Chương 9

Đông Cung

Đăng vào: 2 năm trước

.

Trong ký ức có đốm sáng lập lòe lúc tỏ lúc mờ, dường như bức màn sương mù vừa được vén lên, khoe cảnh hư ảo, huyền hoặc. Và bỗng nhiên, tôi thấy chính mình.

Tôi thấy mình ngồi trên cồn cát, ngắm mặt trời đang lặng lẽ khuất bóng, thấy trái tim mình từ từ rũ héo, chờ ánh tà dương le lói rồi chợt tắt sau rặng đồi phía xa. Màn đêm đặc quánh buông mình phủ khắp đất trời, tia sáng cuối cùng đã biến mất.

Tôi tuyệt vọng quẳng miếng ngọc bội xuống cát, leo lên ngựa, bỏ đi không ngoảnh lại dù chỉ một lần.

Gã sư phụ tồi! Gã sư phụ đáng ghét! Thế mà cứ huyên thuyên rằng sẽ làm mối cho tôi, sẽ tìm cho tôi người đàn ông đẹp trai nhất trần đời! Gã lừa tôi ra đây, làm tôi mất công đợi ba ngày ba đêm!

Mấy ngày trước, Hoàng đế Trung Nguyên phái sứ thần cầu thân với cha tôi, tỏ ý rằng, Thái tử Trung Nguyên nay đã mười bảy, mong được lấy Công chúa Tây Lương làm chính thất, cốt để thắt chặt mối bang giao tốt đẹp đời đời giữa hai nước. Trung Nguyên từng gả cho Tây Lương một cô công chúa, bây giờ tới lượt chúng tôi phải đưa công chúa sang Trung Nguyên.

Nhị tỷ và tam tỷ xem chừng muốn đi lắm, nghe nói cuộc sống ở Trung Nguyên rất đầy đủ, được ăn ngon, mặc đẹp, nước non dồi dào, không phải di cư dọc theo nơi có đồng cỏ và nguồn nước, tránh được nỗi khổ gió cát sa mạc… Mà theo lời sứ thần nói thì tương lai, thái tử phi sẽ được tấn phong làm hoàng hậu Trung Nguyên, thân phận không thể là con thứ thiếp, cho nên họ muốn chọn một công chúa là con ruột của đại yên thị[1] và cha tôi. Tôi không hiểu đây là quy ước gì nữa, nhưng vì đại yên thị không ai khác chính là mẹ tôi, trong khi bà chỉ có mình tôi là con gái, xem ra số tôi phải đến Trung Nguyên làm dâu rồi. Nhị tỷ và tam tỷ thì ao ước được tới làm dâu đất Trung Nguyên, song tôi chẳng thích thú gì. Trung Nguyên thì có gì hay? Đàn ông Trung Nguyên, tôi nhìn chán rồi, mấy gã thương nhân buôn tơ lụa đến từ Trung Nguyên, gã nào gã nấy đều trói gà không chặt, đừng nói đến bắn cung, ngay cả cưỡi ngựa cũng kém cỏi. Người ta nói Thái tử Trung Nguyên từ nhỏ đã ở lì trong thâm cung, ngoài vẽ tranh, ngâm thơ, hẳn chẳng biết gì khác.

[1] Đại yên thị: Danh xưng dành cho hoàng hậu của vua Hung Nô.

Lấy một gã chồng đến cung cũng không giương nổi, nghĩ thôi tôi đã tức. Tôi mè nheo mất mấy ngày, cha tôi liền dỗ dành:

– Con đã không đồng ý lấy Thái tử Trung Nguyên thì thôi vậy, để ta lựa lời nói với họ. Nếu con có ý trung nhân rồi, vậy để ta tổ chức lễ đính hôn cho các con, sau đó ta sẽ giải thích với người Trung Nguyên, khuyên họ chọn công chúa khác, làm vậy họ có muốn bắt bí chúng ta cũng không được.

Bấy giờ tôi vẫn chưa tròn mười lăm tuổi, đám con trai trong tộc chỉ coi tôi như em gái, đi săn không thèm rủ, hát hò cũng không thèm gọi… Tôi biết đi đâu tìm ý trung nhân chứ?

Buồn chết mất thôi!

Sư phụ biết chuyện liền vỗ ngực khẳng định sẽ tìm cho tôi một gã đẹp trai nhất trần đời. Sư phụ bảo Trung Nguyên gọi đây là “dạm mặt”, đôi bên nam nữ gặp riêng một lần, nếu tâm đầu ý hợp, cha mẹ sẽ đứng ra quyết định rồi nhờ người mai mối. Gặp nhau có một lần thì làm sao biết người ta thế nào, song giờ tình hình cấp bách, chỉ cần không phải lấy Thái tử Trung Nguyên, tôi liền đồng ý đi dạm mặt.

Sư phụ nói địa điểm dạm mặt ở trên đồi cát cao nhất cách thành ba dặm. Sư phụ đưa tôi một mảnh ngọc bội, dặn rằng mảnh còn lại do người kia cầm, rồi còn bảo tôi nhớ để ý cẩn thận, phải nhìn cho kĩ, xem có vừa ý không.

Biết ngay sư phụ lại giỡn tôi mà, ngày nào người cũng lôi tôi ra làm thú tiêu khiển. Lần trước sư phụ bảo, sau núi Yên Chi có con sông Quên, hại tôi chất lương khô, rong ngựa chẵn mười ngày mười đêm. Rốt cuộc xới tung cả núi Yên Chi, chỉ tìm thấy một đồng cỏ mênh mông sau lưng núi, đến đầm nước cũng không có, nói gì tới sông Quên.

Cả đi lẫn về mất hai mươi ngày, tôi đi một vòng dưới chân núi suýt nữa thì lạc, may gặp một người chăn dê, loay hoay mãi mới tìm được đường về thành. Mẹ tưởng tôi đi lạc không trở về nữa nên ngã bệnh. Mẹ ôm tôi khóc rấm rức, cha nổi giận lôi đình, nhốt tôi trong Vương thành suốt mấy ngày trời, cấm được bước chân ra khỏi cửa. Sau đó tôi chất vấn sư phụ hòng xả cơn giận, thế mà người còn bảo:

– Ta mới nói thế mà muội đã tin rồi à? Muội phải biết rằng, trên đời này thế nào cũng có kẻ muốn lừa muội, muội không thể tin những gì họ nói. Ta đang dạy muội, chớ nhẹ dạ cả tin, bằng không sau này sẽ thiệt thân.

Tôi nhìn đôi mắt sáng long lanh của sư phụ, vô cùng tức tối.

Sao tôi chẳng rút ra được bài học nào thế nhỉ? Tôi bị sư phụ lừa không biết bao nhiêu lần nhưng lần nào tôi cũng tin một cách khờ khạo.

Mà có lẽ, cả đời tôi chẳng thể nào thông minh, mưu trí được như sư phụ.

Tôi bực bội rong ngựa về, chú ngựa nhởn nhơ gặm cỏ dọc đường, suốt quãng đường về tôi ngẫm nghĩ, hay cứ nói với cha rằng tôi thích sư phụ, rồi xin phép người cho tôi và sư phụ được đính hôn nhỉ? Đằng nào sư phụ cũng hại tôi nhiều lần lắm rồi, lần này tôi sẽ cho sư phụ biết tay, chắc không có gì quá quắt đâu.

Tôi sung sướng nghĩ ý kiến này quá là tuyệt vời, rồi lòng tôi phấn chấn hẳn lên, vừa thúc ngựa phi về Vương thành vừa ngân nga hát:

“Có con cáo nhỏ cô đơn.

Ngồi trên cồn cát ngắm trăng một mình,

Cơ mà đâu phải ngắm trăng,

Cáo đang mong đợi cô nàng chăn dê.

Có con cáo nhỏ bơ vơ,

Ngồi trên cồn cát thẩn thơ sưởi mình,

Nào đâu cáo muốn sưởi mình,

Cáo đợi cô mình cưỡi ngựa đi qua.”

Tôi đang cao hứng, bỗng phía sau có người gọi:

– Cô bé, đồ của muội rơi này!

Tôi ngoái đầu, thấy một kẻ đang ngồi trên con ngựa trắng.

Sư phụ nói, những kẻ cưỡi ngựa trắng chưa chắc đã là hoàng tử, mà có khi là Đường Tăng từ Đông thổ Đại Đường đến Tây Thiên thỉnh kinh. Song gã trai này vận áo dài màu trắng chứ không phải áo cà sa, phải công nhận, xưa nay tôi chưa từng gặp một gã trai nào mặc đồ trắng đẹp như thế này. Những thương nhân người Ba Tư thỉnh thoảng đến đây cũng thường mặc đồ màu trắng, nhưng đám người Ba Tư kia vận màu trắng dưa lê, còn màu trắng trên người gã trai này có vẻ sáng trong như ánh trăng.

Hắn nom cũng thật đẹp trai, mắt mày cong cong tựa nét cười, mặt mũi trắng ngần như ngọc Hòa Điền thượng hạng, tóc tết kiểu Tây Lương, mà tiếng Tây Lương của hắn cũng khá lưu loát. Có điều, thoạt trông tôi đã nhận ra hắn là người Trung Nguyên, đàn ông Tây Lương không ai trắng như hắn. Hắn ngồi trên lưng ngựa, toàn thân toát ra khí thế mà tôi từng thấy ở cha mình, lúc người thúc ngựa, vác đao duyệt binh, trong tiếng hô vang của ba quân, ánh mắt người kiêu hãnh nhìn xuống quân đội, lãnh thổ và những đứa con của mình.

Gã trai này cũng nhìn tôi bằng ánh mắt từa tựa như thế, như thể hắn là vị quân vương duy nhất trên đời này.

Con tim tôi nhảy nhót loạn xạ, ánh mắt hắn tựa như cơn lốc xoáy giữa hoang mạc, lao đến, cuốn phăng mọi thứ. Tôi tự nhủ, quả nhiên hắn có sức hút kỳ lạ, khi hắn nhìn tôi, đầu tôi như trống rỗng. Miếng ngọc bội trắng ngần nằm gọn trên những ngón tay thon dài của hắn, chính là miếng tôi vừa quẳng đi. Hắn nói:

– Không phải đồ của muội đánh rơi à?

Vừa nhìn thấy nó, tôi lại bực bội, bèn đanh mặt, gắt gỏng:

– Không phải.

Hắn nói:

– Nơi mênh mông không người này, không phải là đồ của muội, vậy là đồ của ai?

Tôi dang tay múa may một hồi, nói:

– Ai bảo ở đây không có người? Chỗ này có cát, có trăng, có sao…

Hắn bỗng nhoẻn miệng cười, cất giọng khe khẽ:

– Và có cả muội nữa…

Tôi như bị trúng tà, mặt bỗng nóng bừng. Tuy tuổi còn nhỏ, song tôi vẫn hiểu trong câu nói của hắn có mấy phần cợt nhả. Tôi bắt đầu thấy hối hận khi lẻn ra ngoài một mình, chỗ nay đồng không mông quạnh, hắn mà động thủ, chưa chắc tôi đã đọ nổi hắn.

Tôi xẵng giọng, nói:

– Huynh biết tôi là ai không? Tôi là Cửu Công chúa của Tây Lương, cha tôi là quốc vương Tây Lương, mẹ tôi là đại yên thị, cũng chính là nữ vương của Đột Quyết, ông ngoại tôi là đại thiền vu[2] Thiết Nhĩ Cách Đạt quyền uy nhất Tây Vực, kền kền trên sa mạc nghe danh ông ngoại tôi cũng sợ không dám đậu xuống. Huynh mà dám xấc xược thì cha tôi nhất định sẽ bắt huynh trói sau ngựa, cho ngựa kéo đến chết.

[2] Thiền vu: Tước hiệu của các lãnh đạo tối cao của dân du mục ở Trung Á trong tám thế kỷ, bắt đầu từ thời nhà Chu (1045-254 TCN) và được thay thế bởi tước hiệu khả hãn vào năm 402 CN. Tước hiệu này được thị tộc Luyên Đê của người Hung Nô sử dụng ở thời nhà Tần (221-206 TCN) và nhà Hán (206 TCN-220 CN).

Hắn thản nhiên mỉm cười, nói:

– Cô bé này đáo để thật, chưa gì đã dọa người ta? Muội biết ta là ai không? Ta là Cố Ngũ Lang của Trung Nguyên, cha ta là chủ tiệm chè, ông ngoại ta là nông dân trồng chè, tuy gia đình ta không quyền cao chức trọng gì nhưng nếu muội bắt ta trói sau ngựa, cho ngựa kéo đến chết, chỉ e Tây Lương của muội sẽ không có chè ngon mà uống đâu.

Tôi há miệng, trợn mắt nhìn hắn. Chè mới du nhập vào Tây Lương mấy năm qua, trong mắt người dân Tây Lương, nó quả thật là đồ uống kỳ diệu. Cha tôi rất thích uống chè của Trung Nguyên, mà mọi người ở Tây Lương đều thích uống chè, không ai nỡ bỏ dù chỉ một ngày. Nếu tên này nói thật, vậy phiền phức rồi đây.

Hắn vẫn nhìn tôi chằm chằm, còn cười mỉm nữa chứ.

Đang cơn bực mình, tôi bỗng nghe sau lưng có tiếng ai đó phì cười.

Tôi ngoái đầu nhìn, hóa ra là sư phụ. Không hiểu sư phụ từ đâu ra, còn nhìn tôi rồi cười.

Tôi bực mình, nói:

– Sao cón dám đến gặp ta? Hại ta mất ba ngày ba đêm đợi trên cồn cát! Cái gã đẹp trai nhất trần đời sư phụ bảo tìm giúp ta đâu hả?

Sư phụ chỉ vào gã cưỡi ngựa trắng, nói:

– Chính hắn đấy thôi!

Cố Ngũ Lang cười tinh quái, xòe bàn tay. Bấy giờ tôi mới nhận ra, trên ta hắn không phải có một mảnh ngọc bội, mà là một đôi. Với đôi ngọc bội trên tay, nom hắn hớn hở như vừa được xem kịch hay.

Mặt tôi nghệt ra, lúc lâu sau mới sực tỉnh, tôi không thèm lấy gã người Trung Nguyên này! Đành rằng hắn đẹp trai thật đấy, nhưng mồm miệng cũng đáo để ra trò, chẳng chịu nhường ai đến nửa câu, đã thế còn cả gan chọc người ta nữa chứ, tôi căm ghét nhất kẻ nào dám trêu mình!

Bụng dạ tức tối, tôi thúc ngựa quay về, chẳng thiết nhìn hắn thêm nữa. Sư phụ và gã Cố Ngũ Lang kia cưỡi ngựa thong dong đi đằng sau, thỉnh thoảng trao đổi mấy câu.

Sư phụ nói:

– Ta cứ tưởng đệ không đến cơ đấy!

Gã Cố Ngũ Lang đáp:

– Nhận được bồ câu đưa thư, đệ không đến đâu có được.

Thấy bọn họ trò chuyện thân mật tôi mới hiểu, thì ra sư phụ và hắn quen biết từ trước, hai người dường như nói mãi không hết chuyện. Dọc đường, sư phụ giảng giải về phong tục tập quán và lễ tiết của Tây Lương cho tay Cố Ngũ Lang ấy nghe. Hắn nghe rất chăm chú, thỉnh thoảng có vài câu truyền đến tai tôi. Tôi không muốn nghe cũng khó, bọn họ dần chuyển từ chuyện phong thổ sang chuyện thông thương buôn bán, chưa bao giờ tôi nghe sư phụ nói nhiều đến thế, nghe mãi cũng chán, tôi ngáp ngắn ngáp dài.

Lớp tường bao màu xám chạy quanh Vương thành đã thấp thoáng đằng xa, dải tường thành và cổng lầu rất lớn được chất từ tầng tầng lớp lớp gạch vụn. Thành quách sừng sững tựa những rặng núi nối đuôi nhau trải dài, tường thành cao chót vót che lấp một góc trời, càng đến gần càng thấy thành lũy cao vời vợi. Trên đất Tây Vực hoang liêu, trong phạm vi mười dặm đổ lại không đâu có được tòa thành lớn thế này. Các bộ tộc Tây Lương vốn sống dọc theo nơi có đồng cỏ và nguồn nước, khoảng một trăm năm trước, các bộ lạc Tây Vực đã liên kết với nhau thành một liên minh hùng mạnh dưới quyền một vị thiền vu, sau đó dựng nên Vương thành hùng vĩ này, từ đó lấy tên là Tây Lương Quốc. Trải qua nhiều thế hệ liên hôn giữa các tộc Đột Quyết, Khâu Từ, Nguyệt Thị, lại được Trung Nguyên phong thưởng; chưa kể Vương thành nằm trên con đường thông thương quan trọng nối giữa Trung Nguyên và Đại Thục mà các thương nhân ắt phải đi qua, chính điều đó đã mang lại sự phồn vinh cho Vương thành. Bên cạnh đó, các vị thiền vu tiền triều luôn chú trọng vào lực lượng quân sự, binh sĩ của chúng tôi dũng mãnh, thiện chiến và cho đến ngày nay, Tây Lương đã vươn lên trở thành cường quốc của Tây Vực. Lãnh thổ tuy nhỏ, song kể cả Trung Nguyên cũng không dám xem tường Tây Lương.

Thành lũy đồ sộ nổi bật giữa nền trời tím sậm, càng nhìn càng thấy hùng vĩ, tráng lệ. Trông đèn lồng nhấp nháy treo trên đỉnh lầu lại tưởng một vì sao lớn điểm trên bầu trời đầy sao mênh mông, bất tận. Sao nhỏ li ti như hạt đường trải khắp bầu trời, còn Vương thành nhìn giống chiếc bánh nang[3] bọc đường, mỗi lần thấy nó, tôi lại có cảm giác thỏa mãn, cứ như vừa được đánh chén no nê.

[3] Bánh nang: Món ăn chính của người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương – Trung Quốc.

Tôi thúc ngựa chạy nhanh hơn, chuông loan thắt dưới cổ ngựa ngân vang lảnh lót, hòa với tiếng lục lạc nơi xa, nghe rất êm tai. Cổng thành luôn mở qua đêm, vì thể nào chốc nữa cũng có đoàn buôn tranh thủ lên đường nhân lúc trời về đêm mát mẻ. Tôi phi ngựa vào đầu tiên, người bán nước giếng ngoài cổng thành đã quá quen mặt tôi, liền cất tiếng gọi: “Cửu Công chúa!”, rồi tung cho tôi một chùm nho. Đám thương nhân qua đường thường tặng bọn họ, lần nào họ cũng phần tôi chùm to, ngọt nhất.

Tôi vui vẻ đón chùm nho, ngắt một quả bỏ vào miệng, ngấu nghiến nhai lớp vỏ mỏng, vị ngọt mát tan ra nơi đầu lưỡi. Tôi ngoái đầu hỏi sư phụ:

– Hai người ăn không?

Bấy lâu nay tôi chưa từng gọi người này một tiếng sư phụ, dạo đó tôi nhận sư phụ chẳng qua là do bị lừa. Hồi mới quen, thoạt đầu tôi không biết kiếm thuật của gã xuất chúng hơn người, nghe gã nói thấy nóng gáy nên quyết đấu kiếm một trận. Ai thua phải chấp nhận bái người kia làm sư phụ, có thể đoán tôi đã thua thảm hại cỡ nào, đành xuống nước nhận gã làm sư phụ. Tuy làm sư phụ, song gã thường xuyên giở những trò không xứng mặt sư phụ, bảo sao tôi không thèm gọi một tiếng sư phụ, được cái gã cũng không để bụng, mặc kệ tôi suốt ngày gọi trống không.

Sư phụ lắc đầu bâng quơ, rồi lại mải mê nói chuyện cùng gã mặc áo trắng đi bên cạnh. Thỉnh thoảng sư phụ cũng dạy tôi mấy câu trong sách vở của người Trung Nguyên, cái gì mà: “Khi thiếp đã gặp được chàng. Rằng sao mà chẳng rộn ràng vui tươi?”[4], hay “Quân tử khiêm hòa, dịu dàng như ngọc”… Nói đi cũng phải nói lại, tôi cứ tưởng quân tử thường mặc áo trắng, sư phụ cũng thích mặc màu trắng, song sư phụ thì quân tử cái gì chứ, lưu manh thì có.

[4] Trích trong bài Phong vũ, thuộc phần Quốc phong – Kinh thi. Bản dịch của Tạ Quang Phát.

Thời gian Cố Tiểu Ngũ nán lại thành Tây Lương, hắn ở tạm chỗ sư phụ. Nơi sư phụ ở bày biện như bao nhà của người Trung Nguyên khác, mát mẻ, sạch sẽ và không nuôi lạc đà.

Tôi vẫn ghé nhà sư phụ chơi như thường lệ, dần dần trở nên thân thiết với Cố Tiểu Ngũ. Nghe nói hắn là thiếu gia của một tiệm chè, phần lớn người hay qua lại với hắn là thương nhân buôn chè của Trung Nguyên. Trong buồng hắn ở, lúc nào cũng chuẩn bị sẵn chè ngon và nhiều thứ ngon lành khác, như bánh ngọt kiểu Trung Nguyên hoặc một vài món đồ chơi kì lạ, hay ho, chúng khiến tôi quyến luyến mãi không rời. Nhưng ghét nhất là, lần nào gặp tôi, Cố Tiểu Ngũ cũng hỏi:

– Cửu Công chúa ơi, bao giờ muội mới chịu lấy ta?

Tôi giận quá hóa thẹn, chỉ tại lão sư phụ mà sự tình mới ra nông nỗi này. Tôi thường hét toáng lên:

– Ta thà lấy Thái tử Trung Nguyên, chứ quyết không lấy loại người vô lại như huynh.

Lần nào hắn cũng bật cười giòn tan.

Thực ra trong lòng tôi tự nhủ, tôi chẳng muốn lấy ai hết, đang yên đang lành ở Tây Lương, cớ gì phải làm dâu đất Trung Nguyên xa xôi?

Nói thế thôi, chứ sứ thần Trung Nguyên lại bắt đầu thúc giục cha tôi, thêm vào đó, Nguyệt Thị ở phía bắc núi Yên Chi, nghe nói Trung Nguyên phái sứ thần đến cầu thân với cha tôi nên họ cũng sai sứ thần mang theo rất nhiều lễ vật đến Tây Lương.

Nguyệt Thị vốn là nước lớn nhất, nhì trên khắp Tây Vực, binh sĩ trong tay họ lên đến mười vạn, đều là quân dũng mãnh, thiện chiến, cha tôi không muốn thất lễ, đành tiếp kiến sứ thần Nguyệt Thị trong Vương cung. Tôi sai hầu gái đi nghe trộm họ bàn chuyện, cô hầu gái hổn hển chạy về thì thầm kể tôi nghe, bữa nay sứ thần thay mặt Đại Thiền vu bên Nguyệt Thị đến là để dạm hỏi. Đại Thiền vu của Nguyệt Thị năm nay đã năm mươi, đại yên thị vợ lão là nữ vương của Đột Quyết, vốn là chị ruột của mẹ tôi, song vị Đại Yên thị này năm ngoái không may bệnh nặng qua đời, mà bên cạnh Thiền vu cuả Nguyệt Thị cũng có khá nhiều yên thị, xuất thân từ những bộ lạc khác nhau, họ không ngừng tranh chấp, chức đại yên thị đến nay vẫn phải bỏ ngỏ. Giờ Nguyệt Thị nghe nói Trung Nguyên phái sứ thần đến Tây Lương cầu hôn, họ cũng phái sứ bộ đến hỏi cha tôi, xin được cưới tôi về làm đại yên thị của nước họ.

Mẹ tôi nghe xong giận lắm, tôi cũng bực không kém. Lão Đại Thiền vu kia vốn là bác rể tôi, mà lão cũng đã ở cái tuổi râu bạc phơ rồi, song vẫn còn muốn lấy tôi về làm đại yên thị của Nguyệt Thị, đừng hòng tôi lấy một lão già làm chồng. Cha tôi không nỡ đắc tội Trung Nguyên, cũng không đành lòng thất lễ với Nguyệt Thị, người buộc phải ậm ờ lần lữa chưa vội quyết. Hiềm vì hai bên sứ thần đều nán lại Vương thành, về lâu về dài khó lòng trì hoãn được nữa, tôi hạ quyết tâm, định lén bỏ sang chỗ ông ngoại.

Hằng năm, mỗi độ thu về, tầng lớp quý tộc Đột Quyết thường tập trung săn bắt trên đỉnh núi Thiên Hằng, Trung Nguyên gọi là “Hội săn mùa thu”. Nhân dịp đi săn, ông ngoại thường sai người đến đón tôi về chơi, nhất là hai năm gần đây, sức khỏe ông có vẻ yếu đi nên năm nào tôi cũng sang thăm ông, ông luôn nói:

– Gặp cháu giống như được gặp mẹ cháu, ông rất mừng.

Theo tập tục của người Đột Quyết, con gái đã xuất giá không được phép về nhà ngoại thăm cha mẹ, trừ phi bị nhà chồng đuổi. Vậy nên lần nào tiễn tôi đi thăm ông, mẹ cũng phấn khởi căn dặn tôi nhớ thay mặt mẹ đến vấn an họ hàng đằng ngoại bên Đột Quyết. Tôi lén đem kế hoạch này tiết lộ với mẹ, dẫu sao mẹ cũng không bằng lòng gả tôi đến Trung Nguyên, càng không muốn tôi lấy chồng Nguyệt Thị. Mẹ giấu cha giúp tôi chuẩn bị nước và lương khô, rồi nhân lúc cha không có trong Vương thành, bí mật đưa tôi ra ngoài.

Tôi cưỡi ngựa, phi thẳng về hướng núi Thiên Hằng.

Vương thành ba mặt giáp núi, núi Yên Chi nhấp nhô trùng điệp vắt từ tây sang bắc, những ngọn núi cao ngất nối đuôi nhau tựa thân rồng uốn lượn, đôi khi giống một người khổng lồ vươn những cánh tay dài ôm trọn Vương Thành, ngăn gió chặn cát, ngăn không khí lạnh, biến Vương thành dưới chân núi trở thành một ốc đảo có khí hậu ấm áp, ôn hòa. Hướng đông là núi Thiên Hằng có đỉnh cao chót vót, sừng sững giữa đất trời như muốn chọc thủng mấy tầng mây, chẳng khác nào mấy tấm bình phong mà tiểu thương Trung Nguyên mang đến, chóp núi quanh năm đội nón tuyết trắng tinh, nghe nói chưa ai leo được lên đó. Vượt qua rặng núi, với những đồng cỏ mênh mông, non tơ trải dài đến tận chân trời, chính là quê ngoại của tôi.

Lúc ra khỏi thành, tôi để lại một mảnh giấy cho sư phụ, dạo gần đây sư phụ bận rộn, kể từ lúc gã Cố Tiểu Ngũ xuất hiện, tôi cũng ít khi được gặp người. Tôi nghĩ bụng, mình đi Đột Quyết đợt này, qua mùa đông mới trở về nên viết mảnh giấy bảo thầy chớ quên chăm hộ A Ba, A Hạ sau vườn nhà hộ tôi. A Ba và A Hạ là hai chú chuột tôi tình cờ bắt được. Cha cấm tôi nuôi chuột trong phòng ngủ, tôi đành gửi lại chỗ sư phụ.

Nhân lúc trời mát mẻ, giữa đêm, tôi nối đuôi đội buôn ra khỏi Vương thành, đội lái buôn rẽ hướng tây, tôi vòng hướng đông.

Sa mạc trong đêm tĩnh lặng quá, vòm trời đen mượt tựa nhung tơ như sà xuống trong tầm tay, sao trên trời như ở rất gần, sáng lấp lánh, gợi người ta nghĩ tới giọt sương đọng trên lá nho cũng mang cảm giác mát rượi như thế.

Tôi băng qua cồn cát rộng lớn, trông đám cỏ lưa thưa để chắc chắn mình không bị nhầm đường. Con đường này hầu như năm nào tôi cũng đi qua một lần, có điều lúc ấy luôn đi cùng những kỵ binh ông ngoại phái tới, còn hôm nay có mình tôi dò dẫm. Nhờ có sao Bắc đẩu chỉ đường, ngựa chạy băng băng trên sa mạc. Tôi bắt đầu suy tính, lần này gặp ông, nhất định phải nài nỉ ông sai đầy tớ bắt cho tôi một con chim biết hót mới được.

Trời hửng sáng cũng là lúc tôi buồn ngủ díp mắt. Mặt trời đỏ rực sắp ló dạng, ánh hào quang màu tím nhạt bừng lên khắp vùng trời phía đông. Bầu trời xanh xám để lọt vài tia trắng, làn hơi nước bốc lên lưng chừng trời cao, cuộn mình thành lớp sương sớm mỏng manh. Tôi thầm nghĩ, phải tìm chỗ nào đó nghỉ ngơi, càng về trưa, mặt trời càng chói chang, đó không phải thời gian thích hợp để lên đường.

Lội qua một dòng sông nhỏ trong veo, thấy gò đất râm mát, tôi nhảy phắt xuống ngựa, thả ngựa tự đi gặm cỏ, còn mình gối đầu lên bọc lương khô, đánh một giấc. Ngủ một mạch tới khi nắng xiên từ phía tây, rọi vào mặt khó chịu vô cùng, tôi mới mở mắt.

Tôi lấy lương khô trong bọc ra ăn, uống hết phân nửa túi nước, đong đầy lại rồi mới huýt sáo gọi ngựa.

Thoáng chốc, từ xa vọng lại tiếng vó ngựa quen thuộc, con ngựa nhỏ đang chạy băng băng về phía tôi, thở phì phì ra điều khoan khoái. Chớp mắt nó đã kìm vó, dừng trước mặt tôi, liếm láp tay tôi tỏ vẻ thân quen. Tôi vuốt ve chiếc bờm dài, rồi hỏi nó:

– Ăn no chưa?

Tuy nó không biết nói nhưng nó biết dùng ánh mắt để nói lên cảm xúc, đôi mắt to hiền hòa phản chiếu bóng hình tôi. Tôi vỗ vào bụng nó, nó bỗng hí lên đầy vẻ nóng nảy. Tôi lấy làm lạ, tự nhiên nó hí vang rền rồi nện móng loạn xạ xuống bãi cỏ, tỏ vẻ bất an, lẽ nào gần đây có sói?

Trên thảo nguyên, loài đáng sợ nhất là chó sói, chúng tập hợp thành bầy đàn, dân du mục đi một mình trên thảo nguyên chẳng may gặp phải chúng tất sẽ bỏ mạng. Có điều giờ đang là mùa thu, là lúc cỏ tươi tốt mà nước cũng dồi dào, linh dương và thỏ hoang có ở khắp nơi, thức ăn cho bầy sói khá nhiểu, chúng ẩn mình trên núi Thiên Hằng, chẳng có cớ gì để kéo bầy xuống đây, không thể có chuyện chúng xuất hiện ở thảo nguyên lúc này được.

Song chú ngựa nhỏ tỏ vẻ cáu kỉnh, ắt phải có lý do. Tôi lên ngựa, tiếp tục hành trình, thẳng tiến về phía núi Thiên Hằng, vòng qua chân núi là đã đến ranh giới giữa Đột Quyết và Tây Lương. Mẹ đã sai người gửi thư báo cho ông ngoại, thế nào cũng có người đứng đó chờ tôi. Để an toàn, tốt nhất tôi nên đến những nơi có người sinh sống.

Vừa thúc ngựa chạy chưa được bao xa, bỗng tiếng vó ngựa lọt vào tai tôi. Tôi đứng trên yên ngựa ngó quanh quất, thấy thấp thoáng đằng xa có một đường đen, đoán chừng đám này không ít người. Lẽ nào cha sai người đuổi theo tôi? Do khoảng cách xa quá, quả thực tôi không nhìn không rõ cờ hiệu của đội kỵ binh nọ. Tôi thấy ruột gan cồn cào như lửa đốt, đành thúc ngựa chạy thục mạng tới núi Thiên Hằng. Một khi đã đến ranh giới Đột Quyết, gặp được người của ông ngoại, cha cũng không thể miễn cưỡng bắt tôi về được.

Đội kỵ binh đuổi theo càng lúc càng gần, tôi thúc ngựa lao về phía trước như mũi tên đã bắn khỏi cung. Nhưng giữa thảo nguyên bao la không một lằn ranh, không một chướng ngại vật, dù sức ngựa chạy nhanh đến mấy thì sớm muộn gì cũng bị bắt kịp.

Tôi không ngừng ngoái đầu nhìn đám binh sĩ truy đuổi mình, bọn chúng đuổi tới sát tôi lắm rồi, ít nhất phải có đến nghìn tên. Giữa thảo nguyên, trông đám kỵ binh ấy quả thật tôi thấy rùng mình. E rằng đến cha tôi cũng không tùy tiện điều động nhiều người như vậy chỉ để bắt tôi. Vừa phi ngựa phóng như bay, tôi vừa thắc mắc, rút cuộc, những binh sĩ đó là từ đâu đến?

Chẳng mấy chốc, vó ngựa của tôi đã gần đến chân núi Thiên Hằng, phía xa xa, loáng thoáng trông thấy vài đốm đen, tai văng vẳng tiếng ngân dài. Đúng là bài ca chăn cừu của người Đột Quyết rồi, giai điệu ấy vọng vào tai tôi đầy thân thuộc, tôi tự nhủ đó hẳn là người do ông ngoại cử đến đón mình. Tôi bèn kẹp chặt bụng ngựa, thúc nó chạy nhanh hơn nữa. Toán người Đột Quyết cũng nhận ra tôi, họ đứng trên yên ngựa, gắng sức vẫy tay ra hiệu.

Tôi cũng vẫy tay chào lại, ắt họ cũng nhìn thấy đội quân phía sau tôi. Ngựa phi mỗi lúc một nhanh, tôi mỗi lúc một gần họ. Cờ trắng của Đột Quyết đã ở ngay trước mắt, đuôi cờ buông mình dài thượt, xõa tung trước gió chiều, chẳng khác nào một con cá dập dềnh giữa không trung. Tôi quen người cầm cờ, không ai khác chính là thần cung Hách Thất, vốn là cung thủ dưới trướng được ông ngoại trọng dụng nhất. Thấy đám kỵ binh đuổi theo tôi đông nghịt, Hách Thất liền cắm phịch cán cờ vào giữa khe đá, rút vội cây cung sau lưng.

Tôi đang rạp mình trên yên ngựa phóng băng băng nhưng cũng nhìn thấy rõ. Tôi cuống cuồng thét:

– Ta không biết bọn họ là ai đâu!

Vì chúng bám đuôi tôi nãy giờ, nên tôi rất tò mò muốn biết, rốt cuộc chúng là lính phe nào.

Khi khoảnh cách giữa tôi và Hách Thất rút ngắn còn khoảng mười trượng, tôi mới dần nới lỏng cương ngựa. Sau lưng Hách Thất có khoảng mấy chục cung thủ, dưới nắng chiều lấp lóa, tay họ lăm lăm cung tên màu xanh, vừa nheo mắt ngắm bắn đám kỵ binh đang đuổi theo tôi sát nút, vừa thúc ngựa quây tôi vào giữa phe mình. Hách Thất nở nụ cười tươi chào tôi:

– Kính chào tiểu công chúa!

Sở dĩ họ nể mặt mẹ tôi nên ngay từ thưở nhỏ, đám binh sĩ dưới trướng Đại thiền vu Đột Quyết đều xưng tụng tôi như thế, dù tôi không phải nữ vương của Đột Quyết. Gặp được Hách Thất, tôi thấy yên tâm hẳn, thậm chí quên ngay đám kỵ binh đang đuổi phía sau. Tôi phấn khởi nói:

– Hách Thất, chào huynh!

Đội quân tinh nhuệ ấy chỉ còn cách chúng tôi chừng hai tầm tên bắn[5], chúng đến kéo theo trời rung đất chuyển, tiếng vó ngựa rầm rầp sát bên tai.

[5] Hai tầm tên bắn: Người xưa dùng khoảng cách khi bắn tên làm thước đo.

-Chà! – Dường như Hách Thất vừa thở phì một tiếng, vẻ mặt khoái trá, nói. – Quân đông gớm, định đánh nhau với chúng ta chắc?

Dứt lời, Hách Thất liền giương cung, tên đã đặt trên dây, bên cạnh huynh ấy, lá cờ trắng của Đột Quyết no gió tung bay phần phật. Bất kì bộ tộc nào trên thảo nguyên hễ thấy lá cờ này giương lên ở đâu, sẽ tự hiểu dũng sĩ dưới quyền Đại Thiền vu Thiết Nhĩ Cách Đạt đang có mặt ở đó, kẻ nào dám đụng vào dũng sĩ của Đột Quyết, kỵ binh của Đột Quyết tất san phằng lán lều bọn chúng ở, bắt sạch dê bò bọn chúng nuôi, diệt tận gốc thị tộc của bọn chúng… Ở Ngọc Môn Quan này, có kẻ nào dám xấc láo, khinh thường lá cờ trắng này cơ chứ!

Đám kỵ binh kia càng lúc càng đến gần, bọn chúng nghênh ngang như thể xưa nay chưa hề nhìn thấy lá cờ này. Lớp giáp sắt dưới nắng chiều gay gắt trở nên vàng rực, trông càng sáng. Tôi bất giác hít một hơi thật sâu…

Giáp mỏng, yên ngựa, mũ sắt… chúng là kỵ binh của Nguyệt Thị. Tuy không có cờ hiệu, song tôi vẫn nhận ra, đây đích thị là quân của Nguyệt Thị. Mặc dù chưa một lần sang Nguyệt thị, nhưng tôi từng chứng kiến quân lính Nguyệt Thị thao luyện ở phủ đô hộ[6] An Tây. Bộ tộc ấy nuôi toàn ngựa khỏe, giáp trụ rõ nét, cung tên sắc bén, lính tráng dũng mãnh, thiện chiến vô cùng… Hách Thất cũng nhận ra, huynh ấy ngoái đầu nhìn tôi, nói:

[6] Phủ đô hộ: Là cơ quan quản lý các khu vực biên giới của một số triều đại phong kiến ở Trung Quốc.

– Bẩm Công chúa, bây giờ người nên chạy ngựa về hướng đông, băng qua sông Tân Lý, lều của Đại Thiền vu ở phía đông con sông.

Tôi gào lên:

– Muốn đánh thì cứ đánh đi, chẳng lẽ ta lại tháo chạy một mình hay sao?

Hách Thất gật đầu rồi nhường đao của mình cho tôi. Lòng bàn tay tôi rịn mồ hôi khi cầm thanh đao. Đội quân của Nguyệt Thị lợi hại thế nào, tôi thừa hiểu, huống hồ quân địch ở trước đông như kiến, phăm phăm lao tới như vũ bão. Dù Hách Thất là thần cung, song phe tôi chỉ khoảng mấy chục người, e là khó lòng địch nổi.

Đảo mắt thấy đám kỵ binh kia mỗi lúc một áp sát, tay tôi bủn rủn, chực đánh rơi thanh đao. Tuy tôi luôn thấy mình chẳng thua kém gì các ca ca của tôi, song cũng phải nói thật, xuất trận đánh địch, có lẽ đây là lần đầu.

Cờ hiệu màu trắng phần phật tung bay ngay sau lưng tôi, vầng dương sắp lặn xuống sát đường chân trời trên thảo nguyên, cỏ chè vè nhấp nhô dậy sóng theo làn gió, chẳng khác nào gió cát cuồn cuộn trên sa mạc. Thoắt cái đất trời đã nhuốm lạnh, mắt tôi hấp háy liên hồi, vì mồ hôi lăn tròn rơi xuống khóe mắt cay sè.

Đám binh sĩ kia trông thấy bóng cờ trắng, cuối cùng ghìm cương ngựa, chúng dàn ngang thế trận, dần áp sát. Hách Thất gằn giọng, quát:

– Có Hách Thất của Đột Quyết ở đây, vó ngựa của các ngươi đang giẫm lên thảo nguyên của Đột Quyết, lẽ nào định không tuyên chiến mà đánh hay sao?

Tài bắn cung của Hách Thất nức tiếng gần xa, Hách Thất trong tiếng Đột Quyết có nghĩa là mũi tên. Nghe truyền, một khi Hách Thất muốn bắn trúng con mắt bên trái của con chim nhạn đang chao lượn trên bầu trời, tuyệt nhiên sẽ không lệch sang con mắt bên phải, vì lẽ đó mà Đại Thiền vu vô cùng tin tưởng Hách Thất. Quả nhiên bọn kia vừa nghe đến cái tên Hách Thất, cũng khó tránh khỏi nao núng, một tên rong ngựa tiến lên, liến thoắng tuôn một tràng dài. Tôi không biết tiếng Nguyệt Thị, nhờ Hách Thất phiên dịch mới biết thì ra đám kỵ binh ấy vừa để lạc mất một tên nô lệ nên mới đuổi tới đất này. Còn đây có phải địa giới của Đột Quyết hay không thì thực ra biên giới giữa Nguyệt Thị, Đột Quyết và Tây Lương ở chân núi Thiên Hằng này xưa nay vốn là việc chẳng ai quản lý, nếu nói đây là lãnh thổ của Đột Quyết, e có phần gượng gạo.

– Lạc mất nô lệ ư?

Tôi lấy làm lạ, bèn nhắc lại. Gã thủ lĩnh phe Nguyệt Thị giơ roi ngựa trỏ vào tôi, rồi ngón tay múa may nói gì đó. Hách Thất phẫn nộ, gào lớn:

– Công chúa, hắn dám nói người chính là nô lệ bị lạc của chúng.

Tôi bực mình, liền tuốt đao, nói:

– Hỗn láo!

Hách Thất gật đầu:

– Bọn này chỉ giỏi kiếm cớ thôi.

Thấy gã tướng quân của Nguyệt Thị tiếp tục luyên thuyên, tôi hỏi:

– Hắn nói gì thế?

– Hắn nói nếu bên ta không giao người cho chúng, chúng buộc phải điều binh đánh cướp. Đột Quyết bao che cho nô lệ của Nguyệt Thị, đẩy hai nước vào thế giao tranh, đều là do người Đột Quyết không biết điều.

Tôi bực lắm, cười phá lên:

– Có mà bọn chúng không biết điều ấy, còn dám đổ vạ cho chúng ta.

Hách Thất trầm giọng, nói:

– Tiểu Công chúa nói chí phải, có điều địch cậy thế đông, lại nhằm vào tiểu Công chúa… Bẩm công chúa, người cứ đi về hướng đông tìm lều của Đức vua, rồi bảo người phái viện binh tới. Đám người Nguyệt Thị xấc xược, vô lễ này, nếu không địch nổi, hẳn phải báo cho Đại Thiền vu hay, chớ để mình mắc bẫy bọn chúng.

Nói đi nói lại, ý Hách Thất vẫn muốn để tôi thoái lui. Dẫu nơm nớp lo sợ, song tôi vẫn ưỡn ngựa, xẵng giọng, nói:

– Huynh cử người khác về báo tin đi, chứ ta quyết không bỏ chạy!

Hách Thất ngập ngừng rồi nói:

– Tiểu Công chúa ở đây, Hách Thất không đủ người để bảo vệ Công chúa.

Ngẫm lại một hồi cũng thấy điều Hách Thất nói là hiển nhiên. Nếu tôi ở đây, chỉ e sẽ vướng chân bọn họ. Đành rằng, tôi bắn tên cũng khá, song tôi chưa một lần ra trận, trong khi bọn họ đều là những dũng sĩ Đột Quyết được rèn giũa nơi sa trường.

– Được rồi. – Tôi giữ chặt chuôi đao, nói. – Để ta đi báo tin!

Hách Thất gật đầu, lấy túi nước bên hông ngựa xuống, dặn tôi:

– Đi thẳng về hướng đông chừng ba trăm dặm, nếu không tìm được lều của Đại Thiền vu, thì rẽ về hướng bắc, quân của Tả Cốc Lãi vương cách đó không xa, chừng trăm dặm đổ lại.”

– Ta biết rồi.

Hách Thất cầm cán đao đập mạnh vào mông ngựa, quát lớn:

– Đi!

Chú ngựa nhỏ lồng lên rồi lao vút đi, đám kỵ binh của Nguyệt Thị la om sòm. Thế ngựa phi nhanh như bay, trong nháy mắt đã bỏ lại sau lưng tất thảy. Tôi không ngừng ngoái đầu lại nhìn, chỉ thấy đám người của Nguyệt Thị đen kịt như đàn kiến chuyển tổ ngày mưa, Hách Thất và mấy chục binh sĩ Đột Quyết bị chúng quây lại. Một đám lính Nguyệt Thị khoảng chục tên tách đoàn định đuổi theo tôi, nhưng mũi tên của Hách Thất đã lao đến bủa vây, bọn chúng không kẻ nào tránh được loạt tên chí mạng ấy, người ngựa đổ rầm, trong lúc gấp gáp không kẻ nào đuổi kịp. Ngựa của tôi càng phóng càng nhanh, lúc ngoảnh lại nhìn chỉ còn thấy bóng cờ trắng, những thứ khác đều phai nhòa dưới ráng chiều, sắc trời ảm đạm và bóng đêm phủ mờ vạn vật.

Tôi thúc ngựa phi nhanh trên thảo nguyên. Trời không trăng không sao, oi ả như báo hiệu một cơn dông sắp đến. Lần đầu tiên tôi gặp kiểu thời tiết này, nơm nớp lo sợ trời sẽ đổ mưa. Giữa thảo nguyên mà gặp mưa to đâu phải chuyện đùa, tôi ngước nhìn bầu trời, trời đen kịt, không một bóng trăng sao, khó mà đoán được phương hướng, tôi chỉ lo sẽ bị lạc đường.

Trên thảo nguyên thì làm gì có đường, cứ thế mà đi thôi. Tôi thúc ngựa chạy suốt đến nửa đêm, may sao đám lính Nguyệt Thị kia không đuổi theo. Nhưng phe Hách Thất cũng chưa phá được vòng vây, tôi vừa sốt ruột không biết Hách Thất an nguy thế nào, vừa sợ bị lạc đường. Đã cuống lại vội, tôi suýt bật khóc. Bất chợt, một tiếng “roẹt” dội tới, tia chớp loằng ngoằng ánh tím xé toạc màn đêm âm u, lóe sáng một góc trời, tiếng sấm dội từng cơn ầm ầm.

Sắp mưa thật rồi, tôi phải tìm chỗ trú mưa thôi. Những tia chớp loáng như những con rắn rẽ mây đen trườn khắp bốn phía, nhờ ánh chớp loang loáng, tôi mới nhìn thấy một dốc đá phía xa. Thì ra tôi chạy đến tận nửa đêm, quanh quẩn mãi cuối cùng vẫn ở dưới chân núi Thiên Hằng.

Tìm phiến đá trú mưa trước đã, thà thế còn hơn chết vì dầm mưa. Tôi thúc ngựa tiến về trước, chú ngựa nhỏ khéo léo giẫm lên đá núi, tôi lo đá dăm cắm vào móng ngựa, bèn trườn xuống, dắt nó men theo đường núi. Cơn mưa dông ồ ạt kéo đến, mưa như những ngọn roi gân bò quất xối xả lên người, lên mặt đau buốt. Quần áo sũng nước mưa, nước mưa xuôi theo tóc len vào mắt khiến mắt tôi không thể nào mở nổi. Tôi vuốt khuôn mặt ướt nhèm, mãi mới trông thấy một phiến đá to nhô hẳn ra, núp dưới phiến đá đó thì có thể trú mưa được rồi.

Tôi dắt ngựa bò xuống mỏm đá to, cả người cả ngựa co ro ở đó. Bên ngoài, mưa vẫn rào rào như trút nước. Nhớ tới Hách Thất, lòng tôi nóng như lửa đốt. Chú ngựa nhỏ quỳ trên đá, dường như nó cũng hiểu nỗi lo lắng của tôi, thỉnh thoảng thè lưỡi liếm láp lòng bàn tay tôi. Tôi ôm cổ nó, thì thầm:

– Chẳng rõ đám Hách Thất thế nào rồi…

Trời vẫn mưa tầm tã, nước đổ xuống từ vách núi cao tụ thành tấm mành nước trắng xóa phủ lên mặt phiến đá. Không biết trời còn mưa đến bao giờ, một lúc lâu sau mưa mới ngớt. Núi đá bên ngoài còn no nước, nước róc rách chảy như một dòng suối nhỏ. Gió nhẹ vén tấm rèm mây đen, khoe mảnh trăng khuyết trong ngần.

Tôi hắt xì, áo quần ướt nhẹp, dính vào cơ thể, cơn gió thổi qua mà lạnh run người. Ngòi lấy lửa đem theo đã ngấm nước mưa, chỗ này lại không có củi khô, muốn nhóm lửa cũng không được.

Bên ngoài, tiếng nước chảy nhỏ dần, chú ngựa nhỏ sáp lại gần, đầu lưỡi ấm nóng của nó liếm lên mặt tôi. Tôi thầm nghĩ nếu mưa đã tạnh hẳn thì cũng nên tranh thủ thời gian xuống núi tìm đường tiếp.

May mà lúc xuống núi có trăng, trăng chỉ tôi hướng phải đi. Ngựa cuồng chân dưới vách đá hồi lâu, lúc này hăng hái lắm, lao vun vút về phía rạng đông. Hình như mặt trời sắp ló dạng, nếu không sao người tôi lại nóng thế này?

Tôi mơ hồ nghĩ, tay cương cũng nới lỏng dần, lưng ngựa tròng trành chao nghiêng như một chiếc nôi, thật thoải mái làm sao! Cả đêm thức trắng, giờ tôi buồn ngủ díp cả mắt.

Không rõ tôi đã thiếp đi bao lâu, hình như mới một lúc, mà có khi đã lâu lắm rồi. Ngựa đi qua một con sông, ngựa lội bì bõm bắn nước lên người lạnh buốt, lúc ấy tôi mới giật mình choàng tỉnh. Đồng không mông quạnh trải khắp bốn bề, núi Thiên Hằng lùi lại tít phía sau. Nhìn từ xa, ngọn núi hùng vĩ ấy chẳng khác nào một người khổng lồ đầu đội trời, chân đạp đất. Người khổng lồ đội trên đầu một chiếc mũ trắng tinh, tích tụ băng tuyết quanh năm không tan chảy, con sông dưới chân tôi cũng bắt nguồn từ băng tuyết trên đỉnh Thiên Hằng gom dòng đổ xuống, vì thế nên nước sông lạnh thấu xương.

Người run rẩy, tôi nhớ ra mình chưa ăn uống gì, chẳng trách người lại uể oải, mệt mỏi. Lương khô buộc sẵn sau yên ngựa đây rồi, song miệng tôi khô khốc, nhạt nhẽo, chẳng muốn ăn. Tôi thầm nghĩ, hay xuống ngựa, uống chút nước nhỉ? Bỗng thấy gần đó có một bóng đen khẽ cử động, chực lao thẳng về phía mình, tôi nghĩ ngay đến bọn lính Nguyệt Thị. Cố căng mắt nhìn, cũng chỉ trông thấy cái bóng lờ mờ, song di chuyển rất nhanh, may sao đằng đó chỉ có một người một ngựa.

Nếu là người của Tả Cốc Lãi vương thì tốt quá… Tôi cố tuốt đao sau lưng, ngộ nhỡ gặp địch thì sẽ dốc sức chiến đấu đến cùng.

Đấy hẳn là ý nghĩ cuối cùng của tôi, rồi trước mắt sụp tối, tôi ngã nhào khỏi yên ngựa.

Người Tây Lương từ nhỏ đã thạo cưỡi ngựa và bắn cung. Bất kể là trai hay gái, lúc biết đi cũng là lúc biết cưỡi ngựa. Tôi từ nhỏ đã lớn lên trên lưng ngựa, đường đường là Cửu Công chúa của Tây Lương mà lại ngã ngựa, chuyện này mà đến tai người dân sống ở Vương thành Tây Lương, chỉ e người ta sẽ cười nhạo.

Lúc tỉnh lại, tay vẫn lăm lăm thanh đao, tôi chớp mắt nhìn bầu trời trong xanh, mây trắng sà xuống như chỉ ngang tầm tay. Thì ra tôi đang ngả lưng trên một sườn đồi thoai thoải, cây cối trên sườn đồi che khuất ánh nắng chói chang, gió thu hây hây, mát mẻ, tiếng vó ngựa quen thuộc vọng lại từ một nơi nào đó rất gần… Tôi tự nhủ hãy cố thả lỏng…

– Tỉnh rồi à?

Giọng này nghe quen quen. Tôi cố gắng ngồi dậy mà đầu óc choáng váng, chớp chớp mắt, vẫn thấy khó mà tin được.

Gã buôn chè người Trung Nguyên – Cố Tiểu Ngũ – đang ngồi trên dốc cỏ, uể oải gặm một miếng thịt bò khô.

Tôi vô cùng sửng sốt:

– Sao huynh lại ở đây?

Hắn nói:

– Tình cờ đi ngang qua.

Tôi không tin!

Bụng tôi sôi ùng ục, tôi nhớ sau yên ngựa có lương khô, liền huýt sáo gọi ngựa về. Nó chạy lại, tôi căng mắt nhìn, trên lưng ngựa không có gì, đến bộ yên cũng đâu mất. Tôi nhìn kỹ lần nữa, gã Cố Tiểu Ngũ đang ngồi chễm trệ trên yên ngựa của tôi, mà thịt bò sấy hắn đang gặm, chẳng phải lương khô tôi mang theo đấy ư?

– Này! – Tôi tức tối, quát. – Lương khô của ta đâu?

Miệng vẫn đang nhai thịt, hắn bẽn lẽn giơ nửa miếng thịt trên tay lên:

– Vẫn còn miếng cuối cùng….

Miếng cuối cùng gì chứ, mẩu cuối cùng thì có.

Tôi trừng mắt nhìn hắn, đoạn nhét tọt mẩu thịt bò khô bé tẹo vào miệng, tức mình gào lên:

– Huynh ăn hết rồi? Tôi biết ăn cái gì đây?

– Muội đói à. – Hắn nhấc túi nước,uống một ngụm rồi ỡm ờ nói. – Muội mới ốm dậy, ăn mấy thứ này không tốt đâu.

Ốm cái gì chứ? Tôi nhảy lên:

– Huynh ở đâu ra thế hả? Lại còn ăn hết lương khô của ta! Đền đi! Mau đền cho ta!

Hắn cười giả lả:

– Muội cũng ăn đấy thôi, còn đền gì nữa!

Tôi nổi cơn thịnh nộ, sục sạo tìm thanh đao Hách Thất đưa.

Trông tôi loay hoay như con kiến bò trong chảo nóng, hắn bèn tỉ tê:

– Hay muội theo ta về Vương thành nhé, ta đền muội hẳn một con bò?

Tôi ném cho hắn cái lườm:

– Sao ta phải về Vương thành với huynh?

– Chẳng phải cha muội dán cáo thị thông báo, người sẽ thưởng ngay một trăm nén vàng cho ai tìm và đưa được muội về Vương thành. – Hắn nhìn tôi vẻ rất nghiêm túc. – Những một trăm nén vàng đấy! Mua được bao nhiêu bò rồi còn gì!”

Tôi tức điên lên, chẳng phải tức vì cái gì xa xôi, vì một trăm nén vàng kia kìa:

– Cha ta dán cáo thị như thế thật à?

Hắn bảo:

– Chẳng lẽ lại là giả? Ta chắc chắn đấy!

– Ta chỉ đáng giá một trăm nén vàng thôi à? – Tôi thất vọng ra mặt. – Ta cứ tưởng tối thiểu cũng phải một vạn thỏi vàng chứ! Chưa kể còn phải phong hầu, thưởng cả vô số dê, bò, nô lệ nữa…

Thế mà cha vẫn thường bảo tôi là Tiểu Công chúa người yêu quý nhất. Yêu quý gì mà chỉ treo thưởng có một trăm nén vàng. Người thật keo kiệt! Keo kiệt quá!

Cố Tiểu Ngũ phì cười, không biết hắn đang cười cái gì. Tôi rất ghét vẻ mặt hắn lúc cười, nhất là cái kiểu cười mỉm rồi nhìn tôi chằm chằm, chẳng khác nào đang nhìn một trăm nén vàng.

Tôi quát:

– Huynh đừng có nằm mơ, còn lâu ta mới về với huynh!

Cố Tiểu Ngũ nói:

– Vậy muội định đi đâu? Từ lúc muội bỏ đi, sứ giả Nguyệt Thị tức giận lắm, họ nói đức vua cố tình để muội đi. Nguyệt Thị còn sai quân lính đi tìm muội về. Muội cứ lang thang trên thảo nguyên thế này, lỡ gặp phải quân Nguyệt Thị thì khốn…

Đúng là khốn đốn thật, thì chẳng đã gặp quân Nguyệt Thị rồi còn gì. Nhớ đến đó, tôi bất giác than: “Trời ơi!”, suýt thì quên mất Hách Thất. Tôi phải khẩn trương đi báo tin cho ông ngoại!

Cố Tiểu Ngũ thấy mặt tôi tái mét, liền hỏi:

– Muội sao thế?

Tôi định không nói, nhưng trên thảo nguyên mênh mông này, giờ chỉ có hắn ở bên tôi, hơn nữa, kiếm thuật của sư phụ thuộc hàng anh hùng cái thế, chưa biết chừng kiếm pháp của gã Cố Tiểu Ngũ này cũng thuộc loại siêu phàm.

Quả nhiên, sau khi nghe xong chuyện Nguyệt Thị truy đuổi tôi, Cố Tiểu Ngũ liền bảo:

– Theo như muội nói thì lều của Đại Thiền vu cách chỗ này ít nhất ba trăm dặm?

Tôi gật đầu.

– Còn Tả Cốc Lãi vương cũng phải cách đây khoảng trăm dặm?

Tôi lại gật đầu.

– Ngặt nỗi người dân Đột Quyết du mục nay đây mai đó, muội định tìm kiểu gì?

– Chuyện đó thì khỏi phải nghĩ nhiều, kiểu gì tôi cũng phải cứu được Hách Thất.

Cố Tiểu Ngũ chau mày rồi nói:

– Nước xa không cứu nổi lửa gần, phủ đô hộ An Tây ở ngay trước mặt, sao không mượn quân của họ để đánh Nguyệt Thị?

Tôi ngẩn người. Phải công nhận Trung Nguyên rất mạnh, về quân sự, phủ đô hộ An Tây còn đảm đương trọng trách trấn thủ Tây Vực, khiến các nước phải nể sợ. Song cho dù giữa các nước xảy ra tranh chấp cũng chẳng ai đi cầu cứu viện binh của Trung Nguyên cả. Vì trong mắt người Tây Vực chúng tôi, giao chiến là chuyện giữa người Tây Vực với nhau, Trung Nguyên là thiên triều thượng quốc, phái hùng binh đến đóng giữ ở nơi này thì là chuyện đã đành, song chẳng mắc mớ gì đến việc tranh chấp giữa các nước Tây Vực với nhau. Cũng như anh em trong nhà gây hấn, nói gì thì nói, làm gì có chuyện gọi người ngoài tới can.

Tôi nói:

– Tuy phủ đô hộ An Tây gần đây thật nhưng chuyện này không thể để họ biết được.

Cố Tiểu Ngũ nhướng mày:

– Sao lại thế?

Tôi chẳng biết nói thế nào, tóm lại đây là điều cấm kỵ đối với tất cả các nước Tây Vực. Tôi bảo:

– Chuyện các nước Tây Vực đánh nhau thì có liên quan gì đến hoàng đế Trung Nguyên?

Cố Tiểu Ngũ nói:

-“Dưới khắp gầm trời, đâu chẳng đất vua, trên mọi bến bờ, ai không thần tử.”[7] Hễ là chuyện thiên hạ, tất có liên quan đến Hoàng đế Trung Nguyên, huống hồ Trung Nguyên lập phủ đô hộ An Tây cốt để trấn an Tây Vực. Nguyệt Thị tỏ thái độ xấc xược, cũng đã đến lúc nên dạy cho bọn họ một bài học.

[7] Trích Kinh thi.

Mấy lời trưởng giả của hắn, tôi nghe chẳng lọt tai. Hắn dắt hai con ngựa, rồi tiếp lời:

– Rẽ về hướng nam, đi nửa ngày đường là đến phủ đô hộ An Tây, ta đưa muội đi cầu viện binh.

Tôi lưỡng lự, chưa vội quyết:

– Việc này… không hay lắm thì phải?

– Thế muội có muốn cứu Hách Thất không?

– Đương nhiên là muốn!

Hắn đỡ tôi lên ngựa, nói:

– Vậy còn chần chờ gì nữa!

Đi được một quãng rất xa, tôi mới sực nhớ ra:

– Sao huynh tìm được ta?

Trời trưa nắng gắt, phủ lên khuôn mặt trắng ngần tựa ngọc Hòa Điền hoàn mỹ của hắn. Hắn cười tươi, khoe hàm răng trắng bóc:

– Gặp may thôi!