Chương 11: Xử bắn Liên Hóa Thanh (nửa chương cuối)

Hà Thần

Đăng vào: 2 năm trước

.

Năm

Người của Trần Đường Trang ai cũng bảo, Liên Hóa Thanh là yêu sông, mượn thai đầu sinh làm người ở chỗ dòng sông Vĩnh Định. Lời truyền bá này có căn cứ xác đáng, Quách sư phụ không dám coi thường. Ông ta biết rõ, vật sống dưới nước đều sợ sắt, ông cha ta thường nói ‘nước có thể trị sắt’, đa phần những vật trấn sông đều là trâu sắt hay hổ sắt. Ông ta sợ nửa đêm gặp chuyện không may, bèn tách chiếc hộp sắt thiêu xác trong nghĩa trang thành hai phần, rồi dùng chúng chặn hết cửa trước cửa sau, bấy giờ mới cảm thấy an tâm hơn. Nghe tiếng mưa rơi tí tách bên ngoài, nhìn tới trên dưới cả trăm cái nguyên bảo vàng mã chồng chất dưới ánh đèn dầu, ông ta chợt nhớ ra còn có bánh bao mua lúc giữa trưa, vừa khéo có đồ ăn lót dạ lúc nửa đêm. Sau khi ăn hết bánh bao, ông ta lại tiếp tục làm nguyên bảo, trong lúc mơ mơ màng màng, gục xuống mặt bàn ngủ lúc nào không biết. Miếu Hà Long có hai gian, gian phòng phía trước nhìn ra phố hàng mã, còn gian điện phía sau thì một nửa nằm trong nghĩa trang. Ông ta mơ màng ngủ ở trong căn phòng phía trước, trong lúc nửa mê nửa tỉnh, bỗng nhiên cảm thấy bên cạnh có người đang nói. Ngái ngủ mở mắt ra, ông ta đã thấy ngay có một người đang đứng trước mặt. Người này mặc áo khoác dài, vô cùng cao lớn. Ngọn đèn trong phòng rất tù mù, không nhìn thấy rõ mặt người đối diện, qua cách ăn mặc ông ta cảm thấy có phần quen mắt. Cửa trước cửa sau đều chặn kín, chẳng hiểu người này vào trong phòng bằng cách nào. Người này chỉ tay lên nóc căn phòng căn điện phía sau mấp máy môi, tuy rằng không nghe thấy nói gì, nhưng cử chỉ hành động có vẻ rất nôn nóng, giống như đang muốn nói cho ông ta biết: “Trên nóc nhà có thứ gì đó!”

Quách sư phó trong lòng giật đánh thót, nhìn kỹ lại thì trước mặt hoàn toàn không có một ai. Ngọn đèn trong phòng vẫn cháy, ông ta vội vàng cầm nó lên đi xuống gian điện phía sau xem xét. Gian điện đã nhiều năm không được tu sửa, đến nửa đêm, cơn mưa dữ dội đã làm mái điện bị xói lở mất một mảng lớn, gạch vỡ ngói vụn rơi xuống, tạo thành một lổ thủng rất to, trong lòng ông ta thầm hô nguy hiểm. Nếu toàn bộ mái điện nếu sụp xuống, có thể chôn sống người ở bên dưới. Trong lúc đang nghĩ ngợi, bỗng nhiên ông ta cảm nhận được trong không khí có mùi tanh tưởi của bùn dưới sông, cái mùi tanh tưởi đó y hệt như bãi nước đen ngòm mà Liên Hóa Thanh đã nôn ra trước khi bị xử bắn. Ngay sau đó, có một kẻ người không ra người quái vật không ra quái vật, nhảy xuống từ lỗ thủng trên mái điện. Con quái vật đó chỉ cao ba xích (~1m), chân tay đều có móng vuốt, thân thể đen như mực, hai mắt sáng như như hai ngọn đèn, nhảy bổ vào ông ta mà tấn công.

Ông ta tự hiểu, đây chính là con vật đã bỏ chạy ra khỏi thân xác Liên Hóa Thanh, toàn thân nó bị bao phủ trong một lớp bùn sông màu xanh thẫm bốc lên mùi xác chết đang phân hủy, rêu bám khắp bên ngoài. Trong gian điện phía sau nghĩa trang miếu Hà Long chỉ có một chén đèn dầu, mưa lọt qua lỗ thủng trên mái điện làm ngọn đèn tắt phụt, lập tức gian điện tối đen nhìn không rõ năm đầu ngón tay. Trong bóng tối, hai mắt của con quái vật giống hệt như ma trơi, không phân biệt nổi là cái giống gì, ông ta kinh hãi đến cực độ. Ông ta vừa mới thoáng giật mình, con quái vật đã cuốn theo làn gió tanh tưởi bổ nhào tới trước mặt. Trong tay trống trơn không có gì để làm vũ khí, ông ta lại không dám chắc hai nắm tay có chống đỡ được không. Lúc bấy giờ đi tìm vũ khí bằng sắt thì đã không còn kịp nữa rồi, ông ta đành phải chạy trốn vòng quanh đám quan tài. Bởi đã sống trong gian đại điện của nghĩa trang này nhiều năm, ông ta nắm rõ vị trí mỗi viên gạch từng viên ngói, kể cả nhắm lại vẫn có thể rõ như lòng bàn tay. Ông ta dốc hết sức lực chạy quanh đám quan tài trốn bên đông né bên tây. Mặc dù chủ động tấn công mãnh liệt, nhưng trong nhất thời con quái vật toàn thân bốc mùi xác chết phân hủy không thể nào đánh trúng ông ta. Tuy nhiên, ông ta vẫn thừa hiểu, trốn tránh không phải là biện pháp hợp lý, trong lòng nóng nảy khổ hết chỗ nói.

Con quái vật nhảy từ trên nóc điện xuống, liên tiếp tấn công mấy mà không trúng người, đuổi theo không rời, cứ một chốc lại bổ nhào vào đám quan tài. Những chiếc quan tài trong nghĩa trang đã nằm ở đây cả vài chục năm không còn lành lặn, trên mặt phủ một lớp gạo trắng. Thành quan tài bằng gỗ bách đã mục nát vỡ tung không còn ra hình dáng, đụng một cái là nát vụn. Vừa nghe thấy một tiếng răng rắc, ván gỗ của quan tài và gạo trắng đã văng tung tóe. Quách sư phó không quan sát được dưới chân, vấp một cái ngã lăn ra, trong lúc lăn lộn va vào bức tượng mộc Quảng Tế Long Vương. Như kẻ chết đuối vớ được cọc, ông ta vội trốn ra đằng sau bức tượng. Cảm nhận được làn gió âm u tanh hôi đang thổi tới gần, lúc bấy giờ ông ta bất chấp liều mạng một phen, tì bả vai và đầu vào bức tượng thần Long vương gia cao ba trượng, hét lên một tiếng rồi gồng người đẩy. Không hiểu do đâu mà lại bộc phát ra sức khỏe phi thường đến như vậy, chỉ nghe thấy rầm một tiếng vang vọng, bức tượng thần Quảng Tế Long Vương được hương khói trong điện lập tức đổ ập xuống, nện thẳng xuống con quái vật ở bên dưới. Mặc dù làm bằng đất, nhưng bức tượng thần cao tới ba trượng vẫn có trọng lượng tương đối lớn. Con quái vật toàn thân phủ đầy bùn đất lẫn rong rêu khua loạn hai cánh tay, nhưng vẫn bị bức tượng đất Long Vương đè nghiến xuống, không thể giãy ra được, chẳng bao lâu sau đã bất động. Bởi dùng sức quá độ, Quách sư phụ bất tỉnh nhân sự trong đại điện.

Đến khi trời sáng hẳn, ông ta mới tỉnh lại, nhìn lên trời qua lỗ thủng toang hoác trên mái điện. Ngoài trời mưa đã tạnh, ánh nắng gay gắt nóng rát mặt, vật đã bị bức tượng đất Quảng Tế Long Vương đè chết là một xác chết tóc tai rối tung, gương mặt phù thũng khó mà nhận ra đường nét, toàn bộ thân thể dính đầy bùn nhão và rong rêu, da có vảy, hôi thối không ngửi được. Chưa tới giữa trưa, nó đã chỉ còn sót lại xương cốt, da thịt đã biến thành vũng nước đen ngòm lênh láng trên mặt đất. Có người hiểu biết, nói đây là quỷ gây hạn dưới sông, là xác chết dưới sông bị âm hồn chiếm cứ. Kẻ năm xưa mượn thai đầu sinh vào Liên Hóa Thanh thực ra là quỷ gây hạn sống dưới sông Vĩnh Định, khó khăn lắm mới trưởng thành đến thế này, nhưng lại bị Quách sư phụ bắt ở nghĩa trang nhà họ Ngụy, giải đến pháp trường Tiểu Lưu Trang bắn chết. Một tia âm hồn thi hành pháp thuật mượn nước bỏ chạy, trốn về sông Vĩnh Định, quay trở về bản thể, chính là một xác ướp cổ ẩn trong lớp bùn dưới đáy sông, sau đó, lần tới chỗ Quách sư phụ. May mà Quảng Tế Long Vương hiển thánh, bức tượng đất đổ xuống đè chết yêu sông.

Sáu

Quách sư phụ cũng suy đoán giống như vậy. Ông ta nhớ lại lúc mình ngồi làm nguyên bảo vàng mã dưới ánh đèn, có một người mặc trường bào đã nhắc nhở bản thân trên nóc điện có vật gì đó, nhưng nhà ông ta không có người nào như vậy, không phải là Long Ngũ gia thì còn có thể là ai? Huống chi, với sức lực của mình, bất kể thế nào ông ta cũng không thể lay chuyển nổi bức tượng đất nặng đến như vậy. Qua đó có thể thấy, Quảng Tế Long Vương mới thật sự là “Thần sông”. Ông ta tự phát thệ, sau này sẽ đắp lại kim thân cho Quảng Tế Long Vương, nhưng không biết rằng lời hứa liên quan đến thần linh tuyệt đối không thể thốt ra tùy thích, đã hứa thì chắc chắn phải làm. Lúc bấy giờ, ông ta vẫn nghĩ là mình có thể thực hiện được, chỉ cần tiết kiệm tiền từng chút một, sớm muộn gì cũng sẽ có ngày đủ khả năng trùng tu đại điện miếu Hà Long. Ai ngờ, chưa đầy hai năm sau, toàn quốc đã giải phóng. Sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập, người ta xóa bỏ mê tín dị đoan. Miếu Long Vương thuộc về tàn tích của thời phong kiến, làm sao có thể được phê chuẩn trùng tu? Sau giải phóng, nghĩa trang miếu Hà Long bị dỡ bỏ, xung quanh đó nhà mái bằng mọc lên san sát. Câu chuyện năm xưa Quảng Tế Long Vương đuổi bắt hạn ma đại tiên, hiển thánh nhập vào bức tượng đất đè chết xác chết hóa thành quỷ gây hạn dưới sông Vĩnh Định đã chẳng còn mấy người biết tới, chỉ có lớp người già là còn người nhắc tới, đã thực sự trở thành truyền thuyết dân gian.

Sau vụ đuổi bắt Liên Hóa Thanh, khi nhắc tới Thần sông Quách Đắc Hữu, ở Thiên Tân hầu như là không người nào là không biết không ai là không hay. Nhưng Quách sư phụ không dám nhận cách xưng hô này, mà chỉ tập trung vào công việc dẫn đội tuần sông vớt xác cứu người. Đội cảnh sát đường thủy năm sông chỉ bận rộn vào mùa hè, bởi mùa này có nhiều người chết đuối. Đến mùa đông, mặt sông đóng băng, cho dù có người rơi xuống kẽ nứt chết đuối thì cũng không thể nào vớt lên được, đồng nghĩa với mấy tháng không có việc gì để làm. Vào quãng thời gian đó, ông ta dựa vào công việc dán giấy tường và lo liệu ma chay kiếm sống.

Lại nói về tấm bia đá ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Đầu năm một chín bốn chín, trong chiến dịch Bình Tân, đội quân hơn mười vạn quân dã chiến Đông Bắc tấn công Thiên Tân, chia thành hai đạo quân vừa chặn đầu vừa khóa đuôi. Nghĩa trang nhà họ Ngụy là điểm đột phá giải phóng quân đánh nghi binh, cho nên chiến trận thực ra lại không quá khốc liệt, nhưng pháo binh lại bắn dồn dập liên hồi. Khi ấy, tấm bia đá đã bị đạn pháo phá hủy. Sau này, người dân chuyển đến sống ở vùng đất trũng phía nam đông dần lên qua từng năm, hầm hố khắp mặt đất từng bước được lấp đầy, vùng đất này không còn bị ảnh hưởng bởi lũ lụt nữa. Bởi vì đạn pháo đã phá mất tấm bia đá, âm khí tích lại đậm đặc ở nghĩa trang nhà họ Ngụy cũng biến mất từ đấy, sau này không còn ai nhìn thấy ông lão bán mì hoành thánh và cô cháu gái kia nữa.

Bắt đầu từ vụ dìm xác ngã ba sông, báo mộng ở miếu thổ địa tại Trần Đường Trang, đào được quan tài ở công viên Lý Thiện Nhân, lục soát ngôi nhà bị ma ám ở nghĩa trang nhà họ Ngụy, bắt yêu ở thôn chó dữ, rắn thần chỉ đường ở sông Âm Dương, xử bắn Liên Hóa Thanh ở sân phơi gạch ngói của Tiểu Lưu Trang, cho đến tận chuyện Long Ngũ gia hiển thánh đè chết xác người hóa thành quỷ gây hạn dưới sông Vĩnh Định, những câu chuyện đồn đại về yêu sông Liên Hóa Thanh được kể đi kể lại ở Thiên Tân vệ rất nhiều năm. Trước kia còn có nghệ nhân Bình thư kể chuyện bằng cách hát hài hước châm biếm, đã dần biến những câu chuyện này thành Bình thư, đến các quán trà biểu diễn cho mọi người nghe, chủ đề chủ yếu xoay quanh con sông Âm Dương ở nghĩa trang nhà họ Ngụy. Càng ở đầu đường cuối ngõ, người biểu diễn càng nhiều, nội dung cũng càng thêm phần ly kỳ.

Thời xưa, cứ vài năm Thiên Tân lại xảy ra một trận lũ lụt. Nhưng đến bây giờ, khí hậu đã thay đổi quá nhiều, đất màu đã bị xói mòn nghiêm trọng, quanh năm suốt tháng không có mưa cũng là chuyện bình thường, làm sao còn có thể tưởng tượng ra được nạn lũ lụt xưa kia khủng khiếp như thế nào. Vùng đất dưới hạ lưu của chín con sông, trước giải phóng đã chịu đủ mọi khổ ải của nạn lũ lụt, cho nên đã xuất hiện không ít truyền thuyết về về yêu sông thủy quái. Kể từ sau khi nước Trung Quốc mới được thành lập vào năm một chín bốn chín, thập kỷ năm mươi chỉ xảy ra thêm một lần lũ lụt nữa, càng về sau mật độ nhân khẩu càng dày, những loại động vật như cáo hay sói vàng gần như đã tuyệt tích trong thành phố. Những câu chuyện ly kỳ quái dị cũng đã ít hơn trước nhiều, nhưng vẫn không phải là hoàn toàn không có, chỉ có điều là ít người biết đến mà thôi. Ví dụ như câu chuyện đuổi bắt yêu sông Liên Hóa Thanh, nội dung mà những người dân cao tuổi truyền miệng rỉ tai đại khái là bắt đầu từ lúc vớt xác bị dìm dưới ngã ba sông, cho đến khi bức tượng đất trong điện chính ở nghĩa trang đè chết quái vật mới kết thúc. Phần sách nói về con sông Âm Dương ở nghĩa trang nhà họ Ngụy tới đây trên cơ bản coi như đã kết thúc, nhưng câu chuyện về Thần sông thì còn lâu mới có thể chấm dứt. “Bắt yêu ở nghĩa trang nhà họ Ngụy” mới chỉ là phần đầu, kế tiếp sẽ nói tới chuyện “Ngôi nhà bị ma ám trong ngõ hẻm kho lương”, đó là một sự việc kỳ lạ xảy ra bên bờ sông Hải Hà vào thập niên năm mươi sáu mươi sau khi đất nước được thành lập vào năm một chín bốn chín, rất ít người biết tới.