Chương 5: Tình Yêu Là Nỗi Đau Mà Chúng Ta Không Nỡ Trút Bỏ

Cho Anh Nhìn Về Em

Đăng vào: 2 năm trước

.

Anh cũng có nỗi đau không thể trút bỏ được, điểm u ám độc nhất trong ký ức anh chính là nguyên nhân khiến anh không thể yên bình trong những đêm dài thao thức. Nhưng liệu đó có phải là tình yêu không?

.

“Trên bàn ăn không được nói chuyện công việc.” Bà Hàn nhấn mạnh lần nữa “công ước bàn ăn” sau khi ngồi vào bàn. Đã không nói chuyện công việc thì cũng phải nói chuyện gì khác chứ.

Chánh án Hàn vừa húp được mấy thìa canh, bỗng như chợt nhớ ra điều gì, ông hỏi: “À đúng rồi, hình như tôi nhớ là anh nói sẽ đưa bạn gái về nhà ăn cơm cơ mà, thế bạn anh đâu rồi?”

Hàn Thuật cắm đầu húp canh, trong lòng âm thầm kêu khổ, trí nhớ của ông cụ hôm nay sao mà tốt thế không biết, trước nay có bao giờ ông để ý đến những chuyện vặt vãnh thế này đâu.

“Đúng rồi đấy cưng, mẹ tưởng con sẽ đưa bạn gái về nhà cho bố mẹ xem mặt chứ, nghe nói con lại vừa quen một cô gái nữa, sao cô ấy không đến?”

“À, cô ấy vốn cũng định đến đấy chứ ạ, nhưng gần đến lúc đi lại có chuyện gấp nên không đến được.” Hàn Thuật trả lời qua quýt. Anh làm sao mà dám nói với bố mẹ là bạn gái anh đã đến trước cửa nhà rồi nhưng đột nhiên bị đau bụng đi ngoài lại cộng thêm “đến ngày” nên chuồn mất rồi.

Chánh án Hàn thở dài một tiếng: “Tôi nói với anh không biết bao nhiêu lần rồi, bảo anh phải nghiêm túc với chuyện nam nữ, anh cứ coi như trò đùa, đã sắp bước sang tuổi ba mươi rồi mà còn vật vờ thế này. Cuộc sống riêng có thể phản ánh được phẩm chất đạo đức của một người thanh niên, anh định tiếp tục bại hoại đạo đức như thế này à?”

“Bố, con có coi tình cảm như trò đùa đâu, con lúc nào cũng rất nghiêm túc đấy chứ.” Hàn Thuật không chịu nhận danh hiệu “tư tưởng đồi bại, đạo đức bại hoại” mà bố trao tặng, anh tự nhận thấy trên đời này không ai “văn minh lịch sự” hơn mình được.

Chánh án Hàn lập tức bỏ đũa xuống: “Rất nghiêm túc? Mấy lần trước anh cũng bảo rất nghiêm túc, kết quả thế nào? Ngày xưa, anh yêu cô bé ở văn phòng Viện Kiểm sát tên là Tiểu Vương phải không? Tôi vừa nghe tin anh chị yêu nhau, anh đã bảo tôi là chia tay rồi, thế không phải trò đùa thì là gì?”

“Tin tức của bố chậm trễ quá.” Hàn Thuật cười khan.

“Thế về sau mẹ anh giới thiệu cho anh cái cô bác sĩ đó, đang yên đang lành làm sao mà chia tay?”

“Bố không biết chứ, con không thích người béo, mẹ cứ bắt con phải thử xem, nhưng cái cô ấy tuy là bác sĩ mà ăn uống chẳng chú ý gì cả, lúc ăn cùng nhau, cô ấy cứ cúi gằm đầu xuống suỵt suỵt soạt soạt, nếu là bố, bố cũng không chịu nổi.” Hàn Thuật thấy hối hận, anh không phải là người tuỳ tiện nói ra khuyết điểm của phụ nữ, tuy đây đúng là sự thật.

Chánh án Hàn trong giây lát không nói được gì, ông cố nén giận rồi hỏi: “Đây chính là cái mà anh gọi là lý do? Có giỏi anh nói tiếp đi, thế còn Tiểu Triệu thì làm sao, cô bé đó về diện mạo, về chức vị, về thành tích có mặt nào không xứng với anh nào? Đã chuẩn bị đi đăng ký rồi, tại sao lại bỏ nhau chứ?”

“Là vì tự nhiên con thấy chúng con không hợp nhau. Bạch Cốt Tinh thì Bạch Cốt Tinh, dù có xuất sắc mấy thì cũng không thể không ăn cơm được, cô ấy gầy như bộ xương ấy, cứ như trong cuộc sống ngoài việc giảm béo ra thì chẳng có thú vui nào khác vậy. Con cứ nhìn kiểu lạnh lùng gặm hoa quả rồi bàn luận chuyện calo của cô ấy là không nuốt nổi cơm.” Hàn Thuật cho rằng đã đến lúc cần phải giải thích về chuyện này.

Chánh án Hàn nghe xong lời giải thích của con trai suýt nữa thì xuất huyết não: “Láo toét! Béo anh chê béo, gầy anh chê gầy, anh chọn thịt lợn hay chọn vợ?” Ông mắng con xong vẫn chưa hả giận, quay sang mắng vợ: “Bà xem cậu con quý tử của bà đi, ngày mai mời ngay bác sĩ tâm lý cho nó, xem đầu nó có vấn đề gì?”

“Bố nói thế là không đúng, chia tay không phải do con nói trước đâu nhé. Là cô ấy chủ động nói với con: ‘Hàn Thuật, anh có thấy trước khi kết hôn chúng ta cần phải tạm chia tay nhau một thời gian để tạo điều kiện cho mỗi người tìm lại chính mình không?’, thế thì con đương nhiên phải tôn trọng ý kiến của phụ nữ chứ.” Hàn Thuật nhớ lại cảnh vợ chưa cưới là tổng biên tập một tờ tạp chí thời trang nói những câu không đâu vào đâu với giọng nhẹ nhàng, e lệ làm anh vừa muốn bật cười vừa thấy tủi thân.

Mẹ Hàn Thuật vốn hay bênh con, nhưng lần này cũng không nghe nổi nữa, bà nhẹ nhàng trách: “Nhưng mà người ta hỏi con thấy cần phải xa nhau bao lâu là hợp lý thì dù sao đi nữa con cũng không nên trả lời là ‘vạn năm’ chứ, bố con nói đúng đấy, chuyện trọng đại cả đời mà con cũng bừa bãi quá, con như thế thì làm sao bố mẹ yên tâm được.”

“Yên tâm cái gì? Tôi thấy không cần phải tìm bác sĩ tâm lý nữa đâu, đăng ký cho nó luôn một phòng ở bệnh viện tâm thần ấy, cho nó vào trong ấy, khỏi phải gây nguy hại cho xã hội.” Gần như rất ít người có thể tưởng tượng nổi vẻ mặt giận dữ của người nho nhã như Chánh án Hàn.

Hàn Thuật đưa bát ra đón thức ăn mẹ anh gắp cho, miệng nói: “Ăn cơm xong đi luôn.”

Có lẽ đã quen chuyện bất lực với thái độ ngang ngược này của con trai, ông Hàn ấm ức một lát rồi lại nói: “Thế cô bé ấy làm gì?”

“Dạ?” Hàn Thuật ngây người, giây sau anh mới hiểu hoá ra bố anh đang hỏi về cô bạn gái hiện giờ, “À, cô ấy là người Đông Bắc, bố mẹ ở Thẩm Dương, đều là cán bộ nhà nước, cô ấy hiện đang là trợ giảng ở khoa Cơ khí trường Đại học G, đang học tiến sĩ. Rất tốt tính lại cởi mở, bố mẹ thế nào cũng thích cô ấy.” Anh khôn khéo lựa chọn một số nét chủ yếu mà các bậc phụ huynh coi trọng để giới thiệu qua với bố mẹ.

Gia thế trong sạch cộng thêm thân phận trí thức của Chu Tiểu Bắc quả thật khiến cho bố mẹ Hàn Thuật thấy có thể chấp nhận được, ông Hàn lại “hừ” một tiếng, nói vẻn vẹn một câu: “Có thời gian thì dẫn về đây ăn bữa cơm, để chúng tôi xem xem.” Rồi ông im lặng không nói gì nữa.

Bà Hàn sợ nhỡ sơ ý nói nhầm gì lại làm “chiến tranh” xảy ra trên bàn ăn, nên cũng chỉ cắm cúi gắp thức ăn cho con, không dám nói gì.

Ăn gần xong, Hàn Thuật bỗng nhiên nói: “Đúng rồi, bố ơi, bố có tin tức gì của gia đình chú Tạ không ạ, chính là chú Tạ ngày xưa lái xe cho bố ấy, hồi con còn nhỏ, bố vẫn còn làm ở Viện Kiểm sát Thành phố, nhà chú ấy ở ngay gần nhà ta.”

Ông Hàn có vẻ phải khó khăn lắm mới nhớ ra được người này: “Ông ấy à, không lái xe ở Viện Kiểm sát từ lâu rồi hay sao ấy. Con hỏi làm gì?”

Hàn Thuật trả lời qua loa: “À, mấy hôm trước con gặp trên đường thấy có vẻ quen quen, nhân tiện hỏi vậy thôi, họ không sống ở chỗ cũ nữa ạ?”

“Trí nhớ của con cũng tốt ra phết nhỉ. Thực ra ông ấy lái xe cho bố không quá hai tháng, bố chuyển công tác bao nhiêu năm rồi, làm sao mà nhớ được lắm thứ thế.”

Phản ứng của bố làm Hàn Thuật có chút thất vọng, nhưng cũng là điều anh đã lường trước. Lúc này bà Hàn lại ngước lên nhớ lại: “Cái ông con nói có phải là lái xe họ Tạ có đứa con gái sàn sàn tuối con, rồi lại sinh vượt kế hoạch một đứa con trai nữa, vi phạm quy định kế hoạch hoá gia đình bị cơ quan đuổi việc đấy phải không?” Phụ nữ có lẽ ngay từ khi sinh ra đã có ấn tượng sâu sắc với những thể loại chuyện như thế này, “Ông ấy bị Viện Kiểm sát Thành phố khai trừ rồi thì chắc chắn không ở chỗ cũ nữa đâu, mà mấy cái nhà cũ đó cũng bị phá đi hết rồi còn gì.”

“Bây giờ chỗ nào cũng phá đi xây lại, con thấy đấy, toàn là xây phá bừa bãi, chả có quy hoạch gì cả, lãng phí tiền của người nộp thuế, chả có ý nghĩa gì.” Ông Hàn nói tiếp, chủ đề cũng được chuyển sang nội dung khác, “Gần đây nghe nói khu nghĩa trang liệt sĩ ở ngoại thành cũng sắp chuyển đi nơi khác, cái này thì còn hợp lý, ở đó bị bỏ hoang bao lâu rồi, cũng đã đến lúc cần phải chuyển đến một nơi yên tĩnh hơn để các liệt sĩ được yên nghỉ.”

“Nghĩa trang liệt sĩ cũng di chuyển? Nói thế thì bậc thang và các thứ khác cũng bị phá đi hết ạ?” Hàn Thuật không ăn nổi nữa.

“Sao? Anh có ý kiến gì với vấn đề này à? Tôi không nhớ ra anh có tình cảm sâu đậm với các liệt sĩ cách mạng từ bao giờ đấy.” Ông Hàn cảm thấy khó hiểu trước sự khác thường của con trai.

Hàn Thuật nói với mẹ: “Mẹ, mẹ xem, bố con có phải không biết đùa như mẹ nói đâu.”

Ăn cơm xong, cả nhà vào ngồi ghế sofa xem tivi một lúc, Hàn Thuật cũng được bố cho biết, chuyện di dời nghĩa trang liệt sĩ nghe nói chỉ là phương án vừa được hoạch định, đợi đến khi thực hiện ước tính cũng phải sáu tháng hay một năm nữa.

Kim đồng hồ chỉ số mười, Hàn Thuật chào bố mẹ ra về. Bà Hàn lưu luyến không muốn xa con, cứ trách con sao không chịu về nhà ở cho xong, ông Hàn thì làm ra vẻ không lưu luyến gì mà ngồi đó thưởng thức trà, con trai đi đến cửa mới dặn dò một câu: “Những lời tôi nói anh đừng có mà để ngoài tai đấy, thanh niên làm việc gì cũng phải chắc chắn, công việc cũng vậy, cuộc sống cũng vậy. Tìm lấy một cô vợ đi, đừng có vớ vẩn làm hổ danh tôi.”

“Câu này bố đã nói bao nhiêu lần rồi, con cũng nhấn mạnh lại một lần nữa là con rất nghiêm túc với chuyện này, chắc chắn con sẽ dắt con dâu về nhà ra mắt bố.” Hàn Thuật vừa cười vừa thay giày.

Ông Hàn nhìn về phía con trai: “Đừng có nói năng hay ho thế, mà cũng phải thôi, thời đại khác rồi, những điều tôi nói chưa chắc đã đúng hết, thanh niên các anh, thay bạn gái như thay áo, chẳng hiểu tình yêu là cái gì cả.”

Hàn Thuật nhìn mẹ rồi làm bộ đang nổi da gà, bị mẹ cốc lên đầu một cái. Hàn Thuật chào tạm biệt bố mẹ, hẹn thời gian lần sau về ăn cơm, rồi lên xe trở về chỗ ở.

Trên đường đi, Hàn Thuật vừa lái xe vừa huýt sao, bỗng nhiên anh nhớ lại câu nói rợn da gà cuối cùng của bố. Chánh án Hàn những năm gần đây hơi giống bà già, cứ suốt ngày thích kêu ca trách móc thế hệ sau không bằng thế hệ trước, tuy Hàn Thuật không phục, nhưng anh cũng ngỡ ngàng phát hiện anh không có đáp án cho câu hỏi này. Anh không phải là người chưa yêu bao giờ, từ hồi bắt đầu vào đại học, anh đã chính thức yêu không biết bao nhiêu cô, đối tượng để tôn thờ và yêu thích cũng không phải là không có, thế nhưng “tình yêu” quả là từ khó hiểu và phức tạp biết bao nhiêu.

Về đến nhà, Hàn Thuật nhớ đến việc phải gọi cho cô bạn gái đang ốm là Chu Tiểu Bắc. Chu Tiểu Bắc nhận điện thoại, giọng cô không hề có chút gì yếu đuối của người đang mắc bệnh.

“Em đỡ hơn chút chưa?” Hàn Thuật hỏi.

Chu Tiểu Bắc cũng chẳng trả lời là đỡ hay chưa, chỉ cười ha hả, rồi lại nghiêm túc bổ sung thêm một câu: “Hôm nay xin lỗi anh nhé, Hàn Thuật.”

Hàn Thuật nào có giận cô, đằng nào cũng chẳng có chuyện gì làm, bèn nằm soài trên ghế sofa buôn chuyện với cô. Nhắc đến câu chuyện thú vị của ông già trong lúc ăn tối, Hàn Thuật bỗng hỏi: “Này, Tiểu Bắc, anh hỏi em nhé, em có biết thế nào là tình yêu không?”

“Không cần phải nói chuyện sâu sắc như thế chứ?” Chu Tiểu Bắc cười ha hả.

Hàn Thuật nói: “Em chẳng là tiến sĩ còn gì? Nhanh, cho anh một đáp án có tính học thuật chút đi.”

Thực ra anh cũng không hy vọng gì cô bạn gái học ngành cơ khí này có thể cho mình đáp án mà chỉ mong từ câu “không biết” của Chu Tiểu Bắc chứng minh rằng không phải chỉ mình anh không hiểu vấn đề này, mà là đại đa số những người bình thường đều không trả lời được câu hỏi của Chánh án Hàn.

Ai ngờ được Chu Tiểu Bắc ở đầu dây bên kia im lặng một hồi, rồi phun ra một câu rất uyên thâm: “Em thấy, tình yêu là nỗi đau mà chúng ta không nỡ trút bỏ.”

Tình yêu là nỗi đau mà chúng ta không nỡ trút bỏ… Hàn Thuật máy móc nhắc lại câu này thêm một lần nữa, còn chưa kịp cảm nhận được gì, Chu Tiểu Bắc đã cười ầm lên: “Đã thấy sợ chưa? Đừng tưởng em không có câu châm ngôn nào nhé, trong quyển sổ chép tay của em, những câu tương tự như thế còn nhiều lắm, lần sau lại tìm cho anh vài câu nữa nhé.”

Hàn Thuật cười cười nói nói với cô hơn nửa tiếng mới gác điện thoại.

Anh thấy mình đã thực sự vì câu nói kinh điển của Tiểu Bắc làm cho kinh ngạc. Lúc đi tắm, anh lại nhớ đến câu nói ấy của cô.

Cảm giác đau khổ là tấm bình phong cuối cùng của con người để tự bảo vệ mình, tìm lợi tránh hại là bản năng của con người, thật sự có nỗi đau khổ mà con người không nỡ trút bỏ hay sao?

Anh cũng có nỗi đau không thể trút bỏ được, điểm u ám độc nhất trong ký ức anh chính là nguyên nhân khiến anh không thể yên bình trong những đêm dài thao thức. Nhưng liệu đó có phải là tình yêu không?

Hàn Thuật không thể nào ngờ được. Chu Tiểu Bắc – cô nàng ăn nói bộc tuệch ấy cũng thao thức cả đêm như anh, đèn đã tắt, ánh sáng từ màn hình máy tính chiếu lên mặt cô một màu xanh thăm thẳm. Hòm thư điện tử hiện lên bức email mới nhất. Trong đó chỉ có một câu: “Tiểu Bắc, hãy tìm một người đàn ông tốt mà cưới đi.”

.