Chương 12: Gặp lại cố nhân

Kinh Sở Tranh Hùng Ký

Đăng vào: 2 năm trước

.

Năm 511 tr.CN, Chu Kính Vương năm thứ 9. Ngô vương Hạp Lư nghe theo gợi ý của Ngũ Tử Tư và Khước Hoàn Độ, dùng chiến lược “Địch ra ta về, Địch về ta ra”, chia quân quấy nhiễu Sở, khiến quân Sở mỏi mệt vô cùng. Năm 510 tr.CN, Chu Kính Vương năm thứ 10. Ngô tấn công ba thành Di, Tiềm, Lục của Sở, quân Sở chạy tới cứu, Ngô rút sang tấn công thành Huyền, Sở lại phóng sang cứu, quân Ngô rút luôn.

Năm 509 tr.Cn, Chu Kính Vương năm thứ 11.

Ngô tấn công Việt, giành được toàn thắng. Người Việt buộc phải liên thủ với Sở để cầm cự. Nước Ngô đến đây không còn mối lo hậu hoạn, Ngũ Tử Tư và Khước Hoàn Độ càng thêm khăng khít gắn bó, bắt đầu lên kế hoạch tổng tấn công nước Sở, tình thế hai nước đều căng thẳng, đại chiến có thể bùng nổ bất cứ lúc nào.

Hôm ấy Khước Hoàn Độ đến thao trường duyệt binh. Quân Ngô xa mã chỉnh tề, tiến thoái lớp lang, Khước Hoàn Độ hết sức hài lòng, nghĩ mình từ một kẻ mù tịt binh pháp thoắt một cái chuyển mình thành binh pháp

đại gia nổi danh thiên hạ, thực chẳng khác nào một giấc mộng đời. Khước Hoàn Độ dặn dò thuộc hạ tiếp tục thao luyện rồi trở về phủ tướng quân nghỉ ngơi.

Vừa ra khỏi cổng đã gặp một đoàn người kéo tới, trong bọn có Phu Khái Vương đi cùng một thiếu nữ rất diễm lệ, mình vận võ phục, duyên dáng mà cương nghị, đôi mắt long lanh ương bướng, bộ điệu gan dạ và khiêu khích.

Khước Hoàn Độ thường chỉ chạm mặt Phu Khái Vương lúc nghị sự, chưa bao giờ gặp riêng thế này. Gã vội vàng tránh sang một bên, cúi mình thi lễ.

Phu Khái Vương là đại quý tộc đương triều, thế lực rất lâu

đời, ngay cả Hạp Lư cũng không muốn làm mếch lòng hắn. Mắt lóe sáng, Phu Khái Vương nhìn xoáy vào Khước Hoàn Độ một lúc, khiến gã này cảm thấy được cả ánh mắt như tia chớp cháy trên da mình. Gã thầm kinh hãi, Phu Khái Vương quả không hổ là đệ nhất cao thủ Ngô Việt, công lực thật siêu phàm.

Phu Khái Vương lạnh lùng bảo, “Binh pháp của Tôn tướng quân lừng danh thiên hạ, chẳng hay kiếm pháp có khả quan như vậy không?”

Đám tùy tùng cười rúc rích theo câu nói của chủ, lộ vẻ chế giễu rõ rệt.

Khước Hoàn Độ công phu hàm dưỡng rất cao, không hề tỏ ra giận dữ, chỉ đáp, “Tiểu tướng từ nhỏ đã học thuật dụng binh, chuyên chú trọng phương pháp điều khiển thiên quân vạn mã, vì vậy có phần lơ là với những mẹo mực giao tranh giữa hai cá nhân.”

Gã nói mấy câu này tưởng thủ mà công, ngầm ý xem thường việc đả đấu nhỏ lẻ, chỉ dồn sức cho công cuộc tranh hùng trên chốn sa trường.

Thiếu nữ xinh đẹp bỗng bật cười khanh khách, giọng trong như chuông ngân, “Tôn tướng quân nói vậy sai đó, giả thử bây giờ ta vung kiếm giết tướng quân, chẳng hay ông tự vệ cách nào?”

Cô gái nói với ý khiêu chiến và xem thường rõ rệt, đám tùy tướng lại được thể cười lên như tễu. Mấy viên thân binh bên Khước Hoàn Độ sợ cô gái ra tay thật, lập tức nghiêm mặt lại, đứng án lên trước mặt chủ.

Phu Khái Vương mắng: “Thư Nhã vô lễ. Xin Tôn tướng quân thứ tha, tiểu nữ từ nhỏ đã được nuông chiều, ăn nói chẳng còn phép tắc gì cả.”

Nói là nói vậy, nhưng mặt mày y tươi hơn hớn.

Khước Hoàn Độ hiểu ảnh hưởng của mình đã bắt đầu lan rộng khiến người này sinh lòng đố kỵ, hôm nay hắn đến cốt để thử chân tài thực học và phản ứng của mình đây. Gã nói: “Phu Khái Vương, nếu không còn gì dạy bảo, tiểu tướng xin được về phủ nghỉ ngơi. Mong Ngài thứ tội.”

Cáo lỗi xong, gã dẫn thân binh bỏ đi ngay. Giọng con gái véo von đuổi theo, “Lần sau tái ngộ, tiểu nữ sẽ thỉnh giáo cao minh đấy nhé.”

Dứt lời lại cười khanh khách.

oOo

Khước Hoàn Độ về đến phủ thì gặp phải tín sứ của nhà vua. Nguyên là sứ giả Tấn quốc tới thăm, Ngô vương cho đòi gã vào dự tiệc tiếp đãi đêm nay.

Khước Hoàn Độ rửa ráy qua loa rồi vội vàng vào cung.

Trên đường gặp Ngũ Tử Tư, viên tướng trẻ mời gã bỏ xe sang ngồi chung cùng đi phó hội. Ngũ Tử Tư kể: “Hôm kia Đại vương duyệt binh, nghe chừng hài lòng lắm.”

Khước Hoàn Độ vội đáp: “Đều nhờ Ngô tướng quân dạy bảo bấy nay, tiểu tướng chỉ tiến hành theo hướng dẫn mà thôi!”

Gã khiêm tốn thế, Ngũ Tử Tư rất đẹp lòng. Câu chuyện xoay sang hướng khác, chợt lại hỏi đến chuyện ban ngày: “Nghe đồn Phu Khái Vương và con gái buông lời khiêu khích ông? Ông định ứng phó sao đây?”

Ngừng một lúc, thấy Khước Hoàn Độ trầm ngâm, tưởng gã khó xử, Ngũ Tử Tư vội bảo:

“Ta cũng biết việc này không đơn giản, có khi phải chính Đại vương ra mặt can thiệp mới xong. Thư Nhã xưa rày ngông nghênh tùy ý, chính Phu Khái Vương cũng phải chịu đấy. Cô ta tuổi mới đôi mươi nhưng kiêu ngạo tự đắc hơn ai hết, những kẻ tham gia thế và sắc đẹp tới cầu thân đều bị cô ta đánh đuổi đi hết cả đấy. Nay Thư Nhã lại quấy tới ông thì rắc rối quá!”

Khước Hoàn Độ hỏi: “Võ nghệ cô ấy thế nào?”

Ngũ Tử Tư nhăn mặt: “Đấy mới thực là điều khiến người ta đau đầu. Thư Nhã tuy là con gái nhưng thiên tư trác tuyệt, lãnh hội hết chân truyền của cha, chỉ thiếu kinh nghiệm lâm trận mà thôi. Thanh bảo kiếm cô ta đang dùng là do Việt vương hiến tặng và đích thân Đại vương ban cho, tên gọi ‘Việt Nữ kiếm’, sắc bén vô cùng. Thư Nhã dùng nó chẳng khác nào hổ chắp thêm cánh.”

Khước Hoàn Độ nói: “Ngũ tướng quân an lòng, tôi khắc có cách đối phó.”

Gã thầm nhủ dẫu đến Phu Khái Vương võ nghệ tuyệt thế mà còn chưa chắc thắng nổi ta, cái vật vô tri sắc bén kia thì đáng gì!

Ngũ Tử Tư tưởng gã muốn làm mình yên tâm nên mới an ủi vậy, vội nhắc nhở:

“Tôn tướng quân đừng thấy nữ nhi chân yếu tay mềm mà xem thường. Nhìn khí độ tinh thần ông thì có lẽ cũng là một hảo thủ sử kiếm, nhưng Phu Khái Vương là đệ nhất cao thủ của nước ta, có tuyệt học gia truyền. Ông không được sơ suất đâu đấy.”

Khước Hoàn Độ không muốn dằng dai thêm về vấn đề này, bèn hỏi sang việc khác, “Hôm nay nhà Tấn phái ai đến sứ vậy?”

Ngũ Tử Tư đáp, “Người này tên Vu Thần, nguyên là Đại Công tước của nước Sở. Về sau vì một mỹ nhân, y phản bội tổ quốc, rời bỏ đất đai, bây giờ được tôn thất nhà Tấn tín nhiệm lắm.”

Đang nói, chợt nhận ra Khước Hoàn Độ biến sắc, Ngũ Tử Tư ngạc nhiên kinh khủng, gã này xưa nay đến Thái Sơn sụp trước mặt còn bình thản như

không, sao nghe đến tên Vu Thần lại tái mét đi thế, y vội hỏi: “Tôn tướng quân, có gì không ổn chăng?”

Khước Hoàn Độ đáp: “Không, chỉ tại tôi đang nghĩ đến một việc khác.”

Vừa may xe đã đến cửa cung, Khước Hoàn Độ thầm khen khéo, nếu không chẳng biết phải giải thích tiếp với Ngũ Tư Tư thế nào.

Hai người xuống xe vào cung.

Dạ yến bày trong điện Tường Không, chiếu của Ngô vương trải trên thềm cao bên trái điện, chiếu sứ giả đặt bên phải, hai bên đều có dãy chiếu riêng. Các công khanh đại thần đương triều của Ngô quốc đều đến dự.

Giữa điện để một khoảng trống rộng, lấy chỗ biểu diễn tạp kỹ ca vũ.

Hai người đến hơi sớm, hàng đại thần mới có Đấu Tân. Sau đó Phu Khái Vương, Bạch Hỉ, Tử sơn và các công khanh khác mới lục tục kéo đến.

Cuối cùng, Ngô vương xuất hiện, đi bên là một nam tử cao gầy uy nghiêm.

Họ vừa bước vào điện, nhạc công nổi ngay đàn sáo, tơ trúc huyền cầm réo rắt đúng lễ tiết. Nghi thức này thực ra thường xuyên như cơm bữa ở nước Lỗ, nhưng đối với một quốc gia còn bị xem là man di mọi rợ chưa khai hóa như nước Ngô thì thật là long trọng phô trương, đủ thấy Hạp Lư coi trọng sứ giả Tấn quốc tới mức nào.

Ngô vương dẫn Vu Thần đi giới thiệu khắp lượt mọi người, đến Khước Hoàn Độ, Vu Thần hơi chững lại, lộ vẻ kinh ngạc khó che giấu. Cũng may y thừa kinh nghiệm ngoại giao, lập tức lấy lại nét mặt bình thường, giả như lần đầu gặp Khước Hoàn Độ, chào hỏi khách sáo theo đúng thông lệ.

Mọi người đều không lưu tâm, duy Ngũ Tử Tư chẳng bỏ qua một biểu hiện nào của cả hai người, liền đặt ngay dấu hỏi. Y vốn nhận xét tinh tế, trước tiên thấy Khước Hoàn Độ tái mặt khi nghe tên Vu Thần, nay lại thấy Vu Thần gặp Khước Hoàn Độ thì biến sắc, thử hỏi ai không sinh lòng ngờ.

Mọi người phân chủ khách an tọa, hỏi han mấy câu chiếu lệ rồi nâng chén chúc mừng, kế đó Hạp Lư bàn vào chính đề: “Lần này Vu chuyên sứ mang đến tin tức đáng mừng, Tấn quốc có ý lập liên minh với ta, cùng tấn công nước Sở. Sở quốc lâu nay vẫn hoành hành ngược ngạo, các vị có ý ấy, thực là công đức vô lượng.”

Mọi người lập tức rào rào cảm tạ chúc mừng.

Khước Hoàn Độ thầm nhủ Vu Thần quả có tài du thuyết, khiến được cả Tấn quốc xuất binh tương trợ, trong khi đó thực chất chỉ cần Tấn quốc chịu khống chế các nước ở phía bắc, đừng can thiệp vào việc tranh hùng Sở – Ngô thì đã là một tin đáng mừng rồi.

Vu Thần cười đáp: “Quốc quân chúng tôi anh minh thần võ, chỉ muốn thiên hạ cùng tồn tại trong hòa bình, Sở quốc xưa nay ưa hiếp đáp các nước nhỏ, Lệnh doãn Nang Ngõa tàn bạo hiếu chiến, nước chúng tôi đâu thể làm ngơ.”

Hạp Lư nói: “Ngoài việc giao kết đồng minh, Vu chuyên sứ còn đặc biệt đưa tặng chiến xa và binh mã, tạo điều kiện cho chúng ta luyện tập lục chiến và xa chiến, thực được đại khai nhãn giới.”

Vu Thần cười ha hả: “Hổ thẹn quá, chỉ mong mối giao hảo này giúp cho hai bên học hỏi lẫn nhau để chắc chắn đánh thắng được người Sở.”

Vu Thần nguyên quán đất Sở, thời ấy quan niệm quốc gia không đặt nặng như các đời sau này, đối với họ gia tộc là trên hết – giọt máu đào hơn ao nước lã, nợ riêng nặng hơn nợ nước nên những việc cõng rắn cắn gà nhà như Vu Thần đang làm cũng không phải là hiếm thấy.

Vu Thần lại tiếp: “Lần này tại hạ nhận lệnh Quốc quân, ngoài chiến xa còn tuyển lấy mười ca vũ kỹ đến hiến tặng, mời các vị thưởng thức.”

Đoạn y vỗ tay, tiếng tơ trúc trỗi lên sau điện, mười mỹ nhân thân hình yểu điệu, thanh sắc song toàn tha thướt đi ra khu sân khấu, quả nhiên sắc nước hương trời, ngàn người chọn một.

Khước Hoàn Độ nhìn mười mỹ nữ khí chất cao quý, đoán chừng đều là con cái đại quan thua trận bị sung làm nô tỳ. Xem ra Tấn quốc rất coi trọng mối liên minh này.

Ca vũ kết thúc, đoàn mỹ nữ mau chóng rút vào sau điện.

Đám nam nhân ngồi bên ngoài vẫn còn ngây ngất. Sắc đẹp có sức mạnh thật lớn lao, đến Hạp Lư cũng không phải là ngoại lệ.

Vu Thần thưa: “Mấy đứa ấy ca vũ đã tài, thị hầu trong phòng the càng thành thạo hơn. Tại hạ xuất sứ chỉ có chút lễ mọn, mong Đại vương thu nhận.”

Hạp Lư ngửa cổ cười ha hả, hiển nhiên vô cùng khoan khoái với món lễ hậu, nhất là nghe nói mấy ả còn sành sỏi chuyện gối chăn thì càng thêm hởi lòng hởi dạ.

Đàn ông mà, nhắc nhỏm tới những chuyện ấy thì khoảng cách giữa họ với nhau thu hẹp lại rất nhiều.

Hạp Lư đáp tạ xong, chần chừ một lát rồi chọn trong đám ra tám cô ban chia cho các quần thần, Khước Hoàn Độ cũng lãnh một nàng.

Khước Hoàn Độ suy tính nhanh như chớp, thầm nghĩ nếu Hạp Lư ban thưởng cả mười mỹ nhân này cho thuộc hạ thì tấm lòng và sự rộng lượng ấy chắn chắn đủ giúp ông ta làm bá chủ cả thiên hạ, nhưng ông ta ngập ngừng luyến tiếc thế kia, lại còn giữ phần mình nhiều hơn người khác, khó tránh khỏi có lúc vì cái lợi trước mắt mà làm hư đại sự.

Đó là đánh giá rõ rệt đầu tiên của Khước Hoàn Độ về Hạp Lư.

Gã lại nhìn sang Ngũ Tử Tư, tuy được tặng mỹ nữ nhưng vẻ mặt y không hề hoan hỉ, Khước Hoàn Độ biết y đã đặt toàn tâm toàn ý vào việc báo thù nước Sở về cái tội giết cha giết anh y, ngoài ra y không bận tâm đến điều gì khác nữa.

Khước Hoàn Độ nhói lòng, thầm nghĩ niềm căm hận ngùn ngụt như vậy cũng có tác dụng hại người chẳng kém gì sắc dục.

Dạ yến tiếp tục cho đến giờ Tý thì kết thúc. Khước Hoàn Độ về tới phủ thì đã sang giờ Sửu.

Gã vào đại sảnh, thuộc hạ thân tín chạy ra báo có khách phương xa đang chờ ở chái đình. Khước Hoàn Độ giật mình, vội vàng chạy sang.

Một người đàn ông cao lớn đang đứng trong đình, khuôn mặt phong sương, một vết sẹo đao chạy xéo từ mắt xuống tới góc môi. Vừa trông thấy Khước Hoàn Độ, mắt y ánh lên niềm cảm động, nước mắt mấp mé bờ mi.

Khước Hoàn Độ vội xua hết tả hữu ra ngoài.

Người đó nức lên rồi quỳ xuống.

Khước Hoàn Độ hấp tấp đỡ dậy: “Bây giờ thời thế khác rồi, Bản Trường hà tất làm vậy.”

Nguyên lai người đó là Trác Bản Trường, gia nhân hộ tống Khước Hoàn Độ chạy khỏi Khước thị sơn thành để trốn địch nhân truy kích năm nào.

Trác Bản Trường vâng lời đứng dậy, hai người gặp nhau lần này, tựa như đã chia xa lâu lắm. Trác Bản Trường gọi: “Chúa công!”

Y vẫn rất bồi hồi, chẳng biết mở lời thế nào. Khước Hoàn Độ rất hiểu cảm giác của viên tiểu tướng cũ. Tính ra, họ giã biệt đã hơn năm năm rồi.

Để giúp Trác Bản Trường qua cơn xúc động, Khước Hoàn Độ nhẹ nhàng hỏi: “Tình hình mọi người bây giờ ra sao?”

Hồi đó có gần một trăm người hộ tống gã chạy trốn, tất nhiên tình hình hiện tại của họ là điều một chủ nhân như gã phải quan tâm hàng đầu.

Trác Bản Trường bớt thổn thức, dần lấy lại bình tĩnh, được cái gã cũng là người điềm đạm tỉnh táo, chỉ vì được gặp chủ nhân trong khi bấy lâu nay thương nhớ tưởng gã đã chết, nên vừa rồi tình cảm mới bộc lộ bồng bột như vậy.

Trác Bản Trường kể:

“Hồi đó bọn thuộc hạ chia nhau chạy trốn, cho người mai danh ẩn tích ở khắp nơi theo đúng lời dặn của Chúa công, làm ăn theo đủ các ngành nghề. Rất nhiều người đã trở thành những nhân vật xuất sắc trong nghề nghiệp của mình” .

Khuôn mặt điểm nụ cười, y tiếp: “Khước thị chúng ta giỏi binh pháp, không ngờ doanh thương cũng chẳng kém ai. Bản thân thuộc hạ thì trốn đến Đồng Lục sơn, làm nghề đào vàng, cũng có chút thành tựu.”

Khước Hoàn Độ tủm tỉm: “Xưa nay ta vẫn biết ngươi tính toán đâu ra đấy, nếu ngươi theo nghề buôn mà không kiếm được tiền thì ta là người đầu tiên không tin.”

Trác Bản Trường đáp:

“Thuộc hạ đợi tình thế ổn định rồi bèn sử dụng thủ pháp riêng của nhà ta đi liên lạc với mọi người, vì sợ bị Trung Hành biết mà phá, vì vậy tất cả đều áp dụng lối thông tin mới, cuối cùng tìm lại được năm mươi hai người. Chúa công! Có một việc thuộc hạ nhất định phải cho người biết, đó là trong năm mươi hai người này, không một ai xao nhãng luyện kiếm trong suốt năm năm qua, đợi người trở về là chúng ta báo cừu.”

Khước Hoàn Độ cảm động vô cùng, thầm nghĩ, những người này đều là tinh túy của Khước gia, sống ngần ấy năm giàu có an nhàn vẫn kiên tâm khổ luyện, sức mạnh của đám tử đệ này to lớn làm sao. Đúng là cơ sở nền móng vững chắc cho ta.

Tiếng Trác Bản Trường tiếp tục rót vào tai gã: “Mọi người đều nuôi chí, vì vậy có một số trong năm mươi hai người ấy đã tìm cách nắm lấy các bang hội và thế lực địa phương. Cũng may cơ nghiệp Khước thị đã được hàng trăm năm, thế lực cũng luồn sâu vào nhiều nơi trong nước Sở, thuộc hạ đã kín đáo chiêu tập nhiều tráng đinh có quan hệ thân thiết với nhà ta về thao luyện ở Đồng Lục sơn, bây giờ nhân sĩ cũng phải được năm trăm người rồi.”

Khước Hoàn Độ tán thưởng: “Bản Trường, ngươi làm được thế là đỡ cho ta bao nhiêu việc lặt vặt. Bây giờ chiến tranh Ngô – Sở lúc nào cũng có thể bùng phát, nhất định ta phải có một số nhân thủ đáng tin cậy, giúp ta hoàn thành hai nhiệm vụ trước khi cuộc chiến bắt đầu.”

Gã ngừng lời, chìm vào suy tư. Trác Bản Trường ngắm vị Chúa công từng cùng mình trải qua thời ấu thơ, thấy khuôn mặt gã tuấn vĩ, phong thái uy nghiêm, khí độ đại tướng. Y thầm tán thưởng và càng thêm cảm phục.

Khước Hoàn Độ ngẩng lên nhìn Trác Bản Trường, mắt rực sáng, “Có hai người ta nhất định phải tiêu diệt trước khi chiến tranh Ngô – Sở nổ ra.”

Mắt Trác Bản Trường hằn vẻ thù hận, “Một trong hai kẻ đó nhất định là Trung Hành, thuộc hạ vẫn kín đáo dò tìm tung tích của kẻ phản đồ này, theo tin tức gần đây nhất thì tên tặc tử đó đang ở Bí Dương, gần Trường Thành. Tên thứ hai thì chắc phải đợi chúa công cho biết.”

Khước Hoàn Độ nói gằn giọng: “Tên thứ hai là Tương Lão.”

Trác Bản Trường rùng mình, Tương Lão danh động Sở quốc, giết người vô số, tuy bị bao nhiêu người căm hận đến tận xương tủy, cừu nhân rải khắp mọi chỗ, nhưng vẫn uy vững không đổ, nghĩ cũng đủ thấy tên này thực đáng sợ.

Khước Hoàn Độ kiên quyết: “Hai kẻ này ta nhất định phải giải quyết mau chóng, ngươi phái thủ hạ dò tìm hành tung của chúng, nhất cử nhất động phải báo cho ta biết, ta sẽ bí mật vào đất Sở giết chết hai đứa ấy.”

Gã nói với đầy đủ sự tự tin và vẻ uy nghiêm, Trác Bản Trường tuy muốn khuyên ngăn, nhưng cuối cùng không sao thốt được nên lời.

Khước Hoàn Độ dĩ nhiên hình dung được sự nguy hiểm khi đột nhập lãnh thổ nước Sở, nhưng nếu tương lai đối mặt trên sa trường, bị hai kẻ này nói toạc ra thân thế của mình thì hậu quả thực khó lường.

Vì vậy năm ngoái gã đã cho thân tín vào nước Sở trước, dùng mọi biện pháp liên lạc, cuối cùng tìm được Trác Bản Trường. Hai người thảo luận một hồi, mật định kế hoạch tương lai, mãi cho tới khi trời sáng, Trác Bản Trường mới vội vã rời phủ.

Trác Bản Trường đi rồi, Khước Hoàn Độ tâm tình phấn khởi, không muốn ngủ tí nào, bèn ra đường, nhàn nhã thả bộ.

Sáng tinh mơ, cũng ít người lai vãng.

Thình lình, có tiếng ngựa phi rít lên sau lưng gã.

Khước Hoàn Độ giật mình, biết ngay gặp chuyện phiền phức rồi.

Bởi tiếng vó ngựa vang lên chỉ cách gã chừng hai mươi trượng, kỵ mã chắc hẳn đã dừng đợi ở đó lâu lắm rồi, vừa thấy Khước Hoàn Độ ra là thúc ngựa đuổi theo, dần dần gia tăng tốc độ.

Khước Hoàn Độ nhẩm tính, khi truy kỵ đến sau lưng gã cũng là lúc nó đạt tới vận tốc cao nhất. Còn có một điểm đáng chú ý hơn, đó là trong tiếng ngựa ầm ầm như sấm lại loáng thoáng chen vào tiếng sóng rung rất nhẹ của kim khí.

Thính giác linh mẫn của Khước Hoàn Độ mách bảo gã, kỵ sĩ đang cầm một thứ binh khí rất cứng và dài kiểu như mâu hoặc kích trong tư thế giơ xéo trên cao trước đầu ngựa, mới có thể phát ra âm thanh kỳ quái như vậy.

Khước Hoàn Độ vẫn từ tốn bước, thong dong tiến lên phía trước.

Truy kỵ mỗi lúc một lại gần.

Mười trượng, chín trượng, tám trượng…

Khước Hoàn Độ nhận rõ vẻ khiếp sợ hiện lên trong mắt mấy người đang đi ngược chiều mình.

Họ nhao nhao tránh dạt sang một bên.

Thình lình, âm thanh rung giật nhè nhẹ của kim khí bỗng tan biến, thay vào đó là một tiếng rít phá không.

Sự chuyển biến này hết sức hàm súc vi diệu, chỉ có hạng cao thủ chuyên luyện thuật “Hộ tâm” như Khước Hoàn Độ mới cảm nhận được.

Gã mỉm cười, âm thanh thay đổi cho thấy mũi tấn công của địch nhân đã chuyển từ chéo sang ngang, từ cao xuống thấp hơn, đâm thẳng vào lưng gã.

Sáu trượng, năm trượng, ba trượng…

Khước Hoàn Độ vẫn hết sức bình thản, tập trung toàn bộ tinh thần vào truy kỵ sau lưng, tuy gã chưa hề ngoảnh đầu lại, nhưng mỗi nhịp móng ngựa, mỗi đợt rung của mũi mâu gã đều nắm bắt triệt để.

Hai trượng, một trượng… đà phóng cuốn theo kình phong thổi thốc cả y phục của Khước Hoàn Độ. Tiếng thét tức giận, tiếng kim loại xé gió, lợi khí trong tay địch nhân như sấm giật đâm thẳng vào lưng gã.

Khước Hoàn Độ cảm nhận được luồng gió sát rạt, bất luận thủ kình, góc độ hay vị trí xuất kích… đều là của một hảo thủ.

Gã im lìm lắc mình tránh, để mũi mâu dài đâm xoẹt qua sườn trái, rồi kẹp ngay lấy. Kiện mã phóng vù lên trước, kỵ sĩ mất đà chới với, song cũng thực bản lĩnh, trong lúc khẩn cấp vội thả lỏng đôi tay cầm mâu, hơi ngửa người ra sau lấy lại thăng bằng, không để Khước Hoàn Độ lôi khỏi mình ngựa.

Người đó bay vù lên trước, quát vọng lại “Ta thay Thư Nhã tiểu thư dạy ngươi bài học.”

Giọng loãng dần, bóng người cũng chỉ còn một cái chấm.

Khước Hoàn Độ điềm tĩnh nhìn theo, cái dạng nghé con chưa biết sợ cọp này, nếu ta không ngại rầy rà thì cho dù mười đứa như mi cũng chưa đủ mạng mà xuống hoàng tuyền, lại còn bày đặt đe dọa.

Gã rút cây mâu dài vẫn kẹp bên sườn trái ra xem, bên trên khắc một chữ “Trữ”, gã lập tức nhớ đến một viên đại tướng dưới quyền Bạch Hỉ là Trữ Trọng Mưu, chẳng biết tên trẻ tuổi này có quan hệ gì với kẻ ấy không.

Lúc này mấy tên thân binh sợ cuống cuồng chạy tới nơi, vội vã thỉnh tội.

Một tên vội thưa: “Đấy là Trữ Thanh, tam công tử nhà Trữ Trọng Mưu, là một trong những người đang đeo đuổi con gái Phu Khái Vương.”

Khước Hoàn Độ hiểu ra, nghĩ bụng dính đến Thư Nhã thì thật đau đầu.

Huống hồ Phu Khái Vương là một trong hai cán cân quyền lực ở Ngô quốc, chẳng may Ngô vương Hạp Lư có mệnh hệ nào, người thay ông ta chắc chắn là Phu Khái. Nay gã bị kẹp vào giữa mấy người này, tình thế quả thực phức tạp.