Chương 15: Từ Bướm Đến Nhộng

Cho Anh Nhìn Về Em

Đăng vào: 2 năm trước

.

Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết kết thúc trong tiếng cười, từ đó trở đi, Cát Niên dị ứng với tất cả các cuộc biểu diễn trước mặt mọi người. Từ một con bươm bướm dần dần cô đã biến thành một con sâu bướm.

.

Những người sắp qua tuổi thanh xuân khi nhìn lại mình đều thích nói một câu: Thời thanh xuân cần phải oanh liệt hơn một tí mới phải. Ký ức về tuổi trẻ nát bằm xương thịt, khi về già chuyện gì cũng không nhớ nữa, liếm liếm môi vẫn còn cảm nhận được vị tanh ngọt của dòng máu nóng hổi năm xưa. Nếu nói như vậy thì tuổi thanh xuân của Cát Niên hoàn toàn đạt tiêu chuẩn, hoặc có thể nói cô đã vô tình đạt chuẩn, dù bản thân cô không hề muốn như vậy.

Trương đại mỹ nhân (1) từng nói thế này: Cuộc đời của một người bình thường, cho dù có tốt mấy đi chăng nữa cũng chỉ như chiếc quạt hoa đào mà thôi, ngã vỡ đầu, máu thấm vào chiếc quạt. Người thông minh thì biết tô thêm vài nét cho nó trở thành bông hoa đào, người ngu dốt thì cứ dùng mãi chiếc quạt uế máu ấy. Tuổi thanh xuân cũng vậy, năm xưa ai mà chẳng có lúc liều lĩnh nóng vội, ai mà chẳng có lúc ngu dại, ngớ ngẩn, thế nhưng thời thanh xuân của mọi người là để trải qua, để tưởng nhớ, đa phần mọi người đều là người thông minh, sau khi trưởng thành đều có thể thưởng thức chiếc quạt hoa đào của mình qua tấm màn lụa. Thế nhưng Cát Niên lại không như vậy, cô ngã quá đau, máu thấm quá sâu, đâu có còn là chiếc quạt hoa đào gì nữa, rõ ràng là một chiếc khăn quàng đỏ.

(1). Nhà văn Trung Quốc Trương Ái Linh (1920-1995), câu nói trên nằm trong truyện ngắn “Hoa hồng nhung, hoa hồng bạch” của bà.

Thê thảm không? Có vẻ như là có đôi chút. Nếu là người khác, e rằng sẽ cảm thấy rất đau đớn vì những chuyện đau khổ trong quá khứ.

Cát Niên thì không vậy, giống như ai đó đã nhận xét, trong cô có tinh thần lạc quan một cách tiêu cực. Cát Niên sợ đau, cô thuộc típ người có thần kinh cảm nhận nỗi đau rất nhạy cảm. Nghe nói ngay từ lúc ba tuổi, người nhà đưa cô đến bệnh viện để tiêm, người lớn để cô nằm úp mặt vào đùi, hai tay giữ chặt lấy người cô, ấy vậy mà bác sĩ vừa mới chọc kim tiêm vào, người cô không động đậy được nhưng hai chân thì đạp đổ cả bàn đựng dụng cụ tiêm bắn xa đến hơn một mét, không phải là vì cô có sức mạnh phi thường bẩm sinh mà là vì đau quá, không khống chế nổi mình. Thế nhưng từ khi đi học lớp vỡ lòng, mỗi lần bác sĩ trạm y tế đến lớp học để tiêm văc-xin cho học sinh, cô toàn là người đầu tiên sẵn sàng hy sinh, chủ động đến trước mặt bác sĩ rồi vén tay áo lên. Cô giáo hỏi: “Tạ Cát Niên, sao em dũng cảm vậy?” Cô trả lời rằng: “Con chỉ muốn rút ngắn thời gian sợ hãi thôi, tiêm xong rồi thì con sẽ không sợ nữa, không những thế lại còn có thể đứng bên cạnh xem các bạn khác sợ thế nào.” Chỉ vì câu trả lời này mà mặc dù “dũng cảm” nhưng chưa bao giờ cô nhận được một lời khen nào của cô giáo.

Cát Niên thích nằm mơ thấy ác mộng, bởi vì cô biết những điều trong mơ đều là giả, nếu đã là giả thì có gì phải sợ chứ, tỉnh lại rồi, ác thú không còn nữa, lúc này mới biết được buổi sáng đẹp như thế nào. Cô nói người ta sống trên cõi đời này, điều hạnh phúc nhất không phải là trúng giải độc đắc, mà là khi bị giam trong ngục tù, bỗng nhiên từ bên ngoài song sắt nhà tù có tiếng người nói vọng vào: “Bắt nhầm người rồi, cô về đi.” Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, cô không bao giờ quên giữ lại cho mình một sợi dây cứu mệnh, nếu như sợi dây đó không cứu được tính mệnh của cô thì ít nhất cũng dùng để treo cổ tự tử được. Cho dù là ký ức đẹp đẽ hay đau khổ, những gì không quên được thì hãy ghi nhớ lấy nó, giống như bạn cứ ấn mãi vào vết thương của mình, rồi buông tay ra, bỗng nhiên lại thấy không còn đau như vậy nữa. Giống như Cát Niên trong ngày sinh nhật thứ mười tám, cái ngày đã thay đổi cả cuộc đời của cô, ngày mà cô từ một cô gái bình thường đến không có gì bình thường hơn được nữa trở thành một nữ tù nhân. Ấy vậy mà những hồi ức liên quan đến ngày hôm ấy, mười một năm nay, cô luôn luôn nghĩ về nó, rồi đến cuối cùng, cái mà cô nhớ được chỉ còn là cơn rét đó, bộ tóc dài để bao nhiêu năm bị người ta dùng kéo cắt mất, trong giây lát, sau gáy không có gì che phủ, thật là lạnh… Giống như đêm đầu tiên trong nhà tù, chỉ có một vài chấm sáng của ánh trăng rọi vào bên cạnh chân cô, thật là lạnh!

Thực ra nghiêm túc mà nói, trước năm ba tuổi Tạ Cát Niên là một cô bé rất hồn nhiên vui vẻ. Hồi đó bố mẹ cô đều bận đi làm, cô chủ yếu sống với ông nội, chỉ có cuối tuần mới ăn cơm quây quần cùng bố mẹ tại nhà ông.

Ông nội cô là một trí thức của xã hội cũ, sau khi về hưu, vẫn là thành viên hoạt động tích cực trong hội cán bộ hưu trí. Ông rất khéo tay, không những viết thư pháp rất đẹp, mà còn biết may rất nhiều quần áo đẹp. Ông nội không chỉ hay may cho Cát Niên những bộ váy hoa đẹp và độc đáo hơn rất nhiều so với các bạn khác mà còn dạy cô những điều khác nữa. Cô từ bé đã biết vẽ tranh thủy mặc, vẽ tranh khỉ hiến đào, đã từng nhiều lần giành được giải trong các kỳ thi vẽ tranh dành cho học sinh mẫu giáo, khi những bạn nhỏ khác thuộc lòng câu “mùa thu đến rồi, lá cây vàng rồi”, thì cô đã thuộc làu làu mấy câu thơ cổ: “Hạ mã ẩm quân tửu, vấn quân hà sở chi. Quân ngôn bất đắc ý, quy ngọa nam sơn thùy…”

Cát Niên thực ra chẳng hiểu mấy câu thơ đó nghĩa là gì, nhưng điều này cũng không ảnh hưởng gì đến việc cô cầm tay ông nội, dõng dạc đọc to bài thơ, những câu thơ quen thuộc đó, không có gì khó khăn đối với cô, cho nên trong lúc đọc thơ vẻ mặt cô trấn tĩnh mà nghiêm túc. Các bác các chú các cô bảo cô biểu diễn một tiết mục, cô lập tức quay người một vòng rồi vừa hát vừa múa, chẳng hề có chút sợ hãi hay xấu hổ nào cả. Sau này Cát Niên giở mấy tấm ảnh cũ hồi nhỏ ra xem, thấy hồi cô vẫn còn chưa phát triển, mặt tròn vành vạnh, má đỏ hồng hào, trông cứ như là quả táo ấy, có thể nói là hồi đó cô rất đáng yêu, thêm vào đó cô lại rất bạo dạn, rất muốn thể hiện mình, nên người lớn ai cũng thích cô, cô chính là niềm vui của mọi người. Nói thế thì chứng tỏ tuổi thơ của cô rất hạnh phúc, ít nhất trước ba tuổi là như vậy.

Không lâu sau khi Cát Niên tròn ba tuổi, một hôm ông nội đi đánh bài, lúc về thấy mặt ông đỏ như là say rượu, ông nói ông chóng mặt, rửa mặt rồi lên giường nằm, sau đó ông không tỉnh lại được nữa. Ông nội mất rồi, năng khiếu văn nghệ của Cát Niên cũng vĩnh viễn dừng ở giây phút ấy. Cho đến tận ngày hôm nay, những cái cô vẽ được vẫn chỉ là khỉ hiến đào, kỹ thuật vẽ tranh không có gì khác so với hồi cô ba tuổi, đó không còn là năng khiếu nữa, chẳng qua chỉ là ký ức ngây thơ ngày xưa mà thôi.

Tang lễ cho ông nội vừa hoàn tất, Cát Niên cũng phải dọn về ở cùng bố mẹ. Trong lúc thu dọn đồ đạc, mẹ cô thấy cô chậm chạp quá, thúc giục không biết bao nhiêu lần, khiến cô phải từ bỏ ý định đi tìm dụng cụ vẽ tranh trong căn phòng lộn xộn sau đám tang ông nội, cô chỉ kịp ôm lấy mấy bộ quần áo mình thích rồi trở về căn nhà chính thức của mình.

Tuy Cát Niên lúc đó mới đi học mẫu giáo không bao lâu, tình cảm với bố mẹ cũng không được gần gũi như với ông nội, nhưng cô yêu bố mẹ mình, giống như tất cả các đứa trẻ khác yêu bố mẹ mình vậy, bao lâu nay không mấy khi được gần bố mẹ càng khiến cô mong đợi được sống cùng với bố mẹ mình.

Bố của Tạ Cát Niên tên là Tạ Mậu Hoa, năm xưa làm lái xe trong đội xe của Viện Kiểm sát Thành phố. Tính cách của Tạ Mậu Hoa và tính ông nội cô khác hẳn nhau, bố cô không gặp được thời vận tốt, học hành lại ít, lái xe là điểm mạnh lớn nhất và cũng là duy nhất của ông, may mà chỗ ông làm việc cũng khá tốt, công việc coi như là ổn định. Bố cô là người đàn ông vô cùng nội tâm và nhút nhát, bất cứ chuyện gì hay việc gì ông đều rất ít khi thổ lộ ra ngoài, hoặc có thể nói chẳng có gì để thổ lộ, kể cả là trước mặt những người thân trong gia đình. Tương tự như thế, vợ ông cũng là người phụ nữ rất truyền thống và bảo thủ.

Mẹ của Tạ Cát Niên vốn không có việc làm, sau này nhờ vào mối quan hệ của bố cô, mới tìm được việc làm ở nhà ăn nhân viên của Viện Kiểm sát Thành phố. Tuy rằng trình độ học vấn của bà không cao, nhưng bà lại là người rất để ý chuyện ăn nói đi lại của người phụ nữ, bình thường bà lúc nào cũng nghiêm chỉnh, ăn mặc quần áo rất giản dị, nhìn thấy người phụ nữ nào có vẻ hơi hoạt bát sôi nổi hoặc ăn mặc hơi lòe loẹt một chút, bà thường thầm bày tỏ thái độ khó chịu đối với cái kiểu “lẳng lơ” này.

Ngay hôm đầu tiên được đón về nhà, nào là váy hoa, cặp tóc của Cát Niên không có cái nào lọt vào mắt của mẹ cô. Mẹ cô nói: “Con gái mà ăn mặc lòe loẹt thế, người khác không biết lại tưởng là con nhà không tử tế.” Trong khi mẹ cô nói những câu này, bố cô im lặng tán đồng. Cát Niên không hiểu thế nào là “không tử tế”, nhưng thông qua vẻ mặt của mẹ, cô cũng đoán được đó chẳng phải là từ gì tốt đẹp cả, lần đầu tiên trong đời cô cảm thấy lo sợ, cô sống với ông nội rất hạnh phúc, những bộ quần áo đẹp đẽ này cô cũng rất thích, chẳng hiểu sao bây giờ bỗng nhiên lại trở thành những thứ xấu xa như vậy.

Cô ngoan ngoãn mặc bộ quần áo “nhã nhặn” mà mẹ chọn cho cô, cô chuyển từ trường mẫu giáo gần nhà ông nội đến trường mẫu giáo của Viện Kiểm sát Thành phố và bắt đầu một cuộc sống hoàn toàn mới của mình. Cô vẫn còn rất nhiều điều không đúng, vẫn còn rất nhiều điều cần phải thay đổi. Bố mẹ không thích cô nói nhiều, không thích cô ngày nào cũng cười vô tư thoải mái, không thích cô ham mê mấy thứ quỷ quái ít có, không thích cô làm trò cười cho người khác, như vậy trông giống như là bị điên vậy. Họ hy vọng cô trầm lặng hơn, và trầm lặng hơn nữa.

Tuy Cát Niên chẳng hiểu trầm lặng hơn nữa so với mấy con rối gỗ trong nhà hát múa rối có gì khác nhau, nhưng khả năng thay đổi của trẻ con là vô cùng to lớn, cho nên để thích nghi với những thay đổi này đối với cô không có gì là khó khăn cả. Cô giống như bao nhiêu đứa trẻ khác ở trong khu tập thể Viện Kiểm sát Thành phố, ban ngày chơi trò chơi ở trường mẫu giáo, tối về nghe bố mẹ phê phán mấy chị diễn viên xinh đẹp trong phim truyền hình trông như yêu tinh, hoặc bà nào đó trong cơ quan rỗng tuếch không chịu được, lại còn ai đó đúng thật là… nữa. Những từ ngữ này vừa mới mẻ mà vừa lạ lẫm đối với cô.

Có một lần, bố mẹ đưa cô đi ra phố mua sắm (bố mẹ của Cát Niên khi đi ra ngoài không bao giờ đi bên cạnh nhau, họ cảm thấy như vậy thật là ngại), đúng lúc đó có một đôi tình nhân đi ngược lại vừa đi vừa ôm nhau, kiểu thân mật như thế này ở thời đó rất hiếm, mẹ cô lầm bầm chửi mấy câu: “Đúng là không biết xấu hổ! Con gái tôi mà về sau cũng thế này thì tôi chặt gãy chân tay nó ra ngay!”

Lúc đó Cát Niên đang chăm chú quan sát dáng đi của mọi người xung quanh, nghe thấy mẹ bỗng nhiên nói câu đó, cô giật thót cả mình, không hiểu mình lại làm sai chuyện gì rồi. Cô sống với bố mẹ cũng được hai năm rồi, mà có vẻ như chưa bao giờ được bố mẹ yêu chiều, tuy rằng các cô chú trong khu tập thể Viện Kiểm sát đều nói cô là cô bé rất xinh xắn.

Năm cô năm tuổi, Cát Niên vừa đi học lớp vỡ lòng, lại đúng vào dịp trường mẫu giáo tổ chức biểu diễn văn nghệ với quy mô lớn. Trong lúc dàn dựng tiết mục, các thầy cô giáo rất thích đưa Cát Niên vào biểu diễn vì cô bạo dạn, khả năng thể hiện tốt, diễn cái gì giống cái đó. Năm đó Cát Niên được giao trọng trách là người múa chính trong một tiết mục biểu diễn múa, trang điểm xong rồi cô mới nhớ ra là chiếc vòng có chuông dùng để đeo khi biểu diễn cô lại để quên ở nhà mất rồi.

Cô giáo nói bảo bố mẹ Cát Niên mang ngay đến, nhưng Cát Niên không dám, tuy hôm đó cả bố mẹ cô đều được nghỉ. May mà nhà cô cũng không ở xa trường lắm, Cát Niên mặt trát đầy son phấn, lao như cơn lốc về tập thể nơi nhà cô ở. Lúc này đang là buổi trưa, cô sợ đánh thức bố mẹ vốn đã phải làm việc rất vất vả, nên nhẹ nhàng dùng chiếc chìa khóa được đeo bằng sợi dây màu hồng trên cổ để mở cửa, cô nhanh chóng mở tủ trong phòng khách và cuối cùng đã tìm được chiếc vòng của mình. Vừa định chạy về trường thì nghe thấy tiếng động phát ra từ buồng ngủ đang đóng kín cửa của bố mẹ.

Cát Niên tưởng rằng mình đã phát ra tiếng động quá to, theo bản năng cô ngập ngừng giây lát, cô đứng im tại chỗ mấy giây liền nhưng qua giọng nói của bố mẹ thì có vẻ như là họ không hề biết là cô đang ở nhà. Tính tò mò bẩm sinh của trẻ con thôi thúc cô nhón gót tiến gần về phía cửa buồng bố mẹ, lén ghé tai vào tấm ván gỗ mỏng, mới nghe được vài câu mà cô đã giật nẩy cả mình.

Tiếng nói não nề trong buổi chiều hè khiến người ta nghẹt thở, Cát Niên nghe rõ tiếng của bố và tiếng của mẹ, hình như họ đang cãi nhau, cũng có vẻ như họ đều đang bị ốm. Cô cảm thấy lo sợ, chân cô như bị một lớp keo dính chặt, khiến cô không nhúc nhích nổi nửa bước, cô cứ đứng ngây ra mà nghe những âm thanh đang dần dần nhỏ lại và biến mất.

Lạy trời, trong chốc lát, Cát Niên lại nghe thấy giọng nói bình thường của mẹ, câu trước Cát Niên nghe không rõ lắm, “…Sinh đứa nữa, em thì chẳng có gì mà ngại cả, nhưng công tác quản lý kế hoạch hóa gia đình ở Viện nghiêm lắm, mình sẽ bị kỷ luật đấy.”

“Kỷ luật thì kỷ luật, nếu không có được thằng con trai, thì cả đời này chẳng còn ý nghĩa gì nữa cả.”

“Sinh thì đơn giản thôi, nhưng làm sao mà đăng ký hộ khẩu được?”

“Thể nào mà chẳng có cách, nhờ vài người dò hỏi xem sao.”

“Ngày xưa sinh đứa đầu mà là con trai có phải tốt không, đỡ phải đau đầu mấy cái chuyện này.”

“Hay là, mình đem cho Cát Niên đi.”

“Hứ, cho dù thế nào đi chăng nữa cũng là con đẻ của anh, anh không sợ người ta chửi vào mặt anh à? Vả lại, đem cho ai? Chẳng phải là cái gì báu bở cho cam, ai người ta cần?”

“Này, anh có ý thế này, hay là mình chuyển hộ khẩu của Cát Niên vào hộ khẩu của chị gái anh, cho người ta ít tiền, để cho Cát Niên sống cùng với hai vợ chồng chị gái anh, như thế chuyện của chúng mình sẽ dễ dàng hơn nhiều. Nếu không được thì mất ít tiền, tìm người viết cho tờ chứng nhận tàn tật gì đó…”

Cát Niên vẫn đang chăm chú nghe, có vẻ như cô đã nghe hiểu nhưng cũng có vẻ như cô chẳng hiểu gì cả. Chiếc váy biểu diễn bằng vải voan xinh xắn ướt đẫm mồ hôi, dính chặt vào lưng cô, khiến cô vừa ngứa vừa nóng. Bố mẹ đang nói chuyện về cô, và cả về kẻ thù mà cô chưa biết mặt nữa. Họ thực sự chẳng yêu quý gì cô cả.

Đúng lúc này, Cát Niên chợt nhớ ra, vẫn còn một tiết mục biểu diễn đang chờ cô. Cô khom lưng chuồn ra khỏi nhà như một tên trộm, hít một hơi thật sâu lao thẳng đến phía sau hậu trường sân khấu của trường mẫu giáo. Các bạn khác đã chuẩn bị sẵn sàng để lên sân khấu rồi, lúc nhìn thấy Cát Niên xuất hiện với bộ mặt ướt nhèm như chuột, cô giáo viên phụ trách tiết mục múa của Cát Niên và các bạn vừa tức vừa thở phào nhẹ nhõm.

Trên sân khấu, nàng Bạch Tuyết và bảy chú lùn nhịp nhàng trong điệu múa. Cát Niên trong vai nàng Bạch Tuyết đang nhún chân nhảy múa, chiếc váy voan bay tung lên như những vầng mây trắng, cô chính là tâm điểm của sự chú ý.

Bố mẹ dậy chưa nhỉ? Liệu bố mẹ có đến xem mình biểu diễn không nhỉ? Bỗng nhiên cô nhớ ra, cô không nên hiếu động như thế này, bố mẹ thích cô yên tĩnh trầm lặng cơ, nếu không chẳng biết rồi bố mẹ sẽ đưa cô đi đâu.

Cứ như vậy, một đứa trẻ mải suy nghĩ về tương lai mờ mịt của mình đến mức quên mất cả các động tác múa. Cát Niên múa mỗi lúc một chậm dần, chậm dần, rồi cô đứng ngây ra một chỗ, chẳng biết phải làm thế nào nữa. Phía dưới sân khấu khán giả ầm ĩ hết cả lên, cô nhìn thấy và cũng nghe thấy tất cả. Giáo viên hướng dẫn tức đến phát điên, liên tục làm các động tác ra hiệu cho cô.

À, cô phải quay rồi, phải túm lấy tay của cậu bé hoàng tử và quay vòng một cách vui vẻ hạnh phúc. Cát Niên liền túm lấy một cậu con trai bên cạnh mình, một vòng, hai vòng, ba vòng… khi quay cô chẳng còn nhớ gì nữa, chỉ biết quay thôi. Đúng lúc này, tất cả mọi người cười ầm lên, mọi người vui chưa từng thấy, ai cũng cười lăn lộn hết cả. Cát Niên lúc này mới phát hiện ra, cậu bé đóng vai hoàng tử đó đang đứng ngây ra như phỗng ở bên góc sân khấu, cô đã kéo tay ai vậy?

Nhìn vào vết son phấn trên mặt cậu bé, Cát Niên mới chợt bừng tỉnh, người bị cô kéo tay quay vòng là con của một đôi vợ chồng vừa chuyển từ ngoại tỉnh lên Viện Kiểm sát Thành phố, cậu được gọi đến là để thay cho một chú lùn vừa bị sốt cao tuần trước. Cát Niên thậm chí còn chưa biết tên cậu bé là gì.

Cô cứ quay, quay mãi và cô đã kéo nhầm hoàng tử hoặc cô chưa từng là công chúa.

Câu chuyện về nàng Bạch Tuyết kết thúc trong tiếng cười, từ đó trở đi, Cát Niên dị ứng với tất cả các cuộc biểu diễn trước mặt mọi người. Từ một con bươm bướm dần dần cô đã biến thành một con sâu bướm.

.