lên sợ hãi.

Mặt dày lật xem tấm bản đồ của Điếu bát, hỏi: “Cậu nhìn xem, trên bản đồ sao không có chỗ này?”

Tôi nói: “Chúng ta ra khỏi địa cung đi theo hướng Bắc, phía Bắc chính là động Ngư Khốc, nhưng sao lúc tới đây bọn mình không nhìn thấy khu rừng này nhỉ? Đúng là gặp ma rồi, cái nơi quỷ quái này lại còn vừa mưa vừa sương mù, chắc phải chờ trời sáng mới phân biệt được vị trí, mong là đừng xảy ra chuyện.”

Mặt dày nói: “Đã ra khỏi khu mộ cổ rồi còn sợ gì nữa? Chuyến này bọn mình thu được chiếc vương miện vàng và dây lưng bằng ngọc nhưng lại chẳng thuận lợi chút nào, lần sau xuất hành phải xem ngày giờ mới được, không thể đi vào ngày kỵ động thổ.”

Tôi nói: “Ông đúng là chẳng biết gì, động thổ là chỉ chuyện hạ huyệt dời mộ, liên quan gì đến đổ đấu? Có ai đi đào mộ trộm đồ còn xem ngày xem giờ không? Kiếm cơm bằng cái nghề đổ đấu này chỉ dựa vào gan to không mê tín, chẳng kiêng kỵ gì sất. Đương nhiên vẫn có những tay trộm mộ mê tín, nhưng không phải là chuyện xem ngày giờ, bọn họ thường nghe theo Xuất ngữ.”

Mặt dày không hiểu: “Xuất ngữ à? Là cái gì?”

Tôi giải thích: “Cũng giống như dân giang hồ hay nói tới khái niệm con số may mắn, nó có hơi hướng giống như phong tục ngày Tết, ngày mồng một ra đường thường để ý tới người đầu tiên nói chuyện với mình, theo quan niệm mê tín của người xưa thì trong câu nói đầu tiên của năm mới này ẩn chứa hung cát, chính là dự báo cho vận hạn của năm mới. Lão Nghĩa mù nhà tôi lúc còn sống rất tin vào điều này. Vào đêm ba mươi, sau khi đã ăn tối, thắp hương cúng bái xong là đi ra ngoài để nghe Xuất ngữ. Mà cũng không phải thích đi hướng nào thì đi đâu, phải thỉnh ý kiến của Sư tổ, mà bài vị của Sư tổ nào có biết nói, đành mượn cái thìa chỉ hướng vậy, kính cẩn đặt cái thìa trước bài vị xong xoay một vòng, chiếc thìa chỉ vào hướng nào thì xuất hành theo hướng đó. Nếu chỉ về hướng đông thì ra cửa xuất hành theo hướng đông, nếu hướng đó là một ngõ cụt, không còn cách nào khác phải quay về thì phải thỉnh ý kiến Sư tổ một lần nữa, lần này là hướng bắc, vừa vặn hướng bắc là chỗ trú chân của một tên ăn mày. Đêm ba mươi thì ăn mày không ra đường ăn xin, bụng rỗng thì đành phải đi ngủ sớm, canh tư mò dậy đi tiểu, đúng lúc lão Nghĩa mù đi ngang qua, nghe tiếng nước chảy thì mừng thầm trong bụng, cứ cho rằng gặp nước là phát tài, thật là một điềm may, trong năm nay ắt thu được nhiều món hời. Nếu không đi ra ngoài thì canh năm dậy đốt pháo rước thần tài, tiếng pháo nổ có đẹp hay không cũng là điềm báo cho năm mới. Lão Nghĩa mù rất tin vào những điều này, có đúng hay không tôi cũng không biết, nhưng bản thân tôi thì chẳng mấy tin vào những thứ đó.”

Dù sao tôi cũng không yên tâm về ngôi nhà không có trong bản đồ này, nói chuyện với Mặt dày vài câu bỗng thấy càng ngày càng lạnh, dặn dò Mặt dày và Điền Mộ Thanh trông nom Điếu bát, tôi ra ngoài kiếm ít củi về đốt.

Điền Mộ Thanh lạnh run cầm cập, cô không chịu nổi gian nhà to âm u lạnh lẽo này, cứ đòi đi theo tôi.

Tôi nghĩ ngợi một lúc rồi cũng đồng ý, mang theo súng săn và đèn pin, giao cho Điền Mộ Thanh một cây nến, chúng tôi đẩy cửa vào gian phòng thứ hai, gian phòng này còn to hơn gian trước, sáu cột năm dầm, bệ cột đá hình hoa sen, trông như một gian điện, mấy bức tượng giữa phòng đã bị đổ sập, trên tường chi chít bích họa, đều phủ dày bụi bặm, màu sắc mờ nhạt nhưng vẫn còn xem được nội dung.

Tôi nhất thời không nói được gì, thần người ra một lúc mới lên tiếng: “Thần thổ địa lấy ráy tai xây tường chắc – vô lý thật! Đây chính là điện thờ Na thần.”

Điền Mộ Thanh kinh ngạc: “Hóa ra chúng ta vẫn chưa ra khỏi ngôi làng.”

Tôi nói: “Lạ thật, tại sao ở đây lại không có dấu hiệu bị chìm trong nước.”

Điền Mộ Thanh nói: “Từ số bức bích họa kia có thể nhận biết nơi đây có phải là miếu thờ Na thần không…” nói rồi cô soi đèn lại gần, phủi lớp bụi phía trên, cúi đầu nghiên cứu những bức tranh.

Tôi cũng đang định tới xem thì chợt thấy ớn lạnh, không phải do trong ngôi miếu cổ này ẩm thấp lạnh lẽo mà là lạnh từ bên trong lạnh ra khiến toàn thân nổi da gà.

Tôi nghĩ thầm: “Trong này có gì sao?”, dùng đèn pin soi khắp gian phòng, thì thấy cánh cửa thông sang gian phòng thứ ba đang khép hờ, qua khe cửa tôi nhìn thấy khuôn mặt một bé gái khoảng mười tuổi đang nấp ở phía trong nhìn chúng tôi, hai mắt chớp chớp rất linh hoạt, khi ánh đèn pin chiếu tới, thì cô bé lập tức trốn vào trong bóng tối.

Tôi kinh hãi nghĩ: “Giữa nơi thâm sơn cùng cốc này tại sao lại xuất hiện đứa bé? Là trẻ con của dân làng gần đây sao?” Tôi vội tới gần rồi mở đẩy cánh cửa ra, bên trong là gian phòng thứ ba cũng giống như hai gian phòng vừa rồi, sàn nhà phủ đầy bụi bặm, trên tường mạng nhện chăng đầy, phía trước tuyệt nhiên không một dấu chân người.

3

Điền Mộ Thanh hỏi tôi: “Anh sao thế, sao lại đứng thẩn ra vậy?”

Tôi chỉ vào chỗ cửa hỏi: “Cô không nhìn thấy gì sao? Chỗ này…”

Điền Mộ Thanh thấy vậy liền cầm đèn pin đi ra giữa gian miếu thờ. “Trong đó có gì đâu, tôi chẳng trông thấy gì cả.”

Tôi nghĩ đứa bé đột nhiên biến mất, giờ nói ra cũng chẳng có bằng chứng gì, làm sao mà người ta tin được, đành nói: “Tôi thấy trên tường gian nhà trong có bàn thờ, mấy gian nhà này chính là miếu thờ đấy.”

Điền Mộ Thanh hỏi: “Bàn thờ à? Trông bộ dạng anh vừa rồi, tôi cứ tưởng anh nhìn thấy gì không hay rồi chứ.”

Tôi thầm quan sát xung quanh, miệng lại nói: “Không có gì, trong miếu thờ thì không thể có ma được.”

Tôi quay đầu lại, vừa vặn nhìn thấy bức tranh Điền Mộ Thanh vừa phủi đi lớp bụi bên trên, trong tranh vẽ hình một cô gái với dáng vẻ yêu kiều, tuy bức tranh đã bị bay màu, hình thù có phần mờ nhạt nhưng vẫn có thể khẳng định không phải là hình ảnh người đeo mặt nạ vỏ cây thường gặp như trong Na giáo, tôi chợt nghĩ: “Nơi đây cũng chưa hẳn là miếu thờ Na thần.”

Điền Mộ Thanh hỏi: “Trong miếu thờ mới có tượng thờ và bích họa chứ, anh cho rằng đây không phải là nơi thờ cúng Na thần?”

Tôi nói: “Trên núi Hùng Nhĩ có ngôi chùa cổ tên là Pháp Hoa, nghe nói trong ngôi chùa cổ này có bức bích họa vẽ một mỹ nhân với sắc đẹp được mệnh danh là có một không hai, hay là chúng ta đã tới ngôi chùa Pháp Hoa đó…”

Nhưng nghĩ lại cũng không ổn, núi Hùng Nhĩ dài mấy chục cây số, chùa Pháp Hoa cách Thảo Hài Lĩnh xa như vậy, quần sơn cách trở, làm sao có thể tới nhanh như thế được, hơn nữa những gian nhà lớn này đều được xây từ đá, không mang vẻ nguy nga lộng lẫy theo phong cách chùa cổ, khả năng là miếu thờ Na thần, chỉ có điều rất hiếm thấy có hình ảnh người bình thường không đeo mặt nạ vỏ cây xuất hiện trong miếu thờ của Na thần.

Điền Mộ Thanh rất hiếu kỳ với bức tranh vị nữ bồ tát mà tôi vừa nhắc tới, cô hỏi: “Trong chùa cổ Pháp Hoa tại sao lại vẽ tranh mỹ nữ? Người trong tranh đúng là rất đẹp sao?”

Tôi nghĩ: “Điền Mộ Thanh rất thích thú với hội họa, hơn nữa một cô gái trực tiếp nghe lời khen ngợi một cô gái khác trước mặt mình thì không tránh khỏi có chút ghen tị.” Tôi đành nói với cô ấy: “Hoàng đế thời Tống rất sùng đạo Phật, đã hạ chỉ cho xây chùa Pháp Hoa tại núi Hùng Nhĩ, còn lệnh vẽ bích họa trong chùa, đã chỉ định vị họa sỹ giỏi nhất thời đó đảm đương công việc vẽ tranh, tuy sức yếu nhiều bệnh, nhưng người này vẫn bị ép đến làm việc, con gái ông ta lo lắng cho sức khỏe của cha già đã giả thành nam nhi tới núi Hùng Nhĩ trà trộn trong đám thợ để chăm sóc cho cha mình. Hàng ngày làm các công việc giặt giũ quần áo, cơm nước cho đám thợ nên ai cũng quý mến. Trong bảo điện thì đương nhiên phải có tranh Bồ tát, nhưng lúc đó không tài nào vẽ nổi, tuy bức tranh đã đẹp rồi nhưng chưa đạt được vẻ thoát tục. Tên đốc công do triều đình phái đến lo sợ sẽ ảnh hưởng tới tiến độ thi công đã nổi giận lôi đình, lệnh cho quân lính phạt roi các thợ vẽ tranh, trong đó có ông họa sỹ già, nếu phải chịu số đòn roi đó thì coi như mất mạng. Lúc này, con gái của lão họa sỹ già xuất hiện nguyện thay cha mình chịu đòn. Tên đốc công thấy cô dung mạo tuyệt vời nhận ra là gái giả trai, liền ép cô phải cởi hết quần áo để chịu phạt. Cô gái biết số mình không may, chỉ quay đầu lại nhìn cha mình và đám thợ vẽ tranh lần cuối rồi mỉm cười nhảy vào chỗ lò nung thép đúc tượng. Ngay lập tức cô hóa thành đám mây trắng bay lên trời, nhưng dung mạo thần thái của cô đã in đậm trong tâm trí của đám thợ, họ đã vẽ thành công bức bích họa đại từ đại bị cứu khổ cứu nạn của Quan thế âm Bồ tát. Chính vì vậy bức họa trong ngôi chùa này khác hẳn với những ngôi chùa khác, đáng tiếc qua sự bào mòn của thời gian, đã không còn giữ được vẻ đẹp nguyên thủy của bức tranh nữa.”

Điền Mộ Thanh lớn tiếng thở dài, một lúc sau vẫn còn im lặng trầm tư.

Tôi thì chẳng có tâm trạng nào mà thông cảm cho người xưa, hơn nữa câu chuyện này vừa nghe đã biết là bịa đặt, cô gái kia giả trai mà cũng không biết làm cho giống lên một chút, bôi ít nhọ nồi cho mặt đen đi chẳng hạn, đúng là ngốc hết chỗ nói.

Tôi vừa nói vừa phủi lớp bụi trên tường đi, dựa vào ánh sáng của ngọn nến, tôi xem xét một lượt những bức họa. Các bức họa tại bức tường phía đông đã bị bong tróc nặng khó nhìn ra hình gì, nội dung không còn nguyên vẹn, chỉ lờ mờ nhận ra khuôn mặt của mấy cô gái, phía sau có một số đồng nam đồng nữ người cầm kiếm người cầm gương, không hiểu là để làm gì. Bức tường phía Tây vẫn còn tương đối nguyên vẹn, bức bích họa như một bức hoành phi vẽ lại một ngọn núi lớn cao chạm mây xanh, trong lòng núi ẩn hiện những cung điện nguy nga, xung quanh chi chít nhà cửa với hàng vạn người sinh sống, ba phía đông, tây và bắc đều là núi, ở ngọn núi phía bắc có một hang động, giữa cửa hang và ngôi làng là một gốc cây to đã chết khô và mấy gian nhà đá, phía tây ngôi làng là bãi tha ma, phía đông là bệ đá lớn, phía nam có tấm bia đá đặt trên mai co bí hí[1], trong bức tranh còn có vài đường kẻ màu đen mờ nhạt không rõ ràng, còn phía trên bức tranh là một vị Na tướng quân diện mạo rất hung dữ.

[1] Bí hí hay còn gọi là Quy phu, bề ngoài khá giống con rùa, thích mang nặng, có thể cõng cả tam sơn ngũ nhạc không bao giờ mệt mỏi vì thế tượng Bí hí cõng trụ đá, cõng bia thường bị nhầm thành con rùa.

Tôi nói với Điền Mộ Thanh: “Mấy gian nhà này đúng là có liên quan tới Na thần, giờ chúng ta đang ở vị trí này, chỉ cần đi xuyên qua khu rừng là tới được động Ngư Khốc, con đường đó lúc vào đây chúng ta đã đi qua.”

Trong bức bích họa còn có một số chữ cổ ghi chú cho một số vị trí, tôi chẳng biết chữ nào nhưng Điền Mộ Thanh thì có thể đọc được một ít, cô chỉ cho tôi thấy: “Chỗ đụn đất ở chính giữa là núi Huyền Cung, Huyền Cung chính là địa cung, ngôi làng dưới núi là thôn Thiên Cổ Dị Đế, hang động phía bắc là động Ngư Khốc, tấm bia đá trước cổng làng được gọi là bia Tầm Na, gốc cây khô đó là cây Na, dưới gốc cây là Na miếu, phía tây ngôi làng là nơi cúng tế của người Quỷ Phương (Đất quỷ), có một con đường hầm thông với thôn làng, phần phía đông có rất nhiều mồ mả không rõ tại sao lại không thấy chú thích. À đúng rồi, phần lớn mộ là mộ của người dân trong làng. Nhưng hàng nghìn năm trước, nơi này bị chìm sâu dưới nước, sao bây giờ lại nổi lên được nhỉ?”

4

Tôi lắc đầu không hiểu, việc này nghĩ tới nghĩ lui vẫn không thông, còn tấm bia trước cổng làng nữa chứ, sao lại gọi là bia Tầm Na mà lại không gọi thẳng luôn là bia Na đi?

Điền Mộ Thanh giải thích: “Bia đá thường dùng để ghi lại các sự việc, nghe anh Điếu bát nhà anh nói, tầm Na là nói tới phong tục đuổi ma trừ tà, là một nghi thức từ cổ xưa. Có thể trên bia đá ghi chép lại nghi thức đó của người dân trong làng.”

Tôi nghĩ cũng phải, hình ảnh tấm bia Tầm Na trong bức tranh là một tấm bia đá rất to được đặt trên mai bí hí, trong dân gian gọi đó là “Rùa cõng bia đá”. Bí hí là con cháu của rồng, có thể cõng được những vật rất nặng, thời cổ làm bia đá bí hí thường có hai đặc điểm nhận dạng, một là rất cao to, hai là nội dung viết trên bia hết sức quan trọng. Vì vậy, chắc chắn là tấm bia đá kia ghi chép lại những sự việc quan trọng đã xảy ra trong ngôi làng Thiên Cổ Dị Đế. Nếu tôi không muốn bị cơn ác mộng trong ngôi mộ cổ nhà Liêu dày vò cho đến chết thì buộc phải biết trên tấm bia đá đó viết những gì. Nhưng ngặt nỗi Điếu bát sống chết chưa biết thế nào, sớm rời khỏi nơi này thì anh ta còn có thêm tia hi vọng sống. Trong thời điểm quan trọng này, tôi không thể chỉ nghĩ tới mạng sống của mình, hơn nữa tôi cũng chẳng gan đâu mà dám bước chân vào ngôi mộ đó một lần nữa. Chuyện đã tới nước này đành phải nghe theo sự sắp đặt của ông trời vậy, phải thoát ra khỏi đây trước đã.

Lúc này, Mặt dày đi tới nói với chúng tôi: “Bên ngoài tạnh mưa rồi, sương mù lại dày đặc hơn, bọn mình phải nghĩ cách gì đi chứ, tiếp tục nán lại đây hay là tìm đường thoát ra ngoài?”

Tôi nói: “Nếu bên ngoài đã tạnh mưa rồi thì chúng ta tiếp tục đi về hướng bắc, xuyên qua khu rừng này là tới động Ngư Khốc, tới đó có thể theo đường cũ quay về. Hai người đi thu dọn đồ đạc, bó thêm vài bó đuốc dự phòng, tôi ở đây xem mấy bức bích họa này một lát nữa.”

Mặt dày tìm mấy cành cây to bó lại, lấy mấy bộ quần áo rách xé nhỏ thành sợi đưa cho Điền Mộ Thanh buộc vào bó củi, chấm dầu trên vách tường làm đuốc.

Tôi tắt đèn pin để sau cần còn dùng, cầm ngọn nến Điền Mộ Thanh vừa đưa cho, một mình đi sâu vào bên trong Na miếu, phủi đám mạng nhện và bụi bặm giăng trước mặt, tôi dò xét khắp nơi.

Cứ nghĩ tới khuôn mặt cô bé phía sau cánh cửa thì nổi bất an lại tràn về, không biết do tôi nhìn nhầm hay gặp ma thật, cho dù là ma hay người thì cũng chỉ là một con nhóc tì, sợ gì cơ chứ.

Tôi tự trấn an mình rồi tiến tới chỗ bức bích họa sau hậu đường. Miếu đường quay mặt sang hướng nam, bích họa được vẽ ở hai bức tường phía đông và tây. Phía đông vẽ hình ngôi bảo điện nguy nga tráng lệ, bên cạnh có một con cá rất to. Tôi vừa nhìn thấy bức tranh đã nghĩ tới lần lão Nghĩa mù gặp nạn. Năm đó khi Đả thần tiên Dương Phương và Đồ Hắc Hổ cùng mắc kẹt trên nóc điện dưới lòng sông Hoàng Hà, cũng có nét tương đồng với họa tiết trong bức họa này. Với bản lĩnh của Thôi lão đạo và Dương Phương cũng không thể xác định được ngôi bảo điện bị chìm trong hố cát dưới sông Hoàng Hà thuộc thời đại nào, chỉ đoán khoảng thời Tùy hoặc Đường, không ngờ lại có liên quan tới thôn Thiên Cổ Dị Đế này, không lẽ ngôi làng này cũng bị chìm xuống hồ vào khoảng thời Tùy, Đường?

Tôi quan sát một lúc lâu không thu được kết quả gì, cũng không rõ là chúng có mối quan hệ như thế nào với nhau. Nhìn sang bức bích họa đối diện là mấy chục vị Na tướng quân đeo mặt nạ, họ đang khống chế một người và mổ bụng người đó, người bị mổ bụng nằm sóng soài dưới đất, tóc tai rũ rượi, phèo ruột lổn nhổn trên mặt đất, người đó vẫn chưa chết, đang cố gắng vùng vẫy thoát thân, quang cảnh máu me khủng khiếp, giống hệt như những gì Điếu bát miêu tả về lễ bắt ma hoàng.

Tôi nghĩ: “Với cỗ quan tài và số đồ tùy táng quý giá trong địa cung thì người đó chính là Na vương. Nếu là Na vương, tại sao lại bị Na tướng quân giết chết và hậu táng tại địa cung, rồi để cho âm hồn bất tán trở thành quái vật? Làng này đã từng xảy ra sự việc phản loạn? Việc này liên quan gì tới con cá khổng lồ dưới sông Hoàng Hà không? Cô gái Khiết Đan trong bộ Liêu chết vào thời Đường, Tống, tại sao trong mộ cô ta lại có bức tranh về ngôi làng Thiên Cổ Dị Đế này? Không lẽ đó chính là cơn ác mộng của cô gái kia khi còn sống? Tại sao trải qua nhiều năm như vậy, tôi lại có cùng giấc mơ với cô gái Khiết Đan? Thôn Thiên Cổ Dị Đế không lẽ đã bị vướng vào một lời nguyền đáng sợ nào đó?”

Tôi đứng thất thần trước bức bích họa, các ý nghĩ đan xen vào nhau, đột nhiên sống lưng ớn lạnh, ánh nến chập chờn, cảm giác ớn lạnh từng cơn lại trỗi dậy, tôi quay đầu lại nhìn, chính là cô bé đó đang đứng trong góc tường, cô bé thấy tôi tiến lại gần liền quỳ sụp xuống khóc thút thít, miệng lẩm bẩm như đang nói gì đó.

Tôi nghe đứt đoạn không được rõ, dường như cô bé đang nói: “Nhiều năm… không dễ dàng gì… hôm nay gặp nạn… xin cứu giúp… xin đừng động vào…”

Tôi thất kinh, hỏi lại: “Cháu nói gì? Đừng động vào đâu?”

Đúng lúc đó, Mặt dày vỗ mạnh vào vai tôi, mồm oang oang: “Cậu gặp ma à? Tự dưng đứng một mình nói chuyện với bức tường? Đang tán tỉnh với em ma nào thế?”

Tôi giật bắn người, thiếu nước nhảy dựng lên, Mặt dày đã chuẩn bị xong đuốc, tới để giục tôi lên đường. Tôi bị anh ta làm cho hết hồn, vừa hoàn hồn nhìn lại thì trong góc tường đã trống trơn không có gì nữa.

5

Vừa nãy chỉ trong khoảnh khắc, ánh nến lại mờ ảo nên không nhìn rõ được đứa bé gái, chỉ thấy mờ mờ hình bóng một người, chớp mắt đã không thấy đâu, góc tường không để lại chút dấu vết, trừ phi chỉ là cái bóng thì mới làm được như vậy.

Tôi chỉ thấy cô bé đó dường như là oan hồn trong ngôi miếu này, nhưng cô bé nói quá nhỏ, tôi nghe không được rõ cho lắm, tại sao tự nhiên lại quỳ xuống lạy tôi, lời cô bé nói có ý gì? Cô bé đang cần cầu cứu tôi giúp đỡ chăng? Cô bé đó đã chết như thế nào?

Mặt dày lại vỗ vào vai tôi: “Vẫn còn đứng đực mặt ra đó à? Cậu trúng tà thật hả?”

Tôi hỏi Mặt dày: “Ông đừng có giật đùng đùng lên sau lưng tôi thế, định dọa chết người à?”

Mặt dày ngạc nhiên ngắm nghía bức tường một lúc, hỏi tôi: “Cậu nhìn thấy gì thế?”

Tôi nói: “Chẳng có gì cả, mau rời khỏi đây thôi.”

Mặt dày còn chưa tin: “Điêu! Vừa nãy tôi thấy mắt cậu gian lắm, chắc chắn là chưa nói thật, chỗ này có món hời gì à?”

Tôi hạ thấp giọng: “Trong Na miếu này có ma, tin hay không tùy ông, không tin thì ông ở đây chờ mà xem, tôi đi trước đây.”

Mặt dày nói: “Sợ ma mà còn dám đi đào trộm mộ?”, anh ta không tin, đốt đuốc lên xoa tay phủi lớp bụi trên tường, phát hiện ra mấy viên gạch chỉ chạm nhẹ vào đã lung lay, hắn hiếu kỳ cạy viên gạch đó ra thì thấy bên trong tường là một đường hầm.

Tôi ngẩn người ngạc nhiên, vội ngăn lại: “Đừng vào, trong đó có ma đấy!”

Mặt dày nào chịu nghe lời tôi, anh ta chắc mẩm trong đó có bảo vật, hất cánh tay tôi ra chui vào trong.

Tôi chửi thầm trong bụng, lại lo anh ta xảy ra chuyện đành phải đánh liều đi theo.

Bên trong là một gian thạch thất chật hẹp âm u, tôi và Mặt dày soi đuốc lên thì thấy một bé gái đang ngồi bất động ở góc tường, cô bé đang ôm một thứ gì đó trong lòng, chân mang hài anh vũ màu xanh, mặc bộ quần áo giống như diễn viên tuồng trên sân khấu, cũng chẳng biết đã chết bao lâu nhưng diện mạo và màu sắc quần áo vẫn tươi mới, chẳng khác gì người sống cả, không hiểu sao lại có thể bảo tồn tốt như vậy.

Mặt dày chỉ vào xác chết nói: “Chỉ là một người chết thôi mà, ma đâu mà ma.”

Tôi nhìn cô bé khoảng tầm tám, chín tuổi, chết trong gian thạch thất này không dưới nghìn năm, vậy mà vẫn như người còn sống, lại hiện hồn trước mắt tôi, chắc chắn có nội tình gì đây, cô bé dặn tôi không được động vào thứ gì chứ?

Mặt dày nói: “Cô bé này chết cũng đã lâu rồi mà không thay đổi chút nào, hay là biến thành cương thi mất rồi, bọn mình bỏ xác cô bé ở đây không quản cũng không đành, hay là mang đi chôn, tránh sau này tác quái.”

Tôi nói: “Đưa người chết nhập thổ là yên, đây cũng là việc tốt nhưng ông đừng có sồn sồn lên thế, để tôi xem xét rõ ràng đã rồi tính.”

Mặt dày nói: “Lắm chuyện, mau làm đi, đào cái hố chôn cho xong để còn lên đường, ra khỏi cái chốn này cho sớm”, nói rồi anh ta xồng xộc tiến về phía xác đứa bé, thấy trong tay cô bé cầm chiếc gương đồng thì mững rỡ kêu lên: “Còn có một tấm gương đồng này”

Tôi dặn Mặt dày đừng động vào chiếc gương đó, dù sao thì chiếc gương đó cũng không thể dùng được nữa. Tới lúc chết, cô bé vẫn cầm chiếc gương trong tay, hơn nghìn năm nay chưa hề thay đổi, chiếc gương đó soi xác chết hơn nghìn năm qua, giờ mà soi người sống thì quá là xui xẻo, ai mà dám chường mặt mình vào chiếc gương đó chứ, ông có biết là soi vào sẽ nhìn thấy gì không?

Mặt dày cãi lại: “Cậu cứ đứng đó mà tự dọa mình, để tôi xem xem soi vào thì thấy gì nào…”, nói rồi gỡ lấy chiếc gương trong tay cô bé ra. Kể cũng lạ, chiếc gương vừa rời khỏi tay thì diện mạo và quần áo cô bé bỗng tối sầm xám xịt, trong phút chốc tất cả chỉ còn lại đống tro tàn.

6

Hai chúng tôi thất kinh, không hiểu tại sao vừa lấy đi chiếc gương thì thi thể cô bé đã hóa thành tro bụi.

Tôi cầm lấy chiếc gương đồng, chính giữa mặt sau, chiếc núm gương là hình con rắn đang cuộn tròn, còn có hoa văn chim thần đang bay lên trời, chiếc gương không hề có hiện tượng hoen rỉ, cầm trong tay chắc nịch lạnh lẽo, ánh sáng vàng phát ra từ chiếc gương khiến người xem ớn lạnh, nó chính là cổ vật từ thời Hán. Tới lúc này, tôi mới vỡ lẽ, không chừng đây là một tấm gương báu, đặc biệt là hình con chim thần đúc ở mặt sau của gương có tên là “Bách Lao điểu”, người xưa thường gọi là chim Quyết[2]. Truyền thuyết kể rằng, con chim đó là do người tên Bách Kỳ biến thành, sau khi mẹ của Bách Kỳ qua đời, bố đi lấy vợ khác, mẹ kế sinh được người con trai, vì muốn lấy lòng chồng, để chồng yêu thương con trai mình nên người mẹ kế đó đã lời ngon tiếng ngọt với chồng, người bố tin lời vợ lẽ cho rằng Bách Kỳ có tâm địa không tốt, đã đem cậu vứt nơi đồng hoang. Cậu bé gieo mình xuống sông tự vẫn, biến thành chim Bách Lao, tấm lòng trong sáng như gương, có thể phân biệt thiện ác. Chiếc gương có đúc hình chim thần chắc chắn không phải là tầm thường. Dựa theo tình hình tôi phỏng đoán, cô bé chính là nô lệ của chiếc gương, trong Na miếu cũng có vẽ hình của cô bé, năm đó cô cầm gương chết trong gian thạch thất này, thi thể cô đã được đón nhận linh khí từ chiếc gương, vì thế nên thi thể cô hơn nghìn năm qua không bị rữa nát.

[2] Chim Quyết hay còn gọi là chim Bách Thiệt, trong truyền thuyết loài chim này có thể hót lên trăm thứ tiếng khác nhau.

Tôi hối hận vô cùng, đáng lẽ ra không nên để Mặt dày lấy mất chiếc gương đồng của cô bé. Vừa rồi cô bé hiện hồn về, có thể là đã biết ngày hôm nay gặp kiếp nạn, cầu xin tôi đừng động vào chiếc gương. Tôi lại không nghe rõ ràng, tới khi hiểu ra thì đã quá muộn, xem ra, đó là ý trời. Tôi kể vắn tắt chuyện này cho Mặt dày nghe.

Anh ta vội nói: “Thì cứ coi như cô bé đó sớm được siêu thoát sớm, đi đầu thai. Giữ mãi chiếc gương đó cũng có tác dụng gì đâu…”, nói rồi anh giật lấy chiếc gương trên tay tôi lau chùi lớp bụi bên trên, nâng niu không nỡ rời tay. Xem chừng anh ta định nhét chiếc gương này vào cái túi da rắn luôn đây.

Tôi bỗng nghĩ lại, thấy lời nói của cô bé rất lạ. Nếu là ma thì tại sao lại lo sợ việc động vào chiếc gương sẽ khiến thân xác biến thành tro bụi. Người thì đã chết rồi, thi thể có bị phân hủy thì cũng còn ý nghĩa gì nữa đâu, cũng đâu hồi sinh chuyển thế được, vậy tại sao cứ phải giữ khư khư chiếc gương không được động vào?

Tôi nghĩ hình ảnh cô bé mà tôi gặp trước đó không phải là ma. Tương truyền “Nghìn năm có bóng, tích bóng thành hình”, xác chết đó soi bóng vào trong gương hơn một nghìn năm qua không thay đổi, chiếc bóng trong gương dần có ý thức, có thể chỉ cần thêm vài trăm năm nữa nó có thể tích bóng thành hình, nhưng đạo trời không cho phép, vậy nên cô bé mới nói nhiều năm tu luyện không dễ dàng gì, lại có linh tính sẽ gặp phải kiếp nạn nên tới cầu cứu tôi đừng động vào chiếc gương và xác chết kia, chẳng phải là cô bé đã biết khó tránh khỏi kiếp nạn này rồi sao? Giờ đây thi thể đã hóa ra tro, chiếc bóng trong gương cũng không còn cơ hội để tu luyện thành hình nữa rồi, không chừng chỉ cần qua vài năm nữa thì chiếc bóng đó cũng tiêu tan, cô bé nhất định sẽ rất hận chúng tôi, giờ này còn mang theo chiếc gương chẳng phải tự rước họa vào thân.

Nghĩ vậy, tôi nói Mặt dày đừng tham nhặt chiếc gương, vội giành lại nó từ tay anh ta, tôi vốn định đặt chiếc gương lại trên mặt đất, nhưng khi cúi xuống đã vô tình thấy mặt tôi hiện ra trong gương.

Chiếc gương cổ vẫn giữ được vẻ sáng, bóng, không cần soi đèn vẫn nhìn thấy rõ mặt người, rõ đến từng cọng tóc, tôi thấy khuôn mặt cô bé xuất hiện phía sau tôi, đôi mắt ánh lên vẻ hận thù.

Mắt tôi chạm vào ánh mắt của cô bé, bỗng cảm thấy lạnh buốt toàn thân, mồ hôi lạnh vã ra như tắm, quay đầu nhìn lại thì không thấy gì, tôi biết chắc là hồn ma trong chiếc gương, đanh định vứt chiếc gương xuống đất thì thấy như có hai bàn tay đang bóp lấy cổ mình khiến tôi không thở được, vội đưa tay sờ lên cổ thì không thấy gì, cúi xuống nhìn chiếc gương, thấy trong gương hiện ra hình ảnh tôi đang bị hồn ma bóp cổ.

Tôi kinh hãi vô cùng, vứt toẹt chiếc gương xuống đất, nhưng trên cổ vẫn cảm nhận được đôi bàn tay lạnh lẽo đang sít ngày một chặt hơn. Tuy hồn ma trong chiếc gương chỉ là một bóng ma, nhưng đã được hưởng linh khí của chiếc gương hơn một nghìn năm qua đâu phải là chuyện đơn giản. Trong địa cung của hầm mộ Na vương nguy hiểm như vậy chúng tôi cũng thoát ra được rồi, không lẽ lại chết trong gian mật thất này?

Tôi bắt đầu cuống, nghĩ vội mấy cách để thoát thân, nhưng toàn thân cứng đơ không thể động đậy được, chỉ có hai mắt còn có thể chuyển động, giờ cho dù có bản lĩnh bằng trời cũng không tài nào dùng nổi.

Mặt dày trông thấy bộ dạng của tôi thì chẳng hiểu mô tê gì, hỏi: “Cậu lại gặp ma rồi à?”

Tôi nói thầm trong bụng: “Hồn ma này bóp chết tôi xong rồi cũng tới lượt ông, còn không mau chạy đi?” khổ nỗi không thể nào lên tiếng được, chỉ biết kêu khổ trong lòng, cổ tôi bị bóp ngày càng mạnh, không thể nào thở nổi, hai mắt bắt đầu trắng dã. Đúng lúc đó, tôi bỗng thấy cổ mình nhẹ hẳn, vội vàng hớp lấy hớp để không khí, trong lòng thắc mắc tại sao hồn ma đó lại đột nhiên tha cho tôi.

Nhìn lại thấy cô bé đã quỳ mọp ở góc tường, mặt biến sắc, quay về phía chúng tôi vái lạy sì sụp, rồi bỗng chốc tan biến. Tôi thấy lạ liền cầm chiếc gương lên xem, hình ảnh cô bé trong gương không còn nữa, chiếc gương đồng cũng tối sậm lại. Khi tôi quay người lại thì thấy Điền Mộ Thanh đang đứng ngay phía sau, mặt cô trắng bệch như người chết.