Q1 - Chương 01

Bão Táp Triều Trần

Đăng vào: 2 năm trước

.

Cờ cắm la liệt khắp Hoàng Thành và phố xá. Những lá cờ ngũ hành và cờ phướn màu sắc rực rỡ, không có gió, cứ rũ xuống, nép vào thân cột như những hàng cờ tang. Thăng Long vào hội! Hội mừng đức vua đăng quang[1]. Một ngày hội buồn tẻ chưa từng thấy trong lịch sử hội hè của đất đế đô. Phường phố văng ngắt không một bóng người qua lại. Chỉ thỉnh thoảng có một toán lính tứ sương[2] vác dáo đi tuần lặng lẽ như những bóng ma. Rồi cứ chừng một khắc canh, lại có một đội kỵ binh phi nước đại vút qua đường, làm cuộn lên một lớp bụi mịt mờ, và ném vào cái không khí u tịch của kinh thành những tiếng vó ngựa khua đục đục đều đều, như có hàng trăm chiếc chày gõ nhịp trên sàn gỗ.
Trong hoàng thành, quân thánh dực[3] đứng ken dầy bốn cổng đông – tây -nam – bắc; gươm dáo tuốt trần.
Nội điện đèn lồng, bạch lạp thi nhau tỏa sáng giữa ban ngày. Một tờ chiếu vẽ rồng và mây ngũ sắc trải rộng trên mặt án thư phía hữu ngai vàng, có đóng dấu ấn nhà vua.
Trống đăng văn vừa dứt. Quan hàn lâm phụng chỉ[4] cùng với quan hành khiển[5], mặc áo đại trào màu tía biếc kính cẩn nâng tờ chiếu lên. Và quan hàn lâm thị độc[6] bước lên bảy bước, nhìn vào tờ chiếu đọc. Đây là chiếu sách lập Chiêu Thánh, thứ nữ của nhà vua làm hoàng tử, và nhận ngôi báu cha truyền.
Giọng quan hàn lâm thị độc xướng lên với vẻ xúc động. Nhất là ở cái đoạn: “Ta vì đức bạc, không sinh đặng hoàng nam, lại chẳng may mang trọng bệnh. Mệnh ta sớm tối chưa biết thế nào. Nay ta trao ngôi báu cho Chiêu Thánh, mong các khanh hết lòng giúp rập… ”.
Bá quan nhìn lên chiếc ngai vàng bỏ trống, ai nấy lòng đau như cắt. Dứt lời tuyên đọc, một chiếc kiệu rồng tiến vào, hạ ngay xuống cạnh ngai vàng. Nữ hoàng xúng xính trong bộ triều phục dài rộng quá khổ. Các quan hộ giá tả hữu cúi xuống nâng phẩm phục cho vua nhỏ, và bế nhà vua đặt lên ngai vàng. Đúng lúc nhà vua lắc lắc cái đầu, kêu “Rặm quá!”. Chiếc mũ miện đảo nghiêng rồi rơi bịch xuống thềm điện. Trời tháng mười se se lạnh mà trán nhà vua lấm tấm mồ hôi.
Yên vị xong, quan thừa chỉ[7] bèn dâng nhà vua tôn hiệu: “Thiên chương hữu đạo”. Triều đình im phăng phắc. Các đại thần đưa mắt rụt rè nhìn về phía điện tiền chỉ huy sứ[8] Trần Thủ Độ. Quan điện tiền vươn mình khỏi chiếc thái sư ỷ, đốc kiếm chạm vào tay ghế lạch cạch khiến các quan xanh cả mắt.
Chiêu Hoàng nhấp nhổm trên ngai vàng tỏ vẻ khó chịu, vì chiếc mũ đội đầu vừa nặng, vừa rộng trống trếnh, và bộ triều phục thùng thình, khiến nhà vua có cảm giác như bị vướng bẫy. Bỗng có tiếng nói nhỏ từ bức trướng phía sau ngai: “Nữ chúa ngồi yên!”
Hệt như một đứa trẻ không thuộc bài, sau khi được nhắc, Chiêu Hoàng ngồi lại ngay ngắn, hai chân co lên, đầu gối bằng bặn, cánh tay khuỳnh ra, hai bàn tay với các ngón tay đan khít vào nhau. Giữa lòng bàn tay kẹp một kim hốt. Chiếc hốt vàng mà nữ chúa kẹp trong lòng tay kia, thường là để nhà vua ghi vào đó, những việc cần bàn bạc hoặc phán quyết, mỗi khi thiết triều. Nhưng với Chiêu Hoàng, nó chỉ là một thứ đồ chơi xấu xí.
Quan điện tiền nhìn về phía quan thái phó Phùng Tá Chu. Phùng Tá Chu bèn đứng bật dậy, hướng về phía ngai vàng vái ba vái rồi phủ phục xuống thềm điện:
– Muôn tâu thánh thượng, tôn hiệu quốc triều ta mà quan thừa chỉ vừa dâng, thần thấy rất hợp, chẳng hay tôn ý của bệ hạ thế nào? – Ngẩng nhìn nữ chúa, thấy nhà vua dường như không để ý gì đến việc triều thần đang bàn luận, Phùng Tá Chu nói tiếp: – Theo thiển ý của hạ thần, để tỏ lòng hiếu kính với thượng hoàng, triều đình ta cứ dùng tôn hiệu Kiến Gia của tiền triều cho hết năm.
Lui về chỗ ngồi, quan thái phó thầm nghĩ: “Quan thừa chỉ đúng là một người văn học thâm viễn. Chỉ riêng việc ông dâng tôn hiệu, cũng đủ nói lên cái tâm và cái chí của ông: Thiên chương hữu đạo – Rõ là ông muốn chấn hưng nhà Lý. Muốn Chiêu Hoàng nữ chúa phải theo đúng con đường của vua mở nghiệp. Quả thật, nối tiếp mấy triều gần đây đã đi trệch con đường chính rồi. Cao tôn vô đạo sa vào mê lộ. Ham xây cất cung điện, đền đài, đình tạ, vắt kiệt sức dân. Thường năm mất mùa. Dân phiêu bạt đi kiếm ăn, chết đói, chết rét chật đường chật quán. Nhà vua thì suốt đêm yến tiệc. Tai thích nghe nhạc Chàm ảo não. Mắt thích ngắm những lầu cao, cao mãi. Cung nữ từng bầy, vẫn không thôi tuyển lựa. Cha nào con nấy, hèn gì Huệ tôn chẳng đi vào con đường ngu tối. Triều chính đổ nát. Đời suy. Đạo mờ. Con giết cha. Bầy tôi lập bè lập đảng chống lại vua. Giặc giã nổi khắp nơi. Ra khỏi kinh thành mười dặm đã là đất giặc. Cơ nghiệp nhà Lý thập phần nghiêng ngả.
Khó lắm! Khó lắm!…”
Lá màn phía sau ngai vàng lại lay động. Nữ chúa Chiêu Hoàng như giật thột, đứng phắt lên ngai, cầm chiếc hốt huơ lên rồi phất tay áo thụng, miệng lắp bắp chưa nói được thành lời.
Triều thần đang còn ngơ ngác, thì quan điện súy đô áp nha thống chế[9] chạy xộc vào thềm điện, tay cầm tấm hỏa bài của tốp lính viễn thám, vừa chạy theo đường ngựa trạm báo về. Quan điện súy xá Trần Thủ Độ một xá rồi dâng tấm hỏa bài.
Quan điện chỉ huy sứ sức lực cường tráng, quắc mắt nhìn vào tấm hỏa bài, chữ viết to như quả trứng ngỗng. Ngài lẩm nhẩm đọc: TẶC ĐÁO BỒ ĐỀ[10].
Một vài vị tò mò liếc nhìn tấm hỏa bài. Trần Thủ Độ liền xoay mặt có chữ úp xuống rồi nói lớn: “Các quan không về phủ đệ còn ở đây làm gì?”. Bá quan vội tản ra. Còn nữ chúa được các quan cận thị thự lục cục[11]đỡ vào hậu điện.
Quan điện tiền chỉ huy sứ, sắc mặt không hề thay đổi, ông sai lấy ngựa và tự mình ra chỉ huy việc cản giặc.
(1) Đăng quang: Lễ lên ngôi vua.
(2) Tứ sương: Quân canh gác bốn cửa thành
(3) Quân thánh dực: Quân trực tiếp bảo vệ nhà vua mỗi khi xa giá ra ngoài cung.
(4) Phụng chỉ: chức quan văn chuyên thảo các văn bản cho vua như chiếu, chế, cáo, sắc…
(5) Hành khiển: chức quan văn đứng đầu hành khiển ty. Chức này đứng thứ hai sau tể tướng. Theo chế độ cũ của nhà Lý chỉ cho các trung gian (quan hoạn) giữ chức này.
(6) Hàn lâm thị độc: chứa quan văn phụ trách việc tuyên cáo các sắc chỉ, lệnh… của vua ban.
(7) Thừa chỉ: Chức quan văn ở Hàn lâm viện.
(8) Điện tiền chỉ huy sứ: Chức quan võ chỉ huy các sắc lính bảo vệ vua và kinh thành, cùng đội quân trực thuộc triều đình.
(9) Chức quan chỉ huy bảo vệ kinh thành đứng sau điện tiền chỉ huy sứ.
(10) Chữ Hán có nghĩa là: Giặc đến Bồ Đề.
(11) Chức quan hầu cận nội điện.