Chương 2

Đông Cung

Đăng vào: 2 năm trước

.

Bấy lâu nay, hắn chưa từng ghé qua chỗ tôi vào buổi tối, thành thử chẳng ai phòng bị gì. Vĩnh Nương đã về phòng đi ngủ, cung nữ trực đêm cũng ngủ gà ngủ gật, tôi và A Độ hăng say đánh bài, ai thua phải ăn quýt. A Độ thắng liền bốn ván, còn tôi phải ăn những bốn quả quýt to, bụng dạ réo âm ỉ đúng lúc Lý Thừa Ngân đường đột bước vào.

Theo những điều tôi học vẹt từ hồi tổ chức đại lễ sắc lập, trước khi Thái tử đến, chỗ tôi phải cắt đặt sẵn mọi thứ để cung nghênh, từ chuẩn bị y phục, lồng hương cho tới lò đặt củi an tức[1], đêm đến phải sắp sẵn trà nước, sáng hôm sau phải pha nước súc miệng… Mấy điều này được liệt kê, đặt đề mục hết sức rõ ràng. Nhưng đó là việc của cung nữ, tôi chỉ cần đôn đốc họ làm là xong. Vấn đề ở chỗ, từ xưa tới nay, Lý Thừa Ngân chưa từng ngủ lại đây, thế nên từ tôi đến Vĩnh Nương, cho đến tất cả cung nữ đều trở nên lơ là, đám người hầu càng ngày càng lười nhác, chẳng ai hơi đâu đi sửa soạn theo khuôn sáo ấy làm gì.

[1] An tức hương: nhựa của cây cánh kiến trắng hay cây bồ đề vỏ đỏ, thường dùng để chữa bệnh bằng cách tán nhỏ sắc thuốc hoặc đốt xông hương.

Tôi vừa bốc được quân bài đẹp, đột nhiên trông thấy Lý Thừa Ngân, cứ ngỡ mắt mình bị quáng, tôi đặt quân bài xuống, ngẩng lên nhìn lại cho kĩ. Ơ, hóa ra đúng là Lý Thừa Ngân!

A Độ bật dậy ngay tức thì, lần nào Lý Thừa Ngân đến, chúng tôi cũng to tiếng cãi vã, vài lần suýt thì đánh nhau. Chẳng trách hắn vừa bước vào, muội ấy đã lăm lăm thanh đao bên mình, ánh mắt nhìn hắn chòng chọc ra chiều cảnh giác.

Khuôn mặt Lý Thừa Ngân vẫn đanh lạnh như mọi khi, rồi ngồi phịch xuống giường.

Tôi chưa kịp hiểu hắn muốn làm gì, chỉ biết giương mắt ngây ra nhìn hắn.

Hắn hống hách ra lệnh, cứ như thể đang ấm ức không có chỗ giải tỏa:

– Cởi giày!

Bấy giờ cung nữ trực đêm mới sực tỉnh, thấy Lý Thừa Ngân đang ngồi trên giường, liền thấy khiếp đảm như gặp phải ma. Vừa nghe hắn ra lệnh mới giật mình, luýnh quýnh chạy đến giúp hắn tháo giày, ai dè ăn ngay một cái đạp của hắn:

– Ta bảo chủ ngươi làm cơ mà!

Chủ nó còn ai vào đây nữa, ít ra ở cái điện này, chủ nó trên danh nghĩa đương nhiên là tôi rồi.

Tôi đỡ cung nữ kia đứng dậy, đập bàn quát:

– Sao Điện hạ lại đạp người ta?

– Ta đạp thì sao! Ta còn muốn đạp cả cô nữa đấy!

Nhanh như cắt, A Độ liền tuốt thanh đao bên hông, tôi đanh giọng hỏi:

– Điện hạ đến để cãi nhau hả?

Bất ngờ hắn mỉm cười, bảo:

– Ta không đến để cãi nhau với cô, ta đến để ngủ.

Thế rồi hắn chỉ vào A Độ:

– Ra ngoài!

Tôi không rõ hắn muốn làm gì, nhưng nhìn mặt hắn là biết chẳng phải chuyện gì tốt đẹp, lại còn quát tháo ầm ĩ, kinh động không ít người. Những người đang ngủ cũng choàng tỉnh, ngay cả Vĩnh Nương. Thấy Thái tử mò đến lúc đêm hôm khuya khoắt, Vĩnh Nương vừa kinh sợ vừa mừng thầm, kinh sợ là bởi bản mặt cáu kỉnh của hắn, còn mừng bởi bà ấy nghĩ bụng, hắn cứ đến là tốt rồi, dù là đến để cãi nhau.

Vĩnh Nương bước vào, bầu không khí bớt căng thẳng phần nào. Bà ấy phân công ngươi sửa soạn trà nước, áo ngủ, nước súc miệng… Bọn người hầu được một phen tất bật, nhốn nháo, nhộn nhạo hẳn lên. Tôi bị cả đám người vây quanh, chải đầu, thay áo ngủ… Mọi thứ xong xuôi, Vĩnh Nương bèn lôi A Độ ra ngoài. A Độ khăng khăng không chịu, Vĩnh Nương liền ghé tai rù rì mấy câu, không hiểu bà ta nói gì mà mặt A Độ đỏ lựng, ngoan ngoãn theo bà ta lui ra ngoài. Nói chung, trận nhốn nháo qua đi, trong điện chỉ còn tôi và Lý Thừa Ngân.

Xưa nay, tôi chưa từng mặc độc cái áo ngủ, đứng độc có một mình trước mặt bất kỳ gã con trai nào, thấy thật kỳ cục. Hơn nữa, phen sửa soạn ban nãy cũng đủ làm tôi mệt bã người. Tôi ngáp một cái thật dài, lên giường, kéo chăn rồi lăn kềnh ra ngủ.

Còn Lý Thừa Ngân ngủ hay thức, đó không phải việc tôi cần quan tâm.

Nhưng tôi thừa biết, sau đó hắn cũng leo lên giường, khổ nỗi trên giường có mỗi chiếc chăn, hắn liền đạp tôi một cái đau điếng:

– Cô nằm dịch ra xem nào!

Tôi đang thiu thiu ngủ, bị đạp một cái bỗng choàng tỉnh.

Những lúc buồn ngủ díp mắt, tính tình tôi thường hiền hòa hơn hắn, cho nên chẳng thèm cãi nhau với hắn, thậm chí còn thương tình nhường hắn nửa cái chăn. Lý Thừa Ngân quấn chặt tấm chăn, quay lưng về phía tôi, chốc lát đã thở khò khò.

Đêm đó tôi trằn trọc mãi không sao ngủ được, tại Lý Thừa Ngân trở mình suốt, mà tôi lại không quen chung chăn với người lạ. Nửa đêm hắn kéo hết chăn, thấy lành lạnh tôi mới rùng mình tỉnh dậy, tống cho hắn một cú đạp rồi giằng lại chăn. Đêm hôm khuya khoắt chỉ vì chuyện cái chăn mà chúng tôi cãi nhau nảy lửa. Hắn tức tối nói:

– Nếu Sắt Sắt không khuyên nhủ thì đừng hòng ta đến!

Sắt Sắt là tên mụ của Triệu Lương đệ, cái tên cô ả treo ở đầu lưỡi hắn, giọng điệu lẫn sắc thái yêu chiều, cưng nựng hết mực.

Chợt nhớ ra chuyện hồi chiều, nhớ tới những gì Triệu Lương đệ nói cộng thêm những lời Vĩnh Nương từng kể, cuối cùng tôi cũng vỡ lẽ, tự dưng buồn lạ lùng.

Thực ra tôi cũng chẳng bận tâm, trước kia lúc hắn không đến, tôi vẫn sống thoải mái đấy thôi, không có gì chật vật cả. Thế nhưng hôm nay hắn đùng đùng xuất hiện, trong lòng tôi lại thấy se sẽ nỗi buồn tủi.

Tôi biết vợ chồng ngủ chung là lẽ thường tình, song tôi cũng hiểu, bấy lâu nay Lý Thừa Ngân chưa từng coi tôi là chính thê của hắn.

Thê tử của hắn là Triệu Lương đệ cơ mà. Chiều nay tôi mang quà cáp đi thăm hỏi Triệu Lương đệ, ả ta thấy tôi tội nghiệp bèn rủ lòng thương, khuyên nhủ Lý Thừa Ngân ghé chỗ tôi một đêm.

Phụ nữ Tây Lương chúng tôi xưa nay chưa từng cần ai phải thương hại.

Tôi bật dậy, nói thẳng thừng:

– Điện hạ về đi!

Hắn lạnh nhạt lên tiếng:

– Cô yên tâm, trời sáng là ta đi ngay.

Hắn trở người, xoay lưng lại, ngủ tiếp.

Tôi đành vùng dậy, choàng thêm áo rồi ra bàn ngồi.

Trên bàn đặt chao đèn bằng lụa, ánh nến dập dềnh, quầng lửa tỏa màu ấm cúng nhảy nhót như chực tràn khỏi lớp lồng đèn, trong lòng tôi, cảm xúc như cũng muốn dâng trào. Tôi chạnh lòng nhớ cha mẹ, nhớ các anh trai, nhớ con ngựa nhỏ của mình, lòng thầm nhớ Tây Lương…

Nỗi cô đơn gợi tôi nhớ Tây Lương, những ngày tháng về Thượng Kinh cô độc lắm, thế nên trong lòng chỉ hướng về Tây Lương.

Chính vào lúc ấy, tôi chợt thấy trên cửa sổ đổ một bóng hình mờ mờ.

Tôi giật mình, vươn tay mở toang cánh cửa.

Gió đêm vương vất cái lạnh bỗng làm tôi rùng mình, bên ngoài vắng tanh không có một ai, chỉ có ánh trăng se sắt chảy tràn nơi nơi.

Tôi định đóng cửa, đột nhiên thấp thoáng đằng xa là chiếc bóng trắng treo trên cành cây, nhìn kĩ mới nhận ra đó là một người vận đồ trắng.

Tôi trố mắt đứng nhìn, đây là Đông cung, canh chừng nghiêm ngặt đến từng ngóc ngách, lẽ nào lại có thích khách xông vào hay sao?

Gã thích khách áo trắng ấy cũng to gan thật!

Tôi trợn mắt nhìn gã, gã cũng nhìn lại tôi. Đêm khuya thanh vắng đến mức tiếng gió lùa qua còn nghe rõ mồn một, ngọn đèn trên bàn gặp gió lại dập dềnh, gã đứng trên ngọn cây, lặng lẽ quan sát tôi. Gió lùa cành lá rung rinh, cơ thể nhuốm ánh trăng của gã cũng hơi tròng trành, sau lưng là quầng trăng sáng, mái tóc dài lẫn cánh tay áo tung bay trong gió, giống như gã đang cưỡi mặt trăng.

Tôi nhận ra rồi, là Cố Kiếm, chính là gã đàn ông quái đản ấy.

Sao gã lại lọt vào đây?

Suýt chút nữa tôi cắn phải lưỡi. Sau một cái chớp mắt, gã Cố Kiếm đã biến mất dạng.

Hay mình nhìn nhầm? Hay chỉ là mơ…

Chắc mình mắc bệnh nhớ nhà, làm gì cũng lơ mơ. Rạng sáng ngày hôm sau, Lý Thừa Ngân liền bỏ đi không thấy quay lại nữa. Vĩnh Nương lấy đêm đó làm chuyện vui, nhắc đến là mặt mày rạng rỡ, tôi không nỡ nói sự thật, thực ra đã xảy ra chuyện gì đâu mà!

Đừng thấy tôi nhỏ tuổi mà coi thường, lúc tôi và A Độ tản bộ ngoài đường, từng hiếu kỳ đến mấy chỗ câu lan[2], ngõa tử[3] xem qua rồi, chưa ăn thịt heo cũng phải thấy heo chạy chứ[4]!

[2] Câu lan: còn gọi là câu đương, câu tử, vốn chỉ nơi giải trí, là chỗ biểu diễn tài nghệ của con hát thời xưa, nhưng về sau trở thành từ để gọi chung kỹ viện.

[3] Ngõa tử: là nơi tiêu khiển, giải trí và mua bán tạp hóa tại các đô thị lớn, xuất hiện từ thời Bắc Tống.

[4] Ý nói việc tuy chưa làm bao giờ, nhưng đã trông thấy người ta làm.

Vĩnh Nương cảm kích ý tốt của Triệu Lương đệ, một dạo còn rủ cô ả đến chỗ tôi chơi bài.

Hôm đó chẳng hiểu ma xui quỷ khiến thế nào mà tôi thua liên tục, một ván hòa cũng không gỡ được. Tình trường không được như ý thì thôi vậy, lẽ nào đến bài bạc cũng chẳng ra sao! Vĩnh Nương thoạt tưởng tôi thông minh đột xuất, cố tình nhường Triệu Lương đệ, hòng nịnh cô ả mát lòng mát dạ.

Từ dạo đó, Triệu Lương đệ hay ghé chỗ tôi đánh bài, thú thực, giọng điệu của cô nàng khiến người ta thích mê, chẳng hạn cô ả vừa khen đôi ủng nhỏ của Tây Lương mà tôi hằng đi:

– Trung Nguyên làm gì có loại thuộc da tinh xảo thế này!

Tôi hớn hở vội hứa, đợt này nếu cha tôi phái người đến, tôi sẽ bảo họ mang theo vài đôi giày đẹp đẹp để làm quà tặng cô nàng.

Đang dở ván bài, Triệu Lương đệ hỏi:

– Lúc nào Thái tử phi định tiến cung thăm Tự Nương ạ?

Tôi lấy làm lạ, việc gì tôi phải vào cung thăm Tự Nương? Cô ta ở trong đó còn có người của Hoàng hậu săn sóc, mọi thứ đều ổn thỏa, tôi thăm nom làm gì chứ? Huống hồ Vĩnh Nương đã kể với tôi, vì chuyện của Tự Nương mà Triệu Lương đệ đã làm ầm ĩ một trận, khóc lóc mấy ngày liền, bắt Lý Thừa Ngân phải thề độc, dù Tự Nương có sinh con trai thì hắn cũng không được ngó ngàng đến cô ta. Tôi nghĩ bụng, hẳn Triệu Lương đệ ghét Tự Nương lắm, nhưng trước mặt tôi, cô ả lại vô tình gợi chuyện, giả vờ nhân hậu.

Vĩnh Nương ngồi bên cạnh bẩm:

– Bây giờ Tự Nương đã nhập cung, Hoàng hậu nương nương chưa triệu kiến, Thái tử phi cũng không tiện thăm nom ạ!

Triệu Lương đệ “ừm” một tiếng rồi làm như thể chẳng hề để bụng. Hôm đó vận bài bạc của tôi cũng không tệ, thắng được mấy đồng lẻ. Đợi Triệu Lương đệ đi khuất, Vĩnh Nương liền dặn:

– Thái tử phi nhất định phải đề phòng, chớ để Triệu Lương đệ lấy người ra làm bia đỡ tên.

Có lúc nghe Vĩnh Nương nói mà tôi chẳng hiểu gì cả, chẳng hạn như cụm từ “bia đỡ tên” này.

Vĩnh Nương bảo:

– Triệu Lương đệ căm giận Tự Nương lắm, ắt sẽ giở trò khiến đứa bé kia không thể chào đời. Thị muốn làm gì, Thái từ phi cứ mặc thị, vui vẻ mà thuận nước giong thuyền, song Thái tử phi cũng phải cẩn trọng, đừng để bị mắc mưu thị.

Càng nghĩ càng thấy khó hiểu, đứa trẻ còn đang nằm trong bụng Tự Nương, Triệu Lương đệ định làm gì để đứa trẻ không thể chào đời? Vĩnh Nương nói:

– Cách thì nhiều lắm, Thái tử phi là người đứng đắn, không nên tìm hiểu những chuyện này.

Tôi nghĩ thầm, chắc Vĩnh Nương cố tình nói thế, bởi lẽ xưa nay đã bao giờ tôi là người đứng đắn đâu, nhưng bà ấy đã nói thế thì tôi cũng không nỡ muối mặt gặng hỏi thêm nữa.

Thời tiết chớm lạnh, tôi và A Độ tranh thủ lẻn ra ngoài chơi.

Ở ngoài đường thật thoải mái, người qua người lại, xe cộ đông như mắc cửi, náo nhiệt biết bao. Chúng tôi ghé quán trà, nghe kể chuyện như mọi khi, vị tiên sinh trước kia không hiểu đi đâu mất, giờ đã đổi sang vị tiên sinh mới này, cũng không kể chuyện Tiên Kiếm nữa, mà chuyển sang bàn chuyện chinh chiến Tây Vực từ mấy thập niên trước của triều đình.

– Kể từ lần bại trận ấy, Tây Lương bị đại quân thiên triều đánh cho tan tác, phải cúi đầu thần phục. Tuyên hoàng đế nhân hậu, hẹn ước cùng Tây Lương kết mối lương duyên nhiều đời, đồng thời ban hôn Công chúa Minh Viễn của thiên triều cho khả hãn[5] của Tây Lương. Hai nước hòa thuận đã mười mấy năm nay, chẳng ngờ khả hãn già nua của Tây Lương vừa qua đời, tân khả hãn liền ngông cuồng tới mức tự xưng mình là Thiên Khả hãn, rồi tuyên chiến với triều đình ta. Khi đại quân thiên triều áp sát biên giới hai nước, tân Khả hãn trở tay không kịp, bèn cung kính giao nộp con gái mình, đổi lại sự khoan dung của thiên triều.

[5] Khả hãn hoặc khắc hãn, đại hãn: là một tước hiệu thủ lĩnh cao nhất trong ngôn ngữ Mông Cổ và Thổ Nhĩ Kỳ, được xem là người đứng đầu của đế quốc.

Mọi người trong quán cười ầm lên, A Độ đứng phắt dậy, ném phăng chiếc cốc. Bình thường A Độ là người can ngăn tôi không nên manh động, lần này lại đến lượt tôi sợ muội ấy nổi nóng mà đả thương người khác nên vội lôi A Độ ra khỏi quán trà.

Bên ngoài nắng vàng rực rỡ, tự nhiên tôi nhớ tới Công chúa Minh Viễn. Đó là người phụ nữ xinh đẹp, trang phục lẫn cách trang điểm khác xa con gái Tây Lương chúng tôi. Lúc dì ấy mắc bạo bệnh rồi qua đời, cha tôi cũng đau lòng lắm.

Cha tôi rất quan tâm đến dì ấy, người nói, đối đãi tử tế với Công chúa Minh Viễn cũng chính là tử tế với Trung Nguyên.

Dân tộc Tây Lương chúng tôi cứ tưởng mình tử tế với người ta thì đương nhiên người ta cũng tử tế lại với mình. Đâu như người Thượng Kinh, lúc nào cũng tính toán, trước mặt nói một kiểu, sau lưng làm một kiểu.

Nếu là ba năm trước, thế nào tôi cũng đánh cho lũ người trong quán trà kia một trận tơi bời, hiềm nỗi bây giờ lòng tôi đã nguội lạnh lắm rồi.

Tôi và A Độ ngồi nghỉ bên cầu, những cánh buồm căng gió lướt trên sông, người chèo đò cầm cây sào dài ngoẵng, một lúc lại cắm sâu xuống lòng sông, đẩy con đò đi dần về phía xa. Nhớ hồi mới đến Thượng Kinh, nhìn thấy thuyền bè tôi vô cùng sửng sốt, lẽ nào xe lại đi được trên sông? Thấy cầu tôi còn kinh ngạc hơn, tưởng là cầu vồng, ai lại xếp đá thành cầu vồng thế này? Ở Tây Lương chúng tôi, mặc dù có sông nhưng nước sông trong veo mà nông như một dải lụa bạc vắt qua thảo nguyên, nước sông róc rách chảy, ngồi trên lưng ngựa là lội được qua, nơi ấy không có thuyền, cũng chẳng có cầu.

Từ lúc đến Thượng Kinh, tôi được chứng kiến nhiều điều chưa được thấy bao giờ nhưng trong lòng lại không thoải mái.

Đang mải thả hồn ngẩn ngơ, chợt nghe có tiếng “ùm”, rồi tiếng gọi thất thanh vang lên gần đó:

– Có ai không! Ca ca cháu rơi xuống sông rồi! Ai cứu ca ca cháu với!

Tôi ngước nhìn lên, thấy phía xa xa có một bé gái chừng bảy, tám tuổi đang gào khóc kêu cứu:

– Mau cứu ca ca cháu với! Huynh ấy rớt xuống sông rồi!

Thấy một cái đầu nhỏ trồi trên mặt nước, lúc chìm lúc nổi, tôi liền nhảy bổ xuống sông, quên béng mất mình không biết bơi. Đến khi túm được tay thằng bé, tôi cũng bị sặc, uống không biết bao nhiêu là nước, trộm nghĩ lần này xong rồi, đã không cứu được người ta, mình cũng bị chết đuối. Tôi chết cũng không sao, nhưng chết rồi thì ai chăm sóc cho A Độ, một thân một mình muội ấy chẳng biết có tìm được đường về Tây Lương không…

Bụng ních đầy nước rồi cơ thể tôi cứ thế chìm dần. Đúng lúc tôi sắp ngất lịm thì được A Độ vớt lên từ dưới nước lên. A Độ đặt tôi nằm lên một phiến đá rộng bên bờ sông, miệng tôi ộc ra toàn nước. Nhớ năm xưa, lần đầu tiên thấy vại thủy tinh nuôi cá vàng trong Đông cung, bấy giờ tôi tự hỏi, sao nó lại to thế nhỉ? Cái bụng tròn lẳn đáng yêu chưa kìa, thỉnh thoảng còn nhởn nhơ nhả bong bóng nữa chứ! Bây giờ mới vỡ lẽ, hóa ra trong bụng nó toàn nước cả đấy.

A Độ ướt sững từ đầu đến chân, nước trên áo quần thi nhau nhỏ giọt, muội ấy khuỵu gối ngồi cạnh tôi. Ánh mắt muội ấy nhìn tôi đau đáu, đầy vẻ lo âu, tôi biết mình mà không tỉnh lại, thể nào cô gái ngốc nghếch này cũng khóc ầm lên cho mà xem.

– A Độ… – Trong cơn mê man, tôi vẫn ói ra nước không ngừng – Đứa trẻ kia đâu…

A Độ liền đưa thằng nhỏ vừa ngã xuống sông lại cho tôi xem, nó ướt nhẹp, nước nhỏ tong tong từng giọt, đôi mắt đen láy nhìn tôi chằm chằm.

Tôi cố gằng bò dậy, người dân quanh đấy thấy vậy thì xúm lại xem. Cả ngày tôi lang thang ngoài đường tìm trò vui, chẳng ngờ lần này cũng đến lượt mình bị người ta nhìn chằm chằm với vẻ soi mói. Tôi và A Độ đang dở tay vắt quần áo, chợt nghe tiếng hét thất thanh của ai đó, cùng lúc, chân nam đá chân chiêu len vào giữa đám đông.

– Con tôi! Ôi, con tôi!

Xem dáng vẻ chừng như một cặp vợ chồng, bọn họ ôm chằm lấy đứa trẻ rơi xuống nước ban nãy rồi gào khóc, đứa con gái cũng đứng bên dụi mắt.

Tôi lấy làm mừng trước cảnh nhà người ta sum vầy. Ngày qua ngày, lê la ở quán trà nghe kể chuyện anh hùng nghĩa hiệp, chẳng ngờ hôm nay mình cũng được làm anh hùng một phen. Ai dè thằng nhóc ban nãy chợt khóc toáng lên, không để tôi kịp tưởng tượng:

– Cha ơi, chính gã đàn ông xấu xa này đã đẩy con xuống sông!

Nói rồi nó chĩa tay, chỉ thẳng vào tôi.

Tôi trợn mắt, há miệng, thầm nghĩ, chuyện gì đang diễn ra thế này?

– Con cũng thấy chính hắn đã đẩy ca ca xuống sông đấy ạ! – Đứa con gái giọng non nớt mà tôi nghe chẳng khác nào tiếng sấm rền bên tai.

– Lòng dạ người đời sao lại dã man thế chứ!

– Đứa nhỏ đã gây thù chuốc hấn gì với hắn thế?

– Có trời mới biết! Trông mặt cũng có vẻ nho nhã, thế mà lại làm cái chuyện xấu xa này!

– Cái loại nho nhã cặn bã! Đồ mặt người dạ thú!

– Không thể tha cho nó!

– Đúng thế!

– Không thể tha cho bọn này được!

Người từ bốn bể xộc đến, xô đẩy chúng tôi. Đương nhiên A Độ cũng chẳng hiểu chuyện gì, chỉ biết giương mắt nhìn tôi. Tôi nghe mà gân xanh hai bên thái dương giật liên hồi, chẳng ngờ làm ơn mắc oán, tức thế không biết!

– Mau đưa thằng bé đến y quán để đại phu xem bệnh!

– Phải bồi thường nữa chứ! Vô duyên vô cớ đẩy thằng nhỏ ngã xuống sông, bắt nó đền tiền đi!

Tôi phân bua:

– Rõ ràng bọn tôi cứu đứa nhỏ này mà, sao lại lật trắng thay đen, đổ vạ cho chúng tôi đẩy nó được!

– Mày đẩy nó chứ mày cứu cái gì?

Tôi suýt phụt máu tươi, cái loại… cái loại lý lẽ gì thế này?

– Mày làm con trai tao sợ rồi đây này, phải mời đại phu tới xem bệnh mới được.

– Đúng, phải mời đại phu tới xem bệnh đã, xem có bị thương không!

– Đứa trẻ vẫn còn lành lặn thế, nó có bị thương đâu! Với lại, rõ ràng tôi vừa cứu nó…

– Lại còn cãi láo! Không đền tiền mời thầy thuốc chứ gì, lôi nó lên quan huyện giải quyết!

Đám người xung quanh đồng thanh:

– Dẫn chúng lên nha môn đi!

Thế rồi người ta nhộn nhạo gào thét:

– Lên nha môn!

Tôi bực lắm, lên thì lên, cây ngay không sợ chết đứng, mình ngay thẳng thì sợ gì ai!

Đám người nhốn nháo xô đẩy, lời qua tiếng lại cũng đủ thu hút ánh mắt của người qua đường, đã thế cặp vợ chồng kia còn vừa ôm con vừa gào toáng lên:

– Mau ra đây mà xem… Còn công lý nữa không… Xô con người ta xuống sông mà còn già mồm bảo mình cứu chúng. Chẳng lẽ trẻ con lại bịa chuyện…

Thế là tôi và A Độ chẳng khác nào hai con chuột tạt ngang chợ, hàng quán thi nhau ném rau thối vào người chúng tôi, kẻ rỗi hơi đi qua bắt gặp cũng nhổ nước bọt… May là A Độ nhanh chân nhanh tay nên hai đứa không dính miếng rau thối nào, nhưng càng thế tôi càng bực.

Bước vào nha môn huyện Vạn Niên, lửa giận trong tôi mới nguôi ngoai phần nào, dù sao vẫn có nơi để mà cãi lý. Vả chăng lần đầu được đến chỗ này, nhìn cũng có vẻ khá đây. Dưới quyền Kinh triệu doãn[6] có hai huyện Trường An và Vạn Niên, với ý nghĩa bình an, trường tồn muôn đời, vì vậy mà Trường An và Vạn Niên được mệnh danh là hai huyện đứng đầu thiên hạ. Lúc thăng đường, khí thế bừng bừng, trong tiếng hô “UY” của đám nha dịch, huyện lệnh huyện Vạn Niên sải bước xuất hiện, ung dung an tọa, bắt đầu tra hỏi tên họ của nguyên cáo lẫn bị cáo.

[6] Kinh triệu doãn: chức quan đứng đầu phủ Kinh triệu, thuộc Tam phụ (bao gồm: Kinh triệu doãn, Tả phong dực, Hữu phủ phong) chuyên cai quản kinh đô.

Đến tận lúc này tôi mới biết đôi vợ chồng kia họ Giả, sống ở ven sông, mưu sinh bằng nghề bán cá. Lúc hỏi đến mình, tôi buột miệng bịa ra một cái tên giả, tự xưng là “Lương Tây”, mỗi lần tha thẩn bên ngoài tôi thường dùng cái tên này. Có điều huyện lệnh huyện Vạn Niên hỏi tôi làm nghề gì, tôi liền cứng họng, không biết phải đáp lại thế nào, gã sư gia ngồi bên nom dáng dấp tôi cũng chen đôi lời:

– Nói vậy tức là du thủ du thực?

Thì cũng gần như thế, kiểu lang thang nay đây mai đó, tôi liền gật đầu.

Huyện lệnh đại nhân nghe cặp vợ chồng kia nói hươu nói vượn một hồi, lại hỏi đến hai đứa trẻ, hai đứa trẻ trả lời đồng thanh trả lời, quả quyết bảo tôi đẩy thằng anh xuống sông. Huyện lệnh đại nhân thôi không truy cứu chúng nữa mà chuyển sang hỏi tôi:

– Người biết bơi không?

– Không biết.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên gật gù, phán rằng:

– Ngươi vô duyên vô cớ đẩy người ta ngã xuống sông, suýt chút nữa thì gây án mạng, người còn gì để nói không?

Tôi tức tối giậm chân:

– Rõ ràng thảo dân thấy nó ngã xuống sông liền nhảy xuống cứu nó. Sao thảo dân có thể đẩy nó được, đẩy nó thì có ích gì?

Huyện lệnh phán rằng:

– Ngươi không biết bơi mà lại đi cứu nó, nếu ngươi không đẩy thằng bé, hà tất phải liều mình cứu nó?

Tôi cãi:

– Cứu người là trên hết, há cần nghĩ ngợi! Thảo dân thấy thằng bé rơi xuống sông liền nhảy xuống cứu, đâu có bận tâm mình không biết bơi!

Huyện lệnh nói:

– Ngươi chỉ giỏi vụng chèo khéo chống! Con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, ngươi và đứa trẻ vốn không quen biết, người cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ ư? Nếu bảo ngươi không làm, hà tất phải có tật giật mình? Một khi đã có tật giật mình, vậy chuyện ngươi đẩy nó xuống sông không còn nghi ngờ gì nữa!

Tôi liếc nhìn bốn chữ “gương sáng treo cao” sau lưng lão, gân xanh hai bên thái dương bất chợt giật giật, nó giật cái nào, tôi lại muốn xắn tay áo tẩn lão huyện lệnh này cái đó.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên thấy tôi không còn gì để nói, liền ra phán quyết:

– Ngươi vô duyên vô cớ đẩy người ta xuống sông, hại con nhà người ta bị chấn động tinh thần, giờ bản quan phạt ngươi đền nhà họ Giả mười xâu tiền để an ủi cả nhà họ.

Tôi giận không biết để đâu cho hết, liền phá lên cười:

– Hóa ra ông toàn xử án kiểu này sao?

Huyện lệnh huyện Vạn Niên thủng thẳng nói:

– Ý ngươi là bản quan xử án bất công?

– Đương nhiên rồi! Thảo dân cứu người là chuyện rành rành ra đó, thế mà ngài chỉ nghe từ một phía, quyết không tin thảo dân.

– Ngươi cãi rằng mình không đẩy đứa trẻ, vậy có nhân chứng, vật chứng gì không?

Tôi nhìn sang A Độ, bảo:

– Đây là A Độ, muội ấy chứng kiến thảo dân cứu người, sau đó cũng chính muội ấy đã vớt thảo dân và đứa trẻ kia lên.

Huyện lệnh đại nhân ra lệnh:

– Vậy gọi kẻ đó bước ra công đường để ta chất vấn.

Tôi nuốt giận nói:

– A Độ không biết nói.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên phá lên cười:

– Hóa ra là một kẻ câm!

Lão vừa cười, tôi đã biết có chuyện chẳng lành, y như rằng A Độ tuốt vỏ đao nhanh như cắt. May mà tôi kịp giữ muội ấy lại, bằng không muội ấy đã cắt phăng đôi tai của gã huyện lệnh kia rồi. A Độ đứng yên một chỗ, gườm gườm nhìn gã huyện lệnh, nha dịch xung quanh vùng lên quát tháo:

– Trên công đường không được mang đao!

Tuy ở yên trong vòng tay tôi, song A Độ vẫn khẽ cử động, mũi đao như bông tuyết phớt bay rồi lại xoay chuyển trở về trong lòng bàn tay. Muội ấy ra tay nhanh như chớp, hộp thăm đỏ trên án thư của huyện lệnh đại nhân chợt vang lên một tiếng “bang” rồi nứt toác, không ai kịp trở tay, thăm đỏ trong hộp rơi xuống đất, que nào que nấy nứt làm đôi. Ống thăm cắm ít nhất mười que, tất cả bị chẻ làm đôi chỉ trong chớp mắt bởi nhát đao của A Độ, thậm chí nứt đôi ngay chính giữa. Những người có mặt trên công đường không khỏi trố mắt thảng thốt, dân chúng đứng xem ngoài cửa nha môn bèn ồ lên:

– Xiếc tài quá!

Sai dịch trong nha môn thầm nghĩ, đây là đao pháp tuyệt diệu chứ nào phải “xiếc hay”. Huyện lệnh huyện Vạn Niên sợ tím tái mặt mày nhưng vẫn ra vẻ bình tĩnh, bảo:

– Người… người đâu! Sao lại để bọn họ giở trò đao kiếm trên công đường?

Ngay lập tức có vài gã nha dịch đánh bạo tiến lên toan tịch thu thanh đao trên tay A Độ, tôi nói ngay:

– Các ngươi có giỏi thì cứ xông lên, cô nương này mà muốn cắt tai ai, ta cũng không cản nổi đâu.

Quan huyện gằn giọng, quát:

– Nơi đây đường đường là nha môn huyện Vạn Niên, các người muốn làm loạn hả?

Tôi nói:

– Bẩm đại nhân, oan cho thảo dân quá!

Huyện lệnh nói:

– Không có ý làm loạn thì mau giao nộp thanh đao.

Lời vừa dứt, A Độ đã ném cho lão một cái lườm, lão lập tức đổi giọng:

– Mau thu đao lại!

A Độ dắt đao vào thắt lưng, tôi trộm nghĩ hôm nay đúng là tai bay vạ gió, chẳng biết kết cục rồi sẽ đi về đâu.

Huyện lệnh huyện Vạn Niên thấy A Độ đã thu đao lại, dường như cũng an tâm phần nào, đưa mắt ra hiệu với sư gia. Vị sư gia hiểu ý liền bước xuống công đường, nhẹ nhàng hỏi tôi:

– Thân thủ của hai vị võ sĩ quả là cao cường, không hiểu hai vị là thuộc hạ của đại nhân ở phủ nào?

Tôi nghe chẳng hiểu gì, bèn trợn mắt bảo gã:

– Ngươi nói thẳng ra xem nào!

Sư gia nhún nhường, hạ giọng:

– Ý đại nhân nhà chúng tôi muốn hỏi, thân thủ của hai vị vừa nhìn đã biết người phi phàm, không biết hai vị đang theo hầu vị đại nhân nào ạ?

Tôi mừng quýnh, hóa ra lão huyện lệnh này cũng biết mềm nắn rắn buông, vừa rồi chúng tôi làm náo loạn công đường, lão lại tưởng tôi ỷ mình có sừng có mỏ, hẳn lão đang nghĩ chúng tôi là hiệp khách của phủ quyền quý nào đây mà. Tôi đắn đo một lúc, hay bây giờ mình réo tên Lý Thừa Ngân nhỉ, chỉ e lão không tin. Đầu tôi bỗng lóe lên một cái tên, có rồi!

Tôi thẽ thọt nói với ông ta:

– Đại nhân nhà chúng tôi là Kim ngô tướng quân Bùi Chiếu.

Sắc mặt sư gia như thể đã vỡ lẽ, thậm chí gã còn quay người, ngầm chắp tay với tôi, khẽ thưa:

– Thì ra là Vũ lâm lang dưới quyền Bùi đại nhân, chẳng trách lại phi thường thế!

Tôi mà thèm nhập bọn với lũ Vũ lâm lang khốn khiếp ấy? Cơ mà những lời này tôi chỉ tự nhủ thế thôi, người Trung Nguyên có câu rất hay: Tránh voi chẳng xấu mặt nào.

Sư gia lui về sau án, thủ thỉ bên tai lão huyện lệnh một chặp.

Sắc mặt lão huyện lệnh thoáng tái mét, lão đập thước một cái:

– Đã là người phụng mệnh hành sự của Kim ngô tướng quân, vậy đi mời Bùi Tướng quân đến đây làm chứng!

Tôi choáng váng, có trời mới biết lão huyện lệnh này lại lắm trò đến thế. Bụng bảo dạ, nếu hôm nay tới phiên Bùi Chiếu trực ở Đông cung thì đúng là gay go thật rồi. Nếu gã không đến hay sai một người khác mà chúng tôi không biết, vậy thì tôi chết chắc rồi. Lẽ nào phải đại náo công đường rồi bỏ của chạy lấy người sao?

Sau này nghe Bùi Chiếu kể lại tôi mới rõ, tuy gã huyện thừa này chỉ giữ chức quan thất phẩm nhỏ nhoi, hiềm nỗi hoàng thành ngay sát dưới chân thiên tử, thế mới nói đảm đương chức vị này cũng hóc búa vô cùng. Những kẻ có thể ngồi vững cái ghế ấy rặt loại cáo già lọc lõi. Lão huyện lệnh huyện Vạn Niên ấy gặp phải hai đứa khó chơi như bọn tôi đâm ra không khép được vụ án, nghe bảo tôi là quân của Bùi Chiếu liền nằng nặc sai người đi mời Bùi Chiếu đến. Những chuyện bát nháo chốn quan trường này, dù Bùi Chiếu có giảng giải thế nào thì tôi cũng không tài nào hiểu nổi.

May là hôm nay Bùi Chiếu không phải đi tuần, vừa mời đã đến ngay.

Hôm nay Bùi Chiếu mặc võ phục thay vì giáp trụ như mọi ngày. Xưa nay tôi và gã chỉ chạm mặt nhau đôi lần, đều là lúc Bùi Chiếu đi tuần trong Đông cung với bộ giáp trụ trên người, hôm nay là lần đầu tiên tôi gặp gã ăn vận kiểu này, thành thử gã bước vào mà tôi cũng không nhận ra. Vẻ nho nhã kiểu thư sinh này khiến gã khác hẳn ngày thường.

Thấy tôi và A Độ, gã tỏ ra tỉnh bơ. Huyện lệnh huyện Vạn Niên rời ghế nghênh tiếp, mặt mày tươi rói, thưa:

– Vạn bất đắc dĩ mới nhờ đến Tướng quân, âu cũng là vạn bất đắc dĩ.

– Nghe nói người của tôi vô duyên vô cớ xô một đứa trẻ xuống sông, hiển nhiên tôi cũng phải đến xem thế nào.

– Vâng, vâng! Mời Tướng quân ngồi ghế thượng tọa!

– Nơi đây là nha môn huyện Vạn Niên, xin đại nhân cứ tiếp tục thẩm tra, bản Tướng quân ngồi bên cạnh nghe là được rồi.

– Vâng, vâng!

Huyện lệnh huyện Vạn Niên lại tái diễn màn truy hỏi bị cáo, nguyên cáo từ đầu chí cuối.

Tôi thấy thật là chán ngắt.

Nhất là đoạn lão huyện lệnh nói:

– Con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, ngươi và đứa trẻ vốn không quen biết, ngươi cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ ư? Nếu bảo ngươi không làm, hà tất phải có tật giật mình? Một khi đã có tật giật mình, vậy chuyện ngươi đẩy nó xuống sông không còn nghi ngờ gì nữa!

Tôi quăng cho lão một cái lườm sắc ngọt.

Cho đến tận cùng, hai đứa trẻ kia vẫn kiên quyết cho rằng tôi đã đẩy thằng anh xuống sông, trong khi tôi một mực phủ nhận.

Lão huyện lệnh cố tình hỏi khó Bùi Chiếu:

– Bùi tướng quân, ngài xem…

Bùi Chiếu nói:

– Tôi có thể hỏi hai đứa trẻ vài lời không?

Lão huyện lệnh thưa:

– Vâng, mời Tướng quân!

Bùi Chiếu bèn nói:

– Vậy nhờ đại nhân tạm đưa bé gái này lui ra sau, lấy hoa quả, bánh trái cho cô bé ăn, đợi tôi hỏi xong anh trai của cô bé, rồi hãy gọi ra.

Đương nhiên lão huyện lệnh đồng ý ngay lập tức. Đợi đứa bé gái kia đi khuất, Bùi Chiếu mới hỏi đứa trẻ bị rơi xuống nước:

– Cháu vừa mới nói, cháu đang nghịch nước ở ven sông, chính gã này đẩy cháu?

Thằng bé gan lì đáp lại:

– Đúng ạ!

– Gã đẩy cháu từ đằng sau?

– Đúng ạ!

– Gã đẩy cháu từ đằng sau, sau lưng lại không có mắt, sao cháu biết chính hắn đẩy mà không phải là người bên cạnh?

Thằng nhóc líu lưỡi, mắt đảo một vòng:

– Thảo dân nhớ nhầm ạ, thực ra hắn đẩy thảo dân từ phía trước khiến thảo dân ngã ngửa xuống sông.

– À, ra là ngã ngửa. – Bùi Chiếu hỏi xong, đoạn quay sang bảo. – Xin phép huyện lệnh đại nhân dẫn đứa bé này đi thay quần áo, thằng bé ướt sũng, không khéo lại nhiễm lạnh.

Huyện lệnh bèn sai người dẫn thằng bé đi. Bùi Chiếu cho gọi đứa bé gái ban nãy ra công đường, chỉ vào tôi hỏi rằng:

– Cháu nhìn xem đây có phải kẻ đã đẩy ca ca cháu xuống sông không?

– Chính hắn ạ!

– Ca ca cháu đang chơi bên bờ sông, hắn đẩy ca ca cháu kiểu gì?

– Thì cứ đẩy thôi ạ, tại hắn, ca ca cháu mời ngã xuống sông.

Bùi Chiếu hỏi:

– Người ta đẩy vai hay là đẩy lưng anh trai cháu?

Con bé nghĩ một hồi rồi nói chắc nịch rằng:

– Hắn đẩy vai ạ!

– Cháu cứ nghĩ cho kĩ đi, rốt cuộc là vai hay lưng?

Nó do dự một lúc lâu rồi mới nói:

– Không phải vai mà là lưng ạ, hắn bước tới từ đằng sau, đẩy anh cháu lộn cổ xuống sông.

Bùi Chiếu chắp tay hướng lên trên:

– Thưa đại nhận, bản Tướng quân đã hỏi xong, lời khai của hai đứa trẻ này không đồng nhất, câu trước không khớp câu sau, điểm nghi vấn còn nhiều, xin đại nhân phán quyết rõ ràng.

Sắc mặt lão huyện lệnh hết tái lại đỏ bừng, lão luống cuống thưa:

– Tướng quân nói chí phải!

Rồi lão vỗ phách, sai người dẫn thằng bé ra rồi trách cứ nó cớ gì lại nói dối. Thoạt đầu thằng bé còn chối đây đẩy, sau khi huyện lệnh dọa đánh đòn, nó liền bật khóc kể bằng hết, thì ra cha mẹ nó vốn sống ở ven sông, thường xuyên tái diễn thủ đoạn này.

Nó và em gái từ nhỏ đã biết bơi song vẫn cố tình đóng giả chết đuối để lừa người đến cứu. Một khi có người vớt lên, chúng liền lăn đùng ra ăn vạ, kêu người ta đẩy nó xuống sông, cặp vợ chồng họ Giả kia thừa cơ bắt vạ đòi bồi thường. Những người nhảy xuống cứu thường ngậm đắng nuốt cay, bấm bụng trách cứ mình đen đủi rồi bỏ tiền cho qua chuyện. Không ngờ hôm nay gặp phải đứa khó chơi như tôi, đòi kéo nhau lên nha môn bằng được. Đến nha môn mà cặp vợ chồng họ Giả kia cũng không biết sợ, bởi lẽ phần đông người qua đường đều đinh ninh trẻ con biết gì mà nói dối, chứ đừng nói đến việc giở trò lừa gạt trắng trợn đến vậy.

Tôi chết lặng người khi nghe câu chuyện chúng kể, thật không ngờ trên đời lại có loại cha mẹ dã man đến thế, nhưng thủ đoạn lừa đảo mới khiến tôi bất ngờ hơn cả.

Bùi Chiếu nói:

– Bây giờ chân tướng sự việc đã rõ ràng, thuộc hạ của tôi vốn tốt bụng cứu người song lại bị vu cáo, hãm hại, quá thực oan uổng, mong đại nhân có phán quyết rõ ràng, bản Tướng quân xin được đưa người về.

Lão huyện lệnh chắp tay nói bằng vẻ sượng sùng:

– Xin tùy ý Tướng quân!

Tôi liền lên tiếng:

– Thảo dân vẫn có lời muốn thưa.

Bùi Chiếu đưa mắt nhìn tôi, tôi nhanh nhẹn tiến lên nói với lão huyện lệnh:

– Ngài vừa nói, con người ta quen thói ích kỷ, ham sống sợ chết, thảo dân và đứa trẻ vốn không quen biết, thảo dân cũng không biết bơi, cớ gì lại lao xuống cứu nó, há chẳng phải chột dạ? Xin thưa, ngài nói sai rồi! Thảo dân liều mình cứu đứa bé, bởi nó nhỏ tuổi hơn thảo dân rất nhiều. Bảo vệ trẻ nhỏ, cứu người nguy nan vốn là những đạo lý nhân nghĩa ở đời. Thảo dân cũng ham sống sợ chết như ai, nhưng không ngờ trên đời này lại có kẻ thấy người sắp chết ngay trước mắt mà lại ngoảnh mặt làm ngơ, không ra tay cứu giúp. Thoạt đầu đại nhân hồ đồ phán quyết phạt tiền thảo dân, há chẳng phải răn đe những tấm lòng hảo tâm trong thiên hạ chớ nên lo chuyện bao đồng, sau này liệu còn ai dám đứng ra hành hiệp trượng nghĩa, cứu nhân độ thế nữa? Thảo dân không dám nhận mình đã làm chuyện gì lớn lao, nhưng dám nói rằng, thảo dân không thẹn với lòng mình. Nói để ngài rõ, mặc dù lần này không may gặp phải bọn lừa đảo, nhưng nếu lần sau gặp lại chuyện này, thảo dân vẫn ưu tiên cứu người!

Nói rồi tôi liền quay phắt người bước đi, dân chúng đứng xem xử án nãy giờ vỗ tay rầm rầm, có người còn gọi với theo tôi hoan hô hỉ hả.

Mặt tôi hớn hở, dương dương tự đắc, chắp tay cảm tạ những người vỗ tay cổ vũ mình.

Bùi Chiếu ngoảnh lại nhìn, tôi bèn lè lưỡi, đoạn rảo bước đi theo gã.

Thì ra gã cưỡi ngựa đến, tôi nom con ngựa ấy thần thái sáng sủa, ưa nhìn, không cầm được xao lòng:

– Bùi Tướng quân, cho ta mượn ngựa cưỡi một lúc nhé?

Kể từ lúc ra khỏi công đường, Bùi Chiếu tỏ ra lễ độ hơn hẳn:

– Bẩm công tử, con ngựa này tính tình ương ngạnh, mạt tướng sẽ chọn con ngựa khác để người cưỡi…

Lời chưa dứt, tôi liền tung người nhảy phắt lên yên ngựa, con ngựa vểnh tai khẽ hí, rồi ngoan ngoãn để tôi cưỡi. Bùi Chiếu nói, giọng thảng thốt:

– Công tử thật bản lĩnh, tính khí con ngựa này ương bướng, khó chiều, người bình thường đành bó tay chịu thua. Ngoại trừ mạt tướng ra, nó không để ai lại gần.

– Con ngựa này do người Tây Lương chúng ta tiến cống. – Tôi vỗ vào gáy ngựa, rồi vuốt ve cái bờm dài mướt của nó, thể hiện lòng yêu thương vô hạn. – Hồi ở Tây Lương, ta cũng có một con ngựa nhỏ rất ngoan, bây giờ chắc tầm bảy tuổi.

Bùi Chiếu sai người dắt thêm hai chú ngựa nữa, một nhường cho A Độ, một để mình tự cưỡi. Thấy gã phi thân lên ngựa, tôi không khỏi thốt lên tán thưởng. Đàn ông Tây Lương chúng tôi rất coi trọng bản lĩnh khi ở trên lưng ngựa, nom dáng dấp vừa rồi của Bùi Chiếu, tôi biết gã là kẻ có tài.

Phố phường đông đúc, ngựa không phi nhanh được, tôi đành giữ cương thong dong tiến dần về phía trước. Thượng Kinh phồn hoa, náo nhiệt dưới sắc trời thu trong xanh, người qua người lại đông như mắc cửi, Bùi Chiếu định rong ngựa theo sau tôi và A Độ, nhưng con ngựa tôi đang cưỡi gần gã bấy lâu, không nỡ đi nhanh, chẳng mấy chốc chúng tôi đã đi ngang hàng. Tôi thở vắn than dài:

– Hôm nay ta mới được mở rộng tầm mắt, chẳng ngờ trên đời này lại có loại cha mẹ như vậy, còn lừa đảo trắng trợn thế nữa chứ!

Bùi Chiếu khẽ cười, nói:

– Lòng người nham hiểm khó lường, sau này công tử ắt phải đề cao cảnh giác.

– Nhưng ta không biết phải đề phòng thế nào. – Tôi nói. – Tính cách người Thượng Kinh quá phức tạp, mà con gái Tây Lương ai nấy như một, vui vẻ hay không đều hiển hiện trên mặt, bảo ta phải bắt chước người Thượng Kinh, thà giết ta đi còn hơn.

Bùi Chiếu vẫn cười nhạt nhẽo.

Thấy mình lỡ miệng, tôi liền vồn vã bổ sung:

– Nhưng Bùi Tướng quân thì khác, ngươi là người tốt, ta nhìn là biết.

– Công tử quá khen rồi!

Lúc ấy có cơn gió lùa, quần áo trên người tôi vốn ướt nhẹp, vừa nãy nhùng nhằng ở nha môn cũng khô được phần nào, nhưng áo trong vẫn ẩm. Cơn gió lạnh buốt thổi qua, tôi không kìm được cơn hắt xì.

Bùi Chiếu nói:

– Trước mặt có quán trọ, nếu công tử không chê, mạt tướng xin giúp công tử đi mua vài bộ y phục, thay bộ đồ khô ráo rồi hãy đi tiếp có được không ạ? Tiết trời này mặc đồ ẩm chỉ e sẽ ốm.

Sực nhớ A Độ cũng đang ướt sũng từ trong ra ngoài, tôi liền đồng ý.

Bùi Chiếu đưa chúng tôi đến quán trọ, thuê một gian nhà trên, bẵng đi một lúc, đích thân hắn mang hai bọc quần áo bước vào, nói:

– Mạt tướng đã cho đám người đi theo mình lánh đi chỗ khác, tránh bọn họ nhòm ngó lung tung. Xin hai vị cứ tự nhiên, mạt tướng ở ngay bên ngoài, có gì xin cứ truyền gọi.

Hắn bước ra ngoài, tiện tay khép cửa lại. A Độ cài then cẩn thận xong, chúng tôi mới mở bọc quần áo ra xem, từ áo trong đến áo ngoài, thậm chí giày, tất đều được gấp gọn gàng và mới tinh. Chúng tôi thay bộ đồ khô ráo, A Độ giúp tôi chải lại tóc. Giờ thì thoải mái rồi.

Tôi mở cửa, gọi:

– Bùi Tướng quân!

Bên ngoài là một dãy mái hiên, Bùi Chiếu đứng ở tận đầu hành lang. Mới một lát không gặp, gã đã thay sang một bộ thường phục, tóc vấn gọn gàng, trông càng đậm nét thư sinh. Gã quay mặt về phía cửa sổ, chắc đang lặng ngắm phố phường. Nghe tiếng tôi gọi, Bùi Chiếu liền ngoái lại, nhìn tôi và A Độ thoáng vẻ ngẩn ngơ.

Bụng bảo dạ chắc gã đang thả hồn đi đâu đó, ánh mắt trông có vẻ thất thần, nhưng chỉ một thoáng, gã nhanh chóng nhìn lảng đi nơi khác, mặt hơi cúi xuống:

– Mạt tướng hộ tống công tử trở về.

– Đợi mãi mới có cơ hội lẻn ra ngoài, bây giờ ta chưa muốn về!

Tôi nhoài mình ra cửa sổ, ngắm con phố sầm uất trải dài tăm tắp.

– Chúng ta đi uống rượu đi, ta biết một quán rượu ngon, uống đã lắm.

– Tại hạ còn có nhiệm vụ khác phải làm, mong công tử thứ lỗi, xin công tử mau mau quay về.

– Hôm nay có phải ca trực của ngươi đâu, thế nên hôm nay ngươi không phải là Kim ngô tướng quân, mà ta cũng chẳng phải Phi phi gì cả. Huống hồ, bữa nay ta đen đủ đường, suýt thì chết đuối, lại bị lão quan huyện vu oan giáng họa suýt hại chết ta nữa… Giờ phải đi làm vài chén an ủi, không thì bứt rứt, khó chịu lắm.

Bùi Chiếu thưa:

– Vì sự an toàn của công tử, xin công tử theo mạt tướng quay về.

Tôi hậm hực, rạp mình trên bệ cửa sổ, không thèm để ý hắn nữa. Bụng tự nhiên réo ùng ục, tôi sực nhớ từ sáng tới giờ chưa có gì lót dạ, bụng tôi lép kẹp tưởng như da bụng dán vào da lưng. Mặt Bùi Chiếu thoắt đỏ, chắc cũng biết cái bụng tôi sôi réo rồi đấy. Gã đứng cách tôi đến vài bước chân, nhờ ánh sáng lọt qua cửa sổ rọi lên khuôn mặt gã, tôi có thể nhìn rõ mồn một.

Từ bé tới giờ chưa gặp một nam tử đại trượng phu nào đỏ mặt, tự nhiên tôi thấy hay hay, là lạ, liền cười, bảo:

– Nào Bùi Tướng quân, bây giờ ngươi có tình nguyện đưa ta đi ăn không?

Bùi Chiếu thoáng tần ngần rồi thưa:

– Xin vâng!

Giọng điệu khách sáo, xa cách của gã khiến tôi lấy làm khó chịu. Có lẽ vì gã từng cứu tôi hai lần nên thực lòng tôi thấy cảm kích.

Tôi và A Độ dẫn Bùi Chiếu đi băng qua một con ngõ nhỏ hẹp, sau mấy khúc ngoặt mới đến được quán rượu của Mễ La.

Thấy tôi đến, Mễ La niềm nở chạy ra đón tiếp, mắt cá chân đeo chuông vàng ngân nga theo mỗi bước đi, thậm chí chạm hoa tai leng keng đệm nhạc. Mễ La ôm tôi, cười nói:

– Tỷ phần đệ hai hũ rượu ngon rồi đấy!

Mễ La liếc mắt nhìn Bùi Chiếu đứng sau A Độ, người ngoài thoạt nhìn cặp mắt xanh biếc của Mễ La luôn có cảm giác ngần ngại, sợ hãi, thế mà Bùi Chiếu vẫn bình thản như không. Sau này tôi nghĩ, nhà họ Bùi cũng là thế gia vọng tộc ở Thượng Kinh, ắt gặp nhiều biết nhiều. Thượng Kinh vốn sầm uất, trên phố thiếu gì con gái người Hồ[7] bán rượu, Bùi Chiếu hẳn có thấy cũng không lấy làm lạ.

[7] Người Hồ theo nghĩa hẹp dùng để chỉ các sắc dân ngoại lai tại Trung Á và Tây Á.

Quán rượu này không chỉ có rượu ngon mà món thịt bò cũng đậm đà, vừa miệng. Mễ La sai người thái một cân thịt bò cho chúng tôi nhắm rượu. Chúng tôi vừa vào, ngồi chưa ấm chỗ thì trời bất chợt đổ mưa.

Trời thu trút nước, dai dẳng, đập lên ngói trúc trên mái nhà. Bàn kế bên có vài vị khách là thương nhân Ba Tư, lúc bấy giờ lấy ra một ống sáo bằng sắt, tiếng sáo dìu dặt cất lên, bắt đầu một giai điệu kỳ lạ, hòa cùng tiếng nước vỡ òa trên mái hiên, tạo thành nhịp điệu da diết khó nói thành lời.

Mễ La nghe thấy tiếng sáo liền đặt phịch hũ rượu xuống, nhảy vọt lên bàn, nhón chân trần nhảy múa. Dáng tỷ mềm mại, khêu gợi, buông lơi như cơ thể không xương trong khúc nhạc, yêu kiều không sao tả xiết. Tiếng chuông vàng dưới mắt cá chân, trên cườm tay tựa cơn mưa rào, đắm chìm trong âm điệu của sáo, lại gợi hình ảnh về một con rắn vàng mải mê uốn lượn. Đám thương nhân Ba Tư vỗ tay tán thưởng, Mễ La sẽ sàng trườn xuống bên bàn, bắt đầu những điệu quay tròn đu đưa, vây lấy ba người chúng tôi.

Xa Tây Lương bấy lâu, lúc này tôi mới được cười thoải mái. Động tác của Mễ La uyển chuyển, nhịp nhàng tựa dải lụa đang quấn quýt lấy thân tôi, rồi lại tung tăng, dập dờn vờn quanh như cánh bướm. Tôi bắt chước tỷ ấy, tay cũng hòa với nhạc đệm múa máy kiểu này kiểu nọ, ngặt nỗi cơ thể không dẻo dai bằng tỷ ấy. Mễ La xoay vài vòng, A Độ lấy trong áo ra một cây kèn tất lật[8] đưa cho tôi, tôi mừng quýnh, cũng làm vài điệu góp vui.

[8] Tất lật: loại kèn đằm có ba lỗ, miệng kèn mạ vàng, hay còn gọi là kèn pili.

Lái buôn người Ba Tư thấy tôi thổi kèn liền vỗ tay bắt nhịp. Thổi được một bài, thịt bò trên đĩa dậy mùi thơm phức, tôi liền dúi chiếc kèn vào tay Bùi Chiếu:

– Ngươi thổi đi! Thổi đi!

Thế rồi tôi cầm đũa, mau chóng ngốn đồ ăn.

Chẳng ngờ Bùi Chiếu không những biết thổi kèn mà còn thổi rất hay. Tiếng kèn vốn dìu dặt mà có vẻ đau thương, tiếng sáo kia lại lanh lảnh, mãnh liệt, hai loại nhạc khí hòa quyện rất nhịp nhàng. Mở đầu, tiếng kèn của Bùi Chiếu họa theo tiếng sáo, về sau, tiếng sáo của thương nhân người Ba Tư dần hòa quyện với tiếng kèn. Giai điệu du dương chuyển sang sục sôi, hùng dũng, như thể mây mù đặc quánh trên đại mạc bao la của Ngọc Môn Quan[9], xa xăm có tiếng lục lạc, một đoàn lạc đà xuất hiện trên cồn cát. Tiếng lục lạc đong đưa càng lúc càng gần, gần kề đến mãnh liệt, thế rồi cửa ải hiểm yếu đột nhiên rộng mở, thiên binh vạn mã phất cờ dàn trận, tiếng gào thét, tiếng vó ngựa, khiên giáp va chạm bật thành tiếng, tiếng gió, tiếng thở ra, hít vào… Vô số âm thanh hòa thành chương nhạc ngùn ngụt đất trời, cuồn cuộn kéo đến. Mễ La múa mỗi lúc một nhanh, rong đuổi theo nhịp điệu mỗi lúc một tăng, lượn vòng tựa một cánh thiêu thân lấp lánh ánh vàng, điệu múa xoay tròn của tỷ ấy khiến tôi xây xẩm.

[9] Ngọc Môn Quan thuộc tỉnh Cam Túc ngày nay, là trạm biên giới xa nhất về phía tây của Trung Hoa lúc đó. Tên Ngọc Môn Quan là do tất cả đá ngọc sản xuất ở Hòa Diên, Tân Cương thời xưa đều phải đi qua cửa ải này.

Âm điệu mỗi lúc một thê lương, gợi nhớ cánh diều hâu chao lượn trên tầng không trông xuống thiên binh vạn mã dưới sa mạc, nó càng bay càng cao, bay cao mãi, gió rít gào thốc dậy bụi mù… Bao giờ tôi kễnh bụng vì no, chắc con diều hâu ấy đã bay vút lên đỉnh núi tuyết cao tít rồi cũng nên, tuyết liên[10] trên đỉnh núi bung nở, diều hâu sải cánh vút qua. Có chiếc lông vũ bứt khỏi thân chim, phiêu bồng theo gió, gió đặt chiếc lông chim nằm kề bên bông tuyết liên. Nhánh lông vũ đáp xuống tuyết, bị gió vùi trong tuyết. Cánh tuyết liên mơn mởn khẽ rung rinh. Gió bụi vạn dặm như lắng mình tĩnh lặng nơi đỉnh núi…

[10] Tuyết liên, hay còn gọi là hoa sen tuyết, một loại sen quý hiếm trong tự nhiên, chỉ mọc trên các vách núi đá phủ đầy tuyết.

Tiếng sáo, tiếng kèn bỗng im bặt, trong quán trầm lặng đến nỗi tiếng giọt ranh ngoài hiên vọng vào nghe rõ mồn một. Mễ La nằm mọp trên bàn thở dốc, đôi mắt xanh biếc như chực tuôn trào dòng nước, tỷ ấy bảo:

– Ta không thể tiếp tục được nữa!

Đám thương nhân Ba Tư cười ồ, có người rót chén rượu, đưa cho Mễ La. Lồng ngực vẫn phập phồng, Mễ La uống một hơi cạn chén rượu, đoạn quay sang, cười tươi với Bùi Chiếu:

– Huynh thổi kèn rất hay!

Bùi Chiếu không đáp lời, chậm rãi lau sạch cây kèn bằng rượu, sau đó giao lại cho tôi.

Tôi nói:

– Thật khó tin, hóa ra ngươi cũng biết thổi kèn, chẳng mấy người Thượng Kinh biết trò này đâu.

Bùi Chiếu đáp:

– Cha mạt tướng từng đi sứ đến Tây Vực, trong số nhạc khí đem về có kèn tất lật, hồi nhỏ, mỗi lần rỗi rãi, mạt tướng thường tự học thổi kèn.

Tôi vỗ tay rồi cười, nói:

– À, ta biết, cha ngươi là Đại tướng quân Bùi Huống dũng mãnh. Cha ta và Bùi lão Tướng quân từng giao đấu một phen, cha ta cũng khen tài dụng binh của Bùi lão Tướng quân.

Bùi Chiếu nói:

– Khả hãn quá khen rồi!

Tôi bảo:

– Cha ta không tùy tiện khen người khác bao giờ đâu, cha ta khen cha ngươi là bởi ông ấy biết đánh trận thực sự.

Bùi Chiếu nói:

– Vâng!

Một câu “vâng” của hắn làm tôi tụt hứng ngay tức thì. May mà nhóm người Ba Tư lại bắt đầu ca hát, giai điệu du dương, thăm thẳm như chạm vào nỗi lòng người nghe. Mễ La uống thêm một chén rượu, biết chúng tôi không hiểu ý nghĩa của ca từ, tỷ ấy khẽ hát lại bằng giọng phổ thông ngọng líu ngọng lô. Thì ra, đám thương nhân ấy đang hát rằng:

“Trăng kia vằng vặc

Rọi khắp quê ta

Trăng tròn rồi khuyết

Chưa thấy quê nhà.

Sao kia lấp lánh

Chiếu khắp cố hương

Sông Ngân rực rỡ

Khó về quê hương.

Gió kia dìu dịu

Thổi khắp quê ta

Vầng dương lộng lẫy

Tỏa khắp quê nhà.

Nào đâu ai biết

Chôn mình núi cao

Nào đâu ai biết

Chôn ta sông nào.”

Tôi cất lời, hát theo Mễ La, lòng không khỏi bùi ngùi, nghe những người Ba Tư ấy hát mới buồn làm sao, bất giác tôi đưa tay cầm chén rượu uống cạn. Bùi Chiếu gật gù nói:

– Nỗi niềm nhớ quê hương ai mà chẳng có. Những thương nhân người Hồ này đã nhớ nhà đến vậy, cớ sao không quay về?

Tôi thở dài:

– Trên đời này đâu phải ai cũng giống ngươi, từ bé tới lớn không phải xa xứ, bọn họ tha phương cầu thực, âu cũng là bất đắc dĩ thôi.

Bùi Chiếu thoáng đăm chiêu, thấy tôi rót đầy chén rượu, hắn buột miệng bảo:

– Công tử uống nhiều rồi.

Tôi dõng dạc nói:

– Để giải ưu sầu chỉ có Đỗ Khang.[11]

[11] Dịch nghĩa: “Lấy gì giải sầu, chỉ có rượu mà thôi.” Câu thơ trích trong Đoản ca hành, thuộc Tương họa ca, Tào Tháo sáng tác bài thơ này trước khi lâm trận Xích Bích. Trong câu thơ, Tào Tháo ám chỉ rượu là Đỗ Khang. Đỗ Khang thường được xem là ông tổ nghề rượu.

Thấy Bùi Chiếu nhìn mình có vẻ kinh ngạc, tôi chìa ba ngón tay, nói:

– Đừng tưởng ta tài giỏi gì, thực ra ta thuộc tổng cộng có ba câu thơ, câu vừa nãy là một trong ba câu đấy.

Nghe xong, hắn bật cười.

Rượu Mễ La bán quả nhiên lợi hại. Hôm nay tôi uống hơi nhiều, lúc rời quán, mặt đất dưới chân mềm nhũn, cứ như vừa giẫm lên một đụn cát trên sa mac. Ngoài trời gió mưa tầm tã, bóng chiều dần buông, mưa về giăng bụi, dềnh lên quầng trắng mịt mùng phương xa, mưa bụi giăng mờ thủy các[12], cầu hoa đôi bờ sông đào, nhấn chìm mười vạn hộ dân trong tòa thành tĩnh mịch phủ làn hơi mưa. Gió rắc hạt mưa đậu lên gò má nóng ran, cảm giác mát lạnh, khoan khoái chợt ùa về, tôi chìa tay đón hạt mưa phùn li ti như bụi lưu ly sà xuống lòng bàn tay, mưa khẽ khàng chạm vào da thịt dậy cơn ngứa ngáy. Đốm lửa thấp thoáng, dập dờn từ nhà dân ở phía xa, tửu lâu, quán trà nơi lề đường phố thị chong đèn sáng trưng. Thân đò trên sông đã kịp khoác lên mình chuỗi chuỗi những đèn lồng đỏ, ánh lửa soi tỏ sợi khói tỏa lên từ bếp nhà, bảng lảng trong làn mưa rả rích.

[12] Thủy các: gác lầu làm trên mặt nước sông, hồ để ngồi thưởng ngoạn.

Thượng Kinh lất phất mưa bay đẹp tựa như tranh, dù họa sư[13] ở Tây Lương có tài năng đến mấy cũng không thể mường tượng ra được cảnh sắc phồn hoa nơi này. Nơi đây giống như kinh đô của thiên hạ, thành trì tiên cảnh mà thần tiên ưu ái ban cho. Nơi đây là Thượng Kinh của thiên triều, là đô thị sầm uất, phồn thịnh, khắp thiên hạ không đâu sánh bằng, Thượng Kinh khiến vạn nước thuần phục, vạn dân cảm mến, song tôi biết mình không quên được Tây Lương. Thượng Kinh có đẹp đến mấy thì cũng không phải là Tây Lương của tôi.

[13] Họa sư: một tên gọi khác của từ “họa sĩ”, thường được gọi ở thời phong kiến, thường vẽ tranh trong cung đình.

Bùi Chiếu tiễn tôi đến cửa hông của Đông cung. Thấy chúng tôi lẩn được vào hắn mới quay gót rời đi. Tôi ngà ngà say, chếnh choáng chỉ muốn nôn. A Độ vỗ nhẹ vào lưng tôi, chúng tôi ngồi xổm trong hoa viên một lúc lâu, hứng gió cho tỉnh táo phần nào rồi mới rón rén về cung.

Vừa đặt chân qua cửa, tôi sững người nhìn Vĩnh Nương đang đợi mình trong điện. Bà ấy nhìn tôi, tuyệt nhiên không mắng tôi lại lẻn ra ngoài chơi lấy nửa câu, cũng không trách móc mùi rượu trên người tôi nồng nặc, càng không có ý kiến gì về bộ đồ nam tôi mặc, thay vào đó, bà ấy sầm nét mặt, hỏi:

– Thái tử phi có biết trong cung xảy ra chuyện rồi không?

Tôi tò mò hỏi:

– Xảy ra chuyện gì thế?

– Đứa con của Tự Nương… không còn nữa rồi.

Tôi giật mình trong khi mặt mày Vĩnh Nương vẫn đanh lạnh, bà ấy chỉ nói:

– Nô tì vừa tự ý sai người tiến cung thăm hỏi Tự Nương rồi. Chỉ e chốc nữa Hoàng hậu sẽ vời Thái tử phi vào cung hỏi chuyện.

Tôi lấy làm lạ, bèn hỏi:

– Hoàng hậu muốn hỏi gì à?

– Hoàng hậu là người đứng đầu hậu cung, phàm khi hậu cung có chuyện, đương nhiên sẽ do Hoàng hậu phán xử. Đứng đầu Đông cung là Thái tử phi, bây giờ Đông cung xảy ra chuyện lớn, đương nhiên Hoàng hậu sẽ hỏi tới Thái tử phi.

Nhưng tôi đã gặp cô Tự Nương kia bao giờ đâu, hỏi tôi cái gì chứ?

Ngặt nỗi từ xưa đến nay Vĩnh Nương phán đâu trúng đó, bà ấy bảo Hoàng hậu sẽ vời tôi thì chắc chắn người của Hoàng hậu sắp đến rồi. Bây giờ người ngợm tôi thành ra nông nỗi này, sao dám đi gặp Hoàng hậu đây? Tôi lo đến cuống cuồng, nhảy cả lên:

– Mau! Mau lên! Ta phải tắm rửa! Mau đi sắc cho ta một bát canh giải rượu thật đặc!

Cung nữ tất tả giúp tôi chuẩn bị, chưa bao giờ tôi lại nôn nóng muốn lao ngay vào nhà tắm như hôm nay. Nước nóng đã sẵn sàng, tôi liền nhảy bổ vào thùng, trầm mình trong làn nước. Thấy tôi cuống cuồng, Vĩnh Nương bảo:

– Giá mà hằng ngày Thái tử phi chịu tuân thủ nội quy trong cung thì bây giờ đâu đến nỗi “gặp nạn mới ôm chân Phật”?

Trước kia, tôi chẳng bao giờ để lọt tai những lời Vĩnh Nương nói, bây giờ phải công nhận câu “gặp nạn mới ôm chân Phật” quả nhiên đúng. Tôi nói:

– Ngày nào cũng phải tuân theo mấy nội quy ấy, khéo ta chết vì chán mất thôi. Thì có gặp nạn mới nhớ tới Phật Tổ chứ! Phật Tổ ơi, xin ngày hãy phù hộ độ trì cho con!

Tuy Vĩnh Nương vẫn đanh nét mặt nhưng tôi biết bà ấy đang cố nhịn cười. Tôi giơ cánh tay ướt sũng khỏi thùng nước, kéo góc áo Vĩnh Nương, nói;

– Vĩnh Nương à, ta biết bà là người tốt, hằng ngày bà vái Phật Tổ nhớ khấn hộ ta mấy câu nhé, đa tạ!

– A di đà phật! Há lại lấy Phật Tổ ra làm trò đùa! – Vĩnh Nương chắp tay trước ngực. – Thật tội lỗi, tội lỗi!

Tuy ngoài miệng nói thế nhưng Vĩnh Nương vẫn không nén được cười, đón bát canh giải rượu từ tay cung nữ, nói với tôi:

– Xin Thái tử phi mau uống, để nguội sẽ chua lắm đấy!

Canh giải rượu chua ngoét, tôi bịt mũi uống một hơi hết sạch. Vĩnh Nương cắt đặt người xông hương y phục, tôi tắm rửa sạch sẽ, thay bộ quần áo mới. Vừa vấn xong mái tóc, chưa kịp cài trâm, khoác áo, cung nữ do Hoàng hậu phái đến đã chạm cổng Đông cung.

Tôi bảo Vĩnh Nương ngửi thử xem trên người tôi còn mùi rượu không. Vĩnh Nương hít hà cẩn thận một hồi, xịt thêm cả lọ dầu thơm lên người tôi xong, lại bảo tôi ngậm một viên hương hoàn trắng như tuyết. Bỏ viên thuốc đắng ngắt vào miệng, quả nhiên hơi thở thơm mát hơn nhiều, hiệu nghiệm thật.

Bữa nay Hoàng hâu tuyên triệu cả tôi và Lý Thừa Ngân.

Mấy ngày không gặp Lý Thừa Ngân, hôm nay gặp, thấy hắn dường như lại cao thêm một chút, chắc bởi hôm nay nhập cung nên hắn đội thêm chiếc mũ tiến đức[14], mặc lễ phục, mang cứu ngọc, thêm trang sức bằng vàng. Hắn bước thẳng lên xe, chẳng buồn liếc nhìn tôi lấy một cái.

[14] Mũ mão ban cho cận thần ở thời nhà đời Đường.

Lúc triệu kiến Hoàng hậu, tôi mới hay thì ra Tự Nương bất ngờ đau bụng, ngự y chẩn đoán nguyên nhân là do uống nhầm thuốc trợ sản. Hoàng hậu bèn tống giam cả đám cung nữ hầu hạ Tự Nương, kế đó niêm phong toàn bộ thực phẩm, nước uống để Dịch đình lệnh[15] tiến hành kiểm tra. Cuối cùng điều tra ra cơm kê bị bỏ độc khiến Tự Nương sảy thai. Hiển nhiên Hoàng hậu nổi cơn lôi đình, hạ lệnh phải tìm cho ra nhẽ, về sau, có cung nữ không chịu được hình phạt của Dịch đình lệnh nên đã thú nhận có kẻ xúi bẩy ả.

[15] Dịch đình lệnh là chức danh dành cho hoạn quan.

Vẫn lời lẽ mềm mỏng, Hoàng hậu từ tốn nói:

– Nói gì thì nói, dẫu sao đứa con trong bụng Tự Nương cũng là cốt nhục đầu tiên của Thái tử, ta chỉ sợ mẹ con Tự Nương có bề nào nên mới đưa vào cung. Chẳng ngờ ngay trong cung, có ta ngồi đây mà kẻ khác vẫn ngang nhiên hãm hại mẹ con Tự Nương. Thiên triều ta hơn trăm năm nay, chưa từng để xảy ra chuyện hoang đường này!

Tuy Hoàng hậu nói với ngữ khí ôn hòa, nhẹ nhàng nhưng ngôn từ lại nghiêm khắc, nặng nề. Chưa bao giờ tôi nghe Hoàng hậu nói như thế, bảo sao tôi không dám thở mạnh. Mà không chỉ tôi, tất cả những ai có mặt trong điện đều khúm núm, bọn họ nín thở nghe Hoàng hậu nói:

– Hai con có biết, cung nữ kia đã khai nhận kẻ nào sai khiến ả không?

Tôi đánh mắt liếc nhìn Lý Thừa Ngân, hắn không buồn nhìn tôi lấy một cái, lãnh đạm trả lời:

– Nhi thần không rõ.

Hoàng hậu sai cung nữ:

– Đọc khẩu cung cho Thái tử và Thái tử phi cùng nghe.

Cung nữ dõng dạc đọc khẩu cung của cung nữ nọ, thoạt đầu tôi nghe bập bõm, cố nghe thêm vài câu nữa liền luýnh quýnh phân trần:

– Bẩm Hoàng hậu, việc này không phải do con làm! Con không hề sai người mua chuộc ả hạ độc Tự Nương.

Hoàng hậu lạnh lùng phán rằng:

– Hiện tại nhân chứng, vật chứng đều đủ, con nói không phải mình làm, vậy có chứng cớ gì không?

Rõ ràng tôi bị người ta vu oan, tôi nói:

– Cớ gì con phải hạ độc mẹ con Tự Nương? Con và Tự Nương không hề quen biết, cũng chưa từng gặp gỡ, vả lại, từ lúc Tự Nương nhập cung, thị ở đâu, con cũng không biết…

Thực sự tôi bị oan! Chẳng hiểu tai bay vạ gió ở đâu lại bị kẻ khác vu oan giáng họa thế này.

Hoàng hậu hỏi Lý Thừa Ngân:

– Ngân Nhi, con thấy thế nào?

Lý Thừa Ngân liếc tôi một cái rồi quỳ xuống, thưa:

– Xin tùy mẫu hậu định đoạt.

Hoàng hậu nói:

– Tuy Thái tử phi có thân phận đặc biệt, lại là công chùa của Tây Lương, nhưng vì nhất thời hồ đồ mà gây ra chuyện lớn này, xem ra không thích hợp làm chủ Đông cung nữa.

Lý Thừa Ngân lẳng lặng làm thinh.

Tôi ức quá, toàn thân run rẩy:

– Chuyện này không phải con làm, con thà chết chứ không nhận, kể cả mấy người giết con cũng vậy thôi! Đông cung với Tây cung gì chứ, con chẳng thiết, nhưng con quyết không để kẻ khác vu oan giáng họa cho mình!

Hoàng hậu nói:

– Khẩu cung ở ngay đây. Ngân Nhi, con nói xem?

Lý Thừa Ngân thưa:

– Xin tùy mẫu hậu định đoạt.

Hoàng hậu khẽ cười, bảo:

– Một ngày phu thê, trăm năm ân nghĩa, con không nể tình vợ chồng bấy lâu nay sao?

Lý Thừa Ngân chùng giọng, nói:

– Nhi thần không đành, nhưng quốc có quốc pháp, gia có gia quy, nhi thần không dám vì tình riêng mà bất chấp.

Hoàng hậu gật gù nói:

– Được, được lắm! Quốc có quốc pháp, gia cho gia quy. Nói hay lắm!

Vẻ tươi cười trên gương mặt Hoàng hậu chợt vụt tắt.

– Phế Triệu Lương đệ xuống làm thường dân, lập tức trục xuất khỏi Đông cung!

Tôi giật mình sửng sốt, Lý Thừa Ngân mặt mày tái mét như thể bị sét đánh:

– Mẫu hậu!

– Khẩu cung vừa rồi quả thực không sai dù chỉ một chữ, hiềm nỗi sau khi khai xong, cung nữ kia đã cắn lưỡi tự vẫn. Đừng tưởng chết là hết nhân chứng. Dịch đình lệnh đã mất rất nhiều công sức để điều tra, hóa ra trước kia, cung nữ này từng chịu ơn nhà họ Triệu. Tội ả đáng phải tru di cửu tộc, nhưng truy ra mới biết, ả không có họ hàng thân thích, trừ một người mẹ nuôi, Dịch đình lệnh vừa tìm được một trăm đĩnh bạc trong hầm đất nhà ả, một trăm đĩnh bạc này đều là tiền của công, mở sổ khắc tra được ngay… Sau khi bắt giam và dùng hình đối với bà mẹ nuôi kia, bà ta đã khai rằng Triệu Lương đệ từng sai người đến nhà mình. Chiêu này của Triệu Lương đệ một mũi tên trúng hai đích, lại gắp lửa bỏ tay người. Kẻ lòng lang dạ sói như thế thật đáng hận. Cứ tiếp tục dung túng ả, chẳng phải sẽ đẩy hoàng tộc ta đến bờ tuyệt tự hay sao?

Tôi chưa kịp hiểu rốt cuộc Hoàng hậu nói thế nghĩa là gì thì Lý Thừa Ngân đã cướp lời:

– Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần nghĩ, chuyện này ắt hẳn có kẻ gài nẫy hãm hại Triệu Lương đệ, cần phải cho người từ từ truy cứu. Xin mẫu hậu bớt nóng giận, kẻo ảnh hưởng đến ngọc thể.

Hắn không nói thì còn đỡ, mở miệng nói là đổ thêm dầu vào lửa.

– Quả nhiên ả hồ ly tinh ấy làm con mụ mị đầu óc mất rồi! Trước kia vì chuyện Tự Nương mang thai mà ả Triệu Lương đệ này đã làm ầm ĩ một trận, bây giờ lại mua chuộc người hãm hại Tự Nương! Chưa kể ả còn vu oan giáng họa cho Thái tử phi, có tội khắc phải nghiêm trị!

Lý Thừa Ngân luýnh quýnh nói:

– Xin mẫu hậu nguôi giận, nhi thần biết Triệu Lương đệ tuyệt đối không phải loại người đó, mong mẫu hậu minh xét.

– Minh xét cái gì? Đứa con trong bụng Tự Nương nào có gây tổn hại đến ai? Vậy mà ả lại xem như cái gai trong mắt! Loại người như ả sống trong Đông cung chính là mầm mống đại họa của quốc gia! – Hoàng hậu càng nói càng gay gắt. – Vừa rồi, ta đưa khẩu cung của cung nữ kia ra, con không biện bạch hộ Thái tử phi lấy nửa lời, giờ ta nói với con chân tướng sự việc, con lại liếng thoắng nói ả hồ ly kia bị oan. Bây giờ con là Thái tử, sau này sẽ làm vua, sao lại thiên vị tình riêng đến vậy? Con cứ như thế, làm sao có thể trị vì đất nước! Loại mầm mống này tất phải diệt trừ. Không giết ả, chỉ e sau này con sẽ bị mê hoặc đến độ bỏ bê thiên hạ!

Lý Thừa Ngân sợ xanh mặt, tôi đành quỳ xuống, thưa:

– Xin mẫu hậu bớt giận, Triệu Lương đệ nhất thời hồ đồ, nếu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e… e là…

Vế sau tôi không biết phải nói thế nào, Lý Thừa Ngân liền tiếp lời:

– Xin mẫu hậu cân nhắc, cha và đại huynh của Triệu Lương đệ đều là cận thần trong triều, được phụ hoàng trọng dụng, xin mẫu hậu cân nhắc.

Hoàng hậu cười gằn:

– Chính con vừa nói, quốc có quốc pháp, gia có gia quy, con không dám vì tình riêng mà bất chấp!

Mặt mày Lý Thừa Ngân tái xám, hắn chết trân, miệng chỉ thốt được một câu:

– Mẫu hậu!

Hoàng hậu nói:

– Chuyện Đông cung đáng lý phải do Thái tử phi xử lý. Ta bao biện làm thay, âu cũng là bất đắc dĩ, song loại người lòng dạ độc ác này, ta đành phải giải quyết vậy.

Nói đoạn, Hoàng hậu liền sai cung nữ đi truyền lệnh. Tôi thấy sự tình căng thẳng, bèn ôm gối Hoàng hậu, thưa:

– Mẫu hậu cho phép con nói vài lời được không ạ? Mẫu hậu đã nói, chuyện Đông cung do con toàn quyền quyết định, con biết xưa nay mình chểnh mảnh nhưng hôm nay xin mẫu hậu cho con được thưa vài lời.

Dường như Hoàng hậu đã nguôi ngoai phần nào:

– Con nói đi!

– Điện hạ thật lòng yêu mến Triệu Lương đệ, nếu mẫu hậu xử Triệu Lương đệ tội chết, chỉ e cả đời này Điện hạ sẽ buồn bã không thôi. – Tôi rối ruột quá nên câu cú lộn xộn. – Nhi thần và Điện hạ kết nghĩa phu thê đã ba năm, dẫu không được Điện hạ yêu quý nhưng con vẫn biết, Điện hạ không thể sống thiếu Triệu Lương đệ. Bây giờ Triệu Lương đệ phải chết, Điện hạ sẽ càng căm ghét con. Hơn nữa, có rất nhiều việc con không cáng đáng được, đều do một tay Triệu Lương đệ vun vén, như sổ sách của Đông cung, con không hiểu đành giao cả cho Triệu Lương đệ. Nếu không có Triệu Lương đệ, Đông cung không thể yên ổn như ngày hôm nay…

Tôi luống cuống không biết phải nói tiếp thế nào, bèn quay ra gọi Vĩnh Nương:

– Vĩnh Nương, bà giải thích với Hoàng hậu giúp ta!

Vĩnh Nương kính cẩn thưa “vâng” rồi dập đầu, nói:

– Bẩm nương nương, ý Thái tử phi muốn nói, Triệu Lương đệ hầu hạ Thái tử bao năm, dẫu không bỏ công thì cũng bỏ sức. Vả chăng hằng ngày Triệu Lương đệ đối nhân xử thế ôn hòa, đối với Thái tử phi một mực tôn kính, lại dốc sức trợ giúp Thái tử phi quản lý Đông cung, xin nương nương niệm tình Triệu Lương đệ nhất thời lầm lỡ mà mở lòng khoan dung.

Hoàng hậu từ tốn nói:

– Nói gì thì nói, cũng khó giữ Triệu Lương đệ lại được, giữ ả lại chính là mầm họa của Đông cung. Xưa kia, tại đại lễ sắc phong Thái tử phi, Hoàng thượng từng nói, dâu hiền con thảo quả thực là phúc của hoàng tộc ta. Các con thành hôn đã ba năm, chỉ hiềm đến nay vẫn chưa có một mụn con nỗi dõi, bây giờ lại xảy ra chuyện của Tự Nương, thật khiến ta phiền não.

Lý Thừa Ngân dán mắt nhìn xuống sàn nhà, lí nhí nói:

– Nhi thần bất hiếu!

Hoàng hậu nói:

– Nếu con thực lòng muốn báo hiếu, vậy tranh thủ dành thời gian gần gũi Thái tử phi, tránh xa ả tiện nhân kia ra.

Lý Thừa Ngân khẽ dạ:

– Vâng ạ!

Mình nên nói gì nữa nhỉ? Vĩnh Nương quỳ phía sau cứ kéo váy tôi mãi, ý dặn tôi chớ nên nhiều lời. Khóe môi Lý Thừa Ngân hơi giật giật, song vẫn không thốt ra lời nào.

Hoàng hậu nói:

– Đứng dậy cả đi!

Nhưng Lý Thừa Ngân cứ chết trân ở đó, tôi cũng không đành đứng dậy.

Hoàng hậu không buồn nhìn hắn lấy một cái, song vẫn bảo:

– Chuyện Tự Nương, con đừng quá đau buồn, dẫu sao các con vẫn còn trẻ.

Lý Thừa Ngân lặng thinh, tôi nghĩ bụng, hắn thì đau buồn cái nỗi gì, nếu có đau buồn, âu cũng là vì Triệu Lương đệ.

Hoàng hậu lại nói:

– Tự Nương đúng là đáng thương, sau này phong nàng ta làm bảo lâm[16] vậy.

[16] Bảo lâm là danh hiệu dành cho thiếp của thái tử, địa vị đứng sau Thái tử phi và lương đệ.

Lý Thừa Ngân có vẻ ngán ngẩm trong lòng:

– Nhi thần không đồng tình… Nhi thần còn trẻ, ngự thể[17] tại Đông cung còn nhiều, nhi thần cảm thấy không tương xứng.

[17] Ngự thể là tên gọi chung của các thị thiếp của nhà vua.

Tôi biết hắn từng hứa với Triệu Lương đệ sẽ không nạp thêm bất kỳ thê thiếp nào nữa, hèn gì hắn quả quyết thế. Hoàng hậu lại nổi giận đùng đùng, nói:

– Tương lai con sẽ làm hoàng đế, cớ gì mà lại nông cạn, hời hợt thế?

Hoàng hậu chuyển sang tôi, nói:

– Thái tử phi đứng dậy đi, con giúp ta đi thăm nom, an ủi Tự Nương mấy câu.

Tôi có phải kẻ ngố đâu, cũng rõ ý người muốn xua tôi đi để giáo huấn Lý Thừa Ngân. Tôi bèn đứng dậy, hành lễ rồi cáo lui.

Tiểu Hoàng môn[18] dẫn tôi đến một ngự hoa viên vắng lặng, nơi Tự Nương ở, lúc này tôi mới được gặp người con gái tên Tự Nương ấy. Cô ấy nằm trên giường, thần sắc võ vàng, song không che giấu được nét mỹ miều vốn có. Nghe cung nữ hầu hạ bẩm báo: “Thái tử phi tới!”, cô ấy liền lóp ngóp bò dậy. Vĩnh Nương theo sau tôi vội vàng tiến lên, ấn Tự Nương nằm xuống.

[18] Tiểu hoàng môn là chức quan trong cung, thường là hoạn quan.

Tôi cũng chẳng biết phải an ủi ra sao, đành bắt chước Hoàng hậu, nói:

– Muội đừng quá đau buồn, dẫu sao muội vẫn còn trẻ…

Mắt Tự Nương ngấn lệ, nói:

– Đội ơn Thái tử phi, nô tì phúc phận bạc bẽo, giờ chỉ mong được chết.

Tôi ngượng ngập nói:

– Thực ra… có gì đâu mà cứ đòi chết thế! Muội xem, không phải ta vẫn sống vui vẻ…

Tôi nghe Vĩnh Nương đằng hắng một tiếng, biết ngay mình lại nói sai mất rồi. Tôi hỏi để lấp liếm:

– Muội muốn ăn gì không? Ta sẽ bảo người làm rồi đem đến.

Đợt trước tôi ốm liệt giường, Hoàng hậu cũng phái người đến thăm và thường xuyên hỏi tôi thèm ăn món gì, có thiếu thốn gì không. Thực ra Đông cung thì thiếu gì chứ! Chắc người ta thường dùng những câu như vậy để tỏ ý quan tâm. Tôi không biết nên thăm hỏi người ốm thế nào, đành bắt chước theo khuôn sáo ấy.

Tự Nương thưa:

– Đội ơn Thái tử phi!

Tôi trông dáng vẻ tê tái của Tự Nương, dường như có phần âu sầu, ngán ngẩm. Sau vẫn để Vĩnh Nương tiếp lời, tuôn một tràng những câu an ủi. Tự Nương liên tục đưa tay gạt nước mắt, lúc chúng tôi ra về, cô ấy vẫn còn thút thít.

Tôi và Vĩnh Nương quay về cung, bấy giờ Hoàng hậu đã sai người soạn chiếu sắc phong bảo lâm. Mặt mũi Lý Thừa Ngân xầm xì như đeo đá, Hoàng hậu nói tới đoạn:

– Đông cung trước nhất phải hòa thuận, ấm êm. Tính tình Thái tử phi còn nông nổi, bồng bột, nhiều khi thiếu chu toàn, có thêm người trợ giúp âu cũng là ý hay.

Người ngước lên, thấy tôi bước vào, liền vẫy tay ra hiệu. Tôi bước lại gần, hành lễ với người, người không để cung nữ hầu cận dìu tôi dậy, mà đích thân vươn tay đỡ tôi đứng lên. Khi ấy tôi quả thật vừa mừng vừa lo. Thường ngày, Hoàng hậu vốn đoan trang, quý phái, chẳng mấy khi thân mật thế này.

– Còn Triệu Lương đệ, tội chết có thể miễn nhưng tội sống khó tha. – Hoàng hậu lạnh nhạt nói. – Phế thành thường dân, giam lỏng ba tháng, Thái tử không được phép thăm nom, bằng không ta sẽ hạ chỉ trục xuất ả khỏi Đông cung.

Tôi để ý thấy khóe mắt Lý Thừa Ngân giật liên hồi, song hắn vẫn cúi gằm mặt, ủ rũ lên tiếng:

– Vâng ạ!

Vừa rời cung, Lý Thừa Ngân giáng thẳng vào mặt tôi cái bạt tai. Bấy giờ tôi đang mải lơ đễnh, bất thình lình bị ăn tát liền đờ đẵn như trời trồng.

A Độ tuốt dao nhảy vọt lên, sau một tiếng soạt nhanh như cắt, lưỡi đao sắc lẹm đã kề cổ hẳn. Vĩnh Nương giật mình gào toáng lên:

– Không được!

Không để Vĩnh Nương nói dứt câu, tôi đã vả lại Lý Thừa Ngân một cái không thương tiếc. Tuy mù mịt khoản võ công nhưng tôi không phải kẻ dễ chọc, hắn dám đánh tôi, đương nhiên tôi phải đánh trả!

Lý Thừa Ngân buông tiếng cười khẩy, chỉ thẳng vào tôi, nói:

– Có giỏi thì giết ta đi! Cô là loại đàn bà nham hiểm, ta biết chính cô là kẻ đầu trò! Cô gài bẫy khử đứa con trong bụng Tự Nương, đồng thời hãm hại Sắt Sắt.

Người tôi run lên vì tức, tôi đáp lại ngay:

– Điện hạ dựa vào đâu mà dám nói vậy?

– Cô luôn giả vờ đáng thương, làm bộ làm tịch trước mặt mẫu hậu, lại còn giả ngơ! Đừng tưởng ta không biết, chính cô mách lẻo với mẫu hậu, bảo ta hắt hủi cô. Vì ghen với Sắt Sắt nên cô bày trò hãm hại nàng ấy, con người cô độc địa hơn tất thảy loài rắn độc trên thế gian này! Bây giờ cô vừa lòng rồi chứ! Rõ ràng cô muốn tống cổ Sắt Sắt, cô muốn chia cắt bọn ta! Nếu Sắt Sắt có mệnh hệ gì, đừng hòng ta tha cho cô. Ta nói để cô biết, chỉ cần ta đăng cơ hoàng đế, ta sẽ phế truất cô ngay lập tức!

Ba máu sáu cơn nổi lên khiến tôi mụ người, tôi gạt phăng A Độ sang một bên, sấn đến trước mặt Lý Thừa Ngân:

– Giỏi thì phế truất ngay đi, ngươi tưởng ta thích lấy ngươi lắm à? Ngươi tưởng ta báu cái địa vị Thái tử phi này lắm à? Đàn ông Tây Lương chúng ta hàng vạn người, người nào người nấy anh hùng xuất chúng, nào có giống loại người ăn hoang mặc hại như nhà ngươi! Ngoài thi văn ra, ngươi thì biết cái gì? Bắn tên thua ta! Cưỡi ngựa cũng thua ta! Cái loại người như ngươi mà sống ở Tây Lương thì chẳng ai thèm lấy!

Lý Thừa Ngân phủi áo bỏ đi trong tức tối, hậm hực.

Lòng tôi ngùn ngụt tức giận, chúng tôi cãi nhau liên miên suốt ba năm nay, vẫn biết hắn không ưa gì mình nhưng tôi không ngờ hắn lại hận mình, ghét mình, rủa sả mình bằng những từ ngữ tồi tệ nhất trên đời. Vĩnh Nương dìu tôi lên xe, dịu giọng vỗ về:

– Vì Triệu Lương đệ mà Thái tử giận cá chém thớt với Thái tử phi, Thái tử phi đừng để bụng.

Tôi biết chứ, sao lại không biết? Hắn thương Triệu Lương đệ phải chịu oan uổng nên mới thỏa sức trút giận lên tôi. Nhưng khổ nỗi tôi có làm gì đâu, hắn là cái thá gì mà dám giận cá chém thớt với tôi!

Hắn bảo tôi đố kỵ với Triệu Lương đệ, thì đúng là tôi có hơi ghen tỵ thật. Tôi ghen là bởi có người yêu thương ả, lúc nào cũng tin tưởng, săn sóc và bảo vệ ả, nhưng ngoại trừ việc đó ra, tôi không thèm ghen tỵ chứ đừng nói đến việc rắp tâm hãm hại ả.

Triệu Lương đệ nhìn thì có vẻ dịu dàng, mềm mỏng, mấy lần đến chỗ tôi chơi bài, tôi thầm đánh giá cô ả cùng lắm cũng thuộc loại sắc sảo chứ không hơn, sao có thể làm ra chuyện động trời ấy nhỉ? Với lại, tôi không thấy cách làm của Hoàng hậu có gì là hay ho. Tự Nương có vẻ là người yếu đuối, nhu nhược, dù được phong làm bảo lâm, nhưng nếu Lý Thừa Ngân không ưa nàng ta thì trong Đông cung chỉ thêm một người đáng thương nữa mà thôi!

Đêm đến, tôi mải nghĩ ngợi linh tinh nên mất ngủ, liền bật dậy, hỏi A Độ:

– Em thấy Triệu Lương đệ có giống người xấu không?

A Độ gật, rồi lại lắc lắc.

– Ta chẳng hiểu nổi con gái Trung Nguyên nghĩ gì. Mặc dù đàn ông Tây Lương chúng ta cũng năm thê bảy thiếp, nhưng nếu sống với nhau không hợp, vẫn có thể đi lấy người khác cơ mà.

A Độ gật đầu.

– Hơn nữa, Lý Thừa Ngân chẳng được nết gì, trừ cái vẻ ngoài cũng tàm tạm ra, còn lại xấu tính xấu nết, nhỏ nhen, ích kỷ… – Tôi buông mình nằm xuống. – Nếu được chọn, đừng hòng ta lấy hắn.

Tôi nói những lời từ tận đáy lòng. Nếu cho tôi quyền lựa chọn, không bao giờ tôi để bản thân mình rơi vào bước đường thê thảm thế này. Rõ ràng hắn thích người con gái khác, còn tôi bắt buộc phải lấy hắn, bảo sao hắn ghét tôi, tự nhiên cuộc sống của tôi trở nên bức bối, khó chịu. Giờ Triệu Lương đệ rơi vào cảnh bị giam cầm, hẳn Lý Thừa Ngân phải ghét tôi lắm, mà tôi có muốn lấy một người chồng lúc nào cũng thù hằn mình đâu cơ chứ! Nếu để tôi tự chọn lựa, tôi thà lấy một người đàn ông Tây Lương bình dị, chí ít chàng cũng thương tôi thật lòng, chàng sẽ rong ngựa trở tôi, đưa tôi đi săn bắt, thổi kèn cho tôi nghe, rồi tôi sinh cho chàng những đứa con đáng yêu, cả nhà bên nhau êm ấm qua ngày…

Thực ra tôi biết, cuộc sống ấy mãi mãi chỉ gặp trong mơ mà thôi.