Q1 - Chương 02

Bão Táp Triều Trần

Đăng vào: 2 năm trước

.

Từ bữa Trần Thủ Độ ép phải kí vào chiếu nhường ngôi cho tới nay, Huệ tôn thấy trong người vẫn tỉnh. Chính vì tỉnh táo suy nghĩ, nên nhà vua càng không thể nào hiểu được tại sao người ta cứ bắt ngài phải nhường ngôi cho Chiêu Thánh? Tội nghiệp, con bé mới bảy, tám tuổi, còn chưa biết hỉ mũi đã phải làm vua. Ngài đã nói tới bã bọt mép, rằng phải có truyền ngôi cho con gái, thà bắt con Thuận Thiên, trưởng nữ của nhà vua còn hơn. Nó vừa có sức vóc, vừa nhiều tuổi hơn; vả lại nó cũng võ vẽ đọc được dăm ba chữ, chứ con Chiêu Thánh đã học hành gì đâu. Hoặc giả ngài cũng tỏ ý muốn truyền ngôi cho một người cháu họ, không những người ta không thuận, mà nghe đâu họ đã đem thằng bé đi biệt tích. Chắc hẳn chúng nó trầm hà thằng bé mất rồi. Trời, thế là ta đã giết cháu ta! Cái mặt cảm u uất cứ bám riết lấy tâm trí nhà vua, khiến ngài thấy đầu óc nặng nề quá. Để bớt phần bức bối, nhà vua cố gượng dậy đi dạo trong khuôn viên. Và cũng thử xem Trần Thủ Độ có phái tay chân đến rình mò? Nhìn khắp bốn bề đều vắng lặng, Huệ tôn liền ghé vào bụi tầm xuân, thổ lộ những điều mà bấy lâu ngài mang nặng như kết thành một khối ở trong ruột, trong gan. Nhà vua thì thầm: “Ôi cái bụi tầm xuân này. Ta chỉ có tin mày mới không phản ta thôi. Thân xác ta sao thống khổ thế này. Chẳng biết vận số cát hung ra sao mà cái năm Đinh sửu (1217), cái năm ta mới có hăm mươi ba tuổi đầu, đã mắc phải chứng loạn tâm. Mặc dù tới nay ta đã bình phục, nhưng chú cháu nhà Trần Lý nó cứ phao ngôn rằng ta đã mất trí. Ngay cả con mụ vợ ta nó cũng không tin rằng ta đã dứt bệnh. Cha con chú cháu nó giam hãm ta suốt ngày trong cung cấm. Cận thần tâm phúc của ta, nó đầy, nó đổi đi viễn sứ. Nô tì tin cẩn của ta, phần thì nó giết, phần nó bắt đi khẩn đất miền biên viễn. Chúng nó chặt hết chân tay, tai mắt của ta. Ta thật chẳng khác gì Hán Hiến đế bị Tào Tháo lộng hành, áp chế. Nhưng Hiến đế còn hơn ta nhiều lắm. Bởi ông ta còn có bầy tôi tâm phúc, nghĩ suy về sự nghiệp của nhà Hán, và cũng đôi ba lần khởi sự, tuy việc chẳng thành … Còn nhà Lý ta, từ khi Thái tổ được quần thần khuông phò lên ngôi, kế tiếp nhiều đời đã làm cho dân giàu nước mạnh. Mặt Bắc, nhà Tống phải nể phục, không dám càn dỡ. Mặt Nam thì Chân Lạp, Chiêm Thành phải sợ oai nạp cống. Các quan trong triều ngoài nội, nối đời ăn lộc nhà Lý, mà sao không có được lấy một người tâm phúc với ta. Chẳng lẻ tất cả bọn họ đều là phường giá áo túi cơm, úy tử tham sinh? Chẳng lẽ tất cả đều về hùa với chú cháu thằng thuyền chài[1] để hãm hại cha con ta, mưu toan soán đoạt?…”. Huệ tôn xúc động, nước mắt chảy ròng ròng trên hai gò má hơi cao. Thân xác héo khô gầy guộc, mặt mũi hốc hác, râu tóc bơ phờ, nom Huệ tôn không ai có thể ngờ đó lại là một trang nam nhi ba chục tuổi. Chẳng bù với Trần Thủ Độ, ông ta chỉ hơn nhà vua có một tuổi, mà sao sinh lực tràn trề, uy dũng tỏ ra hơn đời nhiều lắm. Chính nhà vua cũng có ý như né tránh ông ta.
Lấy chéo áo lau khô khuôn mặt khắc khổ, hai tay chống gối toan đứng lên, bỗng từ phía bên kia bụi tầm xuân có tiếng sột soạt rồi có người từ đó bước ra, nhà vua hoa mắt, chân tay bủn rủn không thể nào lê nổi bước chân. Bỗng người đó tới trước nhà vua sụp lạy:
– Muôn tâu bệ hạ, con đã nghe hết mọi điều mà bệ hạ nói với bụi tầm xuân.
Không nén được giận dữ, Huệ tôn thu toàn lực vụt đứng lên, ngài rút chiếc dép giơ thẳng cánh ném vào giữa mặt ả thị tì, và mắng:
– Đồ nghiệt súc! Ta căm ghét lũ ngươi. Ở đâu các người cũng rình rập, nghe ngóng. Ngươi cút xéo đi mà tâu với cha con chú cháu thằng thuyền chài!
Cũng may mà thị nữ đã né đầu tránh được. Nàng loay hoay tìm lại chiếc dép đưa cho nhà vua, và khép nép nói:
– Tâu bệ hạ, kẻ tôi đòi này chỉ mong có dịp được bệ hạ sai khiến, chứ không có tâm địa nào hại bệ hạ.
Nhà vua có phần bình tâm, ngài hỏi:
– Vậy chứ kẻ nào sai mi đến đây do thám?
– Trình bệ hạ, chẳng hay bệ hạ có nhớ quan thừa chỉ?
– A, lũ ngươi giảo quyệt. Thằng thuyền chài sai ngươi đến đây để dụ ta vào bẫy hả? – Nhà vua chồm dậy giơ bàn tay yếu ớt của mình lên định tát vào mặt thị nữ. Bàn tay ấy lại từ từ buông thõng xuống. Nhà vua thở dài ảo nảo, tuồng như tất cả ý chí và sức lực của ngài đều trút qua hơi thở.
Thị nữ không cầm được nước mắt. Nàng cũng bối rối, chỉ sợ có ai trông thấy cảnh này, thì vua tôi khó mà toàn vẹn. Chợt lóe trong óc nàng một điều gì đấy, khiến nàng hoạt bát hẳn lên. Nàng tiến lên nửa bước, ghé sát tai nhà vua nói:
– Quan thừa chỉ dặn con, nếu có cơ hội, bệ hạ nên sớm dứt bỏ chốn cung cấm thâm nghiêm này. Xin bệ hạ hãy tỏ ra thối chí, xuất gia tại một ngôi chùa nào đó trong kinh thành. Các bầy tôi trung thành với bệ hạ, vẫn đang chờ thánh chỉ để mưu việc lớn.
Nói xong, thị nữ bèn dâng lên Lý Huệ tôn một chiếc quạt. Đó là chiếc quạt mà nhà vua đã ban cho quan thừa chỉ. Nhà vua nhận ra chiếc quạt của mình và nhớ lại tất cả. Ngài hỏi:
– Ngươi với quan thừa chỉ có thân thích gì không?
– Tâu bệ hạ, mẹ con là con nuôi của quan thừa chỉ. Mẹ con con chịu trọng ân của đức ngài. Dù việc con làm có phải gan nát óc lầy, cũng chưa dễ gì báo đền được ơn phúc đó.
– Ngươi có được hoàng hậu tin cẩn không?
– Bẩm hoàng thượng, hoàng hậu không nghi ngờ gì con. Nhưng chắc con không thuộc loại tâm phúc như những chị quê ở Long Hưng[2], ở Tức Mạc[3]
Nhà vua gật đầu. Một thoáng cân nhắc, ngài hỏi:
– Ngươi có thấy quan điện tiền hay ra vào cung hoàng hậu bàn tính gì không? – Nhà vua phải hạ mình đi hỏi một thị nữ, về chuyện riêng của hoàng gia, quả thật là đau lòng. Bởi mấy năm nay nhà vua không được điều hành việc triều chính. Tất cả công việc đều thâu tóm trong tay Trần Tự Khánh, anh ruột của hoàng hậu Trần Thị Dung. Từ năm ngoái, (Quí Mùi – 1223) Trần Tự Khánh chết, quyền hành ấy được chuyển sang Trần Thủ Độ, em họ y – Anh em nhà nó ép ta phải ốm. Chúng bắt ta phải ký vào chiếu do chúng thảo sẵn, để chúng lừa bịp triều đình và sai khiến trăm họ.
Chúng giam hãm ta tại một căn nhà ẩn mãi phía sau nội điện, bốn mặt tường cao, hào sâu, lính canh nghiêm cẩn. Ngay việc ta đi lại thăm hỏi các con ta, chúng cũng cản trở. Thật sự chúng biến ta thành một tên tù.
Ngẫm nghĩ giây lát, thị nữ bèn tâu:
– Trình bệ hạ, quả là quan điện tiền Trần Thủ Độ có năng lui tới cung hoàng hậu. Nhưng các bậc bề trên bàn tính chuyện gì thì kẻ hầu hạ chúng con không được biết. Lưỡng lự một thoáng, thị nữ lại tiếp:
– Tâu bệ hạ, người có nhắn bảo gì quan thừa chỉ, con sẽ thưa lại. Quan thừa chỉ có nhờ tâu cùng bệ hạ rằng: “Người gắng giữ gìn tấm thân muôn quí, để còn lo việc lớn cho thiên hạ. Bêï hạ nhất nhất không được tỏ lộ một điều gì khinh xuất, bởi gia nhân và tai mắt họ Trần nhan nhản đầy triều”.
Nhìn về phía non Tản, mặt trời ánh lên một màu tím sẫm, thị nữ chắp tay vái nhà vua ba vái, rồi nói:
– Lạy trình bệ hạ, mặt trời đã gác núi phía tây, xin bệ hạ kíp trở về hậu điện kẻo quân canh nghi ngờ.
Nhà vua chợt hỏi:
– Vậy chớ bao giờ thì ngươi lại gặp ta?
– Tâu bệ hạ. Con không được phép vãng lai vào khu hậu điện. Xin cũng cứ vào giờ này thi thoảng bệ hạ dạo chơi quanh đây, nếu có tin tức gì con sẽ tìm cách bẩm báo để bệ hạ tỏ tường – Xin bái biệt. Nói xong thị nữ vái dài rồi vụt biến mất, khiến Huệ tôn ngơ ngác, vì chưa kịp hỏi tên nàng.
Trở lại căn nhà vắng lặng như chốn mồ hoang, Huệ tôn sắp phải dùng bữa cơm chiều đạm bạc, thường do một tên lính tốt đưa vào. Nhìn mâm cơm, nhà vua không nén nổi cơn giận, bèn gọi tên lính quát mắng:
– Kẻ kia, về nói với chủ mày tàn ác vừa vừa chứ, không thì chết cả ba họ chúng bay đấy. Tiếc thay ta không nghe lời mẫu hậu, để cho cái dòng họ khố rách áo ôm nhà chúng mày lọt vào triều đình, để đến bây giờ chúng mày tác yêu, tác quái.
Tên lính tốt nhìn lại mâm cơm vua, bây giờ nó mới nhận ra là sơ sài đạm bạc quá. Thật chẳng hơn gì bữa cơm lính. Nhưng biết làm thế nào, nó là lính chỉ biết tuân theo lệnh của người trên. Nó còn được quan đô áp dặn, nếu nhà vua có thét mắng hoặc hờn dỗi không ăn thì cứ việc trả lời: “Khắp nơi loạn lạc, triều đình không thu được thuế. Dân trong nước chết đói gần hết rồi. Nay mai quân giặc sắp ùa vào kinh thành. Đến gạo hẩm, cơm tấm cũng chẳng có mà ăn”. Tuy đã được quan đô áp căn dặn, tên lính tốt cũng không dám hé răng cãi lại nhà vua. Trái lại, nó còn thấy nhen lên một cái gì đó ở trong lòng, như là sự thương cảm ở tình người. Nó chỉ thương ông vua mất hết quyền bính, thân phận như một tên tù.
Đuổi tên lính và bắt nó bê cả mâm cơm đi rồi, nhà vua nằm thở. Bây giờ ngài mới thấy thấm mệt. Vừa đói, vừa mệt, nghĩ lại lời quan thừa chỉ dặn, nhà vua thấy hối hận: “Việc ta mắng nhiếc những kẻ họ Trần kia, quả là khinh xuất. Kẻ kia sẽ ra sức tìm cách ám hại những bầy tôi còn trung thành với nhà Lý”.
Đêm phủ lên kinh thành một màu huyền đục. Bốn bề im lặng. Tiếng chó sủa thưa dần. Tiếng dế, tiếng trùng bật lên rền rĩ như tiếng những oan hồn than khóc. Đĩa đèn của nhà vua ngọn bấc đang lập lòe, ông biết dầu đã cạn. Nhà vua nghiến răng như muốn nghiền nát kẻ nghịch thần bạo ngược. “Y không cho ta lấy một người thiếp hoặc một tên nô để sai khiến. Đến dầu thắp, y cũng chỉ phát cho ta từng đêm. Mà cũng chỉ đến giờ này là lụi bấc. Chao ôi, đạo vua tôi đến thế là cùng! Lại còn con mụ vợ ta nữa. Gần một năm nay mụ không còn đoái tưởng gì đến ta. Quyền bính trong hoàng gia một tay mụ thâu tóm. Quyền hành nơi triều chính do em mụ thống lĩnh. Ta ngu tối vì quá tin kẻ ngoại tộc, đến nỗi trở thành trò cười cho chúng nó. Chị em nhà mụ lúc nào cũng cặp kè với nhau. Bên ngoài, chúng che dấu dưới những điều to lớn như việc nước, việc nhà. Kỳ thự bên trong thì chúng tư thông với nhau. Nghĩ tới đây, nhà vua rùng mình ghê tởm, ngài vội nhắm mắt lại, miệng nam mô niệm Phật. Vì chính ngài không dám tin rằng, con người ta dám làm những điều luân thường bại lý như vậy. Ngọn bấc chợt bừng sáng lên rồi phụt tắt. Đúng lúc, ngoài chòi quan điểm ba tiếng trống sang canh. Tuy căm tức nhưng Huệ tôn thầm khen cho tên rót dầu thật là tài, và tên lính đánh trống cũng thật đúng giờ. Vì đêm nào cũng vậy, cứ vào lúc ngọn bấc phụt tắt là trống sang canh ngoài hoàng thành lại điểm.”
Bình tâm, nhà vua nhớ lại cuộc gặp giữa ngài với quan điện tiền chỉ huy sứ Trần Thủ Độ, không lâu trước ngày đức vua bị bức phải ký vào chiếu nhường ngôi.
Bữa đó trời nóng, nhà vua cởi trần, ngồi đánh cờ một mình. Vì gần một năm nay, Huệ tôn không được ló ra ngoài, không được tiếp xúc với ai, kể cả vợ con. Buồn đến nẫu ruột, tưởng như chứng loạn tâm lại tái phát, nhà vua phải bầy ra chuyện giải khuây, bằng cách đánh cờ. Cuộc cờ đã gần mãn, rút vào thế. Một bên là tốt nhập cung, chỉ cần thọc một nước xe nách là bên kia hết cờ. Một bên chịu nước xe lệch. Nhà vua đang mãi mê lo cho thế cuộc đôi bên, thì Trần Thủ Độ xộc vào. Ông bước đi hùng dũng, thanh trường kiếm đeo trễ một bên hông. Nhà vua chợt ngửng lên. Thủ Độ lướt nhanh trên bàn cờ, rồi nhìn thẳng vào khuôn mặt nhợt nhạt của Lý Huệ tôn, ông nói:
– Tâu bệ hạ, tàn cuộc rồi, đánh ván khác thôi!
Huệ tôn nén giận đáp lời qua giọng nói run run:
– Chẳng cần đánh thì nhà ngươi cũng thắng ta rồi.
– Vậy là bệ hạ đã nắm được cái nhẽ mạnh, yếu ở đời. Tôi xin đi thẳng vào việc.
– Ngươi cứ nói.
Huệ tôn vẫn ngồi trên chiếc giường sơn then, mắt lơ đãng ngắm nhìn vài chiếc quân ngà lạc lõng, kỳ thực tâm trí nhà vua đang rất lao lung, không biết Trần Thủ Độ sắp bày đặt chuyện gì đây.
Thủ Độ hết nhìn nhà vua lại nhìn ra ngoài vòm trời chói chang nắng gắt. Ông đi đi lại lại quanh gian nhà hẹp, như đang bồn chồn chờ đón một điều gì. Đoạn ông đứng lại trước nhà vua, nói:
– Bệ hạ biết đấy. Vận nhà Lý hết rồi!
Huệ tôn giật bắn người, nhà vua tưởng như dứt lời nói ấy, Thủ Độ sẽ rút thanh trường kiếm chém bổ lên đầu ngài. Nhưng không, ông ta vẫn thảng nhiên đứng đó, tay khoanh trước ngực. Phút im lặng nặng nề đầy hăm dọa hơn cả quãng đời tai biến mà nhà vua đã trải. Đức vua chợt nhìn nhanh ra dẻo sân rồi lại ngước lên vòm nhà, chợt thấy một con tò vò đang vo vo giẫy dụa trong chiếc mạng nhện. Huệ tôn thầm nghĩ đến cảnh ngộ mình.
Tự trấn tĩnh giây lát, Huệ tôn lên tiếng:
– Vậy chớ khanh muốn gì ở ta? Mà lúc này ngươi muốn gì chẳng được, kể cả cái đầu ta.
Trần Thủ Độ nhếch mép cười:
– Bệ hạ quá lời. Hẳn ngài đã biết từ cái thuở chạy loạn Quách Bốc[4] rồi từ ấy tới nay, cánh họ Trần chúng tôi đã vì nhà vua mà tiêu hao điền sản. Gia nhân chúng tôi và cả cha chú chúng tôi cũng hiến dâng tính mạng để giữ cho cái ngai vàng của bệ hạ được vững.
– Điều ấy ta biết, nhưng tiếc thay các ngươi làm những việc ấy vì sự bành trướng thế lực của họ Trần chứ không phải vì ta, vì trăm họ. – Huệ tôn vừa nói vừa liếc nhìn thanh trường kiếm nơi hông Trần Thủ Độ.
– Cha con, bác cháu, anh em nhà chúng tôi dốc hết tài sản và sản nghiệp khuông phò bệ hạ, nhưng phải thừa nhận một điều rằng bệ hạ bất tài, nên không thâu tóm được triều đình, bệ hạ cũng mỏng đức nên không sai khiến được thiên hạ.
Thay trời chăn dân, bệ hạ để cho trăm họ ta thán, nguyền rủa. Đất nước yên bình hàng trăm năm mà đi về phía nào cũng thấy cảnh tiêu điều hoang phiếu. Ngả nào cũng có người chết đói, chết dịch bệnh. Từ đời Cao tông tới nay, dân chết đói quá nửa rồi. Bây giờ thì không chỉ đói, rét, bệnh tật, mà còn giặc cướp, loạn lạc nổi lên như muỗi, như ruồi. Bệ hạ thử đoái nhìn sớ tấu các nơi gửi về triều đình xem, có nơi nào không có giặc? Đông, tây, nam, bắc các nẻo đều nổi dậy chống lại bệ hạ. Không xa xôi gì, ngay cửa ngõ kinh thành đây, Nguyễn Nộn cũng hùng cứ, sớm tối đánh vào cửa khuyết lúc nào không hay. Mấy phen y đã đem quân tới Bồ Đề, nếu tôi không sớm ra tay, hẳn là thành tan, ngói vỡ, ngai vàng sụp đổ từ lâu rồi.
Trần Thủ Độ ngừng lời, chợt thấy mặt nhà vua xám ngoét, mồ hôi toát trắng cả ngực, cả lưng, chảy thành dòng, ướt đen cả vùng cạp quần. Chợt trong lòng viên tướng nảy ra một ý nghĩ mơ hồ, ái ngại. Trần Thủ Độ tự biết việc đối xử với nhà vua như vậy là bạo ngược. Giá Huệ tôn là một người thủ đoạn, sắc sảo mưu toan chống lại ông và diệt vây cánh của ông, cũng như thế lực của họ Trần thì lại đi một nhẽ. Đằng này ông ta nhu nhược, chấp thuận … Chợt Trần Thủ Độ ngửng phắt đầu lên, tay nắm chặt đốc kiếm. Dường như ông ta làm như thế là để dứt khoát với chính mình, chặn đứng cái lối nhân theo kiểu đàn bà. Thủ Độ tự nhủ: “Nếu lúc này còn chần chừ là mất hết cơ hội. Khi mà Đoàn Thượng, Nguyễn Nộn hai thế lực kình chống triều đình lớn nhất liên kết lại với nhau được, thì không những cơ đồ nhà Lý sụp đổ, mà vây cánh họ Trần cũng không có đất để chôn”.
Hành động của Trần Thủ Độ khiến Lý Huệ tôn không còn hồn vía. Nhà vua co rúm người lại, miệng lắp bắp:
– Ta muốn gặp lại các con. Ta chưa hề xử tệ với ông. Ta mong ông hãy gia ân. Dù sao…
Lời van vỉ của Huệ tôn khiến Trần Thủ Độ bừng tỉnh hẳn. Nhìn tấm thân gầy guộc, khuôn mặt sầu héo toát lên vẻ ươn hèn ngu tối của một đấng quân vương, lòng viên tướng dấy lên nỗi khinh ghét, tởm lợm. Một ý nghĩ thoáng nhanh trong óc ông: “Đứng đầu một dân tộc quật cường như Đại Việt mà là kẻ ngu hèn kia sao? Tiếc thay cả dòng họ nhà ta đi khuông phò một tên vô lại”. Đoạn ông nói, lời nói rành rõ như một lời khuyến cáo, lời huấn dụ mà cũng là lời tâm sự thốt lên từ đáy lòng ông:
– Đất nước ngàn cân treo sợi tóc. Bên ngoài người Tống ráo riết nhòm ngó. Bên trong bè đảng nổi lên. Mỗi kẻ trấn trị một phương, cái họa nồi da xáo thịt chỉ là sớm tối. Dân tình đói khổ, rên xiết vì nạn sưu cao thuế nặng của triều đình. Nạn cướp bóc, nạn ức hiếp của giặc giã và bọn hào lý trùm lên đám cùng đinh. Phải lấy non sông xã tắc làm trọng.
Nói tới đây, Trần Thủ Độ liếc nhìn Lý Huệ tôn, rồi ông nói tiếp: – Bệ hạ phải thoái vị!
Huệ tôn tuy đã lường trước được việc này, nhưng ông không ngờ nó lại xảy ra sớm thế, khiến ông bủn rủn cả tay chân, miệng há hốc, mặt trắng bệnh như sáp, nhưng không thốt ra được một lời, như kẻ chết không kịp ngáp.
-Vậy ý bệ hạ thế nào? – Trần Thủ Độ gặng hỏi.
-Ý ông là ý ta. Việc phải làm thế nào thì ông cứ thế mà làm. Có điều ta muốn biết, ai sẽ thay ta? Ông hay Nguyễn Nộn?
– Nhà vua nghĩ quẩn! – Trần Thủ Độ giậm chân thét lớn. – Nguyễn Nộn là giặc của triều đình, bệ hạ coi tôi như một tên giặc hiếp vua? Quá đáng, quá đáng!
Lý Huệ tôn thật sự lúng túng, ông cũng không biết nói thế nào cho hợp ý quan điện tiền. Giây lâu, ông tiếp:
– Hay ta bắt chước người xưa, nhường thiên hạ cho ông? – Huệ tôn ngừng lời để dò biết ý tứ Trần Thủ Độ.
– Nhà vua chưa đủ tư cách của một người hiền để làm việc đó. Thiên hạ không phải của riêng bệ hạ mà muốn cho hay giữ thế nào cũng được. Ngày xưa nhà Lý thay thế nhà Lê là thuận lòng dân, hợp với ý trời. Lý Thái tổ là người mở nghiệp huy hoàng đã đưa non sông Đại Việt lên đài vinh quang chói lọi. Công ấy, sử sách muôn đời cháu con ghi nhớ. Nhưng hiện tình nhà Lý rối rắm quá, còn nát hơn cả nhà Lê trước nữa. Trên khuôn tranh thảm đạm như vậy, bệ hạ định treo một tấm gương gì? Lịch sử là chân thực nhưng sòng phẳng, không thể chơi trò điêu sảo, mập mờ được đâu. Nói xong, Trần Thủ Độ cười sằng sặc, khiến Lý Huệ tôn càng hoang mang khiếp sợ.
Với giọng bạc nhược, nhà vua nói:
– Ta thật sự không biết làm gì trong lúc này, mong ông hết lòng giúp ta.
Trần Thủ Độ bèn thò tay qua tấm áo tía đại trào, nơi thêu cái đầu hổ phù trước ngực, rút ra một tờ chiếu thảo sẵn. Đọc xong, nhà vua thất kinh hỏi:
– “Sách lập Chiêu Thánh làm hoàng thái tử”. Lạ quá! Lạ quá! Biến hoàng nữ thành hoàng nam, trong đời ta chưa từng thấy, mà lịch sử các đời cũng chưa từng có.
Trần Thủ Độ cười khẩy:
– Chúng ta là những người làm ra lịch sử, bệ hạ thử xét xem, trước bệ hạ đã có triều đại nào, chỉ hai cha con kế tiếp trị vì thiên hạ, đã biến đổi được một dân tộc hùng anh như Đại Việt này thành một lũ ăn mày. Cũng chỉ trong vòng mấy chục năm cha con bệ hạ đã tiêu diệt tới nửa số dân của mình bằng đói kém, dịch bệnh. Nếu bệ hạ tiếp tục nắm giữ ngôi trời, tôi tin với tài năng và trí tuệ của bệ hạ, chẳng bao lâu bệ hạ sẽ hoàn tất sứ mệnh diệt chủng!
– Sao khanh quá nặng lời. Chẳng qua chỉ tại tiên đế ham mải các thú vui, còn ta thì bệnh tật dày vò…
Với lòng khinh bỉ, Trần Thủ Độ rút chiếc bút lông thỏ đã quết son gài sau búi tóc đưa cho nhà vua.
Lý Huệ tôn xăng xái rót vào chén trà vài giọt nước xấp xấp ngọn bút lông, ông xoay xoay tờ chiếu rồi nắn nót viết ba chữ tên mình. Đoạn ông đẩy tờ giấy ra xa rồi lẩm nhẩm đọc lại lời văn, và ông dừng lại rất lâu nơi ba chữ ký, tuồng như ông có vẻ mãn nguyện vì vừa làm được một việc độc nhất có ích trong đời…
Vừa đói, vừa mệt, vừa chập chờn hãi sợ, Huệ tôn chìm mình vào giấc ngủ muộn.

(1). Họ Trần xuất thân từ nghề đánh cá ở vùng biển Nam Định, Thái Bình, Huệ tôn gọi với ý khinh miệt.
(2), (3). hai miền đất khi nhà Trần dời từ Chí Linh về để lập nghiệp. Phủ Long Hưng thời Trần nay là huyện Hưng Hà – Thái Bình. Tức Mạc nay là đất ngoại thành Nam Định.
(4). Tháng 7 năm Kỷ tỵ (1209), Cao tôn giết Bỉnh Di vô tội. Bộ tướng của Bỉnh Di là Quách Bốc phá cửa Đại thành đánh thẳng vào cung, lập hoàng tử Thầm em ruột Huệ tôn lên làm vua. Huệ tôn phải chạy loạn về thôn Lưu Gia, phủ Long Hưng, gặp nhà Trần phò giúp từ đây.