Chương 14: Vodka

Ba chàng ngốc

Đăng vào: 12 tháng trước

.

Alok trở về từ chuyến thăm nhà với vẻ phiền muộn cùng cực.

“Bố mẹ cậu sao rồi?” tôi hỏi, để ý thấy hôm nay cậu ấy im lặng khác thường, ăn ở Sasi mà chẳng buồn hỏi xem món đặc biệt trong ngày là gì.

“Thì vẫn là khốn khổ như mọi ngày thôi. Cuối tuần trước lại xảy thêm vụ động trời. Lại có một đám hợp với chị tớ lắm, nhưng nhà tớ chẳng ho ra nổi tiền xui. Thế nên, hoặc là nhà tớ phải từ chối, hoặc là phải ghi giấy nợ nhà họ, nghĩa là sau này khi tốt nghiệp rồi, tớ phải kiếm việc mà trả.”

“Nan giải nhỉ,” Ryan lên tiếng, khi vừa tỉnh cơn gà gật.

“Nhưng đấy là trách nhiệm của tớ, và tớ thương gia đình mình lắm. Tớ có coi nó là gánh nặng đâu,” Alok nói đầy u ám.

“Thế cậu định kiếm việc gì?” tôi hỏi.

“Việc gì cũng được miễn là trả lương cao nhất, tớ chẳng quan tâm,” Alok đáp.

“Vớ vẩn quá. Thế cậu không muốn làm việc mình thích hay sao?”

“Tớ thích tiền,” Alok đã ăn xong bữa. Cho tới khi cậu ấy có tiền, chỉ cần bánh parantha là đủ rồi.

Đã đến giữa học kỳ, và cứ thỉnh thoảng tôi lại nghĩ đến mục tiêu của mình – đạt điểm cao môn Kỹ Quản Công. Khi đã sang năm ba, mỗi cư dân IIT đều đã biết địa vị của mình. Chúng tôi là những kẻ năm phẩy đã bị đóng đinh vào chiếu dưới, nên chỉ có những kỳ vọng vừa phải vào điểm số, và không bao giờ bị thất vọng. Tuy nhiên, môn Kỹ Quản Công tôi lại muốn được A, một điểm chưa bao giờ hiện ra trong bảng tổng kết của tôi. “Cherian sẽ nhai sống cậu mất thôi. Dạo này cậu có ngủ mấy đâu. Cậu biết ông ấy chỉ cho hai đến ba đứa được A chứ hả?”

“Ừ, nhưng tớ phải cố hết sức thôi. Không chỉ là chuyện điểm số vớ vẩn, mà liên quan đến cả Neha nữa.”

“Thế những bài tập giao cậu đã được bao nhiêu điểm rồi?”

“Ba mươi ba trên bốn mươi. Cày như chó đấy.”

“Ừ, cậu cần tổng cộng tám mươi điểm thì mới mong được A.”

“Tớ biết, mà trong số đó thì vấn đáp đã là mười điểm, còn thi cuối kỳ là năm mươi.”

“Thế nên trừ phi cậu được tuyệt đối trong bài thi cuối kỳ, thì cậu mới được quyền thả lỏng bài vấn đáp.”

“Thì thế. Nên lần này tớ phải mắm môi mắm lợi cố thôi.” Chỉ nghĩ tới việc đó cũng khiến tôi bồn chồn một cách khổ sở.

“Sao phải xoắn, được B thì có chết ai.”

“Không Alok, phải là A, tớ muốn được A.”

“Tốt thôi. Chúc cậu may mắn,” Alok đáp, đúng lúc ông chủ quán Sasi mang thêm parantha ra bàn.

“Cô em của cậu sao rồi?” Ryan hỏi.

“Neha vẫn bình thường. Cô ấy vừa mới dẫn tớ tới chỗ anh trai cô ấy gặp tai nạn. Thế có kỳ không nhỉ?”

“Có thể cậu là người đặc biệt với cô ấy. Và chỗ ấy cũng có ý nghĩa đặc biệt,” Alok nhún vai.

“Béo đúng đấy. Cô ấy mê cậu lắm rồi đấy,” Ryan nói. “Thế anh trai cô ấy mất khi nào?”

“Khoảng ba năm trước. Chính xác là vào ngày 11 tháng Năm. Sau khi anh ấy đi chạy bộ thì gia đình nhận được một cú điện lúc giữa sáng, anh ấy bị xe lửa tuyến vòng cung cán phải.”

“Ôi, thật là hãn hữu,” Alok nói. “Tớ cứ tưởng chẳng còn ai đi tuyến xe ấy nữa.”

“Anh ấy có đi xe đấy đâu, Béo. Anh ấy chỉ bị nó cán thôi,” Ryan đính chính.

“Ừ, khiếp ra phết.” Tôi đảo mắt.

“Thế nhưng, ai lại đi chạy bộ vào một sáng tháng Năm nóng chảy mỡ cơ chứ?” Ryan tò mò.

“Cậu ngậm miệng đi. Người ta đã mất rồi mà còn trêu chọc,” tôi phản đối.

“Không, ý tớ không phải vậy. Mà là, này Béo, chuyến xe vòng cung đầu tiên chạy lúc mấy giờ nhỉ?”

“Tớ chẳng biết,” Alok còn bận ăn parantha và có vẻ hơi bực vì liên tục bị gọi là Béo.

“Tớ biết, hình như mười giờ thì phải. Sao chứ?” tôi nói.

“Cứ nghĩ mà xem, mười giờ sáng tháng Năm, phải nóng đến bốn chục độ, đổ lửa chứ ít gì. Ai mà chạy bộ lúc ấy?”

“Thì anh ấy đấy thôi. Nếu không thì đã chẳng chết, đúng không?” Alok khó chịu ra mặt. Cậu này có bao giờ chạy bộ đâu, nên không biết gì cũng phải.

“Thì biết là anh ấy chết. Nhưng mấu chốt ở đây là…” Ryan nói. “Mà thôi, quên đi.”

“Gì cơ? Tớ muốn biết,” tôi nói.

“Mấu chốt là, liệu có phải đó chỉ là một tai nạn đơn thuần?”

Vào buổi sáng hôm thi vấn đáp, tôi ngủ dậy đầu đau như búa bổ. Vẫn còn mấy tuần nữa mới tới buổi thi cuối kỳ, nhưng hôm nay mới là ngày định mệnh cho môn Kỹ Quản Công của tôi. “Cố nghĩ đi nào, cố ngủ đi nào,” tôi đã tự bảo mình cả triệu lần vào đêm hôm trước, nhưng chỉ vô ích.

“Trời, cậu nhìn thảm hại quá,” Ryan chào tôi trong toilet khi cả hai đứa đang cùng cạo râu.

“Có ngủ được mấy đâu. Chết tiệt, tớ lại sắp làm hỏng hết cơm cháo rồi đấy,” tôi vỗ nước lên mặt.

Ryan bóp tuýp kem cạo râu Gillette của cậu ấy, và đưa chiếc dao cạo râu cảm ứng lưỡi đôi lên. Bố mẹ cậu ấy đã gửi một loạt những thứ kỳ dị này cho con trai tút tát nhan sắc, cứ như thể con trai họ cần tút tát lắm không bằng! Sao thỉnh thoảng cậu ấy không bị mọc lên vài cái mụn như Alok chẳng hạn?

“Hari nghe này,” Ryan cạo những đường sạch gọn trên má, “cậu đã ôn điên đảo cho cái môn này rồi. Lần này mà cậu còn làm hỏng được nữa thì đúng là chẳng còn gì để nói. Chắc cậu biết rõ các câu trả lời nhất lớp rồi đấy.”

“Nhưng biết câu trả lời có phải là vấn đề của tớ đâu? Chưa kể đây lại là Cherian nữa, ngay bọn sinh viên bình thường còn phát run lên nữa là,” tôi đáp.

“Thấy chưa, ngay cả tớ còn chẳng đi thi vấn đáp môn lão ấy nữa. Nhưng nếu cậu ấy sợ đến mức ấy, thì tớ có cách này.”

“Cậu không đi á? Ryan, mười phần trăm đấy! Mà ông ấy sẽ phát điên lên nếu có đứa sinh viên nào bỏ thi vấn đáp môn mình đấy.”

“Tớ đã tự thề rằng phải hạn chế nhìn mặt lão già chết giẫm ấy hết mức có thể. Và mười phần trăm thì ăn ai cơ chứ, tớ có phải lấy lòng nhạc phụ đâu.”

“Tùy cậu. Tớ vẫn nghĩ là cậu nên đi. Mà cậu có cách gì cơ?”

“Không biết có làm được không.”

“Thì cứ nói đi, tớ bấn loạn lắm rồi đây.”

Ryan đưa khăn tắm lên lau mặt, mở một lọ nước hoa đắt cắt cổ của Mỹ, rồi xấp lên hai má một cách hào phóng.

“Vodka: lời giải cho mọi vấn đề.”

“Hả? Vodka? Tớ đang nói về thi vấn đáp, Ryan, có phải là tổ chức tiệc tùng đâu.”

“Tớ biết. Nhưng cậu có biết rằng vodka có khả năng khiến người ta dạn dĩ và nói nhiều hơn không? Ai mà biết được, chỉ cần một vài tợp, biết đâu lại hiệu quả với cậu.”

“Cậu điên à. Mười một giờ sáng đã thi rồi, uống gì giờ này…”

“Nếu cậu bị trứng ngỗng môn này, cậu nghĩ xem Neha có cửa nào giới thiệu cậu với ông bố không?”

Hình ảnh quả trứng với một con B hoặc C môn Kỹ Quản Công vụt bay qua đầu tôi. “Uống bao nhiêu thì đủ?”

“Vài ngụm thôi. Đây, trong tủ tớ có sẵn.”

Tôi đi theo Ryan vào phòng, giữa mớ quần áo đồ hiệu là nơi cậu ấy giấu cồn. Bên cạnh chai rượu là một xấp thư, toàn dán tem gửi từ Mỹ.

Ryan gót vodka vào một chiếc cốc thép, đầy một phần ba.

“Phong bì gì đây?” tôi hỏi.

“Chẳng gì cả. Đây một tợp… một, hai, ba,” Ryan nói.

Tôi chẳng tin rằng chồng thư này lại không có gì quan trọng. Ý tôi là, phải có đến trăm lá.

“Bố mẹ cậu gửi đúng không?” tôi đoán.

“Ừ. Đây, thêm một tợp nữa đi.”

“Cậu có chắc là không làm tớ quá chén chứ?”

“Không hề. Mà làm thêm một chén thứ ba nữa cho chắc đi. Đây tớ uống cùng cậu.”

Đoạn Ryan tham gia uống cùng tôi luôn. Những ngụm vodka trôi xuống như những quả cầu lửa, hâm nóng cái dạ dày trống rỗng của tôi, làm ruột gan cháy bỏng.

“Được rồi đấy, tớ đi gặp nhạc phụ nhé,” tôi hoan hỷ nói.

“Chúc may mắn Hari. Mà này, đừng kể cho Alok về những lá thư này nhé.”

“Kể gì cơ?” tôi nói. Tôi có biết thư đó là thư gì đâu, nên Ryan không dặn gì thì tôi cũng chẳng có gì mà kể.

“Chẳng có gì. Nhưng đừng kể nhé. Bố mẹ tớ tuần nào cũng viết thư, và hàng tháng đều gửi vài tấm séc. Có điều tớ chẳng phúc đáp bao giờ.”

“Vì sao thế?” Tôi đã đắm chìm trong cơn nóng trong người.

“Vì tớ ghét họ. Nói thật, tớ chả quan tâm cóc gì tới họ. Ý tớ là, họ cũng có quan tâm gì đến tớ đâu. Nên giả vờ mà làm gì?”

“Ryan, ba cái chuyện cậu cứ nhai đi nhai lại rằng cậu ghét bố mẹ cậu ấy, biết sao không?” rượu vodka đã lên tiếng hộ tôi.

“Ừ sao?”

“Tớ không nghĩ rằng cậu nói thật. Ý tớ là, thật làm sao được?” Tôi phớt lờ thái độ bực bội của Ryan lúc này. Tôi nghĩ sao nói vậy thôi. Với tất cả những chiếc dao cạo Gillette và nước hoa cạo râu họ gửi, làm sao cậu ấy lại không yêu họ cho được?

“Thật đấy. Cậu chỉ là một đứa trẻ con trong cuộc đời này, thôi đi thi đi.” Ryan châm một điếu thuốc. Khói thuốc bao giờ cũng khiến người ta trở nên thâm trầm hơn.

“Ừ thì tớ đi. Nhưng nếu điều ấy là thật, thì cậu còn giữ đống thư này làm gì?” Tôi nói rồi thoái lui.

Cherian đã ở trong lớp. Mười phút nữa là tới lượt tôi, tôi đang ngồi kế bên Alok.

“Ryan đâu?” cậu ấy thì thào, tay giở vở lia lịa. Alok bao giờ cũng ôn tập cho đến phút chót.

“Cậu ấy bỏ thi.”

“Hả? Điên à?” Alok lắc đầu.

“Cậu ấy bảo cóc quan tâm. Cũng như cậu ấy cóc quan tâm đến bố mẹ cậu ấy vậy.” Rõ ràng câu sau tuôn ra từ tợp vodka.

“Hari, cậu sao đấy? Sao lè nhè thế? Mùi gì đây… Gượm đã, cậu uống rượu đấy à?”

“Suỵt… im chứ. Chỉ một ít thôi. Ryan nói nó sẽ giúp tớ thả lỏng.”

“Một Ryan, hai Ryan, ba Ryan. Cậu có bao giờ tự nghĩ cho bản thân không hả?”

“Hari,” thầy Cherian gọi trước khi tôi kịp đáp Alok. Giây phút đã điểm, con A đầu tiên của tôi sẽ được định đoạt trong năm phút tới.

“Rồi, hệ thống Nhật Bản dùng trong sản xuất để giảm thiểu hàng tồn là gì?” Như thường lệ, thầy Cherian bắt đầu chẳng cần chào hỏi hay khách sáo. Chỉ có một giọng chắc nịch như từ một cái máy chui ra.

“Dạ chào thầy,” tôi nói.

“Chào Hari. Trả lời đi.” Đôi mắt thầy nhìn như một phiên bản trương phềnh của mắt Neha.

“Dạ chào thầy,” tôi lặp lại, để khởi động não.

“Được rồi Hari. Giờ thì xin mời em trả lời đi.”

“Thưa thầy, hệ thống giảm hàng tồn của Nhật…” tôi bắt đầu.

“Ừ chính nó đấy. Cậu có biết câu trả lời hay không nào?” Ông bắt đầu lớn giọng.

“Thưa thầy… thưa thầy…”

“Là VĐG, viết tắt của Vừa Đúng Giờ. Không thể tin nổi sinh viên thời nay không thể trả lời được ngay cả một câu đơn giản như vậy. Tiếp, sự khác biệt giữa sản xuất dây chuyền và sản xuất theo lô là gì?”

“Thưa thầy câu hỏi rất đơn giản ạ… thưa thầy… hức.”

“Cậu ăn nói cái kiểu gì thế? Lại còn mùi gì đây? Cậu say xỉn đấy à Hari? Trong lớp tôi mà cậu dám say xỉn à?”

“Dạ không thưa thầy, em biết câu trả lời ạ, thưa thầy,” tôi chống đỡ bấn loạn.

“Cậu say thật rồi. Sinh viên thời nay cả gan quá sức!” Thầy Cherian ném một viên phấn trúng ngực tôi, chỉ hơi hơi đau. Mặc dù say, nhưng tôi vẫn nhận thức được mọi chuyện đang không hề suôn sẻ. Tôi đã mở được miệng ra trong buổi vấn đáp này, nhưng lại chẳng nói được câu nào ra nghĩa.

“Thưa thầy,” tôi nói.

“Xéo ngay khỏi lớp. Xéo ngay.” Mặt thầy đỏ lựng, hai tập đập tập tài liệu xuống bàn.

Tôi nhặt vở lên rồi lết ra cửa, đúng lúc thầy Cherian tiến tới gần. Ông rút ra một chiếc bút đỏ và khoanh một vòng tròn lên tờ giấy thi của tôi, rồi khoanh thêm một khoanh nữa bên ngoài.

“Điểm không, cậu xứng đáng quá. Nếu cho được điểm âm thì tôi đã cho cậu rồi,” ông nói. “Và liệu hồn mà làm bài cuối kỳ cho tốt, không thì đừng hòng thoát khỏi tay tôi.”

Tôi im lặng. Uống tới ba tợp mà chỉ được một con ngỗng, có khác gì nếu tôi không uống đâu cơ chứ.

“Mẹ kiếp!” Ryan đập tay vào nhau khi nghe tôi kể lại ở Kumaon.

“Mẹ miếc gì? Ai bảo cậu gợi ý ra cách dở hơi thế?” Alok trách.

“Thì tớ cứ nghĩ sẽ hiệu quả, nhưng ai ngờ cậu ấy lại say,” Ryan nói. Cậu ấy đang nghịch quả bóng rổ, đập đập bóng lên tường.

“Cậu yên lặng được không?” Alok nói. “Giờ cậu định làm gì hả Hari?”

“Làm gì được cơ chứ? Mất A là cái chắc rồi. Và giờ Cherian lại đinh ninh tớ là một đứa nát rượu. Thật quá xứng làm rể ông ấy.” Tôi đưa hai tay lên che mặt.

Thình, thình, thình. Ryan im lặng, nhưng lại liên tục đập bóng lên tường.

“Thôi đi,” Alok cướp lấy quả bóng. “Hãy nói gì tử tế xem nào!”

“Alok!” Có tiếng bác bảo vệ từ dưới nhà gọi vọng lên.

“Alok có điện!” bác bảo vệ hét lớn.

“Chắc nhà gọi rồi,” Alok nói. “Đi thôi Hari, giờ bàn tán về Kỹ Quản Công cũng chẳng ích gì.”

Tôi đi xuống cùng Alok, chỉ để tránh không phải nói chuyện ấy nữa.

“Mẹ à, mẹ khỏe không? Vâng, con biết lâu rồi con chưa về,” Alok nói trên điện thoại.

“Hả? Chị đã có người đính hôn? À, ý mẹ là nhà trai đã ưng rồi hả,” giọng Alok phấn chấn lên hẳn.

“Vâng, con vui quá ạ, bố thế nào rồi ạ… vâng con biết… tất nhiên con sẽ chi trả hết một khi kiếm được việc mẹ à… vâng, mẹ phải đi vay tiền làm hồi…”

Tuy chỉ nghe được một nửa cuộc hội thoại, nhưng tôi đã đoán được gần hết những gì đã xảy ra. Bố mẹ Alok cuối cùng cũng thu xếp gả cưới được con gái. Sau này cậu ấy giải thích kỹ hơn, nhà trai thách quà hồi môn một chiếc xe Maruti, và chịu hoãn cho tới khi Alok tốt nghiệp và kiếm được việc. Lúc đó đám cưới mới diễn ra, nhưng ít nhất thỏa thuận cũng đã đạt được.

“Chúc mừng nhé, chị cậu sắp cưới rồi. Nhà cậu hẳn hân hoan lắm nhỉ? Hay là buồn vì con gái sắp phải đi?” tôi hỏi Alok sau khi cậu ấy đặt điện thoại xuống.

“Họ thở phào thì có. Tớ chỉ ước sẽ kiếm được một việc lương đủ cao để trả cho cái mối chết tiệt này. Ngoài cái xe, còn phải lo tiệc tùng nữa chứ.”

“Thế sao nhà cậu không đợi thư thư rồi hãy gả chị ấy đi? Sao phải vội thế?”

“Thì càng già, người ta càng thách nhiều đồ hồi môn chứ sao. Đợi bây giờ thì sau này có mà đắt chết. Thôi thảo thuận được bây giờ là tốt lắm rồi.”

Nghe cứ như một món nợ tín dụng. Nếu bạn không trả bây giờ thì sau này nó sẽ trương lên. Thế nên việc họ thở phào cũng không có gì là khó hiểu.

“Thế chú rể làm nghề gì?” tôi hỏi.

“À, chẳng biết, tớ quên không hỏi,” Alok đáp.

Vài tuần sau, chúng tôi ngồi trong căn tin ăn tối, tôi nhớ là thứ Năm thì phải, vì hôm đó thực đơn gồm các món “quốc tế”. Trên thực tế, đó chỉ là cái cớ để nhân viên nhà bếp không phải nấu thức ăn tử tế cho chúng tôi. Thực đơn nghe rõ kêu – mì, khoai tây rán, bánh mì và xúp. Tất cả đều dở tệ. Nhà bếp nấu mì bằng keo siêu dính hay sao ấy – các sợi dính chặt vào thành từng búi nặng khiếp trên chiếc chảo ăn to khủng bố. Khoai tây rán thì nguội ngắt, một nửa còn sống sượng, nửa kia lại cháy đen đến mức ăn như ăn than. Nước xúp nấm nhìn không khác gì nước ao đục, chỉ ấm và mặn hơn tí chút.

“Chín quá mèn ơi,” Alok nói, bó mì trên dĩa cậu ấy kiên quyết không chịu rời nhau ra. “Tớ đã bảo mình ra ngoài ăn đi mà.”

“Ai mà biết nó chán thế này. Lại sắp hết học kỳ rồi, tớ cháy túi luôn rồi.”

“Ừ nhỉ,” Alok nói. “Phải bắt đầu ôn thi cuối kỳ thôi. Còn chưa đến chục ngày.”

“Ừ, mà giờ thì tớ cũng chả quan tâm nữa. Sau đợt thi hỏng Kỹ Quản Công, tớ chẳng còn thiết tha gì ngoài việc đủ điểm vượt rào.”

“Ryan, tớ nghĩ cậu nên tập trung vào ôn Kỹ Quản Công đi. Cherian đã không ưa vụ cậu bỏ thi vấn đáp rồi. Lần điểm danh rồi, ông ấy nhếch mép cười khi đọc tên cậu đấy.”

“Tớ biết rồi,” Ryan vứt miếng khoai tây xuống đĩa với thái độ ghê tởm. “Tổng điểm trắc nghiệm của tớ được có mười sáu trên bốn mươi, và trứng ngỗng phần vấn đáp. Cần hai mươi tư điểm trên năm mươi trong bài thi cuối kỳ để vượt rào.”

“Không dễ nhai đâu đấy,” tôi chỉ ra điều hiển nhiên.

“Cùng lắm là trượt chứ gì, thì sao nào?” Ryan vừa nói vừa húp thử xúp. Chẳng quan tâm đến lịch với sự, cậu ấy phun lại hết xúp từ miệng xuống bát.

“Cherian sẽ bắt cậu thi lại đấy, là môn chính mà,” Alok nói. “Giống như phải húp lại đống xúp cậu vừa nôn ra ấy.”

“Mẹ kiếp,” Ryan nói. Tôi không rõ câu cảm thán này dành cho đồ ăn hôm nay, hay cho khả năng phải thi lại môn của Cherian.

“Mèn ơi, giá như tớ có được một con A, thì cuối cùng tớ cũng chiếm được Neha…” tôi nói.

“Tớ nghĩ mình vẫn còn cách,” Ryan nói.

“Gì nữa? Uống cho say để quên Neha đi à?” tôi trêu.

“Không. Nếu cậu đạt điểm tuyệt đối bài cuối kỳ, thì vẫn có cơ hội đúng không?”

“Tớ giờ mới có ba mươi ba trên bốn mươi, mà để đạt A cần tám mươi. Bài cuối kỳ là năm mươi điểm. Làm sao mà đạt được những bốn mươi bảy trên năm mươi cơ chứ?”

“Chẳng có cửa nào đâu. Ryan, đừng quấy cậu ấy nữa. Đã sôi hỏng bỏng không rồi.”

“Hỏng là hỏng thế nào, hai chiến hữu, đừng bao giờ nghĩ thế. Nếu tớ tuyên bố rằng cậu sẽ đạt tuyệt đối trong bài thi này, cậu có tin tớ không?”

“Điên vừa thôi. Tớ sẽ phải cày hai chục tiếng một ngày chỉ cho riêng môn này, và nhiều khả năng là sẽ không được đâu. Đề thầy Cherian ra bao giờ cũng toàn câu bất ngờ. Thôi hỏng hết rồi…” tôi ca cẩm.

“Thế nếu cậu biết trước câu hỏi thì sao?” Ryan hỏi.

“Nếu gì mà nếu? Ryan, cậu mơ ngủ à?” Alok nói.

“Không, ai mơ hả Béo. Tớ đang tìm cách giúp bằng hữu thôi. Tớ nghĩ mình có thể biết trước đề bài.”

“Bằng cách nào?” Tôi bắt đầu bị hút vào.

“Bằng cách lẻn vào phòng lão ấy,” Ryan đáp.

Cả Alok và tôi phải lịm người đi đến cả một phút tròn thì mới tiêu hóa nổi sự điên rồ của ý tưởng này, cùng với đám thức ăn tệ hại.

“Ý cậu là ăn cắp đề á? Ăn cắp đề thi từ một giáo sư IIT? Ý cậu là vậy?” Alok lên tiếng.

“Đừng có làm nó trở nên quá kịch tính như thế chứ. Có gì to tát…”

“Cậu chập mạch à? Nói ngay đi, cậu chập mạch à?” Alok đứng dậy bước luôn ra khỏi căng tin. Tôi cũng đi theo, đầu lởn vởn nghĩ về cuộc chạm trán sắp tới với Neha, đặc biệt là nghĩ cách để không phải nhắc đến cuộc chạm trán vừa qua với vị nhạc phụ thân thương.